Tứ Tuyệt Lý Bạch


Chương 2

Một phong cách độc đáo trong tứ tuyệt


 

Đời Đường sở dĩ được coi là thời đại cực thịnh của thi ca cổ điển Trung Quốc một phần cũng vì nó tập trung được nhiều chưa từng có những giọng điệu thơ đầy màu sắc riêng biệt. Như Cao Bỉnh (Minh) điểm qua : "... Từ Thần Long trở đi cho đến đầu Khai Nguyên có Trần Tử Ngang cổ kính, trang nhã, Lý Cự Sơn văn chương già dặn ... Khoảng Khai Nguyên, Thiên Bảo có Lý Bạch phiêu dật, Đỗ Phủ trầm hùng, Mạnh Hạo Nhiên thanh nhã, Vương Duy tinh tế, Chử Quang Hy thẳng thắn, hồn nhiên, Vương Xương Linh trong trẻo, Cao Thích, Sầm Tham bi tráng, Lý Hân, Thường Kiến siêu phàm..." [ Sđd 77:66 ]. Bấy nhiêu nhà thơ lớn, mỗi người một kiểu sáng tác, và họ đều làm tứ tuyệt nhưng không phải ai cũng tạo lập được một phong cách riêng trong mảng thơ này. Như Mạnh Hạo Nhiên là một nhà thơ lớn mà chính Lý Bạch cũng từng khâm phục, nhưng chỉ đọc tứ tuyệt của ông thôi thì chưa đủ để hình dung được thế nào là một Mạnh Hạo Nhiên trong tứ tuyệt. Có thể nói, trước Lý Bạch, người ta đã viết nhiều bài tứ tuyêt hay, nhưng đó hầu hết là những sáng tác lẻ tẻ, chưa có một cây bút nào đủ bản lĩnh để vạch ra một con đường riêng độc đáo mà nhất quán trong tứ tuyệt. Vì vậy, đóng góp quan trọng bậc nhất của Lý Bạch ở đây là ông không chỉ để lại một mảng thơ phong phú cả về số lượng lẫn nội dung mà còn xác lập được vững vàng một phong cách riêng trong tứ tuyệt.

[Sẽ là rất thiếu hụt nếu đánh giá Đỗ Phủ chỉ qua thơ tứ tuyệt của ông, mặc dù vị "thi thánh" này cũng để lại một số lượng khá lớn (139 bài thơ) tứ tuyệt.]

Nhưng nếu chỉ đọc TTLB thôi, người ta đã có thể hình dung được khá đầy đủ một tâm hồn và nhân cách thơ vĩ đại. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là TTLB đã bao quát được toàn bộ mọi vấn đề của thơ Lý Bạch. Ranh giới giữa phong cách thơ Lý Bạch nói chung và phong cách TTLB nói riêng tuy có nhiều điểm gặp gỡ nhưng không hoàn toàn trùng khít. Như chương 1, luận án đã cố gắng nhấn mạnh tính độc lập và khác biệt tương đối của TTLB so với thơ khác thể của ông. Có những điểm cá tính sáng tạo của Lý Bạch thể hiện tập trung hơn trong tứ tuyệt và ngược lại. ở đây, do phạm vi của luận án, chúng tôi chỉ đề cậ(p tới những nét nổi bật trong phong cách thơ Lý Bạch thể hiện ở tứ tuyệt.

2.1 Cái " Tôi - cá nhân , cá tính" :

Mặc dù Lý Bạch và Đỗ Phủ có địa vị ngang nhau trên thi đàn, nhưng nhà nghiên cứu Stephen Owen lại cho rằng : sau này, người ta đã mô phỏng thơ Đỗ nhiều hơn thơ Lý. Giải thích hiện tượng này, ông Owen đã rất lưu ý đến vấn đề cái Tôi trong thơ Lý Bạch :

"... thiên tài của Đỗ Phủ dường như bằng cách này hay cách khác có thể bắt chước được hơn của Lý Bạch. Lý do căn bản khiến các nhà thơ trẻ không theo mẫu của Lý Bạch là vì nghệ thuật của Lý Bạch hoàn toàn tự nhiên, không thể nắm bắt được và hầu như được truyền đến một cách thần tiên. Nhưng nguyên nhân thực sự khiến người ta không thể bắt chước được Lý Bạch là vì thơ ca Lý Bạch trước hết liên quan tới chính ông. Mục đích của nó là nhằm thể hiện một nhân cách đơn nhất, qua các nhân vật trong thơ cũng như qua người sáng tạo được ám chỉ đằng sau bài thơ. Việc bắt chước tất yếu phải thất bại vì nó mâu thuẫn với chính các lý do tồn tại của kiểu văn phong này. " [104:110].

Có thể thấy rằng không chỉ giới học giả phương Tây như Stephen Owen quan tâm đến cái Tôi trong thơ Lý Bạch mà ở Việt Nam hay Trung Quốc, khi nói về sáng tác của Lý Bạch, người ta bao giờ cũng nhấn mạnh đến nó như một nội dung chủ đạo, xuyên suốt. Cho nên khi bàn về sự khác nhau giữa Lý Bạch - Đỗ Phủ, tác giả của "Trung Hoa văn hoá sử" đã xem việc biểu hiện cái "Tôi cá tính" là đặc trưng hàng đầu của thơ Lý Bạch :

"Khác với Lý Bạch thiên về biểu hiện "cái Tôi cá tính", Đỗ Phủ lại có khuynh hướng khẳng định "cái Tôi xã hội" ..."  [117:601]

Cũng cần phải nói rằng ngay từ xa xưa, người ta đã có quan niệm "Thi dĩ ngôn chí". "Nói chí" là một cách khẳng định cái Tôi. Thơ ca cổ điển Trung Quốc có xu hướng khách quan hóa, "vô ngã", "phá ngã", thực ra là để giải phóng cái Tôi ra khỏi giới hạn của không gian, thời gian, cá nhân cụ thể, đem cho nó một sức sống trường cửu. Nhu cầu khẳng định cái Tôi luôn luôn là ý tưởng xuyên suốt các thời kỳ thơ ca. Cho nên mới xuất hiện đầy rẫy những bài thơ đại ngôn, kể từ Khuất Nguyên, Lý - Đỗ... đến các nhà thơ hậu thế, dù vĩ đại hay vô danh cũng đều thích lấy những cái phi thường, ngoài chuẩn để ngầm ví với mình (núi cao, phượng hoàng, đại bàng, cá kình, cuồng khách, anh hùng...), dựng lên một cái Tôi cô đơn, vĩ đại, nghênh ngang trong trời đất. Xét từ góc độ ấy, việc Lý Bạch đề cao cái Tôi trong thơ ông chưa phải là một nội dung hoàn toàn mới mẻ. Lý Bạch độc đáo chính là ở chỗ ông dám phá bỏ cái Tôi tinh thần, lý tưởng vẫn ngự trị trong thơ ca truyền thống, thay vào đó một hình tượng con người đầy cá tính, đơn nhất - là chính Lý Bạch. Với sự thể hiện cao độ cái "Tôi cá nhân", Lý Bạch đã vạch ra con đường sáng tạo chưa từng có mà Lý Dương Băng, người cùng thời với ông đã phải khâm phục thốt lên "Đơn độc đi suốt nghìn năm, duy chỉ có ông" ("Thiên tải độc bộ, duy công nhất nhân" - "Thảo đường thi tập"). Không giống như nhiều nhà thơ khác phải ép mình vào những hình mẫu chung chung để vay mượn sinh mệnh trường cửu, Lý Bạch đã để cho cái Tôi cá nhân ngạo nghễ thách đố thời gian và ông đã thắng !

[Dấu ấn cá nhân và cá tính tràn ngập trong TTLB làm thành một nét phong cách đặc trưng.]

2.1.1 Để bộc lộ cái Tôi thì những thể thơ dài, tự do thường chiếm ưu thế hơn vì nó cho phép diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc, diễn biến tâm lý, hành động... Có lẽ vì thế mà giới nghiên cứu phương Tây khi đặc biệt đề cao cái "Tôi cá nhân, cá tính" của Lý Bạch đã dồn sự chú ý vào mảng thơ cổ phong, nhạc phủ (trường thiên) mà ít nhắc tới ( TTLB. Nhưng thực ra, ở chừng mực nhất định, TTLB lại thể hiện một cái "Tôi cá nhân" có lẽ còn đầy đủ và sinh động hơn cả trong nhạc phủ, cổ phong của ông nữa. Sở dĩ như vậy vì Lý Bạch đã khám phá và khai thác được khả năng "ký sự trữ tình" của tứ tuyệt. Tứ tuyệt ngắn nên nhanh, có thể chộp tả nhiều tình thiết sinh hoạt, tâm lý bất chợt lóe lên trong đời sống, ký họa chân dung "cái Tôi" từ nhiều góc độ sinh động (điều này thơ trường thiên khó theo kịp). Chưa bao giờ tứ tuyệt lại gắn với đời sống sinh hoạt của một cá nhân nhiều như ở TTLB. Tứ tuyệt thời Nam - Bắc triều đa phần sưu tập từ trong dân gian, do vậy mà lời của cái Tôi ít nhiều thường là phát ngôn là của một "dàn đồng ca" (chữ dùng của Bakhtin) hơn là của một cá nhân. Tứ tuyệt Sơ Đường lại càng ít quan tâm đến những vấn đề sinh hoạt đời tư. Riêng đến TTLB thì có thể nói rằng chỉ đọc tên các bài thơ thôi cũng thấy đầy những tên người, tên đất và các tình huống đời thường gắn với riêng Lý Bạch:"Tống Khư Lương huề nhị kỹ phó Hội Kê hí hữu thủ tặng" ("Tiễn Khư Lương mang hai kỹ nữ đến Hội Kê vui chơi, có bài thơ tặng"), "Tống ngoại sanh Trịnh Quán tòng quân", "Văn Vương Xương Linh tả thiên Long Tiêu dao hữu thử ký" ("Nghe tin Vương Xương Linh bị biếm trích về Long Tiêu, từ nơi xa có bài thơ này gửi tặng"), "Đáp Hồ Châu Gia Diệp tư mã vấn Bạch thị hà nhân" ("Trả lời quan tư mã Gia Diệp ở Hồ Châu hỏi Bạch là ai")... Thậm chí Lý Bạch có bài tứ tuyệt tên dài gấp rưỡi cả bài thơ, ghi lại chi tiết tình huống sáng tác ( :"Bạch vi thời mộ huyện tiểu lại, nhân lệnh ngọa nội, thường khu ngưu kinh đường, lệnh thê nô, tương gia cật trách, Bạch cức dĩ thi tạ vân" ("Bạch thời hàn vi đến chỗ quan huyện, quan nằm trong nhà, thường xua trâu làm ồn công đường, quan bà giận trách mắng, Bạch lập tức làm thơ đối đáp"). Không chỉ tên bài có xu hướng cụ thể hóa mà ngay trong nội dung TTLB cũng đầy những chi tiết riêng tư, về phản ánh sinh hoạt còn nhiều hơn cả trong thơ trường thiên của ông. Đọc toàn bộ TTLB, có thể hình dung được khá rõ cuộc sống của Lý Bạch, những miền đất mà ông qua, những con người ông gặp gỡ quen biết hay khâm phục... thấy được sở thích của ông, cá tính thông minh và ngang ngạnh, tưởng tượng ra khi ông say rượu, cười đùa, nhận quà, tặng thơ hay khóc bạn,... Tứ tuyệt của ông như một dạng nhật ký trữ tình, ghi lại những cảm xúc và sự kiện hàng ngày mà ông chợt hứng khởi, lưu tâm. Có thể nói Lý Bạch hầu như là người đầu tiên khai thác vai trò này của tứ tuyệt. Đọc tuyệt cú Sơ Đường như của Vương Bột, Thẩm - Tống, cho đến Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên..., thấy cái tôi tư tưởng, triết nhân hay cái tôi tâm lý - xã hội luôn lấn lướt con người cá thể, riêng tư của chính nhà thơ. Khó có thể biết được trong đời thật họ làm gì, sống ra sao, thích cái gì... Còn với Lý Bạch thì khác. Ông không ngần ngại ra mặt xưng Tôi hoặc xưng tên trực tiếp trong nhiều bài tứ tuyệt của mình - điều mà các nhà thơ khách rất tránh. Ông viết những câu thơ làm người ta kinh ngạc vì nó quá tự nhiên và quá thật :

- " Kim nhật trúc lâm yến,

Ngã gia hiền đãi lang ..."

("Bồi thị lang thúc du Động Đình túy hậu" - bài 1)

(Hôm nay yến tiệc trong rừng trúc

Nhà ta trân trọng đãi mời anh...)

- "Ngô ái Đồng Quan lạc

Thiên niên vị nghĩ hoàn ..." (Đồng Quan sơn túy hậu tuyệt cú)

( Ta yêu thú vui ở Đồng Quan

Ngàn năm chưa nghĩ đến chuyện về ...)

-"Tạc dạ Lương viên lý

Đệ hàn, huynh bất tri..." (Đối tuyết hiến tòng huynh Ngu Thành Tế)

( Đêm qua ở vườn Lương

Em lạnh, anh chẳng biết ...)

.......................

