Minh bạch lịch
sử
Phạm Xuân
Nguyên
Bài viết của
Trịnh Cung (TC) về “tham vọng chính trị” của Trịnh Công Sơn (TCS) đã
dấy lên cả
một cơn nổi nóng tập thể của dư luận trong và ngoài nước. Câu hỏi “tại
sao viết”
và “viết để làm gì” dồn dập chĩa vào Trịnh họa sĩ từ phía những người
yêu Trịnh
nhạc sĩ để rồi tha hồ phóng lời, phóng tâm mà phỏng đoán, suy luận và
quy chụp,
chứ không (hoặc ít) xét đoán và chứng minh. Trong cơn phẫn nộ của lý
trí, rất
ít người biết tách bạch đối tượng mình yêu và chủ thể của đối tượng đó.
Đối tượng
yêu là nhạc TCS. Chủ thể của đối tượng là con người TCS. Nói cách khác,
có một
TCS con người tiểu sử và một TCS con người nghệ thuật. Đối với các nghệ
sĩ, nhất
là những nghệ sĩ lớn, hai con người này gắn bó với nhau, nhưng không
trùng khít
nhau. Ở đây rất cần có “lý trí của sự phẫn nộ” để nhìn nhận vấn đề sáng
rõ và
thấu đáo.
Âm nhạc của
TCS đã thành một sự nghiệp lớn, một bộ phận hữu cơ của đời sống tinh
thần văn
hóa dân tộc. Điều đó đã là một giá trị, không cần phải bàn cãi, và
không thể
nào phủ nhận. Con người nghệ thuật của TCS ở đây đã được đề cao và tôn
vinh xứng
đáng, trước hết và chỉ bởi âm nhạc của ông. Một số người lên tiếng vừa
qua đã
chỉ ra được điều này. Nhưng từ đó không thể và chưa chắc bảo đảm rằng
con người
tiểu sử của TCS là nguyên khối, trong suốt, và đơn giản. Đặc biệt khi
ông là một
nghệ sĩ lớn sống trong một thời đại bi kịch đặc thù của đất nước thì
những sự lựa
chọn tư tưởng và chính trị luôn đặt ra trong thế giằng co, lưỡng phân.
Tôi muốn
nghĩ TC viết bài đó dù với bất cứ động cơ nào thì vẫn có một ý muốn là
minh bạch
lịch sử. Nếu những điều nói ra là hoàn toàn vu khống, sai sự thật thì
tác giả
phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng nếu những điều đó là sự thật,
hay có những
phần sự thật, thì sao?
Minh bạch lịch
sử - theo tôi, đó là một đòi hỏi cấp thiết của tư duy nhận thức của
chúng ta hiện
nay. Minh bạch lịch sử cũng là giải hoặc lịch sử, không để những sự mù
mờ, hoài
nghi bao phủ quanh những nhân vật, sự kiện, hiện tượng lịch sử có ảnh
hưởng và
tác động lớn đến cả cộng đồng có liên quan. Nếu những “tham vọng chính
trị” của
TCS là có thực (như TC viết: “Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã
tự hỏi
mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho
nó khỏi
ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua ”) thì việc phơi bày chúng ra là
cần thiết.
Thứ nhất, nó xóa đi ảo tưởng của nhiều người vì quá yêu nhạc của ông mà
cho rằng
con đường đời ông đi là thẳng băng, đơn giản và rõ ràng. (Cách nghĩ này
vô tình
có thể sẽ làm hại cho chính người được nghĩ vì sự thật bị che giấu sẽ
phơi bày
chân tướng của người che giấu sự thật). Thứ hai, nó làm sáng tỏ và sâu
sắc hơn
hành trình sáng tạo của TCS từ con người tiểu sử đến con người nghệ
thuật để lại
cho đời một gia tài âm nhạc lớn lao. Thứ ba, nó giúp cho việc tìm hiểu
các
khuynh hướng chính trị, tư tưởng của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ Sài
Gòn thời
chiến tranh. Thứ tư, nó góp phần vẽ lại đầy đủ, chi tiết bức chân dung
tinh thần
của người nghệ sĩ trong cơn biến động lịch sử của đất nước. Những điều
nói ra của
TC, nếu đúng, không hề làm xấu đi hình ảnh TCS, không hề giảm bớt lòng
yêu TCS,
không hề hạ thấp giá trị TCS. Không. TCS đã sống như thế. TCS đã viết
như thế.
Và Việt Nam đã có một TCS sống và viết như thế thành nhạc cho đời, để
đời. Trường
hợp TCS, nếu như điều TC nói được chứng minh, thì trong những liên
tưởng xa gần,
có thể khiến ta nghĩ đến trường hợp của nhà thơ Mỹ Ezra Pound (1885 –
1972) và
nhà văn Pháp Louis-Ferdinand Céline (1894 – 1961). Cả hai người này đều
đứng về
phe phát xít trong Thế chiến II, đều bị kết án khi chiến tranh kết
thúc. Nhưng
những sáng tác có giá trị của họ không vì thế mà bị hạ thấp, bị bỏ ra
ngoài lịch
sử văn học của dân tộc họ. Họ vẫn được đề cao và tôn trọng ở tư cách
nhà văn.
Nói đâu xa, Nguyễn Du, Phạm Thái không theo Tây Sơn, triều đại được bây
giờ đề
cao, nhưng đâu có vì thế mà “Đoạn trường tân thanh”, “Sơ kính tân
trang” bị gạt
ra khỏi văn học Việt Nam. Minh bạch lịch sử khắc phục lối nhìn lịch sử
phiến diện,
một chiều, chỉ thấy sáng mà không thấy tối, và ngược lại. Cuộc hội thảo
về các
chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn (Thanh Hóa, 10/2008), các cuộc tranh
luận về
Phan Thanh Giản, Ỷ Lan phu nhân gần đây là những thí dụ tiêu biểu.
