*

 




 

 

Đọc lại

Nỗi Buồn Chiến Tranh

 

Nếu đã từng đọc 'Một thời để yêu, một thời để chết' của Remarque, hẳn bạn sẽ bị ám ảnh rất lâu, có thể là mãi mãi bởi hình ảnh cuối cùng tác phẩm: Người du kích Liên xô ngay sau lúc được giải thoát đã nâng súng bắn hạ người lính Đức vừa giải thoát mình. Một cách có ý thức? Hay vô thức? Không biết! Chỉ biết là viên đạn đã ra khỏi nòng súng và thêm một con người gục xuống vào phút hấp hối của chiến tranh. Còn lại vĩnh viễn hy vọng không bao giờ thành thực của nhân vật chính. Còn lại vĩnh viễn một nỗi buồn: Nỗi buồn chiến tranh.

---------

Phải! Mọi sự tàn phá, hủy diệt diễn ra trong mọi cuộc chiến tranh rút lại sẽ thành ra thế, thành nỗi buồn, gặm nhấm linh hồn người còn sống, tàn hủy đời sống con người. Sẽ không có gì trôi qua. Thời gian sẽ phủ tro lên nỗi đau hy sinh mất mát. Và con người tưởng có thể nguôi quên, tưởng sẽ được xoa dịu. Và con người sẽ dần bị cuốn vào chuyện áo cơm của thời hậu chiến. Tuy nhiên, không phải là như thế. Còn đó nỗi buồn. Một nỗi buồn có khả năng triệt tiêu không chỉ thù hận mà cả niềm vui đại thắng, và vì thế bao chứa cả nỗi đau, lớn hơn nó, cao cả hơn nó.

---------

Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng cảm nhận được điều này khi viết về chiến tranh. Phải tỉnh táo lắm, nhân ái lắm, mê đắm cuộc đời này lắm mới có thể phát hiện được nỗi buồn, sự cô đơn tuyệt đối của nỗi buồn - như một định mệnh của những ai biết nghĩ - khi viết về một thời máu lửa. Đọc 'Chiến tranh và hòa bình', ta khâm phục tài năng mô tả chiến trận qua trường đoạn về Borodino của tác giả, song để nhận diện sự vô nghĩa của chiến tranh, cần phải nhập thân vào công tước Bolkonski, lúc chàng bị thương nặng, và bát ngát trên chiến trưòng của những xác chết là một bầu trời xanh đến nghi hoặc.

-----------

Đọc 'Con đường đau khổ', ở những trường đoạn về chiến trận, người ta hay nhắc tới kỳ tích Xaritxưn. Không thể khác. Nhưng đoạn buộc tôi phải phục hiện trí nhớ nhiều nhất lại là đoạn mô tả cảnh hạm đội Bantic tự khai tử mình. Những tiếng nổ quặn lòng biển cả. Sóng gào thét. Gương mặt u ám của những thủy thủ vừa nhập thân vào cách mạng, những người sẽ lại là thường dân nếu có cơ may sống sót, khi chiến tranh qua đi, khi những cuộc cách mạng thôi gào thét.

*.

Lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ hai mươi là lịch sử của những cuộc chiến kinh hoàng, của những cuộc cách mạng dữ dội như vậy. Chịu sự quy định của lịch sử mà con người đang viết ra, chứ không phải là của bất kể đường lối chính trị văn hóa nào, lịch sử văn học Việt Nam thời hiện đại bao chứa trong nó vô số kể các tác phẩm viết về chiến tranh. Tuy nhiên, viết đúng và đủ về cuộc chiến tranh đã buộc cả dân tộc phải hành quân, phải nã súng vào nhau, gạt bỏ đi những niềm vui phi nhân không phải chỉ của một phía, gạt bỏ đi những kích động hận thù, đại đa số tác phẩm viết về chiến tranh ở ta thời gian qua chẳng còn gì để nhớ.

