*

 







Về một và tất cả...

1.

Ông đi mãi trong tuổi trẻ của mình. Mê mải. Không biết tóc trên đầu trở bạc. Hoàn toàn không theo tiến trình mà các nhà tiểu thuyết thích và thường mô tả: Đầu tiên là những sợi hai bên thái dương ngả muối tiêu, rồi dần dần cả mái đầu pha sương, rồi chẳng pha phách gì nữa mà thành sương thật. Sương tóc. Thật lãng mạn. Thì sao. Người ta vẫn cho rằng lãng mạn là không thực. Không thực mà cũng vẫn chẳng phải siêu thực.

----------------

Tôi, tôi biết rõ sợi tóc đầu tiên nào của ông trong đêm đã từ giã màu đêm huyền bí. Đấy là một sợi nằm sau gáy, ở vào khoảng mà dù có dùng ba cái gương, cái sau, cái trước, cái cầm tay di động nhờ sự trợ giúp của một người thợ cắt tóc lành nghề và lịch sự cũng không thể trông thấy được. Sợi tóc trắng tiên phong ấy nhanh chóng có thêm đồng đội. Mái tóc ông chẳng bao lâu bạc trắng, rất bất thường ở tuổi ông khi đó, bốn mươi. Tứ thập nhi bất hoặc. Hơi bị sớm. Ông không mất thì giờ vào những điều vụn vặt, chẳng hạn như một màu tóc, dù thực ra tôi nghĩ ông là người hết sức cầu kỳ. Những người biết cầu kỳ như thế giờ hiếm lắm, vì cái cung cách cầu kỳ ấy đòi hỏi nhiều điều kiện. Ông cho thợ cắt phăng mái tóc làm nao lòng người khi trước bằng một đường kéo phũ phàng, và từ đó để tóc trắng ngang vai. Hãy thử hình dung: một tầm vóc đàn ông đủ cao lớn so với Tây, một nước da nâu hồng đủ chứng tỏ khả năng dầu dãi, vầng trán cao rất bác học, cũng có thể nói rất lãnh tụ, kính trắng và tẩu thuốc lệch một bên mép, không thèm che giấu khả năng và khát vọng... Thế cũng đủ cho tôi tự hào về những người đàn ông thuộc giống nòi mình. Còn hơn cả tự hào: dưới vầng trán kia là một đôi mắt luôn lấp lánh những tia nhìn tinh quái và tai ác rất tương xứng với vốn liếng ngôn ngữ mẹ đẻ không hề hao hụt đi sau bao năm xa quê nhà.

*.

Định nghĩa thế nào về hai chữ quê nhà đây. Tôi luôn luôn nghĩ rằng quê nhà là của chung đấy mà cũng là của riêng đấy. Làm nặng hay nhẹ lòng là do cái phần riêng này. Quê nhà của ông, là một nơi nào đó xa xôi, là một thành phố hay những thành phố, là mưa phùn thấm đất hay những cơn mưa hào phóng, hồ hởi của một miền xa lắc mà ông đã buộc phải tới và rồi một lần nữa lại buộc phải từ đấy lên đường? Tôi chưa bao giờ hỏi, đâu là cái phần thương nhớ nhất của ông khi nghĩ tới quê nhà. Mà đã chắc gì ông có thể trả lời rành rẽ. Những câu hỏi giản dị thường khó có một câu trả lời đơn giản. Các nhà tiểu thuyết, có thể tính thêm vào đây các nhà thơ, hay tưởng tượng hộ cho thiên hạ một bóng dáng. Nói chung, người ta vẫn hay tránh trớ những tưởng tượng cấm kỵ, nghĩa là trong trường hợp này, một trường hợp cổ điển, hình bóng cổ điển phải là một người nữ. Toàn thể hoặc từng phần: mái tóc, ánh mắt, màu áo, dáng đi, bàn tay, (có thể bàn chân) ngượng nghịu và giọng nói nũng nịu có vẻ như không định trước... Tôi đã có lần bạo mồm hỏi thử ông. Câu trả lời: đấy là chuyện bí mật của đời người, ai lại hỏi toang toang thế. Kể cũng vô duyên thật, vì khi đó quả thực có nhiều người. Tuy nhiên, tôi tin rằng ông không thể trả lời câu hỏi của tôi theo cách cổ điển. Khi đó ông còn đang tuổi thiếu niên. Một người nữ, nếu người ta có ở tuổi ấy, thì khi tóc đã phai màu, thường chỉ thành chất phụ gia cho nỗi nhớ chứ chả bao giờ là tròn vẹn nỗi nhớ. Khốn khổ thay cho đàn bà. Toàn sống nhờ vào mộng hão.

