Phần
mở đầu
- Tính
cấp thiết của đề tài.
1.1
Thơ Đường nói chung và thơ Lý Bạch nói riêng từ lâu đã có một ảnh hưởng
sâu rộng tới đời sống văn học Việt Nam. Không những thơ ca chữ Hán Việt
Nam thời phong kiến thường lấy thơ Đường làm mẫu mực sáng tác mà ngay
cả thơ Nôm, thơ Mới... sau này cũng vẫn ít nhiều phảng phất hồn của
Đường thi.
Giáo sư Trần Đình Sử trong bài viết "Ý nghĩa lịch sử của văn học Trung
Quốc
trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam" đã nhận xét :
"...
Có thể nói trên một mức độ lớn, Nguyễn Du đã thơ hóa Truyện Kiều bằng
nhãn
quan thơ Đường... Trong phong trào thơ Mới 1932-1945, ảnh hưởng của thơ
Đường vẫn rất đậm trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Thâm Tâm... và trên một
mức độ nhất định ta có thể tán thành ý kiến của Léong Van Đermetsơ là "
ở Nhật, ở Trung Quốc, Việt Nam và Xanhgapore ánh trăng thu đã được
chiêm ngưỡng bằng con mắt của Lý Thái Bạch". [[73:193]
Nghiên
cứu thơ Đường ở Việt nam do đó có ý nghĩa đặc biệt trên cả hai bình
diện hướng nội và hướng ngoại: vừa là để hiểu thêm tinh hoa của một nền
văn hóa nước ngoài, mà cũng là khám phá thơ Đường như một yếu tố nội
tại, từ
rất lâu đã nhập thần vào đời sống văn học Việt Nam.Người Việt Nam đã có
một truyền thống thưởng thức thơ Đường nhưng về mặt nghiên cứu nhìn
chung lại chưa có một bề dày đáng kể, tới tận đầu thế kỷ này chủ yếu
mới chỉ dừng ở mức tuyển dịch và bình chú một số bài thơ Đường riêng
lẻ. Gần đây, với những kiến thức lý luận của thi pháp học hiện đại, với
ý thức về nền văn học dân tộc và nhãn quan rộng mở, so sánh thơ Đường
với những dòng thơ ca
các dân tộc khác, chúng ta đã có thêm nhiều tiền đề thuận lợi để thúc
đẩy
việc nghiên cứu thơ Đường ở Việt Nam bước sang trang mới. Mặc dù vậy,
điểm
lại các công trình nghiên cứu thơ Đường ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi
vẫn
thấy nhiều khoảng trống, đặc biệt là về Lý Bạch, một "thi tiên" lỗi lạc
vào bậc nhất đời Đường và đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ thi sĩ
Việt
Nam.
Tứ
tuyệt là một trong những mảng thơ rất thành công của Lý Bạch, và TTLB
cũng được coi là rất "cao diệu" trong tuyệt cú đời Đường. Đặc biệt, do
ngắn
gọn, hàm súc, tứ tuyệt là sự thể hiện rõ nét nhất một số phương diện cơ
bản của nghệ thuật thơ cổ điển Trung Hoa, như nhà nghiên cứu phương Tây
Will Durant nhận xét : "... Mới coi ta ngạc nhiên rằng thơ Trung Hoa
ngắn
quá .... Nhưng theo người Trung Hoa, đã là thơ thì phải ngắn, muốn cho
thơ dài tức là tự mâu thuẫn với mình... Thơ Trung Hoa vừa gợi ý, vừa cô
đọng, chỉ muốn dùng chữ như nét họa để biểu lộ một cái gì thâm thúy, vô
hình ..." [15:139]. Ông Nhữ Thành cũng có ý kiến tương đồng khi cho
rằng: "Những bài thơ ngắn mới tiêu biểu... bởi vì chính những bài ngắn
mới là những
bài khó phân tích cái hay nhất và chính loại thơ ngắn này mới là loại
thơ
có ảnh hưởng lớn nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác"
[82:3].
Vì vậy, nghiên cứu thơ TTLB chính là "Dĩ thiểu kiến đa" (lấy ít hiểu
nhiều),
vì đây là phần bộc lộ rõ tài năng bậc thầy, sự tinh tế, sắc sảo trong
nghệ
thuật làm thơ của Lý Bạch, qua đó cũng thấy được một phần thi pháp đặc
trưng
của Đường thi.
1.2. Vấn đề nghiên cứu thơ Lý
Bạch còn nằm trong trong lĩnh
vực Trung
Quốc học đang được chú ý tại Việt Nam. Các giáo sư đầu ngành của Viện
Hán
Nôm, Viện Văn học, Đại học Quốc gia Hà Nội... đã nhất trí khi nhấn mạnh
"ý nghĩa quốc tế của môn Lịch sử Trung Quốc, Văn hóa sử Trung Quốc, mối
quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc về nhiều phương diện và
qua nhiều năm tháng, đòi hỏi giới khoa học Việt Nam những công trình
qui mô
về Trung Quốc học. Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa đáp ứng đúng mức
yêu cầu khoa học này... Vấn đề Trung Quốc học tại Việt Nam là một lĩnh
vực khoa học có vị trí chiến lược và hết sức hấp dẫn..."[ 51: 6]
Tất nhiên, giữa biển học thuật mênh mang
cần được khám phá đó, TTLB chỉ
là một phần nhỏ, nhưng không nên xem nhẹ . Nó có vị trí đặc biệt trong
nền
thơ Đường - một mắt xích quan trọng (nếu không nói là quan trọng bậc
nhất)
trong chuỗi liên hệ khăng khít, lâu đời giữa văn học Trung Quốc và văn
học Việt Nam.
