*

 





Murakami Haruki
Phạm Vũ Thịnh chuyển ngữ

Điện thoại reo khoảng gần 12 giờ khuya, lúc Junko đang xem truyền hình. Keisuke đang ngồi gảy đàn ghi-ta điện ở góc phòng, ống nghe ép vào tai, mắt lim dim, đầu lắc trái, lắc phải. Có vẻ đang tập một đoạn nhạc nhanh, những ngón tay dài lướt tới lui vội vã trên 6 dây đàn, hắn hoàn toàn không nghe tiếng điện thoại reo. Junko nhặt ống nghe lên.
“Ngủ rồi hả?”. Tiếng ông Miyake thì thầm nho nhỏ, như thường lệ.
“Không sao, đã ngủ đâu”. Junko đáp.
“Bây chừ đang ở bãi biển đây. Cây trôi về nhiều quá chừng. Đốt lên một đám to phải biết. Tới được không?"
“Được chứ". Junko nói. “Đi thay áo ngay đây, 10 phút là đến đấy".
Junko mặc đồ lót chẽn, bên trên là quần bò và áo thun cổ rùa, thêm một áo khoác ngoài bằng len. Cô nhét bao thuốc lá vào áo khoác, chộp lấy ví, hộp diêm và chùm chìa khoá xe, xong đá nhẹ vào lưng Keisuke. Keisuke giật mình, gỡ ống nghe ra.
“Em ra bờ bể nhóm lửa đây.”
“Lại ông nội Miyake nữa chứ gì". Keisuke nhíu mày nói. “Đùa nhả quá. Đang tháng Hai lạnh cóng thế nầy mà đã 12 giờ khuya rồi, giờ này còn rủ ra ngoài bãi bể đốt lửa chơi nữa, trời ạ!”
“Thì anh đừng đi, em đi một mình được rồi.”
Keisuke thở dài. “Thì đi. Đi là được chứ gì. Đợi tí, đi thay áo ngay đây.”
Hắn tắt máy khuếch âm, mặc quần tây lên trên quần ngủ, tròng áo len vào, khoác thêm chiếc áo ngoài có độn lông ngỗng, kéo khóa lên tận cổ. Junko quấn khăn quàng quanh cổ, đội thêm mũ len lên đầu.
“Thật là quá quắt. Lập dị vừa thôi chứ. Đốt lửa thì có gì là vui thú đâu nào?”
Keisuke vừa bước về phía bờ biển vừa càu nhàu. Đêm lạnh nhưng hoàn toàn yên gió. Mở miệng ra là hơi thở đông lại theo dạng lời nói.
“Vậy chứ nhạc Pearl Jam thì vui thú gì nào? Chỉ ồn ào điếc tai thì có!” Junko đối đáp lại.
“Này cô, Pearl Jam có đến hàng triệu người hâm mộ trên thế giới đấy.”
“Còn người thích đốt lửa đã có mặt trên thế giới này từ 5 vạn năm trước thì sao?”
Keisuke thừa nhận: “Ừ, có thế thật.”
“Pearl Jam sẽ hết thời, chứ chuyện đốt lửa chơi thì còn mãi.”
“Ừ, cũng có thế thật.”
Keisuke rút bàn tay phải ra khỏi túi áo, quàng vai Junko.
“Nhưng mà Junko, chuyện 5 vạn năm trước, hay 5 vạn năm sau, thì chả quan hệ gì đến anh cả. Hoàn toàn không. Chỉ quan trọng là lúc này thôi nhé. Thế giới ấy à, ai biết sẽ tận thế lúc nào? Chuyện xa vời ấy có suy nghĩ ra được chăng? Điều quan trọng là bây giờ, ngay lúc này đây, có còn được bữa cơm mà ăn, có còn hứng tình cương cứng lên được hay không, mà thôi. Chứ gì nữa.”
*
Leo mấy bậc tam cấp lên đứng trên đê thì thấy dáng ông Miyake ở chỗ mọi khi vẫn thấy. Ông đang chăm chú gom góp chất vào một đống những thân cây đủ cỡ, đủ hình dáng, đã trôi dạt vào bờ biển. Trong số đó có một thân gỗ thật lớn, kéo lê được nó vào hẳn là cả một công trình.
Bờ biển được ánh trăng soi sáng trông như lưỡi dao mài sáng bóng. Sóng mùa đông không ngừng âm thầm rửa cát. Không có bóng người nào khác.
“Thấy chưa, gom được nhiều cây lắm đó nghe.”
Ông Miyake nói, cũng thở ra những hơi khói trắng.
Junko trầm trồ: “Nhiều thật đấy chứ.”
“Thỉnh thoảng cũng được một bữa như vậy. Mấy ngày trước biển động dữ lắm nghe. Độ rày, hễ nghe biển gầm là tui biết liền bữa ni là có nhiều cây trôi về lắm. Quả nhiên đúng thiệt.”
“Tự mình khen mình từng ấy đủ rồi, đốt lửa nhanh lên đi ông ơi. Lạnh thế này thì con chim quý hóa của tớ nó thun lại mất.”
Keisuke nói, hai bàn tay xuýt xoa chà sát nhau.
“Khoan, khoan, chờ chút đi. Chuyện ni phải thứ tự đàng hoàng mới được. Trước hết là phải lập kế hoạch cho chắc chắn không có sơ sót chi hết, sau đó mới cẩn thận cho lửa vô. Bộp chộp không được mô. Đến tụi ăn mày mà bộp chộp thì cũng chẳng ai cho bao nhiêu đâu đó.”
Keisuke nói: “Còn các em thoa xà phòng mà bộp chộp thì tớ chả kéo dài được bao nhiêu.”
