* 





st  


Thư gửi nhóm Sáng Tạo

(lần đầu đăng trên Tuần báo Mã Thượng , Sài Gòn, 1961)

Huỳnh Phan Anh & Dương Trần Thảo




Cần xác nhận là, với những ý nghĩ dưới đây, tôi không muốn làm một đóng góp vào sự xung đột mệnh danh là nghệ thuật đang trình diễn trước ý thức đám đông. Bởi vì những ý kiến, những cái nhìn dẫn về sự trao đổi để làm sáng tỏ một câu chuyện, kể cả ý kiến, cái nhìn của các anh – đã chỉ là điều kiện của một việc phân định, thanh toán lẫn nhau. Đó là một sự kiện. Đây [những ý nghĩ dưới đây của tôi], chỉ là phản ứng thuần túy của một ý thức trước một kích thích cũng gọi là ý thức. Bác bỏ hay chấp nhận nó không thành vấn đề. Trong ngữ vựng nghệ thuật, nói là với và nói trước đám đông. Nên thiết tưởng phản ứng này không cần phải kèm theo một lời phân bua, vòi vĩnh. Dù sao người ta không thể từ chối [phủ nhận?] là, những xung đột nghệ thuật đang có ở đây đã đến từ những tác động nhân danh những giá trị, những khuôn thước khác nhau. Nghĩa là dù muốn dù không, ý thức đã tan biến, đã tự mình biến thành hư vô, tự mình đồng hóa vào những khuôn thước ấy – có thể là một nghệ thuật vị luận lý về phía những người các anh gọi là "chúng nó", có thể là một thứ nghệ thuật ý thức của các anh.

Là một lầm lẫn khi cho đây là một hành động tham dự vào diễn trường đã có khá đủ nhân vật mà tôi thấy không cần thiết, xác định một lần nữa: đây chỉ là một phản ứng mới nguyên, trung thực, tự do, của một ý thức độc lập.

Đồng ý là trong quá trình của cuộc xung đột nghệ thuật hiện nay, những người đã lên tiếng đối thoại với các anh, đã không đem đến [cho] mọi người, kể cả những người cùng ý hướng nghệ thuật với họ, một mãn nguyện tối thiểu nào. Tôi cho rằng thực sự chưa có một cuộc thảo luận văn nghệ. Không thể nói rằng các anh đã thu nhận, phát biểu trước lớp người của một quá khứ nghệ thuật. Vì thật ra chưa có một tiếng nói của quá khứ mà chỉ có những tiếng nói gượng gạo, vụng về của một mệnh danh quá khứ mà các anh cho là với hy vọng dựng đứng một xác chết.

Nhưng các anh đã quả quyết không cần giải thích tranh luận với quá khứ (1). Lời quả quyết thiếu bình tĩnh này là điều kiện cho nhiều vấn nạn. Các anh quan niệm đối thoại ra sao? Tôi không nghĩ rằng đối thoại bắt buộc phải xây dựng trên một bình đẳng trí thức hay một hòa đồng quan điểm. Điều kiện đầu tiên và cuối cùng của hành động tốt đẹp ấy theo tôi là hai ý thúc cùng tìm về đối thoại có sẵn sàng mở ngỏ tiếp nhận hay không? Tôi thiết tưởng không cần phải cầu cứu đến hình ảnh một Socrate với triết học đối thoại của ông để làm sáng tỏ ý nghĩ tầm thường này.