1.3. Vào những năm gần đây, sau
một thời gian dài vắng
bóng, thơ Đường lại được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia về văn
học nước ngoài cho học sinh phổ thông cơ sở và phổ thông trung học Việt
Nam. Tình hình đó đã làm nảy sinh
yêu cầu cấp thiết về tư liệu tham khảo và những công trình nghiên cứu
khoa
học phục vụ cho việc giảng dạy và học thơ Đường, trong đó nổi bật lên
vấn
đề nghiên cứu thơ Lý Bạch. Không phải chỉ vì địa vị bậc nhất của Lý
Bạch trên
thi đàn đời Đường mà còn vì tài liệu về Lý Bạch ở Việt Nam vẫn chưa đáp
ứng
đúng mức nhu cầu của độc giả yêu thơ Lý Bạch.
Trong chương trình văn học nước ngoài
của học sinh phổ thông (kể cả với
sinh viên đại học), số tiết có hạn nên việc chọn lựa bài để đưa vào
giảng dạy cũng cần phải rất cân nhắc, bài dài quá thì khác nào "cưỡi
ngựa xem hoa", còn nếu chỉ giảng trích đoạn thì với thể loại như thơ
Đường có thể nói là mất đi rất nhiều cái hay. Tất nhiên, việc tuyển
chọn cũng phải mang tính tiêu
biểu, không thể quá thiên (về một thể loại nào, nhưng trong đó, tứ
tuyệt là
một thể loại quan trọng và TTLB có thể xem như một đối tượng đáng được
lưu
tâm nhiều hơn nữa (trên thực tế, một số bài TTLB đã được đưa vào giảng
dạy
:"Tĩnh dạ tứ", " Tảo phát Bạch Đế thành", "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo
Nhiên
chi Quảng Lăng"...). Thực tế đó càng thôi thúc chúng tôi hướng sự quan
tâm
đặc biệt tới mảng thơ TTLB.
1.4. Hơn nữa, TTLB với những giá trị độc
đáo mà cho đến nay vẫn chưa
được khảo cứu, đánh giá toàn diện, kỹ càng, tự bản thân nó - có lẽ chưa
cần đến những tác động khách quan như trên - cũng rất xứng đáng trở
thành đối
tượng nghiên cứu cho những ai đã từng tâm huyết với thơ Lý Bạch và thơ
Đường nói chung.
Ý
tưởng nghiên cứu thơ TTLB đã cuốn hút chúng tôi ngay từ khi thực hiện
luận
văn cao học về "Mạch thơ hay mối liên kết nội tại trong thơ tứ tuyệt
đời
Đường". Chúng tôi đã thấy TTLB nổi bật lên như một mảng thơ hay kỳ lạ
giữa thế giới tuyệt cú đời Đường, mà những kết luận của luận án trước
về
thi pháp thể loại quả thật chưa đủ sức để bao quát hết những thành tựu
xuất
sắc của nó. Công trình này, với chúng tôi còn có ý nghĩa nối tiếp quan
trọng: để khẳng định một tình yêu không đứt đoạn với thơ Đường, (đặc
biệt
là thơ Lý Bạch ), và để phát triển thêm những ý đồ khoa học đã ấp ủ từ
lâu.
2. Ý nghĩa của đề
tài nghiên cứu:
2.1
Ý nghĩa khoa học :
- Luận án sẽ kế tục những thành quả
nghiên cứu đi trước về thi pháp Lý
Bạch nhưng đào sâu hơn từ góc độ thể loại của tứ tuyệt. Vấn đề của đề
tài do đó sẽ gồm cả hai lĩnh vực: phong cách và thể loại, cũng như sự
kết hợp giữa chúng trong TTLB. Đây là một hướng nghiên cứu mới về Lý
Bạch ở Việt Nam.
- TTLB là mảng thơ thể hiện tập trung
nhất đặc trưng hàm súc, cô đọng
vốn là bút pháp tiêu biểu của Đường thi, TTLB lại được đánh giá là rất
"cao diệu" trong tứ tuyệt đời Đường và cũng là mảng thơ đặc sắc trong
sáng tác của Lý Bạch. Nghiên cứu TTLB do đó sẽ mang ý nghĩa khái quát
cho một số giá trị tinh hoa của thơ Lý Bạch nói riêng và thơ Đường nói
chung.
2.2.
Ý nghĩa thực tiễn :
- Việc nghiên cứu TTLB có thể ứng dụng
ngay vào thực tế dạy và học thơ
Lý Bạch ở các trường đại học, phổ thông trên toàn quốc. Một số kết luận
về thi pháp Lý Bạch trong tứ tuyệt, các phần phân tích, bình giảng từng
bài tứ tuyệt cụ thể ... trong luận án đều có ý nghĩa thiết thực bổ sung
và minh
họa cho bài giảng về thơ Lý Bạch nói riêng hay thơ Đường nói chung.
- Nghiên cứu TTLB cũng là góp một tiếng
nói khoa học vào lĩnh vực Trung
Quốc
học ở Việt Nam, khám phá một phần tinh hoa của văn học Trung Quốc đã
từng
thâm nhập, ảnh hưởng rất sâu tới đời sống văn học Việt Nam, từ đó mà
hiểu
thêm về mối liên hệ khăng khít trong tư duy thẩm mỹ của hai dân tộc.
- Hiện nay ở Việt Nam, sách nghiên cứu
hay tuyển thơ Lý Bạch không
những ít mà phần lớn đều đã cũ, ít chú thích cặn kẽ. Ngoài ra là những
sách xuất bản ở Trung Quốc bằng tiếng Hán... nên khó phổ cập đại chúng.
Trong tình hình đó luận án ra đời, kế thừa thành tựu của các nhà nghiên
cứu đi trước và đề xuất những luận điểm mới từ điểm nhìn của thi pháp
học hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thơ Lý Bạch của đông đảo độc
giả yêu thơ Lý Bạch, đặc biệt là lớp độc giả trẻ.
