*











Lâm Lễ Trinh nói chuyện với Đặng Mỹ Dung
 

Vừa rồi thành phố Atlanta thuộc tiểu bang Georgia đã bầu Yung Krall, môt công dân Mỹ gốc Việt, 56 tuổi, là người Phụ Nữ Xuất Sắccủa năm 2003. Năm 1995, quyển hồi ký "A thousand Tears Falling" của Yung Krall - liền sau khi nhà xuất bản Longstreet Press, Atlanta, cho phát hành - được Ủy ban Georgia Author of the Year Committee chọn là một trong 45 ấn phẩm không giả tưởng, non fiction, hay nhất tại Hoa kỳ. Ngày 18.4.1998, Đại hội toàn quốc Society Daughters of the American Revolution tặng Yung Krall huy chương danh dự về thành quả phục vụ cộng đồng và đất nước.
Tháng 3.1998, chúng tôi đã phê bình sách "Một Ngàn Giọt Lệ Rơi" trong bài "Làm thế nào phá vỡ lưới tình báo Việt cộng tại Hoa kỳ?", phổ biến trên mạng internet. Cốt chuyện có thật 100%, kể lại hoạt động gián điệp của tác giả (tên Việt là Đặng Mỹ Dung), sanh tại Cần Thơ, con gái của Trần Thị Phàm và Đặng Quang Minh, một cựu giáo viên, đảng viên Cộng sản kỳ cựu, tập kết ra Bắc sau Hiệp ước Genève và từng giữ chức Đại sứ của Chính phủ Giải phóng Miền Nam tại Bắc Âu và Liên xô.
Để cứu gia đình ra khỏi địa ngục Việt Nam sau khi Quảng Trị và Ban Mê Thuột thất thủ, Dung tình nguyện làm công tác tình báo cho Hoa Kỳ. Dung lập gia đình năm 1968 với đại úy phi công Hải quân Mỹ John J. Krall. Được CIA huấn luyện tại Langley, Dung thành công xâm nhập hàng ngũ Cộng Sản tại Hoa kỳ và tại Hòa Đàm Paris để thu thập tin tức của địch. Dung gặp lại cha tại Tokyo và Paris vào tháng 6 và tháng 9.1975. Dung hủy bỏ vào giờ chót kế hoạch bắt cóc cha nhưng giúp được người anh tên Khôi – một sĩ quan đào tạo tại Nga về tên lửa –trốn qua Hoa kỳ. Mẹ, chị và em gái của Dung xin tị nạn chính trị tại Mỹ vì dứt khoát với Cộng Sản. Một người em trai của Dung, phi công trong Quân lực VNCH, đã tử nạn tại Savannah, Georgia. 

Ngày 31.1.1978, Dung tình nguyện làm nhân chứng chính yếu key witness và yêu cầu FBI bủa lưới bắt và đưa ra Tòa án gián điệp Ronald Humphrey, Trương Đình Hùng (con của luật sư Trương Đình Dzu) và đồng bọn trong tổ chức Việt kiều Yêu nước. Đại sứ CS tại Liên Hiệp Quốc, Đinh Bá Thi, bị trục xuất. Một số can phạm khác như Huỳnh Trung Đồng, Nguyễn Ngọc Giao, Phan Thanh Nam... ẩn trốn tại Pháp. 

Vì biết hết hy vọng tái ngộ với cha, sau vụ này, để thuyết phục trở về phía quốc gia, Dung tha thiết tìm hiểu lý do nào đã khiến ông trung thành với xã hội chủ nghĩa đến cùng. Trong đầu Dung nảy sanh một ý kiến: qua Bắc kinh, phỏng vấn Hoàng Văn Hoan (HVH), một đảng viên cao cấp cộng sản , tị nạn chính trị tại Trung quốc vì bị Hànội tố cáo "phản đảng".

