Bức phù điêu khắc cạn

Nguyễn Thị Thảo An



Ngoại tôi tên Mai văn Thân. Sống đến bảy mươi tuổi thì mất. Trước khi mất, ngoại trối, họ Mai là họ giả, dặn con cháu làm mộ bia phải theo tên tuổi thật, kẻo hồn ma không biết nơi nương náu. Khi sống, tài sản đã chia xong, còn thứ quý giá nhất của tổ tiên, tất cả để lại dưới cái giường gia bảo. Nói xong, ngoại mất. Đám con cháu bu quanh nghe vậy mừng thầm.

Nhà ngoại giàu, đám táng linh đình. Con cháu thay phiên túc trực canh hai chỗ: quan tài và cái giường. Đây là loại giường xưa bằng gỗ trầm. Chân, hộc giường và nóc có chạm nổi hình loan phượng. Nghe nói, do cố mua lại từ một ông hoàng sa cơ ngoài Huế. Hồi trước, con cháu chưa ai sà đít lên được, nói chi nằm. Vậy, đồ quý nhất, tất nhiên cố và ngoại phải cất ở đây.

Tang lễ xong, cậu Tư lấy danh "quyền huynh thế phụ" mời họ hàng chứng kiến việc khui giường, phân chia công bằng, không phân gái trai lớn nhỏ. Không biết ngoại giấu ở đâu, các cậu tháo hết cái giường vẫn không thấy của. Hồi lâu, ai nấy chán, cậu Tư khiêng mấy chân định dẹp thì nghe tiếng động. Tiếng sột soạt phát ra từ một chân giường. Loay hoay mãi không tháo được các chốt gỗ, các cậu nóng ruột cưa ngang. Một bao gấm lòi ra, bên trong chỉ có mấy quyển vở xưa, vài manh giấy hoa tiên cuộn tròn, ố vàng, cũ kỹ. Lật ra, toàn là chữ Nho, không ai đọc được. Cậu Tư đoán, đây có thể là gia phả. Nhiều người không tin, gia phả thật đâu cần cất kỹ vậy, nhất định phải có bí mật. Cậu Năm, cậu Bảy, hai tay mê truyện Tàu rỉ tai mọi người, cuốn sách có vẽ hình vuông, hình tròn, có thể là họa đồ. Mấy hôm sau, trong khi ai nấy ra vườn đào cây xới cỏ, cốt ý tìm kiếm chỗ ngoại chôn vàng, cậu Tư mời được một ông thầy đồ tới nhà dịch ra quốc ngữ. Thầy dịch tới đâu, cậu sai tôi chép đến đó. Nhiều kẻ ngờ, cậu Tư tham, dàn cảnh hốt trọn của. Và tôi, người đồng lõa.



Theo gia phả, ngoại tôi họ Nguyễn. Xưa, tổ tiên từ miền Bắc, vào Thừa Thiên lập nghiệp khai hoang. Không biết làm ăn thế nào, đến đời ông Nguyễn văn Toán bỏ làng vào Gia Định. Lần thứ hai chắc cũng không khá, con ông Toán là ông Nguyễn văn Tính dời vào Bình Hòa, lập nghiệp thêm lần nữa. Đến đời ông Nguyễn văn Hiền thì chán nghề nông, ông mang người con trai nhỏ là Nguyễn văn Thành bỏ làng, đi lính.

Ai chứ, ông Nguyễn văn Thành thì tôi biết. Hồi học lớp ba, tôi thấy họ vẽ ông mặc áo bào thêu đầy mây, đầu đội mũ cánh chuồn, tay bưng chén thuốc độc uống như người ta uống nước trà.

