Nguyễn Bảo
Hưng
Traduttore,
traditore (châm ngôn Ý)
Sáng
12-8-2011, khi vào trang Thư Viện Sáng Tạo trên máy vi tính tôi cảm
thấy hứng
khởi khi thấy giới thiệu ở ngay dòng đầu : "Người khách lạ (Truyện
ngắn;
Albert Camus; Võ Công Liêm chuyển ngữ)" và định bụng sẽ mở đọc liền.
Hứng
khởi, vì trước tình trạng sinh hoạt văn học Việt Nam hầu như dậm chân
tại chỗ
hiện nay, việc cho quảng bá một tác phẩm có giá trị văn học quốc tế của
một nhà
văn từng được giải thưởng Nobel tôi cho là một việc làm rất hữu ích và
cần thiết.
Thoat đọc cái tựa "Người khách lạ", tôi nghĩ ngay tới nhân vật
Meursault và cuốn "L'Etranger" (1942) của A.Camus. Nhưng chỉ sau mấy
dòng đầu, tôi đã ngỡ ngàng vì không gặp mấy câu văn để đời nói lên thái
độ dửng
dưng, hầu như vô cảm của một đứa con có bà mẹ mới chết (mà tôi đã thuộc
nằm
lòng) : "Aujourd'hui maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais
pas."(Hôm nay mẹ mất. Mà cũng có thể là hôm qua, tôi không biết nữa).
Rồi,
chỉ cần đọc thêm không đầy nửa trang, tôi liền nhận ra đây là bản dịch
truyện
ngắn mang tựa đề " L'hôte " trong tập truyện " L'Exil et le
Royaume " (1957). Tiếp tục đọc tới dòng cuối tôi mới biết người dịch đã
không dựa trên nguyên tác, mà dịch lại theo một văn bản đã được dịch từ
tiếng
Pháp ra tiếng Anh. Rút kinh nghiệm những lần gặp phải một số bản dịch
không được
dịch từ nguyên tác, mà lại dựa trên bản dịch lại bằng một ngôn ngữ
khác, tôi vội
đem đối chiếu bản dịch tiếng Việt với nguyên tác " L'hôte " của Camus
trong tập " L'Exil et le Royaume " sẵn có. Và tôi đã phải thất vọng với
những mong muốn hứng khởi ban đầu.
Thất vọng,
vì bản dịch có quá nhiều đoạn lệch lạc không nói lên được nội dung tư
tưởng của
Camus và cho thấy văn phong tài hoa của ông trong cách chọn từ, sử dụng
câu chữ.
Thất vọng, vì một bản dịch như vậy không giúp ích cho độc giả muốn giao
tiếp với
văn học nước ngoài để mở rộng tầm nhìn, nâng cao nhận thức và trình độ
thưởng
ngoạn của mình. Xin nói rõ tôi không hề có ý chỉ trích, bài bác cốt để
gây
tranh luận ồn ào vô bổ. Tôi cũng không hề có ý phê phán hay chê bai
việc làm của
ông Võ Công Liêm. Nếu bản dịch của ông có những sai sót, lệch lạc, rất
có thể
những sai lệch đó bắt nguồn từ bản dịch ra tiếng Anh mà ông sử dụng.
Còn tôi, nếu
có đưa ra một vài nhận xét như trên thì cũng không ngoài mục đích xây
dựng đóng
góp để biến việc làm dịch thuật và giới thiệu văn học nước ngoài thành
một công
tác văn hóa mà thôi. Để có cơ sở kiểm chứng và thảo luận nghiêm túc,
trước hết,
tôi xin lấy ra hai đoạn ngắn của bản dịch, sau đó là hai đoạn nguyên
tác tương
đương mà tôi gắng dịch lại sao cho sát với ý tưởng và phong cách diễn
tả Camus.
Đoạn 1 : Từ
giũa dòng 33 đến dòng 44 của bản dịch.
