Phan
Thị Vàng Anh
Ý niệm nhà văn trẻ thường gây ngộ nhận, từ đó người ta dễ có cái nhìn
lệch lạc
bất công về tác giả lẫn tác phẩm. Raymond Radiguet thường giấu tuổi và
yêu cầu
mọi người hãy đánh giá mình trên chính tác phẩm chứ đừng căn cứ trên
tuổi tác
của mình. Một tác phẩm ra đời, tự nó tồn tại hoặc tìm kiếm cho nó một
định
mệnh. Tiểu sử, giới tính, tuổi tác của nhà văn không thêm thắt, sửa đổi
gì được
nó, và nhà văn lại càng không có ý kiến gì về nó hoặc về những gì người
ta nói
về nó. Đó là nét đặc trưng, cũng là cái đẹp không thay thế được của
sáng tạo.
Phải nói gì về Vàng Anh? Một tài năng trẻ, một cây bút nhà nòi, một nhà
văn đã
sớm định hình ngay từ tập truyên đầu tay, một giải thưởng quốc gia dành
cho nhà
văn trẻ v.v... và còn gì nữa? Tất cả đều đúng, nhưng tôi không quên
rằng vượt
lên trên những thông tin đó, tác phẩm của Vàng Anh hay bất luận của ai
khác dù
bao người đã đọc tới và nói tới, vẫn còn và mãi mãi vẫn còn là một sự
chờ đợi,
một thách thức. Cho nên tôi muốn đọc Vàng Anh mà không bị rằng buộc gì
bởi một
định kiến có sẵn chỉ tai hại cho việc đọc của tôi, cho việc tìm kiếm
cái thế
giới truyện của Vàng Anh.
Hai tập truyện ra đời trong khoảng cách hai năm, mỏng mảnh như nhau,
bao gồm
những truyện thường ngắn, có khi rất ngắn, bấy nhiêu cho một thế giới
đang hình
thành, sinh sôi nảy nở, một thế giới không ngớt trở về trên những trang
giấy
đang kêu gọi, bổ sung cho nhau, vẫn là nó nhưng không đơn giản là nó,
bởi nó
luôn được vén mở, soi rọi thêm, nó luôn tìm kiếm những bến bờ và những
chiều
sâu mới.
Tất cả xuất hiện dưới ngòi bút Vàng Anh tự nhiên làm sao, dễ dàng làm
sao như
chẳng có gì quan trọng, ghê gớm trên đời này. Cuộc sống lên tiếng,
người viết
chỉ cần lắng nghe và tạo cơ hội cho nó, không cần tra hỏi vặn vẹo cũng
không
cần đặt vấn đề hay đưa ra những kết luận. Nhưng văn chương không vì thế
mà biến
thành cuộc dạo chơi vô hại hay trò đùa tùy hứng, tôi nghĩ Vàng Anh có
tất cả để
gây cho người đọc những ấn tượng không bình yên, ngay khi cô nói về
những điều
rất thường tình của cuộc sống, bằng cái giọng hờ hững xem ra chẳng có
gì phải
trố mắt kinh ngạc cả. Bởi cô có cách nói riêng của cô.
Đọc Vàng Anh là tìm đến, làm quen với cái thế giới rất gần gụi và cũng
rất xa
lạ, của những tâm hồn trai gái với những ưu tư, những quan hệ buộc
rằng, những
biến cố không vượt ngoài cuộc sống đời thực thường ngày trong những
không gian
rất đỗi quen thuộc từng ngày từng buổi, từ nhà tới trường, qua các
đường phố,
các quán cà phê, các trang sách... Đôi khi họ bước vào một chuyến đi
ngắn ngủi
ra khỏi thành phố, ra khỏi cuộc sống chật chội thường ngày, ra khỏi
những trang
sách vừa hứa hẹn vừa cầm tù tự do của họ, một chuyến đi không thích
thú, khi đi
cũng như khi trở về. Họ gặp nhau không sôi nổi, họ chia tay nhau không
hứng
thú, và dù để gặp lại hay không thì cũng với những rằng buộc lơi lỏng,
không
thường tồn, không tất yếu, trong tình bạn chung trường chung lớp, hay
cả trong
tình yêu. Họ vẫn cười nói vui đùa đó, nhưng họ có vẻ nguội lạnh thế nào
ngay
khi họ làm con thiêu thân mù quáng lao vào cuộc phiêu lưu nóng bỏng.
