Tứ Tuyệt Lý Bạch 


Chương 1

Sự xuất hiện nổi bật của thơ tứ tuyệt Lý Bạch

1.1. Tiến trình của thơ tứ tuyệt trước Lý Bạch:

1.1.1. Từ trước đến nay, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về định nghĩa "tứ tuyệt" và sự hình thành của thể thơ này.

Một số thuyết giải thích: tuyệt cú là "cú tuyệt mà ý bất tuyệt" (Dương Tái đời Nguyên - "Thi Pháp gia số"[142:181]) hoặc "tuyệt cú mỗi câu mỗi tuyệt" (Dương Thận đời Minh - "Đan duyên tổng lục"[142:181), rồi "hai câu một liên, bốn câu một tuyệt, bài thơ bốn câu tức là tuyệt cú" (Ngô Tề đời Thanh - "Vi lư thi đàm"[142:181] ) ... ở Việt Nam, có ý kiến còn căn cứ vào tính chất tinh túy, hàm súc của thơ tứ tuyệt mà cho rằng "tuyệt cú tức là bài thơ hay tuyệt vời, vì chỉ có 4 câu 20 từ hoặc 28 từ mà nói lên được đầy đủ ý tứ của một đề tài theo đúng luật lệ của thơ Đường" (Lạc Nam Phan Văn Nhiễm - "Tìm hiểu các thể thơ"[56] ), hoặc nói "Tuyệt là tuyệt diệu, mỗi câu chiếm một vị trí đặc biệt. Chỉ trong bốn câu mà thiển, thâm, ẩn hiện, chính kỳ, khởi phục đủ cả cho nên gọi là tuyệt "- Bùi Kỷ[ Sđd,66:29] ... Những thuyết này không tập trung lý giải sự hình thành của thể loại tứ tuyệt.

Một thuyết khác thịnh hành hơn, cho rằng ‘tuyệt’ là ‘ngắt’, tứ tuyệt là ngắt lấy bốn câu trong bài luật thi mà thành.

Nhiếp Thế Mỹ, khi phân tích các ý kiến khác nhau về định nghĩa tuyệt cú đã cho biết:"Một thời gian dài tới nay, thuyết tuyệt cú là "cắt nửa một bài luật thi" thắng thế, được thịnh hành khắp nơi, lưu truyền đến tận bây giờ. Thuyết này căn cứ theo Tiền Mộc Am (Thanh) trong "Đường âm thẩm thể", bắt đầu sớm nhất vào đời Tống, sau đó đến Ngô (Minh) trong "Văn chương biện thể", được dẫn dắt bởi Phó Nhữ Lệ (Nguyên) trong cuốn ("Thi pháp nguyên lưu", cũng theo thế mà nói ..."[142:182] ... ở Việt Nam, người theo thuyết này có thể đơn cử là Dương Mạnh Huy, trong "Đường thi hợp tuyển", ông khẳng định "Tuyệt là Tiệt (ngắt), cú là câu, tuyệt cú nghĩa là cũng theo những luật đó mà ngắt ra dùng 4 câu nửa bài trong luật 8 câu". Từ đó, ông phân tuyệt cú làm 4 loại, tùy theo 4 cách cắt một bài bát cú : cắt 4 câu đầu, cắt 4 câu giữa, cắt 4 câu cuối và cắt 2 câu đầu, 2 câu cuối. Trần Trọng Kim trong cuốn "Đường thi" cũng có ý kiến tương tự. Nhưng ông phát triển thêm, cho rằng thơ tuyệt cú có thứ theo thơ cổ, ngắt từ bài thơ cổ trường thiên mà thành, có thứ theo luật, ngắt từ bài luật thi bát cú mà thành, vì "tuyệt" là ngắt, ngắt ra 4 câu nên còn gọi là "tứ tuyệt".

Lại có nhiều ý kiến nghi ngờ hoặc phản bác thuyết này, cho rằng tuyệt cú thực ra có trước luật thi. Như Hồ ứng Lân (Minh) trong quyển 6 cuốn "Thi sô" đã nói:"Nghĩa của từ tuyệt cú đến nay vẫn chưa nói chắc được, nói là phần cắt 2 liên thơ cuối hoặc giữa của bài cận thể, sợ rằng chưa đủ bằng cớ" [32:9] ... ở Việt Nam, Doãn Kế Thiện trong "Lược khảo thơ Trung Quốc" cũng ủng hộ học thuyết cho rằng ngũ ngôn tuyệt cú do ngũ ngôn cổ thi biến hóa ra, còn thất ngôn tuyệt cú thì từ ca hành mà thành. Ông lý giải rằng tứ tuyệt phải có trước luật thi vì từ Hán, Ngụy, Lục Triều về sau đã có lối thơ ngắn 4 câu, tuy không theo luật điệu, đến đời Đường mới được luật hoá cho thanh vận hòa hợp.

Khảo cứu sự hình thành của thể thơ tuyệt cú, gần đây, đã có nhiều công trình chứng minh được rằng loại thơ này đã xuất hiện từ trước đời Đường. Nhiếp Thế Mỹ trong bài "Vì sao gọi là tuyệt cú? Nó phát sinh và phát triển như thế nào?" [32:9] đã phân tích khá cặn kẽ con đường hình thành tuyệt cú. Ông cho rằng ca dao dân gian cổ đại là đầu nguồn lịch sử của tuyệt cú. Đến đời Hán, các văn nhân cùng nhau xướng họa, mỗi người một câu, liên hoàn đến trọn bài, thành ra hình thức gọi là "liên cú". Sang đời Tấn, liên cú phát triển lên thành hai câu, sau lại tiến tới mỗi người làm bốn câu, kéo dài bài thơ thành chương. Nếu một người làm bốn câu rồi mà không ai làm tiếp được nữa thì bốn câu đó gọi thành ra "tuyệt hưởng" (không có hưởng ứng). Từ đó mà thành tên gọi là "tuyệt cú" hoặc "đoạn cú". Chu Khiếu Thiên trong "Đường tuyệt cú sử" cũng có ý kiến tương tự. Còn Lý Trường Lộ trong lời dẫn cuốn "Toàn Đường tuyệt cú tuyển thích" cũng khẳng định:"Tuyệt cú", còn gọi là "Tiệt cú" hoặc "Đoạn cú". Hình thức bài thơ nhỏ bốn câu này trong ca dao Hán Nhạc phủ đã có, gọi là cổ tuyệt cú. Thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, những nhà thơ nổi tiếng như Bão Chiếu, Tạ Diểu và Dĩu Tín... đều có làm tiểu thi ngũ ngôn tuyệt. "Ngũ ngôn đoản cổ, thất ngôn đoản ca" là nguồn gốc sớm nhất của tuyệt cú. Thời Tề Lương, Thẩm Ước sáng tạo ra thuyết tứ thanh, bình, thượng, khứ, nhập. Đến đời Đường, qua Vương Bột, Đỗ Thẩm Ngôn tới Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn, Thượng Quan Nghi... sáng tạo ra loại thơ ngắn năm chữ hoặc bảy chữ hợp với thanh luật bằng trắc, hình thành tuyệt cú của người đời Đường, gọi là luật tuyệt, Bạch Cư Dị gọi là tiểu luật thi để phân biệt với ngũ ngôn cổ tuyệt" [124:1] ... Ở Việt Nam, mới đây Hồ Sĩ Hiệp trong luận án "Sự phát triển thi pháp của Đỗ Phủ" và Nguyễn Sĩ Đại trong luận án "Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường", phần đề cập tới định nghĩa "tứ tuyệt" cũng đều theo cách hiểu như của Lý Trường Lộ.

1.1.2 Để xác định phạm vi khảo sát tứ tuyệt Lý Bạch trên nền thơ tứ tuyệt Trung Hoa, chúng tôi rất lưu ý đến những kiến giải nêu trên của Nhiếp Thế Mỹ, Chu Khiếu Thiên và Lý Trường Lộ... Chúng tôi cho rằng đây là cái nhìn có tính lịch sử nhất về sự hình thành tên gọi "tuyệt cú" (tứ tuyệt). Theo quan niệm này, khái niệm về tứ tuyệt cũng được mở rộng hơn. Trước hết, tứ tuyệt được khẳng định là một thể loại độc lập, có con đường hình thành, phát triển và sinh mạng riêng chứ không phải là bộ phận ngắt ra từ luật thi hoặc cổ thi. Do đó, tứ tuyệt không nhất thiết phải bó gọn dưới hình thức luật tuyệt với bốn kiểu cắt từ bài bát cú, mà có thể gồm nhiều loại, theo luật hoặc không, ngũ ngôn, thất ngôn hoặc tạp ngôn; và dù dưới dạng nào, một bài tứ tuyệt cũng cần được nhìn nhận như là một chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn, riêng biệt.

"Từ điển văn học" đưa ra định nghĩa như sau về tứ tuyệt :

"Thơ tứ tuyệt theo nghĩa rộng, chỉ những bài thơ nhỏ, mỗi bài gồm bốn câu, mỗi câu thường năm hoặc bảy chữ. Theo nghĩa hẹp, còn gọi là tuyệt cú, gồm hai dạng: cổ tuyệt (tứ tuyệt theo lối cổ thi) và luật tuyệt (tứ tuyệt làm theo thể Đường luật)" [29:381].

Khảo sát TTLB, chúng tôi hiểu từ "tứ tuyệt" theo nghĩa rộng, gồm tất cả những bài thơ bốn câu của Lý Bạch. Do đó, những bài nhạc phủ bốn câu như "Thanh bình điệu", hoặc bài từ bốn câu như "Hoành giang từ"..., chúng tôi đều xếp vào loại tứ tuyệt (đây cũng là cách phân loại phổ biến trong hầu hết các tuyển tập thơ Đường, phần tứ tuyệt)

1.1.3. "Tứ tuyệt" (theo nghĩa rộng), xuất hiện ở Trung Hoa khá sớm. Có thể thấy mầm mống của nó trong các chương gồm bốn câu khá phổ biến ở Kinh Thi. Có những chương ta có thể cắt riêng ra thành một bài tứ tuyệt khá hay và tương đối hoàn chỉnh. Như chương 1 bài "Quyển nhĩ":

"Thái thái quyển nhĩ,

Bất doanh khuynh khuông,

Ta ngã hoài nhân,

(Trí bỉ chu hàng)

Tạm dịch:

"Hái hoài rau quyển,

Không đầy giỏ nghiêng.

Nhớ ai than thở niềm riêng,

Giỏ rau vừa hái lại quên bên đường."

Bài thơ này gồm bốn chương, mỗi chương bốn câu. Riêng chỉ có chương I tả cảnh người con gái hái rau mà tơ tưởng đến bạn tình đến nỗi không làm ăn gì được. Các chương sau liên kết với nhau theo lối trùng chương điệp cú, tả nàng muốn lên núi cao để ngóng trông nhưng ngựa đau, kẻ hầu ốm bệnh, không thể lên được, đành rót rượu một mình uống say cho đỡ nhớ mong nhưng cũng không sao khuây khỏa. Như vậy, chương I giữ vị trí tương đối độc lập với những chương sau (mặc dù không thể phủ nhận là cảm hứng trữ tình "tương tư, tưởng nhớ" xuyên suốt và thống nhất toàn bài). Quan trọng hơn cả là chương này đã lập được tứ, miêu tả cử chỉ hái rau mà lại hiển hiện sinh động tâm trạng thẫn thờ của cô gái. Lời thơ chân thực mà cảm xúc dồn nén mạnh mẽ, không những thế, qua cử chỉ từ chỗ "hái rau" đến "quên giỏ" còn thấy được diễn biến tâm lý tăng tiến của nhân vật.

Những chương như thế trong "Kinh Thi", dù đứng riêng ra, ở một chừng mực nào đó vẫn gợi lên được cho người đọc cảm nhận về cái hay và tính trọn nghĩa tương đối của nó. Có thể nói rằng từ đầu nguồn của thể loại tứ tuyệt, "Kinh Thi" đã lưu lại dấu ấn đậm nét, không chỉ về sự manh nha của hình thức 4 câu mà còn về hàng loạt biện pháp nghệ thuật mà sau này tứ tuyệt (và đặc biệt là TTLB) ở các mức độ khác nhau sẽ kế thừa và nâng lên đỉnh cao hoàn mĩ: thơ kết hợp với âm nhạc (Khổng Tử nói 300 bài Kinh Thi đều có thể gẩy đàn mà hát được - "Thi tam bách Kinh Thi giai huyền ca chi"), hình thức diễn đạt trong sáng, các thủ pháp tỉ, hứng, điệp từ...

Tuy vậy, tứ tuyệt vẫn chưa xuất hiện trong Kinh Thi. Hơn nữa, với kết cấu "trùng chương điệp cú" rất phổ biến ở các bài trong "Kinh Thi", các chương liên kết với nhau hết sức chặt chẽ. Do vậy, về cơ bản, không thể xem mối liên hệ giữa các chương bốn câu trong một bài "Kinh Thi" giống như liên hệ giữa các bài trong một chùm tứ tuyệt xuất hiện sau này.

Tứ tuyệt "ra mắt" một cách khiêm tốn trong dân ca nhạc phủ thời Hán Ngụy. Thống kê hơn 150 bài nhạc phủ trong cuốn "Hán Ngụy nhạc phủ phong tiên"(Hoàng Tiết chú thích. Nhân dân văn học xuất bản xã 1958), thấy chỉ có 6 bài thơ bốn câu. Những bài này nói chung phản ánh đời sống sinh hoạt dân dã, lời lẽ giản phác, dùng nhiều tỉ hứng, ẩn ngữ, âm điệu phổ theo nhạc nhưng về điều phối thanh điệu thơ còn chưa được chú ý nên nhìn chung vẫn khá trúc trắc. Đáng lưu ý hơn cả có lẽ là bài "Vũ khê thâm hành":

"Thao thao Vũ Khê nhất hà thâm!

Điểu phi bất độ,

Thú bất cảm lâm

Ai tai! Vũ Khê đa độc dâm ! "

Tạm dịch:

Vũ Khê cuồn cuộn sông sâu !

Chim bay rã cánh,

Thú đâu dám về

Vũ Khê độc khí gớm ghê !

Năm Kiến Vũ thứ 24, Vũ Uy tướng quân đem quân đến Vũ Lăng, Vũ Khê, giặc cố thủ giữ ải, thuyền không thể qua sông, sĩ tốt ngã nước, ốm chết rất nhiều. Bài thơ khởi hứng từ cảnh Vũ Khê sông sâu, nước độc, cầm thú còn kinh hãi, từ đó ngầm tưởng đến chuyện cũ, cảm khái cho sức người không thể vượt qua. Hình ảnh kỳ vĩ, tình điệu bi tráng, đạt tới một giá trị nghệ thuật nhất định. Ngoài ra, thời Hán Ngụy cũng có một số bài ca dao bốn câu (cổ phong tứ tuyệt).

Tứ tuyệt manh nha ở đời Hán, sang thời Nam Bắc triều thì tăng vọt về số lượng và chất lượng cũng có những chuyển biến đáng kể. Thơ bốn câu lúc đó thịnh hành đến mức được xem là một đặc điểm hình thức của dân ca hai miền Nam - Bắc. Số chữ trong câu, tuy không có luật ràng buộc, nhưng phổ biến là năm chữ. So với lối thơ bốn chữ chiếm đa số trong Kinh Thi thì thơ năm chữ có khả năng tạo nhịp điệu sinh động hơn (vì số chữ lẻ phá vỡ thế cân bằng) và dung lượng phản ánh của một dòng thơ cũng được nới rộng (vì nhiều từ hơn). Thực ra, thơ ngũ ngôn đã khá phát triển trong dân ca nhạc phủ đời Hán, nhưng ngũ ngôn tứ tuyệt phải đến thời Nam - Bắc triều mới chính thức trở thành một thể loại đáng lưu ý. Người ta đã thống kê hơn 470 bài trong "Ngô thanh Tây khúc" thì có tới hơn 350 bài thơ bốn câu năm chữ. Mặc dù số lượng rất nhiều, nhưng nội dung phản ánh của tứ tuyệt trong Nam ca lại không thật phong phú, chủ yếu là về đời sống phồn hoa, sinh hoạt thị dân, tình ca chiếm đa số. So với nhạc phủ đời Hán thì nhạc phủ Nam triều hầu như thiếu hẳn chất dân dã, hồn hậu của cuộc sống lao động thôn quê mà nặng về xuân tình. Tuy vậy, về nghệ thuật thì tứ tuyệt Nam triều lại có những bước tiến đáng kể. Thơ tả cảnh đạt tới trình độ khá điêu luyện, tinh tế, như một bài "Tí Dạ tứ thời ca":

"Thanh hà cái lục thủy,

Phù dung ba hồng tiên.