Có một căn bệnh
của tâm thức Việt mà nhờ minh bạch lịch sử có thể chữa được. Đó là bệnh
thiêng
hóa, thánh hóa. (Thực ra, đây là một thuộc tính của tâm thức con người
nói
chung, nhất là ở những thời kỳ tư duy lý tính chưa được đề cao). Tôi kể
một câu
chuyện. Cách đây gần hai chục năm, nhà văn Ngọc Giao, người cùng thời
với các
nhà văn nhà thơ tiền chiến, có viết một đoạn hồi ức kể lại một lần Nam
Cao mời
các bạn văn từ Hà Nội về quê Lý Nhân (Nam Hà) chơi. Đoàn nhà văn kéo về
quê được
Nam Cao mời cơm thịt gà tại gia, đang ăn thì nghe nhà hàng xóm chửi mất
gà. Bài
viết này sau được in vào tập chân dung kỷ niệm của Ngọc Giao “Đốt lò
hương cũ”
(Nxb Phú Khánh). Lập tức, nhà văn Ngọc Giao bị phê phán kịch liệt. Tạp
chí “Tác
phẩm mới” của Hội Nhà văn Việt Nam hồi đó trong một số đã đăng liền mấy
bài tập trung lên án tác giả bài viết. Lập
luận phê phán chỉ là thế này: một nhà văn như Nam Cao thì không thể làm
cái việc
“gà qué” thế được. Và Ngọc Giao, cũng như Trịnh Cung vừa rồi, bị cho là
người
hay bịa chuyện, hay nói xấu bạn bè. Không ai trong những người viết bài
lên án
Ngọc Giao là người cùng thời Nam Cao, hay có biết ông lúc còn sống. Tất
cả chỉ
là đọc văn rồi suy ra người. Nhà văn Ngọc Giao đã phải rất đau khổ viết
lại một
bài “kêu oan”. Ngẫm thế mới thấy Tú Xương tài, cứ nói toẹt ra thói hư
tật xấu của
mình: “Vị Hoàng có Tú Xương / Dở dở lại ương ương / Cao lâu thường ăn
quịt / Thổ
đĩ lại chơi lường”. Chẳng biết có phải ông tự trào hay không, nhưng nếu
mấy câu
đó do ai kể lại thì chắc sẽ lại bị quy kết là bôi nhọ ông tú thành Nam.
Lại xin kể
chuyện nước ngoài để liên hệ với ta. Khi viết chân dung đại văn hào Nga
Lev
Tolstoy (1828 – 1910), M. Gorki có kể chuyện một lần gặp, ông lão nhà
văn hỏi
ngay chàng trai mới cầm bút là khoản “chơi gái” có mạnh không. Và trước
sự rụt
rè của Gorky, Tolstoy rất khoái chí khoe cái sự mạnh mẽ đó của mình.
Nhà văn
Brazil J. Amado (1912 – 2001) ghi lại hồi ức về trường hợp văn hào
Trung Quốc
Quách Mạt Nhược “bóp ngực” vợ nhà thơ Nga K. Simonov tại Moskova. Cần
dẫn ra
đây toàn bộ đoạn viết này:
Moskva, 1953
Tại đây đang
diễn ra kỳ họp - hay hội nghị toàn thể - nói chung là ban thường vụ Uỷ
ban bảo
vệ hoà bình họp và Ehrenburg nhân dịp này tổ chức tại nhà mình một bữa
tiệc -
hay bữa ăn tối - chiêu đãi Quách Mạt Nhược. Ðến dự có khoảng chục người
- các
nhà văn Xô-viết và nước ngoài.
Quách Mạt
Nhược là một người có danh tiếng trên thế giới, một nhà thông thái và
học giả,
còn ở châu Á nói chung đó là một nhân vật truyền thuyết, một Khổng tử
thứ hai:
ông biết năm mươi nghìn chữ tượng hình (xin nói rằng để đọc được báo
cần phải
biết ba nghìn chữ; giáo viên đại học biết bảy nghìn, trí thức - mười
nghìn),
hai lần làm bộ trưởng khi đại diện cho đảng cộng sản trong chính phủ
liên minh
Tưởng Giới Thạch, còn bây giờ là uỷ viên Bộ chính trị ÐCS Trung Quốc,
đảng này
năm 1949 đã lên nắm quyền và tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa mà
ông là
phó chủ tịch. Ngoài ra Quách Mạt Nhược còn là phó chủ tịch Hội đồng hoà
bình thế
giới và Uỷ ban giải thưởng quốc tế Stalin. Ðó là ba trong rất nhiều
danh hiệu
và tước vị mà ông có thể khoe ra... - có thể thôi, nhưng ông không khoe
khoang,
bởi vì ông là con người giản dị hiếm thấy, không hề cao ngạo, rất cần
mẫn chăm
chỉ, đặc biệt rất thích chuyện trò tiếp xúc. Tóm lại, đó là một nhân
vật nổi bật
trong phe xã hội chủ nghĩa, hay như người ta thường nói, một nhà hoạt
động nổi
tiếng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, v.v. Ông đã ngoài
bảy mươi
tuổi, nhưng nhìn mặt thì không đoán được - tôi cảm thấy người Trung
Quốc như
không có tuổi.
Vậy là trong
căn hộ của Ilya quây quần quanh cái bàn dài thấp chất đầy các đồ ăn
thức uống -
thịt cá hồi, thịt cá chiên, các món trứng cá, vây cá nướng, vodka đủ
loại,
cognac, hoa quả, rượu vang Gruzia và Moldavi - có Konstantin Fedin,
Konstantin
Simonov, Vsevolod Pudovkin, nhà văn Pháp Vercos, nhà văn Rumani Mikhail
Sadovyanu, nhà văn Italia Pietro Nenni và cặp vợ chồng Brazil chúng
tôi.
Simonov đến cùng với vợ, một phụ nữ rất gây ấn tượng, diễn viên sân
khấu và điện
ảnh nổi tiếng mà vẻ đẹp Slave điển hình của nàng đã được ông ca ngợi
trong văn
thơ: chiếc cổ áo hở vai hào phóng cho ngắm nhìn bộ ngực trắng lộng lẫy.
