ấn tượng phê bình
Không có âm thanh nào lại xóa đi những
ước lệ về thời gian
bằng những âm thanh của biển. Nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng rì rào của
sóng vỗ,
của cảm giác buồn mênh mông trước cái vô hạn của biển, tưởng như cả
Trái đất
đang trở lại với lứa tuổi còn nằm nôi, chỉ có cảm giác yên bình của một
nỗi
buồn tủi êm đềm.
Tôi nhớ lại bức tranh Con quỉ ngồi của
Vrubel. Nhớ lại vẻ
mặt buồn thảm đến cùng cực của người khổng lồ trên đỉnh núi, tay buông
thõng và
chìm đắm trong suy tưởng. Trong suy tư, con người đó đang cố gắng thoát
khỏi
xác thịt của mình, hòa vào không gian và thời gian đang đặc sánh xung
quanh, để
thoát khỏi nỗi cô đơn vĩnh viễn đang đè nặng trĩu trên cơ thể.
Người ta thường hình
dung về nhà phê bình như một ông già
đeo kính, lưng oằn gẫy trước sức nặng của những giá sách - còn tôi, tôi
sẽ hình
dung về người viết phê bình như một con người đang ngồi suy ngẫm.
Cái gì là điểm khác
giữa nhà phê bình và nhà văn? Phải chăng
chỉ có nhà văn là Người sáng tạo, còn nhà phê bình chỉ là người mô
phỏng và
diễn dịch tạo phẩm đó?
Có những nhà phê bình
chỉ muốn hiểu được thấu đáo những chất
liệu đã làm nên tạo phẩm của Người sáng tạo. Vận dụng những hiểu biết
thông tuệ
của mình, họ cố gắng đi tìm để giải mã (de-code) cho tạo phẩm của những
nhà
sáng tạo. Họ không hiểu rằng Người sáng tạo thường xuyên quay mặt đi
khi buộc
phải nhìn lại tạo phẩm của mình.
Bởi vì, lịch sử của
quá trình sáng tạo là lịch sử của những
thất bại. Trong khi sáng tạo, Người sáng tạo luôn mong rằng họ có thể
ngộ được
chân lý, và cái cảm giác ám ảnh họ suốt quá trình sáng tạo là cảm giác
chân lý
đang ở đâu đó ngay cạnh họ, chỉ cần một chút cố gắng là có thể vật chất
hóa
được cảm giác đó bằng tác phẩm của mình. Họ muốn tác phẩm của họ sẽ là
bản sao
của bản ngã, rằng họ có thể tìm thấy cái tôi của họ bằng tác phẩm;
nhưng đúng
vào lúc họ tưởng bắt được con chim xanh lại chính là lúc nó vuột khỏi
tay họ.
Và họ lại đành lên đường đi tìm cái "Tôi của chính Tôi" một lần nữa,
cố gắng tìm hiểu lý do nỗi cô đơn truyền kiếp của họ.
Chính vì vậy, mỗi tác
phẩm, dù hoàn mỹ đến đâu, cũng là một
tác phẩm dở dang, và nó hoàn mỹ trong cái dở dang đó.
Nhà phê bình cũng là
Người sáng tạo, nhưng chất liệu tác
phẩm của anh ta lại chính là những tác phẩm dở dang bỏ lại bên đường đi
của
những nhà sáng tạo khác. Bởi vì, nếu anh ta chỉ muốn viết ra những gì
Người
sáng tạo trước muốn nói, tác phẩm của anh ta sẽ chỉ là một trang giấy
trắng
rỗng không. Nếu coi tạo vật của nhà sáng tạo là cái đích cuối cùng của
bài phê
bình, thì thực ra còn có gì có thể nói hay hơn về một tác phẩm bằng
chính tác
phẩm đó nữa?
Nietzsche nói, cái
cây càng vươn lên cao, cành lá càng đâm
trổ vào bầu trời thì gốc rễ của nó càng đâm sâu vào lòng đất tối đen,
càng u
uẩn trong những suy tư của nó. Tác phẩm của các nhà văn tạo nên lòng
đất tối
đen đó, những suy tư của anh ta sẽ khởi động những suy tư của chính nhà
phê
bình, thành gốc rễ, thành cành lá của một tạo vật mới, tạo vật của nhà
phê
bình.
