Không nhìn một hướng
H. bảo
giữa tháng em đi. Tôi tò mò đi đâu
nhưng chẳng hỏi. Thật ra vấn đề nằm ở câu hỏi đi với ai. Nhưng tôi
không hỏi,
không vì ý thức tự trọng mà vì sự an toàn cá nhân. Không có thỏa thuận
gì trong
cuộc sống chung này. Ngay từ đầu đã vậy. Tôi và H. như hai cái lá tấp
vào nhau.
Khô, thì một hơi gió cũng đủ xoáy lên lôi về hai ngả. Ướt, thì dính
tịt, cùng
mủn vữa. Mà cũng không phải vậy. Như chó ngửi ra mùi chó mèo ngửi ra
mùi mèo,
gặp nhau, khói mịt mù đèn đổi màu tít mù các đôi rậm rật, tự dưng ngán,
ngồi
xuống, nói đôi lời, cốc ai người đó uống không cần nêm câu thiếu chủ
ngụ ý gì
gì. Thêm một lần gặp nhau. H. hỏi anh về chỗ em hay em về chỗ anh chỗ
anh có vẻ
rộng hơn. O. K. Mình sẽ bàn tiếp chi
phí chung. O.K em yêu. Có yêu không hỏi
để làm gì, thế này đủ dễ chịu. Ở chung, chẳng phải từ bỏ cái gì, chẳng
phải
nhận thêm thiên hạ sự gì, chỉ chia đôi tiền nhà, chia đôi việc, những
việc vẫn
phải làm hàng ngày cho chính mình. Hay! Mà đêm lại có chăn 37 độ. Có
thêm hơi
thở giọng nói tôi không ham lắm. Đêm đánh răng sáng dậy hắt hơi còn chả
chịu
được mùi của chính mình nói gì mùi kẻ khác. Giọng thì một cái ti vi là
đủ dùng.
Nhưng mà hơi ấm của mông lưng bụng ngực vân vân, mông lung cuống quýt,
và sau
đó, còn hơn là leo ngược mười tầng nhà ngủ không còn biết mộng mị trằn
trọc ấm
lạnh đất trời tình người…
H. bảo em
phải dọn dẹp. O.K. Từ thế nằm này
từ cái góc đi văng này nhìn mông H xoay lắc dưới cái áo tôi lùng thùng
trong
các động tác dọn dẹp là một hiểm họa tuyệt diệu và tôi phải lật mình
nằm sấp.
Nằm sấp trước ti vi thật khó chịu cho cổ và lưng. Và cả ánh nắng chói
lòa vì
tuyết phủ này nữa. Giá mà mùa hè này có thể trở về có thể đi biển nằm
ngửa nhìn
sao trên mặt cát còn hơi nắng. Vào tuổi mười chín bực bội vì một đứa
con gái
cùng bầy tôi đã nằm như thế đã... Sao biển sáng và sắc. Mây biển đen và
nặng.
Tôi mệt lử khi nhớ cái hông hẹp bó trong mảnh vải đỏ hực của đứa con
gái, nhớ
mình đã phải nhảy bổ vào sóng như thế nào. Tưởng như xương sống bị rút.
Phún
thạch phụt thẳng và tôi đã trừng trừng nhìn đúng một ngôi sao vào đúng
lúc đó.
Chuông
cửa reo. Tiếng H. ngân nga vọng ra từ
nhà tắm „Ja ja xin chờ một chút… Mở cửa giùm em với anh yêu!“
Rồi tháng
sau H. dọn nhà đi và chúng tôi còn
xưng hô như thế này hai mươi ba ngày nữa. „Vâng
ông là… A hóa ra… Trời sao tôi chả biết gì vâng vâng đi làm về tôi có
thói quen
đi Sauna về thường muộn… Vâng một phút nữa tôi thay đồ lên ngay.“
Ông ấy
là? H. hỏi. H. hỏi ông cụ trên ấy
chết rồi sao. Tôi không biết H. có nghe được câu trả lời không khi dập
cửa hơi
bị mạnh. Nói chung những cử chỉ lời nói bình thường giờ rất dễ bị hiểu
lầm là
bất thường là hàm ý là làm phiền nhau. Ngay cả bây giờ, tôi tự hỏi, nếu
mình
yêu H. thì có nên ngỏ lời không có nên để H. băn khoăn khi vẫn tiếp tục
dọn
nhà.
