pha

Phúc

Phạm Hải Anh

Cõi đời giả tạm, truyện thật hư.
Riêng chị xin giữ nét đẹp của nhân vật.
Thương tặng.

Nữ. Cao một mét sáu nhăm, tóc dài, thon thả... Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào. Những mẩu tin tìm bạn hoặc ngắn ngủi, khô khan, hoặc phồng lên như quảng cáo thuốc nhuộm tóc, kem đánh răng, bột giặt. Nữ tìm nam, nam tìm nữ, tít mù vòng quanh, những quảng cáo không ít đi mà ngày một nhiều thêm. Tôi cũng đăng một mẩu tin như thế trong cái đêm mưa lê thê tạt nước vào cửa kính. Gió rít từng cơn trên mái, hú lên qua ống khói lò sưởi. Cây dẻ ngoài cửa sổ vật vã trút đi những chiếc lá cuối cùng. Lá cây sang năm sẽ xum xuê trở lại, nhưng tóc rụng thì không.

Mạ đẻ rơi tôi dưới ruộng, một ngày tháng ba rét nàng Bân tái đọt mạ. Mạ dùng răng cắn đứt cu?ng rốn, bọc tôi vào tấm áo người đang mặc. Khi lết được ra khỏi ruộng, hai mạ con đều tím tái. Không Lan, Hồng, Ngà, Ngọc... đẹp xinh gì cả, mạ đặt tên tôi là Phúc, Nguyễn Thị Phúc. Tôi sống được làm người cũng là may phúc lắm rồi. Lạy vía đức Phật Bà Quan Âm độ mạng.

Nu-en Ti Fuck. Anh đỏ mặt khi đánh vần tên tôi. Nhất định đó không phải là hợp âm ngọt ngào để anh lẩm nhẩm gọi những đêm thương nhớ. Anh chỉ dõng dạc gào to tên tôi khi nổi giận. Fuck , Phúc, Fuck . Mạ không biết lời chúc lành mạ gửi gắm trong cái tên con gái lại thành trớ trêu ở xứ người. Đời lắm sự chẳng ngờ. Như khi hân hoan rước tôi về nhà, anh không ngờ cô gái tóc dài, nón bài thơ e ấp thuỳ mị lại thích gặm xương. Xứ này xương xẩu, lòng ruột, chân giò chỉ dành cho chó. Thế mà người anh yêu lại ninh xương xình xịch đêm ngày, dọn cơm lên, con cá để nguyên đầu, hai mắt mở trân trân, nàng điềm nhiên chọc đũa, móc mắt ăn ngon lành. Khiếp quá ! Sống với anh ít lâu, tôi dần dần phát hiện ra mình vừa ngu, vừa vụng, lại vừa mọi rợ. Đấy cũng là một điều chẳng ngờ. Trước tôi cứ tưởng mình hay ho. Cũng bằng cấp nọ kia. Cũng bày vẽ tỉa hoa hồng cà chua, hoa sen hành tây, thuỷ tiên đu đủ. Mâm cỗ bưng lên, phượng hoàng ấp trứng, long phượng chầu nhật nguyệt, hoa lá rực rỡ. Tôi thêu thùa, vá may, chằm nón, đan áo. Tôi làm bánh trái, nấu chè. Nhưng tôi không biết nghiền khoai tây cho đúng kiểu, không biết nướng pizza, mù tịt về các loại kem xốt, pasta. Dùng dao dĩa thì lập cà lập cập nhà quê. Ăn miếng phô-ma lâu năm cực đắt, cực ngon, cực quý thì mặt nhăn như khỉ nhai gừng sống. Nghe nhạc jazz ù tai, nghe nhạc cổ điển lại buồn ngủ. Giữa đám đông ai hỏi gì cũng ngớ ngẩn cười vì tiếng tăm có hiểu gì đâu. Đứa trẻ lên năm ở đây đã bấm máy điện tử toanh toách. Mà tôi thì ú ớ, lú lẫn không phân biệt nổi mấy cái nút bấm trên lò vi sóng. Ra đường là lạc, xe không biết lái, bản đồ không biết coi, đi đâu chồng cũng phải dắt đến tận tay... Kể ra thì nhiều, nhưng tóm lại, tôi thấy mình quả là một ca tuyệt vọng. Anh đối với tôi độ lượng như nhà truyền giáo. Tên tôi là Phúc, tôi gặp may. Chứ thân gái như hạt mưa sa, nhiều chị vừa đẹp, vừa khéo, vừa hiền mà vẫn bị chồng đánh tím mày, giập mặt. Chồng tôi văn minh, không bao giờ động tay đánh vợ, khi không vừa ý chỉ nhún vai bảo tôi ngu, mọi. Tôi, thân lừa ưa nặng, ôm gối khóc ước mình bị đòn.