Lang kiến dục thái ngã,

Ngã tâm dục hoài liên. "

Tạm dịch:

"Lá xanh phủ nước biếc xanh

Phù dung mơn mởn muôn cành hồng tươi.

Chàng nhìn muốn hái em rồi,

Lòng em vương vít bên nơi sen hồng."

Bài này cảnh sắc tươi tắn mà tình cảm cũng trong trẻo, đặc biệt là câu kết duyên dáng, ý nhị. Từ "thái" lẽ ra dùng với sen (hái sen) thì lại dùng cho người ("thái ngã"), từ "hoài" lẽ ra dùng cho người thì lại gắn với sen ("hoài liên"- ôm ấp, nhớ sen), ẩn dụ độc đáo. Giữa đám phù dung mơn mởn, cô gái như bông sen đẹp nhất nên chàng trai nhìn là muốn hái. Còn người con gái e ấp bảo lòng em để cả bên hoa, nhưng tâm tư đã là đóa sen chớm nở bao tình ý với chữ "hoài" rung lên những tín hiệu giao duyên. So với phép tỉ hứng còn khá giản phác trong Kinh Thi và cổ ca dao Hán Ngụy thì nghệ thuật tỉ, hứng, ẩn dụ ở đây đã phong phú, nhiều màu sắc hơn hẳn. Dân ca tứ tuyệt Nam triều, qua nhuận sắc, sửa chữa của các văn nhân lại càng được gọt giũa hơn về nghệ thuật. Thủ pháp "song quan ẩn ngữ" (dùng từ đa nghĩa, bóng gió ẩn dụ) đặc biệt được ưa chuộng (như bài thơ nêu trên, dùng từ "thái" vừa nghĩa là "hái", vừa nghĩa là "chọn", từ "hoài" vừa nghĩa là "mang, chứa", vừa nghĩa là "nhớ"). Hình thức nam nữ đối đáp hoặc cô gái tự mình bộc bạch nỗi lòng khá phổ biến (như trong các bài "Tí dạ ca" ...) khiến tứ tuyệt Nam triều (và cả Bắc triều) còn mang đậm tính chất ca từ. Sau này, một số nhà thơ Nam triều đã vận dụng thể loại tứ tuyệt để sáng tác những bài trữ tình ngôn chí, đánh dấu một bước phát triển mới của thơ tứ tuyệt thời kỳ này. Những bài như "Sơn trung tạp thi" (Ngô Quân), "Tương tống" (Hà Tốn), "Ngọc giai oán" , "Vương tôn du" (Tạ Diểu), "Ký Vương Lâm" (DữuTín)... thực sự là mở đường cho tuyệt cú đời Đường. Như bài "Nhập quan cố nhân biệt" của Vương Bao, tả cảnh tác giả phải biệt cố hương, chia tay cùng cố nhân, sau buổi tao loạn, cây cổ thụ vẫn còn như cũ, đường đi bụi vàng che lấp mặt trời, tiền đồ mờ mịt... Hai câu thơ cuối quả là tuyệt bút :

"... Quan sơn hành tựu cận,

Tương khan thành viễn nhân".

Tạm dịch:

"... Đường lên quan ải sát gần

Nhìn nhau thấy đã viễn nhân cách vời."

Vẫn còn "nhìn nhau" (tương khan) mà đã "thành viễn nhân" là điều không thể có, nhưng trong cái nghịch lý ấy, chứa đựng cả nhịp điệu gấp gáp đến thảng thốt của thời gian tâm lý lúc chia phôi. Thời gian thì rút ngắn mà không gian lại mở rộng, trong một ánh mắt giao nhau đã chứa cả nghìn trùng thương nhớ của "viễn nhân" phương trời cách biệt. Thơ tứ tuyệt đến đây đã bước đầu đạt tới độ hàm súc "ngôn tuyệt ý bất tuyệt", "lời gần tình xa" là một đặc trưng của tuyệt cú đời Đường sau này; về nhạc điệu, âm luật, cũng uyển chuyển, hài hòa hơn, so với tứ tuyệt cổ thi từ chỗ "Khảng khái thổ thanh âm. Minh truyền xuất thiên nhiên" thì quả là một bước phát triển dài. Nhưng không phải tứ tuyệt nhạc phủ Nam - Bắc triều bài nào cũng đạt tới trình độ như vậy mà chỉ là một số bài xuất sắc nhất và số bài này cũng không nhiều.

Tứ tuyệt nhạc phủ Bắc triều so với Nam triều số lượng ít hơn mà kỹ xảo cũng còn khá thô mộc, gần với ca dao cổ Hán Ngụy. Tuy vậy, nó mang hơi thở của cuộc sống người phương Bắc, hào hiệp, mạnh mẽ, khảng khái, làm thành một giọng điệu riêng so với tứ tuyệt Nam triều. Như bài "Chiết dương liễu ca" :

"Phúc trung sầu bất lạc,

Nguyện tác lang mã tiên.

Xuất nhập hoàn lang tí,

Điệp tọa lang tất biên."

Cô gái "lòng buồn bã không yên, chỉ ước được làm chiếc roi ngựa của người thương để ra vào chàng mang bên tay, đi lại cũng được quấn quít bên đầu gối chàng". Tuy rằng vẫn nội dung nam nữ luyến ái, nhưng cách tỏ bày tình cảm và ví von ở đây khác nhiều so với trong Nam ca. Người con gái chủ động, mạnh bạo nói lên khao khát của mình, lời lẽ thẳng thắn, tình cảm chân thực, mãnh liệt. Chiếc roi ngựa mà cô gái nhắc tới cũng là một vật dụng tùy thân, đặc trưng cho đời sống sinh hoạt của người phương Bắc.

Nhìn chung lại, mặc dù có những khác biệt về giọng điệu..., tứ tuyệt Nam ca và Bắc ca đều có một số đặc điểm lớn là : Số lượng nhiều mà nội dung hạn chế, đề tài quanh quẩn tả cuộc sống phồn hoa đô thị, cung đình và tình yêu nam nữ... Về mặt nghệ thuật, tứ tuyệt thời kỳ này đã có một bước tiến dài so với giai đoạn trước : định hình và phát triển thể thơ ngũ tuyệt, âm luật hài hòa hơn, các thủ pháp song quan ẩn ngữ, tỉ, hứng... được vận dụng linh hoạt và có hiệu quả cao, bút pháp tả cảnh đạt tới trình độ tinh tế, khá điêu luyện; đặc biệt là sự xuất hiện những bài tứ tuyệt "trữ tình ngôn chí" của một số nhà thơ lớn Nam triều đã đem lại nội dung mới mẻ cho tứ tuyệt, khai thác đặc trưng hàm súc, "ngôn tuyệt ý bất tuyệt" của thể loại này, mở đường cho tứ tuyệt Sơ Đường.

Mặc dù tứ tuyệt nhạc phủ Nam - Bắc triều đã có những thành tựu nhất định như vậy, nhưng hễ nhắc tới thể thơ này là người ta nói đến tuyệt cú đời Đường, đến mức có quan điểm cho rằng người đời Đường đã sáng tạo ra thể loại đó.

Thực tế là không phải ngay từ buổi ban đầu tứ tuyệt Sơ Đường đã đạt tới mức xuất sắc vượt lên các giai đoạn trước. Nó cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của lối thơ phù hoa, diễm lệ Tề - Lương. Đề tài "vịnh cảnh", "vịnh vũ", ca tụng cảnh xa hoa chốn cung đình,... rất phổ biến, ngũ tuyệt chiếm đa số. Công lao lớn của các nhà thơ Sơ Đường (mà tiêu biểu là Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn, Thượng Quan Nghi...) với thể loại này là đã luật hoá tứ tuyệt, hình thành ra "luật tuyệt", và đồng thời phát triển loại thơ bốn câu bảy chữ (vốn rất hiếm trước đó), định hình nó thành "thất tuyệt", nếu theo luật gọi là "thất ngôn luật tuyệt". Tứ tuyệt thời Tề - Lương với thuyết tứ thanh của Thẩm Ước đã tiến bộ rất nhiều trong việc hoà hợp các thanh điệu, nhưng vẫn chỉ là giữa các từ trong một liên thơ hai câu. Việc áp dụng niêm luật của luật thi vào tứ tuyệt đã khiến cho tứ tuyệt từ Sơ Đường thanh vận càng hài hòa hơn, không chỉ trong một câu mà còn giữa các câu với nhau trong toàn bài. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có luật tuyệt mới có bước tiến về nhạc điệu tiết tấu. Cùng với sự ra đời của luật thi, ý thức về điều phối thanh điệu và lựa chọn âm vận đã thâm nhập ngay trong sáng tác các bài tuyệt cú phá luật hoặc hoàn toàn không theo luật, cho nên cổ tuyệt của người đời Đường nhạc điệu cũng vẫn uyển chuyển thanh thoát hơn cổ tuyệt thời Hán Ngụy.

Thoát ly thi phong phù hoa cung đình, "Tam Vương" của Sơ Đường: Vương Tích - Vương Phạn Chí - Vương Bột, đã mở đường cho sự phát triển về chất của tứ tuyệt. Thơ ca của họ không chú trọng ngôn ngữ hoa lệ , lời giản dị mà ý sâu sắc. Vương Tích sáng tác độ hơn mười bài tứ tuyệt, nội dung chủ yếu là về cảnh sống điền viên, lời thơ tự nhiên, thanh tân, phảng phất phong cách của Đào Uyên Minh. Vương Phạn Chí làm nhiều thơ ngũ tuyệt bạch thoại, ngôn ngữ thông tục, nội dung đa phần là về nhân tình thế thái, khuyến thiện, đạo đức,... lời lẽ giản dị mà hình tượng sinh động, rất gần gũi với đại chúng. Vương Bột có khoảng trên ba mươi bài tứ tuyệt, viết nhiều về đề tài vịnh hoài, ly biệt... Ông kế thừa thành tựu nghệ thuật của tứ tuyệt Lục Triều và nâng nó lên một trình độ mới, tuyệt cú tả cảnh của ông lời đẹp tình sâu, lấy cảnh kết tình, ý thơ hàm súc mà tình điệu khảng khái. Ngoài ra còn có các nhà thơ nổi tiếng như Tống Chi Vấn với bài thất tuyệt "Độ Hán giang", Lạc Tân Vương với "Dịch Thủy tống biệt", Vi Thừa Khánh với "Nam hành biệt đệ", Trương Cửu Linh với "Tự quân chi xuất hĩ"... Và rồi, Trần Tử Ngang đề xướng phong trào học tập phong cốt Kiến An, đưa thơ ca về với hiện thực đã mở một hướng mới cho sự phát triển của tứ tuyệt. Bài tứ tuyệt cổ phong "Đăng U Châu đài ca" của ông tả nỗi cô đơn trống trải của người lên đài cao, giữa mênh mông vô cùng của trời đất mà nhỏ lệ, ý tứ khảng khái, buồn bã mà khí phách, về nội dung đã khác biệt rất nhiều với lối thơ ỷ lệ, xuân tình trong tứ tuyệt Lục triều.

Như vậy là so với tứ tuyệt Lục triều, tứ tuyệt Sơ Đường số lượng tuy ít hơn nhưng đề tài và diện phản ánh xã hội lại rộng rãi hơn. Đặc biệt là tứ tuyệt đến đây đã thoát ly tính chất ca từ vốn in đậm trong phần lớn tứ tuyệt nhạc phủ và cổ ca dao Hán Ngụy, Nam Bắc triều, bút pháp già dặn hơn và nội dung mang tính thời đại với rất nhiều băn khoăn về triết lý nhân sinh, thế sự. Như bài "Nam hành biệt đệ" (Vi Thừa Khánh) :

"Đạm đạm trường giang thủy,

Du du viễn khách tình.

Lạc hoa tương dữ hận

Đáo địa nhất vô thanh "

Dịch thơ :

Sông dài nước chảy lênh đênh

Dặm nghìn đất khách mối tình mênh mông

Hoa kia chia mối hận lòng

Lúc rơi tới đất tuyệt không tiếng gì

(Tương Như dịch)

Không kể đến sự xuất hiện của hình thức đối ngẫu (hai câu đầu) và bằng trắc đúng niêm luật đã là một cải tiến về nghệ thuật so với tứ tuyệt Lục triều, mà ngay cả bút pháp tả cảnh ngụ tình cũng có nhiều cách tân. Câu một tả sông dài lờ lững. Câu hai tả tình khách mênh mông. Sông và tình người như hai dòng chảy song song, in bóng cho nhau nhưng chẳng hòa làm một, càng dấy lên nỗi khát khao giao cảm và gửi gắm. Để đến hai câu kết, nhà thơ đặc tả đóa hoa rơi, như một dấu lặng thương cảm giữa vô cùng, chia sẻ niềm cô đơn, sầu hận của khách. Nhưng hoa thì nhỏ bé, rơi rụng âm thầm, một chút cảm thông dù hết mình cũng chẳng đủ để ngừng trôi mối sầu viễn xứ dằng dặc. Bút pháp tả cảnh bao quát, chấm phá đầy ấn tượng, không chỉ miêu tả cái nhìn thấy mà còn hướng vào chiều sâu của nó, trong cái thực lại lồng ý ẩn dụ và trong tả tình đã ngầm cuộn lên những trăn trở về triết lý cuộc đời, ngậm ngùi thân thế; so với tứ tuyệt tả cảnh trong nhạc phủ Nam Bắc triều thì là cả một bước phát triển về chất.

Tóm lại, tứ tuyệt đến Sơ Đường đã làm một bước chuyển mình quan trọng. Nghệ thuật biểu hiện được tiếp tục hoàn thiện với những chỉnh đốn về thanh luật, đối ngẫu và âm vận. Thể thơ thất tuyệt manh nha, hình thành và đã có những bài khá xuất sắc. Nội dung thơ đổi mới, xa rời dần đề tài diễm tình, phù hoa trong tứ tuyệt. Lục triều, hướng về những vấn đề thế sự, nhân sinh. Tính chất hàm súc của tứ tuyệt ngày càng được chú trọng, thơ đi dần tới chỗ lời giản dị mà ý thâm sâu. Sau này, người ta nói tới đặc trưng "ngôn tuyệt ý bất tuyệt", "lời gần tình xa"... của tứ tuyệt chính bắt đầu từ sự khai phá này của tuyệt cú Sơ Đường, và nó cũng làm cho tứ tuyệt đời Đường từ đây hình thành một phong cách riêng biệt so với tứ tuyệt các thời trước và sau đó.

Kế thừa thành tựu của các giai đoạn trước, tứ tuyệt đến Thịnh-Đường bước vào một thời kỳ phát triển chưa từng có, nảy nở sung mãn, không những số lượng tăng vọt mà chất lượng cũng đạt tới đỉnh cao. Sở dĩ như vậy, một phần vì tứ tuyệt cũng không nằm ngoài sự phát triển của thơ Đường nói chung trong buổi hoàng kim cực thịnh này. Phần khác, có lẽ vì thời kỳ này âm nhạc hết sức phát triển, những bài tứ tuyệt hay phần lớn đều được phổ nhạc, có bài viết ra trước hết là để soạn lời cho nhạc (như trường hợp Lý Bạch sáng tác "Thanh Bình điệu"...), do đó mà lưu truyền hết sức rộng rãi, dấy lên mạnh mẽ làn sóng những người thưởng thức và sáng tác tứ tuyệt. Hơn nữa, tứ tuyệt cũng là loại thơ thể hiện rõ nhất chất tinh túy, hàm súc:"Dĩ thiểu kiến đa" (qua cái nhỏ mà thấy được cái lớn) vốn được đánh giá rất cao trong thơ Đường, chính vì vậy mà càng được ưa chuộng.