_______________

Chỉ có mộng của đàn ông là thực. Thực đến siêu thực. Như người đàn ông tôi đang kể đây. Ông khao khát như thế từ thủa nào, tôi không thể nói. Rất có thể là từ trước khi tôi đầu thai vào cõi sống này. Rất có thể, từ cái thuả ông bắt đầu biết nhớ. Số phận có những ngõ ngách lạ lùng để in dấu lên tâm hồn con người, và cắt gọt đời sống mỗi người thành những tác phẩm điêu khắc mà chỉ thời gian mới có thể ngắm nhìn và nhận biết giá trị. Người đàn ông đã chọn một khát khao, không thể nói là vĩ đại, bởi không hứa hẹn một thoáng vinh quang sau này cho kẻ cưu mang. Thành thử ít người dám cưu mang cả đời. Khát khao cũng cần được nuôi sống. Khát khao được đánh thức bởi đời sống, nhưng nhiều hơn là bị giết chết bởi đời sống. Có giữ được cho mình hơi lửa ấm thanh khiết của khát khao tuổi trẻ không, điều đó cần tới kích cỡ tâm hồn của mỗi con người. Có giữ được cho lòng bình tĩnh khi nỗi buồn gặm nhấm mình từng ngày tháng, nỗi buồn mà người đeo đẳng nhiều khi không nhận biết được, trước những năm tháng đã xa rồi, vĩnh viễn, trước khát khao không thể thành thực, về một quê nhà. Tiếng cười lăn giòn tan như rượu thủy tinh óng ánh. Giọt nước nóng bỏng nào rớt ngược vào trong...

----------------------------

... Không thể biết. Đêm Chúa bị sinh ra cho con người, ở một nơi rất xa quê nhà, xa nhà thờ, xóm mạc, thành phố, nơi không có bàn thờ Chúa cũng chẳng có máng cỏ để đặt Chúa hài đồng, tôi đã được nghe ca nhạc theo yêu cầu thính giả. Có lẽ cũng chẳng hẳn là như thế, là buổi ca nhạc mỗi người hát vì mọi người và vì chính mình. Lời ca hào hùng một thủa có khả năng làm nhạt đi nỗi buồn, sự đau đớn, thất vọng. 'Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn... Ta đi nhằm phương xa gió ngàn đưa chân ta về quê hương... Quân về trong gió đang dâng triều lên...'(2) Những ngón tay đàn ông gõ nhịp trầm hùng. Tiếng hát đệm 'pầm... pầm...' Những giọng cười phá ra hồ hởi. Rừng ngoài kia đang tốc lên trong cơn bão. Giật. Xoáy. Dữ dội. Điên cuồng. Điện mất. Đường dây điện thoại bị cắt. Nến nhỏ leo lét ngả nghiêng trong tiếng hát phóng khoáng. Những gương mặt vạc xuống. Nét thời gian. Bài ca xưa cũng thuộc về thời gian. Là thời gian. Là tuổi trẻ. Cơn bão nào đang thốc lên trong lòng người?

*.

Rất đột ngột tôi nghĩ tới ông. Tôi cảm giác như ông đang ngồi giữa họ. Đấy là thế hệ của ông. Đấy là đồng đội của ông. Ngày ấy. Trong một cuộc chiến mà ông và họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân, khát vọng, niềm tin. Chân thành, rất đỗi chân thành, bởi không vì một lợi ích tư riêng nào, bởi khi đặt mình vào giữa cơn cuồng phong phũ phàng của đất nước thời buổi ấy các ông đã đồng thời phải quay lưng lại với ngay cả quá khứ của mình, cả tiểu sử của mình, cả thân tộc, và không ít người còn buộc phải quay lưng lại với ước ao về một tương lai êm ấm cho riêng mình. Giấc mơ con, có thể, nhưng cần thiết cho mỗi đời người, và chẳng nên đem đối lập với những cơn mơ lớn của chỉ một đôi cá nhân đã ngẫu nhiên được lịch sử chọn làm người quay bản lề lịch sử (1). Có trận chiến nào không đòi hỏi người ta hết mình với hai chữ tử sinh. Có đi hết hành trình để hiểu đến tận cùng nghĩa hai chữ ấy không lại là chuyện khác.

