Lê
Minh Hà
Chân dung nhà văn, trong một thế nhìn.
Mặt
ông nhàu. Tôi biết rằng có thể ông không nhất thiết trải
qua toàn bộ những cảnh đời mà nhân vật của ông đã trải. Ông không sống
trong
một gia cảnh không quân thần phụ tử. Nhưng ông đã đói cái đói của kiếp
người,
đã phải nhào lộn giữa đời như một giọt máu, như một... Những vết rạn
trên gương
mặt bùn khô của ông không nói hết được với ta về những cơ cực vò xé tâm
hồn ông
trước khi cho ông thấu hiểu nỗi đời nhường ấy.
*
Trong
văn học đương đại Việt Nam, chưa có một nhà văn
nào lại
làm thiên hạ tốn bút mực nhiều như ông, ngay trong khi tác giả còn chưa
chết.
Không có trước những bước dọn đường, tên nhà văn nổ bùng trên báo chí,
bằng một
loạt truyện ngắn dữ dội và hết sức thơ. Nếu đọc ông bằng một tâm hồn
chỉ có
phẫn nộ và phẫn nộ, người ta sẽ hả hê bởi cái giọng văn gằn lạnh ấy.
Nếu đọc
bằng đôi mắt của người yêu văn chương nhưng mới chỉ dừng lòng yêu ấy ở
những gì
hờm hợp với mình, người ta sẽ khó chịu nổi ông. Thực đơn chữ nghĩa ngày
ấy
không có món ấy. Và thói quen trong sáng tạo và thưởng thức sáng tạo
bao giờ
cũng lì lợm hơn bất kỳ thói quen nào.
Người
ca ngợi ông thì hết lời ca ngợi. Nhưng liệu ông có hài
lòng chăng vì những lời khen không hoàn toàn thỏa đáng, không bắt đầu
từ trang
viết của chính ông mà lạc tuốt ra ngoài qũy đạo văn chương. Người chê
ông thì
cũng hết lời. Và cái hèo người ta dùng để nện ông thì thật đáng sợ: Là
quan niệm
đạo đức của cả một thời. Tài có mà tâm thiếu. Tôi nhớ có nhà phê bình
đã phán
một câu như thế về ông, xanh rờn.
--------
Cứ sống đi đã. Ông thường trở lại với bạn đọc nhiều lần trên
từng trang sách với ý tưởng này. Và cũng nhiều lần nói thế với cử tọa
bằng cái
giọng 'cả tẩm', điềm đạm, trầm tĩnh. Tôi nghe như chứa cả một chút chán
chường.
Có cảm giác rằng ông hiểu rõ những người đang chất vấn ông đến với ông
vì lý do
gì. Biết ngưỡng mộ một tên tuổi luôn là mốt của nhiều thời. Biết trình
bày lòng
ngưỡng mộ ấy là một cách trang điểm không phải dở của nhiều người tự
tin đến
đáng ghen tỵ.
----------
Ông ý thức rõ ràng về danh tiếng của mình. Danh tiếng, chứ
không phải tăm tiếng. Điều ấy ở ông mạnh đến nỗi ông biết rằng bản thân
cái tên
ông là một lực cản sáng tạo, và thời của ông thực ra đã qua rồi. Tôi
nhớ một
nhà thơ đích thực từng khao khát được người ta chôn mình đi. Tài không
lớn, tâm
bé bé, không thể đạt tới tầm khao khát tự hủy đó. Đời nghệ sỹ sẽ dài
hơn đời
người trong nghĩa sinh học đơn giản nhất khi người nghệ sỹ được chọn là
một cọc
mốc, một tiêu chí trên hành trình sáng tạo của những người nghệ sỹ khác
của dân
tộc mình, và xa rộng hơn.
---------
Từng
tiên đoán nền chính trị thế giới rồi ra sẽ là một món
nộm suồng sã, ông hay nói về thời và thế. Và khái niệm bá đạo, vương
đạo cũng
hay trở đi trở lại trong tác phẩm của ông, trong câu chuyện của ông.
Đọc ông,
và nghe ông, tôi nhận ra điều này: Ông biết tìm thời thế để chính danh.