--------------

Có thể tìm lý do ở thời gian. Các tác phẩm đó bị quên bởi chiến tranh đã là một đề tài lên mốc? Thế thì giải thích làm sao chuyện người đọc bốn phương vẫn tìm về những trang sách cổ điển, chuyện chính chúng ta hôm nay lại đi tìm những tác phẩm soi chiếu lại cuộc chiến của những kẻ từng bị coi là kẻ thù ở đất nước mình? Hay các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của người Việt Nam chưa đủ sức đọng bởi tác giả của chúng còn thiếu thời gian để lùi xa, để chiêm nghiệm, để lắng lọc lại hồn mình? Nhưng vấn đề cốt tử lại là ở chỗ đâu là góc nhìn của người cầm bút? 'Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc' của Solokhov vẫn bị coi là một tác phẩm chưa hoàn chỉnh và dở của cây đại thụ văn học xô viết này. Nhưng nếu không mang thước đo của văn học xô viết để ép vào nó thì ở trong tác phẩm này sáng lên những dòng viết rất tuyệt vời mà qua nó người ta hiểu tất cả sự khủng khiếp của chiến tranh. Đồng hoa hướng dương rung lên bởi tiếng súng trận. Những cánh hoa rơi rơi, lên thân hình bất động của người đã chết. Tiếng ong vo ve giữa chiến trường đột nhiên im lặng. Với một số người đọc, đấy không phải là sự thi vị hóa chiến tranh. Đấy là một đối lập nghệ thuật đã nói được sâu sắc cái phi nhân của cuộc chiến, từ mọi phía.

--------------

Vượt lên trên hiện thực, hóa thân vào nhân dân, đã có những tác giả viết được những tác phẩm văn học đáng nhớ ở cả hai bên bờ Hiền Lương, và sau này ở cả ngoài biên giới Việt Nam. Xa về phương Nam có Võ Phiến, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, có 'Tiền đồn' của Thế Uyên, 'Mùa hè đỏ lửa' của Phan Nhật Nam, ' Vài ngày làm việc ở Chung sự vụ' của Nguyên Sa... Rất nhiều. Vượt ra ngoài biên giới sau 1975 có Nguyễn Mộng Giác với 'Mùa biển động' và hàng loạt tác giả khác, viết về những năm tháng cũ như một hành vi trả nợ cho chính mình, cho đồng đội đã người còn người mất xác. Rất nhiều. Dẫn liệu này chắc chắn là không tiêu biểu do những hạn chế trong sự đọc của người viết. Phía bờ bắc, có Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Trần Hiếu Minh, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh... và đông đảo những cây viết trưởng thành trên miền bắc Xã hội chủ nghĩa. 'Đất trắng' của nhà văn quân đội Nguyễn Trọng Oánh đã hé ra cái bi thảm của cuộc chiến tranh vừa qua, một chỉ dấu khác thường nhưng không thể coi là bất ngờ của văn học trong nước. Bản lĩnh nghệ thuật của một nghệ sĩ trước hết là dám nói thật.

*.

Tôi không coi 'Nỗi buồn chiến tranh' là một sự đột khởi, đột biến của văn học Việt Nam viết về chiến tranh, viết từ thế nhìn của người chiến thắng. Bởi trước đó đã có 'Đất trắng'. Nhưng đúng là phải chờ Bảo Ninh thì văn học viết về cuộc chiến vừa qua ở Việt Nam mới vượt lên trên tầm 'thường'.

 

Khi đến với bạn đọc lần đầu, tác phẩm của Bảo Ninh phải ẩn thân dưới một cái danh khác: 'Thân phận của tình yêu.' Rõ là sến, vô nghĩa, rậm lời. Gọi tác phẩm bằng cái tên nguyên thủy của nó, mới có thể tiếp cận được với trường cảm xúc của tác giả. Ấy là tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, tình người.

