*

 





Một chuyện buồn nho nhỏ

Hắn tự hào là người Việt. Bao giờ hắn cũng cải chính khi được nhận diện là người Tàu, Nhật hay Triều Tiên. Dù đã đặt đơn tỵ nạn. Tỵ nạn chính trị hẳn hoi. Một cách chối bỏ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa phổ biến và bắt buộc của những người như hắn ở đất này.

Nghĩ về điều đó, hắn lại buồn cười. Rồi cười buồn. Chính chị với chả chính em. Nước không chính được pháp. Dân không chính được danh. Đành thoát thân bằng cách vượt biên hợp pháp. Bằng đường không. Không sợ chết vì vượt biển.

Hắn ba mươi tuổi. Hơn một chút. Nào hắn có định thế đâu. Các cụ xưa bảo "tam thập nhi lập". Có thêm một chút gì khác thường trong óc, khéo ra có thể thành anh hùng. Như Nguyễn Huệ?!

Nhưng làm gì cũng phải có thời có thế. Thời thì dễ gì đổi được. Thì phải có thế. Thế là gì? Như hắn tự nghiệm suốt thời sống cuộc đời trí thức xã hội chủ nghĩa ở nhà, thế là ghế của bố, là tiền của mẹ. Hắn làm gì có.

Cha mẹ hắn, (mà hắn gọi là thầy u), chừng hơn mười năm trở lại đây mới dám ngày hai bữa, để nuôi hắn học thành tài, rồi thành người thất nghiệp không chính thức. Hàng tháng, hắn nhảy xe khách về thăm các cụ, tiện thể cõng ra Hà Nội ít gạo ngon. Gạo quê mới xay lắm chất, không cần thịt cá, ăn ngọt lắm. Ăn thế, hắn đủ sức mang danh 'viện sỹ' của một viện nghiên cứu thuộc bộ Văn hóa đang ngắc ngoải vì phải tự hạch toán, hàng đêm cắp sách đi học ngoại ngữ, chờ một dịp may xuất ngoại.

Xuất được rồi, hắn ở lại luôn. Nước này đủ rộng để hắn kiếm một phòng thuộc quản lý của xã hội. Cũng phải chung đụng với nhiều dân tộc thuộc năm châu. Song quả thực rộng hơn hẳn căn phòng tập thể cấp bốn ngày trước hắn được phân ở với ba ông độc thân làm cùng viện. Nước này cũng đủ giàu để hắn chép miệng chịu nhục cho một tương lai năm năm, mười năm, hai mươi năm nữa của gia đình. May ra, hắn có thể gửi tiền về để ở nhà xoay xở cho một mảnh đất, xây lấy cái nhà, rồi tùng rinh rinh cả nhà ra Hà Nội, và thu xếp cho một đứa em chậm mồm chậm miệng đi lao động xuất khẩu ở đâu đó.

Vậy mà cũng chẳng dễ. Đồng bạn tỵ nạn của hắn người ta đi làm ầm ầm. Làm chui thôi. Vẫn ăn tiền xã hội. Lâu lâu bao gái một lần. Xấu đẹp miễn bàn. Miễn là đàn bà thật. Việc cũng tầm thường, nói giản dị và cao quý là lao động giản đơn. Chẳng cần một mồm tiếng cũng làm được. Vì họ khoẻ. Lại bạo.

Còn hắn, mang tầm vóc phổ biến của con dân châu Á, đúng hơn là của một dân tộc anh hùng đói ăn nhiều thế kỷ, lại ác hại là hắn cận, thành thử mặt hắn, với cái kính chồm chỗm trên mũi, tuy có phồng ra nhờ bơ sữa vẫn thiểu não làm sao ấy. Hắn đầy một đầu ngoại ngữ, trừ tiếng nước này, sang đây đi xin việc chẳng khác người ngọng. Lại mắc tật của bọn trót học hành, mở miệng là tính ngay đến chuyện chia động từ và biến đổi cách, thành thử lại không bằng kẻ tập mãi vẫn lắp bắp 'Việt Lam muôn lăm'. Đi xin việc, người ta nhìn hắn nghi ngại. Đến lúc hắn mở miệng thì tử tế nhất hắn nhận được câu 'Es tut mir leid...', 'Rất tiếc...'. Mà nhiều khi cũng không phải mất thời gian hỏi người ta đã 'Nein' 'Nein' rồi.

Dù sao, trong huyết quản hắn vẫn chảy dòng máu quật cường của con cháu vua Hùng. Túng. Thì tính. Hắn ngọ nguậy. Rồi vùng. Bùng sang phía đông, nguyên là cả một nước Xã hội chủ nghĩa khi xưa. Đông Berlin bây giờ là Mecca của những người phụng thờ khói thuốc (lá). Tất nhiên là khói thuốc người Đức hút.

Hắn sẵn một bụng tiếng Nga. Hồng quân Liên xô (cũ) đang chờ về nước là bạn buôn lý tưởng. Hắn nhận thuốc. Rồi giao cho các cựu vici Việt Nam, những đồng hương khốn khổ. Hắn chỉ đủ liều đến thế.

*.

Bây giờ, hắn đã giàu, khá giàu. Nhưng hắn vẫn vẫn là hắn. Soi gương, hắn thở dài. Hàng ria con kiến trồi ra trên cặp môi - theo lời cô bạn gái khoa văn ngày xưa hắn theo đuổi thì nét môi đó thường chỉ có ở những người vất vả, dễ bị tổn thương - quá mềm, không đủ làm cho hắn có cái vẻ lì lợm cần thiết trong nghề nghiệp mới. Đôi mắt hắn vẫn ngơ ngác sau cặp kính. Nhìn hắn, không còn vẻ tội nghiệp nữa, mà buồn cười.

Nhưng mà hắn không cười được. Lính Nga rút về, đi có đội ngũ hẳn hoi, sau ảnh Lê nin và cờ đỏ (!?) để lại đằng sau đội ngũ những người bán thuốc Việt Nam thất nghiệp, lo quắt ruột vì tiền nộp thuế cho maphia đồng hương và đủ thứ tiền khác đang làm lẹm đi số vốn đã gom góp được nhờ tận tình phục vụ dân bản xứ nghiền thuốc ít tiền.

Hắn muốn về. Về làm trọc phú Việt Nam thôi. Đường công danh của hắn đoạn rồi. Có điều hắn không về được. Chẳng hiểu từ bao giờ hắn nhiễm cái tính 'nước tới đâu bắc cầu tới đó'. Ngày đi, tưởng sang tới đất này là khó. Ai ngờ trở về Việt Nam quê hương còn khó hơn.

*.

... Hắn vẫn sống, trong tình nhân đạo của dân bản xứ, ung dung hơn bà con ở nhà sống trong tình hữu nghị với nhân dân các nước Lào và Campuchia. Hắn vẫn chưa có vợ. Và năm nay xấp xỉ cái tuổi nhi bất hoặc rồi.

Giờ hắn càng ít nói. Thi thoảng hắn đến nhà tôi, lừ lừ uống bia - thứ đồ uống ngày xưa hắn không biết uống, vì nhiều lý do, mà hắn thường chỉ nhấn mạnh một lý do rằng hắn không muốn mang danh bét nhè.

8. 1994

Lê Minh Hà