*
Nguyễn Thanh Sơn





Nỗi buồn chiến tranh đến từ đâu


 Hình như, xin lỗi các bạn vì sự liên tưởng hơi có vẻ triết lý này, quá khứ là thứ nặng nề nhất và cũng quý giá nhất mà con người phải mang theo trong suốt cuộc đời. Người ta không thể trốn đi đâu để thoát khỏi những ám ảnh của dĩ vãng, và nếu người ta có thể vứt bỏ quá khứ dễ dàng như vứt bỏ chiếc bị đeo vai thì cuộc sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Con người không có quá khứ cũng chẳng có tương lai, ngay cả hiện tại cũng không có nốt, bởi vì anh ta không sống, anh ta chỉ tồn tại.

Vậy mà, chúng ta đang cố tình quên đi quá khứ. Người ta không thích nhắc tới hai từ đó nữa: chiến tranh. Đã có quá đủ chiến tranh cho người Việt Nam. Mỗi một ngày, người ta nhìn lớp trẻ và tự nhủ: con sẽ lớn và con sẽ quên! Quên đi tất cả. Quên đi để sống.

Nhưng ở một góc nào đó sâu thẳm trong tâm hồn, quá khứ vẫn thức, vẫn sống động, quẫy đạp, day dứt...

Có lẽ chính vì thế mà đối với những người như Bảo Ninh, mặc dù chiến tranh đã kết thúc được hai chục năm, thì chiến trường câm lặng trong lòng những người lính vẫn chưa được một ngày im tiếng súng, và ngày chiến thắng hãy còn xa lắm. Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ, không mang khuôn mặt trẻ em, và nói chung không có bộ mặt con người. Cho đến tận khi nào con người chưa biết sợ bộ mặt khủng khiếp của chiến tranh thì ngày chiến thắng hãy còn xa lắm. Và trên tất cả các sắc cờ, màu máu bao giờ cũng chỉ là một!

Bao nhiêu năm qua, người ta cố tô điểm để chiến tranh có một bộ mặt dễ coi. Và tôi bỗng thấy sợ. Tôi sợ sẽ đến ngày, các thế hệ khác của Việt Nam sẽ chỉ biết đến chiến tranh với những hồi kèn chiến thắng, tiếng đại bác gầm thét, đồn thù sụp đổ, lớp lớp chiến binh ào ạt xông lên. Và "đường ra trận mùa này đẹp lắm"... Họ sẽ không bao giờ biết đến thảm họa mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu suốt ba mươi năm, họ sẽ không bao giờ còn nhớ những mất mát, đau thương mà mảnh đất này phải gánh chịu, mảnh đất mà số phận nghiệt ngã nào đã biến thành "bãi chiến trường bốn nghìn năm gươm khua, ngựa hí quân reo"? Và - như Satana đã nói - những kẻ cố tình quên đi quá khứ sẽ có nguy cơ mắc lại sai lầm của quá khứ một lần nữa.

Nỗi buồn chiến tranh, bởi vậy, là khúc bi ca tha thiết, sâu thẳm, mênh mang buồn về "một cuộc chiến tranh chưa hề được biết tới", là hồi chuông sầu thảm nhắc nhở con người. Hãy nhớ, đừng quên. Hãy "nhớ lại và suy nghĩ"! Tác phẩm là tiếng thở dài "nhớ nhung, thương tiếc, cay đắng, ngậm ngùi", gợi lại nỗi đau của tất cả những nàng vọng phu, những người lính "trấn thủ lưu đồn" miền biên viễn xa xôi, của cả lời thơ nặng trĩu nỗi buồn ngàn năm:

"Túy ngọa sa trường quân mạc vấn

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"

(Lương châu từ - Vương Hàn)

Nỗi buồn chiến tranh không phải chỉ là một tác phẩm viết về chiến tranh. Bản thân tiểu thuyết đã là một cuộc chiến tranh, một thảm họa chiến tranh, một thế giới chiến tranh thu nhỏ nằm trong bi kịch vĩ đại của Một Con Người.