Ông Miyake lắc đầu ngao ngán:
“Cái thằng ni, đừng có ỷ còn trẻ rồi nói giỡn kiểu ba trợn đó nghe.”
*
Những thân gỗ lớn cùng những que nhỏ được sắp xếp xen kẽ một cách khéo léo, chất chồng lên nhau như một hình khối mỹ thuật tiền vệ. Ông Miyake lùi vài bước, xem xét kỹ càng hình khối đó, sửa lại phối trí các cây gỗ, xong lại bước qua phía bên kia, ngắm nghía, xem xét, sửa đổi. Cứ làm đi làm lại vài bận như thế, chỉ cần xem cách đan kết của những thân gỗ, mà trong trí hiện lên càng lúc càng rõ cái hình dạng mà lửa sẽ cháy lên theo. Giống như nhà điêu khắc nhìn vật liệu đá cấu trúc như thế nào, từ đó suy tưởng được cái hình thể đang ẩn náu trong khối đá ấy.
Tỉ mỉ sắp xếp cho đến lúc tạo được phối trí mà ông hài lòng, ông Miyake gật gù: “Xong rồi”. Ông lấy giấy báo đã trữ sẵn, cuộn tròn lại nhét vào dưới đáy khối gỗ, lấy hộp quẹt bằng nhựa, bật lửa đốt. Junko lấy thuốc lá từ túi áo ra, gắn vào môi, đốt diêm châm hút. Cô nheo mắt ngắm chiếc lưng uốn cong và phía sau đầu đã phần nào thưa tóc của ông Miyake. Thời điểm trọng đại nhất là lúc này đây. Liệu có bắt lửa chóng vánh hay không? Liệu lửa có cháy to lên ngon lành hay không?
Ba người yên lặng ngắm núi gỗ trước mặt. Giấy báo bắt cháy mạnh, vặn ưỡn mình lên theo ngọn lửa, thoáng chốc cuộn nhỏ lại, rồi tàn đi. Rồi một lúc như không có biến chuyển gì cả, Junko nghĩ thầm: Thôi không xong rồi. Gỗ xem thế mà còn ướt quá chăng?
Vừa lúc tưởng đã bỏ cuộc, thì một sợi khói trắng uốn éo vươn lên. Nhờ lặng gió, khói trắng vươn lên cao thành một sợi mỏng càng lúc càng dài, liền lạc. Lửa đã bén đâu đấy rồi, tuy chưa thấy bóng dáng đâu cả. Không ai nói một lời nào, ngay cả Keisuke cũng khép chặt miệng. Keisuke đút hai bàn tay vào túi áo khoác ngoài. Ông Miyake ngồi bệt lên cát. Junko vòng tay trước ngực, thỉnh thoảng như nhớ lại thì hít một hơi thuốc lá.
Junko lại nhớ đến truyện “Đốt lửa” [1] của Jack London, như từ trước vẫn hay nhớ đến. Câu chuyện của một người đàn ông trong chuyến lữ hành đơn độc đã đốt lửa sưởi trong tuyết phủ vây bọc chung quanh ở vùng hẻo lánh Alaska. Lửa không bén thì người ấy chắc chắn phải chết cóng, mà trời chiều đã hoàng hôn. Tiểu thuyết thì hầu như cô không bao giờ đọc, chỉ có truyện ngắn ấy là cô đã đọc đi đọc lại nhiều lần vì phải viết bài bình giảng đề tài ấy trong kỳ nghỉ hè lớp 10. Tình cảnh trong câu truyện tự nhiên hiện lên rõ rệt trong trí, cô cảm nhận được cả nhịp đập hồi hộp của người đàn ông đang đứng đối mặt với cái chết, tâm trạng hãi sợ pha lẫn hy vọng cùng lúc với tuyệt vọng. Cảm nhận rõ ràng như chính cô đang bị đặt vào tình cảnh ấy. Nhưng mà cô nghĩ điểm quan trọng nhất trong câu chuyện ấy, vẫn là sự thật cơ bản rằng người đàn ông ấy đã đi tìm cái chết. Ngay từ đầu cô đã hiểu được như thế mặc dù không giải thích rành mạch được lý do. Người đàn ông thật sự đã đi tìm cái chết vì hiểu rằng chỉ có cái chết mới là chung cuộc thích đáng đối với ông ta. Mà mặc dù vậy, để sống còn, ông ta vẫn phải đấu tranh tay đôi chống lại cái chung cuộc áp đảo ấy. Cái mâu thuẫn căn bản ấy ở ngay trọng tâm của câu chuyện đã kích động tầng sâu thẳm trong ý thức của Junko.
Thầy giáo đã cười vang mà bác bỏ ý kiến của cô. Vai chính này mà lại đi tìm cái chết thật sao? Ông nói, ngán ngẩm: “Lần đầu tiên tôi nghe một cảm tưởng kỳ quái đến thế, mặc dù thoạt nghe có vẻ độc đáo”. Rồi ông đọc lớn một đoạn trong bài bình giảng của Junko làm cả lớp cười theo.
Nhưng Junko đã hiểu là mọi người khác đã sai lầm. Nếu sự thật không phải như thế, làm sao mà kết cuộc của câu truyện lại có thể thanh tĩnh và đẹp đẽ như thế được?
*
“Này ông Miyake, lửa tắt ngóm rồi đấy, phải không?”. Keisuke nói, có vẻ nghi ngờ.
“Đừng lo, đã bắt lửa rồi đó. Bây chừ chỉ cần chuẩn bị cho lửa bốc lên thôi. Khói lên liên tục rồi đó, thấy không? Người ta nói: Không có lửa, răng có khói, là rứa đó”.