Sử chép, cuối thời Trịnh Nguyễn, quân Tây Sơn nổi dậy, thế lực chúa Nguyễn yếu dần. Năm 1775, Tây Sơn đánh chiếm Phú Yên, ông Nguyễn văn Hiền tử trận. Chúa Định Vương cho ông Nguyễn văn Thành, lúc đó mới mưới bảy tuổi nối chức cha làm cai đội dưới quyền khám lý Kỷ. Cuộc đời ông vào sanh ra tử, lập nhiều công nghiệp lừng lẫy kể từ đây. Các sách ghi, ông là người tướng mạo đẹp đẽ, tính tình trầm nghị, thích đọc sách, có tài binh lược. Từ năm 1778, ông theo chúa dự những trận đánh lớn ở Gia Định, Rạch Gầm, Thị Nại, Diên Khánh, Phú Yên, Quy Nhơn, Thuận Hóa,… Được chúa trọng dụng, giao trọng trách nắm giữ nhiều chức lớn như Trung Quân Tiền Chi Tổng Nhung Cai Cơ, Quản Tiền Phong Doanh, Khâm sai Bình Tây, Chưởng Cơ Bình Tây,…

Sau khi thống nhất đất nước, vua phong ông làm Tổng Trấn Bắc Thành. Khi ổn định xứ Bắc, ông là một nhà cai trị giỏi, am hiểu chính trị, thu phục nhân tâm. Ông dâng lên vua những kế sách bình định như: tiểu trừ thổ phỉ, loạn lạc; tổ chức chính quyền, điều chỉnh hộ tịch để cấp công điền; ưu đãi nhân sĩ để chọn người ra giúp nước; cải cách học quy, đặt các chức trợ giáo để nâng cao dân trí. Ngoài ra, ông còn xin vua phát chẩn, tha thuế cho những vùng bị thiên tai lũ lụt. Chỉ trong bốn năm, miền Bắc ổn định, ông dâng một trăm sáu mươi bốn bản địa đồ mười một trấn. Đến năm 1810, mẹ mất, vua cho táng ở làng Bác Vọng, phủ Triệu Phong. Ông nhận mệnh và cư tang ở đó. Vua sai Nguyễn Huỳnh Đức ra thay trấn nhậm Bắc Thành. Qua năm sau, vua sai ông soạn Hoàng Triều Luật Lệ, tức bộ Luật Gia Long.

Mấy năm sau, con ông là Nguyễn văn Thuyên, yêu thích văn chương, ưa giao kết bạn bè, làm một bài thơ mời hai người bạn là Nguyễn Đức Nhuận và Nguyễn văn Khuê ở Thanh Hóa vào chơi. Bài thô của người trẻ tuổi, ý ngông cuồng, lời lẽ dùng lối thậm xưng.

"Ái Châu nghe nói lắm người hay,

Ao ước cầu hiền đã bấy nay.

Ngọc phác Kinh Sơn tài sẵn có,

Ngựa kỳ Ký bắc biết lâu thay.

Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,

Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.

Sơn tể phen nầy mà gặp gỡ,

Giúp nhau xoay đổi hội cơ này."

Vua vin vào hai câu cuối, ngờ cha con ông có ý phản. Đầu năm sau, đang lúc viên Ký Lục Doanh Quãng Trị, là Nguyễn Duy Hòa dâng sớ đàn hặc thì thêm chuyện tên Hữu. Tên này là lính thuộc trung quân dưới quyền ông, bỏ chủ sang làm môn hạ Lê văn Duyệt. Hữu trộm ấn Tả quân trốn đi. Khi bị bắt, lại khai chính Nguyễn văn Thành sai hắn ám sát Lê văn Duyệt. Vua cho lời nói vô căn cứ nên ra lệnh giết, không cần tra vấn.

Trong triều nhiều người trước đây đố kỵ ông, nay quay ra gièm siểm, vua vẫn không để ý. Nhưng lại giao việc Nguyễn văn Thuyên cho Lê văn Duyệt tra vấn. Sau một lần tra, Nguyễn văn Thuyên đã thú tội. Ông Nguyễn văn Thành dâng biểu nhận tội dạy con không nghiêm. Vua chỉ thu ấn, và cho về nhà.

Lúc này, vị Tào binh cũ là Đặng Trần Thường cũng bị Lê Chất tố cáo làm việc sai trái thời dưới quyền ông làm Tổng Trấn Bắc Thành. Triều đình quy ông tội tắc trách, đã không phát hiện được việc làm sai trái của cấp dưới. Đặng Trần Thường bị xử treo cổ chết năm 1816.