------------------------

Không ai, trong số các ông, chết, hiểu theo nghĩa đang sống chuyển sang từ trần, trong cuộc chiến ấy. Nhưng tôi biết, đã có một cái gì đó chết hẳn, vĩnh viễn. Cái gì? Chút thơ ngây trong tin tưởng? Vào bản thân mình, vào những con người đại diện cho cái đẹp của thời buổi ấy trong cái nhìn không phải chỉ của nhiều con dân nước Việt, mà là của cả nhân loại? Hay cái bị khai tử là chính niềm tin?

Nhưng họ đang ngồi kia, hát. Niềm tin không thể mất. Cả chút thơ ngây làm sáng bừng lên mỗi cuộc đời ở bất cứ tuổi nào cũng vẫn vẹn nguyên. Sau hoài nghi là thác sinh. Mới mẻ, đau đớn, hạnh phúc. Cái hạnh phúc của kẻ dám tự đập vỡ mình ra để sống lại, tin tưởng, đợi chờ.

---------------------------

Không bài ca nào phản bội con người. Chỉ con người mới phản bội nhau và phản bội lại những bài ca. 'Đường ra trận mùa này đẹp lắm...'(2) Ở một nơi nào đó xa xôi đã có những con người không muốn hát lại bài ca thủa ấy. 'Trường Sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người - Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác - Dừng lưng đèo mà nghe suối hát - Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi...'(2) Những giai điệu không thể nào quên ở một nửa nước, một thời, đã được những người con ra đi từ nửa nước kia hát, nơi này. Không ai tóc đen nhiều hơn tóc trắng. Sau lưng họ là những ngày tuyệt thực, những đêm không ngủ, là tuổi sinh viên sôi động, cho một đất nước bị ngăn đôi, cho những gia đình phải ly tán, cho niềm tự hào được làm người Việt của chính họ.

Có thể chúng tôi không cùng lựa chọn với họ, trong thời buổi ấy và ngay cả bây giờ. Nhưng không thể nào không kính trọng những người đã dám sống như thế, thời ấy, dám chấp nhận thất vọng, bây giờ. Không dám thất vọng, làm sao biết hy vọng và dám sống cho hy vọng. Những bài ca xưa vẫn đi cùng họ. Họ, những người giữ lửa cho chính mình không quên những bài ca ấy khi đi tìm những bài ca mới. Người đàn ông của chúng ta đi mãi trong tuổi trẻ. Vầng trán ngạo nghễ. Bờm tóc ngỗ ngược. Tiếng cười và giọng nói hào sảng. Với bạn bè và gió bốn phương. Cho một lần được là mình mãi mãi...

2.

'Tiện nhỉ, cái bọn văn sĩ nửa đời nửa đoạn. Người ta sống hết hơi hết sức cả đời còn chưa đi đến đâu. Chúng nó mang luôn người ta ra làm nguyên liệu... à, ừ, nguyên mẫu, các cậu gọi thế hả... chế chế biến biến một hồi để thành sự nghiệp của mình... Này, phải trả công người mẫu cho bọn tôi đấy nhé. Nói thực chứ cứ chia phần cái thành công của các cậu cho tất cả những người từng bị túm làm nguyên mẫu thì các cậu chả còn gì. Chứ còn gì nữa. Bọn nhà văn nhà thơ cứ gào lên nghệ thuật là hư cấu, nghệ sỹ là một là riêng là thứ nhất. Toàn mỹ tự. Tưởng bở! Hư cấu chẳng là bịa đặt thì là cái quái gì. Bịa như thật. Mà thực ra đã bao giờ có ai bịa được cái gì hoàn toàn không có thực chưa? Ngày trước mình cứ nghĩ bọn này mà cho đi lừa đảo thì nhất hạng...'