Ngôi
sao điện ảnh ấy tên là Valentina. Simonov đã viết tặng nàng cả một tập
thơ trữ
tình đầy dục cảm, nếu không nói là đầy nhục cảm, bị đích thân đồng chí
Stalin
quở trách: “Các nhà xuất bản tốn tiền in loại sách đó để làm gì, chỉ
cần in hai
bản cho ông ta và cô ta là đủ!” Valentina lộng lẫy, kiêu sa! Khi nàng
mất,
Simonov tuy đã chia tay nàng từ lâu vẫn có mặt tại đám tang và đặt lên
mộ một
nghìn bông hoa cẩm chướng đỏ thắm - một nghìn bông, không kém.
Quách Mạt
Nhược ngồi đối diện với người đẹp và không tham gia vào cuộc trò chuyện
vì nàng
nói tiếng Pháp, còn ông nói được mười tám thứ tiếng châu Á nhưng lại
không biết
một thứ tiếng châu Âu nào, trong khi anh phiên dịch tên Lý thì ở ngoài
hành
lang. Ông chỉ ngồi im nhìn vào cổ áo của Valentina. Ngoài bộ ngực đồ sộ
nhô lên
như quả đồi kia ông không nhìn thấy gì hết nữa, và vốn là người có học
thức ông
uống cạn ly rượu vodka đặt trước mặt - uống liền một hơi để trấn an
mình.
Liuba, bà chủ nhà hiếu khách, lập tức rót cho ông một ly khác. Ông cũng
lại uống
cạn luôn.
Cần phải nói
rằng ở Trung Quốc bộ ngực phụ nữ, vùng kích thích tình dục chủ yếu, là
một cái
gì khép kín, bí ẩn và thiêng liêng, nếu không nói là “bất khả xâm phạm”
- người
ta luôn luôn cố giấu nó đi, thắt buộc nó lại không cho phát triển, tóm
lại, đó
là một chỗ tuyệt đối kiêng kị. Cho nên không lấy làm lạ là hai nửa quả
cầu để hở
gần như đến chỏm nằm trong khuôn ngực của chiếc áo nhung đen, do đó mà
càng trở
nên trắng ngời lộng lẫy, đã hút chặt cái nhìn của nhà thông thái và nhà
hoạt động
nổi tiếng người Trung Quốc.
Các vị khách
khác không ngờ một tai hoạ sắp xảy ra, vẫn tiếp tục trò chuyện bình
thản sôi nổi
về văn học nghệ thuật và sực nhớ ra khi đã muộn - cái điều phải đến đã
đến.
Quách Mạt Nhược, vẫn điềm tĩnh thản nhiên như mọi lúc, dù đã uống
nhiều, vẫn
không rời mắt khỏi “báu vật Nga” này, đứng lên đi vòng quanh bàn rồi
dừng lại
sau ghế của Valentina, giơ hai tay ra ôm chặt lấy bộ ngực phơi trần như
trình
diễn của nàng, chặt đến mức như không bao giờ rời chúng ra nữa.
Tất cả sững
người. Quách Mạt Nhược, vị phó chủ tịch của rất nhiều tổ chức, một nhân
vật lịch
sử, một người nổi tiếng, đứng đó với hai bàn tay lùa vào khoảng hở trên
chiếc
áo dài của Valentina bóp chặt đôi vú của nàng - tay trái vú trái, tay
phải vú
phải - và trên khuôn mặt bất động của ông chậm rãi hiện lên vẻ khoái
lạc thần
tiên. Những người có mặt lúc đó hầu như hoàn toàn bị tê liệt: chúng tôi
chết lặng,
mất cả khả năng ăn nói - sự câm lặng như thế kể từ thời khai thiên lập
địa chưa
bao giờ có và sẽ không bao giờ có lại nữa.
Nhưng vào
khoảnh khắc đầy cao trào kịch tính đó anh phiên dịch tên Lý, suốt nãy
giờ không
rời mắt khỏi ông chủ, đã từ hành lang chạy vào nắm lấy khuỷu tay ông,
kéo ra xa
Valentina một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết - nói thế được chăng? -
rồi đưa
ông ra khỏi phòng và căn hộ. Ilya và Liuba khi đó mới sực tỉnh, vội
theo sau để
tiễn khách. Cuộc bàn luận văn học nghệ thuật lại tiếp tục từ cái chỗ bị
ngắt
quãng trước đó một phút, dường như không ai thấy có chuyện gì xảy ra.
Từ cái buổi
tối chấn động đó niềm kính trọng của tôi đối với Quách Mạt Nhược càng
lớn hơn,
tăng lên vô hạn.
(Ngân Xuyên
dịch từ tiếng Pháp. Jorge Amado. Navigation de cabotage, Gallimard,
Paris,
1996).
Những trang
viết này của Gorky, Amado đã bay khắp thế giới, cả ở Việt Nam, nhưng
không thấy
có phản ứng gì, cáo buộc gì từ Nga, Trung Quốc.
Tôi không gặp
TCS lần nào, ngay thấy mặt ngoài đời, dù là đứng từ xa ngó lại, cũng
không. Như
vậy, tôi biết TCS là bằng vào âm nhạc của ông. Các bài hát của ông, tôi
không
thích hết cả, chỉ thích một số bài. Và tôi thấy TCS là người “hát thơ”,
như Văn
Cao nói. Đối với ông, tôi giữ lòng quý trọng, dù ông có hay là không có
“tham vọng
chính trị”. Với TC, tôi chỉ gặp vài lần mới gần đây, chưa thể nói là
quen biết.
Trong bài này tôi không nói chuyện bài viết của TC về TCS đúng sai,
thật giả thế
nào (cái đó tôi chờ sự chứng minh, đối chiếu khách quan, công tâm từ TC
đến những
người liên quan). Tôi cũng không bàn ở đây chuyện cái tâm, cái tình của
người
viết (nhưng thú thực nghe sự mắng chửi TC “ngậm máu phun người” tôi
thấy gai
người). “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Đọc nó, tôi nghĩ đến một
vấn đề
khác, ở cấp độ nhận thức, như đã nói trên. Đó là: việc tìm về sự thật
để minh bạch
lịch sử là một việc cần làm ngay trong đời sống chính trị văn hóa xã
hội của nước
ta hiện nay.
