Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách
|
Đỗ Long Vân: Vô Kỵ giữa
chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung.
“Hiện tượng Kim Dung như thế nào? Nó
có nghĩa gì giữa cảnh
tai biến của chúng ta và tại sao lại có thể xẩy ra? Ấy là những nghi
vấn mà cố
gắng của bài này là tìm ra một đáp thuyết”.
I
Rất có thể người ta
sẽ ngạc nhiên. Nhưng một trong những sự
kiện đáng lưu ý nhất của văn học miền Nam trên mười năm nay là cái
phong trào
võ hiệp mà, cứ khi nào hết chuyện nói, người ta lại mang ra lên án như
là
nguyên nhân của sự suy đồi của xã hội. Nó đã bùng lên đột ngột và ồn ào
để xâm
lấn chớp nhoáng những giới thật khác nhau. Những lý do của phong trào
ấy có
nhiều. Có những lý do thường trực như nhu cầu giải trí, sự cám dỗ của
những cái
khác thường, tiếng gọi của phiêu lưu. Lại có những lý do thời cuộc: sự
bế tắc
của tình thế xô người ta trốn thực tại trong một thế giới hoang đường.
Ngoài
những lý do tự nhiên ấy còn phải kể đến một chiến dịch cổ động truyền
khẩu cũng
như trên mặt báo. Thời đại của kế hoạch. Không có gì người ta có thể
tin là tự
nhiên và bộc phát. Ai tuy nhiên đã gây nên phong trào ấy và với mục
tiêu nào?
Nghi vấn ấy người đời sau sẽ giải quyết. Có điều là cái phong trào ấy,
dù ai có
chủ ý gây nên chăng nữa, cũng không thể nào lên tới mức độ như người ta
đã
thấy, nếu những truyện kiếm hiệp được tung ra đã không diễn tả gì tâm
trạng của
người đương thời. Và chứng cớ là trong phong trào ấy, không phải truyện
võ hiệp
nào người ta cũng chạy theo mà người ta chỉ chịu, chỉ chuộng, chỉ mê
thứ truyện
là truyện của Kim Dung. Cho đến nỗi những ai từng để ý tới những tương
quan
giữa văn học và xã hội không thể không coi chúng như một hiện tượng của
thời đại.
Hiện tượng Kim Dung như thế nào? Nó có nghĩa gì giữa cảnh tai biến của
chúng ta
và tại sao lại có thể xẩy ra? Ấy là những nghi vấn mà cố gắng của bài
này là
tìm ra một đáp thuyết.
Thường thì ai cũng công nhận rằng
truyện Kim Dung “hay” hơn
những truyện võ hiệp cổ điển. Và để minh chứng cho thiên kiến ấy, người
ta đã
viện ra nhiều lý do: nào là tâm lý phức tạp, tình tiết éo le, truyện kể
hồi
hộp; nào là thiện và ác không còn minh định một cách ngây ngô như xưa
nữa, trái
lại, người ta không còn biết ai phải và ai trái, ai giỏi võ hơn ai, và
ai sẽ
thắng…. Những lý do ấy tuy nhiên, xét cho cùng, không diễn tả gì hơn là
tâm sự
của người đọc. Không phải thời nào người ta cũng tìm trong những truyện
kể cái
hồi hộp, sự phức tạp tâm lý và những xung đột khả nghi không biết ai
phải và ai
trái. Ấy là những đặc tính giờ làm người ta đam mê. Sự đam mê ấy nói
lên rằng
lòng người đã thay đổi. Nó không còn có nghĩa là người ta đã tìm ra
những tiêu
chuẩn khách quan của một cái “hay” muôn thuở. Truyện Kim Dung không hay
hơn
những truyện võ hiệp xưa. Chúng khác hẳn. Tại chúng đáp lại những nhu
cầu tâm
lý khác. Và công của Kim Dung không phải là đã cải thiện nghệ thuật
viết truyện
võ hiệp. Ông đã sáng tác ra một kiểu truyện võ hiệp mới.
II.
Quan niệm võ học.
1. Trong truyền thống
hoang đường.
