Thiên
đường
Tính đúng tính đủ thì người đàn bà đã
được nghe hai bảy lời tỏ tình
trong suốt thời con gái. Nghĩa là từ tuổi mười sáu cho tới tuổi hai
lăm. Thời con
gái với nàng chỉ như vậy. Không bắt đầu từ lần thấy kinh đầu tiên đầy
khiếp
hãi giữa một tiết giảng văn đặc biệt của cô chủ nhiệm dành cho cán bộ
phòng
giáo dục tới dự giờ. Không kết thúc bằng một đám cưới mà cả dâu lẫn rể
và
hai họ đều phờ phạc trong cố gắng cười xòe ngay được một cái để xóa cái
mặt vừa nhăn như bị rách, những khi có dáng khách. Nếu tính thế thì
nàng
vĩnh viễn trong tuổi con gái, vì cho đến giờ nàng vẫn chưa có ý định
cưới
thật bất kỳ ai trong số đàn ông đã đang và có thể sẽ sống cùng.
------------
Với người đàn bà, tuổi con gái bắt đầu
từ lúc biết bứt rứt trước vẻ thờ
ơ của chàng lớp trưởng đẹp mã và học giỏi nhất lớp, và kết thúc ở cái
ngày lạ lẫm thấy mình bình thản trước mọi sự, trong khi ăn vẫn thấy
ngon, vẫn thấy
mình quan tâm tới dáng tới da, và chú ý sao cho những nụ cười, những
chớp
mắt, những động tác buông bắt không trở thành vô lý, trước khi quyết
định
cho người đàn ông nào được qua đêm trong phòng mình.
--------------
Người đầu tiên tỏ tình với nàng chính là
anh chàng lớp trưởng đã làm
nàng điên đầu suốt nửa cuối năm học lớp chín. Trời ơi! Cái khoảng thời
gian ấy mới kỳ diệu làm sao! Ngày nào cũng được nhìn thấy người ta, có
thể vừa cắn quả sấu non chua đến thiết tha và cười phá lên làm người ta
bối rối. Ngày nào cũng có thể có một niềm vui âm thầm khi chứng tỏ được
bản thân giữa một đám con gái cũng thiếu vô tư hệt như mình khi đứng
trước lũ con trai cùng lớp cùng trường. Và đêm đêm, tha hồ nằm đúc kết
rút tỉa ý nghĩa từ mọi lời
người ta nói với mình hoặc không với mình, tìm trong mỗi từ người ta
thốt
ra một sắc thái bổ sung có lợi. Rồi ghen khổ ghen sở với bọn con gái
cùng
lớp, từ đứa xinh nhất diện nhất tới đứa học giỏi nhất, từ đứa tính khí
lừng
khừng ngông nghênh làm máu bọn con trai sôi sình sịch tới đứa chững
chạc
như sách giáo khoa vừa trúng bí thư Đoàn. Lớp trưởng với bí thư, ngang
phân
về học lực và vai vế trong lớp... —!
-------------
Đùng một cái, đúng là đùng một cái,
không cần phải cố gắng chút nào,
nàng
tỉnh queo trước cậu chàng lớp trưởng đang say sưa trong cảm giác lần
đầu
liều nắm cổ tay con gái khi đạp xe bên nhau trên phố một đêm mất điện.
Tất
cả chỉ vì ông thầy dạy lý mới được nhà trường phân chủ nhiệm lớp. Ông
thầy
mới đẹp làm sao. Miệng rộng và môi như vẽ. Mũi thanh. Còn mắt, nhìn ai
cũng
như nhìn đâu đâu, chăm chú mà hờ hững. Lại giảng hay cực kỳ. Ông thầy
có
một bà vợ đẹp cân xứng với chồng, trí thức từ đầu tới gót, nghĩa là
lịch
sự lạnh lẽo đến mức áp đảo ngay lập tức cả lũ con gái lớp mười mười bảy
mười
tám tuổi của chồng, khi cả lũ lễ mễ ôm quà tới thăm thầy nhân ngày hiến
chương
các nhà giáo. Nàng nhớ nàng xấu hổ đến mức tuyệt vọng khi bọn bạn phấn
khởi
liệt kê trong cuộc họp lớp những món quà đã khuân về. Cam. Ừ! Thôi!