Ông cười thoải mái, tay dỗ dỗ cái tẩu thuốc xuống gạt tàn. Trong radio ca sĩ đang rên rỉ 'Gặp em trên cao lộng gió - Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ'(2). Bài hát thắt lòng thắt dạ một thời, làm náo động hồn người một thời vì yêu thương và khát vọng chỉ có ở thời buổi ấy mà cái bọn ca sĩ nửa mùa trẻ người non dạ này hát lên nghe buồn phát ốm. Tôi cũng thắt cả lòng. Vì cái giọng tưng tửng đầy vẻ chế nhạo mình chế nhạo người của ông. Lời ông ác quá. Nhưng mà chưa đúng hẳn. Chẳng có kẻ nào bất lực bằng bọn nghệ sĩ thật, nghệ sỹ từ trong máu. Bất lực thế thì lừa đảo được ai. Lại còn thêm bệnh nhẹ dạ... 'Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ... Đoàn quân vẫn đi vội vã - Rừng Trường Sơn nhòa trong trời lửa...' Ngoài kia tuyết cổ tích đang rơi, im lìm, trinh bạch. '...Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn'(2)... Cũng như là cổ tích. Nhưng mà không có hậu. Tại sao tôi ngồi đây nghe ông...

----------------

'Mà cậu gọi cái đoạn tôi vừa đọc của cậu là gì? Tùy bút? Truyện? Hay là ghi chép? Theo tôi thì chẳng ra đâu vào đâu. Bảo cậu đi lừa đảo còn là ca ngợi đấy. Muốn làm cao thủ làng lừa thì phải tự tin, tin rằng mình đang đứng về phía chân lý. Hãy nghe lại cái bài hát này mà xem. Cô bé này hát dở. Không nói giọng, tôi không nói giọng cô ta. Vấn đề cũng chẳng phải là bài hát này không phải dành cho giọng nữ. Cái chính là cô ta không sống nổi với tâm trạng của thời buổi ấy. Vừa rồi tôi có nghe một bài hát từ thời kháng chiến, nghĩa là không phải thời của mình mà cũng chẳng phải là cái thời của cậu. Tên bài là gì nhỉ? 'Quê hương anh bộ đội'. Phải, bài 'Quê hương anh bộ đội'. Người hát là một cô bé chắc mới qua tuổi học trò. Rùng cả mình vì hay quá thể. Nó hát như lụa. Da diết. Mà cậu biết là cả nhà tôi chả có dính dáng gì đến kháng chiến Việt Minh đấy nhé. Bọn tôi là dân B54 mà, chạy một mạch vào Nam, chả kịp biết cái ngày 'Trùng trùng quân đi như sóng - lớp lớp đoàn quân tiến về' như thế nào. '... Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng cờ ngày nào tung bay trên phố... Trùng trùng say trong câu hát... Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về - Như đài hoa...' Cậu biết cái bài này chứ. Tôi có nghe nói đó là một bài hát truyền thống thời đi học ở miền Bắc các cậu phải học mà. Nhưng có lẽ các cậu không biết bài hát đó ông nhạc sĩ sáng tác rất lâu trước ngày giải phóng thủ đô, trước cái ngày dân có của ăn của để như nhà mình bỏ của chạy lấy người bán sống bán chết rời Hà Nội. Khả năng thấu thị tương lai đến như thế của cái ông nhạc sĩ bạn rượu này thì các vị vẽ đường cho dân tộc bây giờ còn phải gọi bằng bố, còn các cậu thì nhất thiết phải coi là sư phụ. Vấn đề là ở đấy. Là cái tài tiên cảm được thời gian, là cái tài sống qua được nhiều tâm trạng, và biết tin một cách thực lòng. Thiếu niềm tin thành thực ấy, nói thật, mọi cái các cậu gọi là nghệ thuật đều là đồ dỏm hết...'