Đầu năm sau, hoàng thân Lê Duy Hoán, nổi lên phục Lê. Khi bị bắt, khai chính Nguyễn văn Thuyên xúi dục. Với chứng cớ mới, vua bắt giam cả nhà Nguyễn văn Thành. Trong tù, ông viết biểu trần tình, "Sớm rèn tối kết, dệt thành sự cực ác cho cha con tôi, không khiếu nại vào đâu được. Chỉ có cái chết mới chứng được lòng trung." Cuối cùng, ông uống thuốc độc tự tử.

Vua được tin ông chết, lấy làm hối hận khóc thương, sai trả lại mũ áo và cấp năm trăm quan tiền, gấm vải, cùng ba mươi tên quân lo việc tống táng. Và, thả các người con, chỉ trừ Nguyễn văn Thuyên.

Theo sử nhận xét, cái chết ông Thành có hai nguyên nhân. Thứ nhất, ông tôn hoàng tôn Đán, con hoàng tử Cảnh làm Thái tử. Điều này làm vua nghi ngờ ông muốn lập vua nhỏ để tiếm quyền. Thứ hai, ông cậy công lớn nên sinh kiêu, nói lắm điều phạm thượng. Như khi vua chọn đất làm Sơn lăng, đào lên thấy đất ngũ sắc, ai nấy đều mừng, chỉ có ông nói rằng, "Mả mẹ tôi cũng có đất năm màu tươi đẹp hơn nhiều." Làm vua ghét.

Vụ án đến đây chưa kết thúc. Sang đời Minh Mạng, nhân vụ Lê văn Khôi nổi dậy chống triều đình. Vua ra lệnh truy nã sáu người con của Nguyễn văn Thành là Nguyễn văn Thần, Nguyễn văn Hàm, Nguyễn văn Nhâm, Nguyễn văn Truân, Nguyễn văn Huyền, và Nguyễn văn Hân đem xử tử. Đám cháu còn lại sợ hãi cải danh, bỏ trốn.

Mười ba năm sau, Đại Học Sĩ Vũ Xuân Cẩn dâng sớ xin xét lại, vua Tự Đức xuống chiếu xóa tội. Đểø đền bù, vua tìm phong cho một người cháu là Nguyễn văn Loại chức cai đội, tức được nối chức ông Thành khi mới bắt đầu theo chúa.



Đọc nhiều đoạn tôi ngờ, sử viết sai. Hay dưới áp lực triều đình, chính các quan chép sử cũng không dám viết ra sự thật. Việc vua nghi ông tôn hoàng tôn Đán nối ngôi để thao túng vua nhỏ là vô lý. Lúc đó, hoàng tôn Đán, hai mươi mốt tuổi, đã trưởng thành. Có thể vua bỏ dòng đích, chọn dòng thứ vì lẽ, con cháu hoàng tử Cảnh đều theo đạo Thiên Chúa và chịu ảnh hưởng mạnh từ các cố đạo Pháp. Điều thứ hai lại càng vô lý. Các sách sử đều ghi, ông Thành là người trầm nghị, ít nói, nhiều mưu lược, cai trị giỏi. Thấy người Bắc đa số hoài Lê, không phục nhà Nguyễn, ông xin truy tôn, cấp điền trạch tế tự công thần các cựu triều, và sai Trần Hựu làm Điểm Mê Khúc để vỗ lòng dân. Người như vậy không thể nào buông lời càn rỡ, khoe khoang, phạm thượng với vua được. Có lẽ, vua sợ ông có chí lớn, sau khi thu phục nhân tâm Đàng Ngoài lại theo ý dân, dựng lại nhà Lê, thay quyền chúa Trịnh. Có thể, đây mới là điều oan nghiệt gây cái chết cho ông.

Tôi đem những điều thu thập đọc cho các cậu nghe. Ai nấy thấy mấy đời tổ tiên bi thảm quá đều lắc đầu, giạt lơ, không hỏi nữa. Chỉ có cậu Tư ngậm ngùi, ông Thành khẳng khái, bụng dạ nhà nông, không làm quan được. Vua xử sự đều có thâm ý cả. Đem người Nam ra trị xứ Bắc, tức cô lập ông. Cho mệnh chôn mẹ ở Triệu Phong, khiến ông cư tang gần kinh, đó là kế gián tiếp tước bỏ binh quyền. Sai võ quan soạn luật, lại dựa luật khắc nghiệt của nhà Thanh, là cách bắt ông gánh tiếng oán cho vua. Cho những kẻ có tư thù như Lê văn Duyệt, Lê Chất tra xử Nguyễn văn Thuyên, Đặng Trần Thường đều là kế mượn dao giết người.

