Các
nhà văn nữ
và sự khủng
hoảng trong văn học việt nam hiện đại
Có một câu
nói đùa độc địa: "Nữ văn sĩ làm hai điều tội
lỗi cùng một lúc: làm tăng số lượng giấy vụn và làm giảm số lượng phụ
nữ trên
trái đất". Nói như thế thật không công bằng, bởi vì không gì cao quí
bằng
và cũng không gì cực khổ bằng làm người phụ nữ. Hay như họ hay than
thở: làm
người phụ nữ đã khổ, làm người phụ nữ Việt Nam còn khổ hơn, còn làm nữ
văn sĩ
Việt Nam thì, than ôi...
ấy vậy mà,
mấy năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng
nổ của số lượng các nhà văn nữ Việt Nam. Bảo họ nhiều như nấm sau mưa
thì có lẽ
hơi quá đáng, nhưng quả thực ngó trước ngó sau chỉ thấy những "thị",
những "chim cá lá hoa" chen vai thích cánh nhau trên giá của các hiệu
sách, đến nỗi đôi lúc chúng ta phải tự hỏi: đàn ông nước Nam dạo này đi
đâu cả?
Nguyễn Thị
Thu Huệ, Nguyễn Thị ấm, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị
Hảo, Trần Thị Trường, Nguyễn Thị Châu Giang... nếu chúng ta muốn, danh
sách các
nhà văn nữ còn có thể kéo dài sang cả trang sau. Đã qua rồi cái thời mà
Bà
Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm hay Hồ Xuân Hương phải cố gắng lắm mới
chen
chân vào được với mười thế kỷ đàn ông thống trị văn đàn. Chẳng bao lâu
nữa,
ngoài cái Bộ phụ nữ mà người ta mới đề nghị cho thành lập, Hội nhà văn
có lẽ
cũng nên để cho phái đẹp lãnh đạo thì đúng hơn.
Để lý giải
hiện tượng này, có lẽ phải viện đến câu nói thời
thượng đang chạy lem lém trên đầu lưỡi của tất cả mọi người dân nước
Việt, từ
bác đạp xích lô gầy gò đen đủi cho tới ông quan chức nhà nước bụng phệ
xách cặp
da ngoại: thời buổi kinh tế thị trường mà lại! Cái kinh tế thị trường
chết tiệt
ấy không chỉ đào sâu hố phân cách giàu nghèo, nó còn giúp cho một nửa
hơn nửa
kém của nhân loại ý thức được khả năng có được tự do và những gì mà tự
do có
thể mang đến cho họ.Và thế là họ quyết không nhường bước cho phái mạnh
trên bất
kỳ địa hạt nào nữa.
Những nhà
văn nữ đã mang lại gì cho công chúng? Các nhà phê
bình đáng kính của chúng ta luôn luôn có sẵn câu trả lời muôn thủa cho
câu hỏi
ấy: họ đã mang đến một làn gió mới, một diện mạo mới, một phong cách
mới cho
văn học nước nhà. Rất nhiều cái mới. Họ đã lặp lại câu nói đó cả ngàn
lần, thêm
lần một ngàn lẻ một cũng không có gì khó khăn cả.
Nhưng thật
ra, những nhà văn nữ Việt Nam, theo tôi, có lẽ
chẳng mang đến cái gì mới bởi còn lâu họ mới tự đổi mới được...
Phụ nữ Việt
Nam, cũng giống như phụ nữ trên toàn trái đất,
không thể sống thiếu các thần tượng của mình (không phải ngẫu nhiên mà
thành
viên các fan - club chủ yếu là các cô gái). Họ luôn phải dựa dẫm vào
hình ảnh
một người đàn ông lý tưởng nào đó. Các cô gái thế hệ những năm sáu mươi
luôn kè
kè theo người Ruồi trâu hay Thép đã tôi thế đấy. Hành trang của những
năm bảy
mươi - tám mươi lại là Rochester. Còn ngày nay, chúng ta đang chứng
kiến sự lên
ngôi của Redd Buttler,"Người lữ hành kỳ dị" hay cha Ran của Tiếng
chim hót trong bụi mận gai.
Tất nhiên,
cánh đàn ông chúng ta cũng thấy tủi thân vì chẳng
có ai trong số họ là người Việt. ở đây, tâm lý sùng ngoại chỉ là thứ
yếu, cái
chính là văn học Việt Nam chưa tạo ra được khuôn mặt đàn ông nào khả dĩ
cho các
thiếu nữ của ta thờ phụng. Bởi thế, khi bắt buộc phải miêu tả, họ đành
tự khái
quát lấy trong những từ rất chung để mô tả người đàn ông của cuộc đời
họ: đẹp
trai, trầm tĩnh, thông minh, có đôi mắt buồn, tâm hồn độ lượng...vv và
vv...