Hoài Thanh có nói ông
ngại mang tiếng là nhà phê bình, bởi
vì "bình" thì còn được, chứ sao lại "phê"? Không gì làm nhà
phê bình khó chịu và bất lực bằng một tác phẩm dở, bởi vì người ta có
thể giải
thích tại sao nó dở, nhưng câu chuyện chỉ đến đó là hết. Anh ta không
sao rút
ra được cái gì đó cho mình, dường như không một tư tưởng nào, một hình
ảnh nào
có thể khả dĩ làm cái nền cho cái Tôi sáng tạo của nhà phê bình vươn
lên. Một
tác phẩm dở là một nền đất sa mạc.
Nhưng ngay ở trong sa
mạc cũng có những ốc đảo, hoặc chí ít
những loài xương rồng kỳ thú có thể sinh sôi? Những tác phẩm dở cũng
vậy, bởi
trong khi đi tìm nguyên nhân cho sự thất bại của nó, một nhà phê bình
tài năng
cũng có thể tạo nên một tác phẩm tuyệt diệu của chính anh ta. Một lần
nữa, sáng
tạo của người đi trước chỉ còn là chất liệu cho sáng tạo của người đến
sau.
Và, bởi nó biết chắt
lọc những gì tinh túy nhất từ lòng đất
cứng rắn, ngay cả những vùng đất cằn vẫn có những cây cổ thụ.
Một trong những giấc
mơ đẹp nhất của tôi là những giấc mơ
tôi thấy mình biết bay. Nhưng mãi sau này tôi mới hiểu, niềm hạnh phúc
lớn lao
của tôi khi đó không phải là cảm giác tôi có khả năng bay lượn như
chim, mà là
cảm giác tôi như không còn trọng lượng, không còn mang vác những gánh
trĩu nặng
của xác thịt và những thiên kiến nặng nề, cảm giác tôi lướt đi vun vút
trong
một đại dương tự do, cảm giác tôi đang hòa tan trong nó.
Chính vì vậy, điểm
mấu chốt trong sáng tạo của các nhà phê
bình không chỉ ở óc phân tích, mà còn ở khả năng cảm nhận và giao hòa
với tác
phẩm. Cũng giống như điểm mấu chốt của tình dục là sự hòa đồng của hai
cơ thể,
tác phẩm thành công của nhà phê bình là sự hòa đồng của hai tâm hồn -
tâm hồn
nhà văn và tâm hồn nhà phê bình - nhằm giải toả nỗi khát khao chìm đắm
đi tìm
bản ngã của Người sáng tạo. Chính vì vậy, sản phẩm của nhà phê bình
không lệ
thuộc vào sản phẩm của đối tượng mà anh ta phê bình, chính xác hơn, nó
phát
triển tác phẩm đó theo một cách riêng của mình. Phê bình, đó là nhận
biết người
khác và đồng nhận biết của bản thân nó về cuộc đời, nói như Claudel.
Văn học, ở một khía
cạnh nào đó, là dùng ngôn ngữ để xây
dựng một trạng thái tinh thần. Nhưng chính vì nó là một trạng thái, nên
nó rất
động và không nên - cũng như không thể - nắm bắt nó một cách trọn vẹn.
Phê bình
văn học tái tạo sự đồng hiện của nhiều trạng thái tinh thần: của tác
giả, của
nhân vật và của bản thân nhà phê bình - người đọc được kích hoạt do
trạng thái
mà tác phẩm đem đến.
