Sao Khuê
Tưởng Năng Tiến
Phong trần
mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo, túi
cơm
xá gì.
Kiều
“Một ngày phiên chợ u tôi mua
về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như
vừa mới
lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân và kêu chim chíp bằng
một giọng
thảm thương, ai oán!”
Đó là một đoạn văn ngắn,
trong tập truyện O Chuột, của Tô Hoài mà tôi đã được cô giáo đọc cho
nghe - khi
còn thơ ấu. Tôi tin rằng mình vừa ghi lại đúng nguyên văn, nếu không
hoàn toàn
đúng thì chắc cũng gần đúng (y) như thế. Sao tôi cứ thương mãi đôi gà
nhỏ côi
cút đó, và có cảm tình hoài với tác giả của đoạn văn dẫn thượng.
Tô Hoài (chắc chắn) sẽ rất
sướng, khi biết có một người đọc đã nhớ nằm lòng - suốt đời - những
điều mình
viết. Và ông ấy sẽ bớt sướng, nếu biết thêm rằng tôi chưa bao giờ đọc
thêm một
dòng chữ nào khác nữa của Tô Hoài.
Tôi sinh trưởng ở miền Nam nơi mà trẻ con không đeo khăn quàng đỏ,
không thi đua
lập chiến công, cũng không có kế hoạch (lớn - nhỏ) nào phải hoàn thành.
Chúng
tôi chỉ có việc học với chơi, và chơi mới là chuyện chính. Tôi mải chơi
quá nên
không rảnh để đọc Tô Hoài, hoặc bất cứ ai.
Sau khi cuộc chiến Bắc - Nam chấm dứt, tôi có ghé vào những tiệm sách
quốc doanh
nhiều lần nhưng quên bẵng Tô Hoài. Như bao nhiêu người dân miền Nam
khác- sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975 - cuộc đời của tôi (bỗng dưng) hoá ra rất
rảnh, rất
rảnh và rất … đói!
Tác phẩm duy nhất mà tôi tâm
đắc, vào thời điểm đó, là Hồ Chí Minh Toàn Tập. Đây là một cuốn sách
rất dầy,
giấy in rất tốt, giá rất rẻ và rất được những bà hay những cô bán hàng
rong ưa
thích. Họ cần giấy để gói , hoặc để chùi, còn tôi thì cần một phần ăn
nhiều hơn
số tiền túi mình có thể mua. Do đó, dù có đói thảm thiết tôi cũng chả
bao giờ
xà ngay xuống mẹt xôi hay mẹt bánh. Tôi chịu khó đi (lòng vòng) mua
sách, rồi
mới mang đổi lấy thức ăn - cho đỡ khổ cái dạ dầy!
Nói tình ngay, lỡ có thấy
những tác phẩm của Tô Hoài - trong hoàn cảnh ấy - tôi chắc mình cũng
ngó lơ.
Mắt tôi lúc nào cũng chỉ dáo giác, liếc nhìn ra biển, tìm một đường
chui.
Sau khi đã đi hết biển, khác
với nhiều người, tôi quyết định đi luôn - cho nó chắc ăn. Lưu lạc mãi,
có hôm,
tôi tình cờ gặp lại Tô Hoài - trong một tác phẩm phê bình văn học, tựa
là Cây
Bút, Đời Người, của Vương Trí Nhàn, xuất bản năm 2002.
Bây giờ thì tôi đủ tuổi đời,
đủ rảnh (và cũng đủ no) để có thể tìm đọc thêm chút đỉnh về một tác giả
mà mình
đã yêu thích - từ ngày còn bé. Và Tô Hoài nay đã thất tuần.
“Ngay từ năm 1940, khi bắt
tay làm quen với giới sáng tác đương thời, thì đồng thời tác giả Dế mèn
cũng
bước vào hoạt động cách mạng. Lúc đâu ở thời kỳ Mặt trận bình dân, ông
hoạt
động trong cơ sở Hội ái hữu thợ dệt Hà Đông. Sau đó lại được tổ chức
Đảng ở Hà
Nội bắt liên lạc để hình thành nên lực lượng Văn hoá cứu quốc.”