Hà Nội
18.4.2009
Lên trang
viet-studies ngày 7-5-11
Một sự đau của
nhà văn Ngọc Giao
Phạm Xuân
Nguyên
Tôi biết nhà
văn Ngọc Giao vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Những năm 1989 –
1992, Viện
văn học hồi đó do giáo sư Phong Lê làm Viện trưởng liên tiếp tổ chức
các cuộc hội
thảo khoa học về những tác gia quan trọng của giai đoạn văn học 1932 –
1945 mà
số phận có nhiều uẩn khúc, thăng trầm. Trong một cuộc hội thảo như thế,
có lẽ
là trong hội thảo về Vũ Trọng Phụng nhân năm mươi năm mất, Ngọc Giao đã
xuất hiện.
Ông từ trong cõi im lặng văn chương bước ra (mặc dù ông sống cõi đời ở
ngay Hà
Nội). Đó là dịp đầu tiên tôi nghe tên ông, bắt đầu đọc văn ông, và tiếp
xúc với
ông. Dạo đó tôi đang làm việc ở Ban văn học Việt Nam hiện đại, nhà lại
ở bên
hông cơ quan, nên mỗi lần nhà văn Ngọc Giao đến Viện Văn học ông thường
gặp tôi
và rồi hay ghé vào nhà tôi. Nhà văn già (khi đó ông đã ngoài tám mươi
tuổi) với
nhiều nỗi niềm nhân thế, văn chương chôn chặt trong lòng mấy chục năm
khuất lấp,
gặp thời đổi mới của đất nước được dịp phơi mở, có rất nhiều chuyện
muốn nói, cần
nói, lại sẵn tôi cũng hay chuyện, ham chuyện, muốn tìm hiểu văn học sử
hiện đại
một giai đoạn đã qua, thế nên tự nhiên mà nhà văn Ngọc Giao và tôi có
một quan
hệ bác cháu thân mật. Những lần gặp nhau đều là ông đạp xe từ nhà riêng
ở Trung
Tự đến 20 Lý Thái Tổ, khi thì ông làm việc với giáo sư viện trưởng, khi
thì ông
chỉ gõ cửa nhà tôi.
Trong những
cuộc gặp nhau, nhà văn Ngọc Giao hay tặng tôi những văn bản văn học,
khi là bút
tích bản dịch tiếng Pháp của ông bài thơ “Giã từ” của Xuân Diệu viết
trước lúc
mất, khi là tạp chí Bông trang của hội văn nghệ tỉnh Sông Bé có đăng
bài phỏng
vấn nhà văn Nguyễn Đình Thi nói thật những chuyện trắc trở quanh các vở
kịch của
ông. (Đây là một tài liệu quý, một khoảnh khắc bộc bạch rất thật mình
của Nguyễn
Đình Thi, nhất là quanh vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, mà chẳng
hiểu sao hồi
ấy một tờ báo ở miền đông Nam Bộ lại hỏi chuyện được ông). Nhưng chủ
yếu giữa
ông và tôi là trò chuyện. Những câu chuyện ông muốn nói và tôi muốn
nghe phần lớn
xoay quanh văn học 1932 – 1945 và những văn nhân thời ấy mà ông là một
nhân chứng,
một đồng nghiệp. Khi đã được xuất hiện trở lại, được in lại những tác
phẩm của
mình viết trước 1945 và trong thời Hà Nội tạm chiếm, nhà văn Ngọc Giao
cảm thấy
mình còn được may mắn về cuối đời và trong tâm thế ấy ông nhớ lại các
bạn văn
thời trẻ đã cùng ông sống và viết trong một thời buổi nhiều hứa hẹn của
văn
chương nước nhà nhưng cũng nhiều khổ hạnh, tủi nhục của phận người sống
bằng
ngòi bút trong một đất nước còn nô lệ. Thế thường người già hay hồi
tưởng, nhà
văn già hay hồi ký nghề văn. Nhà văn Ngọc Giao cũng vậy. Từ tâm thế
thương mình
tiếc bạn, ở thập niên cuối thế kỷ XX ông đã bắt tay vào viết các chân
dung bạn
văn. Ý định của ông là phục dựng hết mức có thể trong sự quen biết và
hiểu biết
của mình những gương mặt lớn của văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ XX,
khoảng
hai mươi người, từ Tản Đà, Phan Khôi, Doãn Kế Thiện, Nhượng Tống, Vũ
Bằng, Nguyễn
Đỗ Mục, Trúc Khê, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc đến Trần Huyền
Trân, Nam
Cao, Nguyễn Bính... Những bài viết ấy được đăng làm ông phấn khởi thấy
mình còn
có ích, thấy mình trả nợ được bạn bè. Nhân đó một hôm tôi gợi ý ông là
có thể
làm một tập sách chân dung hồi ký bạn văn của ông. Nhà văn Ngọc Giao
nghe vậy tỏ
ý băn khoăn không biết có nhà xuất bản nào chịu in không, vả lại ông
cũng chỉ mới
viết được mấy người, còn thiếu nhiều người đáng viết. Tôi động viên ông
là ở tuổi
này rồi không thể cầu toàn được, hơn nữa những cái ông đã viết ra cũng
đã đủ
làm một tập sách mỏng, đủ hấp dẫn bạn đọc, có gì những lần tái bản sẽ
bổ sung
sau. Dạo ấy tôi nghĩ đến nhà xuất bản Phú Khánh, nơi tôi có những bạn
bè quen
làm việc, để giới thiệu tập bản thảo của nhà văn Ngọc Giao. Vừa may,
tôi nhớ dịp
ấy nhà văn Đỗ Kim Cuông từ Nha Trang ghé chơi, tôi đem chuyện này nói,
anh nhiệt
tình tán thành và đã cầm bản thảo về cho Nhà xuất bản tổng hợp Phú
Khánh. Từ
đó, tập Đốt lò hương cũ của nhà văn Ngọc Giao được ra đời cuối năm
1992. Ông có
viết một lời tựa cho tập sách nhưng không biết vì lý do gì nhà xuất bản
không
in vào sách. Lời tựa ấy thế này:
“Sen tàn
nghe rốn tiếng mưa thu”
Tôi nghĩ nhiều
về câu thơ tâm huyết này của Lý Thương Ẩn danh sĩ thuở Thịnh Đường, khi
cố nén
tuổi già mệt mỏi viết hồi ký về một số nhà văn có tài có đức đã theo
nhau về
nơi cảnh ảo.