Hình như, sáng tác của Bảo Ninh có cái gì đó rất gần gũi với Vasin Bukov, Rasputin của Nga hay Oliver Stone và Bradley của Mỹ. Số phận của họ cũng rất giống nhau. Cùng là những nhà văn - trung úy trẻ măng, từ nhà trường bước thẳng vào chiến trường, và "mỗi một người bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng". Trong tác phẩm của mình, họ tái hiện lên một cuộc chiến tranh của riêng họ, nhiều khi hoàn toàn khác với cuộc chiến tranh chung, hay chính xác hơn, hoàn toàn khác với những cái mà người ta tưởng tượng về cuộc chiến tranh chung. Nhưng như Bảo Ninh đã viết: "chúng tôi có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ". Và tự thủa xa xưa, giữa những con người đó với nhau đã hình thành một quan hệ trìu mến. Họ cùng là những nô lệ của xúc cảm, cùng xao xuyến vì một ngọn lửa chung, cùng nhỏ những giọt nước mắt đàn ông mặn chát, hiếm hoi, những giọt lệ đắng cay u buồn và hân hoan khi tận mắt chứng kiến tình người bị hủy hoại và hồi sinh trong chiến tranh.

Chính vì vậy, ngay cả lời hát rùng rợn "chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn", những thảm cảnh bên bờ sông Sa Thầy, ở Đắc Tô cũng chỉ là lớp vỏ của cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh khủng khiếp thật sự là cuộc chiến tranh trong lòng mỗi một người lính ở cả hai phía chiến tuyến, cuộc chiến day dứt giữa cái Thiện và cái Ác, là sự giằng xé khôn nguôi của lương tâm khi người ta buộc phải bóp cò để tồn tại, khi trong tiếng rít của đạn tiểu liên con người phải quên đi tiếng gọi của trái tim, nếu không sẽ "điên lên hoặc chết rũ vì khiếp sợ".

"Người ta sinh ra không phải để làm lính", đó chính là điều bi thảm nhất cho những thanh niên như Kiên. Nhưng chiến tranh như một bệnh dịch khủng khiếp không thể trốn khỏi. Quay cuồng trong chiếc máy xay thịt khủng khiếp, họ đã thấy thần Mars không chỉ gieo rắc và gặt hái cái chết mà còn hủy hoại cả tâm hồn của những người đang sống. Và sau ngần ấy năm trời, đôi tay ngập trong máu đỏ, họ cay đắng hiểu rằng, họ "chả trở lại thành người được nữa đâu", rằng chiến tranh không chỉ cướp đi tình yêu, tuổi thanh xuân, mà còn dày xéo cả tâm hồn của họ.

Năm tháng chiến tranh và những trận đánh, những hi sinh mất mát đã phủ lên trái tim của Kiên và những người như anh trăm nghìn vết sẹo, nhưng vết thương của trái tim vẫn không thôi rỉ máu. Từ đâu đó sâu thẳm trong tâm hồn, lương tâm bị chôn chặt nhưng vẫn không ngừng quẫy đạp đòi ra.

