Sông sẽ còn
chảy mãi
Anh Bỉnh trạm trưởng nhiều lần cười thằng này chưa nhớn đã già. Chỉ
vì Thân trót kể mình hay lọ mọ bò dậy từ lúc trời còn tối đất. Nhưng
thực ra anh Bỉnh được lợi vì Thân quen thức như thế. Trước khi Thân về
nhận việc thay chị Cúc, bao giờ anh Bỉnh cũng phải đảm đương việc đo
nước cữ này.
Đêm nay cũng vậy. Từ xế chiều anh Bỉnh đã dóng tiếng nhờ Thân trực đêm.
Bà mẹ vợ anh vừa phải võng xuống bệnh viện huyện trưa hôm trước. 'Phải
để chị ấy ở nhà đêm hôm với mấy đứa trẻ. Còn tao xuống trông bà. Chú
trực
giùm anh đận này... Khi nào bà về... Tao bảo anh em thằng cu kiếm mớ
ếch
anh em mình đánh chén, rồi là giải phóng cho chú mày về nhà hẳn một
tuần!'
Anh Bỉnh cười hơ hơ hơ, chẳng hề áy náy: 'Mà chú ở nhà những một tuần
làm
cái quái gì nhỉ. Lại ngồi như cái đụn ra cho mấy đứa em nó hầu'. Tiếng
cười
hơ hơ hơ ròn rã theo tiếng máy chiếc Honda mới coong chị Bỉnh mới tậu
cho
chồng xa dần về phía đầu cầu.
*.
Thân đi nằm muộn. Nhưng khi chuông đồng hồ chưa reo Thân đã mở mắt,
dỏng tai nghe. Tiếng mấy con gà lục sục đạp nhau trong cái chuồng chật.
Tiếng gió giật mấy tàu lá chuối khô lạch phạch ở vườn chuối sau nhà
chuyển
dần về phía thềm. Và Thân còn có cảm giác nghe được cả tiếng một con bò
thở
dài từ giữa xóm vẳng lại. 'Mẹ với mấy đứa giờ này chắc cũng dậy rồi!'
Thân
nhìn ra đầu hồi. Trời sương bàng bạc xám. Hình như chỉ ở nhà quê mới có
những đêm như thế này. Trời mỏng dần như sắp sáng. Rồi lại tối sầm, tối
đến xắt ra miếng được. Rồi rạng lại. Và buổi sáng bắt đầu.
-----------------
Nhưng với người nhà quê thì buổi sáng bắt đầu không phải từ lúc ấy,
lúc mặt trời tuôn những luồng sáng hồng rực vào chân những lùm tre bên
sông trước khi nhô lên. Như ở nhà Thân chẳng hạn. Đầu tiên là mẹ. Mẹ
rón
rén nhấc cái nọ đặt cái kia trong bếp. Rồi lửa bập bùng. Mùi cám lợn
nồng
nồng chua chua phả nóng sực từ bếp lên nhà, đến tận chỗ Thân nằm. Người
thức dậy sau mẹ thường là cái Dậu. Nó loạng choạng tụt từ trên giường
xuống
đất, mắt nhắm mắt mở đi ra bể nước. Tiếng gáo chạm vào mặt nước nghe
đùng
đục. Tiếng nước chảy xuống rãnh. Con bé có thói quen vừa rửa mặt vừa
rửa
chân cho tỉnh ngủ. Rồi sau đó là tiếng thóc đổ vào cối. Tiếng cối xay ù
ù.
Hoặc là tiếng bàn tay nó đập đánh bẹt vào vành sàng. Con bé học xoàng
nhưng
ai cũng bảo nhanh nhảu còn hơn mẹ ngày xưa. Hì hục xong được cái lớp
chín,
nó xin bố mẹ cho nghỉ học, bổ vào làm hàng xáo với mẹ. Gạo thì chở ra
chợ
huyện. Trấu để rấm bếp. Cám cho lợn. Và tấm dành cho cả nhà. Cơm tấm
chạm
hơi đánh với cà kháng vắt hột cho tí mỡ om lên, riêng Thân với thằng út
cũng
có thể đánh bay già nửa cái nồi năm.
*.
