*






AI LAO – SÔNG NÚI CHÂN TÌNH

 

 THÍCH ĐỒNG VĂN

 

Mỗi chuyến đi đều có mỗi nhân duyên khác biệt. Chuyến đi Ai Lao lần nầy của ba huynh đệ: tôi, thầy Hạnh Giới và chú Hạnh Tuệ cũng có nhân duyên thật là đặc biệt. Thông thường chương trình của Thượng Tọa Phương Trượng được sắp đặt trước một năm, năm nay chúng tôi sang Úc với Thượng Toạ thời gian ba tháng, từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1 năm 2004. Chuyến đi nầy sẽ ghé Bồ đề Đạo tràng, vì thương quý thầy cô học tăng Việt nam, sinh viên trường Đại học Delhi, Thượng Toạ sang thăm Ấn độ mỗi năm một lần, để quý vị có cơ duyên được gần gũi, được nghe những lời huấn từ của Thượng Toạ và được tu tập bù lại phần lớn thời gian sống đời lưu học sinh, không chùa, phải ở ký túc xá sinh viên hoặc ở nhà trọ.

 

Cũng trong năm nầy, Đức Đạt Lai Lạt Ma gửi thiệp cung thỉnh Thượng Tọa tham dự và đọc tham luận tại hội thảo lớn tại Tibet House, thủ đô New Delhi với sự hiện diện của nhiều tôn giáo và có mặt nhiều chính khách lớn trên thế giới, tổ chức vào ngày 6 tháng 10 đến ngày 8 tháng 10. Thế là có một chuyến đi vòng quanh thế giới xuất phát từ Đức đi Bồ đề Đạo tràng, rồi đến New Delhi trước khi qua Úc thời gian hơn bốn tháng dài.

 

Gần ngày lên đường, một trang thư khác từ chùa Bàng Long, Ai Lao gửi sang cung thỉnh Thượng Toạ quang lâm chứng minh lễ an trí xá lợi cố Hòa Thượng Viện chủ chùa Hoa Nghiêm, Pháp quốc vừa thị tịch. Môn đồ pháp quyến có ý nguyện cung thỉnh xá lợi Ngài về Ai Lao an trí ở chùa Bàng Long, nơi mà trước năm 1975, cố Hòa thượng hoằng pháp độ sanh. Bây giờ, vẫn còn đó là ngôi chùa Bàng Long to lớn do hai sư cô Đàm Ngọc, Đàm Quy đệ tử của Hòa Thượng đảm nhận trụ trì. Hai sư cô mong ước Phật tử chùa Bàng Long được một lần chiêm ngưỡng Thượng Toạ Phượng Trượng, Người đã dành cho hai sư cô thuận duyên để sang chùa Viên Giác an cư kiết hạ đến hai lần.

 

Dù thương hai sư cô đang làm Phật sự ở nơi xứ Lào xa xôi, và dù lúc nào cũng ghi nhớ thâm tình của cố Hòa Thượng dành cho Thượng Tọa thời gian xây dựng ngôi chùa Viên Giác ở Đức nhưng không sao hứa khả lời cung thỉnh của hai sư cô được. Thượng Tọa chỉ dạy ba chúng tôi lên đường sớm hơn dự định để sang Ai lao dự lễ và giúp hai sư cô những gì có thể giúp được. Chuyến đi ngoài dự tính sung sướng vô cùng. Sung sướng thứ nhất là được dự lễ hồi quy Phật quốc, (vì nước Lào cũng được xem là xứ Phật) của Giác Linh Hòa Thượng Trung Quán, người chúng tôi hằng cung kính ngưỡng mộ sự tu hành và phiên dịch kinh điển. Sung sướng thứ hai là được đặt chân đến đất nước phía bên Tây Trường Sơn. Sung sướng thứ ba là được thăm chùa Bàng Long, thăm hai sư cô mà trước đây tôi hứa sẽ có một lần dừng chân ở thượng nguồn sông Cửu.

