pht

GIỚI THIỆU

  

Xin tằm hãy biết thương tơ.
Phan Huyền Thư


Bắt đầu từ một chuyện "tiếu lâm đời mới " nhưng không mới và cũng không vui, như thế này: "Bọn quỷ sứ canh vạc dầu dưới địa ngục bảo nhau, nếu một lúc mà thả ba người Mỹ vào vạc dầu phải đậy lại nắp cẩn thận. Thả ba người Trung Quốc vào thì càng phải đậy chặt. Nhưng thả ba người Việt Nam vào thì khỏi phải đậy nắp!" Tại sao vậy? Lý do là: Người Mỹ vốn rất cá nhân, mạnh ai nấy sống nên thế nào cũng có người nhảy vọt được ra ngoài. Người Trung Quốc thì rất đoàn kết, thế nào người ở dưới cũng chịu hi sinh để công kênh người ở trên trèo ra. Nhưng người Việt Nam, nếu một người có cố nhoi lên được thì cũng bị những người ở dưới kéo tuột xuống: Thà hy sinh tất cả "lút" (cả nút, cả lũ) chứ nhất định không chịu để cho đứa nào ngoi lên, cho dù là để "chết", ở trên đầu mình được!

Câu chuyện này bạn có thể nghe ở nhiều nơi khác nhau. Trên một chuyến xe có bác tài vui tính ưa kể chuyện trên đường đi công tác. Trong một quán bia thơm nức mùi xào nấu, hay ở một cái vỉa hè khiêm tốn với dăm ba chén nước chè. Trên ghế đá đọc báo dưỡng sinh buổi sáng của các cụ hưu trí nhàn đàm. Hay vắt vẻo trên lưng "ngựa" của mấy bác xe ôm lúc đợi bắt khách.... Điều đó chứng tỏ, người Việt Nam mình rất hóm hỉnh, rất hiểu mình... rất thích lối nói trào phúng. Nhưng, điều rõ hơn cả, mà ai ai cười tít sau khi nghe câu chuyện này đều hiểu, đều biết, đều thừa nhận: Người Việt Nam mình không biết (hay không thích) yêu thương nhau. Người Việt Nam mình rất khó khăn trong việc công nhận thành quả "của nhau".

Cho phép tôi mở bài viết theo kiểu "mình tự hành hạ mình", "Người Việt Xấu Xí", như vậy sẽ dễ nói thẳng, nói thật, về những điều không phải ai cũng muốn nghe, mặc dù ai cũng có thể cảm nhận được. Nhất là khi chúng ta sắp nói đến một chuyện hoàn toàn mới, hoàn toàn vĩ mô, tràn đầy cảm hứng và rất thời đại: Hội Nhập. Hội Nhập và Hội Nhập... Thời này là thời của Hội Nhập. Chúng ta sẽ hội nhập như thế nào? Bằng cái gì?

Có thể chúng ta nhận ra, nhưng không dám thừa nhận, rằng chính chế độ bao cấp, bình quân chủ nghĩa, tập thể chủ nghĩa có một cái gì đó rất phù hợp với tính cách người Việt Nam mình. Khi mà cái tôi buộc phải làm bé đi trước một cái ta lớn lao, và (lạ lùng thay!), xã hội khi đó còn tỏ ra có chút tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Không phải quay về khóc than cho một thời lành mạnh của quyền lợi đâu, nhưng rõ ràng là một niềm tin chung, một lý tưởng sống chung và đặc biệt là, cái "mặt trái của tấm huy chương", tức tâm lý "cá mè một lứa" khiến cho mọi người tỏ ra yên tâm hơn, vì "tuy mình không hơn ai nhưng cũng chẳng ai hơn được mình".

Trở về với cuộc sống hiện tại của cơ chế thị trường, không khó khăn gì để nhận ra tính chất "thị" (chợ) ngày càng tác yêu tác quái. Các cụ ngày xưa ví von "trâu buộc ghét trâu ăn". Nhưng vào thời buổi hiện nay, trâu buộc ghét cái thừng, trâu ăn ghét cái cỏ, của nhau. Thật đáng tiếc khi phải nghĩ đến một ngày không xa, cái chất "chợ" ấy sẽ trở thành cốt lõi của luân lý đạo đức.

Chẳng hạn như nạn phong bì, cho đến giờ vẫn còn tồn tại trong mọi hành vi ứng xử của chúng ta để rồi người ta có thể mua bán một cách lịch lãm, tinh tế những thứ (không ai muốn nghĩ là mua được) như: bằng cấp, chức tước, danh dự, nhân phẩm... sự thẩm định giá trị của vật chất còn có thể mua được huống gì... chỉ là tinh thần!