Bạn đọc tôi,
hãy coi cuốn sách mỏng manh này là một lá sen tàn còn lưu đọng ít nhiều
giọt
băng giá của buổi thu – đời văn bút của tôi.
Sách ra, nhà
văn Ngọc Giao mừng lắm. Ông tặng mọi người. Ông chờ phản hồi của độc
giả và văn
giới. Nhưng một sáng sớm năm 1994, ông gõ cửa căn phòng bé nhỏ của tôi
gấp gáp.
Tôi nhớ mãi sớm ấy. Trời còn rất sớm, nhà văn già trên tám mươi đã đạp
xe từ
Trung Tự đến nhà người bạn trẻ ngoài ba mươi để đưa một bản thảo viết
tay nhờ gửi
đăng báo trần tình một việc văn mà ông bị vu là “dựng đứng”. Nét mặt,
giọng
nói, cử chỉ, thần thái ông sớm ấy ở nhà tôi toát lên một sự đau đớn
khôn nguôi.
Sự vụ là từ
cuốn Đốt lò hương cũ mà ra. Cụ thể là từ bài viết về Nam Cao. Cụ thể
nữa là đoạn
kể các nhà văn ở Hà Nội kéo nhau về làng Đại Hoàng (Lý Nhân, Nam Hà)
chơi nhà
Nam Cao, theo sự khởi xướng của Nguyễn Bính. Nhà văn Ngọc Giao có mặt
trong tốp
bạn văn đó và nửa thế kỷ sau kể lại chuyện Nam Cao bắt trộm gà hàng xóm
giết thịt
đãi bạn. Ông viết: “Trí thúc chúng tôi: “Uống nhanh lên, ăn mạnh lên.
Bữa ăn
này không thể kéo dài. Kìa trông trời sắp tối, đó là giờ gà qué lên
chuồng. Chủ
nó đóng cửa chuồng không bao giờ quên kiểm soát, thấy thiếu con gà
trống gáy
này thì phải biết, nó réo chửi ba đời bảy kiếp đứa nào ăn trộm gà nhà
nó. Trí
thở gấp gáp hơn: Các cậu cạn bát, nhai nuốt hết cả thịt rượu đi, rồi
tháo ngay
ra thuyền tẩu cho nhanh, thoát cái đất chết này. Trong khi ấy, tớ và vợ
tớ sẽ
mau mau đào hố chôn hết lông gà, lòng gà, xương gà ở gốc bụi tre gai.
Nếu chậm,
chúng nó kéo vào ngay bây giờ thì nhục nhã lắm... Chúng tôi, không
lưỡng lự,
làm theo lời Trí, nốc cho nhanh, nhai cho lẹ, chỉ còn trơ mâm gỗ. Trí
cả hai
tay, vơ vội xương gà bỏ bị, gật đầu chào chúng tôi, nhảy vội xuống sân,
biến vội
sau bụi tre trong bóng tối đang đổ xuống.”
Câu chuyện
này được nhà văn Ngọc Giao nhớ lại và viết ra đã bị một số người lên
tiếng phản
đối. Nhà văn Tô Hoàng viết bài “Không thể có chuyện ấy trong cuộc đời
Nam Cao”
đăng báo Lao Động số ra ngày 14.12.1993. Trên báo này còn một bài viết
khác của
nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Bài của Tô Hoàng đã được tạp chí Tác Phẩm Mới
đăng lại
trong số 2/1994 ở mục “Ý kiến nhà văn” cùng bài của nhà văn Thanh Châu
“Nhân
câu chuyện “Nam Cao đãi khách” và của một người ký tên Đào Bích Nguyên
“Thật khổ
cho ông Nam Cao”. Những ý kiến phản đối Ngọc Giao đều cho ông “bịa đặt
hoàn
toàn không phù hợp với tính cách và phẩm giá của Nam Cao như mọi người
từng biết”
(Tô Hoàng). Bữa ăn đó của mấy bạn văn Hà Nội ở nhà Nam Cao tại làng Đại
Hoàng
không phải như Ngọc Giao kể, mà là thế này theo lời kể của bà vợ Nam
Cao cho
nhà thơ Bế Kiến Quốc được báo Văn Nghệ cử xuống Nam Định hỏi rõ sự
tình: “Thấy
bạn văn thơ về chơi, thầy giáo Trí nói với vợ: “Có mấy anh về thăm,
muốn uống một
bữa rượu. Thế mợ có chạy được thức gì không?” Bà giáo đáp: “Đầy đủ
tuốt. Anh
không phải lo gì cả!”. Bà quả phụ Nam Cao còn nhớ bà đã giết ba con gà,
hai con
luộc để nhắm rượu, một con nấu cháo vì Nam Cao bảo bà, sau bữa rượu đám
bạn
thơ, bạn văn rất thích ăn cháo gà. Bà Nam Cao kể, bà còn mua thêm hai
cân thịt
bê thui. Rượu ngon có tiếng của vùng Đại Hoàng thì mua ở nhà ông Trương
Thống.
Khách uống hết lít đầu không ăn thua gì, bà mua thêm lít nữa. Khách vẫn
chưa
say, bà lại mua lít thứ ba...” (Dẫn theo bài của Tô Hoàng).
Biết thế nào
giữa hai người, nhà văn Ngọc Giao và bà quả phụ Nam Cao?
Cả hai người
đều có thẩm quyền kể chuyện này, vì là vợ và bạn Nam Cao, mặc dù trong
hồi ức của
Ngọc Giao về cuộc chơi nhà Nam Cao thì vợ nhà văn không có mặt, chỉ có
mấy anh
em bạn văn thơ ngồi ăn với nhau. Cùng một sự việc được kể hoàn toàn
trái ngược
nhau, một bên là bắt trộm gà, một bên là đầy đủ các món mua về, hết thì
lại
mua.