Thủa
ban đầu, những nhà văn tương lai, những ngôi sao sáng
của các cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh dành hết tâm lực cho việc giãi bày
những
giấc mơ ngọt ngào, những mối tình tưởng tượng lên trang giấy. Hãy nghe
Phạm Thị
Hoài mô tả một trong số họ: "Nó viết những bài thơ giống như của các
thi
sĩ nổi tiếng phương đông, những người chỉ ưu tiêu diêu du, thơ nó có
nước sông
Hoàng tuôn từng dòng lớn từ trời xuống, có núi Thiên Mụ, có bến Tầm
Dương, có
những tâm sự đột ngột xuống hàng. Ngoài ra, nó mãi hỏi đáp về tình yêu,
rất là
hoàn cảnh, loại tình yêu dẫn tất cả chúng ta đến chỗ tuyệt chủng, không
sinh
con đẻ cái gì được mà chỉ còn rặt những trái tim đầy thương tích khẽ
chạm vào
nhau một cái là rên dài, trọn đời đồng trinh và rất thánh" (Những con
búp
bê của bà cụ). Hình ảnh cải lương về những cô gái "nhón chân trên đôi
giày
giấy thiếu nữ đi vào Vườn Yêu" (Vườn Yêu - Võ Thị Hảo) rồi bàn tán dông
dài "về tình yêu là cái nó chưa hề nhấp thử một giọt" là hình ảnh
tiêu biểu nhất trong các sáng tác của họ.
Những tác
phẩm mãi mãi đầu tay ấy rất ưa làm đỏm và uốn éo.
"Tôi nặng nhọc bay bằng đôi cánh của mình... cánh làm bằng tã của trẻ
ăn
mày sơ sinh. Bay lên. Và bay cao trong đêm Giáng sinh. Bởi vì Chúa tái
sinh
trong một đêm như đêm nay..." (Võ Thị Hảo - Giọt buồn Giáng sinh).Thê
thảm
chưa! Xứng đáng là một Cô bé bán diêm mới, một Olive Twit mới! Hỡi ôi,
nó mãi
mãi là một truyện ngắn bịa rất dở, khiến người đọc cười phá lên vì sự
ngớ ngẩn
của nó thay vì bùi ngùi nhỏ lệ.
Nhu cầu tin
vào những điều kỳ diệu của cuộc sống sẽ mãi mãi
tồn tại trong tâm hồn con người, và lời kêu gọi tha thiết trong vở nhạc
kịch về
Peter Pan "các bạn có tin vào những chuyện thần tiên không, nếu có, hãy
vỗ
tay" sẽ luôn luôn đón nhận được sự hưởng ứng nồng hậu. Thế nhưng, những
điều kỳ diệu vĩ đại đó bao giờ cũng nằm trong sự giản dị và chân thành
của ngòi
bút. Những cố gắng bóp chặt tâm hồn mong chảy ra những "giọt buồn"
cải lương như vậy không bao giờ tìm được sự đồng cảm của bạn đọc.
Đề tài quen
thuộc, muôn thủa, và có lẽ gần như duy nhất của
các nhà văn nữ là tình yêu. Mang một khối mơ ước khổng lồ như vậy trong
lòng
nên khi "vấp đời thường nhật", không chỉ con "thuyền tình"
tan vỡ, mà nói chung, lòng hăng hái tạo dựng nên những thiên đường tình
yêu loè
loẹt của họ cũng nguội lạnh đi ít nhiều. Dù có "hướng nội" hay
"hướng ngoại" thì họ cũng bắt gặp sự buồn chán tẻ ngắt của hiện thực.
Chính vào lúc đó, họ tưởng rằng tình dục sẽ trở thành cái phao cứu cánh
cho cảm
hứng sáng tạo của họ.
Còn nhớ, mùa
hè năm 1988, Dư Thị Hoàn đã làm cho cả giới văn
học Việt Nam thẹn thùng sững sờ vì những vần thơ táo bạo của mình:
"...Sau phút
giây
Êm đềm trên
ghế đá
Anh không
cài lại khuy áo ngực cho em..."
(Tan vỡ -
Lối nhỏ)
Bài thơ ấy
đã dấy lên một cơn bão những lời xỉ vả của những
nhà phê bình và những nhà thơ tên tuổi, những người vốn quen với hình
ảnh các
cô thiếu nữ Việt Nam e lệ, kín đáo, khép nép. Không thể có một hình ảnh
khác!