Phê bình văn học, vì
vậy, sẽ không trọn vẹn nếu chỉ diễn
giải cái đẹp. Nó còn phải diễn tả những rung động của con người trước
cái Đẹp,
của thái độ chiêm nghiệm cái đẹp. Bởi vì, nói như nhà văn Nhật Yasunari
Kawabata "Khi đứng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tuyết trắng hay của mặt
trăng, tóm
lại, khi chúng ta xao động bởi vẻ đẹp bốn mùa, khi lòng cảm thấy tràn
đầy biết
ơn vì cuộc gặp gỡ với cái đẹp là lúc chúng ta nghĩ đến bạn bè nhiều
nhất: chúng
ta muốn chia xẻ niềm vui của mình với họ. Sự nhận thức cái đẹp đánh
thức dậy
trong con người cảm giác thông cảm với con người, và khi đó, từ bạn sẽ
được
thay thế bằng từ nhân loại". Sự chia xẻ niềm vui đó chính là cốt lõi
của
cái mà tôi sẽ gọi là phê bình ấn tượng
Nhà văn Nhật bản nổi tiếng thế giới,
người đoạt giải Nobel
văn chương năm 1994, Kenzaburo Oe, khi trả lời phỏng vấn tại trường đại
học
Berkeley nói: "Rất nhiều nhà văn Nhật bản, tuy không nói ra, nhưng vẫn
giữ
quan điểm cho rằng Nhật bản là trung tâm của thế giới, hay ít ra, trung
tâm của
châu á. Tôi thì khác, tôi luôn luôn cho rằng con người chẳng thể viết
được gì
nếu anh đứng ở trung tâm. Tôi bao giờ cũng là một nhà văn ở ngoài lề".
Một trong những tác phẩm của ông có
tên là Những ghi chép ở
Hiroshima_. ít ai biết được khi viết tác phẩm ấy, Kenzaburo Oe đang ở
trong một
cơn khủng hoảng tinh thần ghê gớm, khi phát hiện ra đứa con trai mới
sinh của
ông mắc bệnh hiểm nghèo về não, chứng bệnh, ít nhất, không cho phép con
ông trở
thành một con người phát triển trí não một cách bình thường. Chính tại
Hiroshima, ông đã gặp bác sĩ Fumio Shigeto, người thầy thuốc có mặt tại
thành
phố khi Hiroshima bị dội bom nguyên tử, người đã dạy cho ông một bài
học về làm
người. Ông bác sĩ kể "Chúng tôi không thể làm gì cho những người sống
sót.
Thậm chí đến tận bây giờ, chúng ta còn không biết một tý gì về căn
nguyên các
căn bệnh của những người còn sống sót... nhưng chúng tôi cố làm những
gì chúng
tôi có thể. Mỗi ngày có hàng ngàn người chết. Nhưng giữa những đống xác
chết
đó, tôi vẫn tiếp tục. Bởi vì, Kenzaburo, khi mà họ đang cần sự giúp đỡ
của tôi,
tôi còn có thể làm được gì nếu không phải là điều đó. Bây giờ con trai
anh cần
anh. Anh phải nhận ra rằng trên cả trái đất này chẳng có ai ngoài con
trai anh
cần anh cả". Và chính khi đó, Kenzaburo đã đi một chặng đường dài từ
chủ
nghĩa hiện sinh của Jean Paul Sartre mà ông vốn là môn đệ đến một triết
lý hiện
sinh của chính ông, giản dị hơn rất nhiều: Trở thành một con người cứng
cỏi và
thẳng thắn! Can đảm trở thành một người cha để nuôi dạy đứa con tật
nguyền của
mình. Chủ nghĩa hiện sinh, như là một thứ lý thuyết mà ông đã thực hành
ở các
tác phẩm ban đầu đã không cho ông niềm dũng cảm để đương đầu với số
phận của
người con trai, và như ông nói "nếu nó không khuyến khích được tôi, nó
không khuyến khích được ai cả. Nó chẳng là cái gì !". Và thế là ông bắt
đầu viết cuốn sách cho riêng ông, cho riêng con trai mình. Cuốn "Một
chuyện riêng tư" trở thành một trong những tác phẩm hay nhất của ông.
Chủ
nghĩa nhân văn hiện đại-như sau này ông tuyên bố-là "không quá hi vọng
và
không quá tuyệt vọng vào con người". Và ông đã tìm ra phong cách của
mình:
"phong cách cơ bản trong cách viết của tôi, là bắt đầu từ những câu
chuyện
cá nhân của tôi rồi nối nó với những vấn đề của xã hội, của đất nước và
toàn
thế giới".