Cái cảm giác ngon lành ấm áp của bữa cơm đầu ngày ở nhà mất biến khi
Thân lò dò ra khỏi nhà, lầm lũi đi dọc bờ đê ướt đẫm sương về phía bến
thủy
văn, cái bến duy nhất trong làng các bậc còn nguyên vẹn và đặc biệt
sạch
sẽ. Nhưng người trong xóm lại ít lai vãng. Ai cũng chỉ lên xuống ở bến
cũ,
nơi lúc nào cũng đầy lá tre rụng và những hàng gạch lát nghiêng từ hồi
xửa
xưa đã bong lở, lung lay như răng bà lão. Chẳng hiểu sao. Có thể là bến
thủy
văn của đáng tội trông cũng khí trơ. Chẳng có tre pheo. Trụi thùi lụi
độc
cái cầu thang xây bằng gạch vôi cát chạy qua hàng xi măng với những bậc
hẹp
dẫn tới mí nước, nơi lúc nào cũng thấy neo một cái thuyền đinh của
trạm,
chẳng mui chẳng buồm, lỏng chỏng mấy thứ vật dụng nhà nghề, mạn lại còn
sơn
mấy vệt đỏ choe choét.
Thân đặt nghiêng bàn chân trên những bậc thang hẹp ấy, lần tới chỗ neo
thuyền, tháo dây đẩy thuyền ra chèo ngược lên mạn Thác Bà rồi lại thả
xuôi về mạn Tế Tiêu. Công việc đơn giản và đơn điệu. Đo mực nước. Ghi
sổ. Lấy mẫu nước về đo độ phù sa. Ghi sổ. Chuyển về trạm chính cho các
ông bà kỹ sư ngồi đó mà dự báo. Ba năm trung cấp Thân học đủ thứ, rút
cục chỉ làm có vậy hàng ngày.
*.
Thân vào nghề hoàn toàn ngẫu nhiên. Bố giáo viên dạy sinh vật và kỹ
thuật ở trường làng, chẳng hiểu thời trẻ thế nào, chứ tới hồi Thân biết
thì bố hoàn toàn thờ ơ với việc trường việc nhà. Mẹ đâm dặm đâm dụi với
mấy sào ruộng khoán và gánh hàng xáo. Vườn nhà trồng độc chuối là
chuối.
Chẳng thấy bố dằn vặt với một kế hoạch VAC vườn ao chuồng nào. Mọi việc
vào
tay mẹ, rồi sau này sẻ bớt sang tay con Dậu. Con bé học dốt nhưng tính
giỏi.
Ruộng khoán cho thuê lại. Mẹ và con Dậu chuyên làm hàng xáo. Rồi con
Dậu
thôi không làm đủ các công đoạn xay giã giần sàng, xoay ra buôn gạo từ
chợ
huyện về Hà Nội. Sáng nó đạp xe đi. Chiều tắt nắng đạp xe về. Vừa đi
vừa
về, hàng ngày nó phải long nhong trên xe đạp tới bảy tám chục cây số là
ít.
Thóc cao gạo kém kiểu gì nó cũng xoay xỏa đủ đưa mẹ tiền chợ cho cả nhà
và
bảo mẹ thôi để lương bố cho bố. Rồi nó tính chuyện làm ăn lớn, ngồi một
chỗ
mua toàn tôm cua ốc ếch thuê chở lên Vân Đình, chất lên xe ca ra Hà Nội
đưa
tới các quán cơm gọi là bình dân mà trước đó nó không bao giờ dám lai
vãng.
Cả nhà mát mặt vì nó và đâm sợ nó - đứa con đường học hành thảm hại
nhất
nhà. Thân là người khiếp nó nhất dù được cô em cưng chiều nhất bằng
tình
của đứa con gái chịu thua thiệt dành cho ông anh sẽ sinh niềm hy vọng
cho
bố mẹ sau này. Chỉ vì một buổi trưa từ trường nhảy xe về nhà, tới Vân
Đình,
gặp em gái tóc búi ngược, da mặt khô, xoe xóe chửi mấy người khác không
chịu
co chân tận mặt cho nó dồn các bao gạo vào gầm ghế, rồi sau đó lại thấy
cười phe phé với tay phụ lái. Không bao giờ Thân dám để em gái biết
mình đã thấy nó trong bộ dạng như thế. Thân sợ nó biết khéo nó phì
cười. Từ lâu rồi, cô em không còn giữ cái vẻ cam chịu nhu thuận của đứa
con gái chịu thương chịu khó nhiều thua thiệt.
*.
... Đêm nay nước lặng. Thân thả thuyền trôi, đặt cái đèn bão lên sạp
thuyền, hý hoáy ghi số liệu vào cuốn sổ trực luôn được anh Bỉnh chăm lo
sao cho không nhàu nát. Sương xuống dày hơn. Trời đất tối sầm. Bóng tối
sóng
sánh tưởng chừng múc được. Thân rùng mình, gấp sổ, vớ sào chống thuyền
ngược
về bến. Tiếng một con cá nhảy rơi tõm vào dòng nước. Trôi? Rói? Hay cá
chày?