------------------

... 'Chúng ta ươm lại hoa sắc hương phai ngày xa ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu. Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay những xuân đời mỉm cười...' Ông tiếp tục âm ư, và chẳng thèm báo trước, phà một hơi khói vào mặt tôi. Mặt tôi chắc ảm đạm. Tôi biết tìm đâu ra cái niềm tin thành thực ấy bây giờ. 'Sống đã thôi là hạnh phúc - Yêu đã thôi là đắm say...'(3) Em đã viết cho tôi như thế, bình tĩnh, hiểu biết, thông cảm, sau cái ngày tôi lúng túng nói với em lời chia tay chẳng vì một cơn cớ nào. Sống đã thôi là hạnh phúc. Yêu đã thôi là đắm say. Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn cứ vui vui buồn buồn bất chợt. Và thu, mùa thu ấy đã thôi là quyến rũ với tôi sau khi em gật đầu, chấp nhận, uống cùng tôi tách cà phê cuối cùng và bỏ đi vào mưa. Tôi chỉ còn lại tôi, và nghệ thuật. Những mảng màu man dại bất ổn của thằng bạn học kiến trúc bỏ nghề tạt về nghiệp vẽ. Những giai điệu như nước, như lửa cuốn, như gió mùa của thằng bạn to ngang ngồi một đống cả buổi cùng bạn bè mà không chen nổi một câu nào với mấy đứa lắm mồm tốt giọng. Những câu chữ hài hước mà hậm hực của thằng bạn học nghề tính toán tiền bạc mà lại chỉ thích loay hoay với chữ nghĩa, là thứ thời đi học nó sợ ngang với sợ cô chủ nhiệm vô cùng tốt bụng mà chúng tôi láo lếu đặt vụng tên là bà La sát. Tôi không hài hước được như nó. Cũng không muốn hậm hực như nó. Tôi âm thầm xếp lại những trang viết vẫn một mình sản xuất hàng đêm, không cho đứa nào xem, và chuyên tâm với nghề. Nhờ thế mà được cái học bổng toàn phần, sang đây. Ông nói đúng. Nghệ thuật không có khả năng kiến tạo cái gì. Cũng chẳng nên bắt nó phải làm thay đổi được một cái gì, ngoài chính nó. Nghệ thuật là thứ dành cho những kẻ lơ ngơ và bất lực. Tôi đã hiểu thế nhiều năm rồi. Thế nhưng tôi vẫn đâm đầu vào. Cả lũ chúng nó. Đấy có phải tự lừa mình? Điều này em đã thương tình không nói lại vào cái hôm chia tay. Nhưng cả em nữa, trong bao nhiêu lần tụ bạ vẫn tạt thẳng vào mặt cả bọn câu ấy khi nâng ly rượu lên môi với một vẻ đầy ghê tởm và khinh bỉ mà vẫn không bỏ được sân khấu của em, dù rằng nó chẳng nuôi được em thay mấy thùng đậu phụ mẹ em vẫn ngày ngày tha ra chợ ngồi bán. Thằng bạn tôi bảo những trò vô bổ vẫn làm chúng tôi mất thì giờ là gia vị, chỉ là gia vị thôi, cho cái cuộc đời này. Không có thì cũng chả sao. Nhưng không có thì tất cả sẽ trở thành một lũ chém to kho mặn, không xơi được. Dù sao thì nhờ thứ gia vị xa xỉ này mà cái lũ suốt ngày bất bình bực dọc chúng tôi đã hòa giải được với cuộc đời, cuộc đời rất đẹp, rất nhố nhăng, rất buồn, rất không đáng sống trong ý nghĩ của cả bọn, tùy theo thời tiết trong ngày và tùy theo chuyện ở cơ quan.

---------------------------

Thế nhưng cái vẫn làm bận rộn đầu óc chúng tôi có phải là nghệ thuật? Theo lời ông thì không phải. Vì thiếu niềm tin. À, nếu chỉ cần có niềm tin thành thực vào cái gì đấy mà đã đủ sức làm cho thiên hạ náo động, bạo loạn, đảo chính, đấm đá nhau hay tự tử thì nghệ thuật cũng to chuyện đấy chứ. Về điều này, lúc chỉ có mấy thằng với nhau thì chúng tôi tuyên bố như ở chỗ không người, nhưng ra chỗ đông người thì đứa nào cũng im thin thít, giấu biệt việc mình mất thì giờ vào những trò vô bổ. Giả dụ như tôi, tôi biết là tôi sẽ rất xấu hổ nếu có bị ai ở cơ quan hỏi vỗ mặt rằng dạo này có viết được cái gì không, rồi hào hứng cầm tờ báo có cái truyện ký tên tôi mà tôi đã rất trân trọng đưa lại, nhưng với một vẻ hờ hững cố ý. Tôi có kinh nghiệm lắm về chuyện được người quen đọc mình rồi. Hào hứng đấy, mà cũng thờ ơ ngay đấy khi, giả dụ, ai đó gào lên báo tài vụ phát lương. Thế còn chưa tệ bằng họ đọc toang toang trong phòng, rồi đoán chắc như đinh đóng cột với nhau rằng tôi đang chửi ai giễu ai, rằng ai đang thất tình ai đang sắp ly dị, rằng ông nào phải đi bà nào sắp về. Mà đấy là nghệ thuật của tôi, là hư cấu, hoàn toàn dị ứng với chẳng hạn như ca dao cổ động sạch nhà sạch phố đẹp thủ đô hay tranh Bờ Hồ. Tôi càng hư cấu kỹ chừng nào thì người ta càng đoán khỏe chừng ấy. Đọc thầm lại những gì mình viết ra trong khi mọi người rách việc bàn tán, bao giờ tôi cũng run trong bụng. Thế nên mới bảo tôi phải hờ hững cố ý, phải cố ý thế để có đường lùi. Nói thật, riêng trong cái cảnh này, em là diễn viên kịch cũng không thể diễn đầy tâm trạng như tôi.