“Tiếp đó, từ sau 1945, những
hoạt động xã hội của nhà văn ngày một đa dạng. Triển khai theo chiều
rộng, có
lúc ông trở thành cán bộ địa phương, có thời gian đi cải cách ruộng
đất, đi học
trường Đảng, nhiều năm làm đối ngoại nhân dân, đồng thời vẫn giữ chân
trưởng
ban đại biểu dân phố (1956-1972) ở cơ quan văn nghệ trên Trung ương hay
ở Hà
Nội, hầu như từ năm 1946 tới nay, khoá nào ông cũng được bầu làm bí thư
chi bộ,
đảng bộ.”
“Mặt khác, ngay trong giới
cầm bút, ông cũng luôn luôn có hoạt động xã hội của mình, khi là Phó
Tổng thư
ký Hội Nhà Văn, khi chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, từ đó đẻ ra cơ man
nào là đầu
việc, là họp hành, mà người ta gọi chung là ông tác” (sđd 264).
Tiểu sử Tô Hoài (như thế) có
vẻ lung tung lang tang, ngổn ngang cả đống chức vụ, nhưng không để lại
một ấn
tượng đậm nét nào về đời người và cây bút của ông. Tô Hoài như luôn bị
nhấn
chìm vào những đoàn đội hay đoàn thể (vớ vẩn) gì đó, “với cơ man nào là
đầu
việc”. Toàn là những công việc chán ngán và nhạt nhẽo, tôi đoán thế.
Tôi lầm. Được thế thì đã
phúc.
Cuộc đời của Tô Hoài chán
ngán (hẳn) có thừa nhưng nhạt nhẽo thì chưa chắc, và đắng chát với tủi
nhục
(xem ra) không thiếu - nếu vẫn theo như ghi nhận của nhà phê bình văn
học Vuơng
Trí Nhàn:
“…. bao nhiêu từng trải, như
còn in dấu vào cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh
cái
nhũn nhặn lảng tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn
mặt, phải
chịu trận, nói chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải
đầu hàng
thì đó cũng là bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và
sau hết,
để được viết”.
“Ấy là cái điều không chỉ Tô
Hoài biết mà nhiều người cũng biết…”
Đại khái có thể hình dung như
cái cảnh đứa bé bị qùy, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi
người
đùa bỡn. Xá gì chuyện này, qùy cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy”
(sđd
266).
Dù chỉ là một thường dân (chứ
chả phải nhà văn hay nhà báo gì ráo) tôi cũng muốn ứa nước mắt xót xa
cho “cây
bút” và “đời người” của Tô Hoài, khi biết rằng - đôi lúc - ông vẫn phải
qùy như
thế. Tôi còn e rằng Vuơng Trí Nhàn chỉ khéo miệng mà nói thế (để đỡ tủi
cho
nhau) chứ chuyện “đùa bỡn” và “tha hồ tung tẩy” dễ gì tìm được trong
“đời
người” và “cây bút” của Tô Hoài!
Đến như Nguyễn Tuân - dù vốn
tính bất tuân - khi phải mặc đồng phục, trông cũng rúm ró và thảm hại
chả kém
gì cái hình ảnh Tô Hoài phải chịu qùi:
"Từ sau 1945, với thiên
lương và tinh thần yêu nước sẵn có, Nguyễn Tuân lại nhanh chóng phục
thiện, để
đứng vào hàng ngũ Cách mạng. Con người chủ yếu ở ông, từ nay, là con
người cán
bộ, con người chiến sĩ, nghĩa là thành viên của một tập thể có kỷ luật,
tập thể
ấy phấn đấu cho một lý tuởng nhất định, nên mỗi thành viên trong đó
phải làm
tất cả để đóng góp cho sự nghiệp chung" (sđd 215).
Cái được mệnh danh là “lý
tưởng nhất định” và “sự nghiệp chung” đó là những thứ (thổ tả) gì vậy,
hả Giời?
Dù là gì đi nữa, sự “phục
thiện” của Nguyễn Tuân cũng đã đuợc đánh giá cao: “Nguời nặng căn như
thế, mà
đi theo cách mạng, chuyển cũng đã ghê đấy chứ” (sđd 226).
