*

 





Lê Minh Hà

Đọc lần 1, lần 2 và... tùy bút của Võ Phiến.

'Chưa! Ra gì không?' Đấy là câu trả lời của hầu hết bạn đọc người miền Bắc ở hải ngoại. Tôi tin đấy cũng là câu trả lời của hầu hết bạn đọc ở lứa tuổi ngoài ba mươi trở xuống, buồn thay, ở cả hai miền Nam Bắc bây giờ, cho một câu hỏi: Đã đọc (Võ Phiến) chưa?

-------------

Giả dụ tôi là mẹ Đốp của làng Văn... Tôi sẽ mời Võ Phiến ngồi vào chiếu nào đây? Chiếu 'tùy bút'? Hay chiếu 'phê bình văn học'? Hay...? Dù ông có thể phân thân, người đối ẩm với ông ở từng chiếu cũng không có nhiều.

*.

Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại có không ít những nghệ sỹ tài ba, xông xáo ở nhiều lĩnh vực, cả những lĩnh vực ngoài văn học. Và đã thành công. Nguyễn Đình Thi của triết thời trẻ trai cũng là một Nguyễn Đình Thi của nhạc, của tiểu thuyết, và chín ở thơ. Văn Cao nhạc sĩ luôn cưu mang một nỗi thơ. Nguyên Sa thơ còn là Nguyên Sa tiểu thuyết... Bản chất của nghệ sỹ là khám phá, là chấp nhận những gieo neo và luôn cả thế chông chênh trong sự khám phá. Do đó, đã hẳn là hầu hết những nhà văn nhà thơ được đời biết đến đều từng thử bút ở nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều thể loại trong mỗi loại hình, rồi mới định được phong cách. Phong cách Võ Phiến phát lộ ở đâu? - Rất nhiều thể loại. Vấn đề không phải là ông có thể đối ẩm cùng ai trên chiếu làng Văn, mà ở chỗ khi đã phân thân, con người văn chương của Võ Phiến hoàn toàn bình đẳng với nhiều cá nhân nổi tiếng khác trong văn học Việt Nam hiện đại. Đọc Võ - Phiến - phê - bình - văn - học, phải nhớ tới Hoài Thanh thời bình văn chưa tới thủa bạc đầu, vẫn còn nhiều thể tất, và đặc biệt tinh tế, để nhận ra rằng sự sắc sảo, đôn hậu, tinh tế trong phê bình văn học của Võ Phiến là của Võ Phiến. Mở một trang bất kỳ, thấy ngay:

'... Vả chăng ở đây cái chính là chỗ thương tâm, không phải là cái say, dù dữ hay không dữ. Ngay trong những lúc chưa kịp say, Hoàng Hương Trang đã có những ý nghĩ độc đáo một cách thê lương: có ai nhìn một chén rượu vơi trũng mà liên tưởng đến một huyệt mộ!

Chén đầy soi mặt tần ngần

Chén vơi thăm thẳm mộ phần đấy ư?

Câu thơ đẹp đến ghê rợn'

(Hoàng Hương Trang - Thơ miền Nam, tập 1 - Văn nghệ - 1991)

Những ngòi bút phê bình theo lối kinh viện thường thiếu cái tinh như thế này, lại càng không có lối biểu đạt giản dị như thế.

------------

Cái tinh, cái giản dị này Võ Phiến bộc lộ ở một mức độ đậm đặc trong Tạp luận, Tạp bút. Những vấn đề thời sự chính trị một thuả qua ngòi bút của ông có một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với những độc giả thường chỉ biết thẩm định những vấn đề như thế qua sự định hướng của tư tưởng chính thống, không cứ ở một miền Bắc. Tuy nhiên, nếu khoanh vùng, có thể nói ngay rằng ở miền Bắc cùng thời chưa thấy xuất hiện một ngòi bút chính luận với cách tiếp cận vấn đề, lý giải vấn đề sắc sảo, trung thực, và thường xuyên như Võ Phiến. Khi viết những dòng này, tôi không chỉ dừng ở những bài phê phán chế độ cộng sản của ông.

-------------

Ở phê bình văn học, ở nghị luận chính trị, Võ Phiến bộc lộ một cá tính sáng tạo nhất quán. Với riêng tôi, phong cách Võ Phiến kết tinh thành tùy bút. Đọc Thơ miền Nam, Truyện 1,2, Văn học miền Nam tổng quan, đọc Tạp luận, Tạp bút, luôn luôn cảm ra hơi hướng tùy bút của ông.

*.

Tùy bút Nguyễn Tuân thời vang bóng mang hơi lạnh của sự ngông nghênh, khinh bạc, làm ta khoái, cũng như khoái bởi cái lạ ẩn chứa trong từng chi tiết: từ một cách chém treo ngành tới một cách thưởng trà, từ một thú thả thơ cho tới một đam mê chữ, bởi lối chối bỏ hiện thực của một tâm hồn gió. Đọc Vũ Bằng lại thắt ruột thắt gan vì những hoài nhớ của một người đi dành cho một miền đất đầy những đỏng đảnh của thời tiết, dành cho một nếp sống, một gia đình, và một người vợ tấm mẳn. Võ Phiến trong tùy bút lại mang tới nồng ấm, mặc dù...