Phê bình văn học ấn tượng cũng vậy. Nó
bắt đầu trước tiên từ
những ấn tượng cá nhân về một tác phẩm, phê bình ấn tượng không nhằm
tìm hiểu
nhà văn, không bó buộc mình trong hành trình đọc văn để hiểu người. Phê
bình
văn học ấn tượng tập trung vào ấn tượng của người đọc trước văn bản, nó
phải là
một phê bình động, một dòng chảy hòa hợp của cả tư tưởng lẫn cảm xúc,
bởi cảm
xúc, vào cái thời khắc được anh thể hiện bằng ngôn từ, lập tức biến
đổi, và tư
tưởng của anh bắt đầu quá trình tự vấn, nghi hoặc, phân tích nhằm cố
gắng biểu
đạt chính xác nhất cảm giác tức thời của anh. Tóm lại, phê bình văn học
ấn
tượng là một cuộc tổng duyệt lại các thang giá trị của nhà phê bình
trong cuộc
sống thông qua phản ứng của các thang giá trị đó đối với tác phẩm.
Phê bình văn học ấn tượng còn phải
nhìn nhận cái Đẹp ở góc
độ của những hiệu quả mà một tác phẩm văn học mang đến cho người đọc,
một cái
đẹp nằm trong lộ trình hướng tới cái tuyệt đối, một cái đẹp luôn luôn
mang hai
bộ mặt của thần Shiva - hủy diệt và sáng tạo. Phá bỏ cái cũ để sáng tạo
cái
mới, bởi chỉ có cái mới mới mang trong mình sinh khí của sự sáng tạo.
Phá bỏ và
sáng tạo trong một vòng tuần hoàn vĩnh cửu, bất diệt. Phê bình văn học
phải cảm
thấy luồng sinh khí sáng tạo đó dưới lớp vỏ gớm giếc của kẻ hủy diệt,
nâng niu
và khẳng định hướng đi của nó.
Phê bình văn học ấn tượng, bởi vậy,
một mặt phải chống lại
với sự nhàm chán trì trệ của những đề tài và phong cách biểu hiện cũ
kỹ, những
thứ chắc chắn sẽ không bao giờ tạo được cú sốc khơi dậy cảm xúc dưới
đáy sâu
của tâm hồn người đọc. Chỉ có cái Mới mới đủ sức đập vỡ lớp vỏ vô tình
mà dù
muốn dù không, cuộc sống thường nhật cứ ngày ngày bồi thêm lên trên bề
mặt của
tư tưởng, tâm hồn và xúc cảm người cầm bút. Mặt khác, phê bình văn học
ấn tượng
cũng phải cưỡng lại sức cám dỗ của những toan tính duy lý tuyệt đối
chuyên đi
tìm những công thức chung cho văn học, cho dù những toan tính này nhân
danh Cấu
trúc luận, Phê bình Mới, rồi Giả cơ cấu, Hậu hiện đại... hay gì gì đi
nữa.
Không chỉ bởi khó có một công thức chung cho năm tỷ trạng thái đọc và
hàng
triệu người viết, mà còn bởi nhân danh những cuộc tìm kiếm này, người
ta đã
cách ly phê bình văn học trong tòa lâu đài của những tâm linh, tích hợp
văn
hóa, siêu văn bản, liên văn bản, làm nhòe văn bản... tóm lại là những
mỹ từ
sáng choang đang đào một bức hào sâu ngăn cách phê bình hàn lâm với
người đọc.
Phải rất can đảm mới có thể thốt ra:
"Tôi không hiểu!