Tôi an ủi, "Dù sao hậu thế cũng sáng suốt, phán xét công bình, cuối cùng cũng lấy lại tiếng thơm cho ông trong lịch sử." Nghe vậy, cậu thở dài, "Chỉ cần một người viết sai, làm hậu thế không ai hiểu đúng."

Cậu bỏ gia phả vào túi gấm, để trong tráp gỗ, cất trên bàn thờ. Rồi không bàn gì thêm, chỉ lâu lâu đọc mấy câu thơ:

"Chinh Nam phạt Bắc, sự nghìn thu,

Cỏ áy rêu mờ, đất một u.

Aáy dõng, ấy trung là thế thế,

Mà ân, mà nghĩa ở mô mô?

Chim gào di hận, xuân ầm ỹ,

Hổ thét dư uy, gió vụt vù.

Sự tích anh hùng, ai nhắc lại?

Tây hồ rang rảng, tiếng chuông bu." (*)

Cậu than, chỉ tiếc ngày xưa tổ tiên bỏ nghề nông, chọn nghiệp lính.



Suy nghĩ kỹ, cậu có lý. Nghề nông ăn chắc, mặc bền. Tuy vất vả nhưng cuộc sống bình yên, thời nào cũng ca ngợi. Như nhà ngoại, cần mẫn mới hai đời mà của chìm của nổi đều sắm đủ. Không hiểu ngày xưa, ruộng nhiều dân ít, sao các ông tổ lại bỏ làng, đăng lính.

Lâu lâu buồn, tôi mở gia phả ra coi. Thật kỳ lạ, có nhiều chỗ đứt ngang, có trang trống lốc. Có chỗ vỏn vẹn chỉ điền độc một tên, cụt ngủn. Tôi thắc mắc hỏi ông Út, em ngoại. Ông bảo, đừng tưởng họ nhà mình chết nhiều như vậy. Những chi trống, đứt ngang hay chỉ điền tên vì khi xưa phải cải danh, hoặc nghèo túng đi bán rau, bán muối, ghi vào sợ làm xấu tổ tiên. Chi dài nhất là chi ông Nguyễn văn Loại. Ông được vua phong làm cai đội, nhưng không cấp quân. Sau ông bỏ vào Nam theo Trương Định kháng Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông dẫn con cháu lang thang, kiếm không ra một mảnh đất cắm dùi.

Theo lời ông Út, tới đời cố vẫn nghèo mạt. Người vợ không chịu nổi, lấy chồng khác. Cố tôi xoay nghề đào giếng, nuôi con. Thời may, một hôm đào được năm con cá bằng đất. Thấy lạ, cố bổ ra, bên trong toàn vàng. Tôi mừng, cuối cùng, trời cũng thương, ban chút phước. Ông Út cười, phước từ đất, không từ trời. Gốc mình nhà nông, vốn có duyên với đất. Rồi ông trầm ngâm, xưa nay, chỉ có người bỏ đất, chứ đất không bỏ người. Tôi hỏi, nhà nông giữ đất, nhà binh giữ nước. Giữ đất dễ, giữ nước khó. Sao các tổ chọn khó, bỏ dễ. Ông lắc đầu, người lính cầm súng giữ nước, người dân tay không giữ đất. Cùng ở thế liều mạng, giống nhau.

Về sau, nghe các mợ kể, tôi hiểu ra. Thời Việt Minh, ruộng đất đã chia, mỗi nhà chỉ còn một hai mẫu, nhưng các cậu vẫn bị quy là địa chủ. Vào mùa lúa chín, Mặt Trận ra lệnh tịch thu ruộng, chia cho dân nghèo. Đang gặt, cán bộ cầm súng đuổi. Mợ tôi ngưng cắt lúa, huơ lưỡi hái nhảy lên bờ, đòi cắt đầu kẻ nào dám xuống ruộng. Cuối cùng, cán bộ bỏ đi. Họ sợ cái bụng bầu của mợ.