" ...Hằng
ngày Daru còn phân phát thực phẩm cho lũ trẻ con nghèo mà không có
người chăm
sóc. - " Có lẽ cũng cần đến những bậc cha, anh đến đây mỗi tối để chia
xẻ
miếng ăn với đám trẻ con thì hơn ". Daru nghĩ như thế.
Giờ này ; nạn
đói sẽ không còn tiếp diễn nhờ tàu Pháp tiếp tế lúa mì và thực phẩm tới
đây. Thật
khó quên những ngày tháng gian khổ, mà chiến tranh thì như những bóng
ma, chập
chờn khi xuất khi hiện, gây hư hại không biết bao điều. Mặt đất như
thau lại và
cằn cỗi, sách vở cũng bị đốt cháy nằm chung với đống gạch vụn trải lên
mặt đất.Hàng
trăm gia súc chết mà chẳng mấy ai màng tới. Đứng trước nỗi khổ đó, thầy
giáo
Daru biến mình như kẻ tu hành ở một nơi xa xôi hẻo lánh và cho đó là
niềm vui
trong cuộc sống đầy gian khổ như hôm nay. Đôi khi Daru cảm thấy mình
như một
lãnh chúa, đối diện với bức tường vôi trắng đương đầu với thiếu thốn,
bên cạnh
đó còn phải lo toan những thứ khác kể cả nước uống và thức ăn.
Đột nhiên trời
đổ tuyết, không dự báo, mong có mưa mà mưa không tới. Vùng đất này là
thế đó !
nhiều khi thấy thật là tàn nhẫn, ngay cả những người ở đây cũng thờ ơ,
lãnh đạm.
Nhưng Daru đã sinh và lớn lên ở đây hay bất cứ nơi đâu. Daru cảm thấy
mình như
kẻ bị lưu đày.
Và sau đây
là trích đoạn theo nguyên tác :
" ...
Chaque jour, Daru distribuait une ration aux petits. Elle leur avait
manqué, il
le savait bien, pendant ces mauvais jours. Peut-être un des pères ou
des grands
frères viendrait ce soir et il pourrait les ravitailler en grains. Il
fallait
faire la soudure avec la prochaine récolte, voilà tout. Des navires de
blé
arrivaient maintenant de France, le plus dur était passé. Mais il
serait
difficile d'oublier cette mísère, cette armée de fantômes haillonneux
errant dans
le soleil, les plateaux calcinés mois après mois, la terre
recroquevillée peu à
peu, littéralement torrérifiée, chaque pierre éclatant en poussière
sous le
pied. Les moutons mouraient alors par milliers, et quelques hommes, çà
et là,
sans qu'on puisse toujours le savoir.
Devant cette
mísère, lui qui vivait en moine dans cette école perdue, content
d'ailleurs du
peu qu'il avait, et de cette vie rude, s'était senti un seigneur, avec
ses murs
crépis, son divan étroit, ses étagères de bois blanc, son puits et son
ravitaillement hebdomadaire en eau et en nourriture. Et, tout d'un
coup, cette
neige, sans avertissement, sans la détente de la pluie. Le pays était
ainsi,
cruel à vivre, même sans les hommes, qui, pourtant n'arrangeaient rien.
Mais
Daru y était né. Partout ailleurs, il se sentait exilé.
A. CAMUS,
(L'Exil et le Royaume , L'hôte.- Coll. Folio - Edition Gallimard 1957,
p. 83).
Chỉ cần đối
chiếu bất cứ câu văn nào của bài dịch với nguyên tác, ta cũng cảm thấy
người dịch
tỏ ra dịch rất tùy tiện, dịch phóng tác (hay dịch sáng tạo ?).