- Những kết luận của luận án về thành
tựu, cống hiến nghệ thuật của
TTLB hi vọng sẽ đề xuất cho các nhà thơ Việt Nam hôm nay một số bài học
sáng tác mà
qua sàng lọc của thời gian vẫn còn rất thiết thực : bút pháp giản dị,
chân
thực, sự hàm súc, cô đọng ...
3. Mục
đích nghiên cứu:
3.1.Khẳng
định những thành tựu và cống hiến nghệ thuật nổi bật của mảng thơ TTLB.
Lí giải vì sao TTLB chiếm địa vị đỉnh cao trong dòng thơ tứ tuyệt Trung
Hoa và là bộ phận rất đặc sắc trong sáng tác của Lý Bạch.
3.2. Khám phá một số khía cạnh
thi pháp của Lý Bạch qua
mảng thơ tứ tuyệt, từ đó
góp phần bổ sung một nội dung quan trọng hiện còn thiếu hụt trong mảng
tư
liệu về Lý Bạch ở Việt Nam : Lý Bạch với vấn đề thể loại
4. Lịch sử vấn đề :
Qua những tư liệu mà chúng tôi hiện có,
dựa trên tổng thư mục các sách,
báo, tạp chí nổi tiếng nghiên cứu về Lý Bạch ở Trung Quốc, Đài Loan,
Hồng Kông, Nhật Bản trong vòng 100 năm lại đây [140], căn cứ vào cuốn
"Thư mục các công
trình chọn lọc của phương Tây về văn học đời Đường", phần Lý Bạch
[102], tạm thời có thể thấy rằng đến nay, vẫn chưa có một công trình
khoa học nào mang tên: " TTLB - Phong cách và thể loại".
Tuy
vậy, việc nghiên cứu lịch sử vấn đề cũng cho thấy TTLB đã được để ý từ
rất lâu và thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của không ít độc giả cũng
như giới khoa học của nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi tạm phân loại
các ý kiến về TTLB theo 3 mảng tư liệu :
4.1.
Tình hình nghiên cứu TTLB qua mảng tư liệu tiếng Việt :
TTLB lần đầu tiên được giới thiệu rộng
rãi dưới dạng bản dịch Việt văn
có lẽ là vào khoảng những năm 30 - 40 của thế kỷ này. Đó là hơn mười
năm sau khi
triều đình bỏ khoa thi chữ Hán (1915), sách báo phổ thông hầu hết dùng
quốc
ngữ và thơ nguyên bản tiếng Hán có nguy cơ sắp trở thành ngoại ngữ xa
lạ
với lớp độc giả trẻ theo Tây học. Có lẽ nhằm chấn hưng lại nền Hán học
đang
bị làn sóng văn minh phương Tây lấn lướt, các chí sĩ Việt Nam tha thiết
với
văn hóa phương Đông đã dịch, bình chú, khảo cứu rất nhiều thơ Đường
(trong đó có TTLB) đăng rải rác trên các báo, tạp chí thời đó ("Tao
đàn", "Bắc
Hà tuần báo", "Văn học tạp chí", "Nam phong tạp chí" ...) và in thành
sách:
"Đường thi hợp tuyển" (Dương Mạnh Huy, in năm 1931), "Lược khảo thơ
Trung
Quốc" (Doãn Kế Thiện, in năm 1943), "Lý Bạch", "Lý Bạch và Đỗ Phủ"
(Trúc
Khê in năm 1946) ... Mặc dù chưa được giới thiệu độc lập, mặc dù chủ
yếu
mới chỉ dừng ở mức bản dịch và bình chú (nhìn chung còn sơ sài), các tư
liệu về TTLB lúc đó đã có một ý nghĩa to lớn: Nó khẳng định sự trân
trọng
của độc giả Việt Nam với TTLB (và thơ Đường nói chung), không phải như
một
mảng văn học nước ngoài lý thú mà như một phần của nền văn hóa truyền
thống
phương Đông cần được yêu mến và gìn giữ. Với ý nghĩa đó, TTLB còn tiếp
tục
xuất hiện trong các cuốn tuyển dịch thơ Đường ngày càng dày dặn, công
phu
hơn, in trong thập kỷ 60-70 và được tái bản hàng loạt vào những năm gần
đây :"Đường thi" của Ngô Tất Tố, in năm 1961, "Thơ Đường" hai tập của
Nam
Trân chủ biên, in năm 1962, tái bản lần cuối năm 1987, "Thơ Đường" của
Trần
Trọng San, in năm 1972-1973, tái bản năm 1990, "Đường thi" Trần Trọng
Kim
dịch, viết xong năm 1945, tái bản lần cuối năm 1995, "Thơ Đường" do nhà
xuất bản Văn học tuyển chọn, in năm 1987 ...
Nhìn chung, các sách hoặc bài nghiên cứu
về Lý Bạch ở Việt Nam ("Lịch
sử văn học Trung Quốc" - Trương Chính chủ biên, in năm 1963, tái bản có
sửa chữa năm 1971, "Văn học Trung Quốc" - Nguyễn Khắc Phi chủ biên ...,
in năm 1987, "Diện mạo thơ Đường" - Lê Đức Niệm, in năm 1995...) thường
chú ý đến phong cách thơ Lý Bạch nói chung hơn là thi pháp thể loại, vì
vậy không đề cập tới TTLB. Chỉ có cuốn "Thơ Đường" của Trần Trọng San
in năm 1973, trong lời mở đầu
đả động đôi chút đến địa vị của TTLB trên thi đàn - nhưng lại là dẫn ý
kiến
của một học giả Trung Quốc :"Phê bình thơ Lý Bạch, sách "Nghệ Uyển ba
ngôn"
của Vương Nguyên Mỹ viết rằng :"Xét về thơ tuyệt cú ngũ ngôn và thất
ngôn,
thơ của Lý Thanh Liên là những bài tuyệt xướng của đời Đường". Đó cũng
là
ý kiến của Tống Mục Trọng, tác giả cuốn "Mạn Đường thi thuyết"."