Căn hộ
tầng trên nửa quang quẻ nửa tan
hoang. Thảm mới nhưng loang lổ toàn vết bẩn. Tường cũng toàn vết tay
lần sờ. Niềm
thương cảm bất chợt dấy lên trong lòng tôi. Nhưng không phải là thương
hai con
người vừa ra khỏi ngôi nhà chung này mà là thương những con người khốn
khổ vì
tàn tật. „Anh ấy có khả năng của lãnh tụ chúng tôi, anh ấy có thể có
một tình
thương bao la nhưng không phải dành cho con người cụ thể như chúng ta.“
Người
đàn bà trước H. đã tươi cười nói vậy trong một buổi party ở hãng. Đấy
là lí do
tôi ra khỏi đời cô dù rằng tôi đã có ý định cầu hôn, không phải vì điều
cô đã
nói nhiều lần, mà là vì cô đã nói như thế ở nơi ấy. Bình thường cô nói
điều đó
một cách tức tối chứ không tươi cười. Tôi thích vẻ thành thật đó. Cô đã
về nước
và tôi không biết gì thêm về cô. H. có vẻ không tin khi tôi nói quên
rồi trước
tất cả những câu hỏi ngược quá khứ. Tại sao lại còn hỏi khi đã nhanh
nhẹn đến
với nhau như vậy? Tôi tự hỏi, nhưng chưa hỏi H. bao giờ
Còn lại
một số đồ gỗ và máy móc gia dụng
trong bếp trong nhà tắm. Người đàn ông chìa cho tôi một chai bia: „Vì
linh hồn
người đã chết. Vì ông bác của tôi.“
Người đã
chết là bà cụ. Chết ở tuổi bảy mươi
sáu, vì tình. Liệu có người đàn bà nào ở thời này còn muốn có một kết
thúc lãng
mạn đến thế? Hai ông bà già ở căn hộ ngay trên căn hộ của chúng tôi.
Hầu như đi
đâu về tôi cũng gặp ông già, không đang lọ mọ lấy mấy chai bia dưới
tầng hầm
thì lại trấn cửa chào hỏi tất thảy mọi người ngay từ khi người ta mới
ngoặt vào
cổng. Tôi hay đi ngang ông, quăng lại một tiếng hallo và sấn ngay tới
hộp thư. Phải
tới cả tháng chào hỏi nhau tôi mới nhìn ra ông già mù. Thảo nào. Cái
cười ngơ
ngơ và cái tai thính đặc biệt ở tuổi đó.
Bà già
thì thường chờ taxi trước cửa. Một
anh lái taxi quen khi chở tôi về đã lầu nhầu. „Tiền thuế của chúng ta
được bà
hàng xóm của anh tiêu hàng ngày đấy. Tôi không hiểu tại sao đã mù như
thế mà bà
ấy rất thích đi chơi xa. Không tuần nào tôi không chở bà ấy đi đây đó.
Bà cụ
thích nhất là tới những pháo đài lâu đài nổi tiếng. May mà vùng chúng
ta đang ở
cũng lắm nơi để dân du lịch tới nhòm ngó. Lần nào cũng như lần nào,
xuống xe
lần dò tới gần đám người du lịch rồi đứng ngong ngóng đó, cười.“
Cũng là
một cách chơi. Tôi thì thích đi tham
quan từ cái chỗ nằm dễ chịu trên đi văng hơn. Không phải lúc nào cũng
có H. bên
cạnh để ôm để vầy nắn. Nhưng khi xong việc, việc cuối cùng H làm sẽ là
ngồi
trong toillete đọc tiểu thuyết, rồi đứng lên đánh răng nặn mụn xoa kem
và ra sà
xuống bên cạnh tôi. Như một phản xạ có điều kiện. Tôi không biết cái gì
là điều
kiện, chương trình ti vi, giờ ngủ, hay là bàn tay tôi sẽ lùa xuống
chiếc áo ngủ
rộng và ngắn của H, luồn lên trên một chút nơi xương cụt và H. sẽ rùng
mình.
Chỉ biết ở tôi cũng hình thành một phản xạ có điều kiện khác. Bao giờ
tôi cũng
ngửi ra mùi phân tươi thoang thoảng theo bước chân của H. và tôi thường
ngả
người cười âu yếm để tạo một khoảng cách trong khi bàn tay len lách lùa
luồn.