Từ chối đối thoại với quá khứ bao gồm ý nghĩa chối bỏ quá khứ. Thử hỏi: người ta có thể làm một cuộc thanh toán với quá khứ và các anh, các anh có thể làm gì được trước quá khứ [của] các anh, trước nghệ thuật tiền chiến? Khi các anh dứt khoát lật nhào quá khứ, các anh đã mặc nhiên công nhận – và đây là một trong những thất bại đầu tiên, là quá khứ ấy chưa hẳn đã đi qua, đã thành xác chết. Sự hiện diện của quá khứ trong lòng nghệ thuật hôm nay không phải chỉ là một "hồi quang" đơn giản mà tự nó đã là một "thực tại", một "vấn đề", một "dấu hỏi", một "thách đố". {Chúng] ta cần phải nói ngay rằng, ngày nay, bên cạnh sự [kiện] mà các anh cho là tràn đầy của nghệ thuật mới, quá khứ vẫn còn bàng bạc trong thế giới chúng ta. Sự kiện này cần được khôn ngoan xác nhận hơn là nhắm mắt cho nó chỉ có giá trị khêu gợi lên cái phần thấp kém nhất của con người (2). Dĩ nhiên, nghi ngờ, từ chối giá trị một nghệ thuật nào, đó là hành động tự do của mỗi con người nghệ thuật. Nhưng tôi không tán thành hoàn toàn khi các anh nghi ngờ, từ chối giá trị nghệ thuật tiền chiến Việt Nam vì nó không là mẫu mực (3) cho chính nghệ thuật thuở đó. Vì tôi không tin rằng có một thực tại nghệ thuật như các anh nghĩ, vì làm gì có một thứ nghệ thuật có giá trị [như là đại diện] cho nghệ thuật thời đại đo.ù (Nó phải thế nào?) Làm gì có một khuôn mẫu, một kích thước văn nghệ cho văn nghệ chính thời đại đó? (Nó phải thế nào?) Trừ khi chúng ta quan niệm một nghệ thuật phải thế này thế nọ, và bắt buộc mọi người làm nghệ thuật phải tuân theo, như nghệ thuật làm lớn cuộc đời, đóng vai vũ khí hành động, kiến thiết xã hội như các anh vẫn [… một đoạn không đọc được].

Bởi vậy, là vô lý nếu không là nông nổi lãng mạn, khi chúng ta nhân danh một nghệ thuật lên án một nghệ thuật. Nghệ thuật là một trong những thể hiện lớn lao nhất của tự do con người. Ở đây tôi không muốn đi sâu vào giá trị cụ thể của nghệ thuật tiền chiến mà các anh phủ nhận. Tôi thấy thái độ cần thiết là xem nghệ thuật tiền chiến như bất kỳ một nghệ thuật nào – kể như một công trình nhân loại, một sự sống và tác phẩm, nó là sự sống. Nghĩa là dù muốn dù không ta không thể coi nó như là một thứ vô giá trị, một thứ hư không. Sự sống nghệ thuật là một giá trị tối thiểu hiển nhiên. Nghệ thuật là một giá trị vì nó là sự sống. Nghĩa là nói đến một xác chết nghệ thuật (4) là một cái gì không thể quan niệm được.

Để loại nghệ thuật tiền chiến và người của nghệ thuật tiền chiến ra khỏi hàng ngũ nghệ thuật bây giờ, các anh đã xác định lại danh từ thế hệ – theo các anh là thành phần ý thức hành động và đấu tranh, và thời đại theo các anh, có thể bao gồm cả những thành phần bảo thủ, phản tiến hóa. Định nghĩa danh từ đúng. Nhưng xác định ấy chỉ là một việc thừa, vì lịch sử không là lịch sử của thế hệ nào, lịch sử bắt buộc phải là lịch sử của tất cả các thời đại, thời đại hiểu theo nghĩa một toàn thể không phân biệt một thế hệ, một giai cấp, một nhóm người chọn lọc nào. Không thể phủ nhận được rằng lịch sử cùng thời đại của chúng ta hôm nay là lịch sử thời đại của mọi tâm hồn hiện diện, trong đó có những người của nghệ thuật tiền chiến. Vấn đề là, không phải làm sao dứt bỏ bầu không khí tiền chiến bằng cách quật ngã giá trị tiền chiến trên bình diện nghệ thuật có tính cách thời đại của nó, mà làm sao thay đổi chính ý thức của người làm nghệ thuật tiền chiến còn sót lại, và cả những người bênh vực, trung thành với nghệ thuật cũ. Phải thay đổi ý thức mà tôi gọi là ý thức văn nghệ tiền chiến, phải chăng đó mới là việc làm của các anh, việc làm mà các anh chưa, hay không nghĩ tới? Có khả năng thay đổi được không, điều đó còn tùy thuộc vào các anh. Nhưng tại sao phải thay đổi? Vì họ và các anh đã cùng trải qua một giai đoạn lịch sử - ngày 20-7 chẳng hạn, là ngày của mọi con người Việt Nam, nhưng thực trạng nghệ thuật ngày nay cho thấy vẫn còn có một cách biệt lớn lao giữa hai ý thức hệ.