“Người ta cũng nói: không có máu thì khỏi có cương, nữa đấy”.
Ông Miyake chán ngán: “Mi không có chuyện chi để suy nghĩ ngoài chuyện nớ răng mi?”
“Nhưng mà, ông biết lửa chưa tắt thật không đấy?”
“Biết chớ, lửa sắp bùng lên cho coi.”
“Ông Miyake học được cái kiến thức ấy từ đâu thế?”
“Chẳng phải kiến thức chi, chỉ là mấy thứ tập tành hồi tui đi hướng đạo đó. Đi hướng đạo thì có muốn hay không cũng rành chuyện đốt-lửa-trại hết.”
“Ghê nhỉ, hướng đạo kia đấy.” Keisuke nói.
“Mà thiệt ra, đâu phải chừng đó thôi, tui còn chút tài riêng nữa đó. Nói ra nghe như khoe khoang, chớ về chuyện nhóm lửa, tui có chút tài riêng người khác không bằng được.”
“Nghe thì hay lắm đấy, nhưng mà tài năng ấy chả làm ra tiền mấy đâu nhỉ.”
Ông Miyake cười lớn:
“Quả thiệt chẳng làm ra đồng tiền mô hết.”
*
Đúng như ông đã nói, lửa bắt đầu thấy lấp ló trong tận cùng đống cây, và đã nghe nho nhỏ những tiếng cây gỗ nứt nẻ. Junko thở ra nhẹ nhõm. Đến được mức này thì hết lo rồi, nhóm lửa thế là thành công. Ba người không hẹn mà cùng đưa hai bàn tay ra hơ trước ngọn lửa sơ sinh còn mới nguyên. Lúc này thì không cần phải làm gì ngoài chuyện yên lặng xem chừng ngọn lửa đang từ từ bốc cao lên. Junko nghĩ từ 5 vạn năm nay, cổ nhân hẳn cũng đã hơ tay vào ngọn lửa vừa nhóm với tâm tình như thế.
Keisuke như chợt nhớ ra điều gì, vui vẻ hỏi:
“Này, ông Miyake lúc trước có nói là đến từ Kobe đấy nhỉ. Trong trận động đất tháng trước, chắc là không sao? Ông đâu còn ai trong gia tộc ở Kobe nữa, phải thế không?”
“Ôi, tui cũng không biết nữa. Mà cũng chẳng còn quan hệ chi tới tui. Chuyện xưa rồi.”
“Ông bảo chuyện xưa rồi, thế mà cái giọng thổ âm ấy có đổi gì đâu.” Keisuke nhái giọng, chọc: “Nè ông Miyake, nói giọng như ông mà biểu không phải giọng quê, rứa thì cái giọng tui nói đây là cái giọng chi? Ăn nói ngược ngạo rứa thì phiền lắm đó nghe ông.”
“Dẹp chuyện nhái giọng nghe ngứa lỗ tai đó đi. Ai mượn các người nhái giọng quê tui. Mấy đứa mi cứ tới ngày nghỉ việc cày cấy thì lại xách xe gắn máy, dựng cờ chạy phá làng phá xóm là giỏi thôi.”
“Gì mà nặng tay thế. Ông Miyake mặt trông hiền hậu là thế mà nói nặng ra gì ấy chứ. Động tí là đàn áp người dân thuần phác xứ này ngay đấy. Thôi, tớ cũng xin chịu thua ông.” Keisuke nói. “Nhưng mà hỏi thật đấy. Không sao thật chứ? Thế nào ông cũng có người quen biết ở Kobe chứ? Ông có xem truyền hình không đấy?”
Ông Miyake nói: “Thôi, dẹp chuyện đó đi. Uống whisky không?”
“Xin ông.”
“Cô Junko có uống không?”
Junko đáp: “Một tí thôi”.
Ông Miyake móc túi áo khoác bằng da ra một bình rượu mỏng nhỏ bằng kim loại, trao cho Keisuke. Keisuke vặn mở nắp bình, nâng bình lên rót rượu vào miệng, tránh không để miệng bình chạm vào môi. Hắn nuốt ực một ngụm rượu xong hít vào thật sâu:
“Ngon quá. Rượu này đúng là tuyệt phẩm nguyên chất rượu 21 năm đây, không sai tí nào. Rượu ủ trong thùng cây sồi đấy nhé. Uống vào là nghe được cả tiếng sóng bể reo, cả tiếng thở dài của thiên thần xứ Scotland nữa đấy.”
“Cái thằng nói nhảm thiệt. Rượu nội hoá Suntory bình vuông đó chớ có chi lạ mô nà.”
Junko tiếp lấy bình rượu, rót vào nắp bình, rồi nhắm rượu từng chút một. Cô nghiêm mặt dõi theo cảm giác đặc thù của dòng chất lỏng ấm áp chảy từ thực quản xuống dạ dày, nghe cốt tủy trong thân thể mình ấm dần lên. Đến phiên ông Miyake nhẹ nhàng uống một ngụm rồi Keisuke lại tu một ngụm lớn. Bình rượu sang tay từ người này sang người kia. Lửa nhóm đã không hấp tấp mà từ từ bốc lên thành ngọn lửa vững vàng. Đó là chỗ hơn người của ngọn lửa do ông Miyake nhóm lên. Lửa lan dần ra một cách hiền hòa mềm mại, như một vòng ôm lão luyện, không một chút hấp tấp vội vàng, không một chút thô bạo. Lửa ấy như chỉ để sưởi ấm lòng người.