Bốn ngàn năm văn hiến xứ tôi, anh học cấp tốc trong vài tháng. Vài tháng anh lóng ngóng học cách dùng đũa, chu môi uốn lưỡi dưa, dừa, dứa, mắt, mặt, mất, mật. Vài tháng cung kính nghe mạ tôi dạy cái cậu quần thủng đít nhâng nháo kia là chú, đây là bà trẻ lấy ông trẻ họ nhà nội, kia là em gái vợ của anh con bà o, con dì con già với mạ. Vài tháng anh theo chân tôi lang thang khắp các lăng tẩm, gật gù nghe chuyện rồng tiên giữa đám ăn mày xúm xít bu quanh. Anh về nước, than thở xứ anh sao mà nhạt nhẽo. Đồ ăn không cay, trời không nắng, người nói không to, nhạc mở không lớn, hoa không hương thơm. Anh nhớ vị cay xé lưỡi của nước mắm ớt, nhớ cái nóng phồng rộp da, nhớ cậu ba, chú sáu bia tu cả chai, cười to nói lớn, nhớ những mái chùa rêu phong trầm mặc. Nhớ nhất là suối tóc đen dài, nụ cười sau quai nón tím. Nhớ sóng Thuận An ào ào xô đẩy, nước mát, nắng chói chang, nụ hôn ngất ngây biển mặn. Nhớ không chịu nổi, anh vượt đại dương, nhập khẩu tôi về với anh. Tôi từ giã mạ ra đi, mang theo pho sử triều Nguyễn, băng ca trù hồng hồng tuyết tuyết thuyền quyên ứ hự anh hùng, tay xách nách mang bó đũa tre, ớt hiểm, mắm ruốc, tôm khô... Mang theo cả lời dặn tam tòng tứ đức của mạ, cả ngón nghề nấu bún bò, làm bánh khoái, bánh bột lọc, bánh canh, bánh xèo của o. Có một thứ không cần mang, nó có sẵn trong tôi từ thuở nào. Là những giọt máu hồng đêm tân hôn trao hết cho anh tôi khóc. Tên tôi là Phúc. Tôi ước ao mang hạnh phúc đến cho anh. Tôi đến từ miền nhiệt đới để làm xứ anh thêm mùi, đậm vị.

Nhưng anh không ham cái mùi mắm ruốc. Xin đủ với một lô lốc họ hàng ông, bà, o, mệ, anh em họ nhùng nhằng rối rắm đằng sau tôi. Sống với nhau vài tháng, tôi len lén vứt lọ mắm ớt vào thùng rác, bịt ni lông, cột chặt dây cho khỏi bay mùi. Đũa tre với lại ca trù im re xếp xó. Người cần thay đổi là tôi, không phải anh.

Đến phiên tôi uốn lưỡi khọt khẹt học tiếng. Học dùng dao dĩa. Học đi nhẹ nói khẽ nơi công cộng, xả rác đúng nơi quy định, vặn tivi nhỏ tiếng. Học rằng nam nữ bình đẳng, không có chuyện của chồng công vợ. Anh m?t tài khoản, tôi một tài khoản, của anh anh mang, của nàng nàng xách. Học rằng ông bố bà mẹ có đòi lên thăm thì cũng đừng nhắng lên nhận lời. Phải từ tốn xem agenda, chọn ngày rảnh rỗi, không ưa gặp thì từ chối thẳng thừng. Học rằng phải yêu mình trước rồi hãy nghĩ đến chuyện thương người... Khoá học đang tiến triển thì anh chán, từ chức nhà truyền giáo. Bỏ lại tôi dở dang văn minh, ngu mọi. Buổi sáng hối hả bánh mì kẹp phô-ma, tối về đóng cửa âm thầm ăn mắm ruốc. Bàn ăn rất rộng. Một cái chén, một đôi đũa, một nồi cơm, tôi ngồi bên nào cũng lệch.