Thầy
cô cho con ăn hay vắt nước uống cho mát phổi. Nhưng chẳng lẽ không thể
mua
được một thứ quả gì khác biếu thầy cô để thầy cô đỡ chạnh lòng vì cái
câu
bàn dân nói dăng dăng ngoài phố 'Ngày hiến cam các nhà giáo!' Thứ ăn
được
thì thế. Thứ không ăn được... Trời ơi! Chúng rước từ Hàng Đào về tượng
Bác
Hồ bằng thạch cao. Hoa hồng cũng bằng thạch cao. Và cây dừa làm từ phim
ảnh
cũ. Với thầy lý, không biết đứa nào đã quân sư quạt mo và cả lũ ý nhị
xếp
vào túi quà một cái vòng ốc. Cho con gái thầy. Đứa con trai thầy thì
đáng
ghét, y hệt mẹ. Không biết nó nhìn thấy những đe dọa gì từ các chị mà
lúc
nào cũng lừ lừ rất mất lịch sự. Còn đứa con gái thì tuyệt vời. Giống bố
như
lột. Lông mày như vẽ. Da trắng xanh. Mắt nhìn xa vắng, dù mới có sáu
tuổi.
Đẹp nao lòng. Hoàn toàn xứng đáng với tình yêu các chị lớp mười dành
cho
nó, không cần hiểu cái tình đó được chuyển hóa từ một thứ tình cảm khác
mà
các chị không định nghĩa được trước bố nó.
---------------
Cả lũ con gái cứ bừng bừng theo mỗi giờ
giảng của ông thầy vừa được nhà
trường phân công dạy các lớp chuẩn bị ra trường. Sự chăm chỉ thái quá
của lũ con gái trở thành đáng ngờ trong mắt bọn con trai cùng lớp. Tuy
nhiên, ngay cả lũ con trai cũng không thể nào cưỡng lại được lực hút
của mỗi giờ lý. Thầy lý không bao giờ nhòm đến giáo án. Gọi lên bảng
kiểm tra bài hoàn toàn tùy hứng. Cho điểm cũng tùy hứng. Nhưng trong
toàn bộ dáng vẻ uể oải lơ mơ của thầy cả lũ mơ hồ cảm thấy một sự căng
thẳng thường trực. Hay là nàng tưởng thế? Khi vô tình biết được lý lịch
trích ngang của thầy qua ông chú làm tổ chức sở Giáo dục.
------------
Ông thầy vốn con tư sản, trước học Tổng
hợp, nhưng nửa chừng thì cả
khóa phải chuyển qua Sư phạm. Chẳng hiểu vì lý do gì. Thiếu gì lý do
ngày ấy có
thể túm trong độc một câu: 'Theo yêu cầu của tổ chức'. Học xong, người
khôn
thì làm đơn tình nguyện đi dạy ở miền núi, hy vọng ba năm sau được về.
Là
nói dân Hà Nội. Người khôn hơn thì cưới luôn một cô vợ học mười cộng
hai
hay mười cộng ba (*), ra dạy cấp một cấp hai gần nhà, tính ăn theo vợ
để
được ở lại Hà Nội, rút cục thành khôn dại. Vẫn phải đi. Bao nhiêu nơi
khó
khăn gian khổ cần giáo viên. Và giáo viên xuất thân con nhà tư sản cũng
cần
phải bò tới những nơi đó mà rèn luyện tu dưỡng. Buồn cười là sinh viên
nhà
quê có nguyện vọng về quê dạy học thì lại được phân công dạy Hà Nội.
Hầu
hết đều nơi ăn chốn ở không có, được ngày tết ngày hè lại phải tốn công
lễ
mễ bê hàng phân phối căng tin lên tàu về quê, và những ngày đầu lên lớp
thì
vô cùng khổ sở chỉ vì cái giọng quê đặc của mình. Thời của nàng, người
ta
gọi thế là 'tẩm'.
-------------
Ông thầy dạy lý có tám năm dạy Lai Châu
thì được về xuôi. Thêm hai năm
ngoại thành xa thì xin về được Hà Nội tiếp quản chỗ một thầy giáo già
về hưu; tiếp quản luôn hai phòng trên gác một ngôi nhà gần chợ Hôm cùng
nghề làm ô mai của cụ kỵ ông bà bố mẹ; cô vợ đẹp và lạnh; và đứa con
trai đầu mà
ai trong nhà cũng ngờ vực nguồn gốc nhưng không ai dám nói dẫu chỉ là
úp
úp mở mở.