Junko bao giờ cũng trở nên trầm mặc trước ngọn lửa nhóm. Thỉnh thoảng cô đổi thế ngồi, còn thì hầu như không động đậy chút nào. Ngọn lửa trước mắt cô như âm thầm thu nhận, phủ lấp và dung thứ mọi điều. Junko nghĩ là một gia đình đích thực cũng giống như thế.
*
Junko đến thành phố nhỏ này trong huyện Ibaragi từ tháng 5 năm cô học lớp 12. Cô đã bỏ nhà ra đi, mang theo 30 vạn Yen2 mà cô đã rút ra, dùng ấn triện và trương mục ngân hàng của thân phụ, trong cái xách hàng hải chỉ dồn đầy áo quần để thay đổi. Từ quê Tokorozawa, cô lấy đại nhiều chuyến tàu điện đến được phố nhỏ bên bờ biển của huyện Ibaragi, mặc dù cô cũng chưa từng nghe đến tên phố này bao giờ. Cô tìm được một căn gác trọ từ một nhà địa ốc trước ga, rồi một tuần sau đó trở thành nhân viên bán hàng cho một hiệu tạp hóa nhỏ nhìn ra quốc lộ chạy dọc theo bờ biển. Cô gửi thư về cho mẹ rằng cô bình yên, khoẻ mạnh, xin đừng lo cho cô, và đừng tìm kiếm cô.
Ngày trước, cô đã chán chuyện đi học, và ngán ngẩm chuyện đối mặt với bố cô. Lúc còn nhỏ, Junko cũng thân với bố, ngày nghỉ thường đi chơi với ông. Nắm tay bố mà đi, thấy hãnh diện và an tâm vô cớ. Thế rồi năm sắp xong tiểu học, cô bắt đầu có kinh, có lông ở chỗ kín, vú nổi vun lên. Thân phụ bắt đầu nhìn cô với tia nhìn khác lạ, không như trước nữa. Rồi từ năm lớp 9, thân hình cô vượt mức 1m70, thì thân phụ hầu như không còn gợi chuyện cô nữa. Thành tích học vấn của cô cũng không có gì đáng khen. Thuở mới lên trung học, cô được xếp hạng cao trong lớp, nhưng lúc xong lớp 9 thì thứ hạng của cô phải đếm từ dưới lên mới nhanh được. Khó khăn lắm cô mới lên được lớp 10. Không phải trí óc ngu tối, có điều cô không tập trung trí óc được vào việc gì. Làm chuyện gì cũng bỏ dở nửa chừng, cố gắng tập trung ý thức thì đầu lại nhức như búa bổ, thở không ra hơi, tim đập loạn cả lên. Việc đến trường học chỉ còn là khổ não, đau đớn.
*
Làm quen với đời sống của phố nhỏ này không bao lâu thì cô gặp Keisuke. Hắn lớn hơn cô 2 tuổi, là một tay lướt ván giỏi, thân cao, tóc nhuộm màu nâu, hàm răng đều, đẹp. Ở vùng này sóng tốt nên hắn lưu lại, cùng bạn bè lập ra một ban nhạc Rock. Có ghi danh ở một đại học xoàng, nhưng không bao giờ đến lớp, mà cũng chẳng có triển vọng tốt nghiệp. Song thân kinh doanh một hiệu bánh lâu đời ở ngay trong thành phố Mito, nên có bề gì thì cũng trở về nối nghiệp nhà được, nhưng đương sự thì hoàn toàn không có ý định an vị làm chủ một hiệu bánh. Có vẻ hắn muốn suốt đời cùng các bạn hắn lái chiếc xe tải Datsun chạy vòng vòng, chơi lướt ván trên sóng, và gảy đàn ghi-ta trong ban nhạc. Như thế đủ cho hắn rồi, dù người khác cho rằng lối sống vô-tư-lự ấy chẳng thể nào kéo dài mãi được.
Junko bắt đầu nói chuyện thân mật với ông Miyake từ khi vừa mới sống chung với Keisuke. Ông Miyake khoảng giữa tuổi 40, nhỏ và gầy, mang mắt kính, mặt thon dài và tóc cắt ngắn. Râu ông đậm, chiều đến là cả khuôn mặt tối lại như bị bóng người che khuất. Thường mặc áo vải hay áo hoa Aloha phai màu bỏ ra ngoài quần dài vải trơn nhàu nát, mang giày thể thao. Mùa đông thì khoác thêm chiếc áo khoác bằng da đầy vết sờn tróc. Đôi khi đội mũ lưỡi trai. Junko chưa hề thấy ông mặc thứ áo quần gì khác. Vậy chứ mọi thứ ông mặc trên người đều có vẻ được giặt giũ cẩn thận. Trong cái phố nhỏ ở vịnh Kagoshima này, không có ai khác nói giọng Kansai3 nên dù muốn dù không, ông Miyake cũng là nhân vật nổi bật. Bạn cùng làm với Junko cho biết là ông ấy vẽ tranh và sống một mình trong một căn nhà thuê gần đấy. Cũng chẳng là người nổi danh gì, tranh ông vẽ cũng chưa ai thấy, nhưng có vẻ sống đàng hoàng, chắc cũng đủ ăn. Thỉnh thoảng lên Tokyo mua sắm vật dụng vẽ tranh gì đấy, chiều tối lại trở về. Chừng đâu đã đến phố này khoảng 5 năm về trước. Nhiều lúc thấy ông ấy nhóm lửa một mình ở bờ bể. Hẳn là thích chuyện nhóm lửa lắm đấy. Lúc nào thấy cũng nhóm lửa với cặp mắt say mê ghê lắm. Ít nói, hơi tàng tàng, nhưng không có vẻ gì là người xấu cả.