Chúng ta, những
người đọc, nhất là những người đọc chỉ biết văn Nam Cao mà không biết
ông trong
đời, không có thẩm quyền phán xét đúng sai ở đây. Tin hay không tin,
người đọc
chỉ có quyền ấy. Người không tin thì bảo Nam Cao viết văn hay nên là
người tử tế.
Nhà văn ai lại làm thế! Nhà văn như Nam Cao ai lại làm thế! Như vậy nói
Nam Cao
trộm gà đãi bạn là dựng đứng chuyện để xúc phạm nhân cách một nhà văn
đáng
kính. Người tin thì bảo chuyện này nếu có cũng là thường, cũng không
ảnh hưởng
gì đến văn Nam Cao và thái độ của độc giả đối với văn chương của ông.
Không phải
cứ người viết văn hay là người sống mẫu mực ở đời, và ngược lại, cứ
người sống
phóng túng phóng đãng ở đời thì không có văn hay. Văn và người không
phải bao
giờ cũng trùng khớp nhau, thậm chí có khi trái ngược. Điều này Hoài
Thanh đã có
nói đến khi làm tuyển Thi nhân Việt Nam: “Có người thơ tuyệt đẹp mà đối
với tôi
lại toàn những cử chỉ rất mực xấu xa. Họ phũ phàng, họ nhỏ nhen...
Nhưng thôi,
tôi nói ra làm gì. Những cử chỉ xấu kia là bề ngoài; phần sâu sắc nhất
trong
tâm hồn họ đã ghi lại nơi những vần thơ đẹp. Trái lại có những nhà thơ
tử tế với
tôi vô cùng mà thơ của họ tôi lại chỉ thích... có hạn”.
Thẩm
quyền
phát ngôn, xin nhắc lại, trong chuyện này là ở nhà văn Ngọc Giao và bà
quả phụ
Nam Cao. Họ sống bên cạnh nhà văn. Và thẩm quyền đi cùng trách nhiệm,
những
phát ngôn có thẩm quyền của họ buộc họ phải chịu trách nhiệm về tính
xác thực của
chúng. Còn người đọc không biết người thì xin đừng suy từ văn ra người,
rồi lấy
cái người suy đó áp cho người thật.
Tôi đã hơn một
lần dẫn ra trường hợp nhà thơ lớn Trung Quốc Quách Mạt Nhược sờ vú vợ
nhà thơ lớn
Liên Xô K. Simonov ngay trước mặt nhiều văn nhân nổi tiếng thế giới tại
bữa tiệc
ở nhà I. Erhenburg giữa thủ đô Moskva khi ông sang dự họp Hội đồng hòa
bình thế
giới (1953). Ai kể lại chuyện này? Xin thưa: nhà văn lớn Brazil Jorge
Amado
(1912-2001), người có mặt tại bữa tiệc, đã kể lại chi tiết trong cuốn
hồi ký “Hải
trình ven bờ” (Navigation de cabotage, Gallimard, Paris, 1996) của
mình, và kể
xong ông đã công khai bày tỏ lòng ngưỡng mộ người đồng nghiệp Trung
Quốc qua
hành động đó. Cuốn hồi ký của J. Amado xuất bản năm 1992, được dịch ra
nhiều thứ
tiếng, không thấy gia đình Quách Mạt Nhược và chính quyền Trung Quốc
lên tiếng
kiện cáo, phản đối; quan hệ bang giao Trung Quốc – Brazil cũng không vì
hành động
“sờ vú” của một phó ban thường vụ quốc
hội,
một tên tuổi văn hóa lớn Trung Quốc được nhà văn Brazil kể lại thích
thú mà bị
trục trặc. Tôi đã trích dịch cuốn hồi ký của J. Amado trong đó có đoạn
nói về
Quách Mạt Nhược và đã đăng báo Tiền Phong nhiều kỳ cách đây hơn mười
năm, chỉ
thấy bạn đọc thích thú, không thấy có sự cố gì gây hại cho văn chương
và ngoại
giao nước nhà.
Trở lại
buổi
sớm đầu năm 1994 nhà văn Ngọc Giao gõ cửa nhà tôi. Ông đưa tôi một tệp
giấy gập
đôi theo chiều dọc. Đó là hai văn bản nhưng chung một nội dung. Hai văn
bản đều
do nhà văn Ngọc Giao tự viết tay và có lưu lại những chỗ ông sửa chữa
câu chữ.
Văn bản thứ nhất là bài viết của nhà văn nhan đề “Vẫn chuyện dựng đứng
về Nam
Cao”, nói lại ý kiến của Nguyễn Mạnh Tuấn trên báo Lao Động: “Tôi chưa
được đọc
bài ông Tô Hoàng, nhưng đoán rằng nội dung cũng nghi ngờ lòng chân thật
của tôi
giống bài ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Vậy, tuy mỏi mệt, buông bút ít lâu nay,
tôi cố
gắng ngồi viết những dòng này thanh minh tấm lòng mình, đồng thời cải
chính mấy
điểm hiểu sai tôi trên cả hai bài báo.” Văn bản thứ hai cũng mang đầu
đề ấy,
nhưng có mở ngoặc (thư ngỏ gửi nhà văn Bùi Việt Sơn, tạp chí Lao Động -
ở đây
Ngọc Giao nhầm báo thành tạp chí). Mở đầu thư ông cho biết đã thân đến
tòa soạn
trao cho Bùi Việt Sơn bản thảo bài viết “Vẫn chuyện dựng đứng về Nam
Cao” nhưng
chưa thấy đăng nên ông có thư ngỏ này nói tiếp chuyện cho rõ ràng hơn
nữa: “Tôi
tha thiết yêu cầu anh, vì văn học, vì thành tâm với một đồng nghiệp già
đang đứng
trước cửa mồ, đề đạt ý tôi với ban biên tập đăng bài tôi đã đưa anh.