-----

Phải chăng vì những điều ông chọn để 'tùy bút' gần với đời thường, vẫn còn trong thực tại chứ không hoàn toàn là hồi niệm. Ông viết về chiếc áo dài chứa gió của người đàn bà Việt Nam, về mắm, về bánh tráng Bình Định, về lối uống trà của đại chúng ở một miền đất nước, về cách chửi của dân tộc, về cái địu trên lưng một cô giáo người Thượng giữa giờ lên lớp, về cái rét đô thị, về những đám khói ở đồng trong một ngày chiến tranh... Ngay cả khi ông 'tùy bút' về những điều chỉ còn vang bóng, những không còn, chẳng hạn những dụng cụ cần để nấu một om trà Huế cho đúng cách, hoặc giả một lối thưởng mắm dân giã, chỉ dùng tới mũi và lưỡi, hay sự cạn kiệt của tình bà con lối xóm nơi đô thị... tùy bút Võ Phiến vẫn không gợi ai oán, u uất như tùy bút của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng. Võ Phiến không nghiệt, không khinh bạc, không rưng rưng. Võ Phiến đôn hậu, hóm hỉnh, và không dừng ở sự trình bày một hiểu biết về phong tục, tập quán, hay bày giãi những khía cạnh tâm cảm. Do đó, viết về món ăn, cũng là món ăn dân giã nhưng Võ Phiến khác Vũ Bằng, khác Tô Hoài. Viết về một lối thưởng trà, Võ Phiến không nằm trong bóng Nguyễn Tuân.

---------------

Tại sao? Lối biểu hiện của Võ Phiến khác! Đồng ý. Tùy bút của Võ Phiến tạo được đối thoại liên tục với người đọc do cách đặt vấn đề, thường bất ngờ, cách hành văn giản dị. Nhưng không hẳn chỉ là vậy. Tùy bút của Võ Phiến chứa đựng cái nhìn thời gian đặc biệt của ông. Không phải là thời gian của hoài nhớ, hồi cố như Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng mà là thời gian lịch sử. Ông luôn luôn nhìn các hiện tượng như một yếu tố văn hóa, đặt chúng trong sự phát triển của lịch sử xã hội, từ đó đưa người đọc tới những hiểu biết (nhiều khi cuốn hút bởi chỉ là những giả định đòi hỏi tìm hiểu chứng minh) về phong tục học, dân tộc học, về kiếp người v.v... Võ Phiến nhìn những biến cố xảy đến cho chiếc áo dài của đàn bà một thời, vào thời điểm phương Tây nhộn nhạo như là một mục tiêu (vô nghĩa và có thể) để tranh đấu của tuổi trẻ Việt Nam một thời. Khảo sát một hiện tượng mắm, Võ Phiến buộc ta giật mình vì khả năng có thể vong thân trên chính quê hương. Theo chân một món ăn (bún bò), nhà văn chỉ ra triệu bất thường của chiến tranh (đang lan rộng). Từ một món bánh tráng chẳng có gì là đặc sắc đối với dân ở những miền đất khác, từ một câu ca cũ càng, Võ Phiến đặt ra những giả thiết lịch sử, văn hóa, văn học hết sức thú vị (Anh Bình Định, Bánh tráng, Thơ lục bát Chàm). Luôn luôn là thế, Võ Phiến nhìn sự dịch chuyển của thời gian lịch sử trong sự vận động của những yếu tố văn hóa, văn hóa chữ nghĩa, văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử... Sự suy vi của đạo thờ cúng ông bà hàm chứa sự suy vi của xã hội nông nghiệp tồn tại ở Việt Nam hàng ngàn năm; Cả một qúa trình di dân chinh phục đất dài dằng dặc của ông bà xưa kết tụ lại thành một mối tình ca dao 'Anh về Bình Định thăm cha - Phú Yên thăm mẹ Khánh Hòa thăm em'; Võ Phiến nhìn ra những đặc điểm lịch sử của miền đất mới của Tổ quốc từ những khác biệt trong quan hệ giữa tên đất và người ở miền Nam miền Bắc..Trong nghĩa đó, ta có thể dừng lâu ở bất kể tùy bút, viết về bất kể điều gì và viết bất kể lúc nào của Võ Phiến. Trong nghĩa đó, những tùy bút Võ Phiến viết trong những 'mùa xuân an lành. An lành một cách xót xa... cái an lành của những cuộc đời không tương lai' (Một mùa xuân an lành - 1976) đau đớn, khắc khoải không kém tùy bút ly hương của, đơn cử Vũ Bằng, mà vẫn hàm chứa trong nó sự điềm đạm riêng, bắt nguồn từ một thế nhận thức riêng về cuộc đời.

*.

Ở tuổi xưa nay hiếm, Võ Phiến vẫn còn trong dự phóng tương lai những cuốn sách chưa viết. Một sự nghiệp văn chương như thế thật đáng kính phục. Một phần sự nghiệp đó - tùy bút - đã đủ để một nhà văn mơ ước. Tôi tin một điều: khi văn học miền Nam trước 1975 và văn học Việt Nam hải ngoại được dành một vị trí xứng đáng trong bộ lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (chính thống, viết lại), Võ Phiến sẽ được coi như một Tác Gia. Tác phẩm của ông sẽ thay ông về đất mẹ. Nhưng nói ra điều này, cũng hệt như nói Trung Quốc đông dân. Có gì mới đâu.

--------------

Còn may, khi viết những dòng này, người viết chưa đọc Võ Phiến của Nguyễn Hưng Quốc.

8. 1998