Hầu hết các nhà thơ lớn Thịnh Đường đều làm thơ tứ tuyệt và có những bài rất hay. Thể thơ thất tuyệt mới hình thành thời Sơ Đường, số lượng rất ít, đến thời kỳ này tăng gấp mấy lần, và về nghệ thuật đi dần tới chỗ hoàn thiện. Ngũ tuyệt tiếp tục con đường phát triển của nó từ Sơ Đường, cùng với thất tuyệt làm thành hai mảng hương sắc của vườn thơ tứ tuyệt Thịnh Đường đang mùa chín rộ. Trên cái bối cảnh ấy, xuất hiện "hiện tượng" thơ tứ tuyệt Lý Bạch!

1.2. Sự xuất hiện nổi bật của Tứ tuyệt Lý Bạch:

1.2.1. TTLB - hiện tượng đáng lưu ý trong lịch trình thơ tứ tuyệt:

1.2.1.1 Trong suốt lịch trình của tứ tuyệt, trải qua mấy trăm năm đến đầu Thịnh Đường, chưa bao giờ số lượng bài tứ tuyệt của một tác giả lại nhiều đến như TTLB. Tứ tuyệt nhạc phủ Nam Bắc triều số lượng tuy lớn, nhưng phần lớn là sưu tập từ dân ca, một số thi nhân Nam triều (như Ngô Quân, Dữu Tín, Tạ Diểu...) có làm tuyệt cú song số bài cũng chưa nhiều. Đến thời Sơ Đường, thống kê tứ tuyệt của Vương Tích, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương, Vương Bột, Dương Quýnh, Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn, Đỗ Thẩm Ngôn, Lưu Hi Dy, Trương Nhược Hư, Trần Tử Ngang, Trương Cửu Linh, tất cả có 157 bài trên tổng số 1343 bài thơ hiện còn của họ (chiếm tỉ lệ 11,7% .). Lý Bạch sáng tác hơn nghìn bài thơ mà riêng thơ tứ tuyệt của ông đã là 193 bài, hơn số bài tứ tuyệt của 12 đại gia Sơ Đường cộng lại. Con số ấy so với lượng bài tứ tuyệt của những nhà thơ Thịnh Đường được đánh giá là rất thành công ở thể loại này thì vẫn là nhiều nhất (Vương Duy: 106 bài, Vương Xương Linh: 89 bài, Đỗ Phủ :139 bài).

Không những thế, Lý Bạch lại sáng tác khá "đều tay". Tỷ lệ bài ngũ tuyệt và thất tuyệt gần như tương xứng: 98/92, ngoài ra còn 3 bài tạp ngôn tứ tuyệt. Trong khi đó, thơ tứ tuyệt nhạc phủ Nam Bắc triều hầu như ngũ tuyệt chiếm đa số. Đến Sơ Đường, số bài ngũ tuyệt của 12 đại thi gia thời đó (nêu trên) là 127 bài, trong khi thất tuyệt chỉ có 30 bài (bằng 1/3 số thơ thất tuyệt của Lý Bạch). Đồng thời với Lý Bạch, Vương Duy được coi là một tay bút tứ tuyệt cự phách, nhưng nổi tiếng chủ yếu về ngũ tuyệt, số bài ngũ tuyệt do đó cũng hơn hẳn thất tuyệt (60/40 bài). Vương Xương Linh thì lại thành danh với thất tuyệt, số bài loại này chiếm tỉ lệ lấn át ngũ tuyệt (75/14 bài). Còn với Đỗ Phủ cũng có hiện tượng chênh lệch như vậy (107 bài thất tuyệt mà chỉ có 32 bài ngũ tuyệt).

[Đấy là căn cứ vào số chữ của bài tứ tuyệt mà phân loại, còn nếu dựa trên âm lậut mà xét thì các dạng như cổ tuyệt (tứ tuyệt cổ phong), lậut tuyệt (tứ tuyệt luật thi), và bán cổ, bán luật đều hội đủ trong TTLB mà ở dạng nào cũng có những bài rất xuất sắc. Phần này lậun án sẽ trình bày cụ thể ở chương Ba].

1.2.1.2 TTLB số lượng nhiều mà đề tài, nội dung cũng phong phú chưa từng có. Cổ tuyệt và tứ tuyệt nhạc phủ Hán Ngụy mạnh về phản ánh đời sống sinh hoạt dân dã, mộc mạc, hồn hậu nhưng lại thiếu xuân tình, cảnh sắc thiên nhiên. Tứ tuyệt nhạc phủ Nam Bắc triều diễm tình, hoa lệ song nghèo đề tài hiện thực. Tuyệt cú Sơ Đường hơn các giai đoạn trước ở chỗ đề cập tới những vấn đề lớn như nhân sinh, thế sự..., nhưng ít quan tâm đến đời tư, cá nhân... Riêng đến TTLB thì không những gồm đủ mà hầu như lĩnh vực nào cũng có thành tựu đáng kể và đóng góp nhất định.

Viết về đề tài phong thổ, phản ánh đời sống dân gian, tuy số lượng không nhiều, nhưng TTLB cũng khắc họa được những hình ảnh sinh động, đầy ấn tượng: cảnh sinh hoạt của một gia đình nhà quê ở Thu Phố : chồng lặn ngụp bắt cá, vợ con chăng lưới bẫy chim nhạn , kẻ dưới nước, người trên cạn, nước trắng, rừng xanh, vất vả nhưng thanh bình ("Thu phố ca" bài 16) , cảnh một thiếu nữ vừa hái ấu, vừa hát trong đêm, trên dòng Lộc Thủy, trăng sáng, cò trắng bay ("Thu phố ca" bài 13), cảnh cô gái hái sen, thấy khách vờ xấu hổ trốn vào đám hoa không chịu ra ("Việt nữ từ" bài 3). Và rất độc đáo là hình ảnh người thợ rèn:

"Lô hoả chiếu thiên địa,

Hồng tinh loạn tử yên.

Noãn lang minh nguyệt dạ,

Ca khúc động hàn xuyên "

("Thu Phố ca" bài 14)

Tạm dịch:

Lửa lò chiếu trời đất,

Khói tím loạn sao hồng.

Đêm trăng, má đỏ rực,

Ca hát động dòng sông.

Ở trung tâm của không gian vũ trụ bao la (trời, đất, sao, trăng, sông), giữa muôn ánh sáng rực rỡ (lửa lò, sao hồng, khói tím, trăng sáng), người thơ xuất hiện thật kỳ vĩ. Tuy vậy, điều đáng chú ý là toàn bộ vẻ đẹp của con người này nằm trong lao động. Thử tưởng tượng anh ta ngừng làm việc là toàn bộ ánh sáng và sức nóng sẽ tắt ngấm, và cùng với nó, tư thế oai hùng chinh phục cả vũ trụ cũng mất luôn. Chi tiết "lửa lò chiếu sáng trời đất" tuy tả cái quan sát thấy bằng mắt, nhưng lại gợi tả sinh động cường độ lao động liên tục, khẩn trương. Người thợ rèn được miêu tả không chỉ như một hình ảnh đẹp trong đêm, mà hơn hết, chính là biểu tượng của nhịp điệu cuộc sống :lao động hối hả và say mê. Cách gọi:"noãn lang" (chàng mặt đỏ ửng ) dường như còn cho thấy thấp thoáng ánh mắt của một người con gái đang để ý "đối tượng" của mình. Hình ảnh chàng trai trong lao động vốn đã hào hùng lại càng đẹp hơn từ góc độ nhìn đầy chất trữ tình đó. Niềm say mê lao động gắn với tình yêu đời và rung động lứa đôi. Hình tượng người lao động đẹp và hùng như thế quả thực là một nội dung mới mẻ trước đó chưa từng có trong lịch sử tứ tuyệt. Những nhân vật bình dân trong tứ tuyệt nhạc phủ Nam Bắc triều và tuyệt cú đầu Sơ Đường cũng đẹp, nhưng họ (thường là nữ) xuất hiện như đối tượng của tình yêu chứ không phải với tư cách người lao động. Một số bài tứ tuyệt cổ thi và nhạc phủ Hán Ngụy tuy có đề cập tới đời sống lao động của quần chúng, nhưng hình ảnh nói chung hồn nhiên, giản phác, chưa có được những hình tượng khái quát mang ý nghĩa biểu trưng. Ngay đến Đỗ Phủ, nhà thơ hiện thực xuất sắc nhất đời Đường, tuy có thơ tứ tuyệt phản ánh sinh động đời sống của lớp "lê dân" cùng khốn vì chiến tranh, nhưng cũng chưa khai thác được chất Hùng, sức mạnh và vai trò to lớn của những con người bình dị này. Tất nhiên, TTLB viết về đề tài này, độ dồn nén hiện thực không thể so với thơ Đỗ Phủ, nhưng có thể nói nếu Đỗ Phủ đạt tới chiều sâu thì Lý Bạch lại phát hiện được tầm cao của hình tượng người lao động. Đó cũng là một đóng góp mới trong TTLB.

Mặc dù không phải là nhà thơ hiện thực nhưng Lý Bạch gần như lại là người đầu tiên khai phá một mảng đề tài chưa từng có trong tứ tuyệt: thơ trữ tình chính trị. Tứ tuyệt Sơ Đường có nhiều bài viết về vấn đề thế sự, nhân sinh, nhưng một khi đã chạm tới đề tài này thì đa phần là giọng điệu triết lý át chất trữ tình. Riêng ở TTLB thì trái lại. Nét đặc sắc trong những bài tứ tuyệt lấy đề tài hiện thực của Lý Bạch là nó vẫn bám theo các diễn biến thời đại nhưng lại diễn tả chúng bằng ngòi bút dạt dào chất trữ tình và vô cùng lãng mạn. Năm 756, vì loạn An Sử, Đường Minh Hoàng phải rời Trường An về đất Thục. Vĩnh Vương Lý Lân nhận chiếu chỉ làm Giang Lăng đại đô đốc, chiêu mộ tướng sĩ, thống lĩnh đại binh tiến về đông đánh dẹp quân An Sử. Năm 757, Đường Huyền Tông truyền ngôi cho thái tử Lý Hanh, lấy đất Thục làm Nam Kinh. Loạn An-Sử dẹp yên, Huyền Tông rời đất Thục về lại kinh đô Trường An. Hầu hết những sự kiện lịch sử lớn ấy đều được Lý Bạch ghi nhận trong hai chùm tứ tuyệt "Vĩnh Vương đông tuần ca" (11 bài) và "Thượng hoàng Tây tuần Nam kinh ca" (10 bài), trong đó, ông cũng gửi gắm nhiều hoài bão và ý tưởng chính trị của mình. Tuy vậy, điều đáng chú ý là, để diễn đạt một nội dung mang đậm tính thời sự, chính trị như vậy, Lý Bạch lại dùng hình thức tả cảnh. ở 11 bài "Vĩnh Vương đông tuần ca", ông lần lượt miêu tả cảnh ra quân hùng mạnh, khí thế của Vĩnh Vương, khói lửa liền đến biển xanh, cờ xí trập trùng vây núi biếc, chiến hạm dày đặc, binh giỏi, tướng tài... Trong 10 bài "Thượng hoàng tây tuần Nam kinh ca", ông vẽ lên bức tranh phong cảnh kỳ vĩ của đất Thục trên đường xa giá hồi kinh, đề cao Nam kinh đẹp mà không quên hướng về cố đô. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử tứ tuyệt lại có những bài lấy đề tài chính sự mà lại nồng đượm chất trữ tình và đẹp đẽ đến như vậy. Mặc dù về nội dung hiện thực còn có những điểm phải bàn, song nói riêng đến cách khai thác đề tài và phương thức diễn đạt thì những bài tứ tuyệt trữ tình chính trị này của Lý Bạch quả là có những nét mới mẻ đáng lưu ý.

Tuyệt cú đến đời Đường đa phần tập trung vào những mảng đề tài lớn như: biên tái, sơn thủy, hiện thực, tống biệt, cung-khúc oán, du lãm... và một số đề tài về phong thổ nhân tình. Những cây bút tứ tuyệt xuất sắc nhất Thịnh Đường cũng thường chỉ thành công ở một, hai mảng đề tài trong số đó. Như Vương Duy nổi tiếng về thơ điền viên sơn thủy, Cao Thích, Sầm Tham giỏi về thơ biên tái, Vương Xương Linh nổi bật với đề tài cung oán, khuê oán, tống biệt và một số thơ biên tái, còn Đỗ Phủ lại sở trường về khai thác hiện thực... Riêng với Lý Bạch, tất nhiên, ông cũng có mảng đề tài ưa thích của mình, nhưng dường như với thể tứ tuyệt, ngòi bút của ông không có giới hạn. Biên tái hay điền viên, khuê oán hay du lãm... viết về đề tài nào ông cũng có những bài thực sự xuất sắc; đó là một điểm riêng biệt so với những tay bút tứ tuyệt cự phách trước và đồng thời với ông. Điều đáng nói là cùng với sự đa dạng chưa từng có về đề tài, giọng điệu và cảm hứng trữ tình trong các bài TTLB cũng chuyển biến theo nhiều cung bậc. Những bài tả cảnh ẩn dật của ông như "Tự khiển", "Sơn trung vấn đáp", "ức Đông Sơn" (hai bài), "Sơn trung dữ u nhân đối chước" ... u nhàn, nhạt đạm, hoàn toàn có thể sánh với thơ điền viên, sơn thủy của Vương Duy. Bài "Tự khiển" của Lý Bạch :

"Đối tửu bất giác minh,

Lạc hoa doanh ngã y.

Túy khởi bộ khê nguyệt,

Điểu hoàn nhân diệc hi"

Tạm dịch:

Rượu vào trời tối chẳng hay,

Hoa đâu rơi rụng đã đầy áo ta.

Say về, khe suối trăng ngà,

Chim bay về tổ, người đà vắng thưa.

Toàn bài là những cảm nhận trực giác, không nói đến chữ nhàn mà hiện rõ một người thanh thản vô sự, chẳng để ý đến thời gian (trời tối lúc nào không biết), ngồi lâu cũng không buồn xê dịch (nên hoa rơi đầy áo). Uống say rồi mới về, nhìn trăng khe suối, chim bay về tổ, người thưa vắng, biết là đã muộn. Lời thơ bình đạm, ý vị tự nhiên, miêu tả được cái nhàn tự trong tâm, lòng hòa với cảnh vật, lại còn phảng phất giọng điệu của người say, ngất ngưởng ra về giữa một vùng tịch mịch. Nếu so với thơ Vương Duy, thì tuy cùng ý tả nhàn dật nhưng mỗi người độc đáo theo một cách. Bài thơ "Trúc lý quán" của Vương Duy:

"Độc tọa u hoàng lý,

Đàn cầm phục trường khiếu.

Thâm lâm nhân bất tri,

Minh nguyệt lai tương chiếu. "

Trần Trọng Kim dịch thơ :

"Một mình giữa đám rừng tre,

Đánh đàn cao hứng hát nghe một bài.

Rừng sâu nào có ai hay,

Bóng trăng đâu đến chiếu ngay vào mình."