Sự kiện nhỏ trên đây dẫn đến chỗ nghi ngờ ngay chủ trương nghệ thuật mà các anh đã phát biểu: nghệ thuật bắt nguồn từ một thực trạng xã hội, một vận động lịch sử, để dẫn đến chỗ hành động, hình thành con người và xã hội mới (5). Hiểu theo nghĩa này, nghệ thuật đến từ một yếu tố ngoại tại có tính cách giai đoạn, do đó ý thức nghệ thuật, bản thể nghệ thuật, và chính nghệ thuật cũng chỉ là giai đoạn ngắn ngủi. Thực ra yếu tố xã hội, lịch sử, vật chất chưa đủ để tạo nên một ý thức nghệ thuật. Bằng cớ hiển nhiên nhất là lớp người của nghệ thuật tiền chiến vẫn sống đầy đủ trong những điều kiện chung của lịch sử trong khi nội tâm họ vẫn không thể hiện một thay đổi nào. Dĩ nhiên điều này một phần đến từ cái hời hợt, khép kín, ích kỷ của họ. Không thể chủ trương đơn phương rằng nghệ thuật là biện chứng tất yếu của một giai đoạn xã hội hay lịch sử (… một đoạn không đọc được). Vậy thì mọi người có quyền hỏi: con người Việt Nam mới, xã hội Việt Nam mới sẽ phải thế nào? Với một nghệ thuật "thực nghiệm" như thế, chắc các anh đã có sẵn trong tay những chương trình chẳng khác những nhà làm chính trị với những diễn từ của họ. Nghệ thuật có bắt buộc phải làm tròn những sứ mạng lớn lao như thế chăng? Tại sao? Nó có thể làm tròn chăng? Tôi chọn thái độ nghi ngờ. Trong viễn tượng ấy, nghệ thuật sẽ đồng nghĩa với những chiến thuật mà người ta vẫn dùng trong các trận túc cầu, mưu lược trong một trận chiến tranh. Và tác phẩm nghệ thuật thay vì thể hiện con người chỉ còn thể hiện hành động giai đoạn, hời hợt của nó. [Tôi] Nghĩ rằng nghệ thuật không thể có những tham vọng cải tạo đời sống xã hội, con người nhất là đời sống thiết thực. Tác dụng và giá trị nghệ thuật cần phải được xác định lại. Nghệ thuật cần được trả về vị trí của nó để khỏi biến thành chính trị, tôn giáo, triết học. Một quan niệm nghệ thuật tiến bộ không phải là một quan niệm đã tìm gán cho nghệ thuật những cứu cánh dù là cứu cánh lớn lao cao cả. "Nghệ thuật cho một cái gì, vì một cái gì đã không còn là một nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật ở chỗ nó là một cái gì vô ích nhưng cần thiết đối với chúng ta." Nói nghệ thuật là tiếng gọi, nó mới chỉ là tiếng gọi đề nghị. Nói nghệ thuật là một cải tạo, đó chỉ mới gây một sao xuyến, thay đổi nào đó. Không cần phải một sao xuyến, thay đổi có giá trị hay không, trong ý thức con người. Nghệ thuật không mang lại cho con người một lợi ích thực tiễn như kinh tế, chính trị.

Các anh tự hào tách rời, chối bỏ quá khứ. Các anh nhân danh một nghệ thuật ý thức, giải phóng. Như vậy có nghĩa, các anh đã đi vào quá khứ ý thức giải phóng đó rồi. Nhân danh một cái gì đã bao hàm ý nghĩa hòa đồng với quá khứ. Một kết luận: không thể có thứ nghệ thuật nhân danh. Còn giá trị của nghệ thuật ý thức và giải phóng, xây dựng trên quan niệm biện chứng ra sao, khi trực tiếp hay gián tiếp phát biểu tính cách tiền phong lãnh đạo nghệ thuật của mình trong khi làm một cuộc "tính sổ" với quá khứ đồng thời tuyên dương sự thành công lớn mạnh rực rỡ của nghệ thuật mới mà mọi người đều hiểu là các anh muốn nói tới? {Hãy nhìn] Trông đến nghệ thuật các anh: trong khi đòi hỏi nghệ thuật bây giờ phải là vũ khí hành động khôi phục tiền phong cách mạng..v..v… - và các anh phủ nhận nghệ thuật tiền chiến vì nó chưa đạt đến mức đó, tất cả công việc đó là gì, nếu không là con đường dẫn đến "độc quyền văn nghệ", một quan niệm phản biện chứng mà các anh đã gán cho bọn bảo thủ phản tiến hoá.