Sau một thời gian dài cân nhắc, tiếp xúc, vận động và chuẩn bị, Dung vui mừng được toại nguyện. Giấc mơ thành sự thật vào tháng tư 1986. Chuyến du hành với tư cách cá nhân này không có kể lại trong hồi ký "A thousand Tears Falling. Cuộc mạn đàm dưới hình thức vấn-đáp giữa tác giả LLT và ĐMD, xoay quanh ba điểm chính: 

A- Lý do và sự chuẩn bị cuôc hành trình qua Bắc kinh

VẤN: Lý do tâm lý hay chính trị nào đã thúc Cô thực hiện cuộc du hành qua Bắc kinh năm 1986? Ở bao nhiêu ngày? Đi bằng phương tiện gì? 

ĐÁP: Tôi ngưng cọng tác với CIA –FBI năm 1979 sau khi làm chứng trước Tòa án trong vụ FBI truy tố Trương Đình Hùng và đồng bọn tháng giêng 1978. Tôi tha thiết thực hiện ý định viếng thăm người bạn đồng song của cha tôi là cựu đại sứ Hoàng Văn Hoan (HVH). Lý do hoàn toàn tâm lý. Thật vậy, tôi biết không còn cơ hội đoàn tụ với cha khi lý lịch điệp viên của tôi bị lộ. Từ lâu, tôi vẫn ấm ức tìm hiểu vì sao cha tôi – một người thành thật yêu nước – bỏ lại vợ và sáu đứa con thơ (lúc đó tôi vừa chín tuổi) để theo Cộng sản, gây tang tóc cho quê hương, nhân danh "cách mạng cứu nước". HVH– từng là thành viên Chính trị bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội và trong Chủ tịch đoàn Mặt trận Tổ quốc - đã đào thoát qua Trung quốc năm 1979 và từ nơi này, y hô hào lật đổ bạo quyền Hànội để "thực hiện một cuộc cách mạng mới". Từ 1982 cho đến 1986, tôi viết nhiều bức thơ thỉnh cầu HVH cho tôi diện kiến. Trong thơ, tôi tỏ lòng "hâm mộ" ông đã dứt khoát với chế độ Hànội và tôi tiếc cha tôi không theo con đường ấy. Phụ tá của ông Hoan cuối cùng trã lời rằng ông Hoan sẽ xét chuyệïn này. 

Nhận được đơn của tôi, Bộ Tư pháp nêu vấn đề an ninh nhưng không ra mặt từ chối. Sau khi được một bà thầy bói gốc Da Đỏ tên Betty ở New Mexico đoán cho một quẻ tốt, đầu mùa xuân 1986 tôi làm thủ tục xin visa tại Tòa Tổng lãnh sự Trung quốc ở San Francisco và đồng thời, thông báo cho Văn phòng ông HVH. Không đầy một tuần, tôi ngạc nhiên nhận được chiếu khán du lịch có hiệu lực 14 hôm. Tôi đi bằng tiền túi và lên đường ngày 16 tháng tư bằng máy bay Panam.

VẤN: Ông bà cụ thân sinh và chồng cô đã phản ứng ra sao về chuyến xuất ngọai này? HVH có hay hoạt động gián điệp trước đó của cô hay không? Cô không sợ "sa vào hang cọp" hay sao? 

ĐÁP: Tháng tư 1986, cha tôi trở về làm việc với tư cách Cố vấn tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuy Chính phủ Giải phóng Miền Nam đã bị giải tán từ 1975. Có lẽ qua báo chí, cha tôi biết hoạt động tình báo của tôi. Gia đình tôi ngưng liên lạc vì không muốn ông bị phiền phức. Bốn tháng sau khi tôi đi Băc kinh thì cha tôi qua đời tại Saigon. Gia đình tôi đau khổ nhưng không ai về xứ dự đám táng. Tôi vẫn mãi nhớ câu nói của cha, như một lời trăn trối, khi ông gặp tôi tại Tokyo tháng bảy 1975 sau 20 năm xa cách: "Ba không tìm cách thay đổi con nhưng xin con đừng dày xéo xác tín của Ba!" 