Cả hai bài, lời cùng giản dị, cùng tả người thanh thản giữa rừng sâu, đêm vắng, nhưng ấn tượng gây ra cho độc giả lại có một điểm khác. Thơ Vương Duy sử dụng nhiều tầng đối lập ngầm, giữa cái thâm u của rừng trúc và sự đơn độc của con người, giữa cái tĩnh mịch của cảnh và tiếng người đàn hát, giữa mối tuyệt giao với người và tương giao với trăng. Có thể thấy con người này chủ động đi tìm (và đã tìm được) sự thanh tĩnh, thoát tục trong tâm hồn. Nhưng cái "nhàn" ở đây là có ý thức và được biện luận ra chứ không phải từ vô thức như trong bài thơ của Lý Bạch. Đấy chính là điểm khác nhau giữa thơ điền viên của Vương Duy và của Lý Bạch. Tuy cùng vẻ bình đạm, nhưng với tứ tuyệt Vương Duy thì ẩn sau nó là những ý tưởng thâm trầm, còn với TTLB thì lại như là xuất phát từ bản tính thanh thản, hồn nhiên.

Viết về đề tài chiến tranh, biên tái thì giọng điệu của TTLB lại khác rất nhiều: sôi nổi, khí phách và hào hùng, có thể sánh với tứ tuyệt cùng đề tài của những nhà thơ biên tái bậc nhất như Cao Thích, Sầm Tham... Sở dĩ thơ điền viên, biên tái của Lý Bạch hay, cũng vì chính ông đã trải qua những cảnh ấy, nên lời thơ như thốt từ tâm khảm. Có người nhận xét Lý Bạch thuộc bản tính "anh nhi" (như đứa trẻ lanh lợi), sống hết mình, nên nghĩ đến ở ẩn thì trong thơ có cái vẻ nhạt đạm, phiêu du của người đắc đạo, còn hướng ra sa trường thì thơ lại mang khí phách của người anh hùng "gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao". Tứ tuyệt của Cao Thích, Sầm Tham, Vương Chi Hoán, Vương Hàn... viết về chiến tranh thường khảng khái, bi tráng, lời lẽ cứng cỏi nhưng không khỏi có chút ngậm ngùi, như bài "Lương Châu từ" của Vương Hàn, tả người lính trước khi ra trận uống rượu say, có hai câu cuối rất nổi tiếng "Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" (Say nằm lăn ra sa trường, xin anh chớ cười. Xưa nay chinh chiến mấy người về được). TTLB ít có giọng điệu ngậm ngùi ấy. Ông chủ yếu khai thác chất Hùng của chiến tranh mà coi nhẹ phần Bi của nó. Cho nên tứ tuyệt của ông hầu như không có cảnh quân triều đình bại vong, hay những nạn nhân đau khổ vì chiến tranh. Ông hào hứng tả cảnh ra quân khí thế ngút trời, những nhà quân sự đại tài ngồi chiếu quỳnh cười nói mà phá tan quân giặc, những chiến tướng trở về đao vàng còn ấm máu đầu giặc treo lủng lẳng dưới cờ, những thanh niên ra trận như chơi bạc, đặt cược bằng tính mạng để báo ơn thiên tử và trở về áo gấm vua ban... ("Vĩnh Vương đông tuần ca" 11 bài, "Quân hành", "Tòng quân hành", "Tống ngoại sanh Trịnh quán tòng quân" 3 bài, ...). Trong bài thơ "Quân hành", ông tả người ra trận:

"Lưu mã, tân khoa, bạch ngọc yên,

Chiến bãi sa trường nguyệt sắc hàn.

Thành đầu thiết cổ thanh do chấn,

Hạp lý kim đao huyết vị can."

Tạm dịch:

"Yên bạch ngọc, ngựa hồng tung vó,

Tàn trận, trăng soi lạnh sa trường.

Trống sắt đầu thành âm vẫn động,

Đao vàng trong hộp máu tươi vương."

Người xung trận cưỡi ngựa xích thố, yên bạch ngọc, sải những bước đầu tiên ra sa trường, hình ảnh hết sức sang trọng, hào hoa và đầy khí thế. Câu một vừa tả người xuất quân, câu hai đã thấy nói "tàn trận". Khoảnh khắc giao tranh không hề được mô tả trực diện. Bài thơ như có chỗ hẫng, nhưng đấy lại truyền đạt được tâm lý bàng hoàng trước một sự việc xảy ra quá nhanh, quá gọn, như một chớp mắt ! Sa trường lạnh bóng trăng, tiếng trống trận tắt rồi mà âm dường như còn chấn động. Không tả cuộc chiến mà lại lột tả được sát khí của nó làm người ta kinh hãi. Ngòi bút xuất thần, đọc lên như có hơi lạnh của tử khí. Bậc dũng tướng hào hoa, để lại sau mình một cục diện khốc liệt đến thế, trở về như vừa qua một trò chơi dễ dàng, nhanh gọn "Đao vàng trong hộp máu chưa khô". Khúc khải hoàn ca đó làm chiến tranh mất đi vẻ thê thảm giống như một thử thách để lập công và lộ rõ mặt anh hùng. Bài thơ tả phong độ hào hoa của người ra trận, sự thần tốc và sát khí của cuộc huyết chiến, rốt cuộc lại cũng nhằm làm nổi lên một chữ Hùng!

Không hẳn là Lý Bạch đã thi vị hóa chiến tranh, có điều ông nhìn nó từ góc độ vô cùng lãng mạn. Ông không hề ca ngợi chiến tranh mà chỉ phản ánh nó như là điểm tựa để bật lên lý tưởng về cái HùNG mà ông hằng khâm phục và theo đuổi. Suốt đời, ông chưa bao giờ ra ứng thí để chen chân vào đường hoạn lộ, nhưng lại hai lần chủ động đầu quân, ngay cả khi ông đã sáu mươi tuổi và một lần suýt chết chỉ vì theo Lý Lân, bị triều đình nghi là phản nghịch. Đỗ Phủ thì ngược lại, chưa bao giờ ra trận, nhưng thơ Đỗ viết về chiến tranh thống thiết, trầm uất. Trong bài cổ phong nổi tiếng "Binh xa hành", ông tả cảnh tiễn người đi lính như đi vào cõi chết, ma mới kêu oan, ma cũ khóc, thân nhân níu áo, giậm chân, kêu gào thấu trời xanh. Lý Bạch cũng ra trận, nhưng trong bài tứ tuyệt "Biệt nội phó trưng" làm tặng vợ trên đường, ông tả cảnh mình chia tay với gia đình phấn chấn như sắp đi lĩnh thưởng :vợ con níu áo hỏi ngày về còn bị "đe" trước :

"... Qui thời thảng bội hoàng kim ấn,

Mạc học Tô Tần bất há cơ."

Tạm dịch:

"... Khi về nếu đeo hoàng kim ấn,

Chớ học Tô Tần chẳng xuống khung."

Ông mượn tích người nhà Tô Tần nghe báo chồng mình đã làm tướng quốc vinh qui nhưng vẫn ngồi yên dệt vải vì không tin, để dặn vợ hãy tin tưởng ở ngày ông về với chiến công lẫy lừng. Niềm tin và khát vọng lập công trong sáng đến hồn nhiên ấy xuyên suốt qua mảng thơ tứ tuyệt biên tái của Lý Bạch, khiến chúng mang âm hưởng đặc biệt phấn hứng, hào hùng. Đóng góp của TTLB ở đây không hẳn ở chỗ phản ánh hiện thực chiến tranh mà là đã ghi nhận được âm vang thời đại Thịnh Đường - niềm lạc quan và ý khí hào hùng của lớp người trong buổi hoàng kim cực thịnh triều Đường,tin ở sức mình và tin ở tương lai.

TTLB ít bài lấy đề tài khuê oán, cung từ. Có lẽ vì bản tính ông phóng túng, ưa hành động, khí phách đại trượng phu, mà nỗi sầu của khách phòng khuê thì quá âm thầm, lắng đọng. Vương Xương Linh nổi tiếng về thơ cung oán, một phần vì đời ông cũng đầy những bất như ý, bị thất sủng, bị biếm trích... nên qua lời cung nữ bị bỏ rơi có gửi gắm cả niềm riêng oán hận của ông. Tứ tuyệt Vương Xương Linh viết về đề tài này, khai thác rất sâu diễn biến tâm lý của nhân vật, lời thơ dịu dàng xúc động. Tứ tuyệt cung từ, khuê oán của Lý Bạch lại có sức hấp dẫn riêng, tuy số lượng không nhiều nhưng có những bài rất hay, như "Trường môn oán"(02 bài), "Xuân oán", "Vương Chiêu Quân","Oán tình","Ngọc giai oán"... Trong bài "Trường môn oán", ông lấy đề tài cũ trong nhạc phủ, tả thân phận nàng A Kiều bị Hán Vũ Đế thất sủng, lui về lẻ loi trong cung Trường Môn:

"Quế điện trường sầu bất ký xuân,

Hoàng kim tứ ốc khởi thu trần.

Dạ huyền minh kính thanh thiên thượng,

Độc chiếu Trường Môn cung lí nhân.

Tạm dịch:

"Điện quế sầu dài chẳng biết xuân

Nhà vàng bốn phía bụi thu dâng.

Đêm treo gương sáng trên trời thẳm,

Riêng chiếu Trường Môn kẻ chiếc thân."

Câu một nói mùa xuân, câu hai đã sang thu, nhắc đến thời gian trôi để thấy nỗi buồn dằng dặc không đổi. Nhà vàng để bụi thu dâng, chứng tỏ chẳng tay người chăm sóc, cảnh chìm trong hoang vắng, lãng quên - tuy là nói đến nhà, nhưng lại ngầm tả thân phận người bị bỏ rơi. Hai câu kết tả cảnh trăng soi Trường Môn, chiếu vào cung nữ. Từ "độc chiếu" dùng rất đắt , vì cung điện có ai nữa đâu, nên chỉ riêng chiếu một người, vì người lẻ bóng mà trăng cũng thành cô độc! Cung nữ trong "Tây cung xuân oán" của Vương Xuân Linh chủ động nhìn trăng ("Tà bão vân hoà thâm kiến nguyệt"- ôm ngả đàn vân hoà thăm thẳm nhìn trăng) để dấy lên những khao khát, dù là vô vọng. Nhưng trong "Trường môn oán" của Lý Bạch chỉ có gương trăng soi thấu thân phận cô lẻ của cung nữ thôi, còn bản thân nàng chẳng có hành động gì, nàng xuất hiện với nỗi sầu, chìm giữa nhà vàng, bụi thu và kết thúc là "cung lý nhân" (người trong cung), ý cam phận đã rõ. Thơ TTLB viết về cung oán nhưng ý "oán" không sâu hận như ở tứ tuyệt Vương Xương Linh mà chủ đề "sầu", một nỗi sầu mênh mang dài dặc, giữa trăng sáng, trời xanh... Vương Xương Linh tả cung nữ thường đẹp và khao khát tình cảm, mà càng đẹp, càng tình thì khi bị bỏ rơi càng oán ("Tây cung xuân oán","Tây cung thu oán","Trường Tín oán"...) TTLB lại đi sâu miêu tả nỗi cô đơn, lẻ loi, không nhập thân vào nhân vật để thốt lên lời than trách mà như đứng từ bên ngoài thuật lại với một niềm cảm thông sâu sắc và chia sẻ nỗi sầu vô hạn. Một số bài khuê oán trong thơ Lý Bạch cũng mô tả người đẹp hờn oán, nhưng vẫn là cảm nhận của người ngoài về tâm trạng của nàng:

"Mỹ nhân quyển châu liêm,

Thâm tọa tần nga mi.

Đãn kiến lệ ngân thấp,

Bất tri tâm hận thùy."

("Oán tình")

Dịch thơ:

"Ngưòi xinh cuốn bức rèm châu

Ngồi im thăm thẳm nhăn chau đôi mày.

Chỉ hay giọt lệ vơi đầy,

Đố ai biết được lòng này giận ai."

(Tản Đà)

Bài thơ giống như một bức họa, miêu tả mỹ nhân hờn giận mà vẫn đẹp khiến người ta động lòng. Nó khác với tứ tuyệt Vương Xương Linh tả người đẹp để khắc sâu ý oán. Mỗi người độc đáo theo một cách!

TTLB có nhiều bài lấy đề tài tống biệt, bản thân đề tài này không có gì mới.Trước Lý Bạch, dân ca nhạc phủ Nam, Bắc triều, thơ ca sơ Đường,rồi những nhà thơ cùng thời như Vương Duy,Vương Xương Linh, Đỗ Phủ...đều có những bài tứ tuyệt rất hay. Song đến TTLB thì thơ tống biệt có có một giọng điệu riêng, kỳ lạ.

Trong thơ cổ Trung Hoa, chỉ cần gợi lên một không gian lữ thứ là hầu như đã dấy động nỗi buồn.Không chỉ buồn vì xa cách người thân mà còn vì tâm lý lo âu trước một phưong trời xa lạ.Bước chân ra khỏi nơi quen thuộc đã là cả một biệt ly, vì vậy mà cầu sông, bến nước, quan ải... được nhắc đến trong thơ nhiều hơn bản thân cuộc hành trình bởi nó là mốc dấy lên nhận thức về sự chia lìa,thay đổi. Thơ tống biệt vì thế mà bên cạnh nội dung khẳng định tình cảm thương nhớ kẻ ở, người đi thường còn gửi gắm tâm trạng lẻ loi, cảm thương thân phận và lo lắng cho tiền đồ mờ mịt. Như bài thơ tiễn bạn nổi tiếng của Vương Duy:"Vị Thành khúc":

"Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần,

Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.

Khuyến quân cánh tận nhất bội tửu,

Tây xuất Dương quan vô cố nhân."

Tạm dịch:

"Vị Thành mưa sớm thấm bụi bay,

Liễu mới xanh xanh quán trọ này.

Chén nữa ,khuyên mời anh hãy cạn ,

Dương Quan bạn cũ chẳng còn ai."

Hai người bạn chia tay giữa buổi sớm mùa xuân, liễu mới xanh xanh quán trọ. Cảnh đã chan chứa bao tình ý, nhưng cái tình ấy còn thấm thía hơn khi người ở lại nài người đi cạn thêm chén nữa, vì e ở nơi xa cách bạn chẳng còn ai tri kỷ để cùng nâng chén. Trong nỗi lưu luyến tiễn đưa còn lồng dự cảm về sự trống trải mất mát, càng hiểu nhau lại càng thấy trước sự cô đơn. Thơ tiễn bạn của Lý Bạch nhìn chung không mấy khi có tâm lý ràng buộc và nỗi sầu âm trầm, lắng lại như vậy.

Lý Bạch dành đến một phần ba cuộc đời mình để viễn du, trong những lần ấy,ông gặp gỡ và chia tay với biết bao nhiêu người,ở biết bao nhiêu nơi.Thế nhưng đọc các bài tứ tuyệt tống biệt của ông, thấy hầu hết là cảnh tiễn biệt bên nước: hồ, sông, biển, bến bãi, ao đầm... Có một cái gì đó gặp gỡ giữa tình viễn biệt và hình ảnh nước trong những bài thơ đó của ông: cùng dào dạt, mênh mang, đượm một nỗi sầu trong sáng, phiêu du. Như bài "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng "của Lý Bạch hai câu cuối cùng rất đặc trưng:

"Cô phàm viễn ảnh bích không tận

(Có dị bản là "bích sơn"- buồm khuất giữa núi xanh)

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu".

Dịch thơ:

"Bóng buồm đã khuất bầu không

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời"

(Ngô Tất Tố dịch)

Thơ tiễn bạn mà không tả tình, chỉ tả cảnh, cánh buồm đưa bạn ra khơi, lẻ loi, xa mờ rồi mất hút giữa bầu không gian xanh thăm thẳm, chỉ còn dòng Trường Giang chảy mãi đến chân trời. Trong câu thơ, cả hình ảnh cũng như tình ý đều hướng tới miền xa: cánh buồm cứ trôi, dòng sông cứ chảy, ánh mắt dõi theo đến tận chân trời... không gian mở ra thanh thoáng, không cản trở, còn tình người ở lại chẳng những không níu bước kẻ đi mà như cũng bay bổng theo cánh buồm viễn du. Nỗi sầu chia tay ẩn ở dáng cô lẻ của cánh buồm, trong sự trống trải của dòng Trường Giang để rồi tan hoà giữa trời rộng, sông dài nên có buồn mà không bi luỵ, có quyến luyến mà không nặng nề, tình cảm hào phóng, thanh cao. Đó là một điểm khác biệt giữa tứ tuyệt tống biệt, viễn du hay nhớ bạn của Lý Bạch so với mảng thơ cùng đề tài của các nhà thơ trước, đồng thời và sau ông.