So với các tác phẩm có chung một đề tài (chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh giải phóng, nội chiến vì phận biệt ý thức hệ), 'Nỗi buồn chiến tranh' rất mới về bút pháp. Sự chuyển đổi thời gian được mô tả thật nhuyễn, sự trôi chảy của ý thức đã được Bảo Ninh theo dõi không ngừng. Tuy nhiên, cái mới đó vẫn chưa thật là mới khi xét nó trong phạm vi tiến trình phát triển của văn học thế giới. Cái mới của một tác phẩm, xét đến cùng là ở cách 'nghiền ngẫm' hiện thực (chữ dùng của Lê Ngọc Trà). Trong nghĩa đó, đi vào đề tài chiến tranh, Bảo Ninh là nhà văn đầu tiên ở Việt Nam biết nghiền ngẫm, nói được những điều chưa từng ai nói.

-----------------

Không phải ngẫu nhiên mà 'Nỗi buồn chiến tranh' đã dấy lên nhiều luồng ý kiến về nó, và ý kiến phê phán có lúc đã được đặt lại một cách nghiêm trọng, phi văn chương. Sự phê phán này đến từ cả phía những người đọc và người viết vốn rất nhạy cảm ủng hộ những tác phẩm văn học có một phận số không vui ở trong nước. Cùng đoạt giải của Hội nhà văn năm đó còn có 'Bến không chồng', 'Mảnh đất lắm người nhiều ma'. Các tác giả cùng đoạt giải thưởng năm đó với Bảo Ninh viết cũng thực tài, đặc biệt là Nguyễn Khắc Trường với 'Mảnh đất lắm người nhiều ma'. Tuy nhiên, xét đến cùng, họ chỉ xới xáo lại, thâm canh lại, đạt hiệu suất cao ở một vùng đất đã từng được vỡ. Bảo Ninh đi một con đường riêng, tái tạo lại cuộc chiến tranh cả dân tộc đã phải lăn mình vào trên một thế nhìn mới, có thể nói rất phi chính thống. Nhưng tôi tin rằng đây sẽ là cách nhìn cuộc chiến tranh đã qua của thế hệ cháu con ta, một cách nhìn tỉnh táo và nhân bản. Nếu đồng ý với Bảo Ninh về thế nhìn này, cùng quan sát và chiêm nghiệm, tất yếu ta sẽ đạt tới một nhận thức: Không có chiến thắng trong cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua. Đất nước thống nhất, song dân tộc Việt Nam là một dân tộc thất bại. Chỉ khi nào thừa nhận điều ấy, chỉ khi nào tước bỏ mọi hào quang, ta mới trở lại là ta. Không nhất thiết phải đặt câu hỏi đây có phải là thông điệp Bảo Ninh muốn gửi tới bạn đọc. Những tác phẩm thực sự giá trị luôn luôn lấp lánh những vầng sáng mới trong những hoàn cảnh cụ thể, dị biệt mà tác giả chưa chắc đã hình dung ra được.

-------------

'Nỗi buồn chiến tranh' là một tác phẩm không thể tóm tắt, dù có nhân vật chính. Nếu lấy cặp Kiên Phương là trục và tập hợp các sự kiện xung quanh mối quan hệ của họ, hiển nhiên ta sẽ thu hẹp phạm vi phản ánh của tác phẩm. Đọc 'Nỗi buồn chiến tranh' có cảm giác như đọc rất nhiều cốt truyện. Nhiều đoạn, nhiều câu chuyện trong hồi ức của Kiên nếu phát triển sẽ là những truyện ngắn cực hay. Chẳng hạn đoạn mô tả cảnh Phương hát cho những chàng lính thủy nghe 'Trên thế giới này ngọn gió phũ phàng nào sẽ thổi' vào chính lúc chiến tranh ập tới, vừa phũ phàng, vừa phi lý. Chẳng hạn: đoạn kể những người lính lần theo tiếng ghita đệm theo lời hát 'Năm tháng vinh quang, khổ đau bất tận' mà họ nghe thấy trong giấc mơ để tìm đồng đội.