Ô! Chỉ thế thôi là đủ để cô học trò lớp
mười biến ông thầy dạy một môn
học cực kỳ khô khan với cô trước đó thành thi sĩ. Bây giờ, khi đã tiêu
sạch
hết ngây thơ, nàng mới hiểu ra rằng không chỉ trong tình yêu người ta
mới
thần giao cách cảm. Nếu không thế thì làm sao ông thầy lại đọc ra sự
thật
đằng sau vẻ luống cuống khổ sở của cô học trò mỗi khi bị gọi lên bảng
trong
giờ quang học. Giờ quang học. Cả lớp cười sặc sụa vì con bạn thông minh
nhưng lười biếng không làm sao tìm đủ chỗ trên bảng khi vẽ hình tìm
"ảnh"
của vật. Ông thầy cũng cười, thông báo:
- Tối nay bảy giờ nhà trường tổ chức phụ
đạo thêm cho các em chưa hiểu
hết
bài. Cậu này... Cô này... Đúng rồi! Cậu nữa... Vâng! Tôi nhắc lại: Chỉ
ai
điểm trung bình dưới năm mới được đến.
- Em! Em! Thưa thầy vừa rồi em ốm nghỉ
cả tuần... Em không hiểu bài...
- Cả lớp nhao nhao - Em nữa em nữa thưa thầy.
Ông giáo cười, gấp sổ điểm đầu hàng,
quay sang cô học trò đang cắm mặt
bên bảng:
- Cả em nữa! Nếu muốn!
--------------
Nếu muốn! Không! Nàng không bao giờ muốn
mọi sự lại là như thế. Hà Nội
đêm
chớm hè nhiều gió làm sao. Lũ bạn lần lượt râm ran chào thầy. Còn nàng
dùng
dằng mở khóa xe.
- Em ở phố nào? Thi Sách? Vậy là gần nhà
tôi đấy. Nào ta về thôi. Cho
bác gác trường khóa cổng.
Không thể đạp xe quá chậm. Nhưng cả hai
thầy trò không ai muốn đi
nhanh. Tiếng người thầy trong gió:
- Vậy là em đã biết hết về tôi. Đừng thi
vị hóa cuộc đời tôi. Nó hết
sức
bình thường. Đời người bình thường nào cũng vậy thôi em... Không... Nếu
em bảo đó là tình yêu thì tình yêu chắc chắn không phải vậy.
- Thưa... Nhưng...
- Mà nói chung thì em đã biết yêu là thế
nào đâu. Em phải tập yêu. Còn
tôi thì chán yêu rồi.
Thầy chán yêu hay thầy yêu chán ra rồi?
Ngày ấy nàng đã hậm hực và sau
này
thì xót xa nghĩ, khi mỗi lần tụ bạ nghe bạn bè cũ kể về những mối tình
mới
của ông thầy xưa. Thiên tình sử lâm ly lẫm liệt nhất là chuyện ông thầy
yêu
một cô người Sài Gòn khi sang Nga làm nghiên cứu sinh, và cùng với cô
bồ
trở thành một 'soái' (**) trước khi cả hai bị bọn đầu đen Grudia trấn
lột
đâm chết. Không hiểu tại sao yêu nhiều và liều như thế mà ông thầy lại
không
vồ lấy cô học trò. Trong nỗi nhớ tình yêu cũ dành cho người thầy cũ,
nàng
luôn cảm thấy một niềm biết ơn cay đắng.
*.
Từ thằng bạn lớp trưởng lớp mười, qua
ông thầy dạy lý, cho tới khi tốt
nghiệp đại học, nàng còn yêu tổng cộng ba người. Nghĩa là có đi chơi
hằng đêm với nhau, cầm tay, hôn, sửa cổ áo cho chàng và cho phép chàng
thám hiểm bằng môi xuống dưới hõm cổ. Không lãnh đạm và không say đắm.
Nàng yêu chỉn chu. Những người đàn ông từng ngỏ lời với nàng không bao
giờ tức tối sượng sùng với nàng, vì lời từ chối của nàng bao giờ cũng
dứt khoát và dịu dàng. Ba người đàn ông lần lượt là người yêu nàng thì
không thể tìm ra lời trách cứ nàng khi họ đi tìm một người yêu khác.
Chính vì thế mà họ lại đâm nhớ nàng.