Nếu đặt những câu thơ như trên vào giữa mấy vạn bài thơ Đường, sẽ thấy nó lập thành một giọng điệu riêng biệt. Thơ Đường trọng "hư", "viễn", thích thời gian quá khứ, không gian vũ trụ, mọi biểu hiện tình cảm đều được gợi tả kín đáo, gián tiếp. Cảm nhận về thế giới thơ Đường, tác giả của "Thi nhân Việt Nam" đã hình dung đó là :"Một thứ im lặng dày đặc. Trong ấy có muôn ngàn thứ tiếng ta không nghe... ở đây người ta nói rất khẽ, bước rất êm... Một sức mạnh vô hình, rất mềm mại nhưng rất chắc chắn đè lên hết thẩy. Tình trong mộng." [80:269]. Có thể nói rằng Lý Bạch đã hồn nhiên gạt bỏ sức nặng vô hình thống trị thơ ca thời đại ông với sự đột phá của một cái Tôi thẳng thắn, đầy tính cách và tự hào được phô bày nó. Đỗ Phủ được đánh giá là có công đưa cái "Thực" vào trong tứ tuyệt. Nhưng riêng về phản ánh cá tính thì TTLB lại sinh động và thực hơn hẳn thơ Đỗ. Dường như Lý Bạch là người đánh thức cái Tôi riêng tư bấy lâu vẫn rụt rè nép kính và cho nó một mảnh đất thích hợp để ra mắt, đó là tứ tuyệt. Cho nên sau Lý Bạch, có hiện tượng nhiều nhà thơ khi viết về đề tài xã hội, triết lý thế sự thì thích dùng cổ thể thi (trường thiên), luật thi... còn khi viết về mình, cho mình, tức sự, mạn hứng... thì lại đặc biệt dùng nhiều tứ tuyệt. Trường hợp Bạch Cư Dị là một ví dụ tiêu biểu, thơ "Tân nhạc phủ" của ông, phê phán hiện thực, chẳng có bài nào là tuyệt cú. Ngược lại, khi ông rút về "độc thiên kỳ thân" thì thơ tuyệt cú lại chiếm số lượng hết sức nhiều, như là một thể loại ưa thích nhất để bộc lộ cái Tôi.

Nói Lý Bạch đã phát hiện ra khả năng ký sự trữ tình của tứ tuyệt không có nghĩa là ông đã thu hẹp phạm vi phản ánh của thể thơ này. TTLB dám đưa ra những chi tiết sinh hoạt đời tư, bộc lộ trực tiếp cá tính. Nhưng nếu chỉ thế thì nó đơn giản là "mới" chứ chưa chắc đã "hay". Thành công xuất sắc của Lý Bạch ở đây là ông đã khắc họa được một cái Tôi bản lĩnh phi thường mà khát khao giải phóng cá nhân của nó đã vượt khỏi phạm vi riêng tư, chạm tới vấn đề của con người muôn thủa.

2.1.2. Mười mấy thế kỷ sau, ở Việt Nam, phong trào "Thơ Mới" tưởng như đã đảo lộn cả nền nếp sáng tác xưa cũ bằng chủ trương đổi mới thi ca. Nhưng bản chất của cái "Mới" ấy là gì? Tác giả của "Thi nhân Việt Nam" trả lời :"Cái khát vọng cởi trói cho thi ca chỉ là cái khát vọng nói rõ những điều kín nhiệm, u uất, cái khát vọng được thành thực" [80:19]. Cái Tôi cá nhân xuất hiện trên thi đàn Việt Nam ở thế kỷ hai mươi đó còn là một sự sửng sốt, lạ lùng :

"Ngày thứ nhất - ... chữ Tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo quan niệm chưa từng có ở xứ này :quan niệm cá nhân... Bởi vậy, cho nên khi chữ "Tôi " với cái nghĩa tuyệt đối của nó, xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam, bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu..." [80:53].

Những vần thơ tình cuồng nhiệt của Xuân Diệu, thơ Tiên của Lưu Trọng Lư, thơ Điên của Hàn Mặc Tử, thơ Say của Vũ Hoàng Chương... đều được xem là táo bạo trong việc thể hiện khát vọng giải phóng cá nhân. Nhưng hơn một nghìn năm trước thì TTLB đã ít nhiều đề cập đến một số khía cạnh của những vấn đề ấy rồi. Mặc dù do khác biệt về thời đại, bối cảnh xã hội..., bản chất của cái Tôi trữ tình không hoàn toàn giống, nhưng khát khao giải phóng và tự bộc lộ thì rất gần gũi. Khi bình luận về Lý - Đỗ, người ta nói rằng thơ Đỗ Phủ có cái lực của Đất, níu kéo người ta đi sâu hút vào muôn nghìn cảnh đời đau khổ và những lo âu thế sự nhân sinh. Thơ Lý Bạch lại có lực của Trời, đưa con người bay bổng lên bầu trời tự do và khát vọng. Nói như Bì Nhật Hưu thì nó "...lời nói ra ngoài trời đất, ý tứ ra ngoài sự biểu hiện của quỉ thần, đọc lên ắt thần chạy bát cực, đo lường ắt tâm mơ bốn biển, lỗi lỗi lạc lạc, quả thực không phải là tiếng nói ( của trần gian..." [Sđd 13:379]. Sở dĩ thơ Lý Bạch gây được ấn tượng như vậy, một phần quan trọng vì nó đã thể hiện - như chưa bao giờ có - một cái Tôi khao khát tự do, vượt ra ngoài mọi luật lệ trong đời và trong thơ. Cảm hứng phiêu dật trong TTLB chính là cảm hứng của cá nhân khi cảm thấy mình được giải phóng. Thơ ông cảnh bao la phóng túng đã đành, mà con người cũng bất chấp mọi qui tắc lễ giáo ràng buộc. Ông thích tả những hiệp khách, đạo sĩ vì họ sống tự do, không tuân thủ theo lối mòn sáo của các tập tục và lễ nghi xã hội. Ông ca tụng một Sơn công say khướt, loạng choạng lên ngựa làm trẻ con ở Tương Dương nhìn cười đứt ruột. ("Tương Dương khúc" bài 4). Ông tả những cô gái đẹp với đôi chân mà người Trung Quốc vẫn ngại ngần bó kín, che giấu thì giờ lộ ra trần trụi, trắng muốt như sương ("Việt nữ từ"). Chàng thanh niên quí tộc trong thơ ông làm quen với mỹ nhân theo kiểu ngạo nghễ lạ lùng : lấy roi ngựa phất thẳng vào xe của nàng. Còn mỹ nhân, đáp lại lối bày tỏ tình cảm ấy cũng theo cách cực kỳ phóng túng :

"...Mỹ nhân nhất tiếu, khiên châu bạc

Dao chỉ hồng lâu thị thiếp gia". ("Mạch thượng tặng mỹ nhân")

(...Người đẹp cười, kéo rèm châu nhìn ra

Trỏ phía xa, lầu hồng chính là nhà thiếp)

Các nhân vật nữ trong thơ ông mạnh dạn, sử dụng vẻ e lệ như một thủ thuật để hấp dẫn phái mày râu. Ông tả cô thiếu nữ hái hoa sen, thấy người lạ thì quay thuyền đi, nhưng lại vừa đi vừa hát, trốn vào khóm hoa "vờ xấu hổ không ra" ("dương tu bất xuất lai") để dụ dẫn, gây chú ý ("Việt nữ từ" bài 3)... Con người trong TTLB không biết sợ và không ngượng chính vì nó đầy bản lĩnh, ý thức về cá nhân và sống đúng bản chất hồn nhiên của mình - nó là một biến thân của Lý Bạch.

Khi viết về chính mình, Lý Bạch lại càng cuồng phóng hơn. Tứ tuyệt của ông miêu tả những mơ ước và cử chỉ lạ lùng, hoàn toàn trái ngược với những phép tắc xã hội. Nhìn một cây đại thụ khổng lồ, ông muốn được khản rỗng nó thành chén rượu để uống như sông biển, say không thôi chưa đủ mà phải say ngã lăn, nghiêng ngửa ở cửa nhà bạn mới thích ("Vịnh sơn tôn"). Khăn đầu và mũ là những thứ mà các nhà nho chăm chút giữ cho chỉnh tề, uy nghiêm hơn cả thì trong tứ tuyệt của ông đã hơn một lần bị lột ra, quẳng đi vì nó làm ông vướng víu ("Lỗ trung đô đông lâu túy khởi tác", "Hạ nhật sơn trung", "Cửu nhật Long sơn ẩm"...). Ông làm những vần thơ rơi mũ và về kẻ triều thần bị trục xuất bằng một giọng thơ thanh thoát vui vẻ như không màng chút tục lụy :

"... Túy khan phong lạc mạo

Vũ ái nguyệt lưu nhân ... " (Cửu nhật Long sơn ẩm)

(Say ngắm mũ rơi trong gió

Múa yêu trăng lưu chân người)/

Khuất Nguyên là nhà thơ Trung Hoa đầu tiên đã ý thức về cái Tôi của mình phi thường, lạc lõng giữa thời đại để từ đó viết lên một "Ly tao" bất hủ. Về mặt đó thì Lý Bạch đã gặp gỡ Khuất Nguyên, ông cũng viết những vần thơ về cái Tôi cô đơn và cao ngạo. Nhưng nếu Khuất Nguyên tự miêu tả như một "người xinh", hết sức trau chuốt, chỉnh đốn diện mạo, y phuc theo đúng phép tắc :"Mũ ta đội xốc cho cao ngất, áo xiêm ta buông thật dịu dàng... áo như thế thói đời chẳng mặc, Ta cứ theo phép tắc người xưa..." (Ly tao), thì Lý Bạch, ngược lại, bày tỏ cái Tôi của mình như một sự phá vỡ luật lệ, ngang nhiên, phóng túng. Bi kịch của Khuất Nguyên không chỉ nằm trong sự va đập với xã hội mà còn ở bản thân cái Tôi : vừa ý thức mạnh mẽ về cá nhân, lại vừa muốn cống hiến trọn vẹn nó cho xã hội, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo mà trong đó cái Tôi cá nhân thường bị xem nhẹ và đè nén. Cho nên kết cục bế tắc của "Ly tao" là tất yếu và cái Tôi của Khuất Nguyên luôn trĩu nặng buồn đau, giằng xé. Lý Bạch khác Khuất Nguyên ở chỗ ông không chỉ tự ý thức về cái Tôi như một nhân cách cao cả, phi thường mà còn chú trọng đến nó như một cá nhân đầy khát vọng được giải phóng. Vì vậy mà nếu Khuất Nguyên đau khổ vì cô đơn, cảm thấy mình như người đẹp bị bỏ rơi thì Lý Bạch lại làm nhiều bài thơ ca ngợi và tự hào về sự đơn độc của mình ("Độc tọa Kính Đình sơn", "Khuyết đề" 2 bài, "Sơn trung vấn đáp"...). TTLB không phải không có những bài nói lên tâm sự u buồn, cô lẻ, nhưng điều đáng lưu ý là Lý Bạch không bao giờ hối tiếc, băn khoăn vì mình khác với đời. Sức ép của dư luận xã hội rất nặng nề, gây bao dằn vặt, đau khổ cho cái Tôi của Khuất Nguyên, đến Lý Bạch không hề được đếm xỉa đến. Ông đã đi đến tột cùng của ý thức giải phóng cá nhân và cái Tôi của ông không chịu ràng buộc bởi bất kỳ cái gì ngoài khát vọng của chính nó. Viết về Lý Bạch, nhà nghiên cứu phương Tây Stephen Owen đã phải nhận xét :

"... Đây là một nhà thơ làm kinh ngạc độc giả của mình và cưỡng bức suy nghĩ của họ về luật thơ và sự đúng mực. Các nhà thơ luôn tự hào khi viết những dòng thơ "gây kinh ngạc" cũng như độc giả luôn thích thú vì được ngạc nhiên, song sự thú vị ấy diễn ra bên trong cái ranh giới đã được định sẵn của thị hiếu... Nhưng Lý Bạch đã bước ra ngoài ranh giới đó và tìm được những độc giả yêu thích sự ngạo ngược ấy của ông... Lý Bạch đã tự đẩy lùi lại rất xa ranh giới của sự đúng mực, ông cũng thấy rằng mình phải không được câu nệ bất kỳ điều gì dù lớn lao đến đâu để đạt tới cái "kỳ" mà nó đã trở thành nhãn hiệu đặc trưng của ông...".[104:111]

[TTLB khuôn khổ hết sức nhỏ bé, lại khắc họa được hình tượng một cái Tôi hết sức kỳ vĩ, một phần quan trọng vì nó đã thể hiện sắc nét nhất sự phá lệ độc đáo đó của Lý Bạch - cả trong đời lẫn trong thơ.]

Có điều thơ Lý Bạch không phá lệ chỉ để tỏ ra khác người. Nói như Stephen Owen, cho rằng Lý Bạch không câu nệ điều gì để xây dựng cái "kỳ" như một nhãn hiệu đặc trưng - có lẽ vẫn chưa gần với bản chất của Lý Bạch. Thơ ông là tuyên ngôn trút bỏ mọi ràng buộc để sống trung thực với cái Tôi bản thể, tự nhiên. Người đời kinh ngạc và không theo ông được ở chỗ khi họ phải đấu tranh dai dẳng và dằn vặt đến thế để giải phóng cái Tôi cá nhân thì ông lại tự nhiên, thanh thản bước ra ngoài mọi câu thúc của phép tắc xã hội. Theo cách đó, ông đã độc đáo như chính bản chất của mình chứ không cần đến một sự lập dị hình thức. Sống giữa xã hội phong kiến lễ giáo nặng nề, ông hồn nhiên và vui vẻ viết một loạt bài tứ tuyệt tả cảnh ông đi chơi với kỹ nữ ("Xuất kỹ Kim Lăng tử trình Lư Lục tứ thủ", Tống Khư Lương huề nhị kỹ phó Hội Kê hí hữu thử tặng"...). Ông làm thơ tặng riêng cả kỹ nữ và cái con người chẳng biết sợ trời, sợ đất, cười giễu cả công hầu khanh tướng kia lại băn khoăn không biết làm sao cầu được mối thân tình với nàng ca nữ đó ("Tặng Đoạn Thất Nương"). Bạn đến chơi, ông uống rượu say, buồn ngủ, bèn làm thơ bảo thẳng:

"...Ngã túy dục miên, khanh thả khứ,

Minh triêu hữu ý bão cầm lai."