 

 

 

 

 

 

 

Khi nhân viên hãng Hàng Không Thái Lan cho biết còn 15 phút nữa, phi cơ đáp xuống phi trường Quốc Tế Viên-chăn, và yêu cầu hành khách buộc dây an toàn, tôi nhìn ra bên ngoài cửa kính chỉ thấy một màu sương trắng ngà bao phủ. Chiếc phi cơ nhồi lên nhồi xuống liên tục. Trong tôi, bỗng hiện lên ý nghĩ phía bên tây trường sơn, nơi người xưa cho rằng đi dễ khó về, chỉ cần một sai lệch nhỏ của phi công thôi, chúng tôi sẽ thành người đi không bao giờ trở lại. Cho đến khi, ánh nắng chiếu dần vào khung cửa xua tan từng lớp sương mờ, nhìn xuống bên dưới tôi thấy dòng sông Mê kông ngoằn ngoèo như một con trăn khổng lồ bò trên thảm cỏ xanh, đẹp vô cùng. Làng mạc, nhà cửa, chùa tháp hiện dần trong mắt tôi một bức tranh mộc mạc dễ thương. Phía bên kia là Việt nam quê hương tôi. Hai đất nước chung một dãy núi, chung một dòng sông. Dãy núi nầy, dòng sông nầy là quê hương, nhưng trong không gian nầy vẫn sơn đó, vẫn thủy đó mà không phải là quê hương!

 

Chiếc phi cơ đảo quanh một vòng rồi hạ cánh nhẹ nhàng xuống phi trường. Hành khách xuống đất bằng cầu thang và lên xe buýt vào khu nhà chính, để làm những thủ tục nhập cảnh xứ Lào. Nhân viên Cảnh sát và Hải quan của Lào với những bộ đồng phục màu xanh lá cây, tôi nghĩ những ai là người Việt nam đến Lào đầu tiên như tôi, chắc không khỏi ngỡ rằng mình đang về nước, qua một cửa khẩu nào đó, mà nhân viên là những người sống xa miền duyên hải. Không có gì khó khăn khi qua cửa khẩu. Tất cả đều vui vẻ nhẹ nhàng! Gương mặt kia và ánh mắt kia dường như lúc nào cũng lóng lánh nụ cười hiền hòa mến khách, mong chiếm nhiều thiện cảm của du khách ngay khi đặt chân xuống phi trường.

 

Phi trường Lào không rực rỡ như Osaka giàu sang của nước Nhât, không hiện đại như Frankfrut tân tiến ở Âu châu, không to lớn như NewYork ở Mỹ, mà chỉ vỏn vẹn ba chiếc phi cơ, một của hãng Hàng không Lào, một của Thái và một của Việt Nam, nhưng dường như Viên chăn vẫn tự hào rằng mình có điều gì đó đã thu hút được những du khách đến từ khắp nơi. Viên chăn, người Trung Hoa phiên âm thành Vạn Tượng, một tên gọi nghe không chỉ giàu sang mà còn hùng mạnh. Chữ Vạn là con số mười ngàn và Tượng nghĩa là Voi. Con số mười ngàn thớt voi đâu thể là ít. Vạn Tượng vừa là sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của đất nước nằm ở bên tây dãy Trường sơn, vừa là sức mạnh của ngàn voi, sức mạnh của một loại phương tiện chuyên chở khi khoa học chưa phát minh ra máy móc động cơ. Trong kinh Phật, có một vị Bồ tát rất gần gũi với chúng ta tên là Phổ Hiền, sử dụng đến sức mạnh của bạch tượng làm phương tiện cứu độ chúng sanh. Một thớt bạch tượng hiện thân một phân thân Bồ tát Phổ Hiền, một vạn thớt bạch tượng hiện thân mười ngàn phân thân, và như thế hàng vạn thớt bạch tượng là hàng vạn phân thân của Bồ tát Phổ Hiền đến với chúng sanh. Hay là Ai Lao - khoảng không gian chạy dài nằm giữa dãy Trường sơn hùng vĩ và dòng sông Mê kông đục màu phù sa là một trong những đạo tràng của Bồ tát Phổ Hiên đang hành đạo ở thế giới chúng ta.

 

Rồi ra khỏi phi trường, gặp quý thầy từ Việt nam lên Bàng Long trước một hôm, gặp sư cô Đàm Ngọc trụ trì chùa Bàng Long, niềm vui, tiếng cười, tiếng hỏi chào làm rộn cả không gian vốn yên lặng của phi trường. Người Lào cũng nhìn chúng tôi như những người đến từ thế giới xa lạ, có lẽ vì chiếc áo nâu sồng đơn sơ và rất giản dị, khác với tấm y vàng sậm trên vai quý sư. Đón chúng tôi, hai sư cô chuẩn bị đến ba xe con, thế mà cả ba xe đều đầy người trên con đường không xa mấy để trở về chùa.