Đề tài chiếm số lượng nhiều nhất và có lẽ được yêu thích nhất trong TTLB là tả cảnh ông uống rượu và du lãm. Trong số gần hai trăm bài thơ tứ tuyệt của ông đã có hơn ba mươi bài về rượu và say. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử tứ tuyệt, thơ "say" của một tác giả lại nhiều và hay đến thế. Giá trị của nhũng bài thơ này không ở chỗ kêu gọ thú ẩm tửu mà là vì mượn hơi cay, Lý Bạch đã bộc lộ rõ nhất tâm hồn, khát vọng của mình. Giọng điệu, cảm hứng thơ do đó cũng cực kỳ đa dạng. Có bài thơ say phơi phới muốn lên tiên ("Đồng Quan sơn tuý hậu tuyệt cú", "Cửu nhật Long sơn ẩm ","Thu Phố ca" bài 12...). Có bài rượu hoà nước mắt, càng uống càng đau buồn u uất ("Thu phố ca"bài 7,"Tống Ân Thục", "Đề tình thâm thụ ký Tượng Công"...). Có lúc nâng chén ung dung, nhàn nhã ("Ký thướng Ngô Vương","Tự khiển", "Sơn trung dữ u nhân đối chước"...). Lại có khi tuý luý nâng vò, ngông cuồng khinh bạc ("Bồi thị lang thúc du Động Đình tuý hậu" bài 1,"Vịnh sơn tôn ","Lục thuỷ khúc " bài 4 ...). Dù buồn hay vui, rượu trong TTLB thường đi liền với trăng, nước, hoa và nhạc, do đó mà thơ say của Lý Bạch tình điệu nói chung đẹp đẽ,phóng khoáng mà lại mang chất phiêu du, thoát tục. Ngay cả khi ông uống rượu giải sầu.thì cái sầu ấy cũng khác thường:

- ..."Ba Lăng vô hạn tửu

Tuý sát Động Đình thu"

("Bồi thị lang thúc du Đông Đình tuý hậu")

( Ba Lăng rượu uống vô hồi

Say ngất giữa mùa thu Động Đình ).

-" ...Không ngâm bạch thạch lạn

Lệ mãn hắc điêu cầu. "

( Ngâm suông nát đá trắng

Lệ đẫm áo điêu đen )

Cảnh ông uống rượu bao giờ cũng thanh lịch, sang trong, khiến người ta ít nghĩ tới những đau buồn thế tục, nếu có thì nó là nỗi sầu thu trên Động Đình hồ mĩ lệ, hay tâm sự u uất dưới trăng thanh, bên bóng trúc... Nó khác hẳn với cảnh ông già Đỗ Phủ ốm bệnh, nâng chén rượu đục cảm thương cho cảnh tao loạn đói nghèo, nhưng nó cũng khác với lối hoan lạc tầm thường, vì rượu trong TTLB không bao giờ là cứu cánh, nó là con đường để giải phóng tâm hồn khỏi mọi qui ước, ràng buộc, cất cánh những ước mơ. Cho nên trong bài tứ tuyệt "Đáp Hồ Châu Gia Diệp tư mã vấn Bạch thị hà nhân", Lý Bạch tự nhận mình:

"Thanh Liên cư sĩ,trích tiên nhân,

Tửu tứ tàng danh, tam thập xuân"...

(Thanh Liên cư sĩ -tiên giáng trần,

ẩn danh quán rượu ba mươi xuân...)

"Rượu" chỉ là để "ẩn danh" còn "Tiên" mới là bản chất của ông.

TTLB viết về rượu, phong vị độc đáo không ai sánh được phần lớn cũng vì chất " tiên" thanh cao đó lại hoà trong ngất ngưởng men say, đượm sầu thiên cổ, nửa tiên, nửa tục. Thần tiên không có cái đau buồn ấy mà người thường lại không có cái phiêu dật ấy ...

Tứ tuyệt du lãm của Lý Bạch được coi là vào loại hay nhất đời Đường. Mặc dù thơ cổ Trung Quốc, đặc biệt là từ dân ca nhạc phủ Nam Bắc triều trở đi,tràn ngập cảnh thiên nhiên, song chưa bao giờ có một thiên nhiên mỹ lệ, vừa kỳ vĩ, vừa sống động đến như ở TTLB.

Cảnh sắc trong TTLB không trau chuốt, phù hoa như ở thơ ca Lục triều, cũng không nhã đạm như tranh thủy mặc trong tứ tuyệt Vương Duy. Nó mang vẻ đẹp trong sáng, phi phàm. Lý Bạch thích sự kết hợp giữa hai màu xanh và trắng, nó đem lại cho hình ảnh thơ ông vẻ tinh khiết, thanh tao:

"Hiện Sơn lâm Hán Giang,

Thủy lục, sa như tuyết...

("Tương Dương khúc" bài 3)

(Núi Hiện gần sông Hán,

Nước biếc, cát như tuyết...)

"Lục thủy minh thu nguyệt

Nam hồ thái bạch tần..."

(Lục thủy khúc)

(Nước biếc sáng trăng thu

Phía Nam hồ hái cỏ tần trắng...)

Những từ "thanh" (xanh), "lục" (biếc), "bạch" (trắng), "minh (sáng), "kính" (gương)... xuất hiện rất nhiều trong TTLB. Nước biếc, hồ thu, mây trắng, trời xanh, trăng sáng... là không gian quen thuộc nhất. Lý Bạch tả vượn trắng ở Thu Phố "nhảy nhót như tuyết bay, uống trăng đùa trong nước" ("Diểu đằng phi tự tuyết. ẩm lộng thủy trung nguyệt" - "Thu Phố ca", bài 5), rồi cảnh "Cò trắng đậu xuống mặt nước mùa thu, bay lẻ như sương rơi" ("Bạch lộ há thu thủy. Cô phi như trụy sương" - "Bạch lộ ti"). Tóc bạc ông soi vào gương sáng, trắng như sương thu ("Thu Phố ca" bài 15), ông ngồi tiệc rược cùng chim âu trắng ("Bồi thị lang thúc du Động Đình túy hậu" bài 2), "ngâm suông nát đá trắng" ("Thu Phố ca" bài 7), "cúi đầu lễ mây trắng" ("Thu Phố ca" bài 17)... Ông xem người ta thả chim ưng trắng bay đơn độc giữa trời như tảng tuyết ("Quan phóng bạch ưng"), ông ước được sống cảnh điền viên, dắt trâu trắng uống nước soi vào dòng sông xanh ("Điền viên ngôn hoài"),... Những người nhà quê bẫy chim nhạn trắng, những chàng trai quý tộc mặt như bạch ngọc, cưỡi ngựa trắng yên bạc, những cô gái da tựa tuyết, chân trắng muốt như sương ... Màu trắng đã tinh khiết, trong thơ Lý Bạch lại luôn luôn được soi chiếu khi trong nước, khi dưới trăng, hoặc cộng hưởng với những sắc bạc tương đương, nên hình ảnh thơ cứ ngời sáng, trong suốt. Không gian bao la khoáng đạt với những sắc màu tự nhiên, tươi sáng là đặc điểm rõ nét trong TTLB. Cảnh không kỳ dị, bí hiểm mà lại nhuốm vẻ thần tiên bởi nó thanh khiết, trong sáng quá. Và cũng rất cao sang: những chim thú lông trắng quí hiếm, thuyền trôi giữa trăng nước mùa thu, tài tử giai nhân du xuân đạp trên hoa rụng, rượu quí uống vô hồi, nếu có nợ là nợ ánh trăng, nếu có sầu là sầu thu, nếu có khao khát là khao khát giong buồm đến bên mặt trời hoặc cưỡi trăng sáng rong chơi... Thế giới mỹ lệ, thần tiên ấy quả là một chân trời mới mà TTLB riêng tả được.

Cảnh trong TTLB không chỉ đẹp mà còn vô cùng hùng vĩ, và mang sức sống phi phàm. Bút pháp tương phản - đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn rất được ưa chuộng trong TTLB. Ông thích những kích thước khổng lồ và những so sánh, kết hợp giữa cái cực to và cực nhỏ, cực uy nghi và cực mỏng manh, cực nhanh và cực mạnh... vì nó rất gây ấn tượng. Cho nên nếu tứ tuyệt Vương Duy hay tả núi như biểu tượng của thiên nhiên thanh u, trầm tĩnh thì Lý Bạch lại thấy núi là lò hương vĩ đại uy nghi toả khói tím dưới ánh mặt trời ("Vọng Lư sơn bộc bố"), là đóa phù dung vàng khổng lồ vút lên giữa trời xanh ("Đăng Lư sơn Ngũ lão phong"), là ngọn bút cao ngất xuyên thủng mây mù ("Điếu than")... Ông so sánh nó với những vật dụng bình thường để nhấn mạnh kích cỡ phi thường. Ông tả thế núi chất ngất bằng hình ảnh "trời nghiêng muốn rơi đá" ("Thiên khuynh dục đọa thạch" - "Thu Phố ca" bài 8) để điểm lướt ở dưới hình ảnh một cành rong mềm vật vờ trên nước ("Thủy phật kí sinh chi"), lấy cái mạnh sầm sập của núi đổ sánh với cái mong manh của cành rong. Những cái lẽ ra khó lay chuyển nhất, trong thơ ông lại thành ra cực động. Ông ví sông như những rặng núi liền phun tuyết ra ("Hoành Giang từ" bài 3), cả một dãy núi chuyển động thì sức mạnh phi thường biết nhường nào. Sông Ngân muôn đời vắt trên trời cao bị trí tưởng tượng của ông kéo tuột xuống, nhập vào dòng thác chảy như bay trên ngọn Lư Sơn :

..." Phi lưu trực há tam thiên xích

Nghi thị Ngân hà lạc cửu thiên"

(Vọng Lư sơn bộc bố)

(..." Chảy bay thẳng xuống ba nghìn thước

Ta ngỡ ngân hà tuột khỏi mây"-)

Trăng trong thơ ông chơi đùa dưới nước ("Thu Phố ca" bài 5), mặt trời có khi bỗng dưng rơi rụng xuống dòng sông ("Xuất kỹ Kim Lăng tử trình Lư Lục" bài 3)... Ngay cả những khi ông hết sức miêu tả cái tĩnh thì trong đó vẫn cựa quậy sức sống và chuyển động. Như bài "Tĩnh dạ tứ" của ông:

"Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương."

Dịch thơ:

" Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ quê hương."

(Tương Như dịch)

Ông tả một đêm yên tĩnh, ánh trăng đọng trắng đầu giường, dầy và lạnh như sương. Cảnh rất tĩnh, nhưng tâm lại rất động, lên cao với vầng trăng, bay xa về cố hương, bồi hồi muôn mối. Khác hẳn với Vương Duy, cũng trong bài tứ tuyệt tả cảnh đêm vắng:"Điểu minh giản" lại dùng toàn những chi tiết động (hoa rụng, trăng lên, chim kêu ) để đặc tả cái tĩnh, tĩnh từ tâm lan đến cảnh, cảnh càng động lại càng thấy thanh tĩnh vô cùng. TTLB cũng có những bài miêu tả tâm thế thanh nhàn. Nhưng nhàn mà vẫn chưa hẳn đã tĩnh. Những bài như "Thu Phố ca" (bài 17), "Biệt Đông Lâm tự tăng", "Đào nguyên" (2 bài)... tuy có vẻ thanh thản của người đắc đạo nhưng tâm ý phiêu du, bay bổng chứ không tĩnh tại, trầm lắng như ở thơ Vương Duy.

Lý Bạch yêu cái Động, thơ ông cuồn cuộn sức sống và đầy tốc độ. Thiên nhiên trong TTLB hầu như luôn chuyển động hướng về miền xa, về nơi cao rộng không cùng. Sông chảy đến tận trời, nước hồ trôi ra biển, hoa đào thăm thẳm theo dòng đào nguyên, thuyền lướt bên mây trắng, người gửi lòng theo trăng sáng, múa tay áo rộng lướt đến núi xa... Không chỉ chuyển động mà còn chuyển động rất nhanh, con thuyền trong thơ ông một ngày vượt nghìn trùng thiên lý, núi non ("Tảo phát Bạch Đế thành"), nước xiết như tên bắn ("Ba nữ từ"), thác không chảy mà bay từ độ cao ba nghìn thước xuống ("Vọng Lư sơn bộc bố"), người cưỡi gió trời, như chim trong mây, một lần đi không còn tung tích ("Cổ khách hành")...

Có thể nói rằng sự kết hợp giữa ba yếu tố Đẹp - Hùng - Sống Động đã làm nên sắc thái độc đáo trong thơ tứ tuyệt tả cảnh, du lãm của Lý Bạch. Nó không những đã vượt trội thơ tả cảnh trong cổ thi, nhạc phủ Hán Ngụy về mặt hoa lệ, hơn hẳn thơ thiên nhiên phù hoa, diễm tình trong tứ tuyệt Lục Triều và đầu Sơ Đường ở ý vị thanh thoát, hùng mạnh, đầy sức sống, mà về tình điệu lại còn có phần phong phú, đa dạng hơn thơ sơn thủy của nhiều tay bút tứ tuyệt cự phách Thịnh Đường như Vương Duy, Vương Xương Linh, Cao Thích...

x

x x

Sự rộng mở về đề tài và nội dung của TTLB (như đã nêu trên) bắt rễ từ bối cảnh phong phú của tuyệt cú Thịnh Đường. Lý Bạch không phải là hiện tượng thành công duy nhất. Không phải ngẫu nhiên mà đến thời ông lại bật lên nhiều tên tuổi rạng rỡ và những chất giọng thơ khác nhau đến thế trong mảng tứ tuyệt. Có thể nói Thịnh Đường đã góp phần tạo ra Lý Bạch. Nhưng ngược lại, Lý Bạch cũng là người làm nên bước đột phá cho sự phát triển toàn diện của tứ tuyệt Thịnh Đường. Ông đã kế thừa thành tựu của thơ tứ tuyệt các giai đoạn trước: chất sống hồn nhiên của cổ thi, nhạc phủ Hán Ngụy, vẻ hoa lệ của tứ tuyệt Nam Bắc triều, tư tưởng thâm sâu, bút lực hùng mạnh của tuyệt cú Sơ Đường, và bằng thiên tài của mình nâng nó lên một trình độ mới. Chính vì thế mà tứ tuyệt của ông bao quát được diện phản ánh rộng chưa từng có, ở mảng đề tài nào cũng có những phát hiện mới mẻ, riêng biệt và giọng điệu thơ thì cực kỳ phong phú : có hùng, có sầu, nhàn nhã, sống động, đài các mỹ lệ, trong trẻo hồn nhiên...

Xét về số lượng và nội dung, TTLB thực sự là một hiện tượng đáng lưu tâm trong lịch trình thơ tứ tuyệt!

1.2.2 Tứ tuyệt - mảng thơ đặc sắc trong sáng tác của Lý Bạch :

TTLB không những nổi lên như một hiện tượng độc đáo so với dòng thơ cùng loại, mà trong tương quan với toàn bộ sáng tác của riêng Lý Bạch, nó cũng là một bộ phận hết sức đặc sắc.