 * Để tránh cho mẹ tôi những lo âu vô ích, tôi nói dối rằng nhân sinh nhật thứ 40 của tôi, ông xã tôi hiến cho tôi hai tuần du lịch tại Trung quốc, điều mà tôi mơ ước từ lâu. Mẹ tôi khuyên : không nên thừa cơ để "tạt về Việt Nam"! Theo quan niệm dãn dị của bà, chống Cộng là nhất quyết không chung sống với CS, bà không mấy hưởng ứng những hình thức đấu tranh khác như biểu tình chống đối hay tranh luận dài dòng. Mẹ còn thêm: "Coi chừng ba con biết được, ổng khó chịu". Tôi cãi lý: "Ba không ưa Tàu chớ ba đâu có bắt con ghét họ!". Mẹ thở dài: "Má nói vậy chớ ai muốn đi đâu thì đi. Lớn hết rồi, ai cấm cản ai được!"

 * Về chồng tôi, khi tôi thố lộ: " Em muốn đi Trung quốc. Em phải biết vì sao cha đã bỏ gia đình theo Cộng sản!", John hỏi: "Ai sẽ trã lời điều ấy?". Tôi đáp: "Hoàng Văn Hoan. Hoan theo Tàu, cha theo Nga. Hai người không thể gặp nhau. Bác Hoan nói "phải làm lại cách mạng." Bác Hoan sẽ cho em hiểu lý do". John lắc đầu: "I think it’s crazy!". Tôi nói: "Sự thật sẽ giải thoát. Cho dến lúc tìm ra được câu trả lời thỏa đáng, em vẫn cảm thấy em chỉ là một đứa trẻ mồ côi 9 tuổi!" 

 * Trong các thơ gởi cho HVH, tôi không dấu mà cũng không nhấn mạnh vào những hoạt động dĩ vãng của tôi. Tôi nghĩ ông có dư phương tiện để điều tra về tôi. Biết chừng đâu điều này là một lý do để ông Hoan tiếp tôi? Vì hiếu kỳ. Vả chăng tôi chống Chính phủ Hànội vào một giai đoạn ông Hoan bị thất sủng và không còn liên hệ vì Lê Duẫn và nhóm cầm quyền đã công khai xoay lưng lại với Bắc kinh để theo Mạc Tư Khoa. 

 * Tôi hiểu tôi mạo hiểm vào hang cọp. Tôi sợ nên tôi nhờ bà Betty xủ cho một quẻ. Tôi sợ, tôi mới lật quyển I Ching để tự tôi bói lấy tương lai. Mối sợ hãi nhường bước trước óc phiêu lưu và mối ám ảnh muốn biết thêm về cha tôi và "con đường cứu nước" mà ông hy sinh tất cả để chọn. Sáng 14.4.1986, Lance, con trai tôi, quấn quít gần bị trễ học mới chịu lên xe đến trường."Have a safe trip, Mom!",nó chúc tôi qua một cái ôm thật lâu, làm tôi rơi lệ. 

 "Phi Lạc " bay sang Tàu để tìm căn nguyên thất bại của một cuộc cách mạng què quặt.

 B – Những nhận xét đáng ghi lại trong hai tuần ở Bắc kinh.

 VẤN: Cô được tiếp đãi như thế nào khi đến Bắc kinh? Cư trú tại đâu? và thời khóa biểu ra sao?