Độc giả sẽ
nghĩ thế nào về tôi khi họ thấy anh Mạnh Tuấn, Tô Hoàng, với hoài nghi
chủ
nghĩa, buộc không luận cứ gì chính xác, coi tôi là lão cuội. Anh đã
điện cho
tôi sáng qua (17/1) rằng sẽ tùy tổng biên tập ở Sài Gòn. Nếu đăng bài
tôi ngay,
sợ sai tôn chỉ Lao Động. Nó là tạp chí thông tin, không phải là tạp chí
văn nghệ.
Tôi rất ngạc nhiên. Nếu ban biên tập đã chủ trương như vậy thì cũng
không nên
đăng bài của hai bạn Tô Hoàng, Mạnh Tuấn”.
Nhà văn
Ngọc
Giao đau trước hết vì người ta cho ông là dựng đứng truyện về nhà văn
Nam Cao,
thứ đến là người ta không đăng bài ông nói lại. Chính vì báo Lao Động
không
đăng bài phản hồi của ông nên ông mới gấp gáp đưa cho tôi để nhờ tôi có
thể tìm
được chỗ nào đăng lên. Tạp chí Tác Phẩm Mới cũng chỉ đăng bài phê phán
Ngọc
Giao mà lẽ ra có thể làm một bài phỏng vấn ông, cho ông có dịp trình
bày thực
hư câu chuyện, khi trụ sở tòa soạn tạp chí ở 65 Nguyễn Du chỉ cách nhà
ông ở
Trung Tự một đoạn đường. Hai tờ báo và tạp
chí khởi chuyện rồi cũng im lặng luôn. Còn nhà văn Ngọc Giao thì đã
không được
nói lại và đành ngậm đắng nuốt cay mang theo sự đau của mình xuống mồ.
“Bài viết
hồi
ký về Nam Cao, tôi viết một hơi một buổi tối mùa hè, hết bài thì hết
một tuần
nhang. Thưa các bạn, cái từ “dựng đứng lên” đã khiến tôi muốn khóc. Già
rồi, nước
mắt dễ ứa ra. Tôi xin lấy lương tâm một cây bút già nua mà thề bên linh
hồn năm
bạn xấu kiếp của tôi là Nam Cao, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thâm
Tâm, Nguyệt
Hồ: câu chuyện bữa cơm cay đắng ấy là chuyện thật, trăm phần trăm thật.
Chuyện
đời, thường có những chuyện quá thật đến thành ra không thật (trop vrai
pour
être vraisemblable). Câu chuyện lũ chúng tôi rủ nhau về Đại Hoàng do
Nguyễn
Bính khởi xướng đúng như tôi viết trong bài về anh Trí, đơn giản có thế
thôi. Một
lần nữa, thưa các bạn, tôi cần nhắc lại rằng, trong các bài hồi ký của
tôi, viết
về Lan Khai, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, v.v..., tôi thường tha
thiết, chân
thành: “Xin bạn đọc, đọc tôi hãy tin tôi”. Viết hồi ký, người già không
biết
nói dối, không xuyên tạc, không hư cấu, chỉ lo không đủ sức nói được ra
hết sự
thực về cuộc đời của bọn hàn sĩ khốn cùng, viết khôn mà sống dại. Tôi
chịu
trách nhiệm với lịch sử văn học, với người chết và người sống” (nhấn
mạnh của
tôi – PXN).
Cho đến
hôm
nay, nghĩa là sau gần hai mươi năm tập sách Đốt lò hương cũ ra đời và
sau mười
bốn năm nhà văn Ngọc Giao qua đời, trong ngày kỷ niệm một trăm năm sinh
của
ông, tôi muốn nhắc lại sự đau này của ông từ hai văn bản tôi được ông
trao cho.
Không phải để minh oan cho Nam Cao hay biện hộ cho Ngọc Giao. Hai ông
không cần
điều này, nó không làm xấu ai cả. Tôi cũng nói ngay Nam Cao trong tôi
là một
nhà văn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, văn ông tôi luôn thích.
Tôi đưa
lại chuyện này hôm nay là để nói chúng ta phải thay đổi lối tư duy thần
tượng
hóa, thần thánh hóa. Phải giải hoặc tư duy. (Tiện thể xin nhắc một
trường hợp gần
đây. Năm 2009, họa sĩ Trịnh Cung viết bài kể chuyện trước 1975 nhạc sĩ
Trịnh
Công Sơn đã có lúc có “tham vọng chính trị” muốn bước vào chính trường
Việt Nam
Cộng Hòa. Bài viết khiến nhiều người nổi đóa vì họ cho Trịnh họa sĩ đã
bôi xấu
Trịnh nhạc sĩ, “thần tượng” của họ. Nhân dịp đó tôi đã có bài viết nhan
đề
“Minh bạch lịch sử” đăng ở tạp chí Thế Giới Mới, trong đó tôi cũng đã
liên hệ đến
trường hợp này của nhà văn Ngọc Giao và dẫn ra chuyện Quách Mạt Nhược
nói
trên).
Giải hoặc
tư
duy ở quan hệ văn và người. Không ai biện hộ cho thói vô đạo đức của
người văn
trong cuộc sống, nhưng không thể lấy đạo đức mà đo văn chương. Cũng
vậy, người
viết hồi ký luôn đề cao tính chân thực, nhưng tính chân thực đó được
bảo đảm bằng
sự tin cậy của các quan hệ riêng tư, cá nhân và sự tham dự trực tiếp
của người
viết với các nhân vật và sự kiện được nói tới. Tính chân thực tin cậy
đó là
thông qua sự trải nghiệm cá nhân. Người sau đọc Ngọc Giao kể Nam Cao
trộm gà
đãi bạn không phải là người trong cuộc, không phải là người biết Nam
Cao ngoài
đời, chỉ đọc văn ông mà nghĩ ông không thể có hành vi ấy, thế là la lên
Ngọc
Giao viết sai, viết bậy. Hỏi ngược lại người ấy vì sao, khi hắn không
biết gì về
Nam Cao, chắc câu trả lời là văn thế nào thì người thế ấy! Đó là một
kiểu tư
duy đáng ngại. Điều này là rất quan trọng khi ta còn có một bộ phận văn
học mà
nếu xét người thì dễ loại văn.