Tôi sợ mình sẽ lan man sang phạm vi đạo đức xã hội mà quên mất điều định nói, đó là phép ứng xử với nhau trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, một lĩnh vực được tiếng là của những người có tài năng, của tầng lớp tinh anh (élite) trong xã hội... Nhưng, trong khi các tầng lớp khán giả nghiêm túc kêu ca vì sự bùng phát các ca khúc diễm tình, và các ban nhạc "dưa-cà-mắm-muối" mọc như nấm thì không ít các nhạc sĩ bác học, chính thống của chúng ta còn đang mải đi đòi tiền, kiện tụng về bản quyền với các ca sĩ, với các nhà xuất bản băng đĩa nhạc, rùm beng và nhốn nháo cả lên. Một bài hát, đưa ra công chúng gặp được ca sĩ giỏi, băng video quay đẹp, hoặc bài hát đó gắn với một bộ phim hay thì đằng sau đó lại có vụ kiện tụng, thậm chí lăng mạ nhau, rằng lời thơ là của anh A hay là của ông B... người nọ bảo là người kia ăn cắp của mình, rồi than vãn trên báo chí...v..v . Thế là các nhạc sĩ quyết lập cho bằng được một tổ chức chống ăn cắp bản quyền tác giả, và vì quá bận rộn với chuyện đời thường, nên không có thời gian sáng tác. Vả lại, trước khi sáng tác, bây giờ họ còn nghĩ cách làm sao để bảo vệ bản quyền cho ca khúc mình sắp viết được triệt để nhất!

Thảm hơn nữa, nhạc sĩ nọ không chịu đựng nổi việc ca sĩ A, giọng ca B, "nổi tiếng được là nhờ có ca khúc của mình"! Nhà thơ kia nổi tam bành vì "không có lời thơ của tôi, ông ta làm sao viết được ca khúc đó..."! Rồi vì tiền bạc, vì không chịu được sự thành công của người khác, vì không muốn ai hơn mình nên họ sẵn sàng lăng mạ nhau không tiếc lời ở bất cứ "một dịp may", và "nhất là", ở trên mặt báo chí...

Đành rằng vấn đề bản quyền là một chuyện quá ư chính đáng, trong một nền kinh tế thị trường, nhưng ở đây, có một điều gì đó không chỉ "phi", mà còn "phản" thị trường. Rõ ràng là, nếu nhạc sĩ đó, thi sĩ nọ... thay vì lo chửi nhau, hoặc đưa nhau ra tòa, họ cùng "công kênh nhau", để tiếp tục sáng tác, tiếp tục kiếm thêm tiền, tiếp tục ngày càng nổi tiếng, chẳng là hay hơn ư?

Nghĩ lại, thấy tiếc cho các nhạc sĩ lớn đã quá cố. Chẳng hạn như Văn Cao, bản quyền Quốc Ca của ông sẽ phải xử lý thế nào?

Trong một vài lĩnh vực nghệ thuật khác, chúng ta tự đặt ra một sự kiểm duyệt rất phi nghệ thuật. Cái việc ngồi duyệt tác phẩm của người khác thật là khoái chí, được ngồi phán năm phán bảy về những lao tâm khổ tứ của kẻ khác, bỗng chốc cái máu dìm nén lại nổi lên, thế là chỗ này chưa rõ về ý đồ chính trị, chỗ kia tư tưởng không được mạch lạc, dễ gây hiểu lầm... Thế rồi cắt xén chỗ nọ, phạt bỏ chỗ kia là chuyện không thể tránh khỏi với các bộ phim, với các vở kịch. Hãy thử hình dung xem, biết bao nhiêu ý tưởng, biết bao đề tài khác nhau của cuộc sống vì không chịu được đòn "chui lỗ kim" của hội đồng duyệt kịch bản mà vĩnh viễn chỉ là ý tưởng, không bao giờ thành phim, thành kịch?

Các loại hội đồng kiểu như vậy nghiễm nhiên ngồi xoa đầu những người sáng tạo. Cái chính là, khi ra khỏi hội đồng duyệt, không ít anh chị em sáng tác đều to mồm chửi họ là ngu dốt, không biết gì mà cũng ngồi lù lù ở đấy! Nhưng rồi cũng lại nghiến răng mà làm theo sự thẩm định, chỉ đạo "ngu dốt" của họ để làm ra những bộ phim, những vở kịch. Chẳng lẽ lại tại... hội đồng duyệt? Thử thay một hội đồng mới, thành phần gồm những người đang làm nghề xem sao? Điều đó chắc là không thể thực hiện được với nền nghệ thuật và kiểu quản lý nghệ thuật của ta. Bởi vì sẽ chẳng có ai (kể cả tôi nếu được mời vào một Hội đồng duyệt) dám chắc rằng mình sẽ ứng xử như thế nào trước thói đố kỵ và tâm lý không chịu chấp nhận thành công của kẻ khác. Nó quá lớn.