 ĐÁP: Tôi ở Trung quốc từ 16.4. đến 1.5.1986. Tôi ghé Tokyo một hôm. Lúc 1 giờ 30 trưa ngày 17 tháng tư, tôi đến phi trường Bắc kinh và đứng xếp hàng nơi cửa dành cho du khách. Văn phòng HVH báo trước sẽ gởi người đến đón. Vài phút sau, một phụ nữ Á đông, lối 35 tuổi, tóc bới cao, không trang điểm, mang đồ đen, làm dấu tay bảo tôi chuyển qua phía dành cho nhân viên ngoại giao. Y trình cho người xét giấy một tài liệu. Thông hành của tôi được miễn đóng dấu và tôi mau chóng hoàn tất thủ tục, hành lý có porteur đưa thẳng ra xe. Người đàn bà vui vẻ chào tôi bằng Pháp ngữ và tiếng Quang thoại. Bà không nói được tiếng Việt, mặc dù tự giới thiệu dưới tên là "chị Cao" và có một gương mặt Việt Nam. Một chiếc limousine đen đợi sẵn bên ngoài với tài xế và một đàn ông Việt, 60 tuổi, nói giọng Bắc nhẹ nhàng, cũng xưng tên là Cao, tôi gọi "Bác Cao". Bác Cao và Chị Cao cho biết họ sẽ lo mọi việc trong thời gian tôi ngụ tại đây. Mùa xuân Bắc kinh lạnh hơn Atlanta, khí trời bụi bậm vì gió sa mạc thổi vào. Bác Cao ngồi cạnh tài xế, chị Cao ngồi băng sau với tôi. Năm chục phút sau, xe ngừng trước Wanshoulu Guesthouse, nhà trọ dành cho khách đặc biệt. Tôi ngạc nhiên vì đây không phải là khách sạn tôi chọn từ trước. Bác Cao nói Wanshoulou rẻ và an ninh hơn. Y lấy chìa khóa phòng 101 cất sẵn trong túi, đưa tôi, bảo về nằm nghỉ; guesthouse sẽ phụ trách phần ẩm thực. Giấy thông hành, vé máy bay khứ hồi và luôn cả số bạc hai ngàn mỹ kim của tôi bị khách sạn cất trong một tủ sắt. Khi thấy tôi thắc mắc về những "biện pháp cảnh sát" này, Bác Cao trấn an: "Chị Cao cần các tài liệu ấy để làm thủ tục. Gần đến ngày về, chị Cao sẽ gọi hảng máy bay xin xác nhận. Chị an tâm." Tôi nổi da gà. Lỡ cỡi cọp, đành phải chịu! Bác Cao còn dặn hãy gọi Bác nơi điện thoại số 539 « nếu cần gì ». Tôi ở phòng 101, với điện thoại số 401. Tôi nhận ra hai số 401 và 539 đều ở trong guesthouse. Khách sạn chỉ có hai tầng. Về phòng, việc đầu tiên là vặn nước cho đầy bồn tắm. Không đói. Tôi tắt đèn, nằm trong bóng tối cho đến khi nước lạnh, để đầu óc bớt căng thẳng. Hình như cả ngàn con mắt ở xung quanh đang bám sát tôi. Tôi trải nệm dưới đất, không dám ngủ trên giường. Sáng giậy, vác nệm để lại chổ cũ. Cho đến ngày về, tôi vẫn làm như thế. Đêm đầu, tôi trằn trọc, không nhắm mắt được. 

 Hôm sau, đúng 9 giờ, bác Cao điện thoại cho biết đợi tôi ăn điểm tâm. Bác nói cụ HVH bận ở miền Nam vài hôm để gặp Việt kiều tỵ nạn từ Hải phòng qua Trung quốc . Tuần lễ đầu để dành đưa tôi đi xem một số thắng cảnh quanh Bắc kinh bằng xe taxi.

 VẤN : Như thế HVH chỉ tiếp cô vào tuần lễ thứ hai. Trong tuần đầu, các cọng tác viên của HVH có dịp đề cập đến tình hình Việt Nam hay không ? 