Bộ bàn
ghế thế mà nặng. Còn tốt nhưng đầy
vết ố, của bia rượu của vật dụng nóng đặt lên trên. „Anh có cần cái gì
không
thì lấy đi. Ông bà già mới dọn về đây có hơn hai năm, xã hội mua toàn
đồ mới
cho đấy. Tôi định khuân cái máy giặt với cái bếp về tống xuống tầng hầm
ai cần
thì sẽ cho. Hai ông bà cụ mù, chỉ có người giúp việc mới thỉnh thoảng
động đến
cái bếp. Nấu nướng gì mấy đâu. Anh nhìn xem, mới nguyên.“ Người đàn ông
nói,
thở dài rồi cười. „Ai có ngờ ông bác tôi lãng mạn đến thế này. Giết
người chỉ
vì ghen.“
Em yêu,
có
chuyện để kể cho em để bàn luận với nhau trong những ngày sống chung
cuối cùng
đây. Tình
yêu và thù hận. Chúng ta chia tay không thù hận phải không…
Bất chợt tôi choáng người: Ta đã từng yêu
chưa?
Rồi vài
ba hôm nữa H. đi. Rồi thì tôi cũng
phải lo thu dọn căn hộ của mình như thế này. Sau một khoảng sống chung
tôi
thường rời bỏ nơi sống chung đó. Chẳng vì đau buồn bực bõ gì. Chỉ là
tôi thích
bắt đầu một đoạn đời mới ở một nơi mới tinh không thể tìm lại được mình
trong nhau.
Sẽ có một ai đó nhìn vào những đồ đạc những vết tích trên tường dưới
nền để
đoán ra những gì đã đổ vỡ đã phai tàn. Mà thật ra chẳng có gì đổ vỡ hay
phai
tàn giữa chúng tôi, bởi vì ngay trong cung cách bắt đầu chúng tôi đã
ngầm thỏa
thuận cách kết thúc.
Không như hai cụ già
vừa giết nhau này. Hai con người gần như cả cuộc đời là một sự chắp nối
những
ngày dài trong viện điều dưỡng dành cho người tàn tật với những khoảng
thời
gian ngắn ngủi ra sống riêng với một người yêu nào đó. Cứ như lời người
đàn ông
kể thì trong cuộc đời mù lòa toàn phần của mình bà cụ có bốn người đàn
ông
trước khi gặp ông bác của ông ta. Bốn người đàn ông đó không phải tất
cả đều mù.
Họ đã sống rất hạnh phúc với nhau cho đến khi cuộc sống chung giữa hai
kẻ mắt
mờ chân chậm trở thành nguy hiểm cho chính họ. Thường thì là vì một
người quá
ốm hoặc quá già và người kia bất lực trong việc chăm nom cho bạn tình.
Người
đàn ông chìa cho tôi cái búa: „Đập gãy đi anh, cho vừa cầu thang máy
lát nữa bê
xuống nhà dễ. Chúng ta chia tay nhau đơn giản là vì không muốn ở với
nhau và tự
tin rằng một mình mình cũng có thể làm nên một cái gì đấy. Còn họ, họ
luôn phải
chia tay vào đúng cái lúc thiết tha với nhau nhất cần đến nhau nhất. Kể
cũng
sợ. Tôi có bà vợ thứ hai cưới nhau cũng hơn mười năm. Ở nhà thì phát
ngán lên
vì bà ấy nói nhiều quá mà bà ấy vào viện mấy hôm cũng mất ngủ đấy anh
ạ. Có bao
nhiêu đồng hồ trong nhà tôi phải tháo pin ra bằng hết.“ Tôi cười. Người
đàn ông
cười. Căn hộ trống khuyếch đại tiếng cười làm chúng tôi giật mình. Dù
sao thì ở
đây từng có một vụ giết người, từng có một người ra khỏi nơi đây trong
bộ dạng
của một cái xác không đẹp và một người lần đầu tiên không phải sờ
soạng, có
người dắt dẫn thì đi từ đây vào trại giam.