Biết rõ
mặt trái thường không trong ngọc trắng ngà của chính trị, ông bộc lộ rõ
và can
đảm sự nhạy cảm chính trị của mình. Nghe ông, trong tương quan với
nhiều người
viết cùng thời, cùng hoàn cảnh sáng tạo như ông, không sợ nhầm lẫn khi
nói rằng
đó là một nhân cách. Nhân cách không phải bao giờ cũng trùng khít lên
cá tính
sáng tạo. Nhưng khi điều đó xảy ra, ở một tầm mức cao, ở độ đậm đặc
lớn, thì
điều đó là một may mắn cho những người đam mê nghệ thuật và chọn khuất
lụy nghệ
thuật như một cách sống. Trong trường hợp ông, đó là may mắn cho bạn
đọc, cho
những người tin vào khả năng biến cải của nghệ thuật và của những người
tạo ra
thứ báu vật này.
---------
Bươn trải trong đời sống để vươn tới trong nghệ thuật, ông
đã tự chọn cho mình một con đường khó khăn. Cũng có thể bảo là nhà văn
của
chúng ta khờ khạo. Hay ngông ngạo? Khi ông là nhà văn Việt Nam, khi ở Việt Nam,
nghệ sỹ hoàn toàn sống được
nếu biết biến mình thành một thứ công chức. Ông từ bỏ biên chế nhà
nước, ông đi
buôn, ông mở quán, ông vẽ... Ông tự sống. Và bây giờ, tự sống bằng ngòi
bút.
---------------
Ông nói rằng nhất thiết phải vương đạo trong nghệ thuật. Ở
một nơi nào đó, một lúc nào đó, ông đã nói và viết rằng phải vương đạo
trong
chính trị. Vương đạo thì chỉ có một. Vậy là hai khái niệm này không
loại trừ
nhau. Liệu có còn nghệ thuật không trong một bối cảnh chính trị vương
đạo? Tôi
không hỏi, nhưng lắng nghe giọng ông, đục và khàn đi, cảm giác như hơi
âm u khi
nói về điều ấy, tôi biết rằng ông tin vào khao khát của mình. Và tôi
muốn bị
thuyết phục. Phải, lịch sử văn minh nhân loại đã cho thấy rằng một nền
nghệ
thuật có thể thăng hoa từ đói nghèo, mông muội, nhưng để đi xa hơn nữa,
ở cái
thời con người không được quyền mông muội như mấy ngàn năm về trước,
nghệ thuật
đòi hỏi nhiều lắm, nơi chủ thể sáng tạo, nơi khách thể thụ hưởng sáng
tạo ấy.
--------------
Ông nói với bạn đọc rằng cần phải để cho mình không được
nghèo. Đó là điều kiện để không bị nhục. Ở đâu, bao giờ, cũng phải như
thế. Tôi
không biết va ly của ông có lèn chặt mì gói như va ly của nhiều nhà văn
và cán
bộ Việt nam khi ra nước ngoài làm việc không? Nhưng tôi tin rằng không,
khi
tiếp xúc với ông. Ông bày tỏ một cách thoải mái thái độ tôn trọng sự
giàu có ở
những xứ ông đặt chân tới ngoài Việt Nam. Tôn trọng, không phải là sùng
mộ. Ông
cũng kể tôi nghe về ý định sẽ mua một ngôi nhà sàn đặt chơi trong vườn
nhà.
Mang ngàn sâu về thành thị, một cách xuất xử hành tàng thú vị của thời
nay. Đấy
là thái độ của người từng làm ra và biết giá trị tốt đẹp của vật chất,
là thái
độ của người tự sống, không bám víu vào bất kỳ một thứ lộc nào ngoài
lộc trời
dành cho mình: Là tài năng. Chính cái đó tạo ở ông phong thái đường
hoàng và
giản dị hiếm thấy. Biết mình, và biết tự hào, người ta thường không màu
mè. Tôi
cười: Đấy là thái độ sống của người gần đất xa trời. Ông không cười:
Đấy là
đường gặp chân lý.
