Tâm sự một thi sĩ
Dường như chưa năm nào tôi mong Tết như năm nay, với một tâm trạng đa
chiều đến thế. Cứ mỗi khi nhớ lại từng chặng đường, mỗi quãng đời đã
qua, tôi lại muốn khóc. Vẫn thế, người ta khóc khi quá vui hoặc quá
buồn. Mà tôi
thì lại hay buồn. Suốt cả năm qua, tôi không có một ngày yên ổn, thanh
thản.
Người ta bảo đời người là do số. Buồn, là số của tôi? Gần 2 năm chuẩn
bị bản thảo cho tập thơ Linh, một cách đầy nhiệt huyết và kỹ lưỡng, tôi
mất
thêm nửa năm cho việc chỉnh sửa, thay đổi các bài trong tập, cuối cùng
bản
thảo được duyệt in vẫn phải bỏ đi hơn 10 bài, vì biên tập viên bảo
chúng "quá bạo liệt".
Lúc ấy tôi chỉ linh cảm được, rằng tập thơ sẽ gây dư luận. Những cây
bút tôi kính phục trong văn đàn, làng báo, hầu hết ủng hộ và mừng cho
tôi,
thêm cả nhiều nghệ sĩ khác: họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên. Đến
tháng
2/2001, cuộc tranh luận về thơ tôi (qua tập Linh) "phát nổ".
Lời bạt tập thơ đầu tiên của Vi Thùy Linh, Khát (NXB Thanh Niên) 3 năm
trước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: "Chữ bầu lên nhà thơ, hoặc hủy
diệt nhà thơ. Còn Vi Thùy Linh, nữ thi sĩ trên con ngựa chữ nghĩa dậy
thì, đã đơn độc phi thẳng vào rừng rậm thi ca, và khát. Cơn khát trào
dâng lửa
cháy rừng mà chính trái tim của nàng đã khơi lên từ ngày 16 tuổi."
Bây giờ tôi không còn là rừng lửa nữa. Hình như tôi chỉ còn ngọn lửa
cuối cùng được giấu trong lồng ngực. Tôi rất mệt mỏi và nhiều lúc nản
lòng,
tôi muốn buông bút. Tôi không còn "nhựa" hừng hực như 6 năm về trước,
như
khi làm Khát và Linh. Mệt quá rồi. Tâm hồn, trái tim, lòng tin của tôi
bị tổn thương. Mình có lỗi gì? Sống và viết quá thật, viết như mình
muốn
là có tội ư? Không tổn thương sao, khi hơn 6 năm lao động cật lực, tôi
đã
bị đem ra làm đề tài cho bao cuộc tranh cãi, đàm tiếu, luôn là mục tiêu
để mang ra chỉ trích phê phán? Tôi có gì: chỉ hai tập thơ đầy hoạn nạn.
Tôi đã nhiều lần đi TP HCM và vài vùng khác, nhưng không yêu nơi nào
bằng Hà Nội, nơi tôi sinh ra, lớn lên và viết. Nơi ấy, tôi đã yêu và đã
sống với tình yêu, dù ngày này, ở chính nơi ấy, tôi chịu nhiều "mũi
dao"
hơn hết thảy. Nơi ấy, có những người thân của tôi. Tôi thương bố và chú
út, một đạo diễn, một họa sĩ luôn phải chịu bực mình vì tiếng "ồ, à"
khi
người ta biết họ là bố, là chú Vi Thùy Linh.
Bố tôi không muốn tôi theo nghiệp văn chương, ông muốn tôi làm giáo
viên, bình thường và yên ổn. Ông luôn sống trong tâm trạng bất an vì lo
lắng
cho tôi, người phải hứng chịu những thị phi điều tiếng ác nghiệt, những
tai nạn quá sức so với tuổi của mình.
Những tai nạn đó, mà theo một số người gấp đôi, thậm chí gấp ba tuổi
tôi, nói với tôi rằng họ còn sợ, còn ái ngại nếu gặp phải. Và tôi đã
gánh,
đã chịu suốt hơn 365 ngày qua.