Riêng với
những đoạn như : "Thật khó quên những ngày tháng gian khổ, mà chiến
tranh
thì chập chờn như những bóng ma, khi xuất khi hiện, gây hư hại không
biết bao
điều. ", " ... sách vở cũng bị đốt cháy nằm chung với đống gạch vụn
trải lên mặt đất... "..., thành thực mà nói, nếu Camus biết được, chắc
ông
sẽ phải đội mồ thức dậy, dụi mắt bóp trán tự hỏi không biết mấy câu văn
này
mình viết ra hồi nào nhỉ? Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần nguyên tác ở
đoạn này
và không hề thấy có chỗ nào Camus nói tới chiến tranh hay đốt sách vở
cả. Rất
có thể tác giả mấy câu dịch này, vì thấy mấy chữ cette armée de
fantômes hoặc
littéralement torérifiée mà suy ra như vậy. Nhưng chữ armée ở đây chỉ
có nghĩa
đông đảo như một đoàn quân, còn littéralement là đúng theo nghĩa từ
vựng hay
nghĩa đen mà thôi. Giả dụ tôi muốn dịch đoạn văn này theo nguyên tác,
tôi xin
phép được tạm dịch ra như sau :
" Mỗi
ngày, Daru phân phát một khẩu phần cho bọn nhỏ. Ông biết rằng chúng
không có được
khẩu phần đó gặp những ngày của thời buổi khó khăn này. Có thể một ông
bố hay một
người anh lớn nào đó sẽ tới chiều nay và ông có thể tiếp tế cho bọn nhỏ
bằng hạt
lúa mi. Phải làm sao cầm cự được cho tới mùa gặt tới, có vậy thôi. Giờ
đã có những
chuyến tàu chở lúa mì từ Pháp tới. Coi như trở ngại lớn nhất đã vượt
qua. Nhưng
khó mà quên được cảnh đói khổ này, những đoàn người rách rưới lang
thang như những
bóng ma dưới ánh mặt trời, những bình nguyên thiêu bỏng hết tháng này
qua tháng
khác, mặt đất thì bị rang cháy mỗi lúc như co thắt lại, mỗi viên đá tan
ra
thành bụi dưới bước chân. Bày cừu thì chết cả ngàn con, và rải rác đó
đây, cũng
có vài người chết mà chẳng ai hay biết.
Trước cảnh
cơ cực này, vốn quen sống như một thầy tu trong ngôi trường hẻo lánh,
vả lại đã
bằng lòng với cái ít oi và đới sống khắc khổ này, ông cảm thấy mình
sống như
lãnh chúa với những bức tường trét vôi, tấm phản hẹp, một vài cái kệ
bằng gỗ trắng,
cái giếng nước, cùng với thực phẩm và nước hàng tuần tiếp tế đều
đều.Thế rồi,
khi không, tuyêt ào ào đổ xuông, chẳng báo trước mà cũng chẳng chờ đợi
một cơn
mưa dọn đường. Cái xứ này vậy đó, đời sống nghiệt ngã làm sao, ngay cả
khi chẳng
có con người, và, dù cho có họ, thì cũng chẳng đem lại dàn xếp nào.
Nhưng Daru
đã sinh ra tại đây. Ở bất kỳ nơi nào khác, ông đều cảm thấy mình là kẻ
lưu đày.
Ở trích đoạn
trên, ta nên chú ý tới cách sử dụng chọn lọc một số từ ngữ đặc biệt, có
thể nói
mới lạ, gợi hình cụ thể, gây ấn tượng mạnh mẽ như : faire la soudure
(nghĩa đen
là hàn sì), la terre recroquevillée, torrérifiée. Ngoài ra ta cũng cần
ghi nhớ
hai câu chót : Chúng nằm trong số một vài câu chủ chốt giúp ta nắm được
nội
dung tư tưởng Camus. Nhưng có lẽ ta cũng cần biết sơ qua nội dung
truyện ngắn
này : Daru là một dân Pháp chính gốc nhưng sinh trưởng tại Algérie, như
Camus.