Ghê khỉ gì? Không “chuyển” mà
được à? Và chính Nguyễn Tuân biết rõ điều này hơn bất cứ ai : “Tao mà
còn sống
được đến ngày nay để cầm bút là nhờ tao biết sợ chúng mày ạ” (Xuân Vũ.
Văn Nghệ
Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết. Westminster: Người Việt, 1991).
Mà sợ là phải … giá. Thời
phải thế, thế thời phải thế. Tránh voi chả xấu mặt nào. Mà cỡ voi thì
sức vóc
có ra gì, nếu so với sức mạnh chuyên chính vô sản. Trêu vào chúngï có
mà bỏ mẹ;
không chừng, còn bỏ mạng luôn ấy chứ.
“Sự dã man qủi quyệt mánh lới
và sự bất nhân của họ chưa hề thấy trong lịch sử của loài người”
(Nguyễn Mạnh
Tường. Kẻ Bị Vạ Tuyệt Thông. Paris: Quê Mẹ, 1977). Sĩ khí đến như
Nguyễn Mạnh
Tường mà còn phải rấm rứt khóc thầm (bằng tiếng Pháp) thì xá gì cỡ
Nguyễn Tuân.
Ở vào hoàn cảnh đó, mới hiểu
và thông cảm cho sự cuống cuồng của một người - vốn tính đồng bóng và
yếu bóng
vía - như Xuân Diệu:
“Xuân Diệu sợ chúng tôi say
sưa quá, bốc đồng quá tử vì đạo, rồi không giữ được ngòi bút của mình.
Hơn ai
hết, ông hiểu về những lưỡi gươm Damoclès thường xuyên treo trên đầu
người làm
văn nghệ. Khi nói chuyện này đột nhiên giọng ông đột nhiên nhỏ hẳn đi,
khe khẽ
thì thào. Rồi ông lắc đầu, ông le lưỡi, ý bảo rằng sợ lắm, mà cỡ các
cậu thì
càng phải nên biết sợ ngay thì vừa, nên nhớ là sau có hối cũng không
kịp nữa”
(Vương T.N. 295).
Xuân Diệu đã chết. Cái cung
cách và thái độ “đột nhiên giọng nhỏ hẳn đi”, “khe khẽ thì thào”, “lắc
đầu”,
“le lưõi” cũng … chết luôn. Thế hệ của những người cầm bút kế tiếp,
không có vẻ
gì là hào hứng và chịu tiếp nhận sự khiếp đảm mà Xuân Diệu muốn truyền
đạt cho
họ.
Họ không mấy khi “say sưa
quá” hay “bốc đồng quá”, như Xuân Diệu lo sợ. Không ai “tử vì đạo”, như
Nguyễn
Chí Thiện hay Phùng Cung. Cũng không ai chịu chơi tới cỡ “không làm
nhà” vì
“mắc làm người”, như kiểu Hữu Loan. Và hãi sợ thì cũng không luôn.
Những tác phẩm văn học đột
ngột xuất hiện và được nhiệt liệt đón nhận, vào thời kỳ cởi trói, không
phải là
những sáng tác qua đêm. Đó đều là những “nỗi đau” đã đượcï ấp ủ và
“chưng cất”
- theo như cách nói của thi sĩ Dương Tường
(http://www.talawas.org/tranhluan/tl329.html).
Đến khi những kẻ nắm quyền
đổi ý, muốn trói cả đám trở lại y như cũ, nhiều người đã không chịu đưa
tay ra
nữa. Trong cuộc Hành Trình Cuối Đông năm 1988, Bùi Minh Quốc và Tiêu
Dao Bảo Cự
đã thu thập được 118 chữ ký - của giới văn nghệ ở các địa phương - đòi
được
quyền tự do báo chí và xuất bản.
Không trói được tay thì họ
xoay ra cột chân, biến một số tư thất thành lao thất, bằng nghị định
31/CP. Nó
ngang nhiên cho phép quản chế hành chánh, không cần xét xử, những người
có
“hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến an ninh quốc gia, nhưng chưa
đến mức
truy cứu trách nhiệm hình sự”. Nạn nhân sẽ bị quản thúc, công an đến
gác nhà,
điện thoại bị cắt, ngăn cấm mọi sự tiếp xúc…
Cái xiềng 31/CP đã giam được
Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu … nhưng không lọt chân ông
Trần Khuê.