Đối với
họ, dường như cuộc sống lúc nào cũng toát ra mùi vị đơn điệu, buồn chán
với
toàn những cái nhạt nhẽo "vớ va vớ vẩn". Nếu không dửng dưng mãi
được, người ta phải làm gì để lãng quên hay lấp đầy những khoảng trống?
Một
cuộc phiêu lưu hay một trò đùa biết đâu có thể gây được một chút cao
trào. Hay
ít ra cũng mang lại cho cuộc sống tẻ nhạt này một mùi vị khác thường.
Họ muốn
"có cái gì sẽ nổ và biết đâu sẽ vui hơn". Thậm chí có lúc họ nghĩ
"bây giờ mà chết thì cũng không có gì tiếc". Phải chi mọi người hiểu
được ở cái tuổi của họ "người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức
nào". Không nên nhìn thái độ nổi loạn kia như một căn bịnh đến từ một
phương trời hay một bóng ma văn chương nào xa lạ. Đơn giản đó là một
phản ứng,
và đằng sau phản ứng, đó là khát vọng sống thực đáng trân trọng. Dửng
dưng hay
đùa nghịch đến độc ác, đó cũng chỉ là cách nói không, trước những bóng
ảnh hời
hợt, gian trá, nhẫn tâm của cuộc sống.
Trong cuộc đời thực đầy những cái không thực, tình yêu cũng là mảnh đất
tốt để
người ta chơi trò hú tim với kẻ khác và với chính mình. Họ biết rằng họ
đùa đó,
nhưng họ chân thực và trọn vẹn biết bao. Bởi trò đùa ở đây không dẫn
dắt tới
đâu mà không ngớt đưa họ trở về với chính họ cùng ước muốn vô vọng của
họ, và
trên đường về có khi họ bắt gặp cái chết tự ý hay vô tình. Trò đùa buồn
nản,
bởi người ta yêu và nhìn mình đang yêu đồng thời biết tình yêu kết thúc
khi
người ta không chơi nữa, hoặc kết thúc ngay từ đầu bởi đúng ra nó không
hề có
thật. Làm gì có trò chơi trong trò chơi về tình yêu khi người ta vừa
chơi một
cách sáng suốt vừa dám "đánh đổi tất cả' và dám "lừa mình" tới
nơi tới chốn. Buồn quá! Đó là không khí toát ra từ những truyện về tình
yêu của
Vàng Anh. Những truyện về tình yêu không có bóng dáng tình yêu nơi
những người
trẻ kinh ngạc với chính tuổi trẻ của mình. Tình yêu là cái gì đã qua
đi, đang
tan biến hay chỉ là sự chờ đợi khốn khổ: chờ đợi cái không biết đến bao
giờ, sự
chờ đợi tự nó như không chờ đợi gì. Chuyện tình xẩy ra dưới một mái nhà
giữa
người đàn bà trẻ và ba thế hệ đàn ông kế tiếp nhau đang cùng hiện diện
chính là
bóng ảnh say mê của những cuộc tình chồng chất lên nhau, đan chéo vào
nhau với
quá khứ, hiện tại và tương lai hòa quyện vào nhau. Đó là tất cả những
không là
gì. Đó cũng là dung nhan kỳ lạ của tình yêu, không dễ gặp trên những
trang văn.
"Khi mình còn trẻ", một nhân vật của Vàng Anh đã buột miệng như luyến
tiếc một thời đã mất với những bóng hình trai trẻ đã qua đi, khi chỉ
còn lại
một chút gì để nhớ nhung để chờ đợi, tất cả mơ hồ như sương như khói.
Bóng dáng
tình yêu thoáng hiện mong manh quá, chẳng trọn vẹn chút nào, nhưng còn
đâu!