Ông ta được bổ nhiệm làm giáo viên duy nhất cho ngôi trường làng tại
một vùng
cao nguyên sa mạc hẻo lánh trắc trở. Thời đó, Algérie còn trong tình
trạng lạc
hậu chậm tiến nên trường sở còn được sử dụng làm nơi dự trữ thực phẩm,
và Daru
kiêm nhiệm chức quản kho và phân phối thực phẩm cho học trò. Còn
Algérie, tuy vẫn
là thuộc địa của Pháp, nhưng đã manh nha một phong trào nổi dậy. Câu
chuyện xảy
ra vào lúc nhà trường phải đóng cửa vì tuyêt rơi phủ lấp từ mấy ngày
qua, học
sinh không thể đến trường. Bữa đó, Daru thấy hai người tiến về phía
mình : đó
là viên hiến binh già Balducci dẫn dắt một tên Ả Rập phạm tội đâm chết
một nguời
bà con trong một vụ cãi vã. Balducci có trách nhiệm bàn giao phạm nhân
cho
Daru, sau đó phải về ngay nhiệm sở do tình hình an ninh đòi hỏi. Và
Daru có nhiệm
vụ giải can phạm tới nhà tù dưới thành phố cách đó khoảng hai mươi cây
số. Vốn
tôn trọng luật pháp, nhưng sinh ra và lớn lên tại Algérie nên biết rõ
tâm tính
và tập tục của người dân xứ này, Daru không muốn lãnh công việc giải
tù. Nhưng
đó là lệnh hành chánh nên Daru đành miễn cưỡng chấp nhận. Y định bụng
sẽ làm
ngơ để phạm nhân có cơ hội trốn thoát. Sáng hôm sau, Daru dẫn tên Ả Rập
tới một
đỉnh cao, trao cho hắn một gói lương khô với một ngàn quan, rồi chỉ cho
hắn hai
hướng đi đê hắn tùy nghi lựa chọn : một đằng là hướng đông là hướng về
phía nhà
tù ; một dằng là hướng nam là phía sa mạc của dân du mục tức là hướng
của tự do.
Trái với dự đoán của Daru, tên Ả Rập đã chọn hướng đông tức là hướng
của nhà
tù. Khi Daru về đến trường, trên bảng đen thấy ghi một hàng chữ nguệch
ngoạc :
" Ngươi đã giao người anh em ta, ngươi sẽ phải trả nợ. "
Nếu ta đọc
Albert Camus để chỉ cần biết đầu đuôi câu chuyện ra sao, ta có thể đọc
bản dịch
này hay bất cứ bản dịch tầm tầm nào khác cũng được. Nhưng muốn đọc
Camus như là
nhà văn từng được trao tặng giải thưởng văn học Nobel, thì ta cần có
những bản
dịch chăm sóc hơn, chú ý tới từng câu chữ ông sử dụng. Bởi vì văn
chương Camus
không phải là văn chương truyện kể, mà thuộc loại văn chương hàm xúc ẩn
dụ và
ngôn ngữ ông là thứ ngôn ngữ đa tầng đa nghĩa. Ta có thể tìm thấy các
đặc tính
này của văn chương ông ngay trong câu chuyện đầu tiên mang tựa đề " La
femme adultère " trong tập " L'Exil et le Royaume " (sdd. tr. 11
- 34) : Janine, vợ của một thương gia buôn vải, vẫn quen sống tại Pháp.