*.

... Cái băng đã quay hết một mặt. Ca sĩ lại lải nhải 'Gặp em trên cao lộng gió - Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ...' Cô ta biết gì về thời buổi ấy. Cả chúng tôi nữa, chúng tôi biết gì về thời buổi ấy. Nhưng đó là một bài hát tôi yêu thích. Bởi ba tôi, người mà tôi vô cùng kính trọng nhưng ngại gần rất yêu thích bài hát này. Với tôi, thật là một thảm họa nếu sau bữa ăn tối mà tôi ít khi về đúng giờ chưa kịp rút dù thì tự dưng lại được ông gọi ra, tự tay rót nước và hỏi về những dự định cống hiến trong tương lai của tôi. Và sau khi đã rất ân cần với ông con lầm lầm lì lì, thường vẻ mặt ba tôi tối sầm. Hồi đầu, khi tôi mới ra trường, còn chăm chỉ và hí hửng với nơi làm việc ông lo cho, hễ tôi nói trái ý là ông nộ khí xung thiên, quát từ tôi cho tới mẹ. Bây giờ, khi tôi một tháng ba bốn lần có thể đưa vào tay mẹ một cục tiền để mẹ chi tiêu trong nhà, ông không quát nữa, ngồi thở phè phè. Nghe còn nản và hãi hơn, vì không đứa con nào có thể cãi lại cha mẹ khi không bị mắng. Lần cuối cùng cha con ngồi nói chuyện với nhau một cách nghiêm túc như thế, tôi, đang cơn lo nghĩ, đã chẳng giữ mồm như mọi lần, và ông, nén tiếng thở dài, ra bật tivi. Đúng chương trình 'Những bài ca vượt thời gian'. Đúng bài 'Lá đỏ' này đây. Lời thơ còn hay hơn. 'Gặp em trên cao lộng gió - Rừng lạ ào ào lá đỏ - Em đứng bên đường - Như quê hương...' ... Ngày ấy, ba từ miền Nam vừa giải phóng ra... Mười năm... Môi mẹ cười lật bật, nước mắt giàn lặng lẽ. Ba cũng lặng lẽ. Nhưng buổi chiều, đèo anh em tôi về thăm ông bà ngoại trên Quảng An, ngang qua hồ Tây gió thì ba hát. '... Em đứng bên đường - như quê hương - vai áo bạc quàng súng trường... Đoàn quân vẫn đi vội vã - Rừng Trường Sơn nhòa trong trời lửa...' Khi bất bình nhất với ông, bao giờ tôi cũng nhớ buổi chiều ấy, hai anh em theo ba, ngồi chung cái đèo hàng đã được ba cẩn thận chắp thêm mảnh ván, nghe tiếng ba bạt trong gió. Nếu bài ca chỉ chứa trong nó niềm tin thành thực cuả nhạc sĩ, cuả ca sĩ, liệu nó có thể vượt được thời gian? Và cũng như thế, nói chung, nghệ thuật? Khi người được trao gửi không vượt ra khỏi những thói quen khen chê buồn vui cũ, không nhen nổi trong lòng mình một niềm tin cũng lớn lao như thế? Vào cuộc đời, vào khả năng yêu thương và cảm thông của con người, vào khả năng biết mê đắm và chán nản đến mức rồ dại của con người! Chúng tôi có thể tìm cho mình được chăng một tri kỷ không quen biết? Như những nghệ sỹ trước chúng tôi đã tìm thấy! Bất ngờ! Tuyệt diệu! Tôi có thể tìm cho mình được chăng một bạn đọc sẽ đọc thấy giữa những dòng chữ đau đớn hay phẫn nộ, hay đơn giản là chai đá mà tôi sẽ tiếp tục viết ra một khát khao không thể nói không cùng?

*.