 ĐÁP : Bác Cao và chị Cao dẫn tôi đi viếng nhiều chổ như công viên Beihai, chùa Tây Tạng, khu chợ Wangfujing, Vạn lý Trường thành, Khu cung cấm ..v..v..Khi tôi cần tiền thì bác Cao lấy trong túi 300 yuans cho tôi mượn. Tôi cho biết tôi khó nuốt những món ăn khắc khổ tại Wanshoulu. Bác Cao hứa sẽ nói với khách sạn chọn thực đơn khá hơn. Bác Cao tránh hỏi nhiều về đời tư của tôi nhưng muốn hiểu cách sanh sống của đồng bào Việt tại Hoa kỳ. Tình cờ bác cho biết Trương Như Tảng và Đoàn Văn Toại có sang Bắc kinh thăm HVH « bàn chuyện cách mạng ». Bác Cao tỏ vẻ có thiện cảm với họ khi nhắc đến kỷ niệm dắt họ đi viếng nhiều chỗ như tôi. Tôi cũng không hỏi về hoàn cảnh lưu vong của bác tuy đoán được bác là một cựu nhân viên ngoại giao cọng tác lâu năm với đại sứ HVH và sau đó, bị kẹt lại ở Trung quốc. Qua giọng nói và ánh mắt của bác mỗi khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam, tôi nhận thấy bác nhớ quê hương ray rứt và tâm tư có nhiều bức xúc. 

 VẤN : HVH tiếp cô mấy lần ? tại đâu ? HVH nói gì về cha cô, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn ?Pphê bình ra sao chế độ cầm quyền tại Hànội ? và trường hợp nào HVH phải trốn qua Trung quốc ? 

 ĐÁP : HVH đến tận Wanshoulu Guesthouse thăm tôi hai lần tại phòng 101 của khách sạn. Ông không tiếp tôi tại nhà riêng. Ông đối xử với tôi như con cháu, vì quen với cha tôi từ lâu. Chính phủ Trung quốc trọng đãi ông như một thượng khách, một lá bài quý chống chính quyền trở mặt Hànội. Trong số đồng chí kỳ cựu của Hồ Chí Minh, HVH là người liên hệ mật thiết và lâu đời nhất với Bắc kinh : Năm 1926, ông được huấn luyện tại Quảng Châu ; ở lại Trung cộng hoạt động từ 1935 đến 1942 ; giữ chức Đại sứ của Bắc Việt từ 1950 (liền sau khi Bắc kinh công nhận Hànội) đến 1957. Hồ và Hoàng ra đời cả hai tại tỉnh Nghệ An (cái nôi của cách mạng), người đầu, năm 1863, tại làng Kim Liên, người sau năm 1905 tại làng Quỳnh Đôi. 

 Bác Cao báo tin ông HVH sẽ đến khách sạn lúc 3 giờ trưa nhưng trước đó, phòng của tôi phải được « chuẩn bị nghiêm trang hơn ». Tôi bước ra ngoài để uống cà-phê. Khi trở lại, tôi nhìn không ra căn phòng 101 cũ: nhân viên khách sạn đã phủ thêm trên chổ dựa tay và dựa lưng của ba cái ghế salon màu đỏ bằng những tấm thêu đẹp màu trắng; trên bàn salon có một bình hoa vạn thọ, một dĩa kẹo, một mâm trái cây, một bình trà và sáu tách nhỏ ; một cái màn kéo ngăn phòng khách và phòng ngủ. Trên giường, một tấm phủ mới toanh, màu đỏ, có thêu chim phụng màu vàng... Đúng ba giờ, bác Cao gõ cửa, tôi bước ra, thấy ở hành lang một người đàn ông Trung hoa (có lẽ vệ sĩ), một nữ y tá và chị Cao chực sẵn. Bác Hoan từ ngoài đi vào với một nam phụ tá. Tôi chấp tay vái chào : « Kính bác, cháu là Mỹ Dung. Cám ơn bác đến gặp cháu. » Ông Hoan, 80 tuổi, cao, ốm, nhưng còn tráng kiện, choàng hai cánh tay rộng ôm tôi và nói : « Chúng ta vào trong nói chuyện , kể cho bác biết mấy ngày nay cháu có thích Bắc Kinh không ? » Chị Cao đóng cửa, ở ngoài với y tá và vệ sĩ. Trong phòng, chỉ còn ông Hoan, tôi, bác Cao và ông Hùng (phụ tá). Ông Hoan hỏi lý do nào dẫn tôi đến Bắc Kinh, tôi trình bày như ở đoạn trên. HVH tránh phê bình cha tôi ở lại cọng tác với Hànội nhưng không e dè tố cáo những sai lầm của ê-kíp Lê Duẩn. Ông lưu ý tôi đọc kỹ những bài chính ông viết về vấn đề này trong tạp chí «Tin Việt Nam » do ông và các đồng chí lưu vong chủ trương ở hải ngoại. Ông mang đến tặng tôi trọn bộ Tin Việt Nam từ 1980 cho đến 1986 (mà tôi xin biếu lại Luật sư, để tùy nghi xử dụng). Ông còn tặng tôi thêm quyển sách tiếng Anh «A drop in the Ocean, Hoàng Văn Hoan’s Revolutionary remeniscences’ của nhà xuất bản Foreign Languages Press, Beijing, phát hành năm 1988. Ấn phẩm này - dịch từ hồi ký tiếng Việt « Giọt Nước Trong Biển Cả » của ông Hoan - đăng nhiều tấm ảnh HVH chụp chung với Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và các nhân vật Trung hoa khác. 