Ông Miyake đến hiệu tạp hóa mỗi ngày 3 bận. Buổi sáng đến mua sữa và nhật báo, trưa mua cơm hộp, chiều tối mua bia hộp ướp lạnh và mấy thứ đồ nhắm đơn giản. Cứ thế lặp đi lặp lại quy củ mỗi ngày. Mặc dù ông không nói chuyện gì nhiều ngoài những câu chào hỏi, Junko dần dần tự nhiên có cảm tình với ông.
Một buổi sáng nọ, lúc chỉ có hai người trong hiệu tạp hóa, Junko thu hết can đảm hỏi ông Miyake: dù là ở gần ngay đấy, nhưng sao lại mua lắt nhắt mỗi lần một ít thế kia; mấy thứ như sữa, bia ấy, cứ mua nhiều một lúc rồi cất vào trong tủ lạnh có phải tiện hơn không? Tất nhiên, ông có mua một lúc bao nhiêu thứ ấy, hay mua chúng nhiều lần thì đối với cô, cũng không hề gì. Ông Miyake đáp:
“Phải đó, mua một lần mà giữ được thì tốt thiệt, nhưng mà tui thì sự tình có hơi khác nên không mua một lần nhiều rứa được.”
Junko hỏi sự tình gì vậy.
“Nói răng chừ. Có chút sự tình thiệt mà.”
“Xin ông tha lỗi đã hỏi chuyện không ăn nhập gì đến mình. Mong ông không bực mình. Tính em cứ có gì không hiểu thì phải hỏi cho ra mới yên được, nhưng mà hoàn toàn không có ý xấu đâu.”
Ông Miyake ngần ngừ một lúc, rồi gãi đầu nói, như bối rối lắm:
“Nói thiệt với cô, tui không có dùng tủ lạnh. Ngay từ đầu, tui không ưa cái thứ tủ lạnh đó lắm.”
Cô Junko bật cười:
“Em cũng đâu có thích gì tủ lạnh, nhưng mà vẫn có đấy. Không có nó không bất tiện cho ông sao?”
“Thì cũng bất tiện thiệt, nhưng mà không thích thì chịu thôi. Chỗ mô có tủ lạnh là tui ngủ không được.”
Junko nghĩ người gì mà kỳ quái thế, nhưng lại càng chú ý đến ông Miyake hơn từ lần nói chuyện ấy.
Vài hôm sau, một buổi chiều cô đi tản bộ ngoài bãi biển, lại thấy ông Miyake đang nhóm lửa một mình bằng các thân gỗ trôi dạt đến đấy. Junko gọi, rồi đến bên ông ngồi hơ tay vào ngọn lửa. Ngồi kế bên ông, Junko cao hơn khoảng 5 cm. Hai người chỉ chào hỏi sơ qua, xong chẳng nói gì, chỉ nhìn chăm chú vào ngọn lửa. Lúc ấy, Junko cảm thấy như cô tìm ra được cái gì đấy từ ngọn lửa bập bùng cháy. Một cái gì sâu thẳm, hầu như cảm xúc kết tụ thành khối, sống động hơn cả ý thức, vì có trọng lượng như một vật gì cụ thể. Khối ấy từ từ xuyên thoát ra khỏi thân thể cô, để lại dư hưởng cảm xúc kỳ lạ, nửa như hoài niệm nửa như đau khổ, rồi tan biến đi mất. Cảm xúc đã tan biến đi một lúc sau, cánh tay cô còn rờn rợn như nổi da gà.
“Ông Miyake có khi nào có cảm xúc kỳ lạ khi nhìn hình dáng ngọn lửa nhóm hay không?”
“Cô định nói chi?”
“Cái cảm giác vừa kỳ lạ vừa rõ ràng không khi nào có trong sinh hoạt thường ngày ấy mà. Nói như thế nào nhỉ… Em trí óc ngu tối nên không biết nói sao cho rõ, nhưng mà ngồi nhìn ngọn lửa như thế nầy, lại có cái cảm giác tĩnh lặng ấy một cách vô cớ…”
Ông Miyake suy nghĩ một lúc rồi nói:
“Hình thái của lửa là tự do. Bởi hình thái tự do nên tùy theo tâm tình của người nhìn nó, mà nhìn ra hình chi cũng được. Nếu cô có cảm giác tĩnh lặng khi nhìn ngọn lửa, là vì trong lòng cô có cảm giác tĩnh lặng mà ngọn lửa đã phản ảnh lại đó. Cô hiểu không?”
“…Ừm.”
“Nhưng mà không phải thứ lửa mô cũng làm được rứa. Để phản ảnh được cảm xúc thì lửa cũng phải tự do mới được. Như lửa ở trong lò sưởi hơi đốt thì không được. Lửa từ hộp quẹt cũng không được. Lửa nhóm thông thường cũng không được. Lửa mà muốn tự do thì phải từ chỗ có tự do, và được hun đúc khéo léo mới được. Mà chẳng phải ai cũng làm được dễ dàng đâu.”
“Vậy chứ ông Miyake thì làm được chăng?”
“Có lúc làm được, có lúc không. Mà phần nhiều là làm được. Hễ thành tâm thành ý mà làm thì chắc được.”
“Ông Miyake thích nhóm lửa lắm nhỉ?”
Ông Miyake gật đầu:
“Như bị bịnh rứa đó. Tui mà ở miết cái phố nhỏ hẻo lánh ni cũng chỉ vì cái bờ biển có nhiều gỗ trôi về hơn tất cả các bờ biển khác. Chỉ có lý do đó thôi. Coi như vì muốn nhóm lửa mà tới ở đây đó. Nghe chán lắm phải không cô?”