[68:13].
Ông Trần Trọng San không bình luận thêm và cũng không lí giải tại sao.
Ngoài ra, còn có một vài bài TTLB được
phân tích trong các sách hướng
dẫn giảng văn, học văn... nhưng chỉ với tư cách đơn lẻ chứ không mang ý
nghĩa khái quát cho cả mảng thơ này. Luận án PTS của Nguyễn Sĩ Đại bảo
vệ năm 1995 về "Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường"
trái lại, chỉ khái quát chung cho cả mảng thơ tứ tuyệt đời Đường chứ
không đi sâu vào
phong cách riêng của từng nhà thơ trong đó, vì vậy cũng không đề cập
tới
TTLB.
Nhìn chung lại, vấn đề nghiên cứu TTLB ở
Việt Nam hầu như là một vùng
đất còn ít được khai phá. Chỉ có những tài liệu liên quan, hoặc về
phong cách thơ
Lý Bạch nói chung, hoặc là về thể loại tứ tuyệt chứ chưa có một nghiên
cứu
nào kết hợp cả hai vấn đề đó. Tuy vậy, chúng tôi cũng tìm thấy ở đây
những
gợi ý quí báu để so sánh phong cách của Lý Bạch thể hiện trong tứ tuyệt
với phong cách sáng tác nói chung của ông, so sánh thi pháp TTLB với
đặc
điểm thi pháp chung của tứ tuyệt đời Đường.
4.2
Tình hình nghiên cứu TTLB qua mảng tư liệu tiếng Trung Quốc :
Trung Quốc đã có một bề dày nghiên cứu
thơ Lý Bạch, khởi xướng ngay từ
đời Đường và kéo dài đến tận ngày nay. Trong đó rải rác có thể thấy
nhiều ýkiến về
TTLB.
Những đánh giá từ cổ chí kim về TTLB
trước hết đều gặp nhau ở chỗ công
nhận địa
vị bậc nhất của nó trên thi đàn tứ tuyệt đời Đường. Như Hồ Chấn Hanh
(Minh)
dẫn lời cổ nhân nhấn mạnh :"Thái Bạch với tuyệt cú ngũ thất ngôn, ba
trăm
năm đời Đường thực chỉ có một người" ("Thái Bạch ngũ thất ngôn tuyệt cú
thực Đường tam bách niên nhất nhân"). Bản thân ông cũng ca ngợi "Ngũ
thất
ngôn tuyệt cú, Thái Bạch quả là thần!" - (Hồ Chấn Hanh "Đường âm quí
tiêm"
quyển 6 trang 48). Thẩm Đức Tiềm (Thanh) nhận xét "Ngũ ngôn tuyệt cú Lý
Bạch cao diệu" ("Đường thi biệt tài", trang 3) ... Sau này, các tài
liệu
hiện đại nghiên cứu thơ Lý Bạch hay thơ tứ tuyệt đời Đường nếu có nhắc
tới
TTLB cũng cùng chung nhận xét đó. Cuốn "Lịch sử văn học Trung Quốc" của
Sở
nghiên cứu văn học, viện Khoa học xã hội Trung Quốc được dịch ra tiếng
Việt,
xuất bản năm 1962, tái bản có sửa chữa, bổ sung năm 1990, 1993 vẫn giữ
nguyên
nhận xét "Thất ngôn tuyệt cú của Lý Bạch và Vương Xương Linh là thất
ngôn
tuyệt cú bậc nhất của người đời Đường", (tr 117). Giáo sư Dịch Quân Tả
trong
cuốn "Văn học sử Trung Quốc" (do giáo sư Huỳnh Minh Đức dịch, tái bản
năm
1992) cũng cho rằng tuyệt cú của Lý Bạch "thật cao diệu" (tr 383) và
"thơ
tuyệt cú của Đỗ lại thua Lý" (tr 399) ...
Đáng quí hơn là bên cạnh việc đánh giá
TTLB, nhiều tư liệu, ở mức độ
khác nhau còn lí giải cái hay cũng như một số đặc trưng thi pháp của
mảng thơ này.
Hồ Chấn Hanh cho rằng tuyệt cú Lý Bạch
độc đáo ở chỗ "xuất khẩu mà
thành, nói là không cố ý dụng công mà không phải không có công phu "
("Đường âm quí tiêm" - quyển 6, tr.48). Thẩm Đức Tiềm trong "Đường thi
biệt tài" thì chú ý đến tính chất tự nhiên của ngũ tuyệt Lý Bạch. Cuốn
"Lý Bạch nghiên cứu" do Vương Dao chủ biên lại đánh giá cao thất tuyệt
Lý Bạch ngôn ngữ hàm
súc tinh luyện, âm vận hài hoà đẹp đẽ, càng đọc càng có vị, tác phẩm
tiêu
biểu như "Tảo phát Bạch Đế Thành", "Hoành Giang từ", "Tăng Uông Luân"
...