------------
Người cuối cùng nàng yêu cũng là một ông
thầy. Ông thầy mắt sâu, đeo
kính,
râu quai nón cạo nhẵn, vui vẻ và mực thước, hơn nàng mười tuổi, là
người
duy nhất nàng yêu có gốc gác nhà quê. Ông thầy mê nàng từ lâu, ngỏ lời
với
nàng vào đêm liên hoan tốt nghiệp của khóa nàng. Nàng nhìn vào đôi môi
ông
thầy, mấp máy một tiếng vâng, lòng lạ lùng thấy mình sao bình tĩnh. Mọi
điều
giản dị y như trận Điện Biên Phủ sau khi đã kéo pháo ra rồi lại kéo
pháo
vào. Nghĩa là có chừng hai tháng hè đi chơi với nhau. (Trong thời gian
đó thỉnh thoảng nàng vẫn nhỡ miệng gọi thầy xưng em). Nghĩa là có cả
lời
bàn về một đám cưới cần phải tổ chức thật nhanh cho phù hợp với lá đơn
mà
ông thầy sẽ nộp lên phòng Tổ chức xin hợp lý hóa gia đình trước khi Tổ
chức
ra quyết định phân công công tác cho nàng. Bạn bè cùng khóa cùng khoa
tứ
tán sau khi tốt nghiệp chưa kịp biết tới mối tình ấy để mà bàn tán thì
nó
đã chấm dứt. Vào một buổi trưa. Nàng đạp xe vào trường xem danh sách
phân
công công tác đợt một. Đang tìm cách đẩy cái xe đạp không chân chống
vào
sát vách bếp nhà ông thầy thì nàng đờ người:
- Cậu tin là viết đúng ý tôi đấy chứ?
Ầ... tôi chưa nói cho cậu mừng
nhỉ? Cô học trò của cậu sẽ được phân công công tác đợt chót. Cho đỡ ồn
ào. À mà tôi đã đề nghị giữ cô ấy ở lại trường. Trước mắt làm bên giáo
vụ. Chừng hai năm thì sẽ cho thi cao học. Cậu có trách nhiệm làm sao
cho cô ấy đỗ. À, thế cậu có ghi tên người viết thư không, hay...
- Dạ thư không tên người gửi. Nhưng thầy
yên tâm. Em đảm bảo với thầy
là danh sách phong giáo sư đợt này sẽ không có tên thầy ấy... Vâng!
Chúng em đã bàn với nhau xin thầy làm chủ hôn hôm này.
- A hahaha. Cậu đánh nhanh thắng nhanh
đấy hả. Xong đại sự này thì tính
tiếp đại sự khác chứ nhỉ? Làm cái bằng phó tiến chứ nhỉ? À chỉ tiêu...
Rồi sẽ có chỉ tiêu cho cậu... Này, thế mà mình cứ ngỡ cậu tính cái cô
sinh viên năm thứ ba kia chứ không phải cái cô vừa tốt nghiệp này đâu.
Tiếng gì rất nhỏ.
- À. Ừ. Thế là phải. Tôi nhìn cô này
cũng chững chạc. Thành phần căn
bản
hả? Không? Cũng không sao. Con nhà thế lại khá giả. Thành phần thì một
cậu
cũng đủ rồi... Hahaha.
Tiếng cười cộc lốc của ông thầy già rất
được sinh viên kính sợ âm âm
trong
đầu nàng khi nàng rón rén dắt xe trở lui, rón rén ngoắc lại cái túi
lưới
có rẻo thịt và bìa đậu phụ và mấy quả cà chua trái mùa lên ghi đông,
rón
rén lên xe đạp trở về. Đầu gối không hiểu sao mỏi cứng lại. Nắng tháng
mười
se lạnh. Mãi mãi ông thầy trẻ không biết vì sao nàng lại từ chối cái
đám
cưới rất lợi lộc cho nàng kia và rất yên tâm đổ tội cho cái tính đỏng
đảnh
mới phát ở cô vợ hụt.
Nàng lên phòng tổ chức trường, xin đổi
quyết định. Ông cán bộ tổ chức
nhướn mắt nhìn nàng qua cặp kính một bên gọng gắn bằng dây đồng, đầy vẻ
thông cảm:
- Được rồi. Cô sẽ mãn nguyện. Sài Gòn
năm nay không có chỉ tiêu. Thế
nào?...
Cháu không cần về Sài Gòn à? Thích đi xa à? Tôi chuyển cho cô về Cần
Thơ
nhé. Tây Đô đấy nhé. Xa Sài Gòn. Nhưng đất này được cái dễ sống.
Ông già dò dò cây bút trên bản danh sách
đầy nét dập xóa, đổi giọng cảm
thương:
- Chả ai dại như cô. Hộ khẩu gốc Hà Nội.
Được về Hà Nội lại còn không
muốn. Bác hỏi khí không phải? Chắc cháu hận thằng nào phải không?
-----------
... Bốn năm. Ấn tượng gần như duy nhất
về Tây Đô là bến Ninh Kiều. Sao
mà lắm gái điếm. Nhưng món bò đốt lửa hồng thì ngon rụng rời. Và anh
chàng kỹ sư cơ khí người Sài Gòn ở phòng Nông nghiệp huyện gần
trường... Không quan tâm quá khứ và tương lai. Không cần biết gốc gác.