Huyền diệu thay, chỗ đất được định vị có hồn người quả có xương cốt một người lính và bên cạnh đó là cây đàn tự tạo còn nguyên vẹn. '... Chẳng biết có phải là do hư cấu thêm không mà người ta kể rằng khi vốc xương mùn và cây đàn vừa được đưa lên từ đáy huyệt thì tất cả những ai có mặt đều nghe thấy vang lên trong lòng rừng những âm điệu bi tráng của bài ca ấy. Sau đó thì vĩnh viễn tắt bặt. Bài ca chắc là đã mãi mãi lìa bỏ khu rừng...' (NBCT - 108) Những trường đoạn thấm đẫm chất thơ buồn trang trọng như thế không thể kể hết ở tác phẩm. Nhưng khác nhiều tác giả, Bảo Ninh không cốt đeo đuổi việc mô tả hiện thực sao cho sống động hay phi thường. Những mảnh thực tại chỉ được huy động làm tiêu chí cho Kiên - nhân vật chính - lần tìm lại chính mình. Hành trình nội tâm ấy mới cơ cực làm sao. Chỉ khi nào đi hết cùng Kiên hành trình ấy, mới nhận diện được gương mặt không phải là gương mặt đàn bà của chiến tranh. Cũng vì thế, những đoạn quan trọng nhất của tác phẩm phải là những đoạn mô tả Kiên trong trạng thái nhớ lại và suy nghĩ. Mối liên kết văn bản của 'Nỗi buồn' nằm ở đây. '... Kiên nhớ...' '... Kiên nghĩ...' Kiểu: '... Anh chẳng còn biết dùng đời anh vào chuyện gì nữa, việc học hành, sự thành đạt, đường tiến thân tất bật, những gì mà từ khi chiến tranh trở về anh coi là trọng bỗng chốc thành bèo bọt cả. Nhưng một kế sinh nhai tàm tạm anh cũng chẳng màng. Vẫn sống đấy, vẫn tồn tại đấy, vẫn có mặt, nhưng sâu xa về mặt tinh thần thì Kiên đã đầu hàng số phận rồi, trước cái không là gì của số phận...' Ma lực do nhân vật này tạo nên không phải là những khoảng đời, những trận đánh đã trải mà là những tâm trạng đã sống qua, những nhận thức đã đạt tới thời chiến tranh cũng như thời hậu chiến.

---------

Hãy thử cùng Kiên làm sống dậy hồi ức về Can - một người lính trinh sát quả cảm đã đào ngũ chỉ vì một lý do duy nhất, một lý do không ai có thể quay mặt. '... Mấy đêm vừa rồi tôi toàn mơ thấy mẹ tôi gọi tôi. Có lẽ anh tôi đã chết mà mẹ tôi khổ não thành lâm bệnh rồi chăng?...'

Can đã chết một cái chết thê thảm, ê chề, trước khi về được với mẹ. '... Thối quá thể là thối, cái thằng bê quay chết tiệt ấy. (Lời một người lính vệ binh đã tự tay chôn Can)... Và cứ mỗi lần qùy xuống trước bàn thờ các liệt sĩ của trung đội... Kiên thầm thào khấn gọi linh hồn Can, người anh em khốn khổ, bạc phước ra đi trong nhục nhã chẳng được ai đoái hoài...' Sẽ, khó tránh, lời lên án rằng Bảo Ninh cào bằng giá trị, nhân đạo chung chung. Nhưng tôi, một người đọc, lại nghĩ rằng dân tộc mình sống còn được chính bởi vì còn có chỗ cho một quan niệm như thế này về người lính, về con người... 'Dưới lòng sâu đất ấm của đại ngàn họ chung nhau một số phận. Không có người vinh kẻ nhục; không có người hùng kẻ nhát; không có người đáng sống và kẻ đáng chết...'