Vì nó quá lớn, nên đâu có được lợi lộc, danh vọng hay tiền bạc gì nhưng người ta vẫn không thể đành lòng ngồi yên. Một chuyện có thật, mới vừa xảy ra và còn đang tiếp tục trong giới văn chương. Một người cũng ưa làm công việc viết lách, phê bình văn chương đã "đấm ngực" kêu trong một cuộc hội thảo văn học là đau đáu mà mong chờ cái mới, thậm chí, ông tuyên bố rất đau đớn: "đốt đuốc đi tìm nhà phê bình văn học" để than rằng "cái loại ấy" (tức là những nhà phê bình cho ra hồn, đủ tầm cỡ, có giọng điệu, độc đáo và mới lạ, đại khái là có tâm và có tài...) sao mà khó kiếm. Đốt đuốc lên tìm mà vẫn không thấy! Vừa hay, một cuốn sách phê bình văn học của một tác giả trẻ ra mắt. Cuốn sách cũng nhận được không ít lời động viên, khen ngợi của một số nhà văn có uy tín trên báo chí và các tiệc trà, bia bọt vỉa hè của giới văn chương... Thế là, cái đau đáu đốt đuốc đi tìm của nhà phê bình nọ biến đâu mất, ông liền tức tốc ra một bài sấm sét ở mục Đọc sách (mà dài những 6 trang in) để cố lôi đủ những đại danh nhân, thi hào của nước Đại Việt ra mà "dựng hàng rào sút phạt", nhục mạ nhà phê bình văn học trẻ nọ đã vô ơn, quên phắt mất các vị liệt tổ liệt tông mà đi theo học những ông tây, bà đầm; dám cả gan trẻ hơn, thành thạo máy tính, làm thuê cho công ty nước ngoài ....vv... tức là rất nhiều thứ phi văn chương được qui chuẩn về giá trị đạo đức để hạ nhục đồng nghiệp trẻ. Ông gọi anh bạn trẻ là "tính cách con dơi" trong khi đọc bài viết của ông cũng thấy không ra chim, chẳng ra chuột. Và cái chính là, người ta chẳng hiểu gì về cuốn sách mà ông định phê bình (những 6 trang chữ chi chít) ngoài những dòng qui kết và nhục mạ tác giả của nó. Tôi sẽ không dài dòng với việc này, nếu không có một chuyện nực cười hơn xảy ra: ngay sau khi in trên báo, bài báo đó được trao giải bài viết hay trong năm (không thèm để ý đến việc đa số độc giả còn chưa kịp đọc). Làm sao người ta có thể đếm hết được những nụ cười thoả mãn của cả một "hội đồng tổng cốc" đã tung hô bài phê bình kia?

Biết làm sao được, vì "Nó" đã quá lớn, quá mạnh. Cho nên, những chuyện như vừa kể trên thật là nhiều. Và thật là buồn vì chúng lại thật nhiều. Tôi xin kể lại một câu chuyện, đúng ra là một bài học lớn của riêng mình cách đây đã gần mười năm. Một nhà báo nước ngoài sau khi xem phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh đã nhận xét: " Trong phim, có một cảnh: khi phát hiện ra các em học sinh viết trên tường chế đôi "Thầy Khang+ cô Duyên" cô giáo đã hỏi "Em nào viết?". Một em đã đứng dậy và mách: "Thưa cô bạn Sửu viết ạ!" Đó là một nét tính cách rất độc đáo của người Việt Nam, trẻ con ở phương Tây sẽ không làm thế, chúng sẽ để cho người bạn đã gây ra chuyện tự giải quyết (một cách chủ động và trách nhiệm). Điều đó chứng tỏ Đặng Nhật Minh đã quá hiểu dân tộc mình. Ngay từ khi còn là trẻ nhỏ, chúng ta đã được khuyến khích vai trò chỉ điểm, tố cáo và nó xuất phát từ cái gì, nếu không phải là sự đố kị và không yêu thương lẫn nhau? Chỉ có vài dòng rất ngắn về một chi tiết rất nhỏ ấy, tôi xin liên hệ để chúng ta có thể tự hình dung, nếu chúng ta hội nhập văn hoá thì người nước ngoài sẽ nhận thấy những gì!

Một điều nhất thiết tôi phải xin được viết ra, đấy là sự thái quá của những chuyện tôi vừa nhắc đến trong bài viết. Mọi người chắc không vì sự thái quá này mà tranh luận lại với tôi cho tốn giấy mực. Con tằm khi rút hết ruột gan của mình để làm kén, cái kén cũng đã bao bọc, cho nó một vẻ đẹp của những sợi tơ óng ánh. Chúng ta cũng rút hết tinh tuý của mình để cống hiến cho nghệ thuật, vậy thì, mượn lại một câu dân ca quan họ Bắc Ninh: "Con tằm hãy biết thương tơ" để mong các văn nghệ sĩ đừng "ghét tơ" của nhau.

Tôi xin dừng lại vì chắc cũng đã muộn, khi câu chuyện tiếu lâm hiện đại ở đầu bài viết đã lẳng lặng đi vào tủ sách truyện cười thế giới mất rồi!

PHT