đều là những "diệu phẩm thiên cổ". Lâm Canh trong "Thi nhân Lý Bạch"
(xuất
bản năm 1957) dẫn sách "Thi sô" cho rằng :" Ngũ thất ngôn của Lý Bạch
chữ chữ thần cảnh, bài bài thần vật" ("Thái Bạch ngũ thất ngôn tuyệt tự
tự thần cảnh, thiên thiên thần vật"). Lâm Canh đặc biệt còn nhấn mạnh
thất
tuyệt là thành tựu điển hình, kiệt xuất nhất, bộc lộ rõ tính cách Lý
Bạch
(tr.63). Giáo sư Trương Trọng Thuần trong "Bài giảng về Lý Bạch " ở
trường
Đại học sư phạm Hà Nội đi sâu lí giải nguyên nhân Lý Bạch thích tuyệt
cú. Ông cho rằng đó là vì "tuyệt cú ngắn, gần giống dân ca và có thể
dùng
khẩu ngữ". Chúng tôi cho rằng giải thích như vậy có những điểm hợp lý
song
chưa thật thấu đáo (vì rất nhiều bài TTLB, đặc biệt là thất tuyệt, lời
lẽ
cao sang, bút pháp thâm trường, không phải lúc nào cũng giống dân ca mà
vẫn
rất hay). Cuốn "Lịch sử văn học Trung Quốc" của Sở nghiên cứu văn học
thuộc
Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng có ý kiến tương tự như của giáo sư
Trương
Trọng Thuần khi nhận xét TTLB " về ngôn ngữ hay quả là nhờ học tập thơ
ca
dân gian" (tr 118). Có lẽ giáo sư Dịch Quân Tả trong cuốn "Văn học sử
Trung
Quốc" đã hợp lý hơn khi lưu ý đến cả hai đặc trưng: bình dị mà bác học
trong
TTLB. Ông nhận xét nét cao diệu của TTLB bắt nguồn ở chỗ "ngôn ngữ bình
giản,
tiết tấu ngắn gọn mà ý vị thâm trường" (tr. 383).
Những ý kiến nêu trên có nhiều điểm rất
lí thú, nhưng đều có tính chất
"gợi ý",
chứ chưa được phân tích, chứng minh cụ thể và cũng chưa đặt thành vấn
đề
khảo sát TTLB một cách có hệ thống và toàn diện.
Đáng kể hơn cả là một số sách mới xuất
bản gần đây, nghiên cứu về tứ
tuyệt đời Đường và đã dành sự quan tâm tới TTLB như một mảng thơ đặc
sắc, tinh hoa nhất.
Cuốn "Đường tuyệt cú tuyển thích" in năm
1987 của Lý Trường Lộ có
khoảng một trang so sánh khái quát đặc điểm của tuyệt cú qua bốn thời
kỳ Sơ-Thịnh-Trung-Vãn Đường, trong đó TTLB được xem là tiêu biểu cho
tuyệt cú Thịnh Đường với đặc điểm: mạnh về trữ tình (trong khi Sơ Đường
vịnh vật, Trung Đường tả ý, Vãn Đường hoài cổ trách kim và tả cảnh),
tráng lệ tươi mới, khí lực hùng hồn. Ngoài ra TTLB còn được đánh giá là
"trung tâm của chủ nghĩa lãng
mạn Thịnh Đường". Cuốn "Đường tuyệt cú sử" của Chu Khiếu Thiên (in năm
1987) dành riêng chín trang để phân tích thành tựu đặc sắc của TTLB.
Ông
cho rằng về đề tài thì TTLB hay nhất ở trữ tình tả cảnh. Về bút pháp
miêu
tả, Lý Bạch trọng thần thái phong cách toàn bài hơn là trau chuốt từ
cú,
thích dùng những biểu hiện toàn ý tượng. Về mặt tu từ, TTLB sử dụng
phép
nhân hóa rất đặc sắc; về ngôn ngữ thì tự nhiên, thuần khiết mà đẹp đẽ.
Ngoài
ra, Chu Khiếu Thiên cũng lưu ý đến ảnh hưởng của dân ca trong TTLB.
Những
ý kiến của Chu Khiếu Thiên ở đây tương đối cụ thể và đa diện nhất trong
các công trình nêu trên về TTLB. Tuy nhiên, nó lại quá thiên về tìm
hiểu
kỹ thuật làm thơ hơn là phong cách, chất giọng của TTLB mà cả hai lĩnh
vực
này thật ra quan trọng ngang nhau. Do vậy mà bài nghiên cứu của Chu
Khiếu Thiên bỏ qua một phần có lẽ nên có là về cái Tôi trữ tình của Lý
Bạch trong tứ tuyệt (vì cái Tôi trữ tình vốn là hạt nhân của thơ trữ
tình). Có lẽ gần đây nhất là cuốn "Đường nhân thất tuyệt thi thiển
thích" của Thẩm Tổ Phân xuất bản năm 1992, có dành ba trang nói riêng
về thất tuyệt của Lý Bạch. Bà cho rằng thất tuyệt Lý Bạch thành công
nhất với các đề tài tống biệt, hoài cổ, du lãm. Phần trọng điểm của bài
viết là so sánh hai "Thánh thủ" của tuyệt cú đời Đường: Thẩm Tổ Phân
đánh giá Lý Bạch và Vương Xương Linh thất tuyệt mỗi người một vẻ. Lý
giỏi về thơ du lãm, Vương giỏi về thơ khuê oán, cung từ. Bút pháp đặc
trưng của Lý là tả cảnh nhập thần, còn Vương ngôn tình đạt tới đỉnh
cao. Ngôn ngữ của Lý "tuấn sảng"(đẹp đẽ tươi sáng), của Vương hàm súc.
Những ý kiến của Thẩm Tổ Phân tuy chưa bao quát hết mọi phương diện
nghệ thuật và phong cách của thất tuyệt Lý Bạch nhưng có nhiều điểm sắc
sảo (như nhận định về bút pháp "tả cảnh nhập thần", về ngôn ngữ đẹp đẽ
mà hào sảng của Lý Bạch). Tuy vậy, điều đáng tiếc là bà chưa lưu ý
so sánh thất tuyệt Lý Bạch với ngũ tuyệt của chính ông (vì cùng một
phong cách nên dễ bật lên những đặc sắc riêng của từng thể loại). Hơn
nữa, chúng tôi cho rằng về mặt đề tài, thất tuyệt còn có một mảng thơ
đặc sắc và chiếm số lượng khá nhiều là tả mỹ nhân, công tử quý tộc...
mà ngũ tuyệt của ông không so sánh được, còn về giọng điệu thì thất
tuyệt Lý Bạch bật lên với chất
Hùng (mà Vương Xương Linh ít có).