("Sơn trung dữ u nhân đối chước")

(...Tôi say muốn ngủ, anh hãy về đi,

Sớm mai có ý với nhau hãy ôm đàn đến)

Cách cư xử với khách mà xã hội cho là khiếm nhã, thất lễ quá quắt đó, với ông lại là biểu hiện của tình tri kỷ sâu sắc đến mức có thể quên cả nghi thức xã giao. Và khi những nhà nho phong kiến cố sức "khắc kỷ phục lễ", "chiếu trải không thẳng không ngồi"... , thì trong một ngày hè nóng nực, giữa thanh thiên bạch nhật, ông thoải mái... cởi trần truồng ra nằm hóng gió, lại còn ngang nhiên ghi lại "sự kiện" đó trong thơ :

" Lãn dao bạch vũ phiến,

Lõa thể thanh lâm trung

Thoát cân quải thạch bích,

Lộ đỉnh sái tùng phong" . ("Hạ nhật sơn trung")

tạm dịch:

Quạt lông lười phe phẩy,

Trần truồng giữa rừng xanh.

Cởi khăn treo vách biếc,

Sương rắc, gió reo quanh.

( Tả người khác lõa thể đã kém nhã, tả ngay mình lõa thể càng khó nói hơn. Lý Bạch đã xâm phạm những điều cấm kỵ đó, hơn thế, ông còn gọi thẳng tên nó ra không cần che đậy - từ "lõa thể" (trần truồng) trong thơ ông có thể coi là một cú sốc giữa thế giới thơ Đường trầm mặc, cổ nhã. Cởi trần truồng ra vẫn chưa "đã", còn cái khăn đầu vướng víu, ông lột nốt treo lên vách đá. Ba câu thơ đầu nối tiếp nhau với những động từ miêu tả cử chỉ liên tục của con người :phe phẩy quạt, cởi truồng, cởi khăn, treo vách... Không nói là nóng mà thấy được người bức bối làm đủ cách để dễ chịu hơn. Câu thơ cuối giãn ra với hình ảnh tả thiên nhiên : đỉnh sương rơi rắc, gió qua cành tùng. Sương và gió - hai cái mát ùa đến khiến người ta có thể cảm nhận niềm sung sướng giữa ngày hè oi bức, được cởi tung quần áo ra, nằm giữa rừng xanh mà lại được trời quạt mát ! Khi Lý Bạch trút bỏ mọi y phục, ông đã cùng lúc rũ tuột những qui ước, quan niệm xã hội để được sống như ý thích của mình. Bài thơ tràn ngập cảm giác khoan khoái, dễ chịu, không chỉ

mát mẻ về thể xác mà còn thanh thoát trong tâm hồn và tuyệt đối tự do.

Có thể nói rằng qua miêu tả những hành vi phá lệ của mình, Lý Bạch đã hình tượng hóa được khát vọng giải phóng cá nhân là ao ước của con người muôn thủa, và đặc biệt trong thời đại của ông.

2.1.3 Cái Tôi cá nhân, cá tính không chỉ chi phối hành động mà ngay cả đời sống tinh thần của Lý Bạch. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã lưu ý đến tính chất mâu thuẫn, phức tạp trong tư tưởng của ông. TTLB có bài mang đầy hoài bão nhập thế, ý thức trách nhiệm của bậc quân tử với đời ("Hoành giang từ", "Tống Lục phán quan vọng Tì bà hiệp", "Vĩnh Vương đông tuần ca"...), có bài đượm ý tưởng thanh thản, u nhàn của phật tử ("Thu Phố ca" bài 17, "Biệt Đông Lâm tự tăng", "Bạch lộ ti"...), có bài ca tụng thần tiên, ao ước được phiêu du đến cõi trời ("Diên chân quan", "Luyện đan tỉnh", "Đào nguyên" 2 bài...), lại có bài cuồng phóng với tôn chỉ tự do, anh hùng của người hiệp khách ("Cổ khách hành", "Vịnh sơn tôn", "Kết Miệt tử", "Thiếu niên hành"...). Thậm chí ngay trong một bài tứ tuyệt, Lý Bạch cùng lúc tự xưng vừa là " cư sĩ", vừa là "tiên", mà cũng vừa là "Phật" :

" Thanh Liên cư sĩ trích tiên nhân

Tửu tứ tàng danh tam thập xuân

Hồ Châu tư mã hà tu vấn,

Kim Túc Như Lai thị hậu thân "

("Đáp Hồ Châu Gia Diệp tư mã vấn Bạch thị hà nhân" )

tạm dịch : Thanh Liên cư sĩ tiên giáng trần,

ẩn danh quán rượu ba mươi xuân.

Tư mã Hồ Châu còn muốn hỏi,

Như Lai Kim Túc mới hiện thân.

Hơn thế nữa, ông còn vui vẻ để tất cả các "ngài" "tu" trong ... quán rượu những 30 năm ròng ! "ẩn danh quán rượu" - ở đây ta lại phảng phất thấy cách sống của một anh hùng

ẩn tích chờ ngày xuất thế, hay một cuồng khách giang hồ. Có thể nói, Lý Bạch đã tổng hợp những hình mẫu tư tưởng tiêu biểu nhất của thời đại (Đạo - Nho - Hiệp - Phật) để xưng danh cho cái Tôi của mình. Cho nên nói rằng Lý Bạch chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng triết lý trái ngược có lẽ chưa hoàn toàn chính xác. Nên chăng đặt ra vấn đề ngược lại : Lý Bạch đã chủ động đi tìm một triết lý toàn vẹn nhất, khả dĩ đáp ứng được băn khoăn về cái Tôi khổng lồ của ông. Giữa Nho - Đạo - Hiệp - Phật thì có vẻ ông ưa thích Đạo gia hơn cả vì nó đề cao tự do, phủ nhận mọi gò bó, cưỡng ép. Người đời gọi ông là "thi tiên" và trong nhiều bài tứ tuyệt của mình, ông đã tự nhận mình thành tiên ("Đáp Hồ Châu Gia Diệp tư mã vấn Bạch thị hà nhân", "Đồng Quan sơn tuý hậu tuyệt cú", "Điểu Nha tự...". Song như vậy vẫn chưa đủ. Cá nhân tuy được giải phóng nhưng lại chưa được khẳng định như một nhân cách giữa đời. Có thể đó là lý do để ông tìm đến với Nho-Hiệp như một lý tưởng hành động để bộc lộ cái Tôi anh hùng. TTLB giọng điệu cảm hứng đa dạng, tư tưởng triết lý phức tạp nhưng vẫn có một điểm nhất quán - đó là sự ngự trị của một cái Tôi cá tính đơn nhất, đầy khát khao được giải phóng và tự khẳng định. Cái Tôi đó đã đóng một dấu ấn phong cách độc đáo trong toàn bộ TTLB. Có điều TTLB không dừng ở phản ánh cái Tôi. Lý Bạch đã thực sự làm nên một điều kỳ diệu mà hiếm có nhà thơ nào theo được :qua những chuyện riêng tư cá nhân mà khuấy động được vấn đề của thời đại và muôn thủơ. Cái đó có lẽ chỉ có thể lý giải bằng thiên tài của ông và nhân cách phi phàm mà tự bản thân nó đã có tầm vóc xứng đáng là biểu tượng của một thời.

Cái Tôi - cá nhân, cá tính không tự nhiên hình thành trong TTLB. Mặc dù triết lý tự nhiên của Đạo gia đã góp phần quan trọng khuếch trương tư tưởng tự do, phóng túng của cái Tôi trong TTLB nhưng ngay cả Đạo (và Nho, Hiệp nữa) cũng vẫn chưa đủ sức khơi dậy một ý thức cá nhân mãnh liệt. Phải đến thời kỳ Thịnh Đường và phải với một con người có những tố chất cá tính, tài năng và xuất thân đặc biệt như Lý Bạch, cái "Tôi cá nhân - cá tính" mới có thể xuất hiện. Trải qua hơn 100 năm thắng lợi liên tục, vẻ vang về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế...xã hội Thịnh Đường tràn ngập hưng phấn về khả năng vĩ đại của con người, cũng từ đó mà ý thức về cái Tôi bừng dậy hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở những người có tài năng được xã hội (kể cả vua) công nhận như Lý Bạch. Khi đời sống phát triển, các đô thị được mở mang, những kinh đô lớn như Trường An, Lạc Dương ... trở thành trung tâm giao dịch buôn bán tầm cỡ quốc tế, (thông thương với hơn 70 nước trên thế giới). Cùng với giao lưu hàng hóa là sự trao đổi những giá trị tinh thần. Chưa bao giờ ở Trung Quốc các luồng tư tưởng triết học được tự do tồn tại và cùng phát triển đến như vậy. Có thể nói rằng nếu không có thời kỳ Ngụy Tấn phá bỏ độc tôn Nho giáo, làm tiền đề cho không khí tự do tư tưởng bao trùm suốt thời đại Sơ, Thịnh Đường thì cũng không có một Lý Bạch cuồng phóng đến thế. Sinh hoạt đô thị cực kỳ phát triển dần dần hình thành trong lòng xã hội phong kiến một mô hình tiền tư bản với lớp người mới không chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo nữa : tầng lớp thị dân và thương gia. Tư tưởng thị dân thực tế và bình đẳng đã đột phá cái Tôi khỏi gông cùm "khắc kỷ phục lễ" và lần đầu tiên cho nó ý thức mới mẻ về cá nhân. Xuất thân bình dân, (có lẽ là con một thương gia), Lý Bạch đã nhạy cảm hơn hẳn các thi sĩ cùng thời được đào tạo chính thống theo kiểu Nho giáo như Đỗ Phủ, Vương Duy... khi đón nhận luồng tư tưởng rất mới của thời đại ấy.

Có lẽ vì vậy mà TTLB bộc lộ một quan điểm khá bình đẳng về giai cấp và chủng tộc. Ông không những không đề cao tư tưởng "Đại Hán", kỳ thị ngoại tộc mà lại có vẻ thích những cái mới lạ, độc đáo của ngoại quốc. Từ "Hồ" chỉ các dân tộc ngoại bang, thường bị các nhà thơ Trung Quốc gắn với nghĩa là "giặc", phủ định. Riêng TTLB, ông miêu tả chim ưng đất Hồ, giường kiểu Hồ, y phục nhà Hồ... với sắc thái đẹp đẽ, đầy thiện cảm. Thậm chí những chàng thanh niên quí tộc phong lưu mã thượng, cưỡi ngựa trắng, yên bạc, đồng hành với gió xuân trong bài "Thiếu niên hành" (số 2) của ông còn chủ động chọn những cô gái xứ Hồ làm đối tượng :

" Lạc Hoa đạp tận du hà xứ,

Tiếu nhập Hồ cơ tửu tứ trung".

( Hoa rơi giẫm hết, về đâu nhỉ,

Cười vào quán rượu gái Hồ chơi).

Lý Bạch đem tư tưởng bình đẳng, phóng túng đó vào cả quan hệ tôn nghiêm nhất theo Nho giáo : Quân - Thần. Tứ tuyệt của ông do vậy mà có những tứ thơ kỳ lạ. Như ở bài "Tống ngoại sanh Trịnh Quán tòng quân" số 1, ông ví sa trường như chiếu bạc, trong đó bậc đại trượng phu khao khát lập công như con bạc đang say đánh, lại còn hơn thế vì đặt cược không phải bằng tiền mà bằng cả tính mạng để báo ơn Thiên tử, hoặc là chết, hoặc áo gấm trở về ("Trượng phu đổ mệnh báo Thiên tử"). Cách so sánh như thế quả rất táo bạo và hiện đại. Thậm chí nó còn phản ánh chút không khí náo nhiệt và thực tế trong sinh hoạt đô thị, mặc dù nòng cốt vẫn là tư tưởng "Trung quân báo quốc" theo kiểu Nho gia. Cái Tôi - cá nhân, cá tính trong TTLB, với đặc điểm ấy, có thể xem là một hiện tượng không tiền (và có lẽ là tuyệt hậu) trong lịch sử thơ ca Trung Quốc, kết tinh từ cuộc trao duyên kỳ lạ giữa cái "Tôi - nhân cách vĩ đại" theo ý thức hệ phong kiến và cái "Tôi - cá nhân" ,có lẽ thoát thai từ tư tưởng thị dân.