-------------

Nhận thức ấy mới cay đắng làm sao, và mới đúng làm sao. Rút cục, chỉ làm 'Người' là có nghĩa. Không có ranh giới ý thức hệ khi biết nhìn nhau như những con người. Trong 'Nỗi buồn chiến tranh' có một trường đoạn thật đáng nhớ: hai đơn vị Quốc - Cộng sống mái với nhau - Bom - Anh lính miền Nam ngã lộn vào chiến hào của anh lính miền Bắc. - Lưỡi lê lóe sáng. Và, chỉ khi đâm dao lút vào vào người lính miền Nam, anh lính miền Bắc mới biết rằng người lính kia đã bị thương từ trước... 'Không còn tiếng súng cá nhân. Chỉ còn mưa mỗi lúc một mau. 'Mày nằm đây một lát nhé. Tao lên tìm ít vải và bông băng, sẽ quay lại ngay.' Anh ta ngừng rên và chớp chớp mắt nhìn tôi, mặt ướt ròng ròng nước mưa, nước mắt và máu... Nhưng tôi ngu quá, mưa lụt trời... đáy rừng tanh bành hàng trăm hố bom hố pháo. Cái hố của tôi và thằng ngụy ở dưới đó đâu rồi. 'Ngụy ơi, Ngụy ơi'... suốt đêm tôi cứ mò mẫm lặn tìm ... Bao năm qua, cứ nhìn cảnh mưa lũ là tim tôi lại như bị thọc dùi. Tôi nhớ tới con người ấy, nhớ tới sự ngu ngốc bạo tàn của tôi. Thà rằng tôi giết phứt anh ta. Đằng này... Là người thì không ai đáng phải chịu một nhục hình như tôi đã bắt anh ta phải chịu... (NBCT - 112)

Trong chiến tranh, nếu đó là tình đồng đội đồng chí thì dễ hiểu. Nhưng đây là tình người, cái mà chiến tranh nhân danh song không chấp nhận. Nhưng chỉ có tình người mới có thể cứu nổi con người, chứ không phải là chiến tranh, muôn đời không phải là chiến tranh. Tác phẩm giống như một khúc ai ca nói với ta điều đó.

-----------------

Chiến tranh chỉ tàn diệt hồn người. Người ta đã quen với sự chết đến độ có thể ngồi ăn bên xác chết (NBCT -123), song khi người sống xúc phạm người chết thì sự xúc phạm ấy có giá trị như một lời cảnh tỉnh 'hãy coi chừng mà xem lại nhân tính' (NBCT -127).

 

Ở 'Nỗi buồn chiến tranh' không thiếu những cảnh dữ dội phi nhân nhìn từ cả hai phía, và nếu lấy ý thức hệ đo lường thì bên nào cũng có anh hùng. Nhưng, đây là cuối thế kỷ XX, không phải là thời của những trường ca một đi không trở lại. Đấy chính là bi kịch của dân tộc. Nhớ một nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết đã làm say mê hàng triệu bạn đọc suốt nửa thế kỷ qua (Cuốn theo chiều gió) từng cắt nghĩa nguyên nhân trở thành anh hùng. Có thể vì sợ, vì phải giết đối phương để cứu lấy mạng sống. Có thể vì say máu. Tôi nghĩ điều này có lý. Chẳng lẽ lúc đâm lê vào ngực nhau người ta có thể nghĩ tới một lời hiệu triệu, một tấm gương dũng liệt nào. Nhưng như thế còn ít kinh khủng hơn. Thế đã đủ lắm rồi. Trong cuộc chiến vừa qua, ở cả hai phe, Việt Nam ta đã có không ít anh hùng. 'Lời cầu nguyện cao cả nhất không phải là lời cầu xin chiến thắng mà là lời cầu xin hòa bình.' Từ cổ xưa con người đã biết như vậy. Nhưng dù thế thì con người vẫn bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh. Cái gì giúp cho con người đứng lại trong qũy đạo chỉ dành cho con người? Câu trả lời muôn năm vẫn là tình yêu, vẫn là những hồi ức đẹp nhất về một thời bình yên, và cực nhọc thay, còn là khả năng xới xáo lại, soi chiếu lại tâm can mình, để nhận diện chính mình.