Nhưng trên cái nền máu và xác chết dày đặc trong các trang sách của Nỗi buồn chiến tranh vẫn vang lên khúc ai ca ca ngợi sự bất diệt của tình người, "vĩnh viễn tình người". Tình người hiện lên trong trang sách của Bảo Ninh không chỉ là những hi sinh vĩ đại mà bình dị "chết cho đồng đội của mình sống", là những mối tình tuyệt đẹp của Kiên và Phương, của những người lính trong tiểu đội trinh sát với những cô gái giữ kho, mà trước tiên ở chính nỗi day dứt khôn nguôi của lương tâm những người lính chiến trước cảnh bắn giết triền miên trong chiến tranh, dù cho đôi khi họ phải trả giá cho những giây phút do dự đó bằng chính sinh mạng của mình. Hàng vạn, hàng triệu người đã ngã xuống cứ như chưa hề được sinh ra trên đời, cuộc sống giống như một "candle in the wind" (Elton John), mà mỗi một người trong số họ đều có thể là một nhà thơ, một nhạc sĩ, một nhà kiến trúc tài ba. Và cái tiếng gọi thảm thiết của Phán giữa màn mưa "Ngụy ơi, Ngụy ơi, mày ở đâu?" là một trong những trường đoạn hay nhất và cũng đau buồn nhất của tác phẩm. Kiên đã hiểu được rằng, "chiến tranh không thiêu được gì cả", nó có thể vò xé tâm hồn con người, nhưng không thể biến tất cả họ thành những cỗ máy bắn giết không tim.

Nhưng như vậy thì nỗi buồn chiến tranh bắt nguồn từ đâu? Mặc dù, đối với Kiên "đau buồn là một thể nguyên khối suốt cuộc đời, liền một mạch từ thời thơ ấu, qua chiến tranh đến tự bây giờ", nhưng có lẽ, nỗi buồn chiến tranh đã bắt đầu từ những linh cảm kỳ lạ của Phương. Chính cô, với sự mẫn cảm đặc biệt mà tạo hóa đã phú cho phụ nữ mới dự cảm được nỗi bất hạnh khủng khiếp lớn lao đang tới gần. Trong khi những thanh niên như Kiên hăm hở đi vào cuộc chiến, "say mê cuộc chiến tranh đến đứng ngồi không yên" thì bằng nỗi "tiên cảm đau xót" của mình, người phụ nữ trong cô hiểu rằng "đã mất hết", rằng "trên thế giới này, từ nay, ngọn gió phũ phàng nào sẽ thổi". Không ai hiểu được những suy nghĩ của cô, ngay cả Kiên, cũng như anh đã không hiểu được chân lý giản đơn và cổ xưa như trái đất mà người dượng đã cố truyền lại cho anh trước khi anh ra đi: "Nghĩa vụ của một con người trước Trời đất là sống chứ không phải là hi sinh nó, là nếm trải sự đời một cách ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ nó". Và cô, cũng như dượng, như cha Kiên, mãi mãi là những con người "lạc thời và lạc loài". Cô đơn vì không ai hiểu, họ lặng lẽ và đau xót nhìn những người thân yêu của mình bị cuộc chiến tranh cuốn đi. Thấy trước được số phận mà không thể thay đổi nó, đó là điều bi thảm của những tâm hồn nhạy cảm.

Chỉ có chiến tranh với những bất hạnh của nó cũng như vì được hưởng "những giọt cuối cùng sót lại của tình người" mới giúp Kiên hiểu được thực chất của những gì đang diễn ra quanh anh. Chiến tranh, dù sao đi chăng nữa, cũng là khoảng thời gian khi mọi tình cảm đều bị đẩy lên đến cực điểm. Chính vì đã quen với điều Phi lý vĩ đại, các Ác vĩ đại, cũng như cái Thiện vĩ đại trong chiến tranh, người lính không thể chịu đựng được "đời sống thường nhật tối tăm, bơ phờ, và chán ngấy" khi phải chen vai thích cánh với "đời sống thị dân không ký ức, không ước mơ" của thời hậu chiến. Trong khi đó, đêm đêm, "vô vàn những ám ảnh... hùa theo nhau thức cả dậy... các tử thần xanh tái lỗ chỗ vết đạn cúi xuống như muốn soi bóng vào giấc ngủ của anh". Cả quá khứ và tương lai chèn ép anh ở cả hai phía đến nỗi hoàn toàn không có chỗ cho hiện thực nữa. Sợ hãi trước viễn cảnh của một cuộc sống mà "niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ đều cùn mòn, nhạt nhẽo và vô ích", anh quay đầu chạy ngược trở lại với quá khứ. Và mặc dù anh tưởng mình đang trôi theo dòng thời gian, thực ra Kiên chỉ còn sống bằng hồi ức. Bởi vì tất cả đã quá muộn. Tâm hồn anh đã "mãi mãi ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy" còn cuộc sống hiện tại chỉ còn là những mộng mị, ảo giác triền miên, cheo leo giữa hai vực thẳm không đáy của cái không tồn tại, và "niềm nuối tiếc không nguôi cứ mãi hoài thổi trong đời". Nỗi buồn của anh là nỗi buồn mênh mang trước thân phận nhỏ bé và hữu hạn của con người trước cái vô tận của thế giới, trước sự bí ẩn của cuộc sống và cái chết, nỗi buồn "tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất tri lai giả", là nỗi day dứt trước sự bất lực của con người trước sự nhận thức chân lý, và câu hỏi câm lặng không lời giải đáp: "vậy thì tại sao người ta lại đánh nhau và chiến đấu với nhau, khiến cho máu đổ và nước mắt tuôn trào, khiến cho người nào cũng cho mình là phải và kẻ khác là trái? Vậy thì đâu là chân lý và ai là người có quyền thốt ra chân lý?" (Aitmantov - Đoạn đầu đài).