2.2 Bút pháp "Tả cảnh nhập thần " :

So sánh hai "thánh thủ" tuyệt cú đời Đường, Hồ ứng Lân (Minh) dẫn theo Thẩm Tổ Phân đã chỉ ra nét đặc sắc riêng trong bút pháp thơ tứ tuyệt của từng người :" Đại khái Lý tả cảnh nhập thần, Vương ngôn tình đạt tới đỉnh cao. Vương cung từ, nhạc phủ, Lý không so sánh được, Lý lãm thắng, kỷ hành, Vương không thể làm được" [Sđd128:28] ("Lý" :chỉ Lý Bạch, "Vương" :chỉ Vương Xương Linh - H.A chú thích). Nghiêm Vũ, nhà phê bình văn nghệ có tiếng thời Nam Tống cũng đánh giá rất cao bút pháp "nhập thần" trong thơ Lý Bạch. Ông nói :"Điểm tuyệt diệu nhất của thơ chỉ có một, đó là nhập thần. Thơ mà đạt tới chỗ nhập thần thì tận thiện, tận mỹ! Không thể thêm thắt gì được nữa! Duy chỉ có Lý Bạch, Đỗ Phủ đạt được mà thôi. Những người khác có lẽ hiếm lắm" [ Sđd 39:211].

( "Nhập thần" ở đây có thể hiểu là nhà thơ đem tư tưởng tình cảm của mình chan hoà làm một với đối tượng miêu tả, từ đó mà truyền lại được cái thần của vật đồng thời với cái thần của người sáng tác, cảm thụ. Đó không đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà còn là chất lượng sáng tác. TTLB sở dĩ đạt tới đỉnh cao xuất sắc, cũng vì rất nhiều bài đã đạt tới trình độ "tả cảnh nhập thần". "Cảnh" cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là thiên nhiên mà còn là "bối cảnh" - đối tượng được miêu tả.

Để thâu tóm được cái "Thần" của cảnh, Lý Bạch thường sử dụng bút pháp miêu tả bao quát, chấm phá. Cảnh trong TTLB không chỉ khoáng đạt trong không gian được tái hiện mà phóng túng ngay cả trong cách thức miêu tả và phối cảnh. Đỗ Phủ khi tả cảnh thích đi sâu vào những chi tiết thực, sinh động:

- "...Oanh vàng gù cách tổ,

Cá trắng nhảy tung rong.

("Tuyệt cú" bài 2 - Khương Hữu Dụng dịch thơ)

- "... Bùn dẻo bay chim yến

Cát ấm ngủ uyên ương".

("Tuyệt cú" bài 1 - Chế Lan Viên dịch thơ)

- "... Cò im đầu bãi co chân ngủ,

Cá quẫy đuôi thuyền vỗ nước xao."

("Mạn thành" - Vân Đài dịch thơ)

Khó có thể tìm thấy trong TTLB lối miêu tả như vậy. Mặc dù TTLB cũng rất nhiều chi tiết, song tả cặn kẽ đến từng tiểu tiết như "cá trắng nhảy tung rong" hoặc " cò co chân ngủ"... thì quả là hết sức hiếm, còn nếu trong một bài tứ tuyệt mà đi tìm đến hai chi tiết như vậy thì chắc không có. Có thể nói dường như Lý Bạch không bao giờ để ngòi bút của mình ngưng đọng lâu ở một điểm. Nếu ông có tả chi tiết thì đó thường là một nét điểm xuyết trên nền phong cảnh bao la để gây ấn tượng mạnh mẽ về toàn cục. Như bài "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng", ông đặc tả hình cảnh cánh buồm cô đơn xa mờ rồi mất hút để liền theo đó phác một nét đại bút về dòng sông, bầu trời. Bài "Dương xuân khúc", ông lưu ý đến một đóa đào hàm tiếu rơi rụng trong khu vườn nhỏ, để câu thơ tiếp tràn dâng cảm hứng bao la "tự chạnh lòng xuân", như "trăm cái lưỡi cùng nói bao lời". Bài "Tĩnh dạ tứ", ngòi bút ông vừa lắng lại ở ánh trăng đầu giường quánh, lạnh như sương thì ngay sau đó đã bay bổng lên với vầng trăng, tình cố hương vời vợi...Sự miêu tả kết hợp đó cho thấy ông có lẽ thích phác thảo hơn là tả chân. Nhiều bài tứ tuyệt tả cảnh của ông thậm chí gồm toàn những nét phác thanh thoáng, có ý nghĩa dựng lên một khung cảnh nhiều hơn là mô tả nó. Như bài "Thu Phố ca" số 12:

" Thủy như nhất phỉ luyện,

Thử địa tức "Bình thiên".

Nại hà thừa minh nguyệt,

Khán hoa thượng tửu thuyền"

Tạm dịch : Nước như một tấm lụa,

Đất này cõi Bình Thiên

Làm sao cưỡi trăng sáng,

Ngắm hoa, rượu trên thuyền.

Lý Bạch tả cảnh ông đi chơi hồ Bình Thiên vào đêm trăng sáng, ánh trăng phản chiếu trên mặt nước phẳng lặng khiến cả vùng hồ như tấm lụa trải rộng mênh mông. Có điều ông không tả hồ, cũng không tả trăng, chỉ phác một liên tưởng về tấm lụa cho thấy trăng nước hoà làm một, lại toát lên cái "thần" yên ả, thanh bình của cả một vùng trời nước. "Bình Thiên" là tên hồ, cũng có nghĩa "cõi trời yên bình". Câu thơ vừa nói được địa điểm thật của khung cảnh, song đồng thời lại nhấn thêm một tầng đồng nhất nữa : đất này là cõi trời (địa- tức-thiên). Trên cái nền trăng - nước, đất - trời tương hội đó, con người cũng lâng lâng giữa hai cảm giác tiên - tục. "Cưỡi vầng trăng sáng" - tưởng Lý Bạch đã thành tiên, song từ "nại hà" ("sao có thể") cho thấy ông chỉ là người thường mơ được thành tiên. Lên cõi trời không được, ông trở về "ngắm hoa trên thuyền rượu" - nhưng giữa trần gian, tao nhã với trăng - nước - rượu - hoa, ông lại xuất hiện như một vị tiên thoát tục. Đọc bài thơ, thấy ông tả tất cả, mà dường như cũng không tả gì. Không thể hình dung dáng hồ, cỏ cây hoa lá, biết là có người, nhưng cũng không rõ con người ấy cụ thể ra sao. Cái được miêu tả ở đây không phải là bản thân cảnh hay người mà chính là thần thái của nó. Toàn bài thơ toát lên ý tưởng về sự giao hòa thanh thản, thần tiên giữa trời - nước, cảnh - người.

Cùng sử dụng bút pháp chấm phá, nhưng cách miêu tả trong TTLB cũng không giống như ở tứ tuyệt của Vương Duy. Vương Duy không chỉ là nhà thơ mà còn là một họa sĩ kiệt xuất phái Nam tông, chuyên vẽ tranh thủy mặc. Dễ thấy ông vận dụng những thủ pháp miêu tả của hội họa vào trong thơ khiến thơ ông cũng như một bức tranh ("Thi trung hữu họa"). Tứ tuyệt tả cảnh của Vương Duy do vậy mà rất đặc sắc,kỹ thuật phối cảnh, tả hình quả đạt tới mức điêu luyện. Vương Duy thích sử dụng sự tương phản giữa những mảng màu tối - sáng, đậm - nhạt, nóng-lạnh, giữa hư và thực, giữa động và tĩnh..., lấy cái này làm nổi bật cái kia. Cảnh trong thơ ông có nhiều phát hiện tinh tế và rất có chiều sâu. Như bài "Lộc trại" :

Không sơn bất kiến nhân

Đãn văn nhân ngữ hưởng

Phản cảnh nhập thâm lâm

Phục chiếu thanh đài thượng.

tạm dịch:

Núi vắng, người chẳng thấy,

Chỉ nghe vọng âm thanh,

Hồi quang vào rừng thẳm,

Phản chiếu lớp rêu xanh.

Ông tả tiếng vọng để làm nổi cái tĩnh của rừng núi theo nguyên tắc "Không cốc truyền âm" (động vắng càng vang). Ông gợi thanh âm của người vẳng lại để nhấn mạnh ý người đã đi, cho thấy núi càng vắng. Ông tả ánh phản chiếu của nắng xuyên qua rừng sâu, soi lên lớp rêu xanh, lấy chút sáng le lói để thấy cả cái thâm u dày đặc của rừng. Bút pháp, "vẽ mây nẩy trăng" trong hội họa được ông khai thác tối đa, do đó đọc thơ ông cần vận dụng trí tưởng tượng, xét đoán để nối kết những mảng đối lập, hình dung ra trước mắt một "bức tranh bằng lời" toàn vẹn, giàu ý vị. Còn TT tả cảnh của Lý Bạch ngược lại, thiên về cảm nhận trực giác. Ông không tả cảnh trước mắt mà tả cảnh trong lòng. Khác với Vương Duy, ông không ngắm cảnh như một họa sĩ hoặc một triết nhân vui thú điền viên để di dưỡng tính tình. Ông có khả năng kỳ diệu "nhập thân" vào đối tượng miêu tả. Tứ tuyệt tả cảnh của ông do đó mà có ý vị của Trang Chu mộng điệp, không biết là cảnh có Lý Bạch hay chính Lý Bạch đã hóa thân vào cảnh nữa! Lĩnh hội cái tinh thần của cảnh mà tả, Lý Bạch đã lược bỏ mọi chi tiết rườm rà, chú tâm khắc họa ấn tượng hơn là hình khối. Như trong bài "Vọng Lư sơn bộc bố", ông tả thác nước núi Lư sơn như dòng sông bị treo ngược lên, như dải Ngân hà bị rơi tuột từ chín tầng trời. Người đọc có thể cảm nhận dòng chảy dào dạt, mãnh liệt của một thác nước từ độ cao tót vời tuôn nước xuống - rất cao, rất mạnh và rất đẹp. Nhưng sự tưởng tượng chỉ dừng ở một ấn tượng chung như thế, không đi xa hơn để dựng thành một bức tranh toàn cảnh tỉ mỉ. Có hề gì, vì Lý Bạch đâu phải thợ vẽ, và ông tả thác nước núi Lư sơn một phần, song cái chính là ông biểu hiện dòng thác cảm xúc trong lòng ông khi ngắm Lư sơn. Do đó mà cảnh trong thơ ông đầy màu sắc chủ quan, ông dùng rất nhiều ví von, so sánh, ẩn dụ bởi nó nói lên rõ nhất cảm nhận của ông về cảnh. Khác với lối miêu tả điềm đạm, trầm tĩnh của Vương Duy, TTLB tả cảnh luôn lồng vào đó những cảm xúc, mơ ước. Ông nhận xét, liên tưởng, cho sông, núi, mây, trời... những buồn vui của con người. Nhân hoá là một thủ pháp ưa thích của ông. Gió trong thơ ông cũng biết xót tình li biệt ("Lao Lao đình"), chim núi biết xấu hổ ("Thu Phố ca" bài 3), núi cũng biết nhìn người ("Độc tọa Kính Đình sơn"), trăng đau buồn trẫm mình ngoài Đông Hải ("Khốc Triều Khanh Hoành")... . Có lẽ vì vậy mà thơ tả cảnh của ông như có hồn, tình và cảnh thống nhất tuyệt vời.

Lối thơ phù hoa đời Lục triều và đầu Sơ Đường, cho đến cả nhiều bài thơ Tống sau này, tả cảnh chỉ cố làm sao vẽ lên được một bức tranh thiên nhiên mĩ lệ, do đó lời thơ bay bướm mà lại khô khan vì thiếu tình cảm thật. Những câu như :

_ "... Lưu ba tương nguyệt khứ

Triều thủy đái tinh lai."

("Xuân giang hoa nguyệt dạ" - Dương Quảng)

(... Sóng trôi mang trăng đi

Nước triều dâng sao lại)

_ "... Thước phi sơn nguyệt thự,

Thuyền táo dã phong lưu."

("Lạc đê hiểu hành" - Thượng Quan Nghi)

(... Thước bay trăng núi sáng

Ve rộn gió đồng thâu. - Trần Trọng San dịch thơ)

.....................

hình ảnh rất đẹp nhưng nặng về cảnh, nhẹ về tình, khách thể lấn át chủ thể. Tứ tuyệt Sơ Đường về sau chú trọng tả tình, nhưng vì thế mà nhiều khi cảnh chỉ là phương tiện, điểm tựa để bộc bạch nỗi lòng. Như bài "Đăng U Châu đài ca" của Trần Tử Ngang, tả thi nhân "Trước không thấy người xưa. Sau không thấy người sắp đến" ("Tiền bất kiến cố nhân. Hậu bất kiến lai giả"), cái tầm nhìn cổ kim như vậy đâu phải là cảnh thấy được bằng mắt trên đài cao. Bảo rằng Trần Tử Ngang đứng trên đài U Châu hay đài nào khác, thậm chí là núi, lầu cao... thì cảnh trong thơ cũng không đổi khác, đơn giản vì nó không mang tính cụ thể mà chủ yếu là biểu tượng cho một tầm cao cần thiết để thi nhân mở rộng nhãn quan, tràn dâng cảm hứng - Bút pháp miêu tả ở những bài thơ như thế thường là "dung tình nhập cảnh" (tình là đối tượng miêu tả chính, nhưng lấy cảnh để tô điểm cho tình thêm sinh động, tự nhiên) hoặc "dung cảnh nhập tình" (cảnh là chính, lồng thêm một chút tình cho cảnh thêm sâu). Mối quan hệ giữa "tình" và "cảnh" tuy là hỗ trợ lẫn nhau nhưng vẫn có thể phân tách ra được, đặc biệt ở những bài tứ tuyệt có bố cục 2/2, nửa tả cảnh, nửa tả tình. TTLB không phải là không có những bài như vậy, nhưng với bút pháp "tả cảnh nhập thần", nhiều bài TTLB đã đạt tới mức cảnh, tình hòa nhập ("tình cảnh giao dung"), tả cảnh mà cũng là tả tình. Những bài như "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng", "Thu Phố ca" số 4, "Tống Lục phán quan vọng Tì Bà hiệp", "ức Đông sơn" 2 bài, "Khuyết đề" bài 1... hình ảnh và tình ý lồng trong nhau. Sở dĩ như vậy vì Lý Bạch chú tâm tả cái "Thần" - điểm tương giao giữa cả khách thể và chủ thể, ranh giới giữa người ngắm và cảnh không còn nữa mà chỉ có cảm xúc về cái toàn thể chế ngự tất cả. Bài "Thu Phố ca" số 4 của Lý Bạch :

" Lưỡng mấn nhập Thu Phố,

Nhất triêu táp dĩ suy.