--------------
Đã
phải là chân lý chưa, khi ông nói, với một chút ngậm
ngùi, rằng trí thức Việt Nam hiện đang sống ở hải ngoại được đào tạo
tốt hơn
trí thức xã hội chủ nghĩa nhà mình. Hình như, chưa có ai, trong giới
văn nghệ
sỹ Việt Nam hiện nay ra nước ngoài nói thế. Muốn biết bản chất của bất
kỳ hiện
tượng nào, chấp nhận sự khác biệt, thừa nhận sự hơn của người, đấy là
thái độ
của kẻ sỹ theo đúng nghĩa. Không ăn gỏi đời sống, không lên giọng phán
xét,
không tự đồng nhất với dân tộc, tự tách biệt với cơ cấu mà hiến pháp
Việt Nam
hiện thời đã cho quyền lãnh đạo cả dân tộc, ông nói, kiêu hãnh, giản
dị, 'tôi
là một nhà văn danh tiếng của một dân tộc nhược tiểu'. Một dân tộc
nhược tiểu
gồm tám mươi triệu. Đấy là một trải nghiệm cay đắng, bình tĩnh, thực tế
của một
người mà tôi tin rằng lịch sử văn học Việt Nam sẽ ghi nhận như là một
trong
những nhà văn lớn nhất (không nhiều) của văn học Việt Nam ít nhất trong
năm mươi
năm đổ lại đây. Trong một nghĩa nào đó, tôi nghĩ rằng ông đã đưa văn
học Việt
Nam đạt tới tầm nhân loại bằng sáng tạo của mình. Ông cần một Người
Dịch. Liệu
có ảo tưởng không? Vì thực tế cho thấy một nhà văn càng dân tộc bao
nhiêu thì
càng mang tới cho dịch giả nhiều gian nan bấy nhiêu trên con đường
chuyển dịch
ngôn ngữ và, đồng sáng tạo.
*.
Một
nhà văn hải ngoại từng nói về văn ông: 'Văn chương đến
thế thì thôi'. Đấy là sự bùng vỡ của thi pháp, của quan niệm về con
người, về
không gian lịch sử, về thời gian lịch sử, của quan niệm về biểu hiện...
Điều
này rất hiếm thấy ở một tác giả, ngay trong những khoảng giao thời của
nghệ
thuật, khi mà vấn đề hiện đại hóa nghệ thuật trở thành vấn đề sinh tử
của nó.
Mỗi người, từ vị trí của mình, từ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghệ
thuật của
mình đã đọc ông một cách. Sự thụ cảm văn ông vì thế về lý thuyết là
không thể
giới hạn. Người thì đơn giản là không thể chấp nhận. Vì lối tưởng tượng
đời
sống, lối hiểu đời sống của ông. Vì giọng văn nén chặt, rất cộc, vẻ như
triệt
tiêu mọi cảm xúc, ngay cả khi sử dụng tính từ. Nhưng vẫn phải đọc.
Người khoái
cái giọng sát phạt ở một số truyện của ông, hả hê với lối mổ phanh đời
sống một
cách lạnh và tỉnh. Người thích cái chất thơ bùa ngải ở một số truyện
khác. Kẻ
lại để mình bị mê hoặc bởi cái lãng đãng khó định hình như sương khói,
như lên
đồng ở một số sáng tác gần đây hơn... Ông buông bắt người đọc bằng khả
năng
viết không thể thay một chữ nào, và bằng khả năng ấy, ông đưa tới cho
chúng ta
một cách nhìn mới về lịch sử, về các cá nhân làm nên lịch sử, về nhân
dân. Đừng
tưởng ông bê vác khối tâm hồn nông dân lên mặt giấy khi ông xưng 'tôi
sinh ra ở
nông thôn, mẹ tôi là nông dân'. Ông không giả tảng, không làm duyên
bằng lý
lịch. Nhân vật của ông là con người trong cái phận vừa lớn lao vừa bé
mọn của
mình, trong ý thức về sự biết và không biết của mình, trong nỗi buồn
trước cái
đẹp, cái chua chát của đời sống. Ý thức được tất cả những điều đó, qủa
thật
'làm người khó lắm'. Tôi mê một nhà văn đã từng làm cho những kiếp sống
mòn thành
sống mãi, và tôi nhiều năm nay không có ý định so sánh tác gia này với
bất kể
người viết Việt Nam nào. Nhưng bây giờ thì tôi nói rằng nhân vật của
ông, trên
một tầm ý nào đó, có thể gọi tên, là nông dân, là trí thức. Nhân vật
của nhà
văn chúng ta đang nhắc đây, trên chính tầm ý ấy chỉ có thể gọi: Con
người.