-------------

Dù hết sức dày dạn, Kiên biết mình chỉ có hai mối tình. Mối tình đầu tiên dành cho Phương. Mối tình cuối cùng cũng dành cho Phương. Phương - người con gái vừa thơ ngây vừa khôn ngoan, người con gái dường như không giống một người con gái nào, ngưòi con gái đã bị vùi dập tức tưởi, vô lý, không ngờ nhất bởi cuộc chiến tranh mà cô đã chối bỏ bằng bản năng và tâm thức - với Kiên, luôn luôn là tất cả và mãi mãi. '... Rất nhiều năm về sau này, trong một đêm chìm đắm vào những thất vọng khô cằn, Kiên đã mơ thấy đời mình hóa thân thành một dòng sông trôi chảy trước mắt để đưa anh về vùng chết, thì đúng giây phút cuối cùng sắp buông mình, Kiên lại chợt nghe tiếng gọi của Phương từ buổi hoàng hôn cay đắng năm xưa cất lên kêu gọi và lay thức anh. Tiếng gọi cuối cùng ấy của mối tình đầu cũng đồng thời là âm vang dã nhập tâm về một cuộc đời hạnh phúc, một tương lai tươi sáng mặc dù đã bị bỏ lỡ, đã bị buông rơi nhưng không hề mất đi, mãi mãi còn đó, chờ đợi anh... Mãi mãi anh bị cuốn về không gian trải đến cuối chân trời quá khứ, những đốm lửa chiến tranh trong đời, vệt sáng của cuộc phiêu lưu đầu tiên và cũng là tia sáng của tình yêu rọi lên từ đáy xa thẳm của thời thơ ấu...' (NBCT- 312)

--------------

Phương là thế, là ánh sáng soi riêng Kiên khi sa chân vào vũng tối của sự chém giết, của những cơn say hồng ma ở những nơi chỉ nghe tên thôi đã thấy rợn người: Chuông gọi hồn, Đồi xáo thịt. Giấc mơ về một tình yêu không thành với Phương đã giữ Kiên lại bên bờ vực mất nhân tính. Người con gái từ năm mười bảy tuổi đã biết rằng mình sẽ yêu cha của người yêu nếu ông ta còn trẻ, đã đi trong cuộc đời vừa tỉnh táo vừa thác loạn, với Kiên mãi mãi là biểu tượng trong trắng về Người Nữ. Phải đặt Phương song hàng với những người đàn bà trong văn học thủa ấy, những người đàn bà hát ru người yêu 'chim bằng ngoan của em ơi - đêm nay ngon ngủ sáng mai lên đường... (Lý Phương Liên - Lời ru với anh) mới thấy hết sự mới mẻ trong nhận cảm về con người của Bảo Ninh. Nhưng tôi nghĩ rằng đây mới đích thực là gương mặt người phụ nữ, những con người có bản năng thiên phú để hiểu trước người đàn ông rằng chỉ cuộc sống là đáng giá, 'nghĩa vụ của con ngươì trước trời đất là sống chứ không phải hy sinh nó, là nếm trải một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ.' Dõi theo những hồi ức của Kiên về Phương, mái trường Chu Văn An, hồ Tây, bãi biển đêm chiến tranh đầu tiên... không hiểu sao tôi cứ nhớ Aimatov. Trong Giamilia, ông đã miêu tả cực kỳ sống động ngày những chàng Jighit lên đường, khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Những trung đoàn kị binh rùng rùng xuống núi. Cờ bay phía trước đoàn quân. Những người đàn bà khóc lặng lẽ. Họ đã khóc như thế ở mọi nơi trên thế giới này, từ lúc con người bắt đầu viết lịch sử bằng máu, trên những nẻo đường chiến tranh, âm thầm chua xót. Bằng chính khả năng cam chịu ấy, khả năng sống bền bỉ ấy, những người đàn bà đã cứu vãn đàn ông và cả thế giới này.