Sau tập Linh, tôi yếu hẳn đi. Tôi sống trong tình trạng thiếu máu và
huyết áp thấp. Hay lo nghĩ, mệt mỏi, mỗi bữa chỉ ăn được 1 bát cơm,
phải
uống nhiều nước. Trọng lượng 42 kg cho chiều cao 1,6m có lẽ là cố định.
Tóc có ít sợi bạc, bị rụng nhiều và khô gẫy. Ở bên ngoài, tôi làm việc
cật
lực, ở nhà, tôi cố vui vẻ để bố mẹ yên lòng. Tôi giấu bố tôi tất cả
những
bài báo thóa mạ, vì biết rằng ông sẽ nổi giận (bố tôi rất nhạy cảm,
nóng
tính và thương tôi lắm). Tôi thèm ngủ. Ngủ yên bình và thật sâu. Ngủ
sâu
và không bao giờ trở dậy nữa. (Có lúc tôi muốn thế). Trở lại đại học
làm
giảng viên cho cuộc đời yên ổn? Hay vẫn làm thơ, nhưng gò mình lại,
sống
có "vỏ ốc" và viết giống kẻ khác? Không, tôi không thể như thế. Tôi tự
điểm
lại mình: là tác giả trẻ nhất của tuyển tập Thơ VN 1976 – 2000 (NXB Hội
Nhà Văn), nhà thơ trẻ gây dư luận nhất hiện nay....
Trong nhiều nhận xét, người ta luôn nói "Vi Thùy Linh chỉ mới 20 tuổi"
như một lời châm chước, xoa đầu. Tại sao
chỉ mới? 20 tuổi đã là
1/3 thậm chí một nửa cuộc đời. Tôi không cần sự châm chước về tuổi, tôi
muốn nhìn thẳng vào tác phẩm. Tôi hổ thẹn ở tuổi 22, tác phẩm của mình
quá
mỏng. Tôi yêu thi ca, khát vọng dâng hiến cho sáng tạo và trong sáng
tạo
tôi chăm chỉ lao động, sống trung thực, viết trung thực. Trong một bài
tiểu
luận tôi viết: "Nội lực sáng tạo là con đường đi tới. Dù trầy xước, rớm
máu, phải đi bằng được đến đích của mình." Tôi đã đi và chưa đến, tôi
không
thể bỏ cuộc, không thể thoái thác. Sứ mệnh ấy của tôi, do tôi.
Tôi khao khát được đi trên những con đường xanh đêm Huế dịu dàng, yên
tĩnh. Cuộc sống bình thường đối với tôi là quá khó, bây giờ càng quá
khó và lại là "không bình thường". Tất cả những gì tôi có được đều phải
mất nhiều
sức và mệt mỏi, vì khó khăn ngáng đường. Nhưng tôi yêu cuộc sống này.
Quanh
ngôi nhà tôi ở, xung quanh đã xây cao, họ chặt cả cây muỗm sau nhà (đã
vào
thơ của tôi) và nhà tôi bị tối hẳn. Tôi chỉ nhìn thấy đường qua ô cửa
sổ,
chỉ nhìn thấy rộng và xa khi leo lên tầng 4 nhà mình. Ông nội đặt tên
cho
tôi, nghĩa là "cánh tay thiêng", tôi cần phải làm việc, sáng tạo, xứng
đáng
với kỳ vọng của người. Dù công việc, sự nghiệp, tình yêu của tôi vẫn xa
xôi và hình như hư vô, lại có lúc như giấc mơ bị đứt quãng lúc 4 giờ
sáng
vì tiếng băm chặt của nhà bán cháo lòng cuối dãy suốt ngày cãi nhau.
Tôi thương tôi thực sự, lúc này, vì đã khóc và buồn quá nhiều, vì đã
vắt kiệt mình để sống và viết như mình muốn. Tôi đón nhận mọi thanh âm
cuộc đời, như cách để biết ơn mặt đất sinh ra tôi, chờ đợi tôi làm được
điều kỳ vọng lớn lao trước khi đón tôi về lòng đất mẹ.
Vi Thùy Linh
(Theo Thể thao-Văn hóa)
[Trích VN-Express số đề ngày 10/2/2002]
Jennifer Tran