Nhìn chung lại, qua mảng tư liệu tiếng
Trung Quốc, chúng tôi đã thu
lượm được nhiều ý kiến nhận xét đáng lưu tâm về TTLB : địa vị của nó
trên thi đàn, bút pháp giản dị, tự nhiên, học tập nhiều ở dân ca (đặc
biệt là ngũ tuyệt), khả năng "tả cảnh nhập thần" , khí lực hùng hồn,
bản chất lãng mạn, ngôn ngữ thuần khiết đẹp đẽ... và một vài đặc điểm
của thất tuyệt. Đó là những gợi ý quí báu mà chúng tôi sẽ tiếp thu
trong quá trình triển khai luận án. Ngoài ra cũng phải kể đến những
phần bình chú các bài TTLB như trong "Lý Bạch đại từ điển" (Úc Hiền Hạo
chủ biên), "Đường thi giám thưởng từ điển" (Tiêu Điều Phi và nhiều tác
giả), "Lý Bạch thi ca tân thưởng tập" (Bùi Phi chủ biên) ... Đây là
những tư liệu quí, tuy không có ý nghĩa khái quát nhưng giúp đỡ rất
nhiều cho việc đi sâu tìm hiểu từng bài TTLB (đặc biệt về
lý giải xuất xứ và điển tích).
4.3.
Tình hình nghiên cứu TTLB qua mảng tư liệu tiếng Anh:
Gần
giống như với mảng tư liệu tiếng Việt, ở đây có thể tìm thấy nhiều nhận
định về phong cách thơ Lý Bạch hoặc về thể loại tứ tuyệt, nhưng hầu như
không có ý kiến nào trực tiếp bàn riêng về TTLB một cách tương đối tỉ
mỉ.
Tuy
vậy, đánh giá của các học giả phương Tây về Lý Bạch có nhiều điểm thú
vị,
mới mẻ. Họ hầu hết đều rất có ấn tượng về xuất thân, cá tính tự do và
bút
pháp lãng mạn, kỳ ảo của Lý Bạch - nói tóm lại là những vấn đề xung
quanh
cái Tôi đầy cá tính, đơn nhất của nhà thơ. Sam Hill trong cuốn
"Banished immortal" (Trích tiên) đã gọi Lý Bạch là "nhà đạo sĩ trữ
tình, người kiếm tìm ảo ảnh", sáng tác thơ không tốn chút công sức với
sự trong sáng tuyệt vời, và không cần phải xin lỗi vì những khiếm
khuyết rất người của mình. David Young trong cuốn "Wang Wei - Li Po -Tu
Fu - Li Ho - Four T'ang poets" ("Vương Duy - Lý Bạch - Đỗ Phủ - Lý Hạ,
bốn thi sĩ đời Đường") có ý kiến tương tự khi cho rằng Lý Bạch với đặc
điểm vui vẻ, tự do, thân ái và đầy nhiệt
huyết rất giống nghệ sĩ Bôhêmiêng hay một "kẻ lang thang tinh nghịch",
và
cống hiến của Lý Bạch là đã đem vào cho thơ ca truyền thống đầy những
trói
buộc nặng nề, ý thức tự do và mạo hiểm, đồng thời Lý Bạch có năng lực
xuất
sắc khi khám phá khả năng biểu đạt của ngôn ngữ Trung Quốc. Còn Arthur
Cooper
trong cuốn "Li Po and Tu Fu" ("Lý Bạch và Đỗ Phủ") lại đặc biệt chú ý
tới
nguồn gốc của Lý Bạch, cho rằng ông là người có dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ và
tư
chất của một "kiếm sĩ lang thang". Stephen Owen với "The great age of
Chinese
poetry - The High T'ang" (" Thời đại vĩ đại của thơ ca Trung Quốc -
Thịnh
Đường") cũng có ý kiến tương tự và hết sức nhấn mạnh cá tính khác
thường
của Lý Bạch. Ông còn có ý kiến đáng lưu ý khi cho rằng Lý Bạch và Cao
Thích
là những "kẻ ngoại đạo thực sự nổi tiếng nhất" vì họ đã phát triển hình
thức
thơ ca theo một cách hoàn toàn riêng tư, không liên hệ gì với lối thơ
cung
đình. Còn tiến sĩ Chén Shou Yi, giáo sư trường đại học Pamona trong
cuốn
"Chinese literature" ("Văn học Trung Quốc") khi lý giải 3 nguyên nhân
khiến
Lý Bạch trở thành ngôi sao sáng nhất trong thiên hà Đường thi là:
-
Sự đột phá thơ ca truyền thống, khám phá khả năng của thơ ca dân gian.
- Hoàn toàn tự do.
- Trong khi các nhà thơ khác cố gắng bộc
lộ tư tưởng ái quốc và anh
hùng thì Lý Bạch lại bộc lộ chính mình với những phản ứng không chút
ngượng ngùng và không thể học theo được. Thực ra thì cũng là lưu ý đến
vấn đề cá tính trong
thơ Lý Bạch như một đặc trưng tiêu biểu nhất.
Khi nói về thể loại thơ Lý Bạch, giới
học giả phương Tây dường như đã
chú ý
hơn hẳn đến nhạc phủ mà rất ít nhắc tới tứ tuyệt (gọi theo phiên âm là
"jue
ju" hoặc "Chueh Chu". Họ xem tứ tuyệt là dạng thơ cắt ngắn ("cut short
poem"),
một hình thức của cận thể thi. (A.R Davis - "Chinese verse" , trang
21).