Tối hôm sau, các cậu bị mời đi kiểm thảo. Mọi người vỡ lẽ, Việt Minh mua chính nghĩa bằng ruộng đất của người khác. Thấy nguy, ngoại gửi các cậu lên Sài Gòn. Mấy ngày sau, cán bộ xã thấy vắng, xuống tận nhà điều tra. Gạn hỏi chưa ra thì quá bận, họ bỏ ngang.

Năm 1954, sau khi Hiệp Định Geneve ký kết, nghe nói sẽ có tổng tuyển cử. Tận dưới quê, các phe phái cũng ráo riết chuẩn bị tranh cử. Ban đêm, họ nhóm rất đông tại đình như làng vào đám. Trời tối mịt, dân quê tắt đèn ngủ sớm. Trên bờ ruộng, nhiều bóng đen thấp thoáng, chập chờn như bóng ma trơi. Chưa bầu, phe Việt Minh đã ăn chắc. Để bành trướng thế lực, họ dùng mọi thủ đoạn hoặc sát nhập, hoặc triệt tiêu các tổ chức khác. Mặt khác, bận rộn cử người tập kết ra Bắc. Khóa học tổ chức trong thời gian ngắn, khi về sẽ là nhân tố nắm chánh quyền tại địa phương.

Khi các cậu đi vắng, ngoại tôi phát giác, mấy đứa con không yên nghề ruộng. Ngay đám con gái cũng có chân trong đoàn Thanh Niên Tiền Phong. Dù các dì giải thích, trước đây đoàn Thanh Niên của làng chỉ làm việc cứu trợ xã hội, từ ngày Nhật giải tán mấy anh em đã ra khỏi đoàn. Mặc các dì nói, ngoại tôi tức, cầm chổi rượt mọi người chạy tán loạn. Nhưng đêm về, ngoại nằm chắn ngay cửa, lóng tai nghe tiếng chó sủa đàng xa.

Người nôn nóng kiếm các cậu tôi không phải là cán bộ xã, mà là cậu Chín Diệp, con ông Út. Cậu Chín cho hay, Kha Vạng Cân, một trong những người cầm đầu phong trào Thanh Niên Tiền Phong đã bị mua chuộc, quyết định sát nhập tổ chức đoàn theo Việt Minh. Cậu tới từ giã để đi ra Bắc. Và hẹn, học xong, sẽ về ngay. Cậu than, chưa rời làng sao đã nhớ.

Hôm sau, đoàn cán bộ tới nhà vận động anh Đảm, anh Đang vào tổ chức. Gặp bữa, hai người mời tất cả dùng cơm. Vừa ăn vừa họp. Mới đầu còn anh em, sau cãi vã kêu bằng mày tao. Anh Đảm thẳng bụng, chỉ trích huỵch toẹt đường lối sai lầm của họ. Một người trong bọn điên tiết, rút dao chém. Bất ngờ, anh Đang không tránh kịp, ngã sấp trên mâm cơm. Anh Đảm kinh hoảng, phóng qua hàng rào, băng tuốt qua đồng, chạy thụt mạng một hơi ra tỉnh.


 

Hai năm sau, không có tổng tuyển cử, Việt Minh yếu thế rút vào bưng. Cậu Chín Diệp ra đi biệt tích. Còn anh Đảm, sau lần chạy, đã bỏ luôn nhà cửa ruộng vườn. Mấy năm sau, dì tôi lên Sàigòn, tình cờ gặp anh trong quân phục. Thấy anh oai nghi, dì cũng mừng và khuyên anh xa quê lâu nên về một chuyến. Anh lắc đầu bảo, anh đâu đã đi xa, mỗi đêm đều trở về căn nhà cũ, và trong mơ anh dựng được thằng em đứng dậy chạy theo mình.