Tôi tên là Phúc. Tôi sống được làm người là điều may mắn. Tôi không phải đội mưa nhịn đói ngồi trên mái nhà chạy lụt. Thư chị gái kể ở nhà lụt to lắm, nhà cửa lũ cuốn, cả nghìn người đói rét. Cậu bé hàng xóm bơi đi xin mì gói, bị cánh cửa trôi xẻ đứt đầu. Máu dềnh lên, cái xác cụt đầu trôi về dưới chân bà mẹ. Lúc ấy có thể tôi đang đệm êm chăn ấm, nghe nhạc. Tôi chỉ chết trong giấc mơ hàng đêm, những đêm như đêm nay chẳng hạn. Tôi bị chôn sống trong quan tài, nằm nghe đất rơi chầm chậm trên nắp ván thiên. Những con sâu lúc nhúc đục ruỗng thân mình, tóc lở từng mảng, tôi không biết gọi ai.

Gọi ai bây giờ, năm người đàn ông tôi yêu ai cũng tử tế. Không nên duyên phận với nhau thì kết nghĩa anh em. Mạ chẳng mất công mang nặng đẻ đau mà bỗng dưng họ hàng đông đúc, suốt một dải hình chữ S, họ lan sang tận xứ Tây. Tưởng tượng tôi chết đi, bốn cố nhân, bây giờ là bốn ông anh kết nghĩa, buồn bã khênh bốn góc quan tài. Anh đi đầu ôm bát cơm quả trứng. ảnh tôi phóng to, mắt độ lượng nhìn bể khổ qua khói hương mờ ảo. Một đám ma như thế cũng bõ công chết. Nhưng khi người ta đã ngậm ngùi nhận lời làm anh em đến lần thứ năm thì hi vọng chết ngọt ngào như thế còn ít lắm.

Lần trước anh đến, bắt gặp tôi đang ngồi kiết già trước ban thờ Phật, áo lam, chuông mõ lốc cốc. Lần sau tới dọn nốt đồ, anh lại thấy tôi áo hồng, quần xẻ gấu đính kim sa lóng lánh. Anh hỏi thế tôi sắp thành người gì ? Tôi nhún vai. Quên mất là phụ nữ Việt Nam không biết nhún vai kiểu ấy. Đáo để thì chửi, vỗ tay bành bạch. Thâm trầm thì ra đòn ném đá giấu tay kiểu Hoạn Thư. Hiền lành cỡ tôi đêm về âm thầm chan nước mắt vào gối. Nhún vai văn minh thế này đích thị từ trường đào tạo của anh. Còn kinh kệ thì hình như của mạ. Từ ngày ba mất, mạ hoá đá sau ban thờ, lời kinh ngắt quãng đêm dài. Tôi sợ mình giống mạ, cũng không thích giống anh. Phải yêu thân mình trước nhất, bài học nhập môn, càng ở đây lâu càng thấy ngấm. Tôi sắm quần áo tươi màu, giày dép ví đầm hợp thời trang, tóc dài đung đưa phố xá. Tôi đi tìm tôi để yêu, tìm mãi mà chưa thấy... Sinh nhật lần thứ bốn mươi, bạn bè về hết. Còn lại tôi với ngọn đèn cầy leo lét, sáp nến ròng ròng trong như nước mắt. Trót sinh ra làm kiếp nến, chỉ muốn cháy cho người. Nến đã thắp làm sao tự tắt, cứ đốt mình và nhỏ lệ sáp khóc mình thôi.