Viên thanh thôi bạch phát,

Trường đoản tận thành ti."

tạm dịch : Đôi tóc mai khi vào Thu Phố,

Một sớm mai xơ xác buồn thương.

Vượn kêu giục tóc trắng vươn,

Sợi dài, sợi ngắn thảy dường như tơ.

Lý Bạch không tả Thu Phố, cũng không tả tâm tình. Ông chỉ ghi lại hình ảnh một mái tóc đột nhiên xơ xác đến thương tâm khi vào Thu Phố và bạc trắng bởi tiếng vượn kêu. Một mái tóc mà toát lên được cái "Thần" hoang sơ, buồn bã của Thu Phố và nỗi sầu đất khách mênh mang. Sầu vốn vô hình, nhưng ở đây ta như có thể quan sát được, thấy sức mạnh tàn phá nhanh chóng của nó - chỉ một sớm mai đủ làm xơ xác xơ mái tóc - đời người. Như thế vẫn còn chưa đủ. "Vượn kêu giục tóc trắng vươn". Cả Thu Phố dồn lại trong tiếng vượn hoang sơ, thôi thúc nỗi sầu lớn dần, ngổn ngang muôn mối cho đến điểm tận cùng bạc trắng ưu phiền "Sợi dài sợi ngắn thảy dường như tơ". Không biết Thu Phố buồn làm cho tóc trắng hay mối sầu tóc trắng đem lại chút buồn cho Thu Phố hoang sơ, hoặc đó là cộng hưởng cả hai nỗi niềm, thấy tóc bạc nhanh mà thân còn ở Thu Phố. Bài thơ ngắn ngủi mà ý cảnh thâm trường, tả nỗi sầu kỳ lạ như có sinh mệnh riêng, hay quả là vì đã đạt tới chỗ "tả cảnh nhập thần".

Bút pháp "tả cảnh nhập thần" đặc biệt phát huy tác dụng ở thể loại tứ tuyệt do chỗ nó cùng có đặc trưng là tình túy, cô đọng. TTLB với bút pháp này đã đạt tới một hình thức diễn đạt nhuần nhị, chỉ vài nét phác mà đủ thâu tóm tinh thần của cả bối cảnh và tình người bao la, tả sông, núi, trăng, nước... không chỉ sinh động mà còn toát lên cái cao, xa, sáng, đẹp của nó.

2.3. Nghệ thuật lập tứ , kết cấu "ý tận ,khí hùng ":

"ý tận, khí hùng" là một đặc trưng - hay có thể nói là thành tựu nghệ thuật - đã đưa TTLB lên tới một đỉnh cao chưa từng có.

2.3.1. Vương Phu Chi (Thanh) trong "Khương trai thi thoại" đã nhận xét :"...Sở dĩ Lý

Bạch, Đỗ Phủ được gọi là bậc đại gia, ấy là vì những bài thơ không có ý, mười bài

chỉ chiếm không quá một, hai bài... "[39:152] .

TTLB lập ý thường rất độc đáo, một phần cơ bản vì ông hay đứng từ góc độ của cái Tôi cá nhân để cảm thụ và phản ánh thế giới, không theo lối mòn công thức của tiền nhân, cũng không lặp lại với chính mình. Do đó mà thơ ông có những ý tưởng và phát hiện mới mẻ. Như bài "Khốc Tuyên Thành thiện nhưỡng Kỷ tẩu" của ông :

"Kỷ tẩu hoàng tuyền lý,

Hoàn ưng nhưỡng "Lão Xuân" ?

Dạ đài vô Lý Bạch,

Cô tửu dữ hà nhân ? "(

tạm dịch : Cụ Kỷ về chín suối,

Còn ủ rượu Lão Xuân ?

Dạ đài không Lý Bạch,

Mua rượu biết ai cần ?

Lý Bạch làm thơ thương tiếc "cụ Kỷ", người vẫn ủ loại rượu "Lão Xuân" ngon nổi tiếng bán cho ông. Khóc một người thân quen đã mất, người ta hay nói tới nỗi trống trải, thiếu hụt của người còn lại trên cõi thế. Nhưng ở đây, Lý Bạch nói ngược lại. Ông băn khoăn không biết "cụ Kỷ" có đem tài nghệ xuống hành nghề ở suối vàng không và thương cho người quá cố phải cô đơn vì cõi âm không có Lý Bạch! Có vẻ như ông không nghiêm túc, nhưng thực sự, ông đã nói lên nỗi ngậm ngùi đúng như một kẻ trong làng rượu khóc người bán rượu yêu quí nhất. Vì rượu Lão Xuân kia chỉ có tay "cụ Kỷ" mới ủ được, nên cụ mất đi, cũng đem theo cả nó về nơi chín suối. Mà rượu ngon ấy, cũng chỉ có người sành rượu là Lý Bạch biết thưởng thức. Cho nên cõi âm không phải không người, nhưng thiếu Lý Bạch thì cụ Kỷ dù có nấu rượu cũng không còn ai xứng đáng để mua. ở đây có nỗi buồn của kẻ tri âm khóc người tri kỷ. Lý Bạch không nói mình thèm rượu mà lại bảo người quá cố muốn bán rượu cho ông. Chọn cách nói ngược kỳ lạ đó, ông đã diễn đạt sinh động kỷ niệm thân thương đã thành thói quen mà cái chết không xóa bỏ được và ý thức đau nhói về âm dương cách trở. Bài thơ lời giản dị mà vẫn gây kinh ngạc cho độc giả bởi ý tưởng độc đáo, mang đầy phong cách riêng của Lý Bạch. Tứ tuyệt của ông có không ít bài như vậy, ngay cả khi ông dùng những điển tích tưởng như quá quen thuộc. Bài "Bạch vi thời mộ huyện tiểu lại..." của ông :

" Tố diện ỷ lan câu,

Kiều thanh xuất ngoại đầu.

Nhược phi thị Chức Nữ,

Hà đắc vấn khiên ngưu ? "

tạm dịch : Mặt ngọc tựa lan can,

Ló đầu, giọng oanh vàng.

Nếu chẳng là Chức Nữ,

Cớ sao hỏi Ngưu Lang ?

Thời hàn vi, Lý Bạch xua trâu làm ồn công đường, quan bà giận ra trách mắng, ông làm ngay bài thơ này để đối đáp. Xưa nay, chuyện Chức Nữ - Ngưu Lang vẫn thường được nhắc tới trong thơ như một điển tích nhắc nhở về tình yêu đôi lứa và sự xa cách. Lý Bạch vận dụng nó trong bài thơ này với hàm ý hoàn toàn khác : để trách khéo lại quan bà. "Khiên ngưu" là cách gọi khác của Ngưu Lang, ở đây ám chỉ cả Lý Bạch vì chính ông cũng đang dắt trâu. Theo nghĩa đó, câu thơ cuối có hàm ý : "Không phải là Chức Nữ, bà (có tư cách gì) để hỏi đến ta ? " . ý thơ thật ngông và rất xược. Thế nhưng cũng lại rất tình ! Vì câu hỏi nghi vấn kia cũng có thể hiểu theo nghĩa khẳng định : Đúng nàng phải là Chức Nữ nên mới hỏi / để ý tới Khiên Ngưu (người dắt trâu) là ta. Huyện bà được ví von với tiên nữ. Và cuộc chạm mặt khó chịu kia lại được hiểu là buổi làm quen duyên nợ của tiên nữ và người trần. Hỏi còn gì thi vị hơn ? !

Hai bài thơ nêu trên có lẽ gây ấn tượng là TTLB hay lập ý qua cách nói ngược và tìm những phát hiện mới mẻ trong đó. Thực ra không hoàn toàn như vậy. ý trong TTLB không phải bao giờ cũng lạ lùng, ở rất nhiều bài, Lý Bạch không đi xa hơn cách nhìn truyền thống về đề tài, hình ảnh. Sức hấp dẫn của ý thơ trong TTLB rất đa dạng. Có thể là vì nó mới. Có thể vì nó mạnh. Mà cũng có thể vì nó rất đẹp...

TTLB thành công ở lập ý, một phần nữa có lẽ bởi Lý Bạch là một nhà thơ đến tận cùng bản thể. Truyền thuyết kể rằng ông ra đời là sao văn chương Thái Bạch giáng hạ phàm trần, ông về cõi bất diệt như một thi sĩ vồ trăng, rồi cưỡi lý ngư bay lên tiên giới. Trong đời thật, ông đã sống đúng như một nghệ sĩ lớn, coi khinh bạc vàng, phú quí, chỉ yêu lý tưởng, cái đẹp và thơ. Khả năng ứng khẩu thành thơ của ông cho thấy dường như chất thơ đã ở trong huyết quản của ông và cặp mắt nghệ sĩ cho phép ông nhìn đâu cũng phát hiện ra thơ tứ. Theo cách đó, TTLB rất có tứ và tứ đó căn bản là trữ tình.

Lập được ý đã khó, nhưng đạt tới chỗ "ý tận" thì quả là không nhiều nhà thơ có thể làm được như Lý Bạch. "ý tận" có nghĩa là phải diễn đạt được thấu đáo ý tưởng của nhà thơ thông qua hình tượng sinh động. Tứ tuyệt hoa diễm thời Lục triều lời lẽ, hình ảnh mĩ lệ nhưng thường mới chỉ dừng ở tả vẻ bề ngoài, chưa thấu được cái tinh thần, "ý cảnh", cho nên có thơ mà ít có ý. Tứ tuyệt Sơ Đường có bước tiến dài về chất khi đi sâu vào nắm bắt và thể hiện ý cảnh, nhưng phần nhiều lại chưa đạt tới độ nhuần nhuyễn khi lột tả nó. Như Vương Tích với bài thơ "Quá tửu gia" :

" Thử nhật trường hôn ẩm,

Phi quan dưỡng tính linh.

Nhãn khan nhân tận túy,

Hà nhẫn độc vi tỉnh."

Trần Trọng Kim dịch thơ : "Hôm nay uống rượu say lì,

Đành là không có ích gì dưỡng sinh.

Thấy người say cả xót tình,

Nỡ nào để có một mình tỉnh riêng."

Ông nói chuyện uống rượu mà ẩn ý sâu sắc, đặc biệt là hai câu cuối buồn bã, cao ngạo. Ông phát triển ý thơ Khuất Nguyên "Chúng nhân giai túy, duy ngã độc tỉnh" (người đời đều say, chỉ mình ta tỉnh) để cảm khái về thế sự, tìm ở say một cách phản ứng với đời. Tuy vậy, người đọc vẫn thấy ở bài thơ một người phát ngôn, trực tiếp đứng ra biện hộ, dẫn giải cho những hành động và suy tư của mình. Cùng ý tưởng như của Vương Tích, trong bài thơ "Tương Dương khúc" số 4 của mình, Lý Bạch lại có cách thể hiện khác :

" Thả túy Tập Gia trì,

Mạc khan "Đọa lệ" bi.

Sơn công dục thướng mã,

Tiếu sát Tương Dương nhi."

tạm dịch : " Ao Tập Gia cứ tạm say,

Chớ nhìn "Đọa lệ" bia này mà chi,

Sơn công muốn cưỡi ngựa đi,

Tương Dương lũ trẻ chết vì cười trông."

Chi tiết "tạm say" ("Thả túy") và "chớ nhìn bia rơi lệ" ("Mạc khan "Đoạ lệ" bi") gợi nỗi niềm u uất, mượn rượu để quên, rất giống ý thơ của Vương Tích. Có điều Lý Bạch đã lồng ý tưởng đó vào cảnh Tương Dương và hình tượng Sơn Công. Ao Tập Gia, bia Đọa lệ và Sơn Công là những địa danh, tên tuổi nổi tiếng ở Tương Dương, đồng thời cũng gợi liên tưởng về những người say vĩ đại trong lịch sử đã đến đây (Dương Hộ đời Tây Tấn và Sơn Giản trong Trúc lâm thất hiền), bất đắc chí với đời nên lui về với rượu và cảnh ẩn dật. Không khí say không chỉ trong chốc lát mà như đã thấm cả vào Tương Dương, cơn say dài qua ba thế hệ lịch sử (Dương Hộ, Sơn Giản và Lý Bạch - người kể chuyện giấu mặt). Vương Tích làm thơ say mà giọng điệu lý luận thì vẫn tỉnh. Lý Bạch làm thơ say, hình ảnh mới thật là say. Ông tả Sơn Công muốn lên ngựa mà làm lũ trẻ con ở Tương Dương cười đến chết - chắc là say lắm nên mới có những cử chỉ ngộ nghĩnh gây cười đứt ruột như vậy ! Trẻ Tương Dương tỉnh mà cười Sơn Công say, có biết đâu Sơn Công say vì không muốn tỉnh để nhìn bia "Rơi lệ". Ai say, ai tỉnh ? Nghịch lý cuộc đời dồn trong một nét tả hình sinh động như có thần. So với bài thơ của Vương Tích (Sơ Đường) thì cách diễn đạt của Lý Bạch ở đây đã uyển chuyển, nhuần nhị hơn, ý thơ thể hiện qua hình tượng, sâu sắc mà không lộ. Chu Khiếu Thiên khi nhận xét về bút pháp của TTLB đã cho rằng : "Tuyệt cú của Lý Bạch nói chung không dùng tình ngữ trừu tượng mà phần lớn dùng thủ pháp biểu hiện toàn ý tượng, tức là dừng lại ở tả cảnh hoặc tạo cảnh, tình cảnh trong đó để người đọc tự hiểu... nói rõ mà không nói hết." [148:60]

Đấy là nói tứ tuyệt tả tình của Lý Bạch, dùng nhiều ý tượng. Còn tứ tuyệt tả cảnh của ông, với bút pháp "tả cảnh nhập thần" (như đã phân tích ở mục 2 chương này) lại thấu suốt ý cảnh. Tả tình qua cảnh, tả cảnh qua tình, tình cảnh giao dung, TTLB có lẽ do thế mà đạt tới chỗ "ý tận".