-------------

Ở 'Nỗi buồn chiến tranh', cùng với Phương, còn có những nhân vật có khả năng tiên cảm chính xác về cuộc sống. Không thể không chú ý một điều: Họ đều là nghệ sỹ. Đấy là cha đẻ (họa sỹ) và cha dượng (thi sỹ) của Kiên. Họ đã chối bỏ cuộc sống thực tại đang làm người ta háo hức (thập niên những năm 60 ở miền Bắc). Người thì bằng hành vi tự hủy thế giới nghệ thuật của mình. Người thì bằng ngôn từ. Phương và họ làm thành một dòng chảy ngược chiều thời đại, đã có lúc làm Kiên hổ thẹn, bực bội, nghi ngờ. Thế nhưng tính chất tiên tri của cảnh tượng người cha hóa tranh qua lời kể của Phương, lời dặn trước buổi đi xa của người cha dượng 'Hãy cảnh giác với tất cả những gì thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy' ; câu hỏi nửa tò mò, nửa nghiêm trang, nửa nhạo báng của Phương: 'Anh sẽ giết nhiều người chứ? sẽ trở thành anh hùng chứ?' sẽ đeo đẳng Kiên mãi về sau này, buộc anh phải sống một cách rất không bình thường ở chiến trường, phải chùn tay trước mỗi hành động báo thù ( NBCT - 1976)...

 

... Buộc anh phải sống qua cái mà ở những nước giàu có được gọi là 'Hội chứng chiến tranh'. 'Nhà văn phường tôi' - Kiên - còn đồng thời là một con bệnh thần kinh. Khi tiểu thuyết này ra đời, đã có nhà phê bình dựa vào đặc điểm này trong tiểu sử Kiên để phủ nhận triệt để nhân vật này, qua đó gạt bỏ tất cả những kiến giải xa lạ với tư tưởng chính thống về cuộc chiến vừa qua của Bảo Ninh. Tại sao? Những con bệnh thần kinh theo dạng này luôn luôn là những con người thông minh và tinh tế đến độ có thể trở thành nạn nhân của chính mình vì sự hơn người. Tại sao? Những người vừa gạt bỏ Kiên trong tư cách một nhân vật văn học đại diện cho cách nhìn chiến tranh nhân bản thế liệu có thể phủ nhận (chẳng hạn) Khuất Nguyên với 'Ly tao', Lỗ Tấn với 'Nhật ký người điên'? Trong những cảnh huống nhất định, rất nhiều khi những người bị coi là rồ dại lại là kẻ độc tỉnh ở ở thời đại của mình: Và cuối cùng: Tại sao phải tuyệt đối hoá một cách nhìn, không dành một không gian cho những cách nhìn khác làm giàu có thêm lên cho trí tuệ và tinh thần của con người?

 

---------------

 

Nhớ xưa Ức Trai từng dạy mong muốn được báo thù là lẽ thường tình ở con người, song biết dừng không làm đổ máu mới là người có nhân. Như thế, hành trình về quá khứ của Kiên là cần thiết. Giống như những người lính Mỹ đã mắc hội chứng chiến tranh Việt Nam, nếu nằm xuống ở một góc rừng nào đó, Kiên và họ cũng chỉ là một trong thập loại chúng sinh. Cuộc đời Kiên là cuộc đời của một kẻ thất bại. Nhưng khi Kiên lần tìm lại quá khứ, lúc đầu là trong giấc ngủ và sau đó là trong toàn bộ ngày sống, khi Kiên đánh chìm mình vào trong hoang tưởng về quá khứ, vào nghệ thuật, Kiên đã tự phục sinh mình. '... Bản thân anh đã không thay đổi cho dù đã trở nên hoàn toàn khác. Anh tin rằng Phương của anh cũng vậy. Và nói chung, tất cả mọi người, tất cả những ai bị chiến tranh làm cho biến đổi, họ vẫn mãi mãi là họ trong quá khứ... Ngày tháng của đời anh cứ lùi lại mãi...'