Điều đáng nói là nhân vật của Vàng Anh, khi tỉnh táo cũng như lúc điên
rồ, họ
không hề đánh mất sự thuần khiết, ngay trong tuyệt vọng bế tắc. Họ
thường là
nạn nhân trong những cuộc chơi liều lĩnh, táo bạo, mặc dù họ vẫn sáng
suốt. Có
lẽ họ nhẫn tâm với chính họ hơn là với cuộc sống. Họ làm những trang
văn của
Vàng Anh trở nên thơ và xúc động hơn trong cái không khí âm u, xám xịt
của
chúng. Họ đáng yêu hơn những nhân vật của Sagan mà người đọc có thể
liên tưởng
tới khi đọc Vàng Anh bởi sự buồn chán, sự nổi loạn không đẩy họ tới
những buông
thả, phá phách, suồng sã, mù quáng một cách vô duyên cớ, đặc trưng của
một tuổi
trẻ nào khác, ở một nơi nào khác.
Bước vào thế giới truyện ngắn Vàng Anh tức là bước vào thế giới của
khoảnh khắc
tự chúng đầy đủ nhưng không đóng lại bao giờ. Có nên gọi đó là những
lhaỏnh
khắc mở, những khoảng khắc luôn nhắc nhở đồng thời kêu gọi những khoảnh
khắc
khác và mãi mãi như thế. Những khoảnh khắc của cuộc sống càng trở nên
vô tận
dưới ngòi bút nhà văn khi đã được nhân lên nhiều lần bằng trí tuệ và
mộng tưởng
của người viết và của cả người đọc. Với Vàng Anh, những khoảnh khắc đó
càng mở
càng thoáng, càng hứa hẹn ngay trong lượng ngôn từ dè sẻn, chắt lọc mà
cô dàn
trải lên trang giấy, thong dong và tự nhiên làm sao, khoảnh khắc có khi
chỉ là
sự kế tục hay bắt đầu lại của một khoảnh khắc khác. Câu văn mở đầu hay
kết thúc
dường như không hề được chuẩn bị mà chỉ xuất hiện một cách tình cờ, hờ
hững có
lẽ vì người ta không nhất thiết phải mở đầu hay kết thúc như thế. Mở
đầu hay
kết thúc cách nào thì có gì quan trọng. Bởi người viết có thể trở lại
trong
cuộc hành trình mới bắt đầu từ chính chỗ kết thúc. Không có dấu chấm
hết cho
những khoảnh khắc "kịch câm" hay tuồng đời.
Vàng Anh rất tiết kiệm chữ nghĩa. Cô cũng không dẫn dắt, không tạo đột
biến,
không gây bất ngờ, tất cả chừng như chỉ còn là những tiểu xảo không cần
thiết.
Sự việc đã xẩy ra như thế, không khác được, không né tránh được, không
sửa đổi
gì được: một chuyện tình buồn, một tâm trạng chờ đợi, một chuyến đi,
một trò chơi
bi thảm và say mê, kỷ niệm về người cha cũng là người thầy tận tụy...
Tất cả
giản dị quá, tự nhiên qua,ù dưới ngòi bút lạnh lùng của Vàng Anh dường
như
không chuẩn bị cho mình và cho người đọc, cũng không hàm ngụ một gợi ý
đánh giá
hay gửi gấm điều gì mặc dù nó không thiếu sự nhạy bén, sự sắc sảo, sự
tinh tế
sẵn sàng nắm bắt những gì ẩn tàng nhất, đằng sau những cái thường tình
nhất,
gần gũi nhất, xem ra không đáng kể. Ngòi bút Vàng Anh dễ nhận ra chất
bi kịch
từ những điều không đáng kể đó, đồng thời nói về bi kịch bằng giọng
phớt lạnh
như không. Có thứ phong cách như không thiết tha gì tới phong cách
nhưng đích
thực là phong cách. Có phải đó là trường hợp Vàng Anh qua hai tập
truyện
"Khi người ta trẻ", và "Hội Chợ"?
Huỳnh Phan Anh
(trích từ Không gian & Khoảnh khắc văn chương, Tiểu luận-phê bình,
nhà xb
Hội Nhà Văn, 1999).
Nguyễn Quốc Trụ giới thiệu