Nhà cũng nằm ngay trên một triền đê nhưng Thân không thạo cá mú ở sông,
chỉ
rành rọt độc một loại trắm cỏ. Nhà Thân có cái ao thả trắm cỏ và cữ này
là
cữ Thân thường dậy cho cá ăn. Công việc ấy Thân quen suốt bao năm, từ
hồi
học cấp hai. Thế mà một buổi sáng, từ ao quay vào nhà, Thân đã bàng
hoàng
không hiểu vì sao mình có thể làm mãi sống mãi một nhịp như thế mà
không
nghĩ ngợi. Ấy là lúc đột nhiên Thân nhìn thấy bóng mẹ bóng em lửa hắt
nguều
ngoào trên vách bếp. Bóng mẹ nhảy nhót, mất đầu. Bóng con Dậu ngồi sàng
gạo,
biến dạng gù gập, to đoành. Tiếng cá vật nặng nề từ ao vọng lại nghẹn
ngang
ngực Thân.
------------
Thân muốn đi xa. Nhưng chẳng có lý do gì để đi xa. Hai năm trời, đầu
hè, nhận đồng tiền mẹ với em đưa, nhận thêm cái nhìn đầy mong mỏi mà
Thân có cảm giác hết sức mệt mỏi của mẹ với em, Thân bò ra Hà Nội, lao
đầu học trong các lò luyện thi đại học lúc nào cũng đông nghẹt những
đứa nhà quê như mình. Hai năm liền Thân trượt. Bố nhờ bác cả làm ở ty
Thủy lợi chạy cho
một suất trung cấp. Học ba năm. Rồi Thân được bác xin cho về trạm thủy
văn
này, dưới quyền anh Bỉnh từ bấy đến nay.
*.
Trạm nằm ở mom sông đầu xóm sát chân cầu. Gọi trạm cho oai. Thực chỉ là
một cái nhà ngói thềm bó rất cao nằm nép bên một cái lô cốt Pháp xây từ
hồi xửa hồi xưa, từ cửa lô cốt và từ tất cả các lỗ châu mai lúc nào
cũng bốc ra mùi phân bò, nằm lảnh khỏi xóm bởi một vườn chuối rộng đằng
sau và một gốc nhãn đại phía trước. Người qua lại bờ đê suốt ngày,
nhưng chẳng
mấy khi có ai rẽ tạt. Chỉ có bọn trẻ chăn bò cứ trưa trưa lại dồn bò
vào
tránh nắng trong lô cốt và leo trèo tìm những quả nhãn còi cọc là biết
rõ
trạm thủy văn có gì và có ai.
-----------
Trước khi Thân về, trạm cũng chỉ có hai người. Anh Bỉnh và chị Cúc.
Chị Cúc gái già, bình thường rất lặng lẽ, đột nhiên giở chứng mặt mũi
vênh
vênh váo váo chẳng ai dám động. Đấy là lúc vạt áo chị bắt đầu so le.
Thân
nghe mọi người xì xào thế thì biết thế, chứ lúc Thân gặp chị Cúc thì
thấy
khác hẳn. Lúc đó bụng chị đã như cái thúng, bè sang hai bên, kiểu bụng
'lại thị mẹt mất thôi' như mẹ vẫn hay nhăn nhó đoán hộ các chị cùng xóm
độ trước. Chị Cúc bàn giao cho Thân cái giường cá nhân, cái tủ gỗ tạp,
lại
cho luôn cả cặp chiếu mới mua và ổ gà mới nở. Mặt chị xanh xao, cổ gầy
võ,
hơi thở gấp, nhưng mắt cứ rực lên, tươi roi rói: 'Thôi em ở lại làm
việc
với anh Bỉnh. Chị sau kỳ này có khi cũng phải xin ở lại huyện, bằng
không
được thì về làm ăn với bà với cậu cháu...' Anh Bỉnh dộng dộng cái điếu
cày,
châm đóm mấy lần nhưng không hút, chẳng nói chẳng rằng...