„ Còn
giấy dán tường có phải… “ Tôi hỏi. Người
đàn ông ngoái cổ: „ phải xé tất
cả đấy nhưng tôi sẽ làm sau. Cô bạn của anh chắc sẽ không bằng lòng nếu
tôi giữ
anh lại chỗ này quá lâu. Hình như anh chị cũng đang chuẩn bị chuyển
nhà? À
vâng, anh xem trên tường có cái khung tranh khung ảnh gì thì gỡ nốt để
tôi
quăng nốt.“
Tôi đi
rảo qua mấy căn phòng. Lại có thể có tranh ảnh ở nhà người
mù sao?
Ô. Có
Một tấm duy nhất,
treo ngay trên chỗ mấy tiếng trước còn là cái giường đôi. Sao lúc nãy
tôi đứng
phá giường ngay đây mà không để ý nhỉ? Ông cụ bà cụ kề vai, đầu hơi
nghiêng về
nhau, hai đôi mắt mù nhìn về hai hướng, nụ cười dại dại ngượng ngùng.
Tôi không
biết ông bà già nghĩ gì khi đưa nhau đi chụp ảnh kỉ niệm thế này. Và
cái thằng
thợ ảnh nghĩ gì khi nó bấm máy. Nhưng tôi tưởng như thấy đôi tình nhân
già ngồi
cứng đờ trên ghế, những ngón tay run rẩy lần tìm nhau trong ánh sáng
choang của
studio, cơ mặt giật giật vì độ nóng của làn sáng bất thường. Họ đã chụp
tấm ảnh
này vào thời điểm nào trong cuộc tình già của họ? Lúc mới quen nhau
trong viện
điều dưỡng hay lúc đã ăn ở với nhau đến mức quen hơi bén tiếng đến mức
có thể
nổi cơn ghen? Hay thật. Tại sao cái trạng thái hưng phấn tuyệt diệu ấy
chả bao
giờ đến với tôi. Họ đã mong mỏi những gì? Khi biết kết cục sẽ lại là
chia biệt.
Chia biệt, trong tuổi của họ, trong đời sống buồn tẻ khác thường của họ
sẽ là
những ngày mòn còn lại, là cái chết. Chắc họ tiên liệu được hết, trừ
kiểu chết
của bà cụ như vừa rồi.
Kì cục. Người đàn ông cầm tấm ảnh quăng
thẳng vào cái
thùng các tông to tướng đã gần đầy đồ đạc vặt vãnh giờ biến thành rác
rưởi. Anh có thấy kì cục không? Ông bà cụ
sống với nhau 8 năm, giờ ông cụ 82
tuổi và ngồi trong trại tạm giam vì giết người vì ghen. Ghen với một
ông cụ rất
dễ thương vẫn chờ người yêu của bác tôi trở về viện điều dưỡng. Tôi
không biết
ông bác tôi nghĩ gì. Ông ấy từng đã có một thời trai trẻ, từng biết thế
nào là
nhan sắc. Vâng vâng cụ không bị mù bẩm sinh, chỉ từ chiến tranh thế
giới thứ
hai.
Tôi xuống
cầu thang trở về căn hộ của mình.
H. đã dọn gần xong đồ, đang nhặt nhạnh nốt mấy khung ảnh nhỏ trên
piano. Cái áo
đàn ông mở mấy khuy trễ một bên vai. Vạt áo bên cao bên thấp để lộ đôi
chân gầy.
Tôi biết bên dưới vạt áo đó là đôi mông nàng trần truồng lành lạnh. Tôi
đi vào
nàng, cuồng dại. H. đau, nhưng đột nhiên nàng mềm mại lại, đầm đìa.
Nàng cúi
người. Một bàn tay chống xuống phím đàn. Tôi dồn dập theo những hợp âm
khốc
liệt.
Hai mươi
ba hôm sau H. đi hẳn. Trong hai mươi
ba hôm ấy, hôm nào chúng tôi cũng thèm nhau. Tôi gầy rộc, mệt lử. H.
cười tôi
tham lam quá độ, nhưng tôi biết H. cũng vậy. H. bảo sẽ thiếu tôi và
tiếng đàn.
Tiếng đàn tạo thêm kích cỡ cho tôi.
Tôi không kể
cho H. về tấm ảnh. H. hoàn toàn
không biết vì sao tôi thèm nàng. Mà chính tôi cũng không biết. Chẳng lẽ
lại chỉ
vì như thế, vì một tình cảm có thật, đơn giản, tầm thường, tội nghiệp,
điều tôi
không có và vẫn nghi ngờ.
5. 2005