Từ ngày ấy, Junko lúc nào rảnh rỗi lại theo ông Miyake đi nhóm lửa. Trừ những ngày mùa hè, bờ biển đông nghẹt người cho đến tối mịt, còn thì ông Miyake đi nhóm lửa suốt năm. Có khi tuần 2 lần, có khi cả tháng không có lần nào, tùy theo số lượng cây gỗ trôi dạt vào bờ biển ấy. Lần nào định đi là thế nào ông cũng gọi điện thoại cho Junko. Keisuke trêu chọc Junko, gọi ông Miyake là “bạn nhóm lửa” của cô. Nhưng tuy Keisuke hay ghen hơn người thường mà không hiểu sao đối với ông Miyake thì lại chẳng chấp nhất gì cả.
*
Lửa đã bén qua thân cây lớn nhất, bắt đầu an định. Junko ngồi xuống cát, mím môi nhìn đăm đăm vào ngọn lửa. Ông Miyake dùng một nhánh cây dài cẩn thận điều chỉnh khối cây sao cho lửa không yếu đi mà cũng không lan ra quá xa. Thỉnh thoảng lại lấy thêm vài cây gỗ đã để riêng, gát thêm vào đống lửa.
Keisuke chợt nói: bụng nghe đau. “Chắc là tớ ăn phải thứ gì lạnh bụng rồi, phải đi ngay thôi.”
Junko nói: “Vậy anh về nhà nghỉ cho khoẻ.”
“Ừ, thế vẫn hơn”. Keisuke nói, mặt nhăn nhó. “Đằng ấy thì sao?”
Ông Miyake nói: “Cô Junko thì tui đưa về cho, đừng lo".
“Rứa thì xin ông lo giùm tui.” Keisuke nhại giọng ông Miyake, xong rút lui.
Cô Junko lắc đầu nói:
“Anh chàng thật là ngơ ngáo. Lúc nào cũng hứng chí uống rượu cho lắm vào.”
“Nói rứa chớ, còn nhỏ mà dộng vô nhiều trí tuệ quá cũng chẳng hay ho chi. Hắn cũng có chỗ giỏi giang của hắn đó chớ.”
“Có thể thế, nhưng mà hầu như chẳng suy nghĩ gì sốt cả.”
“Tuổi trẻ cũng có chỗ khó khăn đó chớ. Suy nghĩ cho lắm có khi cũng chẳng tới mô.”
Hai người lại ngồi lặng thinh trước ngọn lửa, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thời gian rẽ đôi theo họ, trôi đi.
“Nầy ông Miyake, có điều nầy cứ thắc mắc mãi, hỏi ông có được không?”
“Điều chi đó cô?”
“Điều nầy có phần chạm vào đời tư đấy.”
Ông Miyake xoa lòng bàn tay vài lần lên má có những cọng râu đâm ra nham nhám.
“Không biết là chuyện chi nhưng mà cứ hỏi coi.”
“Ông Miyake không chừng đã có vợ ở đâu đấy phải không?”
Ông Miyake lại móc bình rượu trong túi áo khoác bằng da ra, mở nắp, uống chầm chậm vài hớp. Xong đậy nắp lại, cho bình rượu vào túi áo, rồi nhìn mặt Junko nói:
“Khi không đột nhiên mà hỏi chuyện nớ rứa?”
“Không đột nhiên đâu, lúc nãy đây đã có ý hỏi rồi. Lúc Keisuke đưa chuyện động đất ra hỏi, em nhìn nét mặt ông đã muốn hỏi ông đấy.” Junko nói. “Lúc nhìn lửa, mắt người ta thường thật thà, như ông đã có lần bảo em đấy thôi.”
“Đúng đó.”
“Ông đã có con nữa phải không?”
“Ừ, có hai đứa.”
“Ở Kobe chứ gì?”
“Ừ. Tại ở đó có nhà cửa. Có lẽ cũng còn ở đó.”
“Nơi nào ở Kobe thế?”
“Phường Higashinada đó mà.”
Ông Miyake ngẩng đầu nheo mắt nhìn về hướng biển đêm đen kịt, xong lại nhìn về phía lửa nhóm.
“Bởi rứa, tui không có tư cách chi để chê cậu Keisuke là ngơ ngáo được. Chính tui đây cũng có suy nghĩ chi mô. Tui mới là vua ngơ ngáo đây, cô cũng hiểu chớ?”
“Ông có muốn nói gì thêm về chuyện nầy không?”
“Không. Chẳng muốn nói chi thêm.”
“Vậy ta ngừng đi.” Junko nói. “Nhưng mà em nghĩ ông Miyake là người tốt.”
“Không phải chuyện nớ mô.” Ông Miyake lắc đầu, tay cầm nhánh cây vẽ lên cát những hình thù gì không rõ. “Cô Junko có khi mô nghĩ tới chuyện mình sẽ chết theo cách chi không?”
Junko nghĩ ngợi một lúc rồi lắc đầu.
“Tui thì nghĩ tới nó hoài.”
“Ông Miyake nghĩ chết như thế nào?”
“Bị nhốt trong tủ lạnh đóng kín mà chết đó.” Ông Miyake đáp. “Có hoài đó chớ. Chuyện con nít thấy tủ lạnh hư người ta bỏ ngoài đường, thấy vui mà vô trong nớ chơi, rồi cửa tủ lạnh đóng chặt quá mở ra không được đành chịu chết ngộp trong nớ. Tui sợ chết kiểu đó.”
*
Có thân cây lớn lật ngang, nứt nghiêng, tàn lửa bắn ra tứ tung. Ông Miyake đưa mắt nhìn nhưng không làm gì cả. Ánh lửa hắt lên mặt ông tạo ra khoảng tối có vẻ phi-hiện-thực trên mặt.