Vậy thì rốt cục thực sự các người muốn nói gì?" trong khi mê mụ trong
trận
đồ bát quái đó của chữ nghĩa hàn lâm. Phê bình văn học ấn tượng đòi hỏi
trả phê
bình văn học lại cho độc giả, một độc giả dư hiểu cầu vồng là hiện
tượng khúc
xạ của ánh sáng nhưng vẫn chiêm ngưỡng nó như một món quà của Tự nhiên
trao cho
tâm hồn, một độc giả muốn đọc phê bình như một tác phẩm, như một góc
tâm hồn
của nhà phê bình để soi lại chính bản thân chứ không phải một công
trình khoa
học cứng ngắc mà sẽ không ai còn nhớ đến. Phê bình văn học ấn tượng đòi
hỏi nhà
phê bình cũng phải đồng thời là một nhà văn.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn
Việt Nam hay coi thường
các nhà phê bình. Sợ hãi không dám trình bày những suy tư cá nhân,
nhiều nhà
phê bình thường gán ghép những ý nghĩ của họ vào tác phẩm mà họ nghiên
cứu, lén
lút vứt đứa con sơ sinh của mình lên bậc thềm nhà khác. Những nhà văn
cười cợt
những ý tưởng mà người ta đặt vào cho họ, vào tác phẩm của họ - đứa con
hoang
hiếm khi được những bàn tay ân cần đưa vào trong nhà!
Tôi muốn, phê bình phải thực sự thoát
khỏi tình trạng là cái
bóng của tác phẩm, và những bài phê bình không phải bắt đầu bằng những
gì
"nhà văn nghĩ...", mà bắt đầu bằng "tôi nghĩ...". Phê bình
phải thoát ra khỏi cái bóng đối tượng của nó để sáng tạo, bởi vì, thực
sự phê
bình cũng là một hình thức sáng tạo. "Phê bình thơ ca", nói như
Eliot, là "phân tích thơ ca để sáng tạo nên thơ ca".
Hãy nghĩ sâu xa hơn những truyện cười
của Azit Nexin, câu
chuyện về nhà bác học đã viết hàng tá sách chỉ để chứng minh nhà thơ nọ
đã chết
vào ngày mỗ ngày mỗ mà không phải ngày mỗ ngày mỗ. Biết đâu họ chỉ viết
để đi
tìm một chân lý cho riêng họ, và trong khi suy tưởng, họ đã đi xa hẳn
khỏi điểm
khởi đầu của cuộc tranh luận. Những chồng sách đó chưa hẳn đã vô giá
trị như
vậy!
Phê bình văn học ấn
tượng có những hạn chế của nó. Lệ thuộc
vào tâm hồn cũng như tri thức của người đọc, nó không tránh khỏi số
phận bị
nhốt trong chiếc lồng của những hạn chế về tư tưởng, tri thức đó. Chính
vì thế,
nó không thể đảm bảo hoàn toàn tính khách quan hay khoa học của bài
viết như
những gì mà phê bình văn học hàn lâm hay phê bình văn học xã hội học
đòi hỏi.
Nhưng như ở trên đã nói, phê bình văn học ấn tượng là phê bình văn học
để chia
sẻ, chứ không phải phê bình văn học để thuyết phục. Có sự đam mê nào
hoàn toàn
có được tính khách quan...Cho nên, phê bình ấn tượng cũng chỉ góp một
góc nhìn
riêng tư của nó đối với tác phẩm.
Nietzsche nói đến Ba
biến thái của tâm hồn: con lạc đà, con
sư tử và hài nhi. Thực tâm, tôi mong muốn được chiêm ngưỡng con rồng vĩ
đại,
nơi mà "những giá trị ngàn đời chói sáng trên những vẩy của nó", con
rồng "Mi phải", con rồng mạnh nhất trong tất cả những con rồng. Có lẽ
vì khi anh chưa được chiêm ngưỡng những giá trị đó, làm sao anh có đủ
sức mạnh
để chiến thắng nó và quay về với hóa thân thứ ba của anh, ngây thơ,
trong suốt
và long lanh như đứa hài nhi.
Bởi vậy, tôi chưa đạt
được tới bất cứ một hóa thân nào cho
những bài phê bình của tôi. Có chăng, những bài viết đó chỉ là những
gánh nặng
đầu tiên mà con lạc đà chất lên vai nó, để chuẩn bị cho chặng đường dài
của nó
vào sa mạc, nơi nó gặp gỡ hóa thân thứ hai.
Và chắc chắn đó là
một con đường dài...
Hà Nội 27.2.1995
Nguyễn Thanh Sơn