 Năm 1979, Ủy ban Trung ương CSVN ra quyết nghị chống Bắc kinh. Quân đội VN chiếm Cam-bốt. HVH bị sỉ nhục, đe dọa và cô lập hóa. Biết không sống nổi với chế độ, ông xin đi Đông Đức, viện cớ để chữa bịnh ung thư phổi. Đến trạm Ấn độ, tình báo Trung quốc cho bốc ông đưa thẳng qua Bắc kinh. Vài hôm sau, ông bị trục xuất khỏi Đảng CSVN, bị tuyên xử tử hình khiếm diện về tội « phản quốc » và tịch thu tài sản. Vợ ông bị gởi đi vùng kinh tế mới và con trai ông bị tống giam. HVH xin tị nạn tại Trung quốc từ tháng 7.1979. HVH luôn luôn thán phục Hồ Chí Minh như một lãnh tụ vĩ đại. 

 Tôi có hỏi ông Hoan vì sao và từ lúc nào Lê Duẫn hành động trái với đường lối của Hồ chủ tịch. Ông đáp :  «Sau 1965, sức khỏe của Bác (Hồ) suy kém nhiều. Duẩn dùng mọi thủ đoạn để lần hồi tiếm quyền lãnh đạo Đảng. Y và đồng bọn đặt thủ hạ trong các chức vụ then chốt. Chúng gài cán bộ an ninh vào các cơ cấu Đảng ở mọi cấp bực. Những người khác ý kiến bị trù dập và vu khống. Ủy ban Trung ương và Chính trị bộ ngưng hoạt động chỉ huy tập thể. Tệ đoan tham nhũng, bè phái, bao che ô dù.. gây xú uế từ thượng tầng đến hạ đẳng , từ trung ương đến làng xã. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Duẩn còn xua quân xâm chiếm Miên, Lào và biến đại ân nhân Trung hoa thành kẻ thù truyền kiếp. Tại Đại hội Đảng kỳ 4 năm 1976, Lê Duẩn tự tôn là « lý thuyết gia mạc-xít lỗi lạc » và người có công lớn «thực hiện cách mạng ». Chẳng những thế, y và đàn em còn cho sửa di chúc của Bác (Hồ)  sau khi Bác qua đời ngày 2.9.1969. Để tóm tắt, người phản xã hội chủ nghĩa chính là Lê Duẩn. Sai lầm không do Cách mạng mà do cá nhân Lê Duẩn. Lập trường tư tưởng có vấn đề thì cán bộ hủ hóa. Trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm. Việt Nam cần một cuộc cách mạng khác »

 HVH nhắc tôi đọc chi tiết trong các tuyên cáo của ông ngày 9.8.1979, 28.1.1980 và 6.9.1981 đăng đầy đủ nơi phần phụ lục của quyển A Drop In The Ocean. Khi Bác Hoan nói thì hai phụ tá ghi chép. Bác ra về lúc 5 giờ, hẹn hôm sau trở lại để mời tôi đi dùng cơm ở nhà hàng Beijing Quan Ju De Roast Duck. Bác không quên dặn tôi hảy cẩn trọng về an ninh vì « dư đảng của Lê Duẩn còn nhiều ở Bắc Kinh » (nguyên văn).