... Ông lắng nghe tôi, châm lại tẩu thuốc:

'Có lẽ cậu nói cũng phải. Thôi được! Tôi sẽ không kiện cáo cậu về vụ giá cả người mẫu. Người thời nào cũng phải có cái lý của riêng mình để mà phán xét hay định đoạt. Còn chưa qua được cái bước ấy thì còn mãi mãi là con trẻ, còn chưa thể làm được gì. Nếu bọn tôi có thấy lòng dạ sôi sùng sục khi nghe những bài ca mà cậu cho là lẽ ra phải rất xa lạ với giai cấp của chúng tôi, tạm gọi thế đi, thì bởi vì với chúng tôi ngày ấy những bài ca ấy giống như là lương tri vậy. Bọn tôi làm theo cái bọn tôi cho là đúng, vậy thôi, không có chuyện chủ định trước ủng hộ phe nào miền nào trong cuộc chiến khốn khổ ấy... Khả năng yêu thương và cảm thông... Đấy là một cách diễn đạt khác của lương tri, phải thế không? Lương tri, chứ không phải những thứ chính nghĩa hay phi nghĩa được dán nhãn đã dẫn dắt bọn tôi đi ngày ấy và sau này đã kéo chúng tôi ra khỏi con đường ấy. Bởi thế mà chúng tôi không phải đỏ mặt bây giờ và vẫn có thể nghe lại hát lại những bài ca cũ. Không quên được. Tuổi trẻ của chúng tôi tràn đầy mê đắm, nhưng mà không rồ dại. Chẳng có sự rồ dại nào là hay cả...'

----------------

Tôi gật theo từng chỗ ngừng ngắn của ông. Như một cách đặt dấu chấm. Như một cách tự khẳng định. Ông phì một hơi thuốc, cười:

'Này, nhưng có lẽ phải nhận mình già rồi. Mà cậu cũng là thằng lão hóa sớm. Tuổi trẻ không phải là tuổi ngồi ngẫm ngợi thế này. Triết lý vụn cho đỡ buồn miệng thì thông cảm được. Tuổi trẻ là tuổi hành động, và nói vậy chứ đôi lúc cũng phải cho nó quyền điên rồ. Cậu đã bao giờ cho phép mình điên rồ chưa? Ngày xưa bọn này làm gì cũng là đi theo tiếng gọi của con tim. Như là tình yêu ấy. Thế các cậu bây giờ thì đi theo tiếng gọi của cái gì?'

Giọng ông đầy vẻ trêu chòng, nhưng mắt ông nhìn thì nghiêm khắc, dò hỏi, ráo riết. Hình như ông thật lòng muốn biết về cái tuổi rồ dại của chúng tôi bây giờ thật. Tôi lúng túng:

' Thì... Các anh ngày xưa... Thằng bạn em bảo thời nào mà chẳng phải đi theo tiếng gọi của con chim...'

Giời ơi cái lưỡi. Tôi không thể nào cải chính kịp vì chính mình cũng bị bất ngờ về ý nghĩa điều mình vừa phát ngôn. Ông buông cái tẩu, cười phì phì:

'Thế nào? Thằng nào nói mà sấm thế! Đi theo tiếng gọi của con chim! Đi theo tiếng gọi của con chim! Đáng mặt nam nhi tri chí!'

Dứt cơn cười, ông lại phì phà tẩu thuốc, rồi nhìn tôi, ông tiếp tục, hết sức nghiêm túc, về chuyện phải đi theo tiếng gọi của cái gì con gì. 'Thế là phải. Mình không cho phép cậu nói là cậu nhỡ mồm nhỡ miệng đâu đấy nhé. Phải! Giá mà mọi tiếng nói của con người đều cùng được nghe thấy...'

Trại Giáng sinh 1999

12.2000

1.1-2001

Schwarzwald - Limburg

Chú thích:

1. 'Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp - Giấc mơ con đè nát cuộc đời con - Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp - Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn...' 'Người đi tìm hình của nước' (Chế Lan Viên)

2. Lời bài hát trích từ 'Tiến về Hà Nội' (Văn Cao), 'Lá đỏ' (Thơ Nguyễn Đình Thi - Nhạc Hoàng Hiệp), 'Bài ca Trường sơn' (Thơ Gia Dũng - Nhạc Hoàng Hiệp), 'Bước chân trên dải Trường sơn' (Vũ Trọng Hối)

3. '... Sống đã thôi là hạnh phúc - Yêu đã thôi là đắm say - Và thu đã thôi là quyến rũ...' (ĐQN)