Người ta bảo bản thân sự thật thường cay đắng hơn những hồi ức được viết ra, nhưng nhân vật chính của Nỗi buồn chiến tranh cứ lặp đi lặp lại một quyết tâm, một lời thề thôi thúc "Phải viết, phải viết thôi". Chìm trong "nỗi cô đơn không phải của riêng anh mà của cả đám đông", trở thành tù binh của quá khứ, Kiên chỉ tìm thấy sự giải thoát trong sáng tạo. "Viết để quên đi, viết để nhớ lại... như là tự tước vụn trái tim mình, như là tự lộn trái con người mình ra". Viết là một cách để đương đầu với cái chết, bởi vì "anh sáng tạo nghĩa là anh giết chết cái chết" (V. Hugo). Đối với anh, viết là một cứu cánh, để chứng minh sự tồn tại của mình trên đời và cũng để hồi sinh lại những con người, những xúc cảm đã chết một lần trong chiến tranh, và ngày nay lại chết một lần nữa trong thời hậu chiến.

Xuyên suốt cuộc chiến tranh, đi qua cả những ngày tháng hòa bình "tù đọng, ngột ngạt" là tình yêu kỳ diệu của Phương và Kiên, tình yêu với biết bao dự cảm đau buồn và chua chát, nhưng vẫn ngời lên thứ ánh sáng trong suốt, rực cháy cuồng nhiệt. Phương, đối với Kiên, tượng trưng cho những gì trìu mến và thân thương nhất trong cuộc đời, là người tình, là người mẹ chân chính chở che, đùm bọc mà anh không bao giờ có, là người chị, người em gái... Là tất cả thế giới kỳ diệu của phụ nữ, của tình yêu. Tất cả những Hạnh, Lan "đồi mơ", Hiền... các mối tình thoảng qua hoặc chưa bao giờ kịp tới chỉ là những biến dạng cuộc tình của anh với Phương, hay nói một cách khác, chỉ là cách anh lần tìm theo những dư âm mối tình đã mất của mình. Phương ra đi, có lẽ vì nàng hiểu rằng đó là cách tốt nhất để gìn giữ trong nhau những kỷ niệm đã qua, tạo nên trong nhau những "vùng chưa hề có", và như vậy, đối với anh, nàng vĩnh viễn là người tình lý tưởng, "vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viễn trong trắng" là phần vô hình của quá khứ và hi vọng cuối cùng níu kéo anh lại trên đời. Nàng sợ phần vật chất thô kệch của hiện tại sẽ dày xéo tan nát những tâm tưởng kỳ diệu của cả hai người. Phương ra đi, nhưng tình yêu thì vẫn còn đấy, như ngọn gió "mãi hoài thổi trên đời".