Hơn nữa,
chính cách suy xét cảm tính và hồ đồ này là một nguyên nhân khiến trong
văn học
Việt Nam, thể hồi ký, tự truyện không được phát triển. Hẳn mọi người
còn nhớ
các hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều của nhà văn Tô Hoài, tự
truyện Lê Vân
yêu và sống của diễn viên Lê Vân đã vấp phải những phản ứng thế nào
dưới góc độ
cứ luận người mà suy, bất chấp các tác giả nói chuyện từ thẩm quyền và
kinh
nghiệm của họ. Cho nên nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa đã thôi ngay ý định
viết hồi
ký đời nghệ thuật của mình, vì sợ hãi những điều thật mình đã sống, đã
trải, kể
ra lại động người này chạm người khác và lại bị búa rìu dư luận cho là
vu khống,
dựng đứng. Ngay mới đây thôi, dịp kỷ niệm 10 năm mất Trịnh Công Sơn
(lại họ Trịnh!),
người yêu Dao Ánh của ông trao cho gia đình nhạc sĩ ba trăm bức thư
tình của
hai người viết trong mấy chục năm qua và
cho phép xuất bản. Tập sách Thư tình cho một người in ra đã có những ý
kiến rằng
là lợi dụng tên tuổi người nhạc sĩ nổi tiếng để kinh doanh, rằng làm
thế là
không đúng về mặt đạo lý, tình cảm khi công khai chuyện riêng tư của
một người,
nhất là người đó lại đã mất. Những người nói vậy quên rằng trên thế
giới đã có
nhiều tập thư từ của những người nổi tiếng mất đi được người thân, bạn
bè công
bố và xuất bản, cả bán đấu giá. Như ở Pháp, con gái của Simone de
Beauvoir
(1908-1986) đã cho xuất bản các bức thư của mẹ mình viết cho người tình
là nhà
văn Mỹ Nelson Algren trong suốt mười bảy năm (1947-1964) với nhan đề
Thư gửi
Nelson Algren. Mối tình xuyên Đại Tây Dương (Lettres à Nelson Algren.
Un amour
transatlantique, 1997). Bởi một lẽ đơn giản, đối với những người nổi
tiếng, các
tài liệu của họ và về họ đều cung cấp thêm những hiểu biết về cuộc đời
và sự
nghiệp của chính họ, về xã hội và thời đại mà họ sống, do đó chúng là
một nguồn
tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá một nhân
vật lịch sử,
một thời đại lịch sử.
Hai văn bản
nhà văn Ngọc Giao trao tôi buổi sớm đầu năm 1994 là muốn được đăng báo
giãi bày
sự thật và tấm lòng. Ở văn bản phần hai, ông có nhận xét về những người
nói lại
ông. Đối với người cùng thời ông sống, nhà văn cảm ơn bạn già Mai Lĩnh
tiên
sinh: “Cụ cũng có vài lời nghiêng về cái vô tâm vô tội của tôi đối với
Nam Cao.
Tôi xin nhờ anh Sơn chuyển lời tôi chân thành cảm ơn cố nhân Mai Lĩnh
của tôi.
Bác Mai Lĩnh ơi, “bác già, tôi cũng già rồi”, chúng ta đã sống một
thời, và giờ
đây chúng ta cũng sắp rủ nhau “đi”. Chúng ta đã sống quá nhiều, đau đớn
quá nhiều
rồi, nên dễ hiểu nhau, dễ thương nhau...” Còn về bài của Thanh Châu
“Coi tôi là
lầm lẫn, mặc dầu tuổi ông với tôi cũng ngang nhau. Khôi hài! Ông già
này bảo
ông già kia là lẩm cẩm. Những dòng ông viết ngấm ngầm dấu diếm một nỗi
tị hiềm
tôi không tiện nói ra đây. Tôi chỉ cảm thấy xót xa tình bằng hữu thâm
giao giữa
ông với tôi cùng dắt tay nhau vào nghề văn bút từ 1929. Đọc bài ông,
tôi chỉ mỉm
cười, thương bạn.” Đối với người lớp sau, nhà văn nhận thấy “Anh Mạnh
Tuấn viết
về tôi với giọng văn nhẹ nhàng, nhã nhặn, coi như nhắc một chuyện vui,
không hề
có chút gì ác ý. Rất cảm ơn anh.” Còn về bài của Đào Bích Nguyên: “Tác
giả là một
anh son trẻ nào đó tôi không còn muốn nhớ. Anh nói những điều quái dị,
quá ư xấc
xược và vu khống. Nhưng tôi không bận ý. Tôi tha thứ những lời thóa mạ
vu khống
đó đối với một người già. Anh cứ tiếp tục sống đi, viết đi. Rồi đây anh
sẽ hối
tiếc nhiều. Ông cha đã dạy: “Lời nói đọi máu”. Vu khống là một thói
hèn, người
cầm bút có kiến thức, có đạo lý, không nên phạm.”
Sự đau
của nhà
văn Ngọc Giao đã theo ông về bên kia thế giới. Chuyện bài viết của ông
về Nam
Cao có thể khép lại ở đây. Nhưng vấn đề gợi ra từ đó như tôi đã nói là
một vấn
đề tư duy thì còn để chúng ta suy nghĩ được nhiều. Tôi chỉ tiếc là sau
vụ việc
đó nhà văn cảm thấy buồn phiền, đau đớn, cộng với tuổi cao sức yếu,
khiến ông
chán nản không thực hiện được ý định làm cuốn Đốt lò hương cũ II, trong
đó ông
tính viết cả về hai nhà văn, nhà báo ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX là Phan
Văn Hùm và
Bùi Quang Chiêu. Một nguồn tư liệu văn học sử qua ký ức của người trong
cuộc vì
thế cũng đã không được viết ra và lưu giữ. Đó quả cũng là một thiệt
thòi đáng
tiếc cho người đọc và văn giới.
Hà Nội, cuối
tháng 4.2011
Lên trang
viet-studies ngày 6-5-11