“Ở cái chỗ chật hẹp đó, trong bóng tối mịt mùng, chết dần dần từng chút một. Phải chi tắt thở liền vì ngộp thở thì đỡ biết mấy, vậy mà không chết đơn giản rứa được. Không biết từ lỗ mô mà không khí vô được chút ít, do đó mà không chết ngộp liền được. Phải một thời gian dài thiệt dài sau mới chết. Có kêu cứu cũng không ai nghe, không ai thèm để ý tới chuyện của tui. Chỗ quá hẹp tới không rục rịch chi được. Dù có quẫy đạp cách mấy đi nữa, cửa tủ lạnh cũng không mở.”
Cô Junko im lặng.
“Mấy lần tui chiêm bao thấy rứa rồi đó. Nửa đêm thức dậy toát mồ hôi đầy mình. Cứ chiêm bao thấy mình chết dần chết mòn trong khoảng đen tối đó, vừa phải quẫy đạp quằn quại đau đớn. Mà mắt mở ra rồi cũng chưa hết chiêm bao. Đó mới là chỗ dễ sợ nhứt. Mắt mở ra, nghe cuống họng khô rang, mới bước vô nhà bếp mở cửa tủ lạnh kiếm nước uống. Tất nhiên là nhà tui đâu có tủ lạnh, nên tui không thể không biết đó chỉ là chiêm bao. Vậy mà khi nớ quả thiệt chẳng để ý. Vừa nghĩ lạ quá, vừa mở cửa tủ lạnh. Bên trong tủ tối thui, đèn đuốc tắt ngúm hết. Nghĩ thầm chắc cắt điện chi đây, tui đút đầu vô tủ tìm nước uống. Vừa đút đầu vô thì có ngay bàn tay từ trong tủ thò ra chụp cổ tui. Lạnh ngắt như bàn tay người chết. Nắm cổ tui, kéo cả người tui vô trong tủ lạnh bằng một sức mạnh kinh hồn. Tui la lên một tiếng thiệt lớn, và lần ni thì mở mắt ra thiệt. Chiêm bao rứa đó, thấy hoài một thứ, y chang nhau. Mà mỗi lần cũng sợ khiếp vía như nhau.”
Ông Miyake cầm nhánh cây chọc vào một thân cây cháy lệch lên, đẩy nó lại vị trí cũ.
“Chiêm bao mà như thiệt rứa, tui đã mấy lần tưởng mình chết thiệt rồi đó.”
“Từ lúc nào ông Miyake nằm mộng như thế?”
“Lâu lắm rồi, không nhớ nổi từ khi mô. Thỉnh thoảng có khi thoát được thứ chiêm bao nớ. Suốt một năm, … à không, gần 2 năm trời, không chiêm bao như rứa. Mọi chuyện cũng có vẻ song suốt hơn trong khoảng đó. Nhưng rồi, làm cách chi cũng chiêm bao trở lại. Đúng cái khi mà mình tưởng là thoát rồi, khỏi lo rồi, thì lại bắt đầu chiêm bao trở lại. Mà đã bắt đầu rồi là chịu thua, không thoát được.”
Ông Miyake lắc đầu.
“Nhưng mà với cô Junko thì chắc là không nên nói mấy chuyện u ám đó.”
“Không sao đâu.” Junko nói. Cô ngậm một điếu thuốc trên môi, đánh diêm châm hút một hơi thuốc dài. “Ông Miyake kể cho nghe đi.”
Lửa như đã sắp tàn. Đống cây trữ sẵn để thêm vào thì đã cho cả vào đống lửa rồi. Lúc nầy tiếng sóng vỗ vào bờ nghe như lớn hơn.
“Có nhà văn Mỹ tên là Jack London đó…”
“À, người viết truyện nhóm lửa đấy chứ gì?”
“Đúng rồi. Cô biết giỏi quá. Jack London từ lâu vẫn nghĩ là mình sẽ chết đuối trên biển, tin chắc là mình sẽ chết kiểu đó. Ban đêm đi lạc rồi té xuống biển chết đuối mà không ai hay biết chi hết".
“Thế Jack London có chết đuối thật không?”
Ông Miyake lắc đầu: “Không, uống thuốc phiện tự tử chết.”
“Vậy thì dự cảm của ông ấy không đúng rồi. Hoặc có thể là ông ấy cố ý làm cho nó sai đi.”
“Trên bề mặt thì rứa đó.” Ông Miyake nói, rồi im lặng một lúc. “Nhưng mà trong một ý nghĩa chi đó thì ông ta cũng không sai. Jack London đã chết đuối một mình trên biển một đêm tối đen. Ông ta nghiện rượu, tuyệt vọng ngấm vô tới xương tủy. Ông ta đã trăn trở đau đớn mà chết. Dự cảm đôi khi thay thế cho một thứ chi khác. Có khi dự cảm thay thế cho một thứ có thể còn sống động hơn cả hiện thực nữa. Đó là chỗ đáng sợ nhứt của cái hành vi gọi là dự cảm đó. Cô hiểu điều tui nói chớ?"
Junko cố gắng nghĩ về điều ông nói một lúc nhưng không hiểu được.
“Em thì chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ chết như thế nào. Chuyện như thế chẳng thể nào nghĩ ra được đâu. Ngay cả chuyện sống như thế nào cũng đã hoàn toàn mờ mịt rồi, nói gì đến chuyện chết như thế nào.”
Ông Miyake gật đầu: “Nói rứa cũng đúng. Nhưng mà, từ cách mình chết cũng có thể suy ngược lên cách mình sống đó.”
“Đấy là cách sống của ông Miyake hay sao?”