1.2.2.1 Căn cứ vào số bài thơ của Lý Bạch in trong cuốn "Lý Bạch thi toàn tập" (Chung Thúc Hà chủ biên, Hải Nam xuất bản xã, 1992), chúng tôi có bảng thống kê về tỉ lệ thơ của Lý Bạch như sau :

Tứ tuyệt

Bát cú (luật)

Bài luật

Cổ thi (tứ, ngũ, thất ngôn)

Tạp ngôn

193 bài

127 bài

27 bài

596 bài

98 bài

Số bài tứ tuyệt, đứng thứ hai sau cổ thi, chiếm gần 1/5 tổng số thơ Lý Bạch (1041 bài). Tỷ lệ đó chưa hẳn đã thật cao, song cũng đủ để khẳng định vị trí quan trọng của mảng thơ tứ tuyệt trong sáng tác của Lý Bạch.

1.2.2.2 Xưa nay, người ta vẫn cho rằng Lý Bạch thành công nhất ở hai mảng : nhạc phủ và tuyệt cú. Giáo sư Trương Trọng Thuần khi giảng về hình thức thể loại của thơ Lý Bạch có lưu ý:

"Nhưng không phải hình thức nào ông cũng đều thích dùng cả, ông cũng có sở thích và sở trường của ông. Trong gần nghìn bài thơ ông để lại, phần lớn là thơ cổ thể, nhạc phủ và tuyệt thi. Nhạc phủ và tuyệt cú của ông thì rất hay, còn luật thi thì ông không thích mấy. Không những ông ít làm luật thi mà luật thi của ông cũng kém nhạc phủ và tuyệt cú" [91:37]. ở đây có lẽ giáo sư Trương Trọng Thuần nói "tuyệt cú" theo nghĩa chỉ gồm luật tuyệt, vì sau đó, ông nhắc tới luật bằng - trắc của nó (mà cổ tuyệt thì không cần theo luật này):

"... Riêng về tuyệt cú thì tuy không có đối ngẫu nhưng phải giữ bằng trắc và âm vận. Có điều Lý Bạch cũng không tôn trọng sự ràng buộc này một cách nghiêm khắc lắm..." [91:39].

Có điều nếu hiểu "tuyệt cú" chỉ là luật tuyệt thì chắc chắn chưa đủ để tách nó thành mảng riêng đối lập với "luật thi" như giáo sư Thuần đã phân loại (vì luật tuyệt cũng nằm trong luật thi). Chúng tôi cho rằng khi xếp "tuyệt cú" phân biệt với "luật thi", "nhạc phủ", "thơ cổ thể", giáo sư Thuần đã chú ý đến tính chất bốn câu của nó nhiều hơn cả (khác với "luật thi 8 câu, nhạc phủ và thơ cổ thể số câu không giới hạn), vì ông giải thích:

"... Ông (Lý Bạch) thích tuyệt cú không có nghĩa là ông thích luật bằng trắc và âm vận của nó, mà có lẽ vì tuyệt cú ngắn, gần giống dân ca và có thể dùng khẩu ngữ chăng ?" [91:39]

Mặc dù ranh giới giữa nhạc phủ, cổ phong và tứ tuyệt không hoàn toàn minh bạch (nhiều bài TTLB được sáng tác theo lối cổ thể – như "Tĩnh dạ tứ"... hoặc nhạc phủ như "Thanh bình điệu"...), nhưng về đại thể, cho đến nay các sách nghiên cứu hay tuyển chọn thơ Lý Bạch thường xếp toàn bộ thơ ngũ, thất ngôn bốn câu của ông vào mảng tứ tuyệt, còn cổ thi, nhạc phủ chỉ gồm những bài dài quá bốn câu. Phân loại như vậy là đã chú ý đến số câu của bài tứ tuyệt như một tiêu chí cơ bản và "tứ tuyệt" ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Theo nghĩa đó, tứ tuyệt có hai đặc điểm cơ bản khác với các thể loại khác :

(Ngắn gọn, nhất thiết chỉ 4 câu (khác với nhạc phủ, cổ phong số câu không giới hạn, có thể dài từ chục đến trăm câu).

( Ít gò bó khác với luật thi bát cú luôn luôn phải giữ niêm ,luật, đối, tứ tuyệt có thể theo luật hoặc không, ngay cả những bài theo luật cũng không bắt buộc phải có đối).

Đặc trưng thể loại này khiến bút pháp của Lý Bạch trong tứ tuyệt cũng có những khác biệt riêng, và có lẽ vì thế mà nó làm nên phong vị độc đáo của mảng thơ này so với thơ khác loại của ông chăng?

Nói đến Lý Bạch là người ta nói tới một tâm hồn phóng túng, lãng mạn bay bổng. Tìm hiểu cuộc đời ông, đọc thơ ông, có thể thấy ông chỉ thích những cái phi thường : núi cao, biển rộng, những con người sống và yêu hết mình... Vậy thì lý gì mà ông lại tìm đến với một thể thơ dù ít gò bó nhưng lại quá bé nhỏ như tứ tuyệt ? Và tại sao TTLB lại được đánh giá cao như vậy ngay cả khi người ta so sánh nó với thơ khác loại của Lý Bạch ?

Một cái nhìn hình thức cho thấy TTLB tuy số lượng không phải nổi bật nhất nhưng đề tài gần như lại đa dạng nhất. Thơ bát cú và bài luật của Lý Bạch có hơn 150 bài thì non nửa là tặng bạn và tống biệt. Ngay thể ngũ ngôn cổ thi, Lý Bạch làm nhiều nhất (534 bài) thì đề tài vẫn khá chụm : khoảng 1/3 số bài thơ đầu đề có chữ "Tặng" - "Tống" - "Ký" - "Biệt", còn lại một phần lớn lấy đề tài cổ (VD: "Ô dạ đề", "Đảo y thiên", "Tí Dạ Ngô ca" ...) hoặc viết về cảnh du lãm, hoài cổ, tức sự... Đề tài trong TTLB tương đối đều hơn, tuy có sự chênh lệnh nhưng không quá thiên về một khía cạnh nào. Có vẻ như với khuôn khổ gọn nhẹ, tứ tuyệt đã len lỏi trong mọi tình huống đời sống và tâm tư Lý Bạch rồi để lại dấu ấn của mình ở đó.

Không chỉ về đề tài mà giọng điệu của TTLB so với thơ khác thể của ông ít nhiều cũng có nét riêng.

Nhạc phủ, cổ phong của Lý Bạch (ở đây hiểu là những bài dài quá 4 câu - khác với tứ tuyệt) viết về tâm tư khuê phụ, chinh nhân thường nhập thân vào nhân vật để miêu tả. Những bài như "Độc bất kiến", "Đảo y thiên", "Oán ca hành", "Trường tương tư (bài 2)... đều dùng giọng điệu của chính người phụ nữ bày tỏ nỗi lòng, lời thơ tha thiết, đầy cảm xúc:

- "... Quỳnh diên, bảo ác liên chi cẩm,

Đăng chúc huỳnh huỳnh chiếu cô tẩm.

Hữu sứ bằng tương kim tiễn đao

Vị quân lưu hạ tương tư chẩm..."

("Đảo y thiên")

Tạm dịch:

"... Chiếu ngọc màn thêu cây liền cành,

Nến soi giường lẻ sáng năm canh.

Kéo vàng, ai có đưa tin đến,

Cắt gối tương tư thiếp tặng chàng...

- "... Tĩch thời hoành ba mục,

Kim vi lưu lệ tuyền.

Bất tín thiếp trường đoạn,

Qui lai khán thủ minh kính tiền."

("Trường tương tư" bài 2)

Tạm dịch:

... Ngày xưa sóng mắt liếc,

Mà nay suối lệ tràn.

Không tin lòng thiếp nát tan,

Ngày về gương sáng xin chàng thử trông.

Trong khi đó, TTLB viết về đề tài này lại chỉ đứng từ bên ngoài, miêu tả cái biểu kiến để ngầm gợi lên tâm trạng,. Như bài "Oán tình" tả người đẹp khóc mà oán, hay như bài "Xuân oán":

"Bạch mã kim ki Liêu Hải đông,

La duy, tú bị ngọa xuân phong.

Lạc nguyệt đê hiên khuy chúc tận,

Phi hoa nhập hộ tiếu sàng không."

Tạm dịch:

Ngựa trắng dàm vàng đi Liêu Hải,

Gió xuân nằm trướng lụa, chăn thêu.

Trăng lặn bên song nhòm nến lụi,

Hoa bay giường vắng cười khơi trêu.

Bài thơ toàn là tả cảnh, không một lời nói về tâm trạng. Người đọc chỉ có thể hình dung một khuê phụ chồng xa mãi tận đông Liêu Hải, đêm gió xuân về nằm trơ trọi giữa trướng lụa chăn thêu. Nếu cắt dọc bài thơ theo cấu trúc 4/3, sẽ thấy hai nửa đối lập. Một bên là những hình ảnh đẹp đẽ, xuân tình:

"Ngựa trắng dàm vàng" (tượng trưng cho người công tử phong lưu mã thượng), "trướng lụa chăn thêu" (cảnh chăn gối xa hoa), "trăng lặn", "hoa bay" (thiên nhiên tình tứ). Còn nửa kia là những xa cách ("Liêu hải đông"), cô lẻ (nằm với gió xuân - tức là không người), thao thức hoài phí (nến tàn), trớ trêu (cười giường không). Sự đối lập không nằm giữa các liên thơ mà ngay trong từng câu dường như gợi ý thiếu phụ nhìn đâu cũng thấy trớ trêu, bẽ bàng. Thiên nhiên rất đa tình : gió xuân vào màn lụa, trăng nhòm bậu cửa, hoa bay vào nhà, thế mà người lại vô tình xa mãi. ý "hoa cười giường không" tưởng nhẫn tâm trước cảnh cô quạnh của thiếu phụ nhưng lại diễn tả rất đắt tâm trạng chua xót, hờn tủi (chứ không phải là sầu nhớ). Bài thơ toàn là tả cảnh nhưng lại gợi rất sâu nội tâm. Tình cảm không bộc bạch thành lời lại càng dồn nén, chất chứa. Nó gợi cảm giác rằng người ta có thể thấy và cảm thông nhưng sẽ không bao giờ thâm nhập đến tận cùng được cõi tâm tư sâu thẳm của nhân vật. Nếu so với những hình ảnh khuê phụ tương tư trong các bài thơ dài của Lý Bạch sẽ thấy chúng rất khác. Cái hay của "Đảo y thiên", "Oán ca hành", "Trường can hành", "Thiếp bạc mệnh"... là ở sự diễn tả đầy xúc động tâm tư của nhân vật, những tưởng nhớ miên man, ví von nhắn gửi, tình cảm dạt dào cuốn người ta vào cuộc, cùng sống và chia sẻ bao nỗi niềm khắc khoải. Còn cái hay của những bài tứ tuyệt như "Xuân oán", "Oán tình", "Ngọc giai oán"..., lại là ở sự gợi tả, khiến người ta cảm thấy như mình đứng trước một bức họa tinh tế, khao khát muốn thâm nhập vào đó và bất lực - hay nói như ý thơ của Lý Bạch nó giống như trăng :"Người không thể với lên trăng sáng, trăng vẫn mãi đi theo người" ( "Nhân phan minh nguyệt bất khả đắc , nguyệt hành khước dữ nhân tương tuỳ" - "Bả tửu vấn nguyệt").

Nhìn chung lại thì TTLB giọng điệu cảm xúc tương đối ghìm nén hơn so với thơ dài khác thể của ông. Không chỉ khi nói về những con người khác mà ngay khi về chính Lý Bạch cũng vậy, TTLB ít tả diễn biến tâm trạng, những mâu thuẫn tư tưởng mà thường chỉ khắc họa một nét tâm tư, suy nghĩ. Những bài cổ thi, nhạc phủ của ông, chỉ nói một chuyện uống rượu mà tình ý miên man, khi vui, khi buồn, tưởng tượng bay bổng ("Tương tiến tửu", "Xuân nhật túy khởi ngôn chí", "Xuân nhật độc chước", "Nguyệt hạ độc chước"...). Như bài "Tương tiến tửu":

"Há chẳng thấy

Nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống

Chảy nhanh ra biển chẳng quay về

Lại chẳng thấy

Thềm cao gương soi rầu tóc bạc

Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết?

Đời người đắc ý hãy vui tràn,

Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt

Trời sinh thân ta, hẳn có dùng,

Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến..."

(Hoàng Tạo và Tương Như dịch)

Ông bắt đầu từ nỗi sầu để khuyên người ta hãy vui tràn. Ông bảo đời người ngắn ngủi nên phải tận hưởng niềm vui. Nhưng chưa tận hưởng thì ông đã nghĩ tài của mình sẽ được dùng, tức là ông còn khao khát xông vào trường đời lắm. Rồi ông lại muốn lưu danh thiên cổ như một thánh rượu vĩ đại, say mãi không bao giờ tỉnh:

"... Này cỗ ngọc nhạc rung chẳng chuộng,

Muốn say hoài chẳng muốn tỉnh chi.

Thánh hiền tên tuổi bặt đi,

Chỉ phường thánh rượu tiếng ghi muôn đời..."

Tưởng ông đã tìm được ở rượu niềm vui quên, nhưng cuối cùng, hóa ra ông uống để tiêu mối sầu muôn thuở:

" ... Đây ngựa gấm, đây áo cừu,

Này con, đổi rượu hết

Cùng nhau ta giết cái sầu nghìn thu."

(Hoàng Tạo, Tương Như dịch)

Có thể thấy tình ông dào dạt, cảm khái nhưng lòng ông đầy mâu thuẫn. Vai muốn mang gánh nặng cuộc đời mà lòng thì muốn vô tư. Vừa cuồng phóng, khinh bạc trong tiệc rượu nhưng lại u uất sầu nhân thế. Giọng thơ như buồn bã, lại như hào hứng, nửa say, nửa tỉnh, kỳ lạ hiếm có. Nhiều bài cổ phong, nhạc phủ khác của ông cũng bày tỏ tâm trạng phức tạp như vậy. Bài "Nguyệt hạ độc chước" (bài 4), ông bảo "Sầu nhiều rượu tuy ít. Uống rượu cho sầu lui", nhưng say rồi thì ông hân hoan phơi phới, thấy "Gò rượu là Bồng lai", chỉ muốn cưỡi trăng túy lúy trên đài cao, chẳng màng gì thế tục nữa. Bài "Hành lộ nan", ông loay hoay giữa hai ngả đường "xuất" - "xử", khi ngồi tiệc rượu thì động lòng bốn phương, khi nhàn nhã buông câu thì mơ được đến bên "mặt trời", vừa than thở đường đi khó, lại vừa muốn xông thẳng vào đó :

"Đè sóng cưỡi gió hẳn có lúc,

Treo thẳng buồm mây vượt biển khơi."

(Hoàng Tạo dịch)

TTLB ít có bài diễn tả những chuyển biến tâm lý phức tạp như vậy. Không phải là tâm hồn Lý Bạch đơn giản đi trong tứ tuyệt, vì người ta vẫn tìm thấy ở TTLB bài buồn, bài vui, bài cuồng phóng, bài nhàn dật... đủ mọi cảm hứng, suy tư. Có điều nếu những bài thơ tả tâm trạng dài của Lý Bạch hấp dẫn người đọc bởi sự đan xen những tình cảm trái ngược, bâng khuâng kỳ lạ thì TTLB lại hay ở khắc họa một nét tâm tư, gợi lên một nỗi niềm. Bài "Bồi thị lang thúc du Động Đình túy hậu" (bài 2):

"Thuyền thượng tề nhiêu lạc,

Hồ tâm phiếm nguyệt qui.

Bạch âu nhàn bất khứ,

Tranh phật tửu diên phi."

Tạm dịch :

Chèo thuyền đều đặn nhạc rung

Lòng hồ lãng đãng trăng cùng thuyền trôi

Bạch âu nhàn nhã không rời

Tranh nhau bay lướt qua nơi chiếu quỳnh.