Tôi ăn chay một tháng bốn ngày, rằm mùng một đều đặn hương hoa cúng Phật. Tôi học ngoại ngữ, học vi tính. Tôi đi bơi, đi sauna tuần một lần. Trần truồng trên băng gỗ phòng sauna, tôi ngắm tôi mồ hôi loáng ướt thân mình. Hai núm vú như trái anh đào chín ửng. Eo thon. Mông chắc. Đùi dài. Ngày tôi xuất giá, mạ dặn tam tòng. Ba tôi mất rồi. Anh đã ra đi. Con cái thì chưa có. Phần hồn này, phần xác này tôi không quản lý nổi, biết tòng ai bây giờ ? Hay là rửa nghiệp, tôi lên chùa rắp tâm tòng Phật. Sư ông ưu ái hỏi han. Sư ông nói năng điềm đạm, dung mạo hiền hoà. Tôi về nhà, nhắm mắt lại, không thấy Phật, chỉ thấy sư ông. Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.

Tôi hơi dài dòng. Thực ra, phần chính câu chuyện mà tôi muốn kể bắt đầu từ chiều hôm ấy. Tôi theo bà chị tham dự hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tổ chức ở tỉnh L., miền bắc Pháp. Đoàn hai mươi bảy người, chỉ có tôi từ Hà Lan tới. Hội chợ kéo dài một tuần. Sáu ngày đầu tối mắt tối mũi vào bán hàng. Nhưng đến ngày thứ bảy, phải, chuyện đó xảy ra vào chiều ngày cuối cùng, khi chỉ còn vài tiếng nữa là tôi xong việc, kết thúc êm thấm chuyến đi bận rộn mà tẻ nhạt. Tất cả xảy ra chớp nhoáng trong tám tiếng đồng hồ. Tám tiếng mau như lốc xoáy, tám tiếng dài như một kiếp người.

Anh ta đến tầm ba giờ chiều. Lúc ấy hơi hơi vãn khách, tôi ngồi bần thần nhớ lại giấc mơ hồi đêm. Toàn rắn rết. Con rắn chúa vẩy vàng quấn chặt bắp chân tôi, trườn lên. Tiếng kêu tắc nghẽn, tôi há miệng nhìn đoá hồng nhung đang nở phồng lên kỳ dị trên ban thờ. Những cánh hoa tự bứt tung khỏi đài, phơi phới bay lên. Ba, năm, bảy, rồi trăm ngàn ức vạn cánh hoa màu máu quay cuồng trong xoáy lốc. Ngọn gió thổi từ miền xa thẳm, lạnh buốt và sực nức mùi hoa hồng... Anh ta tới, bóng đổ xuống che một khoảng tối trên chiếc nón trắng tôi chằm dở. Tôi ngẩng lên, bắt gặp kính trắng gọng vàng, cái nhìn nửa bối rối, nửa thân thiện. Anh ta cao, gầy, áo vàng nhạt, quần gin.

Anh ta không mua hàng, chỉ nhẩn nha hỏi chuyện. Hỏi cách thức chằm nón. Hỏi cục đá to với cần gỗ chọc ngang kia là cái gì. Hỏi cái đàn này sao có một dây... Tôi thuỳ mị trả lời, nón chằm công phu, lá xếp mỏng khít, mũi đột trứng rận, bài thơ xứ Huế, chùa Thiên Mụ kín đáo in bóng sau lớp lá, tất cả mất trọn ngày công, người Việt Nam chịu khó mà nhân công rẻ mạt. Cái cục đá kia là cối xay lúa. Đàn một dây là đàn bầu, tiếng nó buồn thương nức nở, làm thân đàn bà con gái chớ nghe... Những câu hỏi của anh ta sao giống câu anh hỏi ngày mới quen nhau. Cả ánh nhìn hình như cũng thế. Cho nên khi anh ta ngỏ ý mời chiều nay, sau giờ làm việc, cùng đi ăn tối, ngắm cảnh L. thì tôi nhận lời ngay. Lúc đó là năm giờ bảy phút, hai tiếng kể từ khi tôi thấy anh ta lần đầu tiên.