(

2.3.2. Hồ Chấn Hanh trong "Đường âm quì tiêm" nhận xét :"Thất ngôn tuyệt cú, đời Thịnh Đường chủ về khí, khí thành nhưng ý chưa nói hết, Trung, Vãn Đường chủ về ý, ý giỏi nhưng khí chưa thật hoàn chỉnh" [119:88]. TTLB có thể coi là một trong những ngoại lệ hiếm hoi vì nó đã thành công trên cả hai lĩnh vực : "ý" và "khí".

Trong lý luận văn học cổ Trung Quốc, "khí" là một khái niệm triết học khá trừu tượng và phức tạp. Viện sĩ I.X.Lixêvích khi tìm hiểu khái niệm về "khí " [ 42] đã dẫn lời của Mạnh Tử, Hàn Dũ, Tào Phi... và nhiều học giả Trung Quốc nổi tiếng khác để cho rằng người Trung Hoa coi "khí" là "nguyên tố kích thích chủ yếu của quá trình sáng tạo " (trang 52), là "năng lượng tinh thần của tác giả "(trang 77), và nói như Tô Triệt thì "Văn là hình thức thể hiện của khí" (trang 73). Chúng tôi hiểu "Khí" trong TTLB là sự biểu hiện bút lực của ông, nó gắn liền với tư chất và phong cách của nhà thơ khi cảm thụ, phản ánh thế giới và biểu hiện nội tâm. Nói TTLB "khí hùng", chúng tôi muốn nhấn mạnh đến chất HùNG như một đặc trưng xuyên suốt thế giới nghệ thuật của TTLB. TTLB tình điệu phong phú (có Hùng, có Sầu, nhàn nhã, phiêu dật...) song cách thức biểu hiện thì đều chung một bút lực hùng hồn.

Dù viết về đề tài gì và cảm hứng trữ tình có khác, toàn bộ TTLB đều phản ánh khát khao hướng thượng và hướng thiện. Ông thích lấy cái ĐẹP, cái HùNG làm đối tượng miêu tả đã đành mà ngay cả những bài TT ông miêu tả tâm trạng u sầu hay chia biệt... thì tình cảm cũng mạnh mẽ, hào phóng và không bao giờ tuyệt vọng. Đó là một đặc điểm dễ nhận thấy không chỉ trong TTLB mà trong toàn bộ thơ ca của ông nói chung. Sở dĩ như vậy bởi Lý Bạch căn bản là một nhà thơ lãng mạn. Ông lại sinh ra và lớn lên giữa hồi cực thịnh của đế chế phong kiến. Cái không khí lạc quan, phấn chấn bao trùm thời đại đó, cộng với tinh thần, lãng mạn sẵn có và đặc biệt là niềm kiêu hãnh, tự ý thức về cái Tôi vĩ đại của ông - tất cả những cái đó đã nuôi dưỡng ý khí cứng cỏi, hào hùng trong hồn thơ Lý Bạch mà thơ ca từ Trung, Vãn Đường về sau rất ít khi còn có được.

( Chất HùNG trong TTLB thể hiện ở những ý tưởng, hình ảnh độc đáo, táo bạo, cao sang, ở tình điệu lãng mạn, bay bổng và tràn trề sức sống. Chương I của luận án khi phân tích nội dung TTLB đã ít nhiều đề cập tới khía cạnh này. Cái Tôi cá tính phi phàm và khát vọng giải phóng cá nhân trong TTLB cũng là một biểu hiện của cái HùNG. Từ góc độ này thì "HùNG" trong TTLB thể hiện không khác trong thơ ca Lý Bạch nói chung là mấy. Song, giống như sức lực của con người không chỉ lộ ra ở tầm vóc mà còn phải bằng hành động, cái "HùNG" thể hiện rõ nhất qua sự vận động của tứ thơ. ở đây, nhà thơ đóng vai trò của một viên tướng, tài ba không chỉ ở chỗ tập hợp được đội binh hùng mạnh mà còn phải có tài điều khiển quân của mình. Lý Bạch là một chủ soái như thế trong thơ. Và tứ tuyệt, do kết cấu gọn, thoáng, bộc lộ rõ nhất bút lực hùng hồn ấy của ông khi thao túng đội quân ngôn từ, hình ảnh.

Đọc TTLB, dễ có cảm giác bị "ngợp", không chỉ vì những hình ảnh, ý tưởng hay cảm xúc kỳ lạ mà ông miêu tả mà còn vì cách ông đặt chúng bên nhau. Ngòi bút ông có thể đang lan tỏa mênh mông bỗng đột ngột thu dồn về một điểm tinh tế, lắng đọng, đang rất thực, đột nhiên biến hóa hư không, đang rất tĩnh bỗng dưng thành cực động... chuyển biến khôn lường. Như bài "Vọng Lư Sơn bộc bố", ông vẽ lên núi Lư Sơn như lò hương tỏa khói tím dưới ánh mặt trời, hình ảnh uy nghi, mĩ lệ, đến câu thơ thứ hai đột ngột miêu tả thác nước như dòng sông bị treo ngược lên ("bộc bố quải tiền xuyên"). Lẽ ra ông phải dùng từ "huyền" ("treo" - nghĩa trừu tượng) nhưng ông lại dùng từ "quải" ("treo" - bằng tay một vật cụ thể). Dòng thác khổng lồ bị ông dùng cái đinh rất nhỏ là từ "quải" treo ngược lên, có cảm tưởng sẽ rơi tuột xuống bất cứ lúc nào. Hình ảnh thơ đang từ chỗ trầm tĩnh, vững chãi (câu 1) bỗng vụt lung lay đáng sợ (câu 2) và rơi xuống với tốc độ khủng khiếp ở câu 3 : "Chảy bay thẳng xuống ba nghìn thước" ("Phi lưu trực há tam thiên xích"), để rồi đột ngột ở câu kết lại bay vút lên với liên tưởng tận chín tầng trời "ngỡ Ngân Hà lạc cửu thiên". Phải có một bản lĩnh vững vàng tuyệt vời mới có thể dẫn dắt được ý thơ qua những khúc ngoặt đột ngột kỳ lạ như ông đã làm mà bài thơ vẫn trôi chảy "nhất khí", đầu cuối tương hợp. Những bài "Thu Phố ca" số 8, "Bồi tòng tổ Tế Nam Thái thủ phiếm Thước Sơn hồ" bài 3, "Bôn vong đạo trung" bài 1, "Thanh khê bán dạ văn địch"... đều có bút pháp thể hiện linh hoạt như vậy. Hơn thế nữa, có khi ngay trong một câu thơ, bút lực phi phàm của Lý Bạch cũng đủ làm người đọc như bị cuốn vào cơn lốc của cảm hứng và hình tượng. Bài "Đăng Lư Sơn Ngũ Lão phong", hai câu đầu ông tả núi Ngũ Lão :

" Đông nam Lư Sơn, Ngũ Lão phong

Thanh thiên tước xuất kim phù dung"...

( Đông nam Lư Sơn là Ngũ Lão,

Trời xanh vút hiện đóa sen vàng...)

Núi rồi lại núi (câu 1), vươn đến trời xanh (câu 2) tưởng đã là cao, song từ nối từ, hình ảnh trong câu thơ cứ dâng lên không ngừng : trời xanh - chót vót - ló ra - sen vàng. Có thể hình dung thế núi vút lên, qua trời xanh, vươn cao chót vót để cuối cùng lộ ra kiêu hãnh như một đóa sen vàng mà nền trời xanh như là lá xòe ôm ấp. Nhạc điệu trong câu thơ cũng rất cao do hầu hết là sử dụng phù bình thanh, đặc biệt thêm hai từ "tước xuất" - thanh cao nhất ở giữa câu tạo một đỉnh âm thanh tương xứng với hình ảnh núi. Tương tự, bài "Lục thủy khúc", chỉ với năm chữ mà ông tạo được cảnh nước trời trong trẻo với mấy tầng ánh sáng lồng vào nhau ngời ngợi :

" Lục thủy minh thu nguyệt"

( Nước biếc sáng trăng thu)

Trăng và nước bên nhau đã sáng, nước biếc với trăng thu lại càng sáng trong hơn. Lý Bạch đặt từ "minh" (sáng, soi sáng) vào giữa, kết hợp hai mảng sáng ấy lại, làm nó ngời lên và trong suốt, phản chiếu long lanh lẫn nhau. Sức diễn tả trong câu thơ quả đã đạt tới điểm đỉnh. Và bút lực của Lý Bạch ở đây thể hiện ở khả năng cực tả :cực cao, cực sáng, cực đẹp... khiến người đọc cảm thấy choáng ngợp và hoàn toàn bị chinh phục trước thế giới của ông.

Tứ tuyệt của Đỗ Phủ cũng diễn tả cảm xúc sâu sắc, hình ảnh và tứ thơ cứng cỏi, mạnh mẽ song chủ về TRáNG chứ không HùNG vì ý thơ nhiều bi thương, ít có chất lãng mạn, lạc quan khiến người ta phấn hứng, khao khát chờ mong... như TTLB. Tứ tuyệt Trung Đường về sau, ngay cả những bài rất nổi tiếng như "Thanh minh", "Xích bích" (Đỗ Mục), "Khuê oán từ" (Lưu Vũ Tích), "Mộc lan hoa", "Tảo khởi" (Lý Thương ẩn)... ý tứ sâu xa, diễn đạt điêu luyện nhưng cũng thiếu ý khí kiêu hùng, hào sảng, tình cảm say mê và giọng điệu lôi cuốn, chinh phục như ở TTLB.

Với đặc điểm "ý tận, khí hùng", TTLB đã tiến một bước dài về chất lượng và nghệ thuật sáng tác so với tứ tuyệt các thời trước ông, thậm chí đỉnh cao mà nó lập ra thì đời sau cũng còn phải ngưỡng mộ. Sở dĩ nói như vậy vì với bút pháp này, TTLB đã đạt tới độ hòa hợp giữa nội dung và hình thức nghệ thuật, đồng thời lại khẳng định một giọng điệu HùNG riêng đầy bản sắc giữa thi đàn.

2.4. Nghệ thuật diễn đạt " Thanh thuỷ xuất phù dung" :

Lý Bạch có câu thơ nổi tiếng như là một tuyên ngôn sáng tác của ông "Thanh thủy xuất phù dung. Thiên nhiên khử điêu sức" (Nước trong lộ hoa sen. Tự nhiên vứt bỏ trang sức đẽo gọt- "Kinh loạn li hậu, thiên ân lưu Dạ Lang ức cựu du thư, hoài tặng Giang Hạ Vi thái thú lương tể "). Cực lực phản đối lối thơ hình thức chủ nghĩa , ông ví nó như đẽo con khỉ tắm từ cành gai nhỏ, mất ba năm mới xong mà chẳng dùng được vào việc gì ("Cổ phong ngũ thập cửu thủ" bài 35). Tứ tuyệt của ông có thể coi là mẫu mực sống động cho phương châm nghệ thuật "Thanh thủy xuất phù dung" mà ông đề ra, do sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố : tự nhiên và mĩ lệ.

2.4.1. ( Một điều tưởng như mâu thuẫn là, ngay khi Lý Bạch đề cao tự nhiên trong sáng tác, thơ ông lại đầy ắp yếu tố "Kỳ". Người đương thời như Bì Nhật Hưu đánh giá thơ ông "...Lời nói ra ngoài trời đất, ý tứ ra ngoài sự hiểu biết của quỉ thần" [13:379]. Còn đến thế kỷ 20, một nhà nghiên cứu phương Tây đọc thơ ông cũng lưu ý đến cái "Kỳ" như một nhãn hiệu đặc trưng cho phong cách sáng tác của ông [104:111]. TTLB thích miêu tả những cảnh - vật phi phàm, con người khác thường, chim thú hiếm lạ... ngay cả cảm xúc cũng mạnh mẽ, phóng khoáng đến mức làm người ta kinh ngạc. Có điều "Kỳ" mà không bí hiểm, quái lạ. Những câu thơ kinh dị như của Lý Hạ (Trung Đường) : "... Lửa đen đón người mới. Mồ hoang đom đóm bay). ("Cảm phúng"), không thể tìm thấy trong TTLB. TTLB cũng "Kỳ" song đều theo nghĩa tích cực, hướng về những cái đẹp đẽ, tươi sáng, phi phàm.