Để thay
đổi không khí, lần đầu tiên nàng theo chồng sang Algérie trong một
chuyến đi
chào hàng. Nhưng suốt cuộc hành trình, và ngay cả khi dừng nghi ở khách
sạn,
Janine vẫn gặp lại cái không khí ngột ngạt, nhàm chán của cuộc sống đơn
điệu
thường ngày. Ngoại trừ cái nhìn chăm chăm của người lính Pháp ngồi ở
hàng ghế đối
diện là còn đánh thức được người con gái nơi nàng đôi chút. Đêm đó tại
khách sạn,
trong lúc chồng đang ngủ say, Janine lẻn ra ngoài, chạy về phía pháo
đài nơi chồng
nàng đã dẫn lên hồi chiều. Janine leo lên thượng tầng và nhìn về phía
sa mạc
bao la. Trong bóng đêm bỗng sảng rực muôn vàn ánh sao, và dưới sự mơn
trớn của
làn gió mát như đến từ khoảng không gian bao la vô tận, Janine thấy
mình như được
thoát ly và cảm thấy toàn thân tràn ngập một hoan lạc đê mê như vừa
được thỏa
mãn mây mưa với người tình trong mộng. Sau đó, trở về phòng, Janine ôm
mặt khóc
nức nở vì hạnh phúc chợt bắt gặp trước cặp mắt ngơ ngác của ông chồng
vừa thức
giấc.
Người đọc từng
làm quen với loại ái tình tiểu thuyết của bà Tùng Long hay Quỳnh Dao
chắc không
tránh khỏi bỡ ngỡ vì chờ mãi mà chẳng thấy hành vi dan díu nào của
Janine cả.
Thực ra Janine không hề phản bội chồng. Nếu nàng có mang mặc cảm ngoại
tình
cũng chỉ vì nàng đã tìm ra được hạnh phúc trong giây phút thoát ly và
sống giao
cảm với thiên nhiên, cái hạnh phúc đầy cảm xúc hoan lạc ái ân mà người
chồng đã
không đem lại cho nàng. Cái thông điệp mà Camus muốn gửi đến chúng ta
qua câu
chuyện này, cũng như các câu chuyện khác trong toàn tập là thế : Nếu
khung cảnh
cuộc sống hàng ngày là nhàm chán, vô nghĩa, vô vị và cho ta cảm giác
của một chốn
lưu đày, thì bên trong nó hay bên trên nó vẫn có một miền đất lạ chan
hòa hạnh
phúc để ta tìm ra một vương quốc hay một quê hương.
Trở về với
câu chuyện " L'hôte ", đối tượng của bài viết này. Cũng như từ
adultère trong " La femme adultère ", Camus đã chọn từ hôte đa tầng
đa nghĩa đê làm tựa cho một câu chuyện cũng mang ý nghĩa ản dụ. Theo từ
điển
Pháp từ hôte, trước hết, có nghĩa là khách mời hay khách trọ, và nghĩa
này là để
dành cho can phạm Ả Rập. Nhưng từ hôte còn có thể áp dụng cho thầy giáo
Daru vì
từ hôte cũng có nghĩa là chủ nhà hay chủ trọ. Và nghĩa này không chỉ
đúng với
Daru như là chủ ngôi trường nhiệm sở, mà còn đúng cả với Daru như là
chủ của
vùng đất mà, mặc dù điều kiện thời tiết và sinh sống khắc nghiệt, ông
vẫn muốn
chọn làm quê hương. (coi hai câu chót của phần trích dăn trên: Mais
Daru y
était né. Partout ailleurs, il se sentait exilé.) Nhưng nếu ta đi tới
đoạn cuối
câu chuyện, ta sẽ thấy từ hôte cũng có thể dành cho Daru theo nghĩa
khách mời
hay khách trọ, bởi vì ngay trên mảnh đất ông muốn chọn làm quê hương,
ông bỗng
cảm thấy lạc lõng cô đơn như không còn là một chốn quê nhà, như trong
đoạn cuối
câu chuyện tôi xin trích lại dưới đây :
Trước hết,
theo bản dịch trên Thư Viện Sáng Tạo :
" Lên lớp
hôm nay ; đứng trước bục giảng. Sau lưng thầy Daru là tấm bảng đen vẽ
mấy nhánh
sông của đất nước Pháp, chảy ngoằn nghèo, ông run rẩy viết lên hàng chữ
đề tặng
: " Hãy trở lại với người anh em mình mà anh sẽ được trả ơn ". Thầy
giáo Daru nhìn cảnh trời, vùng đất cao nguyên xa lạ và bờ biển cuối
chân trời.