Đầu năm 63, dì tôi dẫn ngoại lên thăm. Đơn vị báo, anh tử trận. Sư đoàn 7 vừa đụng trận đầu tiên ở Ấp Bắc. Dù quân số đông gấp mười địch, và với sự yểm trợ của các đơn vị bạn, nhưng chưa có kinh nghiệm phối hợp, đã chừa khoảng trống phía Đông khiến địch rút lui an toàn. Kế hoạch bao vây thất bại để lại nhiều tổn thất, thương vong.

Trở về nhà, ngoại tôi vẫn chưa tin. Mở radio, Đài Phát Thanh đang tường thuật lễ diễn hành mừng chiến thắng.

Tình hình ngày càng sôi động. Con đường làng vắng bóng trâu bò. Đám trai quê cũng bỏ cày, vác súng. Qua mấy trận lớn, đám cháu ngoại thưa dần. Chiến tranh là con quái vật to lớn, không có hình thù, cứ rình rập giật phăng những đứa con vào đất.

Hai mươi năm chiến tranh, thời gian tưởng dài như thế kỷ. Ngoại tôi già hay lẩn, cứ hỏi đi hỏi lại về những đứa vắng mặt. Tôi nói dối, nhiều người bận việc xa, chưa về được. Ngoại quên, những đứa lớn đã đi không trở lại.

Cuối cùng năm 75, hòa bình đến bất ngờ. Ngạc nhiên nhất, người trở về đầu tiên lại là cậu Chín Diệp.


 

Điều mọi người không ngờ, hai mươi năm tập kết, cậu Chín trở về làm dân trơn. Cậu không nhận một chức vụ nào trong Đảng. Khó tin hơn, cậu vẫn độc thân như hồi trẻ. Cậu cười, giải thích, không vướng bận dễ xin về. Đã nhiều lần nhưng Đảng chưa cho phép, nay hòa bình cậu nóng ruột nên tìm cách trốn ngay. Trên đường về, cậu ngạc nhiên, qua cuộc chiến lâu dài và tàn khốc vậy sao miền Nam sung túc hơn xưa.

Khi niềm vui lắng xuống, cậu Chín bắt đầu chửi, đám cháu ngu, không trốn ra ngoại quốc. Mọi người ngạc nhiên. Ông Út nói, tất cả ở lại chỉ muốn sống như một người dân thường. Cậu Chín xẵng giọng, trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa không có dân thường. Chính quyền định nghĩa, thế giới chỉ có hai màu, ai không đỏ là đen. Bằng nhiều cách, họ làm màu đen tự biến mất.

Khi mọi người thấy cậu Chín nói đúng thì đã muộn. Chế độ mới không chấp nhận người cũ, họ hàng tôi lũ lượt vào tù. Mọi người vỡ lẽ, hòa bình cũng có chia lìa, chết chóc không khác chiến tranh. Cậu Tư tìm cách trấn an, bất cứ thời nào, nông dân cứ theo sau cái cày cũng sống. Nói vậy, nhưng cậu lật đật cắt ruộng, chia đều cho các con.

Chế độ mới là một lưỡi cày xới tung xã hội. Ở thành phố, nó thể hiện bằng những phong trào, những nghị quyết, thông báo, thông tư,… Nhà nước cào bằng xã hội qua những đợt đổi tiền, đánh tư sản. Triệt tiêu người giàu để chỉ còn một giai cấp nghèo giống nhau. Ở vùng quê, nông dân nhìn những hợp tác xã nông nghiệp, trạm thu mua nông phẩm bằng con mắt dè dặt. Đến tháng 3 năm 78, Chính phủ ra nghị định cấm đem hàng hóa ra khỏi tỉnh làm mọi người chới với.

Ruộng mùa khô, quê tôi trồng mía. Loại mía đường, thân cong, gốc có nhiều mốc trắng, hợp đất phèn. Mía dễ trồng, thu hoạch mau. Thân ép làm đường, rễ và ngọn, đốt ủ làm phân rất tốt. Mấy năm trước, mới đầu mùa, lái mía đã đến đặt cọc, giành mua. Đến giữa mùa, cán bộ xuống bảo, chỉ thị mới cho tỉnh độc quyền, mọi hình thức mua bán trong dân là phạm pháp. Xong, họ quy định, giá thu mua mỗi gốc mía là mười lăm xu, tiền mới. Ai nấy bất mãn, giá bán bằng giá mua gốc giống. Tính ra, cộng thêm công trồng, phân bón, nhà nông lỗ nặng. Mọi người cương quyết bảo nhau, không bán.