 

          Câu thơ “Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội  cũ, Áo màu xanh không xanh thẳm rừng hoang” của Thượng Toạ Thị Ngạn, một nhà thơ vừa thi sĩ vừa tu sĩ, sinh ra nơi xứ Lào bỗng hiện lên trong tôi khi tôi đến nơi nầy. Đôi mắt ướt có lẽ không phải vì buồn khóc, không phải vì mừng vui, mà đôi mắt ướt của hữu tình dường như trong tâm chứa đầy năng lượng từ ái bao dung. Đôi mắt của thiên thần chưa từng sa đoạ, đôi mắt của Bồ tát yêu đời vì đời là môi trường thích hợp, để thực hiện những hoài bão thiêng liêng mầu nhiệm của mình. Tôi bỗng thấy đôi mắt ấy ở nơi nầy, ở Bàng Long, ở phố thị đơn giản của thủ đô Vạn Tượng, ở những ngôi chùa Lào to lớn mênh mông, ở bờ bên nầy của dòng sông Mê kông, mà bên kia là thành phố Thái giàu sang sung túc. Và tôi thấy khung trời hội cũ cũng là đây. Còn nơi nào bình yên hơn xứ sở của chùa tháp, những ngôi chùa mái cong cao nằm giữa rừng cây xanh lá sum sê, và thấp thoáng qua lại là những chiếc y vàng thanh thoát trang nghiêm. Đường phố tuy cũng san sát những ngôi nhà gạch nhưng thật là giản đơn. Phương tiện giao thông vẫn xe hơi, xe máy, xe đạp thông thường nhưng còn một cái gì lắng dịu và yên tĩnh của tự nhiên. Không gian thành phố chưa bị ngộp trong tiếng ồn như Bangkok của Thái Lan, như Hongkong và như Sài gòn náo nhiệt. Tất cả đều an tịnh, mà sức an tịnh ấy đến ngút ngàn được khởi lên từ một tâm hồn thuần chất và trinh nguyên. Sắc màu Viên chăn là những gam màu dịu dàng đơn giản trong trang phục của những cô gái Lào chỉ một màu sẫm nhạt, của những chiếc áo dài tay nhẹ nhàng và của những chiếc váy một màu nâu nhẹ dài phủ gót. Dường như những cái gọi là model thời thượng của Bangkok, của Hongkong, Sài gòn vẫn chưa qua khỏi dòng sông Mê kông để xâm nhập vào xứ nầy. Vài hiệu buôn của người bản xứ mở cửa nhưng chỉ là sự bán buôn thông lệ mà thôi. Có lẽ trong chợ mới là nơi gặp gỡ của kẻ bán người mua.

 

Ngày đầu tiên sư cô Đàm Ngọc đưa đi thăm nhiều ngôi chùa Lớn ở Viên Chăn, đặc biệt được hầu thăm Vua Sãi, vị lãnh đạo tâm linh của tăng già và Phật tử Ai Lao ở một ngôi chùa lớn tại Trung tâm thủ đô. Sư cô thật là người khéo ngoại giao. Vị lãnh đạo nào cũng vậy dù cho là sự lãnh đạo tâm linh, việc hạn chế tiếp khách là điều tất nhiên, thế mà chúng tôi được diện kiến ngài. Khác với đức Đạt Lai Lạt Ma của Phật giáo Tây Tạng, Vua Sãi chỉ là vị tăng vương nhưng Ngài cũng chỉ xuất hiện vào những dịp lễ hội lớn của tăng đoàn mà thôi. Trong một căn phòng nho nhỏ ấm cúng, khoác chiếc y vàng sẫm của truyền thống Lào, Ngài như một vầng hào quang sáng ngời từ ngàn xưa còn lưu lại. Tuy là người Lào nhưng Vua Sãi có phong thái Ấn độ Aryan nhiều hơn. Nhìn ngài tôi cứ ngỡ đang diện kiến một vị tăng nhân Ấn độ xa xưa, đã có hơn một lần chinh phục những lý thuyết ngoại đạo trên bình nguyên Ấn Hà rộng lớn bao la. Ngài trông uy nghiêm và uy nghiêm hơn khi chúng tôi quỳ xuống bên ngài xin được chụp ảnh lưu niệm chung với ngài. Chiếc máy ảnh chớp nháy liên tục khi chúng tôi lần lượt từng người quỳ bên chân ngài. Chúng tôi như những người con xa trở về với người cha hiền, để nhận lấy những ân điển từ bi cha dành cho con. Chiều ấy, trời mưa nhè nhẹ khi phái đoàn về chùa Bàng Long. Thiên thần Ai Lao chào đón chúng tôi bằng những giọt nước cam lồ tươi mát, để nghe trong tim một nỗi niềm xao xuyến dâng trào khi đến xứ nầy.