Trong cảnh hoang sơ này thầy đã thấy và yêu nhiều thứ hơn bao giờ. Mặc
dù sống
cô đơn ở đây. "
Và sau đây
là đoạn chót theo nguyên tác, mà tôi cố gắng dịch lại sao cho sát ý và
phản ánh
trung thực tư tưởng Camus :
"Un peu
plus tard, planté devant la fenêtre de la salle de classe,
l'instituteur
regardait sans la voir la jeune lumière bondir des hauteurs du ciel sur
toute
la surface du plateau. Derrière lui, sur le tableau noir, entre les
méandres
des fleuves français s'étalait, tracée à la craie par une main
malhabile, l'ínscription
qu'il venait de lire : " Tu as livré notre frère. Tu paieras. " Daru
regardait le ciel, le plateau et, au-delà, les terres invisibles qui
s'étendaientt jusqu'à la mer. Dans ce vaste pays qu'il avait tant aimé,
il
était seul. " (Sdd. tr.99)
(Ít lâu sau,
đứng không nhúc nhích trước cửa sổ phòng học, người giáo viên ngó bằng
cặp mắt
vô hồn ánh sáng vàng tươi từ lưng trời ùa xuống tràn ngập khắp vùng cao
nguyên.
Sau lưng ông, trên tấm bảng đen, giữa các hình vẽ mấy con sông Pháp
chảy ngoằn
nghèo, hiện lên hàng chữ viết bằng phấn bởi một bàn tay vụng về ông vừa
đọc :
" Ngươi đã bán người anh em ta, ngươi sẽ phải đền tội. " Daru đưa mắt
nhìn trời, vùng cao nguyên và, đằng sau kia, những giải đất vượt khỏi
tầm nhìn
chạy dài ra tới biển. Trên xứ sở bao la này ông từng gắn bó, ông cảm
thấy cô
đơn.)
Trở về với đề
tài bài viết này, và cũng nhằm giải tỏa cho thắc mắc của tôi qua cái
tụa mang
hình thức nghi vấn : " Dịch là phản ? ", ta hãy đối chiếu phần chót của
bản dịch với đoạn chót của nguyên tác tôi vừa trich dẫn ở trên. Chỉ cần
đọc một
số chữ như : " Lên lớp hôm nay ; đứng trước bục giảng "( ? ), hoặc
... " ông run rẩy viết lên hàng chữ đề tặng : "Hãy trở lại với người
anh em mình mà anh sẽ được trả ơn. "( ???), cũng đủ cho thấy người dịch
đã
dịch phóng túng với óc tưởng tượng phong phú như thế nào. Nhưng điều
này cũng
không tai hại bằng việc câu cuối cùng "Dans ce vaste pays qu'il avait
tant
aimé, il était seul. " lại được dịch đổi ra thành " Trong cảnh hoang
sơ này thầy đã thấy và yêu nhiều thứ hơn bao giờ hết. Mặc dù sống cô
đơn ở đây.
" Tai hại, vì nhưng lời dịch như vậy sẽ để lại cho người đọc cảm giác
là
câu chuyện dẫu sao cũng có một " happy end ", và mọi chuyện rồi sẽ
dàn xếp ổn thỏa. Vậy là huề cả làng. Vậy là tối lửa tắt đèn, trắng cũng
như đen.
Vậy là truyện của Camus cũng xêm xêm như những câu chuyện kể ta có thể
đọc được
trên các trang báo, trang mạng hàng ngày trong tinh thần giải trí văn
nghệ. Tai
hại là thế, bởi vì một bản dịch như vậy không giúp cho người đọc phát
hiện ra
ra được Albert Camus, giải thưởng văn học Nobel, và cái ý thức về thân
phận phi
lý con người, tư tưởng cốt lõi của toàn bộ các tác phẩm của ông.