Đáng lưu ý có ý kiến của giáo sư tiến sĩ Lii Zhi Wei trong bài giảng về
Lý Bạch ở trường đại học Chicago về tứ tuyệt. Ông nhấn mạnh đến tính
chất
thanh nhã và yêu cầu ý tại ngôn ngoại của thể thơ này. Ông còn đưa ra
một
số bài ngũ, thất tuyệt của Lý Bạch, Vương Duy, Vương Xương Linh, Đỗ Phủ
... để chứng minh rằng "Mỗi nhà thơ uốn nắn tuyệt cú theo cách riêng
của
mình ... Không có tiêu chuẩn chung hoàn hảo nào cho kỹ thuật thơ đó"
("Five
lectures on Chinese poetry" tr.116). Mặc dù không trực tiếp đề cập tới
TTLB,
ý kiến này đã mở ra hướng nghiên cứu kết hợp vấn đề thể loại với phong
cách.
Bên cạnh đó, trong cuốn "The genius of
Li Po" ("Thiên tài của Lý
Bạch"), khi chứng minh thiên tài của Lý Bạch, tác giả Wong Siu Kit cũng
đã lưu ý đến tứ tuyệt mà ông gọi là "Những bài thơ đơn giản nhất của Lý
Bạch". Wong Siu
Kit đã phân tích ba bài TTLB ("Tĩnh dạ tứ", "Sơn trung dữ u nhân đối
chước",
"Việt nữ từ" bài 3) để kết luận ở mức khiêm tốn rằng "thậm chí những
bài
thơ đơn giản nhất của Lý Bạch cũng không phải luôn không có tính nghệ
thuật".
Chúng tôi cho rằng nhận xét như vậy là còn chung chung và chưa thấy hết
giá trị đặc sắc của mảng thơ TTLB, mặc dù nó cũng lưu ý được tính chất
"đơn
giản nhất" của hình thức thể loại này.
Nhìn chung lại, mặc dù ít trực tiếp bàn
về TTLB, mảng tư liệu tiếng Anh
này rất có ý nghĩa khi gợi một hướng tiếp cận mới với TTLB - từ góc độ
đánh giá của phương Tây. Khi đặc biệt chú ý đến sự phóng túng, ngang
tàng đầy cá tính của Lý Bạch, giới nghiên cứu Tây Âu dường như đã dồn
cả sự quan tâm vào nhạc phủ và cổ phong như là những thể loại tự do
nhất, thích hợp nhất để bộc lộ cái "Tôi", còn tứ tuyệt có vẻ quá ngắn,
quá giản dị nên ít
được để ý (xem những bài dịch TTLB ra tiếng Anh đều thấy dài hơn rất
nhiều,
có bài như "Hí Đỗ Phủ", "Tặng Uông Luân" được Sam Hill dịch ra dài đến
12
dòng!). Quan điểm của chúng tôi có chỗ ngược lại và chương 2 của luận
án
sẽ đề cập tới vấn đề này.
4.4.
Qua nghiên cứu lịch sử vấn đề, chúng tôi đi tới một số kết luận sau:
- TTLB đã được xem xét, đánh giá từ
nhiều góc độ trên các quan niệm cổ
- kim, đông - tây. Các ý kiến về TTLB phong phú, đa dạng nhưng hầu như
không mâu thuẫn trên các nét lớn.
- Có nhiều ý kiến rất đáng lưu tâm (mà
chúng tôi sẽ sử dụng khi triển
khai luận án) như về địa vị cực cao của TTLB, một số đặc trưng thi pháp
của nó
(tự nhiên, hàm súc, bút pháp tả "cảnh nhập thần", giọng điệu hào sảng,
lãng
mạn, ngôn ngữ "tuấn sảng" ...) và cái Tôi cuồng phóng, đầy cá tính của
Lý Bạch.
- Tuy vậy, các nhận xét rút ra ở đây
nhìn chung còn rời rạc, chưa được
chứng minh đầy đủ. Nhiều vấn đề then chốt về TTLB chưa được đả động tới
hoặc giải
quyết chưa thoả đáng: Tại sao TTLB lại được coi là đỉnh cao của tứ
tuyệt
đời Đường? Lý Bạch trong tứ tuyệt khác với trong nhạc phủ, cổ phong thế
nào ? Ngũ tuyệt và thất tuyệt của Lý Bạch có những đặc trưng và thành
tựu
riêng gì? Tình hình đó đòi hỏi phải có một công trình nghiên cứu qui mô
về TTLB.
Căn cứ vào tầm vóc lớn lao, địa vị quan
trọng của TTLB, qua tìm hiểu
lịch sử
vấn đề, chúng tôi tin tưởng "Thơ TTLB - phong cách và thể loại" hoàn
toàn
có khả năng trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học mà nếu khai thác
tốt
sẽ có nhiều đóng góp mới mẻ.
5. Nhiệm vụ, đối
tượng và phạm vi nghiên cứu:
5.1.
Nhiệm vụ nghiên cứu :
Luận án sẽ không chứng minh lại những
kết luận sử dụng của các công
trình nghiên cứu đi trước về phong cách thơ Lý Bạch và đặc trưng của
thể loại tứ tuyệt. Luận án chỉ giải quyết những vấn đề liên quan tới
TTLB mà lịch sử vấn đề cho thấy nó còn chưa được đề cập tới một cách
thỏa đáng. Cụ thể là :
5.1.1.
Đặt TTLB trong lịch trình của thể loại tứ tuyệt và trong tương quan với
thơ khác loại của chính Lý Bạch để khám phá những thành tựu và cống
hiến nghệ thuật cơ bản của nó trên cả hai lĩnh vực phong cách và thể
loại.