Nỗi buồn chiến tranh là hòa âm tuyệt diệu của những giọng nói đa thanh, nhưng trên hết, vẫn là tác phẩm bỏ ngỏ của một nhà văn vô danh. Đúng vậy, bởi Kiên của thời hậu chiến chỉ còn có cái tên, chỉ còn là "nhà văn của phường". Dường như, tất cả những gì là Kiên của ngày xưa anh đã đánh rơi trong chiến tranh. Và cũng như Proust "đi tìm thời gian đã mất", Kiên cũng đi tìm lại cuộc chiến tranh đã mất của mình. Đối với anh, "muôn thủa chỉ có một cuộc chiến tranh kia, một cuộc chiến tranh mãi mãi ám ảnh, mãi mãi đè nặng... và tất cả những gì bị chiến tranh nghiền nát thì dư âm lại bền lâu, bền lâu hơn tất cả những tàn tích chiến tranh và chinh chiến". Thực ra đó chỉ là cố gắng tuyệt vọng nhằm "vật chất hoá" cái phi vật chất là quá khứ. Anh đã vẽ nên cả một giấc mơ tràn đầy những đợt sóng của xúc cảm. Nhưng quá khứ là thứ đâu còn nằm trong quyền lực của con người, ký ức lại vốn vô hình, nên những hình bóng mờ nhạt hiện lên trên "cả một núi giấy", đối với Kiên chỉ là những phiên bản mờ nhạt, đứt đoạn của ký ức. Cuộc tìm kiếm những mảnh đời bị đánh mất của anh thất bại, cho nên cả cuốn tiểu thuyết trở thành một nỗi buồn, "một nỗi buồn nguyên khối". Tác phẩm là khối nguyên liệu quý mà bàn tay người nghệ sĩ bất lực không tạo nên được một tác phẩm như ý muốn. Kiên biết anh có thể tạo nên một tác phẩm vĩ đại từ khối nguyên liệu đó, "tác phẩm của cả đời" như chữ dùng của Olga Becgon, nhưng cũng linh cảm được sự thất bại của mình. Nỗi buồn chiến tranh, vì vậy, là một nỗi buồn day dứt, dang dở. Nhưng nó cuốn hút người đọc chính trong cái dang dở, cái chưa định hình ấy, bởi tác phẩm không chỉ bao gồm những gì mà nhà văn đã làm mà còn tiềm ẩn những gì nhà văn định làm. Nhà văn không tái tạo hiện thực, anh đã gợi được cái hồn, cái chất hư ảo kỳ bí của hiện thực, của nỗi buồn, như Rodin đã tạo nên một Bandac - thiên thạch tuyệt vời (Tượng Bandac - Lê Đạt).

Tôi nghĩ, chính nỗi buồn ấy là cội nguồn, là chiếc nôi của sự sáng tạo, nó cũng giống như thiên thần hộ mạng cho những người cầm bút. Chính nỗi buồn gìn giữ sự trong sáng và giản dị của xúc cảm, giúp con người lắng đọng những nghĩ suy để tìm ra chính bản thân con người mình. Đó chính là những khoảng lặng im cần thiết cho tâm hồn. Và như ai đó đã nói, chính bản thân nỗi buồn đó cũng có một vị ngọt ngào, một ánh sáng riêng. Bởi vậy, Kiên có lẽ "vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Không bị sự lãng quên xói mòn, tâm hồn anh mãi mãi được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã mai một hoặc biến tướng".