Cái ấy có lẽ người ta
không ngờ rằng nó đã bắt đầu ngay
trong quan niệm võ học. Ai cũng biết là từ Kim Dung mới thịnh vượng
những
chuyện chưởng và nội lực. Chưởng pháp dựa vào sức của bàn tay, như một
biến thể
của quyền thuật, thật ra không có gì lạ. Nhưng khi lòng bàn tay người
ta có thể
vận ra những luồng khí giết người, thời cái hoang đường nghĩ lại cũng
chẳng
khác gì những truyện kiếm quang. Táo bạo đầu tiên của Kim Dung là đã
nối lại
một truyền thống hoang đường mà truyện võ hiệp có thời đã bỏ dở. Ấy là
thời
được tung ra những truyện võ hiệp được gọi là đứng đắn. Trong những
truyện ấy
người ta cam đoan rằng những thế võ được sử dụng đều là võ thực, nghĩa
là đều
có tên trong những sách chân truyền, và, sợ thế cũng chưa đủ, người ta
lại kèm
theo những họa đồ trình bầy động tác của từng thế một. Những độc giả
thực tế và
nghiêm trang được yên tâm là đã không mất tiền và thì giờ một cách vô
ích. Hơn
thế nữa, họ lại có dịp khoe rằng đã tiếp xúc một cách ích lợi với võ
học chính
tông. Nhưng ai đọc truyện võ hiệp để học võ bao giờ? Võ học trong những
truyện
là một dịp để người ta tưởng tượng, cũng như người ta đọc những truyện
khoa học
giả tưởng không phải để trở thành kỹ sư, mà là để tưởng tượng trên
những có
thể, tưởng là không thể tưởng tượng được, của khoa học. Nhưng người ta
hiểu tại
sao cái hoang đường của những truyện luyện kiếm lại có thể cám dỗ người
ta hơn
tất cả những thứ võ ở những truyện khác.
Một thỏi sắt luyện
thành một thanh kiếm tốt đã khó. Nhưng
khó hơn nữa là luyện thế nào để tự nó thu nhỏ lại bằng cái lá. Khi ấy
người ta
có một diệp kiếm; nhỏ hơn, bằng một viên ngọc, là hoàn kiếm; nhỏ hơn
nữa, bằng
hạt cát, là sa kiếm. Lạ là càng thu nhỏ thì năng lực của kiếm càng lớn.
Tất cả
xẩy ra như năng lực ấy, càng bị dồn trong một khối thể chất nhỏ bao
nhiêu lại
càng tăng trưởng bấy nhiêu. Và đến khi miếng thép ấy hóa ra nước làm
thủy kiếm,
ra hơi làm khí kiếm, ra ánh sáng làm quang kiếm thì năng lực được kể
như không
cùng. Tương quan ấy giữa năng lực và thể chất làm người ta nghĩ sao?
Nhưng tôi
không muốn nói rằng những tác giả võ hiệp là những Einstein bị người
đời quên
lãng.
2. Ý nghĩa của nội
lực.
Kiếm tuy nhiên vẫn
chỉ là một vật ngoại thân. Căn bản của võ
học theo Kim Dung lại ở nội lực. Nội lực là cái nguyên khí tản mác
ngoài thiên
nhiên mà, theo những cách luyện đặc biệt, người ta thâu nạp được trong
người.
Khi giao đấu thì nội lực ấy có thể, từ lòng bàn tay, xuất phát ra những
ngọn
gió lớn có sức đánh gãy cây và đập nát đá. Nói theo kiểu của giới đọc
võ hiệp,
người ta gọi thế là đấu chưởng. Xem như thế thì chưởng phong còn hoang
đường
gấp mấy lần quang kiếm. Uy lực của quang kiếm dẫu sao cũng là thể chất.
Sức của
chưởng phong thì tùy ở nội lực. Và nội lực là một cái gì cũng mơ hồ như
nguyên
khí của thiên nhiên. Người luyện kiếm tiếp tục một truyền thống thợ
rèn, tìm
cách chế hoá thể chất ra năng lượng. Nội lực trái lại, là một sức mạnh
vô hình.
Cũng như tinh thần. Và người ta không thể ngờ rằng võ học Kim Dung cũng
chịu
ảnh hưởng nặng nề của thần bí học. Ấy là một thần bí học duy tự nhiên.
Cho nên
người anh hùng Kim Dung là người nhờ gặp may uống được máu rắn, ăn được
kỳ hoa,
nuốt được dị quả mà tiếp thu những mãnh lực nguyên thủy của vũ trụ súc
tích
trong những vật ấy để trong chốc lát đạt tới một nội lực thượng thừa.
Luyện nội
lực như thế, để nói như các triết gia, là một cách trở lại nguồn.
Thường thường
một nội lực thâm hậu đòi ở người ta một công phu dài mấy chục năm.
Nhưng như
người ta thấy, được một dịp may trời cho thì mấy mươi năm luyện tập
cũng chưa
bằng. Trời trong Kim Dung có những đặc ân như muốn riễu những cố gắng
của con
người. Kể cũng khả nghi. Nhưng không thế thì làm sao võ lâm có thể đổi
mới và
sinh ra những biến cố bất ngờ?
Nội lực đã thâm hậu
thì võ công nào người ta cũng học được.