5.1.2.
Đi sâu khảo sát, so sánh từng thể loại nhỏ của TTLB để thấy được giá
trị riêng của chúng cũng như bút pháp đa dạng của Lý Bạch khi tung
hoành trong một hình thức thơ bé nhỏ.
5.2.
Đối tượng nghiên cứu:
- Đối tượng nghiên cứu chính của luận án
là toàn bộ TTLB (dưới dạng một
mảng thơ có nhiều nét thống nhất hoặc dưới dạng từng bài lẻ).
- Ngoài ra, luận án cũng đề cập tới tứ
tuyệt trước, cùng và sau thời kỳ
Lý Bạch
(cụ thể là ở thời Hán, Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, Sơ, Thịnh, Trung, Vãn
Đường),
tới thơ cổ phong, nhạc phủ trường thiên của Lý Bạch, thơ tuyệt cú của
một
số nhà thơ kiệt xuất Thịnh Đường như Vương Duy, Vương Xương Linh, Đỗ
Phủ...
.Tất nhiên, đây chỉ là đối tượng nghiên cứu phụ, nhằm tìm ra một số nét
đặc
trưng cơ bản của các mảng thơ đó để so sánh với TTLB.
5.3.Phạm
vi khảo sát :
- Phạm vi khảo sát chính của luận án là:
toàn bộ các bài TTLB in trong
cuốn "Đường thi bách gia toàn tập - Lý Bạch", Chung Thúc Hà chủ biên,
Hải Nam xuất bản xã xuất bản năm 1992. (có tham khảo thêm cuốn "Lý Thái
Bạch toàn tập" - Vương Kỳ tập chú, Trung Hoa thư cục xuất bản xã xuất
bản năm 1957).
- Phương pháp
nghiên
cứu: Luận án trong quá trình nghiên cứu sử dụng tổng hợp nhiều phương
pháp:
-Phương
pháp so sánh văn học. -Phương pháp thống kê, hệ
thống. -Vận dụng những kiến thức về thi pháp học thể loại. Trong đó,
phương pháp so sánh văn học có ý
nghĩa rất quan trọng.
7. Những đóng góp
mới của luận án:
7.1.
Đây là luận án đầu tiên nghiên cứu tương đối có qui mô về TTLB, đặt nó
trong một trường so sánh rộng rãi, đa dạng để khám phá giá trị và cống
hiến của nó dưới một cái nhìn có tính lịch sử và hệ thống.
7.2.Luận
án khám phá một Lý Bạch cuồng phóng, vĩ đại thể hiện trong một hình
thức thể loại nhỏ bé nhất (tứ tuyệt), do vậy có khả năng đào sâu và lý
giải một loạt vấn đề được xem là phức tạp nhất trong cá tính sáng tạo
của Lý Bạch: nhân cách lớn lao mà hồn nhiên, nghệ thuật biểu hiện bình
dân mà bác học, bút pháp miêu tả kỳ ảo mà chân thực, ngôn ngữ không
trau chuốt mà mỹ lệ, hình thức ngắn gọn mà ý tứ thâm trường, giọng điệu
giản dị mà hùng hồn...
7.3.
Luận án lần đầu tiên đã thống kê, phân loại, khảo sát và đánh giá cụ
thể từng loại
TTLB (cổ tuyệt - luật tuyệt - bán cổ bán luật, ngũ tuyệt - thất tuyệt),
cho
thấy diện mạo chi tiết của mảng thơ này. Luận án cũng đánh giá lại vai
trò
của Lý Bạch với luật thi : Mặc dù xưa nay vẫn có quan niệm Lý Bạch
không ưa luật thi, song trong mảng tứ tuyệt này, ông lại sáng tác khá
nhiều và
có đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thiện, tự nhiên hoá luật thi (ở
đây
là luật tuyệt) và hình thức đối. Luận án còn khẳng định được giá trị
đặc
sắc của ngũ tuyệt Lý Bạch, so với thất tuyệt mỗi loại một vẻ, cùng bổ
sung
cho nhau, chứng minh cho phong cách sáng tác đa dạng mà thống nhất của
Lý
Bạch.
7.4.Luận
án còn có một đóng góp phụ : dịch thơ 38 bài TTLB và tứ tuyệt của một
số nhà thơ khác, nhiều bài trong số đó lần đầu tiên được dịch ra tiếng
Việt. Ngoài ra trong quá trình triển khai các luận điểm, luận án có
những đoạn phân tích và bình thơ TTLB và tứ tuyệt của một số nhà thơ
khác (48 chỗ
). Luận án có thể làm thành tài liệu tham khảo giới thiệu về TTLB cho
những
đối tượng quan tâm đến vấn đề này.
8. Cơ cấu
của luận án:
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục
các tài liệu tham khảo, luận án
gồm 3
chương :
- Chương 1 : "Sự xuất hiện nổi bật của
TTLB" , (dài 50 trang).
- Chương 2 : "Một phong cách độc đáo
trong tứ tuyệt" , (dài 40 trang)
- Chương 3 : "Những đặc sắc trong từng
thể loại tứ tuyệt". (Dài 34
trang).
Phần kết luận dài 8 trang, tổng kết
những thành tựu , cống hiến nổi bật
của TTLB và đề xuất một số hướng nghiên cứu mới .
Các chú thích về xuất xứ của tài
liệu tham khảo trích dẫn trong luận án được đặt trong ngoặc vuông. VD:[
142:181]. Số trước là số thứ tự của tài liệu trong danh mục tài liệu
tham khảo, số sau là số trang được trích dẫn.
Kỳ tới: Tứ Tuyệt
Lý Bạch. Chương I
Phạm Hải Anh
|