Chỉ có những đêm và đêm ghì siết lấy nhau và sau đó chẳng hiểu sao cứ
thấy rỗng cả bụng như là quên ăn đến mấy bữa. Không là người yêu. Không
là vợ. Chỉ đơn giản là đàn bà. Nàng thôi hẳn yêu từ khi đó. Cũng không
hò hẹn. Chỉ báo ngày ra Hà
Nội chuẩn bị đi Puskin (***). Ở Nga, sau này nàng có gặp lại chàng. Rất
là
vui vẻ. Nàng không kể cho chàng nghe về cái lần đi giải quyết hậu quả ở
bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngay sau hôm từ Cần Thơ ra để lo giấy tờ lên
đường.
Mọi sự thực là giản dị.
*.
Cũng giản dị y như bây giờ. Khi nàng đêm
đêm nằm bên người đàn ông nàng
đã nhận lời sẽ lấy làm chồng. Chàng có học, có nhiều năm làm việc ở
châu Á, rất hài lòng vì sắp lấy được một cô vợ người Á tính nết trầm
lặng khác hẳn người vợ đồng chủng của chàng ngày trước. Cuộc sống mới
bình yên làm sao! Nhưng không hiểu sao nàng toàn mất ngủ. Nàng thiếu
gì? Không lẽ lại là tiếng dế kêu ri ri đã làm nàng điên hết cả đầu cái
thời mới là cô giáo dạy tiếng Nga ở cái trường huyện xa xôi ấy? Không
lẽ lại là mùi hoa sấu chua
chua ủ suốt nỗi nhớ của nàng về cái đêm duy nhất được đi bên người thầy
yêu quý? Không lẽ nàng mất ngủ vì anh chàng kỹ sư người Sài Gòn đã con
sống con chết với nàng vừa chạy qua đây xin tỵ nạn? ...
Nàng không ngủ được. Còn bởi cứ chợt
thiếp đi là lại mơ. Toàn những
điềm chết chóc. Đàn bà chửa. Rắn bò ngang đường. Máu.
Đêm nay cũng vậy. Cổ và ngực nàng toát
mồ hôi lạnh. Nàng gượng nhẹ ngồi
dậy, với cái áo ngủ tròng qua đầu, không nhìn người đàn ông đang ngáy
rất vô tư, lần mò qua bếp, bật chiếc đèn chùm, rót cho mình một cốc
nước suối. Giấc mơ chả còn đáng sợ. Nhưng vẫn ám ảnh nàng. Ừ! Chết!
Chết là được lên thiên đường. Nhưng thiên đường chả phải là đây ư? Phút
này? Ngày mai? Ngày kia? Giữa bầu trời này mặt đất này? Nàng nhớ lá thư
mới nhận được. Anh chàng Sài Gòn than thở về nỗi mãi không biết sẽ được
ở lại hay về. Nàng nhớ lá thư nhà mới tới trưa nay. Mẹ bảo em gái nàng
đã tốt nghiệp đại học, đã bỏ
cậu người yêu gắn bó suốt mấy năm qua, đang lo học vi tính và nhất
quyết không yêu ai. 'Để nếu con lo được cho em sang bên đó cùng con thì
nó dễ đường
tính tiếp. Thế thì bố mẹ cũng yên tâm là các con có chị có em...' Mẹ
viết
vậy. Có vẻ mẹ chẳng băn khoăn gì lắm về kế hoạch gả chồng cho con không
cần sự có mặt của mình... Nàng nhếch môi. Phải! Thiên đường là đây!
Phút
này! Ngày mai! Ngày kia! Giữa bầu trời này mặt đất này! Như cái cốc
này,
đẹp, dễ vỡ, nhưng trong lúc nó chưa vỡ thì chẳng ai lại đang dưng đùng
đùng
đem ra đập cho vỡ. Nàng xoay xoay mãi cái cốc trong vắt còn lấm tấm mấy
giọt nước trên thành, thở dài, mỉm cười, rồi đứng dậy cẩn thận đặt nó
vào
bồn rửa. Rồi nàng tắt đèn. Rồi nàng rón rén lần theo bóng tối, về
giường.
Lê
Minh Hà
10.1999
Chú thích:
*. Mười cộng hai, mười cộng ba: các cấp
đào tạo giáo viên trong nước
một
thời.
**. Soái: Tiếng lóng chỉ những chủ làm
ăn buôn bán lớn ở Nga và một số
nước
Đông Âu cũ.
***. Đi Puskin: Chương trình bổ túc
tiếng Nga cho cán bộ chuyên ngành
tiếng Nga trước kia.