------------
Chị Cúc nghỉ rồi, anh Bỉnh đột nhiên cực kỳ vui vẻ. Anh chỉ hơi trầm
ngâm lúc Thân kể chuyện gặp chị Cúc ở phiên chợ huyện. Chị đi bán táo
vườn nhà, gửi Thân mang về cho con anh Bỉnh cả rổ. 'Thế là ổn rồi. Mà
chị ấy có kể con bé con đã biết làm gì rồi không?' Anh Bỉnh hỏi rồi đột
ngột im bặt. Mãi tận lúc đi đo nước đêm Thân mới sực băn khoăn sao anh
Bỉnh lại biết
chị Cúc đẻ con gái.
*.
Thân về thay chị Cúc vậy là đã ba năm. Tháng hai lần, đổi giờ trực với
anh Bỉnh, Thân đạp xe về nhà. Làng Thân cũng nằm ngay bên bờ con sông
này. Nhưng cả làng có lệ dùng nước ao. Tắm rửa giặt giũ có ao đình. Ăn
uống thì có cái ao nhỏ thả bèo tấm, nước trong vắt. Bãi sông mênh mông
cát, bát
ngát tre, ít người qua lại. Chẳng mấy ai để ý bờ bên kia thế nào. Từ
ngày
về trạm thủy văn này, làm việc cùng dòng sông, sống cùng sông, Thân hay
ngóng về phía bờ kia. Chiều nào cũng như chiều nào, bến sông hai bờ đều
nhốn
nháo người. Tiếng người lao xao vọng qua vọng lại. Có lẽ người hai bờ
đều
quen hết mặt nhau. Quen mặt. Nhưng chả ai quen ai. Bao đêm một mình đi
đo
nước trở về, Thân bắt gặp mình cứ nghĩ mãi về điều ấy. Bao năm rồi như
thế?
Bao nhiêu năm rồi con người sống với dòng sông, trẻ con hai làng bơi
qua
bơi lại hai bờ, nhưng dân hai làng không ai cần biết ai. Cách biệt hoàn
toàn.
Ngưng đọng. Tựa hồ vĩnh viễn. Điều đó làm Thân buồn bã và kinh ngạc.
--------------
Anh Bỉnh cười khì khì khi nghe Thân kể về nỗi lạ lùng của mình. 'Thằng
em đúng là dở người' Anh Bỉnh bảo. 'Tao chưa nghe ai trong cái làng này
thắc mắc như mày. Mày rồi sẽ tậm tịt cả đời vì cái trò lãng mạn nửa mùa
này.
Cố mà nghĩ cách chuồn khỏi bến sông này đi thì tốt hơn. Đừng để như anh
mày đây...'
Anh Bỉnh cứ cười khì khì, bắn một bi thuốc lào ròn tanh tách. Nhưng
mặt buồn rũ rượi. Trông cực vô lý. Anh Bỉnh người thị xã, về trạm lúc
trạm
mới xây. Tý toáy tình tang thế nào không rút cẳng ra nổi vũng lầy tình
yêu của cô giáo viên vỡ lòng xã. Cải cách giáo dục, bỏ lớp vỡ lòng,
giáo
viên vỡ lòng được nâng cấp thành giáo viên lớp một. Nhưng chị vợ anh
không
thiết. Chị xin đất dựng luôn một cái quán ở đầu cầu, đặt cái máy may,
nhận
may vá quần áo cho cả ba làng nằm ở ngã ba sông. Anh Bỉnh có lần bảo
Thân:
'Chú thắc mắc không biết bên kia sông người ta sống thế nào thì cứ ra
quán
mà hỏi chị. Chị chú biết hết dân ở đây đấy. Làng nào mà chả như làng
nào.
Giờ đang lao đao vì hụi. Thằng em con chú chị ấy hôm kia tận đâu quả
lựu
đạn định đi ăn thua đủ với người giật hụi. Cả nhà xúm vào can khóc như
cha
chết. Chủ nợ thành con nợ. Mẹ kiếp... Tính giết nhau. Mà nhìn quanh
toàn
trong họ ngoài làng. Chị mày là tao cấm ngặt. Năm nay nước lên sớm thế
này...
Khéo rồi gạo kém. Rồi trấu cũng chả có mà nhai đừng nói ủ bếp... Hụi
với
chả hè...'
Anh Bỉnh có cái kiểu nói năng như thế. Lúc thì cực trắng trợn. Lúc lại
cực dịu dàng. Khi Thân kể cho anh Bỉnh nghe về cô bạn học con ông phó
chủ tịch huyện, anh Bỉnh mắng thẳng mặt Thân. 'Mày ngu lâu khó đào tạo
mất rồi. Mặt nó có to như cái giần, trứng cá có dày như bánh đa kê thì
cũng có sao. Mặt thế dễ đẻ, mày trẻ ranh không biết. Cái chính là nó mê
mày. Bao nhiêu thằng mong ỷ chim lập nghiệp! Mỗi mình mày...' Rồi anh
thở dài đầy vẻ ngán ngẩm, chuyển giọng nửa khinh bỉ nửa chọc ngoáy.