Đúng lúc thu hoạch, cán bộ, xã đội thay phiên trực canh dọc theo bờ ruộng. Buổi tối, mấy đứa nhỏ buồn, kéo ra ruộng chặt vài gốc ăn chơi. Thấy động, xã đội lên đạn, chĩa súng dọa. Mấy đứa nhỏ sợ, chạy u về nhà, khóc. Cậu Năm nổi khùng, qua đêm sau châm lửa đốt. Mía quá mùa, lá khô, vừa bén lửa cháy ùn ùn. Đội canh phòng hò hét, gọi người chữa cháy. Khi có người ra sông múc được nước vào, ngọn lửa đã thui gần hết.



Đầu mùa mưa, mạ chưa gieo, tỉnh đã ra chỉ thị quy định thu mua lúa. Trừ nhân khẩu trong gia đình, số còn lại nhà nông phải bán với giá quy định. Cậu Tư than, đất của mình, nhưng trồng thứ gì, thứ đó của người khác.

Năm mưa thuận, gió hòa, người cày bỏ ruộng. Buổi chiều, mùa lúa rảnh, cậu Tư lững thững ra đồng. Nắng lấp lánh phớt xiên. Ruộng xăm xắp, vài cọng cỏ lún phún nhô khỏi mặt nước. Mấy con chim sẻ kiếm lúa lượn quanh, buồn tình kêu ngơ ngác. Cậu thở dài, nhà nông thấy ruộng bỏ hoang, đau như cha mẹ thấy con trần trụi.

Không cày cấy, nhiều người làm thuê xoay qua buôn chuyến. Họ túm gạo, nếp, tôm khô, cá mắm,… cột đùm trên xe đạp. Gần tới trạm kiểm soát, họ dẫn xe vòng trong xóm, đi đường tắt lên thành phố. Chừng vài chuyến, nhiều người phát giác, buôn hàng lậu thuế khá hơn làm ruộng.

Sau nhà ngoại là sông Cửa Tiểu. Theo hướng Đông chạy hai giờ ra biển. Nhiều người sắm ghe, ban đầu chạy dọc ven biển, chở gạo lên thành phố. Sau, chuyển sang chở người vượt biên. Mấy thửa ruộng sắm từ đời cố bán dần, mua chỗ thoát thân cho lớp con cháu mới ra tù.


 

Vừa học Dược năm thứ nhất, tôi bị đuổi khỏi trường. Lý do, con của sĩ quan chế độ cũ. Sang bốn năm Sư phạm xong, tôi thất nghiệp. Nửa năm sau, nhận được giấy bổ nhiệm về dạy tại Tân Thạnh, Long An. Cầm giấy đi khiếu nại, xin dạy gần nhà. Anh cán bộ lên lớp, Đảng dạy, "Đâu cần thanh niên có. Đâu khó, có thanh niên." Không đi, bị cắt tên trong tờ Hộ Khẩu, trở thành dân cư trú bất hợp pháp. Trên đường về, tôi ra bến xe thăm dò. Giá chính thức, có giấy giới thiệu mua là bốn mươi đồng một chuyến. Giá chợ đen, một trăm mốt, khỏi xếp hàng, muốn mua lúc nào cũng có. Ngẫm nghĩ, lương giáo viên một trăm hai chưa khấu trừ, tôi đi dạy giống người ta đi lính. Đi dễ, khó về.

Một năm sau, nhờ vã khắp nơi, tôi được nhận về dạy trong thành phố. Trường ở khu vực bình dân, đối diện là cái chợ. Tan học, học trò đi thẳng ra chợ, bán buổi chiều. Lừa lọc đâu ở ngoài, tôi không biết, nhưng vào lớp đứa nào cũng ngoan, thành thật. Nhiều đứa thấy cô giáo nghèo, chỉ mơ sau này không phải đi dạy học. Một đứa, nhà có tàu vượt biên, năn nỉ cha mẹ cho cô theo, với một giá tượng trưng nho nhỏ.