 VẤN : Trong lần hội kiến kỳ hai với HVH, có đề tài gì khác được nêu ra? 

 ĐÁP : Cũng như hôm trước, căn phòng của tôi được khách soạn dọn dẹp trang nhã để tiếp ông HVH và các tùy tùng. Từ đó, chúng tôi dến tiệm ăn bằøng hai chiếc xe: một limousine Hong Qui dành cho bác Hoan, tôi và cô y  tá ngồi băng sau, một cận vệ ngồi phía trước với tài xế. Bác Cao, phụ tá Hùng và chị Cao đi xe taxi với 4 cận vệ khác. Người quản lý nhà hàng Beijing Quan Ju De Roast Duck đưa chúng tôi vào một phòng ăn riêng có nhiều phục dịch viên. Bữa tiệc thịnh soạn, thức ăn thượng hạng, có rượu ngon. Xong, Bác Hoan cho tất cả mọi người trở về Wanshoulu Guesthouse để cùng xem một cuốn film tuyên truyền Trung hoa trong phòng chiếu xi-nê riêng. Thấy Bác vui vẻ và cởi mở, tôi chụp cơ hội để hỏi ba câu canh cánh trong lòng : 1) Bác nghĩ sao về một nhựt báo Việt ở Hoa kỳ tung ra tin « Một Chính phủ Dân tộc Cách mạng Lưu vong » được công bố tại Paris, gồm có Chủ tịch HVH, Thủ tướng Trương Như Tảng, phát ngôn viên Đoàn Văn Toại, và các nhân vật tham gia là dược sĩ Trần Kim Quang, ký giả Đoàn Văn Linh, Phùng Hiệp Đoàn, Thái Quang Trung...vv.. Bác Hoan cười lớn, nói đây là một « tin vịt cồ » nhằm mục tiêu « phá hoại, bôi nhọ cách mạng ». Tạp chí Tin Việt Nam, trong số 47, tháng giêng 1985, có cực lực phủ nhận lời đồn đại này. 2) Hànội sẽ giải quyết thế nào vấn đề tù binh POWs (prisoners of war) và quân nhân Mỹ mất tích MIAs (missing in action) tại VN? Nghe câu hỏi, HVH bỗng sa sầm nét mặt, thắc mắc tại sao tôi lưu ý đến vụ này? Tôi đáp rằng chính cha tôi cũng đã là tù nhân của Pháp, gia đình của các tù nhân cần được thông báo vì họ vô tội. Bác Hoan nói bác đồng ý trả tự do cho tù binh vì chiến tranh đã chấm dứt, tuy nhiên Lê Duẩn đang dùng họ một cách thô bỉ để mặc cả đòi Hoa kỳ bồi thường chiến tranh 3) Chủ thuyết Mác xít sẽ đi về đâu ? Bác Hoan gằn giọng: Trước sau gì các nước cộng sản cũng sẽ đoàn kết lại để đánh bại Đế quốc !

 Để làm quà tiễn đưa, HVH tặng cho tôi tập thơ « Một Đôi Vần » của nhà xuất bản Việt Bắc in năm 1975. Trong thời gian hoạt động tại Việt Bắc từ 1942 đến 1945, ông đã sáng tác một số thơ ca bằng tiếng Việt và tiếng Tày để đăng báo. Những bài này không có gì là xuất sắc vì chỉ nhằm mục đích tuyên truyền. Ông Hoan từ chối khi tôi xin ông viết vài chữ tặng sách. Trước khi ra về, ông Hoan căn dặn tôi nên dự cuộc diễn hành của quần chúng ngày 1.5. 1986 nhân dịp Lễ Lao động. 