Lý Bạch tả cảnh ông uống rượu ở Động Đình hồ trở về, trăng cũng theo đi, cò trắng chẳng chịu rời, quấn quít bay lướt qua chiếu rượu. Không nói "người về" mà nói "trăng về" ("Nguyệt qui", không nói "người nhàn" mà nói "chim nhàn" ("Bạch âu nhàn"), con người di chuyển đã kéo cả thiên nhiên theo quanh mình và để tâm tình lan tỏa tràn ngập vũ trụ. Nhịp điệu nhàn du ngân lên từ tiếng chèo thuyền đều đặn, qua dáng bồng bềnh trôi của vầng trăng ("phiếm nguyệt"), đến cái lướt cánh bình yên của chim âu trên tiệc rượu. Cả bài thơ toát lên một cảm hứng nhất quán về sự vô tư, thanh thản, cả thuyền, trăng, chim và người như đều thả mình trôi trong yên bình, không vướng bận. Lý Bạch không trình bày, diễn giảng tâm trạng của mình. Ông đã để người đọc tự nhiên thâm nhập vào thế giới của ông và cảm nhận nó như là ông đã cảm. Có lẽ vì tứ tuyệt bé nhỏ mà lòng ông lại quá bao la, nếu dùng lời mà tả thì không hết được, cho nên ông chỉ gợi lên một bối cảnh để ngỏ, đưa khoảnh khắc tâm tư vào vĩnh viễn. Cái phi thường của Lý Bạch ở những bài thơ trường thiên như "Tương tiến tửu", "Nguyệt hạ độc chước"... được thể hiện qua việc khắc họa một nhân cách đầy trăn trở, hoài bão, khát vọng. Còn ở thơ tứ tuyệt, nó lại nằm trong sự cực tả tâm trạng :thật nhàn, thật sầu, thật cuồng..., người thường không sánh được !

Hướng tới gợi tả một cảm xúc tột đỉnh, TTLB không những ít khắc họa mâu thuẫn tư tưởng mà ngay cả cử chỉ bộc lộ tâm trạng của nhân vật cũng được miêu tả có chọn lọc hơn. Như bài "Nguyệt hạ độc chước" (bài 1), Lý Bạch uống rượu, nâng chén, hát, múa, hẹn hò... náo nhiệt, hoạt bát. Bài "Hành lộ nan", ông dằn chén, ném đũa, vung gươm, muốn đi xa, lên cao, ngồi câu cá, mơ cưỡi thuyền đến bên mặt trời, khao khát phá sóng gió, giương buồm ra khơi; cả bài là những chuỗi động từ chỉ hành động ... Đến TTLB thì ngay cả ở những bài thơ cuồng phóng nhất, nhân vật cũng chỉ hiện lên với một, hai hoạt động, cử chỉ nhất định. Chùm tứ tuyệt "Hoành Giang từ" 6 bài của Lý Bạch, đề tài rất giống "Hành lộ nan", cùng tả đường đi sóng gió để càng dấy lên khát vọng nhập thế, nhưng nhân vật thì hầu như không hành động gì. Xin trích ra đây một bài tiêu biểu :

"Hoành Giang từ" bài 3 :

"Hoành giang tây vong trở tây Tần,

Hán thủy đông lưu Dương Tử tân.

Bạch lãng như sơn ná hà độ ?

Cuồng phong sầu sát tiếu phàm nhân. "

Tạm dịch:

Hoành giang cách trở ngóng tây Tần,

Sông Hán về đông đến bến Dương.

Sóng như núi trắng sao qua được ?

Cuồng phong sầu giết kẻ buồm giương.

Con người ở đây không có cử chỉ nào khác ngoài ngóng trông ("vọng"). Từ Hoành Giang nhìn về phía tây, thấy tây Tần (Trường An) sao mà cách trở. Lại biết rằng theo sông Hán về đông là đến bến Dương Tử, một đầu mối giao thông ở hạ lưu Trường Giang. Thế nhưng sóng trắng cao như núi, gió dữ điên cuồng không qua được, người khách đã giương buồm sẵn sàng để ra đi đành ôm mối sầu chết người. Từng câu thơ đều xoáy đi xoáy lại vào hình ảnh con đường. Câu một tả người nhìn, các câu sau nối tiếp tả cảnh, cho thấy ánh mắt người vẫn đăm đắm trông vọng. Không phải là con người này không biết làm gì khác mà là toàn bộ tâm hồn đã hướng cả vào việc ra đi, nay không đi được thì bao nhiêu tâm trạng dồn cả vào một hành động:"nhìn" con đường. Chỉ một cử chỉ mà khắc họa được rất sâu tâm lý khát khao hành động và nỗi sầu vô hạn khi phải bó tay. Hơn nữa, Lý Bạch sáng tác "Hành lộ nan" khoảng năm 730, khi ông còn ôm ấp ảo tưởng về một đấng minh quân, cho nên vừa khát khao ngưỡng vọng vừa sung sức hành động. Còn "Hoành Giang từ" được viết năm 754, hơn mười năm sau khi Lý Bạch chủ động rời bỏ triều đình vì thất vọng, mặc dù vẫn khao khát hướng về kinh đô nhưng ông cũng biết là muôn vàn khó khăn. Cho nên cái nhìn thay cho hành động, nỗi sầu chất ngất. Cử chỉ, tâm lý được miêu tả tuy ít nhưng rất chân thực và điển hình.

So với ở các thể thơ khác, giọng điệu cảm xúc trong TTLB có vẻ ghìm nén hơn, và do đó cách bộc lộ cũng tương đối khách quan hơn. Ông không những ít khi dùng lời của nhân vật để trực tiếp nói lên tâm trạng mà ngay cả những suy tư, triết lý thế sự ông cũng không hay nói ra trong tứ tuyệt. Những bài nhạc phủ, cổ phong của ông thì ngược lại, bày tỏ rất rõ quan điểm của ông :

- "... Xử thế nhược đại mộng,

Hồ vi lao kỳ sinh... "

(Xuân nhật túy khởi ngôn chí)

( Sống ở đời như giấc mộng lớn,

Tội chi vất vả đời mình... )

- "... Công danh phú quý nhược trường tại,

Hán thủy diệc ưng tây bắc lưu..."

(Giang thượng ngâm)

(Công danh phú quí mà tồn tại lâu dài

thì sông Hán cũng phải chảy ngược hướng tây bắc)

Ông lý luận về rượu :

"Thiên nhược bất ái tửu,

Tửu tinh bất tại thiên.

Địa nhược bất ái tửu,

Địa ưng vô Tửu tuyền

Thiên địa ký ái tửu

ái tửu bất quí thiên..."

("Nguyệt hạ độc chước" bài 2)

(Nếu trời không thích rượu

Sao Rượu ở chi trời ?

Nếu đất không thích rượu,

Suối Rượu ở chi đời ?

Trời đất đã thích rượu,

Thích rượu không thẹn trời...)

Trần Trọng San dịch.

Ông lên tiếng chê cả môn đồ của Khổng Tử :

"Lỗ tẩu đàm Ngũ Kinh,

Bạch phát tử chương cú.

Vấn dĩ kinh tế sách,

Mang nhiên trụy yên vụ..."

("Trào Lỗ nho")

(Ông già nước Lỗ học Ngũ Kinh,

Bạc đầu nhai chết từng chương cú,

Hỏi ông giúp đời thế nào đây?

Mờ mịt như người mây khói phủ..."

-(Hoàng Tạo dịch)

Nhưng đến TTLB thì ít có giọng điệu lý sự ấy. Người ta hiểu ông qua cách ông miêu tả hành động và cảm nhận thế giới. Ông cũng triết lý, nhưng một cách gián tiếp và nhuần nhuyễn hơn. Như ý tưởng của ông về Đạo ở bài "Sơn trung vấn đáp" thật là minh triết :

"Vấn dư hà ý thê bích sơn,

Tiếu nhi bất đáp, tâm tự nhàn.

Đào hoa lưu thủy diểu nhiên khứ,

Biệt hữu thiên địa phi nhân gian "

Tạm dịch :

Hỏi ta sao dừng ở núi xanh,

Cười chẳng buồn thưa tự thấy nhàn.

Đào trôi thăm thẳm theo dòng nước,

Riêng đất này đâu phải nhân gian."

Ông không biện luận, bởi vì Đạo là tự nhiên. Ông dừng lại ở núi xanh vì lòng ông nhàn hay núi xanh làm ông tự nhiên nhàn? Không ai biết được. Nhập thân vào cảnh, ông đã quên ngay người đối thoại để thấy mình thành tiên ở chốn đào nguyên rồi. Cử chỉ làm thinh và hoà nhập bản thể vào tự nhiên đó chính là hình tượng hóa tư tưởng Vô Vi của Đạo... Lý Bạch không trực tiếp nêu quan điểm triết lý của mình trong tứ tuyệt có lẽ vì khuôn khổ của thể thơ này nhỏ bé. Vài câu triết lý đủ choán hết bài thơ và biến nó thành một thứ tuyên ngôn cứng nhắc, khô khan. Ông lồng tư tưởng của mình trong hình tượng thơ một cách tự nhiên, chính là đã vận dụng nguyên tắc "dĩ thiểu kiến đa" của tứ tuyệt, khiến bài thơ hình thức giản dị mà tư tưởng thâm sâu, "ngôn tuyệt ý bất tuyệt".

Trên đây là nói về những bài TTLB miêu tả con người và tâm trạng. Còn tứ tuyệt tả cảnh của Lý Bạch cũng có những nét độc đáo riêng so với thơ tả cảnh khác thể của ông.

Một cái nhìn bao quát có thể thấy rằng trong TTLB đột nhiên vắng hẳn những khung cảnh thần tiên, mộng ảo mà xuất hiện tương đối nhiều trong nhạc phủ, cổ phong của ông, có những bài như "Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt", "Thục đạo nan"... Lý Bạch toàn tả cảnh tượng kỳ dị, như trong truyền thuyết, trong mơ :

" ..Trên là ngọn núi cao ngất chắn thần mặt trời cưỡi sáu con rồng bắt quay trở lại

Dưới thì ngọn suối uốn quanh, sóng cuộn ngược dòng.

Hạc vàng bay cao cũng không thể qua,

Vượn khỉ muốn qua cũng buồn phải leo trèo khó nhọc..."

(Thục đạo nan)

("... Cầu vồng làm áo, gió làm ngựa,

Thần mây bay xuống rộn ràng.

Hổ gẩy đàn, chim loan kéo xe,

Người tiên đông như kiến cỏ..."

(Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt)

Cảnh trong TTLB tương đối thật hơn. Cũng có khi ông để trí tưởng tượng của mình bay bổng, nhưng đều xuất phát từ một hình ảnh có thật hoặc chí ít là gần với thật. Những bài ông tả cảnh Thu Phố hoang sơ, kỳ vĩ ("Thu Phố ca" 17 bài), Động Đình hồ mĩ lệ, thần tiên ("Bồi thị lang thúc du Động Đình hồ túy hậu" 3 bài) hay Hoành Giang phong ba dữ dội ("Hoành Giang từ" 6 bài)... tuy cảnh sắc kỳ lạ, phi thường nhưng vẫn không hoàn toàn xa lạ.

Sức hấp dẫn trong thơ tứ tuyệt tả cảnh của Lý Bạch không nằm ở sự chồng chất những hình ảnh liên hoàn kỳ lạ làm choán ngợp người thưởng thức. Cảnh trong TTLB thường đọng ở một, hai hình ảnh trung tâm, sắc nét, đầy ấn tượng. Như bài "Thu Phố ca" (bài 8):

"Thu Phố thiên trùng lĩnh,

Nhân hành lộ tối kỳ.

(Có dị bản :"Thuỷ Xa lĩnh tối kỳ")

Thiên khuynh dục đọa thạch,

Thủy phật ký sinh chi."

Tạm dịch :


Núi non Thu Phố nghìn trùng, 

Nơi đây làm khách lạ lùng nhất thôi.
Trời nghiêng cho đá muốn rơi,
Dây leo mặt nước lướt trôi lững lờ.

Bài thơ tả cảnh núi Thủy Xa ở Thu Phố.
Câu thơ đầu phác họa một thế núi non trùng điệp. Câu thơ thứ hai thu lại, nói về cảm giác của người đi đường, thấy Thủy Xa là kỳ lạ nhất. Tuy không trực tả nhưng đã đem cả nghìn trùng núi non ở Thu Phố để làm nổi lên vẻ kỳ lạ duy nhất của Thủy Xa. Hai câu thơ đầu phác họa ấn tượng nổi bật về ngọn núi ("kỳ" - lạ). Hai câu thơ sau đi vào miêu tả nó qua một cặp hình ảnh đối lập. Vách đá nghiêng đã đáng sợ, Lý Bạch còn cực tả nó bằng cách nói phóng đại "Thiên khuynh dục đọa thạch" (Trời nghiêng đá muốn rơi), vừa hình dung được thế chắn ngang trời của núi đá, vừa gây cảm giác đá rơi trời sập, chênh vênh khủng khiếp. Tương phản với nó, Lý Bạch điểm một nét tả nhành dây leo vật vờ trên nước. Đặt dưới sức mạnh ngàn cân của núi sắp sập kia mới thấy sự mong manh của nó biết nhường nào. Chỉ bằng vài nét phác, Lý Bạch đã dựng lên trong bài tứ tuyệt của mình ngọn Thủy Xa hùng vĩ, núi kề bên nước, uy nghi mà sống động, không chỉ tả được vẻ đẹp kỳ lạ, hiểm trở của núi mà còn gợi được cảm giác rợn ngợp trước thiên nhiên quá hoang sơ, vĩ đại. Cũng về cảnh Thu Phố, đề tài và cảm hứng tương tự, bài "Thu Phố ca" số 10 của Lý Bạch viết theo thể ngũ cổ lại có bút pháp miêu tả khác: "Thiên thiên thạch nam thụ, Vạn vạn nữ trinh lâm, Sơn sơn bạch lộ mãn, Giản giản bạch viên ngâm. Quân mạc hướng Thu Phố, Viên thanh toái khách tâm."tạm dịch:

" Thạch nam nghìn nghìn gốc, Nữ trinh vạn vạn rừng, Núi núi đầy cò trắng, Khe khe vượn hú vang. Chớ hướng về Thu Phố, Vượn kêu lòng nát tan. "ở đây là sự chồng chất của những hình ảnh tương đồng. Thạch nam, nữ trinh, cò trắng, vượn trắng - những thảo mộc và cầm thú hoang dại tràn ngập khắp nơi, từ đó mà thấy được Thu Phố buồn vắng bóng người đến thế nào. Bài thơ dài sáu câu, bốn câu đầu tả cảnh, có cùng một lối điệp từ, cú pháp và hình ảnh. Giả sử cắt bớt đi hai câu, làm thành một bài tứ tuyệt, nửa trên tả cảnh, dưới tả tình, ta sẽ có bài thơ như sau: "Thạch nam nghìn nghìn gốc, Khe khe vượn hú vang, Chớ hướng về Thu Phố, Vượn kêu lòng nát tan. "Về hình thức có vẻ tương đối đủ ý : cũng nói về cây dại tràn lan (thạch nam), thú hoang sơ (vượn trắng) và tình người sầu. Thế nhưng toàn bộ cái hay của bài thơ đã mất. Sở dĩ Lý Bạch cố ý đặt bốn câu đầu tả cảnh cùng một kiểu hình ảnh là để diễn tả sự hoang dại tràn lan và nhàm chán. Cắt đi một nửa số hình ảnh chính là đã phá bỏ tất cả vì cảm giác không lối thoát giữa hoang vu kia đã mất. Rất nhiều bài thơ trường thiên của Lý Bạch đã sử dụng thủ pháp điệp hình ảnh này để làm tăng ấn tượng. Trong khi đó, bút pháp tả cảnh đặc trưng của TTLB lại là gợi nhiều hơn tả, chấm phá một hai hình ảnh trung tâm để gợi lên những tưởng tượng sâu rộng hơn về toàn cục, - như bài "Thu Phố ca" số 8 đã phân tích trên. Do đặc điểm thể loại hết sức ngắn gọn, nghệ thuật kết cấu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tứ tuyệt. Để đạt tới một bút pháp tả tình, tả cảnh hàm súc như trên, Lý Bạch đã vận dụng nhiều hình thức kết cấu đa dạng trong tứ tuyệt. ý nghĩa của những bài thơ trường thiên của Lý Bạch thường bộc lộ rõ qua xâu chuỗi các hình ảnh, cảm xúc, nhịp điệu. Còn trong TTLB, nhiều khi hàm ý sâu xa Lý Bạch lại gửi gắm ở kết cấu chứ không phải trong bản thân hình ảnh được miêu tả. Như bài "Tặng nội" : "Tam bách lục thập nhật, Nhật nhật túy như nê. Tuy vi Lý Bạch phụ, Hà dị Thái Thường thê. "Tản Đà dịch thơ:

