*

 




                                                                          


Như những thế cờ

Ông lão hay bị con cháu cười cười với nhau bảo là lẩm cẩm. Bằng chứng: Nhà thì hẹp, nhưng lại có ban công rộng, vốn là một góc cái mái nhà dưới, bà cụ đã nhắm gọi thợ tới cơi nới che chắn để dịch cái giường của hai vợ chồng già ra cùng với những nồi niêu xoong chậu chai lọ, cho thằng út có cái chỗ quang quẻ mà tiếp bạn bè với khách ăn làm. Nhưng ông lão không bằng lòng: 'Em phải để cho anh một khoảng trời cho nhẹ đầu chứ!' Nghĩa là để cho ông trồng cây trồng que. Ông không kỳ cây thế hay lan hay cúc. Một cây Mãn đình hồng, một cây ngâu tốt um, cây chanh, cây ớt. Vợ chồng thằng cả bê về một chậu hoa đúc bằng xi măng to vật, trong đã có sẵn cây hoa giấy nở toe toét, ông chê. 'Hoa với hoét. Nhìn nhức cả mắt.' Rồi giảng giải: 'Không phải hễ hiếm là quý. Nhưng hoa không thể lúc nào cũng sẵn như... như... nước mắm mẹ mày bán được.' Con cháu cười ầm: 'Cụ quên nhanh quá. Cũng chỉ sẵn mấy năm nay thôi chứ. Hồi nào bố toàn dùng thẻ gia đình liệt sĩ đi chen ngang mua xì dầu loại hai đấy thôi!'

*.

Có cái thẻ chen ngang là bởi vì cụ thân sinh ông lão hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Chiến dịch thu đông 1947. Hai cha con người trước người sau đi kháng chiến. Chưa một lần ông lão tìm thăm được bố ở cơ quan thì đã được tin bố hy sinh. Buổi chiều ấy, cơ quan ông lão tan hoang sau trận bom, ông lão vừa được anh em móc từ đống rui kèo đổ ra thì có giao thông tới báo tin cơ quan bên kia người chết vãn cả. Đến bây giờ ông lão cũng chưa một lần kể cho con cháu nghe cái lúc ông để mặc anh em thu dọn đống hoang tàn, lẻn ra bờ suối Lê, một mình ngồi khóc. Nước mắt chan hòa gương mặt thằng con trai mười sáu tuổi. Chỉ một người nhìn thấy: Anh Cảo bí thư chi bộ cơ quan. Anh Cảo cũng là người cậy cục nhờ dân buôn lậu ở Tuyên Quang chuyển thư ông lão nhắn tin bố chết về cho mẹ. Lá thư đi vòng vo Tam quốc hết cả năm giời. Sau này bà nội bọn trẻ thường kể lại, giọng như người ngạt mũi: 'Nhận thư con, nếp giấy gấp đã sờn hết cả. Làng lúc đó là vùng trắng. Đi suốt buổi chiều mới nhờ được người đọc hộ thư... thì lại là tin ông chết.'

Biết vậy, nhưng cũng không thể nào bắn được tin cho con là mẹ với em vẫn còn sống chờ ngày yên hàn con về. Nên ông lão lại một lần khóc nữa. Lần này giữa chợ. Đi một mạch từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô trong đoàn cán bộ khóa đầu tiên của trường công an, công việc yên yên rồi, ông lão lại cuốc bộ một mạch từ Hà Nội về làng. Bao nhiêu là hăm hở. Qua Ba La Bông Đỏ... Qua Chuông... Qua Miêng... Qua Vác...Qua mấy làng Vân.... Cái run rẩy từ đâu cứ len vào trong tâm trí. Tới làng. Làng trắng. Xóm cũ không một nóc nhà. Vườn hoang tiếp vườn hoang. Lồng cồng những cụm dây thép gai còn chưa được cắt dỡ. Thù lù cái lô cốt trấn ở mom sông. Và mây, mây thì sao trắng. Ông lão ra bến sông, nhìn nước chảy xuôi, nghiến răng mà hàm cứ run bần bật. Rồi lại lủi thủi qua cầu tính quay trở về Hà Nội. Thì bà mẹ nghe ai báo hớt hải quảy gánh dây khoai bươn bả quay về. Mẹ con nhìn nhau, ứa nước mắt. Người quen kẻ lạ quây xung quanh, mặt ai cũng gầy guộc hỷ hả. 'Con bà nhiêu Thản đấy. Anh ấy ở Hà Nội về đấy.' 'Ai bảo bà thế. Anh ấy tận trên chiến khu về.' ... Xôn xao xôn xao một nỗi riêng trong cái xao xác của phiên chợ hòa bình vừa họp lại.

*.