Ông Miyake ngồi xuống bên cạnh Junko. Ông có vẻ mệt và già hơn thường ngày. Đám tóc mọc dài như dựng đứng lên bên vành tai.
“Ông Miyake vẽ tranh gì thế nhỉ?”
“Khó giải thích lắm đó.”
Junko đổi câu hỏi:
“Thế gần đây nhất là tranh gì?”
“Mới 2 ngày trước đây, vừa vẽ xong phong cảnh có bàn ủi. Bên trong căn phòng có cái bàn ủi. Tranh chỉ vẽ vậy thôi.”
“Thế tại sao lại khó giải thích nhỉ?”
“Bởi vì thật ra không phải là cái bàn ủi.”
Junko ngước nhìn vẻ mặt của người đàn ông.
“Bàn là mà lại không phải bàn là, thế là thế nào?”
“Đúng vậy đó.”
“Nghĩa là, nó thay thế cho một cái gì khác, phải không?”
“Có lẽ vậy.”
“Nghĩa là ông chỉ vẽ được nó khi dùng nó để thay thế cái gì khác?”
Ông Miyake im lặng gật đầu. Ngước nhìn lên trời thấy nhiều sao hơn lúc trước rất nhiều. Trăng đã dời đi một khoảng thật xa. Ông Miyake ném vào lửa nhánh cây cuối cùng ông cầm trên tay.
Junko nghiêng người tựa nhẹ vào vai ông. Y phục của ông thấm mùi hàng trăm ngọn lửa nhóm. Cô hít cái mùi lửa ấy vào một hơi dài.
“Nầy ông Miyake.”
“Chi cô?”
“Em hoàn toàn trống rỗng.”
“Vậy à?”
“Ừm.”
Cô nhắm mắt lại, bất giác nước mắt ứa ra. Nước mắt theo nhau chảy xuống má cô. Tay phải của cô bóp mạnh vào đầu gối của ông Miyake. Toàn thân cô rung lên nhè nhẹ. Ông Miyake quàng tay lên vai Junko, kéo nhẹ cô vào ngực mình. Nước mắt cô vẫn chảy dài.
Một hồi lâu, cô nói, giọng khàn đặc:
“Chẳng có gì cả thật đấy. Hoàn toàn trống rỗng.”
“Tui hiểu.”
“Ông hiểu thật đấy chứ?”
“Những chuyện như rứa thì tui rành lắm chớ.”
“Vậy em phải làm sao đây?”
“Cứ ngủ say một giấc, khi tỉnh dậy thì hết.”
“Đâu phải chuyện đơn giản thế.”
“Có lẽ. Có lẽ đâu phải chuyện đơn giản rứa.”
Có tiếng xèo nhỏ của nước bốc hơi từ thanh gỗ nào đấy. Ông Miyake ngẩng mặt lên, nheo mắt nhìn về phía đống lửa một lúc.
“Vậy thì làm thế nào bây giờ?”
“Ừ, như vậy nè. Ngay bây chừ, cô có muốn chết chung với tui không?”
“Được chứ. Chết cũng được.”
“Nói thiệt đó chớ?”
“Thật chứ.”
Ông Miyake im lặng, tay vẫn còn vòng qua ôm vai Junko. Cô dúi mặt vào trong tấm áo khoác bằng da thân thuộc từ bao lâu nay của ông.
“Dù sao, chờ cho tới cháy hết đã.” Ông Miyake nói. “Đã mất công nhóm lửa rồi, thì ngồi coi chung. Lửa ni tắt hết, tối đen rồi, lúc đó sẽ chết chung.”
“Được thôi". Junko nói. “Nhưng mà chết như thế nào?”
“Để nghĩ coi.”
*
Junko nhắm mắt, ngửi thấy mùi lửa nhóm bao mình lại. Vòng tay ông Miyake đang quàng vai cô là của một người đàn ông trưởng thành mà sao có vẻ nhỏ bé và xương xẩu lạ lùng. Cô nghĩ mình không thể nào sống chung với một người đàn ông như thế nầy, có lẽ không làm sao vào được trong tâm hồn ông ấy. Nhưng chết chung thì có lẽ làm được.
Trong vòng tay ôm của ông Miyake, cô dần dần buồn ngủ. Chắc là vì mấy hớp rượu. Phần lớn mấy nhánh cây đã cháy thành tro cả rồi, chỉ còn thân gỗ trôi dạt lớn nhất là còn cháy lên ngọn lửa màu cam sáng chói, cho hơi ấm dịu dàng trên làn da cô. Có lẽ cũng còn khá lâu thân gỗ ấy mới cháy hết.
“Em ngủ một tí được không?” Cô hỏi.
“Được chớ.”
“Lửa cháy hết thì nhớ đánh thức em dậy nhé.”
“Đừng lo, lửa tắt thì lạnh lắm, không kêu cũng mở mắt ra mà.”
Lời nói ấy như lặp đi lặp lại trong trí cô. “Đừng lo, lửa tắt thì lạnh lắm, không kêu cũng mở mắt ra mà.” Rồi cô cuộn người lại, chìm vào giấc ngủ bồng bềnh thật say.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney, 1/2004

Nguyên tác tiếng Nhật, Airon No Aru Fukei, Shicho, 9/1999.
________________
Chú thích của dịch giả:

[1] Đốt lửa (To Build a Fire), truyện ngắn của Jack London, tác giả Mỹ (1876-1916).
[2] 30.000 Yen, khoảng 300 USD.
[3] Kansai-ben: giọng nói của vùng phía Tây Nhật Bản, gồm Osaka, Kobe…, phân biệt với giọng nói của người vùng phía đông như Tokyo.
góp hương
art2all.net