Ba trăm sáu chục ngày trời Ngày ngày say bét như đời con nê. Vợ chàng Lý Bạch ta kia Như ai vợ Thái Thường xưa khác gì.Nếu chỉ căn cứ trên lớp nghĩa bề mặt thì đây đúng là một bản "tự kiểm điểm" và là bài thơ thương vợ của Lý Bạch. ái ngại cho bà lấy phải một ông chồng một năm ba trăm sáu mươi ngày say bét, đúng là "hữu danh vô thực", chẳng khác gì vợ quan coi miếu Thái Thường. Thế nhưng hàm ý tinh nghịch của bài thơ lại nằm ở vế đối "Lý Bạch phụ" - "Thái Thường thê". Vợ Lý Bạch chẳng khác gì vợ Thái Thường, nghĩa là về một khía cạnh nào đó, Lý Bạch và Thái Thường cũng giống nhau. Thái Thường nổi tiếng trong lịch sử là một ông quan trai giới rất nghiêm, đến vợ cũng không dám gần để giữ mình chay tịnh coi sóc tôn miếu. Còn Lý Bạch lại là một "sâu rượu" say bét quanh năm. Vậy mà cái tật bê tha của Lý Bạch lại nghiễm nhiên sánh với cái đức tôn nghiêm của Thái Thường trong một so sánh tương đương hợp lý đến nỗi không ai phủ nhận được. Khẩu khí ngông của Lý Bạch ngụ trong việc vận dụng phép đồng loại đối ở liên thơ cuối và ý tứ của bài thơ vượt lên xuất sắc cũng nhờ ở kết cấu này.Một bài tứ tuyệt khác của Lý Bạch:

"Việt trung lãm cổ": "Việt Vương Câu Tiễn phá Ngô qui, Nghĩa sĩ hoàn gia tận cẩm y Cung nữ như hoa mãn xuân điện Chí kim duy hữu giá cô phi. "Trần Trọng Kim dịch thơ :

"Việt Câu Tiễn đánh Ngô vềQuan quân khắp mặt cẩm y lại nhàĐiện xuân cung nữ như hoaĐến nay chỉ thấy đa đa bay cùng. "Bài thơ này có kết cấu 3/1 : Ba câu đầu liên tiếp tả cảnh Việt Vương Câu Tiễn phá Ngô đại thắng, quân sĩ áo gấm vinh qui bái tổ, cung điện mùa xuân mỹ nữ đầy mơn mởn như hoa... và câu cuối đối nghịch lại, điểm một nét hiện thực điêu tàn : gà gô bay trên nền cung cũ. Bài thơ không có câu chuyển, hoặc có thể coi câu chuyển cũng chính là câu kết. Kết cấu 3/1 chênh lệch này gợi tả nỗi luyến tiếc của con người khi phải bứt mình ra khỏi dĩ vãng hoàng kim, và sức nặng ám ảnh của quá khứ đè nặng trên hiện tại. Bài thơ mở đầu bằng sự hưng thịnh của nhà Việt trên sự đổ vỡ của nhà Ngô để rồi kết thúc bằng hình ảnh điêu tàn của nhà Việt. Lý Bạch không chỉ ngậm ngùi cho số phận thay đổi của triều đình Câu Tiễn. Sâu xa hơn thế, nó là về lẽ hưng vong của lịch sử. Và kết cấu 3/1 không cân xứng này phải chăng còn gợi tả cái đỏng đảnh của con tạo xoay vần ? ... Có thể thấy rằng kết cấu đóng vai trò quan trọng trong việc nhấn mạnh, bổ sung các tầng ngữ nghĩa cho TTLB. Ngay cả ở những bài có một kết cấu thông thường thì trình tự giữa các câu cũng là không thể thay đổi và mang ý nghĩa nhất định. Chính bởi kết cấu giữ một vai trò quan trọng như thế trong TTLB mà xuất hiện một hiện tượng đáng lưu ý: Mặc dù Lý Bạch ít thích gò bó song những bài tứ tuyệt theo luật của ông lại chiếm tỉ lệ đến hơn một nửa, một số bài có đối. Nhiều bài tứ tuyệt lấy đề tài trong nhạc phủ, cổ thi nhưng hình thức thì lại viết theo luật ("Tương Dương khúc" bài 4, "Lục thủy khúc" ...). Số bài tứ tuyệt đúng luật cũng rất nhiều (Riêng thơ ngũ tuyệt của Lý Bạch có 98 bài thì gần 50 bài là đúng luật!). Kết cấu của những bài thơ này nhìn chung tề chỉnh, cân đối. Sở dĩ có hiện tượng như vậy có lẽ là vì tứ tuyệt luật thi không gò bó rắc rối như bát cú mà thanh luật thì lại uyển chuyển, hài hoà hơn thơ cổ thể. Và hình thức đối cho phép mở rộng trường ngữ nghĩa, tăng tính hàm súc của câu thơ lại đặc biệt hữu dụng với dạng thơ khuôn khổ nhỏ hẹp như tứ tuyệt. Một điểm nữa là ngôn ngữ trong TTLB dường như cũng được cô đọng và tinh giản hơn so với ở thơ khác thể của ông. Nhạc phủ, cổ phong trường thiên của Lý Bạch sử dụng khá nhiều hư từ. Như bài "Thục đạo nan" của ông, câu mở đầu đã xuất hiện hàng loạt thán từ và hư từ : " Y ! Hu ! Hi ! Nguy hồ cao tai ! Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên..." (Ôi chao ! Ghê thay ! Nguy hiểm và cao thay ! Đường xứ Thục khó đi, khó hơn cả lên trời xanh).Tứ tuyệt theo thể cổ phong, nhạc phủ của Lý Bạch hư từ rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Không những thế, thơ cổ thể không giới hạn về số chữ trong câu, những bài nhạc phủ, cổ phong của Lý Bạch câu dài, câu ngắn, rất phóng túng. Như bài "Tương tiến tửu", có câu dài tới mười chữ ("Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai"), có câu lại chỉ có ba chữ ("Tương tiến tửu". "Bôi mạc đình"). Bước sang thể tứ tuyệt, mặc dù cũng theo lối cổ thể, nhưng số chữ trong câu luôn luôn chỉ là 5 hoặc 7, không bao giờ dài hoặc ngắn hơn. Gần 200 bài TTLB, chỉ có 3 bài viết theo thể tạp ngôn, mà cũng là kết hợp giữa hai câu đầu 5 chữ với hai câu sau 7 chữ. Có thể thấy rằng về hình thức kết cấu và ngôn ngữ, TTLB có khuynh hướng đi vào qui củ hơn thơ khác loại của ông rất nhiều. Nhìn chung lại, TTLB không chỉ về đề tài, nội dung, giọng điệu mà cả về bút pháp nghệ thuật cũng có những điểm riêng biệt so với thơ khác thể của ông. Nếu như thơ nhạc phủ, cổ phong trường thiên của Lý Bạch mạnh về phô bày những cảm xúc mãnh liệt, tư tưởng phức tạp, hình ảnh liên hoàn chồng chất gắn với tưởng tượng bay bổng, nhạc điệu phóng túng và hình thức tự do thì TTLB lại có đặc trưng cơ bản là tính hàm súc, cô đọng, gợi mà không tả. Đặc trưng này đã chi phối và ảnh hưởng mạnh mẽ đến hàng loạt phương diện nghệ thuật của TTLB như khắc họa tâm lý nhân vật trữ tình, hình ảnh và không gian nghệ thuật, kết cấu, ngôn ngữ... Có thể nói Lý Bạch đã vận dụng thành công những đặc điểm của thể loại tứ tuyệt để đem đến cho thơ ca mình một nét đẹp riêng. Tất nhiên, điểm giống nhau giữa thơ cổ thể trường thiên, bát cú hay tứ tuyệt của Lý Bạch là rất lớn do chỗ chúng cùng bắt nguồn từ một phong cách. Song với những đặc điểm nêu trên của nó, TTLB có tính độc lập tương đối để thành một mảng thơ đặc sắc trong sáng tác của Lý Bạch. Nếu nhạc phủ, cổ phong của Lý Bạch chiếm ưu thế trong miêu tả diễn biến tâm trạng, hoài bão, khát vọng thì TTLB lại thành công nhất ở khắc họa một thần sắc của cảnh, một nét tâm trạng, gieo một ấn tượng, truyền một rung động - đạt tới chỗ "ngôn tuyệt ý bất tuyệt", "lời gần tình xa", là đòi hỏi cao nhất của thơ cổ điển Trung Hoa. Cũng ở đây, ta có thể thấy được phong cách thơ thống nhất mà đa dạng, đầy những sáng tạo đặc sắc trên từng thể loại của Lý Bạch. 1.3. Để khẳng định tính độc lập của TTLB, có lẽ cũng cần nhắc tới hiện tượng chùm tứ tuyệt. TTLB có rất nhiều chùm bài tứ tuyệt ("Thu Phố ca" 17 bài, "Tương Dương khúc" 6 bài, "Thượng hoàng tây tuần nam kinh ca" 10 bài ...). Vấn đề là chùm thơ tứ tuyệt có thể coi như một bài thơ dài cắt đoạn ra không ? Trước hết, có thể thấy hiện tượng chùm thơ rất phổ biến trong thi ca cổ điển Trung Quốc. Chẳng riêng gì tứ tuyệt mà ngay ở các thể thơ khác cũng vậy. Lý Bạch có cả chùm 57 bài "Cổ phong", 8 bài "Cung trung hành nhạc từ", 8 bài "Cảm hứng", 12 bài "Ký viễn"... đều không phải theo thể thơ tứ tuyệt. Vậy thì nếu TTLB có những bài kết thành chùm cũng là điều tự nhiên. Hơn nữa, những bài trong chùm tứ tuyệt của Lý Bạch đều có tính trọn nghĩa và độc lập của nó. Một dạng dễ thấy là các bài tứ tuyệt cùng đề tài nhưng được sáng tác ở những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau rồi tập hợp thành chùm như chùm "Thu Phố ca", mỗi bài ghi lại một khoảnh khắc tâm trạng, một cảnh sắc. Có bài sầu dâng ngập (bài 4, 6, 7), lại có bài rất an nhàn (bài 12, 9). Khi thì Lý Bạch đau khổ phải lưu lại Thu Phố ("Buồn làm khách Thu Phố. Gượng xem Thu Phố hoa" - bài 6), khi thì ông bảo "Đất này chính là cõi trời yên bình" làm ông như thành tiên (bài 12). Khi ông tả tâm sự của mình (bài 2, 6, 15), khi ông tả cảnh Thu Phố (bài 3, 5, 8 ,9, 11 ), khi ông tả sinh hoạt của người dân ở đây (bài 13, 14, 16)... .Cùng về Thu Phố nhưng có thể nói không bài nào giống bài nào, cả nội dung, hình ảnh và cảm xúc đều có những điểm riêng biệt. Thế nhưng không thể nói rằng những bài tứ tuyệt này là các đơn nguyên độc lập hoàn toàn. Chúng vẫn liên hệ với nhau và bổ sung ý nghĩa cho nhau. Sự liên kết cả chùm "Thu Phố ca" với nhiều giọng điệu cảm xúc trái ngược cho thấy tâm trạng phức tạp, không yên của Lý Bạch khi ở Thu Phố và hé lộ cá tính của ông: buồn vui, nhàn nhã đều hết mình. Có những chùm tứ tuyệt liên kết với nhau rất chặt chẽ, thống nhất cả về đề tài cũng như giọng điệu cảm xúc, đến mức người ta có cảm tưởng đó là liên khúc của một bài thơ dài (ví dụ : "Hoành Giang từ" 6 bài, "Vĩnh Vương đông tuần ca" 11 bài, "Thanh bình điệu" 3 bài...). Nhưng ngay cả khi như vậy thì từng bài vẫn có tính hoàn chỉnh mà một đoạn thơ không thể có được. Như chùm "Thanh bình điệu" 3 bài đều xoay quanh tả vẻ đẹp của Dương Quí Phi. Về hình thức, từng bài đều có kết cấu "khai- thừa-chuyển-hợp", có mở có kết hoàn chỉnh, hệ thống gieo vần riêng và dù đứng tách ra vẫn làm thành một bài thơ đủ ý, hay. Bài 1 tả phong thái thần tiên của Quí Phi, "nhìn mây tưởng là áo xiêm, nhìn hoa ngỡ là dung nhan" rồi đi đến khẳng định nàng phải là người ở non Quần Ngọc hay Dao Đài là nơi thần tiên ở - Bài 2 lại tả vẻ mặn nồng, quyến rũ của nàng như một phụ nữ khả ái nhất đến nỗi có nàng rồi thì không thiết chuyện mây mưa với thần tiên nữa ("Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường"). Bài 3 ca tụng nàng được ân sủng của quân vương, đã đẹp lại đẹp hơn trong mắt của người yêu, mà người đó lại là bậc đế vương tôn quí. Mỗi bài khai thác một khía cạnh của cái đẹp và do chỗ nó là một bài thơ hoàn chỉnh nên từng nét đẹp đều được miêu tả dần lên tới cực điểm, trọn vẹn, chứ không pha trộn, dở dang. Từng bài lại liên hệ và bổ sung ý nghĩa cho nhau. Bài 1 ví nàng như thần tiên thì quả là đẹp, nhưng quá cách vời. Vì vậy bài 2 lại miêu tả vẻ quyến rũ đậm đà nữ tính của nàng để hợp thành một cái đẹp toàn vẹn. Nhưng đã đẹp rồi mà không có tình thì cũng phí hoài. Cho nên bài 3 ca tụng quyền lực sắc đẹp của nàng đủ làm say đắm quân vương và tiêu tan mối sầu vô hạn của gió xuân. Hợp nhất ba bài thơ lại, người ta có được một bức tranh về cái đẹp tột đỉnh và toàn vẹn. Tóm lại, dù giống hoặc khác nhau về đề tài, cảm hứng trữ tình, các bài trong chùm TTLB đều là những chỉnh thể nghệ thuật có giá trị độc lập. Mặt khác, chúng cũng liên hệ và bổ sung ý nghĩa cho nhau, cùng soi sáng chủ đề chung từ nhiều góc độ. Không thể phủ nhận sự tồn tại của chùm TTLB cũng như không thể nghi ngờ tính độc lập của từng bài tứ tuyệt trong một chùm thơ. x x x TTLB xuất hiện, với những nét riêng và mới như đã phân tích trên quả là một hiện tượng đáng lưu ý trong lịch trình thơ tứ tuyệt nói chung và trong toàn bộ sáng tác thi ca của Lý Bạch nói riêng. Nói đến sự xuất hiện nổi bật của TTLB là xét từ một cái nhìn bao quát trong tương quan so sánh toàn cục. Đó là một mảng thơ đa dạng, mới mẻ so với tứ tuyệt của tiền nhân và người đồng đại, hàm súc, tinh túy và sắc nét so với thơ khác thể của Lý Bạch. Nhưng cái gì đã tạo cho TTLB một diện mạo độc đáo như vậy ? Để trả lời câu hỏi ấy, cần phải đi sâu vào cơ cấu nội tại của TTLB, tìm hiểu đặc trưng xuyên suốt mảng thơ này cũng như những bộ phận cấu thành nên nó. Các chương 2 và 3 của luận án sẽ lần lượt đề cập tới những vấn đề này.

Phạm Hải Anh