Các anh đã tự hào trước quá khứ vì đã nhận chân được đời sống này là một tấn thảm kịch, một cơn lốc bi thảm (6). Dù muốn dù không, nhận định này đã đến từ một thứ triết học đã hơn một thời khuynh đảo tư tưởng lục địa Âu Châu. Nhưng tôi không muốn dừng lại ở điểm này. Các anh có quyền chọn lựa, đề cao một nghệ thuật các anh muốn, cũng như nghệ thuật tiền chiến với đường lối riêng của nó [mà những người khác có quyền chọn lựa]. Nói thế để đi đến nhận định, rằng nghệ thuật các anh cũng chỉ là một thứ nghệ thuật cũng như nghệ thuật tiền chiến là một nghệ thuật.

Tôi nói đó là một nghệ thuật, hơn thế nữa, nếu đó là nghệ thuật không thể chấp nhận được thì đó cũng là một nghệ thuật lỗi thời thành quá khứ đi vào lịch sử. Tại sao lại phải có những vò xé tâm linh quằn quại tiềm thức thắc mắc siêu hình mới là Con Người, là Nghệ Thuật Vươn Lên? Phải chăng người ta phải đến với cuộc đời bằng thái độ ấy? Tôi đã nhiều lần khó chịu ngượng nghịu khi phải bắt gặp rải rác trong những bài quan điểm nói về văn nghệ của các anh, những danh từ không mấy mới mẻ ấy, những danh từ không còn sống động vì đã bị lạm dụng quá nhiều. Chúng chỉ còn nói lên tính cách hình thức, máy móc, làm dáng trong một quan niệm nghệ thuật. Có phải vì cuộc đời có những tấn bi kịch mà ta có thể gọi thảm kịch chính là cuộc đời? Hơn nữa, nhìn thấy những tuyệt vọng, những khổ đau, những khía cạnh phi lý, những tấn kịch bi đát, như thế đủ chăng để được gọi là dấu hiệu của tiến bộ, của trưởng thành? Nghĩ rằng người ta chưa nắm được cuộc đời trọn vẹn, khi người ta chỉ nắm được một khía cạnh của nó, cho dù là khía cạnh chính yếu, lớn lao. Nói như Brico Parias (?), có phải chăng chúng ta là những bọn người trưởng giả không biết đến hạnh phúc của chính mình?

Thật ra cuộc đời không là gì cả trong khi người ta không ngớt gọi nó bằng nhiều cái tên khác nhau: thảm kịch, nôn mửa…. Cuộc đời chỉ hiện hữu ngay trước chúng ta. Thế thôi. Và chỉ có thế thôi. Bởi vậy gán cho nó bao nhiêu danh từ, bao nhiêu nhãn hiệu (?) đó chỉ là cách thế (?) lười biếng trước cuộc đời. Nhận định về cái bi đát, phi lý, buồn mửa của cuộc đời này chỉ là một "tự phóng" (auto-projection) của ý thức bất mãn bị cản trở cho nên nó không phải chính là thực tại, do đó không bao giờ ta chinh phục được nó, vì chinh phục là gì nếu không là nắm lấy trọn vẹn hết ý nghĩa không thêm bớt, nội tại, ngay trong đối tượng.