Như đã trình
bày ở trên, văn chương Camus thuộc loại văn chương ẩn dụ. Cái hay, cái
đặc sắc
trong các tác phẩm của Camus không chỉ có nằm trong lời lẽ kể truyện
hay các sự
kiện gây cấn, ngoạn mục được nêu ra. Cái làm nên giá trị văn học nghệ
thuật của
ông chính là cái nội dung tư tưởng, cái ý nghĩa thông điệp trong mỗi
tác phẩm
được dùng làm phương tiện chuyển tải. Trong câu chuyện " L'hôte "
cũng vậy. Số phận của ông thầy Daru rồi sẽ sao ? Liệu ông còn được sống
yên ổn
với ngôi trường ông gắn bó hay không ? Điều này với Camus không quan
trọng. Bận
tâm của ông là nói lên diễn biến nội tâm của Daru phản ánh thân phận
phi lý bi đát
con người. Diễn biến tâm lý đó của Daru, chỉ cần đọc lại phần tóm lược
câu chuyện
và hai đoạn văn tôi đã trích ở trên là thấy được.
Về đoạn một,
ta có thể coi như phần giới thiệu nhân vật chính và khung cảnh địa lý,
xã hội của
câu chuyện. Ở đoạn này ta thấy, mặc dù điều kiện đất đai, thời tiết
khắc nghiệt,
nhưng ở cương vị một giáo viên, và do cùng chung hoàn cảnh sống với các
em học
sinh cùng phụ huynh của chúng, nên ông cảm thấy gắn bó với chốn này,
coi nó như
là quê hương. (Mais Daru y était né. Partout ailleurs, il se sentait
exilé.)
Ở đoạn hai,
dáng đứng trầm ngâm ưu tư của Daru trước cửa sổ sau khi đã đọc hàng chữ
đe dọa
trên bảng đen, cho thấy ông đang phải sống một bi kịch vì mới phát hiện
ra thân
phận phi lý con người. (Dans ce vaste pays qu'il avait tant aimé, il
était
seul.) Trong câu chuyện này, tính phi lý không phải do thiên nhiên,
không phải
do điều kiện địa lý, thời tiết thù nghịch ; mà là do sự ngộ nhận, do
những bức
tường thù hận do chính con người dựng lên để ngăn cách nhau. Đó là một
trong những
ý thức về phi lý mà Camus muốn nói lên qua câu chuyện này, và cũng là
cái ý thức
bàng bạc trong hầu hết các tác phẩm của ông.
Việt Nam,
sau một thời gian bước vào giai đoạn đổi mới và mở cửa, đã thực hiện
được những
tiến bộ khá ngoạn mục trên một số lãnh vực, đăc biệt là về mục phô
trương đời sống
xa hoa và đua đòi hưởng thụ. Về mặt này có thể nói là không thua kém
ai, có khi
còn hơn nữa là đằng khác. Nhưng về lãnh vực văn hóa và sáng tạo, theo
nhận xét
có thể là chủ quan và thiển cận của tôi, dường như chưa có thực hiện
nào đáng kể
( ngoại trừ một số sản phẩm, nhưng có vẻ là hàng nhái nhiều hơn). Trong
khung cảnh
ấy, mọi nỗ lực nhằm phổ biến và giới thiệu các tác phẩm văn học quốc tế
có giá
trị là việc làm tôi cho là hữu ích và cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng
đó là
công việc đòi hỏi ở người thực hiện nhiều đam mê và tinh thần trách
nhiệm. Có
thế mới mong biến việc làm dịch thuật và quảng bá văn học nước ngoài
thành một
công tác văn hóa được. Đó là cũng là mục tiêu tìm kiếm duy nhất của bài
viết
này.
NGUYỄN BẢO
HƯNG
Cergy
24-8-2011