 

-----------

 

Nếu đồng ý với cách nhìn cuộc chiến tranh vừa qua của Bảo Ninh, ta phải thừa nhận, như đã nói, rằng dù bên nào thắng trong cuộc chiến đó thì dân tộc ta vẫn là một dân tộc thất bại. Thì có sao! Tại sao lại cứ phải là một dân tộc chiến thắng khi gánh nặng chiến thắng không thể nào kham nổi.

 

Nói dân tộc ta thất bại không hàm ý chỉ cục diện lịch sử ở đây. Chỉ muốn nhìn vào một sự thực, chiến thắng rút cục chỉ thống nhất được lãnh thổ, nhưng lòng người ly tán nhiều hơn. Không thể gọi nhân dân ở nửa nước bên kia là 'ngụy', cũng không thể xếp hàng ngưòi Việt ở nửa nước bên này dưới tấm biển cộng sản, để tiếp tục thù hận hay ngờ vực, nghi kỵ. Hãy thử hoán vị, ta sẽ thấy dù ở đâu, nếu con người không tự đánh thức lương tri thì rút cục cũng bị xô vào vòng máu lửa. Còn một sự thực nữa, ngang phần cay đắng: những người tham gia vào chiến thắng hoài nghi ý nghĩa của chiến thắng. Ở phương diện này, cái nhìn của Kiên, như một văn sỹ) là rất đáng chú ý. Nó tách biệt mà thống nhất với cái nhìn hoài nghi chiến tranh của hai người cha của anh, của Phương. Có ngẫu nhiên không sự chọn lựa nghệ thuật của Bảo Ninh: cả ba nhân vật này cũng lại là nghệ sỹ - cái giống có khả năng nhạy cảm thiên phú chỉ để thấu cho hết nỗi đau đớn của con người.

---------

Như thế, cao hơn tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, đồng chí, đồng bào là tình người. Toàn 'Nỗi buồn chiến tranh' dù không ít cảnh dữ dội, tàn bạo, vẫn thấm đầy tình người. Người ta đọc và nhớ không chỉ hình ảnh những người lính miền Nam miền Bắc chung nhau một nghĩa trang, mà còn là hình ảnh những người lính Mỹ trẻ măng, ôm súng gục vào vai nhau, không bao giờ tỉnh dậy, không bao giờ ra khỏi chiến hào. Bảo Ninh mô tả một cuộc chiến tranh đã xảy ra để cho người ta hiểu cần phải có và có thể có một cái nhìn khác về chiến tranh, không tự hào mà cay đắng.

----------

Song song với việc tái hiện nhiều chiều thời gian và sự chuyển dịch không ngừng của tâm thức nhân vật, cấu trúc mở của 'Nỗi buồn chiến tranh' đã cho phép Bảo Ninh lồng rất nhiều 'truyện' vào trong truyện. Trùng điệp những lớp truyện đó được kể lại với một ngôn ngữ rất thơ, mở ra nỗi buồn cao vợi, trang trọng và bình tĩnh của nhân vật, bao cuốn người đọc trong sự bình tĩnh, trang trọng, thấm thía và buồn thảm ấy.

----------

Đấy là kết tinh của tinh thần nhân bản. Văn học viết về chiến tranh ở Việt Nam ta, trước Bảo Ninh chưa ai tái hiện cuộc chiến vừa qua chỉ với sự định hướng của tinh thần ấy. Văn học thế giới viết về chiến tranh như thế cũng không có nhiều.

 

5.1996

Lê Minh Hà