 C –Cảm tưởng chung về cuộc du hành qua Bắc kinh.

 VẤN : Cô rút được kinh nghiệm gì từ sự tiếp xúc với Hoàng Văn Hoan  năm 1986? Về tâm lý ? Về chính trị ? Mục tiêu của cô có đạt được hay không ?

 ĐÁP : Sáng ngày 1 tháng năm – ngày chót tại Bắc kinh – tôi đến Quảng trường Trung Sơn : Một biển người tụ họp trật tự tại đây từ sớm như một bầy cừu vĩ đại, trong những bộ đồng phục màu xanh dương hay xám đậm, với một rừng cờ đỏ và biểu ngữ, giữa những tung hô khẩu hiệu điếc tai nhức óc, để ăn mừng kỷ niệm 100 năm Lễ Lao động. HVH ngồi chễm chệ nơi khán đài, giữa một lô lãnh tụ cấp cao cộng sản. Tôi xen vào đám đông để chụp vài tấm ảnh. 

 Đây là kỷ niệm còn lại trong tâm khảm của tôi sau một chuyến du hành vừa thích thú, vừa gây thất vọng. Thích thú, vì đã gặp người tôi muốn gặp, hưởng được vài dễ dãi di chuyển trong một xã hội kềm kẹp, thu thập một mớ tài liệu và hiểu thêm để trân quý giá trị của tự do. Thất vọng, vì những thắc mắc về giải pháp cho cuộc khủng hoảng VN chưa tìm ra đáp số. Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Hoan, Lê Duẫn , Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng ..vv...– phe thân Nga cũng như phe thân Tàu – đều được đào luyện chung trong lò Đệ tam quốc tế Cộng sản. Cá mè một lứa, chó sói một chuồng. Thiển cận, vọng ngoại, vong bổn và tin tưởng ngu xuẩn nơi xã hội chủ nghĩa lỗi thời. Họ chỉ khác nhau nơi phương thức tranh dành chức tước , quyền lợi và ảnh hưởng. Hoan đối lập vì mất thế và mất ghế. Chớ không phải vì hết tin nơi thuyết Mác-Lê. Đó là trường hợp của một số đối lập « xu thời, đón gió » hiện nay ở Việt Nam. 

 Trong con mắt Hoan, Hồ vẫn là một thần tượng. Mặc dù lưu vong, Hoan sống quan liêu, phủ phê như một nhà tư bổn đỏ, với những ý niệm đóng khuôn, không có gì mới lạ. Tôi không còn liên lạc với ông sau 1986 . Thật mừng như sống lại khi phi cơ đáp xuống phi trường Los Angeles. Không khác gì trở lại ánh sáng của thế giới văn minh. Năm 1991, tôi tình cờ đọc trong báo tin Hoan qua đời tại Bắc kinh. Requiescat in pace!

 * * *

 Mác, Lê, Mao và Hồ thuộc vĩnh viễn về quá khứ. CSVN hiện là một giỏ cua. Giải pháp của họ không phải là giải pháp dân tộc. Vì thế, thất bại là chuyện chắc. Hình ảnh lưu vong của Hoàng Văn Hoan nhắc lại sự rạn nứt trong hàng ngũ cộng sản Bắc Việt đã nổ lớn ngay từ lúc Hồ còn sống. Hiện nay tình trạng chia rẽ và đối kháng bên trong nghiêm trọng hơn trước bội phần . Từ trên nửa thế kỷ, Đất nước càng băng hoại và lún sâu vào vũng lầy chậm tiến. Chưa thấy lối thoát. Trông chờ cộng sản tự sửa đổi là một ảo vọng !

 
LÂM LỄ TRINH

Thủy Hoa Trang

Ngày 27.9.2003

Californie

Trích Nguyệt San  Việt  Nam online