 

Mười mấy năm sau, tôi trở về. Làng xóm đông hơn, nhưng dòng họ chỉ còn lại mấy người. Buổi chiều, tôi dìu cậu Tư ra đồng. Sóng lúa rập rờn, trong hơi gió thoảng thơm mùi bông chín. Cậu Tư nói, nhà chỉ giữ phần ruộng hương hỏa. Những mẫu đất cố bán mấy con cá bằng vàng sắm được khi xưa, sau giống như những con cá thật biết bơi ra biển.

Thời giờ còn lại, tôi đi thăm mộ. Bắt đầu từ ngôi xưa nhất, mộ cố. Rồi mộ ngoại, mộ các ông, mộ cha mẹ, mộ anh Đang, anh Đảm, và nhiều ngôi khác. Cuối cùng là mộ cậu Chín, mới chết sau này.

Cậu Tư kể, năm 88, tin tưởng chính sách đổi mới, cậu Chín làm trưởng phòng Thương Nghiệp quận. Cuối năm, tình cờ cậu gặp người bạn cũ đang làm giám đốc nông trường cà phê Phước Long. Người bạn than, xa thành phố, gần Tết ban giám đốc không sao kiếm ra nhu yếu phẩm cho công nhân nông trường. Nghe vậy, cậu Chín hứa, sẽ cho người lên mở một gian hàng ở đó.

Gian hàng Tết của thành phố mới lên, người ta đã kéo đến đầy. Đa số là đồng bào Thượng. Xưa, họ săn bắn, sống trong rừng. Trong chiến tranh, những đàn thú trốn bom đạn, kéo nhau qua rừng khác. Hòa bình, thú không về. Người Thượng đói, kéo ra tỉnh làm đủ thứ nghề. Nông trường mướn họ trồng cây. Về sau, cạn vốn, không có tiền phát lương, đành thiếu chịu.

Ngày khai trương, nhiều người địu con, đùm túm cả gia đình đến ngồi ngay trước gian hàng như đang chờ xem hát. Họ giương mắt ngó thèm thuồng, rồi chỉ nhau xem từng món. Với người nghèo, thứ nào cũng là nhu yếu phẩm. Cả ngày, tấp nập người xem, nhưng cửa hàng không bán ra được một món.

Mấy ngày sau, có người mang cà phê sống tới gạ. Ban Thương Nghiệp bàn, thấy họ nghèo tội nghiệp, đồng ý quy giá cà phê đổi hàng. Chỉ một buổi, người khuân kẻ vác, nửa gian hàng trở thành cái kho chất đầy cà phê.

Buổi chiều, ban Quản Lý nông trường ra phản đối. Cà phê là tài sản của nhà nước, người Thượng hái trộm. Bên mua đồ trộm, bên để mất, đều chịu trách nhiệm. Hai bên mời cả Già Làng tới dự. Già Làng nói, người Thượng không ăn trộm, nông trường thiếu lương, họ hái cà phê trừ nợ.

Cuối cùng, tất cả ghi trong biên bản. Số nợ nông trường thiếu công nhân người Thượng trở thành số nợ thiếu phòng Thương Nghiệp.


 

Qua năm sau, ông giám đốc nông trường nghỉ hưu. Công ty Thương Nghiệp thành phố mời cậu Chín lên thanh toán tiền bán hàng năm trước. Tiền vốn cộng lời lên thành cả tỉ. Cậu trình biên bản chứng minh nông trường thiếu, nhưng không ai chịu. Ban giám đốc mới không gánh trách nhiệm những món nợ cũ. Công Ty tuyên bố, mua hàng bằng tiền, không trả bằng biên bản. Họ sẽ đưa nội vụ ra tòa.

Câu chuyện không phải không còn cách giải quyết. Nhưng cả đời trong sạch, cuối cùng bị mang tiếng oan, thâm lạm tiền bạc. Cậu Chín buồn tình, uống thuốc ngủ, tự tử.

Cậu Tư kể, đêm đó mọi người nằm trong mùng nhìn ra, thấy cậu Chín rót từng chén trà, ung dung uống. Không ai ngờ, cậu đang uống thuốc độc.

Nguyễn Thị Thảo An

(*) Thơ Phan Khôi.