Cả đoàn ồn lên khi biết tôi nhận lời đi chơi. ở một đất nước xa lạ, thành phố lần đầu đặt chân. Một mình. Buổi tối. Với người đàn ông mới quen có hai tiếng, thậm chí chưa kịp hỏi tên. Tôi có điên không ?... Tôi đứng ở khu triển lãm phóng mắt về thành phố tôi chưa từng đến. Nhịp cầu bắc trên dòng sông tôi chưa được qua. Mái nhà thờ vút cao. Những ngôi nhà gạch nâu cổ kính. Nắng như mật ong rải trên cánh rừng xanh thẫm xa xa. Một chút nữa thôi, anh ta y hẹn sẽ đón đưa tôi vào nơi đó. Nắng xuân ấm áp. Hoa cải vàng bung trên lối cỏ ven sông. Một buổi tối thôi, có ánh mắt người đàn ông trìu mến, bù lại hơn bảy trăm đêm một mình thao thức, tóc trắng đâm dài trong bóng tối, trong mưa. Một buổi tối thôi, có thể là bắt đầu của những buổi tối khác...

Hai chiếc xe cùng xịch tới. Cái xe bus tôi đã quen thuộc. Chín giờ sáng, nó đến đón đoàn chúng tôi từ nhà nghỉ tới hội chợ. Chín giờ tối nó lại hốt tất cả từ hội chợ về nhà nghỉ. Sáng mai, nó sẽ thực hiện chuyến cuối cùng đưa cả đoàn ra sân bay. Tôi bước về phía cái xe bus đang nổ máy chờ đợi. Xe anh ta đậu phía đối diện, hướng về thành phố. Tôi xin ông trưởng đoàn tờ địa chỉ nhà nghỉ, cất vào ví.

Khi chiếc xe bus đã lăn bánh, tôi chợt nhận ra tôi đang rất một mình. Con đường từ đây về nhà nghỉ hơn một giờ xe chạy, mấy hôm đi về đều trên xe bus, tôi nào có nhớ đường đi lối lại, chỉ biết rằng nó khó đi, đồi dốc ngoằn ngoèo, rừng rậm heo hút. Đã chín giờ rưỡi tối. Mặt trời xuống thấp dần. Trong túi tôi là tấm hộ chiếu, thẻ nhà băng, tiền mặt. Tôi đang đứng với một người đàn ông xa lạ, ở một thành phố hoàn toàn xa lạ.

Anh ta cho xe chạy chầm chậm dọc dòng sông. Kể cho tôi về lịch sử thành phố. Nhưng tôi không nghe, cũng chẳng thấy gì. Chỉ nhận biết nắng trên sông mỗi phút một nhạt đi. Hơi lạnh dâng lên, tôi rùng mình. Mới tuần trước, tôi mất ngủ vì đọc mẩu tin trên tờ báo lá cải. Một người đàn ông trí thức, ngày đi làm cần mẫn, tối về ra bar uống, làm quen với một cô gái đơn độc, rủ về nhà. Anh ta có khoái cảm làm tình với xác chết. Khám nhà anh ta, mùi tử khí rùng rợn, bảy cái đầu phụ nữ giấu trong bao rác còn chưa kịp phi tang. Lại tin một cô gái bị hãm hiếp trong rừng. Tin khách du lịch bị trấn lột. Tin con bệnh tâm thần bất ngờ lên cơn, đè vợ ra xiết cổ tới chết... Giấc mơ hồi đêm có con rắn vàng. Tôi lén liếc sang chiếc áo vàng, nước da trắng thiếu nắng, cánh tay đàn ông vạm vỡ, cái sống mũi hơi gồ lên của người đàn ông ngồi cạnh, càng nhìn càng thấy lòng bất an.

Anh ta đưa tôi vào quán ăn, nhẩn nha gọi món. Bữa ăn đắt tiền cho một người bạn mới quen, anh ta muốn gì ở tôi ? Dải rừng phía xa xa đã chuyển màu tím sẫm. Mười giờ kém mười lăm. Tôi đặt thìa xuống bàn, cố để giọng đừng run :

Tôi phải về.

Anh ta nhìn tôi chăm chú :

Cô sợ ?

Tôi muốn về nhà trước mười giờ rưỡi tối.

Cô không tin tôi ?