Thời đại chúng ta không thể chỉ được giải thích bằng những danh từ im lìm, băng giá của tâm lý học, xã hội học, siêu hình học. Sự thật và cuộc sống không nằm trọn trong những danh từ ấy. Tại sao lại phẫn nộ hoang mang, thắc mắc quằn quại, trước thực tại vì thử hỏi khi đó cuộc đời có thay đổi chút nào không hay nó vẫn tràn đầy ra đó, ương ngạnh và tự do? Nó vẫn không mảy may thay đổi với người học trò vẫn đi học, người thợ vẫn âm thầm làm việc, nó vẫn gần gũi và xa cách chúng ta muôn trùng. Một nhà văn Mỹ, Kerouac, đã nói: "Tôi sẽ phải chọn lựa giữa văn nghệ và nghề lái xe chạy trên các con đường trong nước Mỹ. [Tôi] Nghĩ rằng tôi nên chọn nghề lái xe vì ở đó ‘tôi sẽ không phải phát biểu gì cả mà tất cả đều có thực’." Tôi tìm thấy trong lời nói ấy một thái độ nghệ thuật lớn lao, dũng cảm, mà mọi chủ trương nghệ thuật kết thành bằng những danh từ, những lý thuyết xuông không thể nào sánh được.

Vì cuộc đời vẫn tiếp diễn, bình yên và bất khả xâm phạm trong khi những tác phẩm nghệ thuật vẫn tiếp tục ra đời và tạo nhiều dông bão trong những câu chuyện vô trách nhiệm, trong những tách cà phê.

Những thắc mắc oằn oại vò xé mà các anh tự hào rút cục cũng chỉ là một khía cạnh phản lại khía cạnh im lìm say ngủ của nghệ thuật tiền chiến. Nó [những thắc mắc oằn oại…] có thể là một thành kiến, một cuồng tín, một thái độ thu hình trốn tránh như bao thành kiến, cuồng tín, cùng thái độ thu hình khác, biệt lập với cuộc-đời-từng-phút-từng-giây.

Nếu các anh trách nghệ thuật tiền chiến say ngủ mơ màng trước vận động diễn hành của đời sống, [như vậy là] bao gồm ý nghĩ bất lực, đớn hèn, thì ngày nay ý thức "làm mới, lay động, đốt cháy, sáng tạo sự vật" của các anh cũng đã nói lên sự thất bại trước cuộc sống. Chiến thắng trước đời sống không có nghĩa là tiêm vào ý thức nghệ thuật niềm khát vọng cải tạo cuộc đời, như những người của nghệ thuật tượng trưng đã có thời tham vọng thực hiện. Chiến thắng trước đời sống chỉ có nghĩa là chấp nhận nó, trần truồng, mới nguyên, và trọn vẹn, không cần thắc mắc, không cần tra hỏi và tách biệt hẳn những ám ảnh của những môn học sách vở đầy ngập những chủ nghĩa, lý thuyết, phán đoán, danh từ. Một nụ cười viên mãn, một nét nhăn đăm chiêu nổi loạn, hai thái độ này không cần thiết cho một thái độ trưởng thành đối diện với thực-tại-từng-phút-từng-giây.

Trước một kích thích, tôi đã biểu tỏ một phản ứng. Tôi lập lại, những ý nghĩ trên đây không ở chỗ tiếp nhận hay bác bỏ. Vì chúng chỉ nói lên một phản ứng tự phát và độc lập.

Huỳnh Phan Anh & Dương T. Thảo

Chú thích:

(1). Mai Thảo: Con đường trở thành và tiến tới trong nghệ thuật hôm nay. Sáng Tạo số 6.

(2). Thanh Tâm Tuyền: Nói chuyện về thơ bây giờ. Sáng Tạo số 2.

(3). Mai Thảo, bài đã dẫn trên.

(4) Nhìn lại văn nghệ tiền chiến, Sáng Tạo số 4.

(5, 6). Mai Thảo, bài đã dẫn.


Nguyễn Quốc Trụ giới thiệu

Chú thích của người giới thiệu: Nhân chuyến trở lại Sài Gòn (Tháng Sáu, 2001), gặp lại Huỳnh Phan Anh, được anh kéo tới gặp Dương Trần Thảo, tức Dương Văn Ba, cũng bạn bè thời còn học trung học. Cả ba đã từng phụ trách trang văn nghệ cho tuần báo Mã Thượng, của Trịnh Vân Thanh. DVB, trước 1975 đã có thời gian làm dân biểu, lúc này làm chủ một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn. Trong lúc vui câu chuyện, HPA cho biết mới tìm lại được bản vỗ - bài sửa morát trước khi cho in - bài viết trên đây.
Những chữ trong ngoặc [....] là của người giới thiệu.

NQT