'Anh có kinh nghiệm này
truyền cho thằng em: Bố mẹ nghèo hèn thì không phải lỗi tại mình, nhưng
bố
mẹ vợ nghèo hèn thì mình không chạy tội được. Mà đã rơi đánh phịch vào
trong
cái cảnh ấy thì chỉ còn có mỗi cách thoát là... chơi hụi.'
---------
Hụi cũng đang như bão thổi qua làng Thân. Con Dậu vỡ hụi, ngồi một đống
ở nhà không dám bước ra khỏi ngõ. Mẹ phải gỡ cả đôi khuyên trên tai con
út để trả nợ đậy cho nó. Nhà Thân đúng là chỉ còn độc một cái xác nhà
mà
nếu không phải do bố mẹ làm chủ thì khéo đến nước người ta vác xà beng
đào
cả móng lấy gạch mang về. Thân không nói với anh Bỉnh, nhưng cuối tuần
vừa rồi đã theo bố đến nhà ông bác nhờ ông lo cho một suất đi Tây.
'Không được Đức thì phải chịu. Nhưng xin anh cố lo sao cho cháu không
phải đi Liên Xô.' Ông giáo làng lần đầu tiên tỏ ra thiết tha với sự
nghiệp của thằng con.
*.
... Lúc Thân đẩy thuyền về bến, mặt trời đã lấp ló dưới chân tre làng
bên. Sương đã gần tan hết. Nhưng mặt sông vẫn còn phủ một làn hơi xám
mong manh. Dưới bến sông đầu xóm, mấy dáng người đang lúi húi. Một bà
xởi lởi 'Anh thủy văn đo nước về sớm nhẩy?' và Thân mau mắn 'Các bà hôm
nay không ra đồng?'
... Thân trả lời, nhưng tâm trí dồn hết vào dáng đứa con gái đang vén
quần lội xuống nước. Cô bé ở ngay ngôi nhà sát vườn chuối sau trạm thủy
văn, vẫn quảy đôi thùng sang xin nước mưa ở trạm những khi sông đục
nước
lên. Cô bé trông thật khác bọn con gái nhà quê cùng lứa. Da trắng. Mắt
to.
Mũi thẳng. Anh Bỉnh có lần xúc động: 'Nó là con thằng cha y sỹ ở trạm
xá
đấy. Thằng cha có tới ba thằng ông mãnh con. Mà sợ vợ không dám nhận
nó.
Cứ nhìn thấy bố là con bé len lén len lén lảng, không thì chạy hộc tốc
xốc
gan. Mẹ nó phải mỗi tội thọt, chứ người ấy nết ấy thì... Hồi trước nhìn
mẹ
nó bế con đi trên đường làng, mẹ tập tễnh, con như cái dải khoai, thế
mà
giờ nó đã xốc vác đỡ mẹ được bao nhiêu việc...' 'Rồi nó còn xinh hơn cả
mẹ'
- chị vợ anh Bỉnh lườm chồng - 'Làm cái thân đàn bà thật là tội nợ'.
-----------
Cái tội nợ ấy chưa in được một dấu vết gì lên dáng hình cô bé. Cô bé
đang giặt chiếu. Cái chiếu trải rộng, dập dềnh trên mặt sông sát bắp
đùi nó. Ánh mặt trời chan hòa trên bến sông, trong sóng nước, chan hòa
trên cái
thân dáng mảnh mai. Nó đứng thẳng người, không để ý cái chiếu dập dềnh
trôi
ra xa, nhìn thuyền Thân trôi ngang, nhìn sang bờ kia, nhìn trời, háo
hức.
Thân lạ lùng nghĩ mình sẽ nhớ nó, khi rời bến sông này, đất nước này,
tới
một thành phố, chắc thế, phải là một thành phố, của một đất nước xa
xôi. Nỗi
nhớ tưởng tượng làm lòng Thân dịu dàng thắt lại, khi Thân buộc thuyền,
lên
bến, đi dọc bờ đê còn ngai ngái cái mùi tươi mát của cây dại ướt sương.
Sông
có ngừng trôi đâu. Sông sẽ còn chảy mãi.
Lê Minh Hà
1999
|
|