Thực chất "Kỳ" trong TTLB là biểu hiện của bút pháp lãng mạn. Vì lãng mạn nên Lý Bạch nhìn thực tế không hoàn toàn như nó có mà qua lăng kính của ước mơ và khát vọng. Cho nên TTLB "SầU", khác với TT Đỗ Phủ, "Bi". Sầu u uất mênh mang vì khát vọng, lý tưởng không thành chứ không trĩu nặng bi thương vì lo âu tục tụy. TTLB diễn tả mối SầU kỳ lạ bởi hoài bão của ông phi thường, phác họa một thiên nhiên cực lớn, cực rộng, bởi lòng ông quá bao la... "Kỳ" cũng là cách Lý Bạch đả phá trật tự bảo thủ, phủ nhận những ràng buộc, nhỏ nhen... để hướng trí tưởng tượng bay bổng lên bầu trời tự do mơ ước. Với ý nghĩa đó, "Kỳ" trong TTLB lại được sử dụng như một phương tiện để đề cao và khẳng định "Tự NHIÊN" - cái "Thiên Chân" của con người. (

TTLB yếu tố "Kỳ" rất đậm nhưng lại không xa lạ, huyễn hoặc. Người ta kinh ngạc trước thế giới mà Lý Bạch vẽ lên vì nó quá đẹp, quá vĩ đại, nhưng trong lòng ai cũng từng lấp lánh một góc của thế giới ấy. TTLB "Kỳ" song cốt lõi lại là "Chân". Ông dùng cái "Kỳ" để khuếch trương bản chất của "Chân", khiến nó trở nên sinh động và dễ nắm bắt. Như bài "Thu Phố ca" số 5 của ông, tả cảnh Thu Phố thông qua hình ảnh vượn trắng : " Thu Phố đa bạch viên,

Diểu đằng nhược phi tuyết.

Khiên dẫn điều thượng nhi,

ẩm lộng thủy trung nguyệt "

tạm dịch : Thu Phố nhiều vượn trắng,

Nhảy xa như tuyết bay.

Phá phách trên cành cây,

Uống trăng đùa trong nước.

Vượn trắng vốn cực kỳ quí hiếm, vậy mà ở Thu Phố lại có rất nhiều. Đó là một sự kỳ. Vượn trắng bay nhảy nhẹ nhàng, sáng ngời như tuyết bay. Đó là một cảnh kỳ. Vượn trắng phá phách trên cây. Trăng chơi đùa trong nước. Vượn không uống nước mà uống trăng. Sự kỳ mà cảnh cũng kỳ ! Nhưng để diễn tả vẻ hoang sơ của Thu Phố thì không gì sinh động và chân thực bằng những chi tiết "Kỳ" ấy. Vượn trắng tung hoành, phá phách tự do như chủ nhân của Thu Phố, đủ thấy nơi đây hoang dại, nguyên sơ như chưa từng in dấu con người. Trăng không thể đùa trong nước, nhưng bóng trăng in trong nước khi vượn uống nước tất phải lung lay, xao động như cũng biết đùa. Chi tiết miêu tả tưởng phi lý song lại rất thực và cũng rất đẹp. Bài thơ đi từ tả cái "Kỳ" của Thu Phố nên giọng điệu trữ tình cũng đặc biệt, mà chỉ có nó mới lột tả hết được tâm trạng phức tạp của Lý Bạch khi ở Thu Phố : buồn vì nó hoang vắng, say mê vì nó đẹp và khâm phục vì nó lạ ! Tương tự như vậy khi Lý Bạch nói "Tóc trắng ba nghìn trượng. Theo mối sầu dài mãi..." ("Bạch phát tam thiên trượng. Duyên sầu tự cá trường..." - "Thu Phố ca" bài 15), ông đã

cực tả độ dài sợi tóc để ngầm gợi bản chất phi thường của mối SầU. Vì sầu kỳ lạ nên

tóc theo đó mà bạc trắng và dài kỳ lạ. Hình tượng thơ đẹp mà sống động chính nhờ sự miêu tả khuếch đại đó. Những bài "Hoành giang từ" (6 bài), "Đề tình thâm thụ ký Tượng công", "Đồng quan sơn túy hậu tuyệt cú", "Khốc Triều Khanh Hoành"... của Lý Bạch đều có bút pháp miêu tả tương tự.

"Kỳ" khiến TTLB rất khác với tứ tuyệt của Đỗ Phủ. Đỗ Phủ thiên về dùng chi tiết THựC để tả CHÂN. Chu Khiếu Thiên trong "Đường tuyệt cú sử" đánh giá rất cao Đỗ Phủ và dành hẳn một chương để khẳng định Đỗ Phủ là "người đã mở ra hướng mới trong nghệ thuật tuyệt cú" ("Tuyệt cú nghệ thuật thác tân giả"). Ông nhận xét tuyệt cú Thịnh Đường trọng tả tình, chủ về tình cảnh, quí hư, viễn, nhạt đạm, ý cảnh hư. Còn tuyệt cú Đỗ Phủ trái lại nhiều yếu tố nghị luận, trực tả tâm ý, sắc thái đậm ý cảnh thực1, ( tóm lại là yếu tố "Thực" rất mạnh. TTLB về bút pháp có vẻ gần với tuyệt cú Thịnh Đường hơn vì với yếu tố "Kỳ", ông đã đưa cái "HƯ" vào sự phản ánh khiến bài thơ ý cảnh lung linh. Có điều Chu Khiếu Thiên khi phân tích nghĩa khai phá của tứ tuyệt Đỗ Phủ đã nhấn mạnh đến tính chất "MớI" nhiều hơn là "HAY", mà dường như đây là một sự thực. Đỗ Phủ đã táo bạo vạch ra một con đường riêng trong tứ tuyệt, song không phải lúc nào ông cũng thành công. Thực tế là đã có ý kiến phê bình tứ tuyệt của ông "THựC" quá cho nên "TRựC" quá, thiếu cái uyển chuyển, hàm súc "gợi mà không tả" vốn là một đặc trưng của thể loại này. Giáo sư Dịch Quân Tả trong cuốn "Văn học sử Trung Quốc" cũng nhận xét :"Có một điểm đáng chú ý là thơ tuyệt cú của Đỗ lại thua Lý" [13:399] . Đỗ Phủ có một số bài tứ tuyệt rất hay, nhưng chính ở những bài này, ông thường quay về với bút pháp "hư, viễn", ít nhiều đưa cái "Kỳ" vào trong miêu tả. ("Qui nhạn", "Tuyệt cú", "Phục sầu"...).

TTLB với bút pháp "ảo trung hữu chân" - lấy cái kỳ ảo để lột tả bản chất chân thực, sinh động, đã đạt tới sự hài hòa giữa hai yêu cầu CHÂN (tự nhiên) và Mỹ(đẹp),có thể xem là một biểu hiện của phương châm "Thanh thủy xuất phù dung" mà Lý Bạch

đã đề ra.(

2.4.2. Tuy nhiên, TTLB không phải bao giờ cũng "Kỳ". Nói đúng ra, Lý Bạch thích lấy cái "Kỳ" làm đối tượng miêu tả, nhưng ông lại diễn đạt nó theo cách thức hoàn toàn tự nhiên, hầu như không trau chuốt, đẽo gọt. Người đời thán phục ông không chỉ vì thơ hay mà còn vì tài thơ mẫn tiệp, Đỗ Phủ ca tụng ông uống một đấu rượu thì làm được trăm bài thơ ("Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên"). Phong cách sáng tác tự nhiên của Lý Bạch trái ngược hẳn với Đỗ Phủ. Đỗ Phủ thích tả THựC, song hình thức diễn đạt lại rất dụng công, nắn nót từng chữ khiến người ta "đọc chẳng kinh người, chết chửa thôi". Còn Lý Bạch, như Nghiêm Vũ nhận xét, lại "sở trường ở ý thơ phun thẳng từ trong lòng ra" [117:600]. Chính ở điểm này mà Lý Bạch được nhiều nhà thơ đời sau phục là tài hoa và có năng khiếu thiên bẩm hơn Đỗ Phủ.

Lý Bạch thành công nhất ở những thể thơ tự nhiên, không gò bó : nhạc phủ, cổ thi và tứ tuyệt. Nếu nói đến tính chất phóng túng thì không gì bằng cổ thể thi và nhạc phủ. Còn nếu chú ý đến tính chất giản dị, thanh thoáng thì có lẽ tứ tuyệt là thể loại đáng lưu ý nhất.

2.4.2.1. Kết cấu phổ biến nhất trong TTLB là "tuyền thủy thuận lưu" (như nước suối chảy xuôi dòng), ý thơ móc nối tự nhiên, lưu loát. ("Tĩnh dạ tứ", "Văn Vương Xương Linh tả thiên Long Tiêu dao hữu thử ký", "Sơn trung vấn đáp", "ức Đông Sơn nhị thủ"...). Kết cấu thơ tứ tuyệt của Vương Duy nhìn chung chặt chẽ và nhiều lý tính, mặc dù nó ẩn dưới một hình thức thanh nhã. Còn TTLB mạch thơ bị chi phối mạnh mẽ bởi cảm xúc, mà đã là cảm xúc thì nó hết sức tự nhiên, không tuân thủ qui tắc nào cả.

( TTLB hay có lối mở đầu "trực phá" (đi thẳng vào vấn đề). Chu Khiếu Thiên nhận xét hai câu đầu của bài TTLB thường "lấy ý tràn đầy làm sóng" ("dĩ dật ý tác ba")1. TTLB ngay từ phút đầu đã đưa người đọc xâm nhập thẳng vào thế giới của nó, tên bài thơ và câu thơ thứ nhất thường có mối liên hệ chặt chẽ. Như bài "Biệt Đông Lâm tự tăng" (Tạm biệt sư chùa Đông Lâm), câu đầu đã giới thiệu ngay địa điểm và sự việc "Đông Lâm tống khách xứ" (Đông Lâm nơi tiễn khách). Bài "Cửu nhật Long sơn ẩm" (ngày mùng chín uống rượu ở Long sơn) câu đầu lặp lại y nguyên tên bài thơ. Bài "Nga Mi sơn nguyệt ca", câu đầu tả ngay vầng trăng "Nga Mi sơn nguyệt bán luân thu" (Trăng núi Nga Mi nửa vầng thu)... Cũng có khi TTLB không miêu tả ngay đối tượng và địa điểm..., nhưng lại gợi rất rõ một không khí trữ tình mà nó sẽ bao trùm lên toàn bài. Như bài "Độc tọa Kính Đình sơn" số 1, câu đầu không tả núi, chỉ tả chim bay: "Chúng điểu cao phi tận" (chim bầy cao bay hết), song hàm ý về một độ cao và sự cô đơn khác thường đã hé lộ - mà đó chính là ý tưởng quán xuyến toàn bài. Bài "Tặng Uông Luân" biểu lộ cảm nhận sâu sắc về tình bạn nên câu đầu gợi lên bối cảnh chia ly - thời điểm bộc lộ rõ nhất tình lưu luyến :"Lý Bạch thừa chu tương dục hành" (Lý Bạch cưỡi thuyền sắp sửa đi)... Cách phá đề của TTLB giản dị mà không nhàm chán, thẳng thắn mà không lộ liễu cũng bởi gốc của nó là "Tự nhiên". Vì "tự nhiên" như bày ra trước mắt nhưng lại biến hóa khôn lường, câu phá đề của TTLB "nói rõ mà không nói hết", vẫn khiến người đọc ngạc nhiên và bị cuốn hút vào bài thơ. Như bài "Đồng Quan sơn túy hậu tuyệt cú", câu phá đề thật lạ lùng :

" Ngô ái Đồng Quan lạc..."

( Ta thích Đồng Quan vui...)

Thông thường ra, một câu khái quát cảm xúc chung như thế phải đặt ở vị trí kết, khi nhà thơ đã miêu tả và phân tích đầy đủ mọi dữ kiện để có thể truyền cảm giác đó một cách mạnh mẽ tới người đọc. Mà ngay cả cho một câu kết thì cách nói "Ta thích..." ("Ngô ái...") đó cũng có vẻ quá lộ liễu, không chừa lại chút tưởng tượng nào cho độc giả. Thế mà Lý Bạch lại đưa nó ngay lên đầu ! Có vẻ như ông đã - bằng sự "tự nhiên thái quá" của mình - đẩy bài thơ vào ngõ cụt vì những câu thơ sau có khả năng chỉ là minh họa buồn tẻ cho một định lý đã được khẳng định trước. Toàn bài tứ tuyệt đó như sau :

" Ngô ái Đồng Quan lạc,

Thiên niên vị nghĩ hoàn.

Yêu tu hồi vũ tụ,

Phật tận Ngũ tùng san (sơn) "

tạm dịch : Ta yêu vui thú Đồng Quan,

Nghìn năm chưa chắc đã toan xa rời.

Muốn quay múa ống tay chơi,

Lướt nhanh thẳng tới tận nơi Ngũ Tùng.