Và cũng không cần phải chờ đến ngòi bút của nhà văn, tác phẩm tự nó được viết ra, dòng nối dòng, nó tự chọn lấy số phận cho mình, tự định hình, thậm chí tự biến đổi cả về chất, "tạo nên trong ký ức của Kiên những vùng không gian mới, những vùng quá khứ chưa từng có". Những hồi ức của Kiên, cứ bồi lên từng lớp, từng lớp một trong tâm hồn anh, cũng như loài trai hoài thai viên ngọc, để cuối cùng tạo thành một "nỗi buồn nguyên khối". Nhà văn vô danh ra đi, thiên mệnh bí ẩn của anh đã hoàn thành, nhưng cũng như chàng Trương Chi thủa nào với "nỗi buồn mang xuống tuyền đài chưa tan", tác phẩm của anh vượt qua ngọn lửa trong lò, vì "bản thảo không bao giờ cháy" (Bulgakov), để đến với độc giả, và chúng ta bàng hoàng thấy tác phẩm hiện ra "trong một cấu trúc hoàn toàn khác", hoàn hảo chặt chẽ trong cái động lung linh, uyển chuyển, rất khó nắm bắt được của Nỗi buồn chiến tranh.

Nỗi buồn chiến tranh không phải không chịu ảnh hưởng của một số tác phẩm khác, trong đó đặc biệt là các sáng tác về chiến tranh của E. Remarque - Thời gian để sống và thời gian để yêu, Bia mộ đen và nhất là Phía tây không có gì lạ. Có đôi lúc, Bảo Ninh không tránh khỏi vay mượn ý tưởng, chẳng hạn như câu chuyện của Phán về cuộc tao ngộ bi kịch giữa hai người lính, để cuối cùng anh lính giải phóng cuống cuồng đi tìm người lính ngụy bị thương giữa màn mưa. Nhưng có lẽ ảnh hưởng của văn học "dòng ý thức"  ảnh hưởng sâu sắc nhất tới sáng tác của Bảo Ninh. Người đọc vốn quen thuộc với những tác phẩm nguyên vẹn, có đầu có cuối sẽ ngơ ngác khi lần đầu tiên lạc vào chốn "mê lộ" của Nỗi buồn chiến tranh, chới với lọt thỏm trong những khe nứt bất ngờ của mạch chuyện, của những khoảng thời gian đổi chiều liên tục, bởi vì "trang nào cũng có thể là trang đầu, trang nào cũng có thể là trang cuối". Những hình ảnh hư ảo, vô vàn những giấc mơ, ẩn ức kỳ lạ khó hiểu cứ trải dài và trở đi trở lại trong tác phẩm khiến chúng ta khó nắm bắt ngay được nội dung của nó. Nỗi buồn chiến tranh là cả một thế giới động, và câu chữ chỉ tạo nên phần vật chất làm điểm dừng cho những kênh xúc cảm, những phần phi vật chất mà tác phẩm đã gợi nên. Những âm điệu du dương của những câu văn như những lời thơ cứ đưa dần ta vào một giấc mộng buồn bã da diết, vào sâu trong tâm thức con người, vào thế giới kỳ ảo của cõi vô thức, khi trong một phần ngàn giây kết đọng cuộc sống của cả một đời người, còn trong cuộc sống của một con người lại "hàm chứa cả một thế giới, một thời đại, một lịch sử". Và đằng sau nó là bóng dáng mù mờ của cái chết, kỳ bí, tối thượng, sâu thẳm như bóng đêm, ẩn chứa vô vàn những tiền kiếp, những bí ẩn phía sau cuộc sống.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi Nỗi buồn chiến tranh là một trong những tác phẩm hay viết về chiến tranh, "cuốn tiểu thuyết tình yêu xót thương nhất" (Đỗ Đức Hiểu - Đổi mới phê bình văn học). Tác phẩm đã tạo nên những huyền thoại, trong khi bản thân nó cũng là một huyền thoại. Lặng lẽ, nhưng không vì thế mà kém thuyết phục, tác phẩm tự chọn cho mình một số phận, tạo thành một điểm nhìn hoàn toàn mới về một miền quá khứ chưa hề xa xôi.

Hà Nội 30.4.1995

Nguyễn Thanh Sơn