Họ la lối như bị lấy mất đi một cái gì quý báu lắm. Người phương Đông
vốn quen
che đậy những ý nghĩ của mình về "chuyện ấy", thà cứ lấp lửng như nữ
sĩ họ Hồ, đằng này... Những khao khát thầm kín ấy, khi được người phụ
nữ thốt
ra, hay làm chạm nọc các vị tu mi nam tử, cứ như là họ có lỗi trong
chuyện để
cho phụ nữ có những ý nghĩ vơ vẩn như vậy trong đầu.
Số phận
những đứa con tinh thần của những nhà văn nữ ngày
nay may mắn hơn nhiều. Những biến đổi của xã hội và thông tin đã làm
cho họ tự
tin hơn trong việc mô tả những dục vọng của con người. Và họ cũng
nghiêm khắc
với mình hơn. Thế nhưng, từ những cô bé tuổi hoa, chỉ sau có một đêm họ
đã trở
thành "những madame tiều tụy thế kỷ 18". Họ lại quanh đi quẩn lại
trong những bi kịch gia đình cũ rích mà kẻ chịu đựng bao giờ cũng là
một cô bé
hay cậu bé nào đó (Phù thủy của Nguyễn Thị Thu Huệ chẳng hạn); những
mối quan
hệ mẹ chồng - nàng dâu - con trai, những truyện ngắn thích hợp nhất cho
trang
hôn nhân gia đình của báo Phụ nữ hơn là một tác phẩm văn học. Họ mệt
mỏi ngao
ngán trong việc xử lý các xung đột tình cảm của những mối tình tay ba
không âm
sắc, những người đàn ông hóa ra chẳng bao giờ xứng đáng với họ. Họ níu
kéo lại
một cách vô vọng tuổi trẻ hình như không bao giờ chịu đến mà lại đã
trôi qua
bằng những lời khẳng định rỗng tuếch và lên gân lên cốt, tự đánh lừa
mình bằng
ảo tưởng "Phụ nữ của ta luôn luôn đẹp, họ đẹp ở mọi lứa tuổi ông ạ. Đàn
ông chúng ta không cẩn thận họ cho ra rìa cả đấy", kiểu như Thủy chung
-
bài ca của đàn bà của Trần Thị Trường. Một cố gắng ảo não - phép thắng
lợi tinh
thần kiểu A.Q của những người thua cuộc.
Tình
dục, bởi vậy, không mang lại bao nhiêu sinh khí cho
những sáng tác của họ. Bởi vì rốt cuộc họ không đủ trung thực đến mức
mô tả
những ước muốn thực sự của con người, không đủ nghiêm khắc với bản thân
để dũng
cảm chỉ là mình, và nhất là không có đủ tài năng để sáng tạo ra những
tác phẩm
mang đầy sức sống của bản năng, của tự nhiên, của tình cảm. Họ không
thể sáng
tạo ra cái đẹp, vì cái đẹp đòi hỏi sự giản dị, nó đẹp chỉ vì bản thân
nó là cái
đẹp chứ không bao giờ vì những nước sơn tô vẽ trên mình. Nói như
Shopenhauer,
họ - những nhà văn tầm thường "đều cố gắng che đậy bút pháp tự nhiên
của
chính mình... bị bắt buộc phải chấm dứt bất cứ toan tính muốn được
thẳng thắn
hay chân thật nào - một đặc ân chỉ dành cho những tâm hồn siêu đẳng, ý
thức về
giá trị của chính mình và do đó tự tin nơi mình" (Nói về bút pháp).
Thực ra, tất
cả những cái đó: sự thiển cận của tư tưởng,
nông cạn về trí thức, hời hợt trong tình cảm đã trở thành căn bệnh kinh
niên
không chỉ của riêng các nhà văn nữ, nó chỉ là một phần trong cuộc khủng
hoảng
sâu sắc của văn học Việt Nam hiện nay. Có điều, bằng thái độ tự tin một
cách
khó hiểu, những nhà văn ấy cứ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm không
sức
sống, những mẩu chuyện vụn vặt vô hồn. Họ đã đẩy sự tầm thường lên đến
độ bất
thường.
Những
nhà văn, nhà phê bình văn học, bạn đọc thường mong
muốn văn học Việt Nam "cất cánh", hoà nhập và làm phong phú thêm kho
tàng văn hoá của cả nhân loại. Ước mơ chân chính đó chỉ có thể thực
hiện được
nếu những nhà văn của ta ý thức được hiểm họa của sự tụt hậu về tri
thức văn
hoá, tri thức sống, sức ì của những thành kiến và ngộ nhận, và nhất là
thói đạo
đức giả đang bao trùm trong toàn bộ ý thức hệ sáng tạo của các nhà văn.
Chỉ có
sự trung thực, trước tiên là trung thực với bản thân mình, mới cứu rỗi
được nền
văn học đang lao xuống dốc như hiện nay.
Hà
Nội 20.9.1995
Nguyễn Thanh
Sơn