*.
Viết, trước hết là cho mình. Cái hành vi hết sức vị kỷ này,
ở thiên tài, sẽ có kết quả là báu vật cho thiên hạ. Báu vật ông trao
cho chúng
ta, giống như là kiếm sắc, chặt, gọt, lạng tất cả những gì màu mè,
không buộc
người đọc phải đồng ý với ông mà buộc người đọc đối diện với chính
mình, một
mình náo động. Để cuối cùng, tin ở yêu thương. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ
thế về
văn ông, ngay cả khi ông phanh phui cái ác, cái không như ý thì cũng
không phải
là để hể hả, mà là xót xa. Năng lực tưởng tượng kỳ diệu của ông đã buộc
mỗi
người đọc phải tự nhận diện cái ác một lúc nào đó có thể đã xuất hiện
và chế
ngự chính mình, và hủy diệt nó. Tận cùng văn ông là khả năng yêu thương
và đau
đớn.
Cái đấy là cái cần có ở mỗi người, và là chính yếu ở
một
nghệ sỹ. Đọc ông, nghe ông, tôi không nghĩ rằng tất cả đều chính xác,
nhưng ẩn
chứa trong đó là sự thật đó của tâm hồn ông. Vậy thì có nên băn khoăn
nhiều
không, vì những điều này khác ông nói có thể là chưa đúng theo ý chúng
ta. Có
thể, được chăng, đọc trong những khẳng định quyết liệt của ông một ý
hướng
chống lại áp chế, hay là một biểu hiện cái quyền ít nhiều được thất
thường
trong tính khí của bậc kỳ tài. Nếu ngần ngại trước các khả năng ấy, có
thể nói
đơn giản: Là nhà văn, sống và sáng tạo ở Việt Nam trong những năm tháng
này,
ông không phải chịu trách nhiệm vì sự thiếu thông tin của mình.
----------------
Tôi
thấy ông. Ông cô đơn làm sao với hành trang nội tâm của
mình. Và, vĩnh viễn đơn độc trên hành trình sáng tạo. Về điều ấy, ông
không có
lý do gì để than phiền. Đấy là số kiếp của những bậc chân tài. Tôi lắng
nghe,
và hình dung, qua những khoảng ngừng ngắn giữa lời, khi ông lặp đi lặp
lại 'tức
là...', như tìm lời giải đáp trước hết cho mình, và, qua âm thanh im
lặng của
từng con chữ rất ông. Ông đã tạo hẳn một dòng chảy mới cho văn học Việt
Nam
đương đại, là bóng cả của nhiều người viết hiện nay. Ông không biết ông
là một
trong những người thầy lớn mà tôi đã chọn để quên đi, để bước ra khỏi
bóng của
họ. Dù sao thì tôi đã không nói điều đó. Ông và tôi không cần ở nhau sự
màu mè.
-----------
Một bạn viết hơn tuổi có nói rằng nếu tôi không phỏng vấn
ông nhân dịp gặp ông ở nơi này thì thật đáng chém bút. Để làm gì? Và
tại sao
ông? Vì danh tiếng của ông? Những huyền thoại bao giờ cũng đầy dẫy xung
quanh
những người danh tiếng. Tôi đã đánh rơi mà không tiếc ý thích để huyền
thoại bỏ
bùa từ rất lâu rồi.
Đặt người đối thoại trong một quan hệ hỏi đáp nghiêm cẩn
thế, sẽ chắc chắn được nghe nhiều tuyên ngôn, nhiều lời hay ý đẹp. Và
khó có gì
hơn thế. Nhưng tôi thích tin hơn vào những đối thoại giản dị, giữa CON
NGƯỜI.
(4. 2000)