Sau đấy không bao giờ ông lão khóc. Ngay cả trong những ngày đắng cay nhất. Đắng cay chẳng gửi được vào đâu, thì rồi cũng như bơ gạo kế hoạch ba cơ quan chia thêm cho ngày tết nhất, hay miếng vải căng tin bán thêm, hay như cái săm xe đạp dành dụm mua ngoài tiêu chuẩn... Tất cả, là tài sản, của một thời. Mấy chục năm rồi.

Thì vừa hôm qua, thằng con út, cái thằng đã khuyên ông một cách rất láo: 'Bố vẽ chuyện. Hoa gì thì cũng là hoa. Nở quanh năm suốt tháng thì càng đỡ công bố chầu chực những mầm những nụ. Lại còn chả tốn công chăm bẵm tưới tắm gì. Càng thiếu nước càng rực rỡ', chính cái thằng này đem chuyện về. Sau bữa cơm mà bây giờ nó rất hiếm khi về được đúng giờ để ăn chung với bố mẹ, thằng con rót nước trịnh trọng mời ông.

- Bố này! Nhà nước cải tiến chế độ tiền lương mà lương lậu vẫn chả đâu vào với đâu. Bố về hưu, thời gian công tác lại còn bị gián đoạn... chả được mấy đồng. Con tính... Bố đi kháng chiến ngay từ những ngày đầu, lại ở an toàn khu, quen bao nhiêu bác làm khá... Ngày xưa bố oán các bác ấy quay lưng. Nhưng chuyện cũng mòn rồi. Các bác ấy nay già rồi về nằm nhà cũng khối thời gian nghĩ lại. Mà bố cũng mở đường cho các bác ấy nghĩ lại, làm những điều ngày xưa đã không thể làm... Hay là bố đến nhờ bác nào chứng thực cho bố thời gian còn bên bộ...

Thằng càng ngày càng láo. Nó hỏi mà như trói. Chắc là hai mẹ con nó đã bàn với nhau. Nên thằng út nhìn mẹ chẳng có vẻ gì là thăm dò trong khi bà lão thì làm như mù tịt:

- Nếu bố cộng thêm được cả thời gian làm việc bên ấy vào thì lương hưu của bố cũng đường được đấy. Đỡ cho mẹ đồng nào hay đồng ấy bố ạ... Dĩ nhiên là còn chúng con đỡ vào nữa...

Thằng út, từ ngày nhà nước cho bung ra, là thằng trên tiền ở cái nhà này, giỏi tính đếm nhất nhà. Nên ông lão không thể đánh bài lờ những lời nó bàn được. Ông ngồi uống nước, nghĩ bực dọc trong lòng, định cáu, nhưng rồi thở dài: 'Ừ thì để bố xem xem thế nào hẵng.'

Đêm. Ông lão không ngủ được. Bà lão thuộc đến cả cách giở mình của chồng, khẽ khàng ngồi dậy rót nước uống. Lúc quay về giường, bà nắn nắn cái đầu gối ông lão: 'Con nó bàn thế là nó nghĩ hộ bố mẹ. Nhưng nếu bố nó không muốn gặp lại ai thì cũng chả phải ép mình làm gì.'

Bà đã nói vậy thì ông sẽ đi. Buổi sáng, xong tuần nước chè, ông dắt xe ra cửa, dắng tiếng: 'Tôi đi đến anh chị Lư. Xem xem thế nào. Mẹ nó ở nhà đừng chờ cơm nhỡ tôi về muộn quá.'

Bà lão vẫn chờ cơm chồng. Quen rồi. Một mình mâm lệch, nhạt miệng cũng không ăn nổi. Cầm vực cơm vợ xới, ông lão thủng thẳng:

- Anh chị ấy vẫn ở cái nhà ấy. Phố ấy ngày xưa yên tĩnh thế mà giờ người xe đi lại đùng đùng như chạy loạn. Tôi nhận không ra. Mấy đứa con anh chị ấy xây nhà cho thuê. Chẳng còn bốt gác, chẳng còn hàng rào dây leo, chẳng còn vườn tược sân sướng gì. Cửa mở tuột ra phố. Thằng út nhà mình mà tậu được một chỗ ở đấy mở văn phòng thì dễ chừng sướng phát sốt phát rét lên...

Bà lão khẽ khàng:

- Thế... Rồi sao hả ông?

- Chị ấy còn nhanh nhảu lắm. Nhận ngay ra mình. Anh Lư thì có vẻ lẫn rồi. Về hưu lâu rồi mà gặp khách chưa nhận ra ai vào với ai đã hỏi 'cậu đến chắc có việc gì đề đạt hẳn'. Về già, bị suyễn, nói năng thều thào mà câu chữ vẫn gang thép lắm. Tôi nói chuyện thằng út... Chị ấy im lặng. Rồi gọi con dắt xe ra, bảo: 'Chú nhận ra thằng này không? Ngày xưa hồi ở cơ quan chú vẫn lôi nó đi tắm suối với nhặt trám đấy. Chú ngồi chơi với anh chờ cháu đưa tôi đi...'