 

Nếu từ đất Ấn linh thiêng, Phật giáo khởi sinh, thì hôm nay không ai không biết nơi suối nguồn khởi nguyên ấy đã khô rồi dòng suối ngọt ngào năm xưa, chỉ còn lại là những dấu tích một thời vàng son của đại đế Asoka, dựng trụ đá, xây tháp miếu và kiết tập kinh điển, chỉ còn lại trơ gan cùng tuế nguyệt nền móng lâu đài hùng vĩ của Đại học Nalanda, một thời nêu danh kim cổ, chỉ còn lại những động đá vô tình ghi dấu mỹ thuật một thời Phật giáo chiếm lĩnh văn đàn văn hoá dân tộc Aryan hùng cường. Xa nguồn con nước mới làm tròn bổn phận chuyển tải phù sa cho đời, Phật giáo rời quê cha vận sức tùy duyên mà cảm hoá các dân tộc láng giềng và hôm nay giáo lý ấy đã đáp xuống phi trường văn hóa Tây phương.

 

Nếu hai ngàn năm trước, đến đất Việt Phật giáo đã chuyển mình để trở thành bảo vật trân quý của con Rồng, cháu Lạc, thì gia bảo nầy ngày nay được mang theo bên mình khi người con Việt chấp nhận sống đời tha phương. Bàng Long chính là một trong những bảo vật ấy của người con Việt sống ở bên kia dãy Trường sơn, có dòng sông Cửu hiền hoà dễ thương. Toạ lạc ngay điểm tương giao của phong thủy có dòng sông Cửu như một con rồng cuộn mình dấu trong dãy Trường sơn xanh thẳm như một hang động khổng lồ, Bàng Long như một con rồng ẩn dật trong tận hang sâu. Đã nhiều đời trụ trì đến Bàng Long hành Phật sự rồi lên đường nhưng sự thật không ai phủ nhận là ai đến lưu trú ở Bàng Long đều làm nên sự nghiệp.

 

Nhiều đời trụ trì góp tâm góp sức xây dựng Bàng Long thật bề thế trang nghiêm. Ngôi Đại Hùng Bảo Điện cao ngút trời xanh, như hình dáng đầu của một con rồng trong tư thế chuẩn bị phóng lên không trung. Hai ngôi nhà tăng ở hai bên không kém phần tiện nghi. Một bảo tháp mang dáng vóc mỹ thuật Phật giáo địa phương như sự kết hợp hài hòa của hai Văn Hóa Việt Lào, tôn trí xá lợi của Phật và các tôn tượng Phật, Bồ tát, và chư vị Thanh Văn do cố Hòa Thượng đích thân tạo đắp. Trước tháp là tôn tượng Bồ tát Bạch Y Quan Thế Âm cao hơn bảy mét thật uy nghiêm do tự tay cố Hòa Thượng tạo và sau nầy cố Thượng Toạ Minh Phát, chùa Ấn Quang, Sài gòn phát tâm tu chỉnh lại.

 

Thưở sanh tiền, cố Hòa Thượng Trung Quán lập hạnh nguyện nơi nào ngài đến nơi đó là phạm vũ trang nghiêm, chỗ nào ngài ở chỗ đó là đạo tràng tu học và phiên dịch kinh điển. Bàng Long ngày hôm nay còn rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng xi măng tuy không sắc sảo về nghệ thuật nhưng bên trong chứa đựng trọn vẹn tâm nguyện chân thành của cố Hòa Thượng. Có lẽ vì thế mà Bàng Long được vinh dự lưu giữ xá lợi của ngài. Tăng ni người Việt ở Hải ngoại, không ai không biết đến công đức suốt thời gian hơn 60 năm đúc chuông, tạo tượng, lập chùa, dịch kinh, dạy chúng, độ người của ngài. Công đức ấy trở thành pháp thân nhiệm mầu mãi mãi tồn tại thật không thể nghĩ lường. Cho đến bao giờ còn lo đến việc chùa việc Phật, cho đến khi đó vẫn còn thọ hưởng ân điển nầy từ Ngài. Và ai đến và trang trải tâm nguyện yêu thương ở Bàng Long một lần thôi cũng có thể tung bay lên trời xanh giải thoát, vì Bàng Long là nơi rồng thiêng chuẩn bị cất cánh bay cao.