Gương mặt anh ta tử tế. Kính trắng gọng vàng trí thức. Anh ta nói năng nhã nhặn, hiểu biết, ân cần. Chúng tôi ngồi đối diện, khăn trải bàn trắng muốt, nến cháy bập bùng. Một bông hồng hàm tiếu trong lọ sứ. Nhạc Mozart dìu dặt. Giống như trong mơ. Giấc mơ mà tôi không dám tin là có thật. Tôi thú nhận :

Ai cũng khuyên tôi đừng đi. Nhưng tôi muốn. Tôi tin anh là người tốt, tôi đi. Nhưng bây giờ thì tôi sợ. Bao nhiêu chuyện không hay tôi đọc trên báo... Xin anh, làm ơn, làm ơn đưa tôi về. Tôi phải về nhà trước mười rưỡi tối kẻo mọi người lo lắng.

Cô ăn đi. Cả ngày làm mệt. Ăn xong tôi sẽ đưa cô về. Đừng lo.

Anh ta vẫn điềm tĩnh nhưng có vẻ không vui. Bữa ăn trôi lặng lẽ.

Lúc chiếc xe chạy vào vạt rừng tối thẫm thì đã gần mười rưỡi. Con đường hun hút. Anh ta chợt quay sang tôi, hỏi :

Cô đã bao giờ đi chơi với người ngoại quốc chưa ?

...

Cô đã bao giờ làm tình chưa ?

Sao anh hỏi tôi như thế ?

Nghe nói đàn bà Á Châu làm tình rất thú vị. Ngọt ngào, đằm thắm...

Chiếc xe chạy chậm dần. Rừng bịt bùng vây bủa. Nghe như có tiếng quạ kêu thê lương từ xa vọng tới. Tôi cảm thấy nó đang đến, từng phút một, tôi cảm thấy nó, trong mỗi cử chỉ của anh ta, ánh mắt liếc sang tôi nhiều hơn. Xe ngừng hẳn lại trong bóng tối. Anh ta tắt máy. Những cành cây nghều ngoào chắn tầm mắt. Bóng tối quánh đặc. Tôi co rúm, khóc :

Xin anh...

Cô đừng sợ...

Lạy anh. Tôi biết tôi đang ở trong tay anh. Tôi van anh đừng...

Tôi đã làm gì đâu.

Anh muốn làm gì tôi cũng phải chịu. Nhưng mà tôi xin anh. Trời ơi, tôi đã tin anh. Đừng. Đừng...

Anh ta xoay người, đặt tay lên vai tôi. Ngón tay lạnh. Con rắn hồi đêm đang trườn lên, trườn lên. Tôi rũ xuống.

Những đêm mất ngủ, tôi thường tự hỏi điều gì đã xảy ra. Tại sao anh ta dừng xe trong rừng đêm ? Tại sao anh ta trả tôi về lại nhà nghỉ ? Nguyên vẹn, không trầy xước. Có phải những giọt nước mắt cầu xin của tôi làm anh ta không nỡ ? Hay tôi đã ngờ oan một tấm lòng ? Có phải ơn trên phù hộ tôi thoát hiểm trong ngàn cân treo sợi tóc ? Hay tôi đa nghi đã làm hỏng một buổi tối lẽ ra rất ngọt ngào ? Hàng ngàn câu hỏi không lời đáp. Tôi ngắm nhìn bức họa thần Prométhée treo trên tường. Vị thần ăn cắp lửa cho loài người bị phạt xiềng vào vách đá. Môi bong nẻ. Nước ngọt dềnh lên ngang ngực, cả một biển nước tràn trề ngay trước mắt mà không thể uống. Vĩnh viễn bị đốt cháy bởi cơn khát của chính mình. Anh ta đã gần tôi như nước gần cặp môi khô khát. Tôi dám đi mà chẳng tới cùng đường.

Nhưng tôi còn giữ địa chỉ của anh ta. Có thể một đêm nhiều gió như đêm nay, tôi sẽ viết. Một lá thư dài như tôi đang kể với bạn đây. Viết về cực hình của kẻ dám ăn cắp lửa trên thiên đường. Viết về những người đàn ông đi qua đời tôi như nước. Viết về cơn khát không nguôi. Viết để làm một cái hẹn. Xem thiên đường hay địa ngục chờ tôi ?

... ... ...

Thư đã gửi.Nhưng không có hồi âm...

Amsterdam 6/6/2002
Phạm Hải Anh