Ông ấy, rõ ràng, quá khổ. Đã (hơi) quá khổ mà còn quá quắt nữa. Trần
Khuê đòi
đổi tên Nước, tên Đảng, đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp, đòi Trường Chinh
phải xin
lỗi ông Kim Ngọc (bí thư tỉnh ủy Vĩng Phú, tác giả của Khoán 10), đòi
Tố Hữu
phải xin lỗi những văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân Văn, đòi Lê Đức Thọ phải
xin lỗi
những người trong “vụ án xét lại”, đòi lập Hội Chống Tham Nhũng … Nói
tóm lại
là Trần Khuê không để cho bất - cứ - cái - gì và bất - cứ - ai được nằm
yên, kể
cả những người đã khuất:
“Chúng ta đề nghị Tổng cục
thống kê và Bộ tài chính thử tính sổ xem 30 năm qua ta đã tiêu tốn vào
lăng
Người tổng số là bao nhiêu tiền của… Và thử xem riêng ngân sách dụ chi
cho năm
2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho một ngàn xã hãy còn
tắng về
giáo dục ở miền cao. Có thể xây bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi …
Có thể
xây bao căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn, không nơi nương
tựa. Có thê
xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo …” (Trần
Khuê -
Nguyễn Thị Thanh Xuân *, Đối Thoại Năm 2000).
Đến cỡ như bác Hồ (dù đã mồ
yên mả đẹp) mà Trần Khuê còn không tha thì có ai khác mà không bị … làm
phiền.
Mọi kẻ có chức quyền, từ Tổng Bí Thư trở xuống (kể cả ông TBT Giang
Trạch Dân
của nuớc bạn Trung Hoa vĩ đại) đều bị Trần Khuê mang ra hỏi tội và chửi
mắng
xối xả vì sự ngu dốt, cũng như tội gian tham - của từng người một!
Sự xuất hiện đột ngột và dũng
cảm của ông Trần Khuê khiến tôi vô cùng cảm khái.
Như đã thưa, tôi sinh trưởng
ở miền Nam. Trong thời gian đất nước chia cắt, tôi đã hụt mất phần văn
học xã
hội chủ nghĩa của miền Bắc. Khi đất nước thống nhất “Nam - Bắc hoà lời
ca”, tôi
“ca” không nổi nên đã bỏ chạy.
Ở nước ngoài, khi có dịp tìm
hiểu văn học cách mạng, tôi khám phá ra rằng văn nghệ sĩ và trí thức
miền Bắc
(phần lớn) đều xếp hàng, mặc đồng phục và chịu qùi gối trong thời
chiến. Đến
thời bình, họ vẫn tiếp tục sống với những cảnh đời hoàn toàn “không như
ý
muốn”, với niềm an ủi rằng “trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được
sống
được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi” (Vương
T. N.
209).
Vậy mà nói “được” sao, mấy
cha? Chớ bộ hai cuộc chiến tranh “dành độc lập” và “giải phóng đất
nước” vừa
rồi (với biết bao nhiêu là máu xương, tang thương, đổ vỡ) kể như là đồ
bỏ hả?
Sự thoả hiệp dễ dãi đến độ thê thảm như thế, của cả một giới người,
trước cường
quyền và bạo lực, rõ ràng, là điều (vô cùng) tủi nhục.
Ông Trần Khuê đã “tạm chữa”
được cái nhục đó. Nếu đã có một thời mà “những lưỡi gươm Damoclès
thường xuyên
treo trên đầu người làm văn nghệ” thì cũng đã có lúc ngòi bút sắc như
gươm của
Trần Khuê đã thường xuyên treo trên đầu của giới cầm quyền ở Việt Nam.
Và sự “nhịn nhục” của nhà
đương cuộc Hà Nội trước thái độ cương trực của Trần Khuê, cũng như của
Phạm Quế
Dương, khiến tôi nhớ lại một câu thơ - đã đọc được đâu đó - của Văn
Cao:
"Con ơi, gió đã chuyển". Yes, it does.
[Nguồn:
SOV]
|