 

          Nghi thức cung đón xá lợi cố Hòa Thượng vào hai ngày 6 và 7 tháng 09 năm 2003 do  Đại đức Thích Đồng Văn, và Đại Đức Thích Thường Chiếu điều hành. Phần một tổ chức trong ngày đầu theo nghi thức truyền thống Phật giáo Đại thừa của Việt Nam, và phần hai vào ngày thứ hai theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy ở Lào. Không khí ngày đầu tiên thiền vị thuần tuý Việt nam, như những đại lễ ở Huế và Sài gòn. 9 giờ 30 sáng ba hồi chuông trống bát nhã ngân lên, chư tăng ni môn đồ pháp quyến tay nâng khay lễ nghi ngút hương trầm thành tâm phụng thỉnh xá lợi cố Hòa Thượng đăng lâm tổ đường và cung đón phái đoàn môn đồ pháp quyến từ Âu châu về chốn Tổ. Hôm ấy, ban nghi lễ gồm có Đại Đức Thích Đồng Văn, Đại Đức Thích Trí Thông, Đại Đức Thích Nguyên Thành, Đại Đức Thích Hạnh Giới, Đại Đức Thích Minh Đạt và chư tăng ni trong các nghi thức cúng Ngọ Phật, cúng Tổ và cúng Chẩn tế Cô hồn. Dù không cùng chất giọng của một địa phương và cũng không cùng một phong thái thiền gia, nhưng những âm điệu đậm đà của Hà nội, của Hà Nam, Ninh Bình, Huế, Bình Định, Nha trang, Sài gòn hòa với nhau nghe như vừa trầm bỗng, vừa du dương, vừa thanh thoát, vừa thực tế, như gieo vào tâm thức của những người con Việt, sống nơi tha phương những hương liệu giải thoát khắp ba miền đất Việt. Sân chùa chìm lắng trong tiếng kinh, tiếng mõ. Thời gian như ngừng lại và mọi vật lặng yên như để lắng nghe bài tiểu sử của cố Hòa Thượng do Đại Đức Thường Chiếu tuyên đọc.

 

Hôm sau là lễ cúng dường trai tăng theo truyền thống Ai Lao. Bàng Long như ngày hội lớn. Sân chùa từ sáng sớm đã rộn ràng khách thập phương. Từng đoàn người mang vật phẩm cúng dường vân tập về chùa, và yên lặng thành kính chờ trong Chánh Điện. Xướng ngôn viên làm việc cả hai ngôn ngữ Việt-Lào xướng lên liên tục để điều hành Phật sự trong khuôn viên chùa. Hai sư cô Đàm Ngọc, Đàm Quy thiết soạn ba chiếc giường nho nhỏ xinh xinh đủ một người nằm, và trên gường đầy đủ những đồ dùng của một vị xuất gia, cúng dường lên ba vị sư cả ở ba ngôi chùa lớn tại thủ đô Viên Chăn. Lần đầu tiên, tôi được biết một buổi lễ cúng dường trang trọng theo truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ như thế. Vật dụng của một vị tăng từ ba y, bình bát, thuốc men, mền, gối, dép, gậy, có cả nồi cơm điện, bình nấu nước bằng điện, khay trầu, có lẽ vì các sư Lào ăn trầu, ống nhổ, dù, áo mưa, bút, giấy v.v….nhiều lắm có đủ trên giường. Có lẽ trị giá mỗi cái giường như vậy lên đến mấy trăm đô. Sau lễ trai tăng, ba chiếc giường nầy được Phật tử khiêng thẳng đến chùa của những vị sư ấy, kèm với lễ nhạc và niềm vui sướng hân hoan của Phật tử đưa tiễn như một đám rước thần ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có hàng trăm pháp y, đồ vật dụng, thực phẩm v.v.. được mang vào trong chánh điện chất cao như núi vật phẩm trước Phật, Tôi nghĩ chắc Phật cũng mĩm cười vui vẻ chứng minh cho hàng đệ tử của ngài hôm nay được nhờ ân đức tu hành trong ba a tăng kỳ kiếp mà thọ nhận sự cúng dường của tín thí đàn na.