Ông gắp một miếng đậu phụ nhồi thịt, ngắm nghía:

- Mẹ nó làm khéo nhỉ. Ăn ở mấy nhà thấy chẳng ai làm được như mẹ mày, thịt cứ phè ra, nhìn mất đẹp... Thế rồi hai mẹ con chị Lư chở nhau đi. Ngồi lại với anh ấy, chẳng biết chuyện gì... Nói thì mình phải quát lên ông ấy mới nghe được. Mà nghe ông ấy nói thì tội. Thở như kéo bễ. Dễ đến hai tiếng đồng hồ, chị ấy về bảo thế này: 'Mấy chục năm chú không lại nhà, chúng tôi hiểu tính chú. Mà cũng hiểu vì sao. Ngày ấy chú không nhờ, cũng không oán trách. Ngày ấy chúng tôi không giúp gì được chú, thế là có lỗi với chú, với cái tình xưa ở rừng kháng chiến với nhau. Nay chú tới đây, là chú còn tin vào cái lòng anh chị, là chúng tôi phải cảm ơn chú. Tôi vừa đến Vụ Tổ Chức. Chuyện mấy chục năm qua rồi. Người cũ về hưu hay chuyển công tác hết rồi. Chỉ còn mấy cậu trước dưới quyền tôi. Tôi bảo thế này: 'Tôi chưa bao giờ nhờ các anh điều gì. Nay cũng không nhờ. Tôi chỉ làm theo trách nhiệm và lương tâm. Tôi đến chứng thực cho một người, ở cơ quan ta từ những ngày đầu thành lập, rằng anh ấy không có tội...' Chị ấy dặn mai mình cứ đến thẳng đó. Họ đã ghi rõ trường hợp của mình. Sẽ bổ sung hồ sơ. Mẹ nó ạ, giọng chị ấy... mẹ nó gặp chị ấy ngày xưa rồi đấy... nhớ không? Chị ấy có tiếng là người nguyên tắc.'

*.

Buổi sáng, bà lão trước khi ra ngồi giữa những hũ những vại những can cà dưa mắm muối lại khẽ khàng hỏi chồng:

- Mình hôm nay có đến cơ quan chỗ chị Lư dặn không? Tiện đường mình chở cái can nước mắm đến cho chị Thoa. Chị ấy dặn mấy hôm rồi mà không thấy đến lấy. Khéo nhà hết cái ăn...

Bà lão lẩm bẩm, vuốt vuốt lại mấy tờ bạc năm ngàn vừa moi từ rổ đựng tiền ra, đưa cho ông lão:

- Xong việc bố nó tạt vào chỗ cửa chợ Hôm mua lấy hộp sữa cân đường vào thăm bác Bằng một chốc. Nghe bảo bác ấy phải cảm nằm suốt ngày hôm qua. Mà đừng có ép nhau cờ quạt gì đấy nhé.

Ông lão cười, ràng chặt can nước mắm vào cái đèo hàng rồi lóc cóc đạp xe đi. Gió thốc cái mùi nước mắm từ sau lưng ông về phía trước. 'Chà chà! Khuân theo cái mùi này vào phòng làm việc của người ta thì cơ chừng nhỡ việc. Phí cả lời nói trước của bà chị...'

Nên đi đâu bây giờ trước nhỉ? Qua nhà cái cô Thoa đưa can nước mắm này! Lên bộ này! Tạt vào bác Bằng này! Ông lão loay hoay nghĩ, không để ý mình vừa ngoặt xe đánh vèo một cái về phía nhà ông bạn già. Cú ngoặt bất ngờ làm một cậu choai đi xe máy loạng choạng phanh vội. Chàng ta văng một câu chửi cực bậy. 'Thằng ranh con. Cho bố xin lỗi. Nhưng mày ăn nói thế là hỗn. Bố mày tuy già nhưng đã ra đòn thì...'

-----------------------

Dĩ nhiên là ông lão không thốt thành lời. Hơn nửa đời qua ông đã học được phép im lặng. Ông nghĩ, và tiếp tục đạp xe đi. Đến lúc chống chân xuống đất dừng xe trước ngõ nhà ông bạn thì ông biết rõ mình muốn gì. 'Vào làm với bác ấy ván cờ đã. Ở chỗ này thì chẳng phải băn khoăn mùi nước mắm hay mùi cóc chết. Bạn nghèo với nhau.'

12. 1999/ 3. 2000


Lê Minh Hà