Lý Bạch viết bài này khi say rượu ở Đồng Quan. Người say khó mà kìm giữ được cảm xúc trong lòng. Cứ qua cách ông nói thẳng tuột "Ta yêu vui thú Đồng Quan" đủ thấy hơi men đang bốc. Cho nên ông mới khẳng định "nghìn năm chưa nghĩ đến chuyện về", cứ như là ông có thể sống và yêu Đồng Quan lâu đến thế. Thời gian đã chẳng ảnh hưởng gì được tới ông mà không gian cũng vậy. Phơi phới thần tiên, ông chỉ cần phất ống tay một vòng là lướt đến tận núi Ngũ Tùng (cách Đồng Quan năm dặm). Bài thơ đúng là giọng điệu của một "ông tiên rượu" ("Tửu trung tiên"), hào hứng, say sưa và nhẹ lâng lâng ! Câu phá đề của Lý Bạch đặt trong bài thơ quả là tuyệt diệu để gợi lên cảm giác của người say, thấy mình rất lớn và rất tự do, có thể nói và làm tất cả theo ý thích mà không cần lý giải. Giả sử thay câu đầu bằng cách nói gián tiếp, tả Đồng Quan đẹp nên không muốn về, thì ý thơ sẽ tỉnh táo, chỉ đề cao được Đồng Quan mà đánh mất cá tính, cái Tôi nhợt nhạt và thụ động không tương xứng với phong độ ở hai câu kết. Trong cách phá đề hết sức tự nhiên, Lý Bạch đã bộc lộ sự nhạy cảm với bản chất của vấn đề, không cần đưa đẩy nhiều lời mà đạt ngay được hiệu quả "khai môn kiến sơn" (mở cửa thấy núi).

TTLB thường chuyển ý cũng rất tự nhiên. Mặc dù thơ ông có nhiều hình ảnh đối lập để gây ấn tượng, song ông ít khắc họa mâu thuẫn. Lối chuyển ý ngoặt sang hẳn hướng khác như ở các bài "Khuê oán", "Tây cung thu oán"... (Vương Xương Linh), lấy cảnh đối lập với tình làm nổi lên sự ngang trái... rất hiếm trong TTLB. Có lẽ vì Lý Bạch chủ trương tự nhiên, mà cách kết cấu như thế cho thấy ít nhiều đã có sự bố trí, dàn cảnh. Cái cảm giác TTLB được viết một lèo, như "phun từ trong lòng ra" có lẽ một phần cũng vì cách ông chuyển ý rất trôi chảy, bài thơ đầu cuối hô ứng, đạt tới độ "nhất khí". TTLB thích nâng cao chứ không hay lật lại vấn đề. Lối suy tư trăn trở như của Vương Duy trong "Mạnh Thành ao", Giả Đảo trong "Độ Tang càn"... lấy ý tưởng "luân hồi" để đánh giá cảm xúc của mình, thấy nó rất tương đối, dễ đổi thay..., hầu như không có trong TTLB. Có thể đó cũng là lý do khiến có ý kiến cho rằng TTLB thiếu một chiều sâu trầm lắng, bình tĩnh đánh giá cuộc đời từ nhiều góc độ như Đỗ Phủ, Vương Duy. Dù sao thì TTLB với kết cấu trôi chảy theo dòng cảm xúc nhất quán, mãnh liệt, cũng gây ấn tượng mạnh mẽ theo kiểu khác. Ông đã không mổ xẻ thế giới như một phẫu thuật gia để hiểu về nó, mà như một nghệ sĩ, ông muốn cảm thấy nó dưới hình hài tự nhiên, trọn vẹn. Chính vì thế, TTLB luôn vận động hướng tới một sự thống nhất lớn. Nói như vậy không có nghĩa là nó không có những chuyển ý bất ngờ. Đã được chuẩn bị trước mà vẫn ngạc nhiên, đó mới là sự ngạc nhiên thú vị nhất, và TTLB đã đạt được trình độ đó (Xin xem phân tích các bài "Tặng nội" tr. 63, "Quân hành" tr.37 của luận án). Bất ngờ trong TTLB do đó mà thường mang ý nghĩa khám phá chứ không phải là cái bẫy kỹ xảo.

(

2.4.2.2. Ngôn ngữ trong TTLB cũng hết sức trong sáng và dễ hiểu. Ông không chơi chữ cầu kỳ và cách diễn đạt của ông tự nhiên đến mức có vẻ không được trau chuốt cho lắm. Vậy mà ông lại "dấn thân" vào một thể loại mà do số chữ quá ít ỏi, yêu cầu đầu tiên của nó là ngôn ngữ hàm súc, tinh túy ! Lý Bạch giải quyết mâu thuẫn này hết sức nhẹ nhàng : bằng con đường Tự NHIÊN. Thơ ông hướng tới khắc họa cái CHÂN, kết cấu trôi chảy tự nhiên thì ngôn ngữ phù hợp nhất phải là thứ ngôn ngữ trong sáng, giản dị. Bất cứ một sự phô bày, đẽo gọt ngôn từ nào cũng sẽ trở nên kệch cỡm và mâu thuẫn với tính "CHÂN" là gốc của tứ thơ. Cũng giống như đa số các thi sĩ thời đại ông, Lý Bạch đưa vào tứ tuyệt của mình khá nhiều điển cổ, điển tích. Có điều chúng phần lớn đều thuộc loại thông dụng, không cần phải tra cứu cầu kỳ mới hiểu được và thường chỉ đóng vai trò bổ sung chứ không quyết định được ý thơ. Như bài "Tương Dương khúc" số 4 của ông ( Xin xem trang 94 của luận án), nếu không hiểu bia "Đọa lệ" có nghĩa gì và "Sơn Công" là ai thì người đọc vẫn có thể cảm nhận được hàm ý Lý Bạch gửi gắm ở đây - dù chưa thật trọn vẹn.

Một điều đáng lưu ý là TTLB mặc dù ngôn ngữ giản dị nhưng cũng lại rất đẹp và dùng từ rất táo bạo. Như cách ông tả buổi gặp gỡ với bạn trong tiệc rượu ở Tây Giang : ... " Tương phùng bất giác túy

Nhật đọa Lịch Dương xuyên "

("Xuất kỹ Kim Lăng tử trình Lư Lục tứ thủ", bài 3)

... ( Gặp nhau bất giác đã say

Mặt trời rụng xuống sông này Lịch Dương).

Gặp nhau, uống say là chuyện thường tình. Nhưng Lý Bạch đặt trợ từ "bất giác" (chợt/lúc nào không biết) trước từ "túy", gây cảm giác vừa gặp đã say, không phải say rượu mà say vì tương phùng. Từ "lạc" (lặn) sẽ thích hợp hơn khi tả mặt trời, nhưng Lý Bạch lại dùng từ "đọa" (rơi rụng) như thể vầng dương kia không lặn xuống từ từ mà giống trái cây chín thình lình rơi rụng trong chớp mắt. Lý Bạch dùng từ rất mạnh mẽ để diễn tả cảm xúc mãnh liệt về một tình bạn đủ làm say lòng và quên cả thời gian, trời đất - trước sự lớn lao của nó thì mặt trời dường như cũng trở nên nhỏ bé, không bền vững ! Có thể thấy Lý Bạch không trau chuốt từ ngữ nhưng hiệu quả diễn đạt lại cực cao và hình ảnh thơ rất đẹp. Chỉ vài từ mà ông phác họa được một sự kết hợp đầy thi vị : gặp bạn, lại có rượu, giữa buổi hoàng hôn, trên dòng sông. Chi tiết "mặt trời rụng" ("Nhật đọa") còn gợi tả nỗi luyến tiếc về thời gian trôi nhanh đến sững sờ, cho thấy cuộc gặp gỡ kia rất tuyệt. Câu thơ lời giản dị mà ý cảnh thâm trường, sinh động, đẹp đẽ. Nhìn chung, TTLB sở trường về sử dụng những động từ mạnh, mới đọc tưởng như thô, song lại cực kỳ gây ấn tượng và rất sinh động. Như từ "lõa thể" (trần truồng) trong bài "Hạ nhật sơn trung" ( Xin xem trang 80 của luận án), từ "biến" trong câu "Sầu dung biến hải sắc" ("Mặt u buồn làm đổi sắc biển") - bài "Bôn vong đạo trung ngũ thủ" số 2), từ "đọa" (rơi) trong câu "Tương Khan nguyệt vị đọa" ("Nhìn nhau trăng chưa rơi" - bài "Việt nữ từ" số 4), từ "trầm" (đắm mình) trong câu "Minh nguyệt bất qui trầm bích hải" ("Trăng sáng không về, đắm mình ở biển xanh" - bài "Khốc Triều Khanh Hoành")...

( Lưu Đại Khôi (đời Thanh) trong "Luận văn ngẫu ký" đã đề cao giản dị là "cảnh giới tận cùng của văn chương" ("cố giản vi văn chương tận cảnh"). Sở dĩ như vậy vì theo ông :" những tay bút già dặn thì giản dị, ý chân thực thì giản dị, từ thiết thực thì giản dị, vị thanh đạm thì giản dị, khí đầy đủ thì giản dị, phẩm chất cao quí thì giản dị, thần cao xa mà hàm chứa không cùng thì giản dị" ("bút lão tắc giản, ý chân tắc giản, từ thiết tắc giản, vị đạm tắc giản, khí uẩn tắc giản, phẩm quí tắc giản, thần viễn nhi hàm tàng bất tận tắc giản") [39:178]. TTLB với bút pháp tự nhiên giản dị đã bộc lộ một tài thơ vĩ đại.

2.(4.3. Nhưng cái gì đã quyết định phong cách tự nhiên đó trong TTLB ? Có thể thấy Lý Bạch đã học tập rất nhiều ở dân ca ( Xin xem cụ thể ở chương 3). Tứ tuyệt của ông nhiều bài không chỉ lấy nguồn cảm hứng từ dân ca mà cả phong vị bình giản mà đẹp đẽ cũng rất gần gũi. ("Việt nữ từ ngũ thủ", "Lục thủy khúc", "Tương Dương khúc" 4 bài, "Cán sa thạch thượng nữ"...). Chính điều đó đã khiến thơ ông - mặc dù nói rất nhiều về cái Tôi - lại dễ hiểu và mang tính nhân dân hơn cả thơ Đỗ Phủ - vị "thánh thi" của lê dân. Song dân ca là vốn chung, tại sao với Lý Bạch lại có ảnh hưởng nhiều hơn các nhà thơ khác ? Sở dĩ như vậy vì trong tâm hồn Lý Bạch vốn sẵn có một sợi dây đồng điệu - đó là bản chất "anh nhi" (đứa trẻ thông minh) của ông. Lý Chất (đời Minh) trong "Đồng tâm thuyết" khẳng định :" Những áng văn chương hay nhất trong thiên hạ chưa bao giờ lại không nảy sinh từ trái tim trẻ thơ" [ Sđd 39:106] ("Thiên hạ chi chí văn, vị hữu bất xuất vu đồng tâm yên giả dã"). "Trái tim trẻ thơ" ("đồng tâm") ở đây là bản năng hướng tới "Thiên chân", lời nói tự nhiên phát ra từ tấm lòng chân thực. Với chủ trương "Thanh thủy xuất phù dung", Lý Bạch đã đi tìm cái đẹp từ trong sự chân thực và tứ tuyệt của ông là đóa sen nở ra từ hồn thơ tinh khiết, sạch trong. Cuộc sống nay đây mai đó, du lịch nhiều tiếp xúc với đủ hạng người (Lý Bạch đã 3 lần viễn du, cả cuộc đời đã đi ( hầu khắp đất nước) có lẽ cũng góp phần làm tăng tính cách phóng túng trong đời và tự nhiên trong thơ Lý Bạch. Một nguyên nhân sâu xa hơn của bút pháp tự nhiên trong sáng tác Lý Bạch có lẽ là ảnh hưởng của Đạo gia. "Đạo" theo Lão Tử là "Đường thiên nhiên". Lão Tử chủ trương bỏ cái "trí", chỉ minh triết và lặng lẽ hòa mình vào sự vận động của đại Tự Nhiên, như vậy sẽ tìm tới ĐạO. TTLB dường như đã mang được tinh thần đó của ĐạO khi nó gạt bỏ tối đa suy lý, xét đoán, chú trọng tả CHÂN TÂM theo một con đường "nhất khí", với ngôn ngữ tự nhiên, giản dị.

x

x x

2.5. Trong bốn đặc trưng bút pháp nêu trên của TTLB thì "cái Tôi" cá tính" và "Thanh thủy xuất phù dung" có lẽ là tiêu biểu nhất cho cá tính sáng tạo của Lý Bạch. Còn "Tả cảnh nhập thần" và "ý tận, khí hùng" lại chủ yếu nói lên thành tựu nghệ thuật mà TTLB đạt tới. Có thể nói rằng với những đặc điểm phong cách đó, Lý Bạch đã cống hiến cho thể loại tứ tuyệt trên cả hai phương diện : cá tính độc đáo và nghệ thuật điêu luyện. TTLB do đó không chỉ "hay" mà còn "mới", không chỉ xuất hiện như một hiện tượng nổi bật mà còn để lại những bài học kinh nghiệm sáng tác mẫu mực, góp phần thúc đầy sự phát triển của thể loại.

Chương 1 và 2 của luận án đã khảo sát TTLB như một chỉnh thể thống nhất, so sánh nó với thơ cùng loại của các nhà thơ khác và thơ khác loại của chính Lý Bạch để tìm ra nét hấp dẫn độc đáo. Song muốn hiểu sâu hơn về TTLB thì không thể dừng lại ở đó mà phải thâm nhập vào cơ cấu bên trong của nó, khám phá đặc điểm riêng cũng như mối quan hệ đan chéo, bổ sung giữa từng thể loại nhỏ của tứ tuyệt. Đó chính là nhiệm vụ của chương 3 luận án.

 Phạm Hải Anh