 

Hơn 8 giờ sáng, chư tăng Lào ở các chùa trong thủ đô quang lâm đến Bàng Long. Có vị đi bộ, có vị đi bằng xe đưa đón. Tất cả phân ban an tọa trong chánh điện. Ban tổ chức phân phối cho mọi người một cái bình bát, một chai nước trong, không phải để uống mà để làm lễ hồi hướng công đức. Phần nghi thức tụng kinh bằng tiếng Pali và tiếng Lào được một vi Thượng Tọa đặc trách nghi lễ cử lên và điều hành nghi thức cúng dường bằng tiếng Lào. Sau đó, chư tăng Việt Nam thọ trì một thời kinh bằng tiếng Viêt. Kinh Bát Nhã, bài kinh được xem như tinh yếu của Phật giáo Đại thừa được cất lên và hơn hai phần ba phật tử hiện diện trong chánh điện là người Lào gốc Việt hòa theo. Lời kinh vang lên thật hùng tráng như đại nguyện đại từ đại bi của Bồ tát Quan thế Âm ban phát cho đời.

 

Đối diện với những người Phật tử thuần tín Tam Bảo ở nơi nầy, trong tôi khởi lên ý niệm có lẽ ai đã đến Ai Lao tiếp xúc với người Lào, cũng phải công nhận người Lào hiền hậu dễ thương như tôi đã nói ở trên, nhưng hơn thế nữa, có một cái gì đó đẹp làm sao! Cái đẹp ở đây không chỉ ở dáng đi thon thả, với chiếc xà rông xinh xinh, với mái tóc huyền dịu, với màu da ngâm đen của núi rừng cao nguyên, mà là nét đẹp ẩn hiện trong niềm kính Phật trọng Tăng, cái đẹp của một bức tranh trên đó có thiên thần cung kính trước hình ảnh thanh thoát từ bi của đức Phật. Dáng quỳ trên hai chân, hai tay dâng bát cơm cúng dường còn gì đẹp hơn! Và được tô thêm bằng màu y vàng của từng đoàn chư tăng thong thả từng bước chân giải thoát nhưng uy nghiêm như tượng vương oai hùng hạ sơn, dừng lại đôi phút yên lặng mĩm cười, thọ nhận sự cúng dường trang trọng, rồi thong thả từng bước từng bước, bước đi.

 

Sân chùa Bàng Long theo tôi rộng mênh mông nhưng không đủ chỗ để làm sáng lên, làm đẹp lên bằng hình ảnh đoàn chư tăng thong thả từng bước chân khất thực xung quanh sân chùa. Thật tiếc làm sao! Ban tổ chức phải sắp xếp những vật dụng như bao, túi, đồ đựng thức ăn khô, đồ đựng cơm thật lớn để tiếp nhận đồ cúng dường. Bên trong chánh điện hai sư cô Đàm Ngọc, Đàm Quy và môn đồ pháp quyến đảnh lễ dâng y cúng dường chư tăng, trước khi Phật tử trở lại chánh điện để hồi hướng công đức. Là người xuất gia ai cũng biết Khất thực là một trong những hạnh nguyện của đức Phật khi ngài còn tại thế. Một trong những ý nghĩa của hai chữ Tỳ kheo là Khất sĩ nghĩa là người đi xin. Trước là xin giáo pháp của chư Phật, sau là xin cơm của tín thí đàn na. Thế nhưng, chính tôi có lần gặp một vị khất sĩ và rất ngạc nhiên khi thầy ấy cho tôi biết rằng thầy phát nguyện đi xin nghiệp lực của chúng sanh, hẳn nhiên là bất thiện nghiệp. Tôi nghe có cái gì ớn lạnh trong thân. Một tu sĩ vào đời để lãnh nghiệp cho chúng sanh! Cao cả thay! Hùng dũng thay!

 

Ngày nay, ở nước tôi hình ảnh vị tăng đi khất thực không còn nữa bởi nhiều lý do không hay cho lắm! Thật là buồn khi chính Giáo Hội Phật Giáo phải ra thông tư đình chỉ việc khất thực để bảo vệ danh dự của tăng đoàn nhất là tăng đoàn của hệ phái Khất sĩ và Phật giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam.

 

Đã có nhiều cơ duyên tôi thực hành hạnh khất thực của Phật, dù tu theo truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam.

 

 Lần khất thực đầu tiên, tôi cùng với Đại Đức Hạnh Tấn trên con đường hơn 200 cây số từ Varanasi về Bồ đề Đạo tràng. Khất thực trước những người ngoại đạo thật không phải là điều thuận duyên, nhưng may mắn chúng tôi cũng nhận được tuy không nhiều nhưng đậm đà từ những tấm lòng quý mến chúng tôi của những người Ấn nghèo khổ. Có hôm, chỉ nhận vỏn vẹn ba nắm gạo rang, thế mà Đại Đức Hạnh Tấn cho rằng đó là cơm của cõi trời Hương Tích. Có khi chỉ nhận vài ba trái chuối vừa chín tới, nhưng tận sâu trong tâm thức của tôi khởi lên sự cảm niệm thâm sâu. Có lần, chỉ nhận hai ly sữa của một gia đình nghèo thật nghèo, tôi chứng kiến Đại Đức Hạnh Tấn hồi hướng trọn vẹn tâm đạo trang nghiêm qua câu mật chú. Thấy và nghe họ lập đi lập lại ba lần câu mật chú do Đại Đức truyền trao, tôi bỗng thấy có một năng lượng nhiệm mầu hiện hữu trước tôi, và tôi tin rằng nhờ năng lượng ấy vợ chồng nghèo kia sẽ vượt qua những khó khăn của gia cảnh trong hiện tại.

 

 Lần khất thực thứ hai của tôi ở tại Bangkok, thủ đô của Vương quốc Thái thuần tuý Phật giáo. Từng bước nhẹ nhàng đi theo một Sa di vào trong phố thị của người Trung Hoa sống trên đất Thái, dù không phải là phố Hoa ở Sài gòn nhưng cảm giác trong tôi tuy hai mà một. Cảm giác nầy của tôi có được ngay khi tôi bước vào chùa Phổ Phước, ngôi chùa chúng tôi trú trong thời gian ở Bangkok. Là một trong những ngôi chùa theo truyền thống Việt nam, từ thời Vua Gia Long sang lánh nạn ở Thái lan, hơn 200 năm qua, chùa có nhiều đời tổ sư người Việt sang hoằng pháp, nhưng cho đến gần đây vì vấn đề bang giao không còn như xưa nữa, những vị tu sĩ trông nom những ngôi chùa nầy được thay dần bằng chư tăng người Thái hoặc người Thái gốc Hoa. Hòa Thượng Cảnh Chiếu trụ trì chùa Phổ Phước, một người Thái gốc Hoa, đệ tử của một vị tăng người Việt, có thể nói được ba ngôn ngữ Thái, Hoa và Việt, tu theo Phật giáo Việt Nam, giữ đúng truyền thống đắp y phục, tụng kinh, niệm Phật, nghi lễ v.v..của chư tổ sư, ngay cả việc ăn chay. Dù cố gắng lưu giữ truyền thống Phât Giáo Việt Nam do thầy tổ để lại, nhưng đệ tử của ngài đa số là người Thái chỉ phát nguyện xuất gia đoản kỳ nghĩa là không phải tu suốt đời như ở Việt nam cho nên chùa trở thành môi trường giáo dục đạo đức mà thôi. Gần đây, Hòa Thượng xây dựng một tòa lầu cao đến bảy tầng làm Phật Học Viện có khoảng 150 chú Sa Di và tân Tỳ Kheo tu học, nhưng vấn đề ẩm thực của đại chúng dựa trên sự cúng dường của tín thí đàn na. Hằng ngày vào mỗi buổi sáng từng đoàn Sa di, và tân Tỳ kheo bủa ra khắp phố để đi thọ nhận vật phẩm cúng dường. Về lại chùa, những đồ cúng nhiều vô kể ấy được phân đều cho tất cả đại chúng trong tinh thần lợi hòa đồng quân của sáu pháp hòa trong thiền môn. Bởi thế, một buổi sáng khất thực ở Thái, với tôi không còn giới hạn trong ý nghĩa khất thực mà phải nói đúng hơn là đi nhận thức ăn về cho đại chúng. Thực phẩm cúng dường nhiều quá, nhiều đến nỗi tôi không thể nào mang hết nào là cơm, là canh, là nước ngọt, là nước tương, nước mắn, cá kho, thịt quay, trứng v.v… Hôm ấy hai cánh tay tôi rả rời vì bình bát tôi mang không có dây đeo trên cổ như những bình bát khác.

 

 Lần thứ ba khất thực của tôi ở thủ đô Viên chăn. Phải nói rằng đây là lần thù thắng nhất trong ba lần khất thực. Khoác những chiếc áo tràng nâu, nhựt bình nâu, đắp y vàng bên ngoài, chúng tôi sang ngôi chùa Lào gần Bàng Long. Vị Thượng Toạ trụ trì chùa hoan hỷ hướng dẫn đoàn chư tăng Việt nam vào thành khất thực. Thanh thoát như đức Thế Tôn thị hiện, người ung dung tự tại trong bộ y vàng và bình bát đeo ngang vai. Ngài đi trước chúng tôi thứ tự xếp thành hàng một đi theo. Tất cả đều chân không, tất cả đều im lặng, một sự im lặng trang nghiêm khởi lên từ tàng thức hân hoan. Tôi nghe từng hơi thở nhẹ nhàng, nhẹ nhàng chuyển động từ buồng phổi qua tim lên đầu rồi lần theo sống mũi đi ra, đi vào. Ngài dừng lại, lưng hơi cúi xuống, thọ nhận một nắm xôi của một bà cụ già. Đến lượt tôi cũng dừng lại, giống như ngài tôi cúi xuống thọ nhận một nắm xôi nho nhỏ bà cụ kính cẩn đặt vào bát của tôi. Thế gian nầy còn gì đẹp hơn cao quý hơn. Tôi niệm thầm “Tài Pháp nhị thí, đẳng vô sai biệt, đàn ba la mật, cụ túc viên mãn” sau khi thọ nhận vật phẩm cúng dường. Tôi bước đi, lòng hướng về Phật, về Bồ tát Quan Thế Âm tôi thầm nguyện:

 

 Kính bạch chư Phật, chư Bồ tát

 

 Nhờ hồng ân chư Phật, con được hiện diện hôm nay trên đường phố Viên chăn, có những người Phật tử Lào, Phật tử Việt hiền hậu dễ thương nầy, con xin phát nguyện đem hình ảnh giải thoát của Ngài đến với tất cả, và mong rằng nhờ phước báo qua sự phát tâm cúng dường, lòng họ được thanh thản, cuộc sống của gia đình họ được an khang và tâm của họ luôn hướng về Tam Bảo tu hành để rồi ngày càng gần hơn với đạo. Con đi khất thực vì Pháp chứ không phải vì thức ăn.

 

 Chúng tôi không thể dừng chân ở xứ Lào hơn ba ngày, vì còn nhiều nơi phải đi. Dù trong thâm tâm ai cũng muốn ở lại Hai sư cô mong muốn chúng tôi ở lại Bàng Long lâu hơn, nhưng không thể được. Đã nhiều lần tôi chia tay người thân, lạy chào sư ông, chia tay huynh đệ để bắt đầu những chuyến đi dài, nhưng chưa lần nào in đậm trong tôi hơn lần chia tay nầy. Chùa Bàng Long vẫn còn đông người dự hội, chư tăng đang dùng ngọ trai. Tôi đảnh lễ Vua Sãi ba lễ, ngài ngồi yên chắp tay nhận lãnh tất cả tấm lòng chí thành chí kính của tôi dâng lên ngài. Tiếp theo tôi đãnh lễ vị Thượng Tọa điều hành pháp hội, ngài ban cho tôi một bình bát thật mới và bảo rằng để làm kỷ niệm nhớ sông núi chân tình Ai Lao, tôi quay sang đảnh lễ chư tăng và vái chào tạm biệt quý Phật tử Việt Lào hiền hoà quý mến, tôi bỗng thấy có đôi mắt nhiệm mầu sâu thẳm yêu thương. Quý sư cô đưa tôi ra xe và tôi hẹn ngày trở lại trong lưu luyến ngậm ngùi.

 

 Ai Lao sông núi chân tình, vẫn còn đó trong tôi những hình ảnh không thể nào quên. Hình ảnh Vua Sãi đức độ từ bi, hình ảnh chư tăng Lào trang nghiêm thanh thoát, hình ảnh ngôi chùa Bàng Long nguy nga hùng dũng, hình ảnh quý sư cô chân tình hiếu khách, hình ảnh Phật tử dễ thương. Tất cả in đậm trong tàng thức của tôi như những hạt giống trân quý, mong rằng không bao lâu nữa trên con đường hành Phật sự, những hạt giống nầy sẽ đủ duyên trở thành những cội cây cao vợi với tàng che to lớn che mát cho tất cả những tâm hồn cần nơi nương tựa.

 

thích đồng văn