Luyện những võ công tinh xảo quá mà thiếu nội lực thì trái lại người ta
có thể
bị tẩu hỏa nhập ma, và dù có luyện được, cũng không thể nào phát huy
được hết
uy lực của nó. Người giầu nội lực thời dùng một thế võ tầm thường cũng
có thể
đạt tới một uy lực siêu phàm và khắc chế những võ công tinh xảo, như
Trương
Quân Bảo lấy mấy ngọn quyền nhập môn của phái Thiếu Lâm mà thắng được
một Hà
Túc Đạo, người mà đời xưng tụng là kiếm khách. Nhưng đặt nội lực trên
cái tinh
xảo của võ công, phải chăng một lần nữa Kim Dung lại đặt tự nhiên trên
sức chế
hoá và công phu của con người? Cũng có lẽ. Nhất là khi người ta nhớ
rằng trong
truyện ông, đạt tới tuyệt đỉnh của võ công không phải là một Hoàng Dược
Sư
chẳng hạn, muốn lấy trí năng của mình để đoạt quyền tạo hoá, mà, những
nhân vật
ác độc như Âu Dương Phong, ngay thẳng như Hồng Thất Công, thật thà như
Quách
Tĩnh, ngây thơ như Châu Bá Thông, sống toàn theo năng tính, nghĩa là
theo con
người tự nhiên của họ. Trở về tự nhiên, trở về nguồn, khi ấy, cũng là
trở về
cái phần nguyên thủy của mình. Và người ta có thể nghĩ rằng lấy nội lực
làm căn
bản cho võ học, Kim Dung đã chẳng làm gì hơn là đặt căn bản võ học
trong lòng
người. Uy lực của người anh hùng từ giờ không ở cái xảo của võ công và
của khí
giới nữa, cũng như cái gì đe dọa chàng trên giang hồ không còn là những
nguy
hiểm của thế giới bên ngoài mà ở ngay chỗ sâu xa nhất trong người
chàng. Nguy
hiểm ngoại tại người ta có thể lấy trí năng để giải hóa. Nhưng đấu nội
lực thì
ai cũng biết chỉ có một mất và một còn. Cả con người mình khi ấy phải
ngưng tụ
để chống trả. Suy tính gì được nữa? Sểnh một cái, tâm hồn giao động,
thế là bị
phân tâm và nội lực ly tán. Khi ấy thì không chết người ta cũng bị
trọng
thương. Và kẻ thắng trận trước hết là kẻ giữ được cái tĩnh của lòng
mình trước
những xôn xao của ngoại giới. Nhưng ý nghĩa của võ học cũng thay đổi
hẳn. Võ
học trở nên một kỷ luật của nội tâm và nội lực cũng giống cái mà, theo
một ngôn
ngữ khác, người ta gọi là đức tin.
Sự nội tâm hóa ấy,
tuy nhiên, lại mở rộng phạm vi võ học.
Xưa, võ học không ra ngoài một nghệ thuật sử dụng quyền cước và khí
giới, thì
giờ, người ta có thể giết nhau bằng một tiếng cười, một tiếng rống, một
tiếng
sáo, một tiếng đàn. Tất cả là làm thế nào cho tinh thần đối phương rối
loạn. À!
Các tác giả võ hiệp đã không sống uổng trong thời đại của tâm lý chiến!
Nhưng
còn gì đẹp và ghê người hơn cảnh một đôi cao thủ, người đàn và người
sáo, một
đêm trăng trên mặt biển, vận nội lực trong những tiếng nhạc thâu hồn?
Tệ hơn
nữa, người ta có thể dùng những điệu thoát y vũ! Nhưng bị võ lâm nguyền
rủa như
môn võ ác độc nhất vẫn là “Hoá công đại pháp” chuyên dùng để phá nội
lực của
người. Hình như chạm đến nội lực là chạm đến một cái gì thiêng liêng.
Võ học
chính tông trong Kim Dung tuy nhiên cũng giống như đạo. Ở chỗ tối cao
của nó
thì người ta trở nên “tĩnh” như núi Thái Sơn. Ấy là cái tĩnh của người
đã đạt
tới cái chân nguyên của tự nhiên và của lòng mình. Người và tự nhiên
khi ấy là
một. Những xôn xao cũa ngoại giới không còn làm gì được người ta nữa.
Và trong
cái tự do tuyệt đối của tinh thần, người ta có thể, không những như Hà
Túc Đạo,
tay kiếm tay đàn không sợ rối chí nữa, xa hơn nữa, không cần xuất thủ,
còn có
thể ngồi yên lấy ý điều khiển nội lực đánh lại người.
3. Võ học như một yếu
tố của truyện kể.
Cái tĩnh ấy, lẽ dĩ
nhiên chỉ có thể có với một nội lực siêu
phàm. Sức mạnh thực không cần phô trương. Ít khi Kim Dung dùng những từ
mỹ lệ
để mô tả cách biểu diễn của võ công. Ông không tìm trong võ công cái
ngoạn mục
của những động tác. Trông thì còn gì tầm thường hơn là những cuộc đấu
nội lực?
Nhưng ấy cũng là những cuộc đấu khẩn trương nhất và tất cả nghệ thuật
giờ là
làm cho người ta tham dự vào sự khẩn trương ấy. Hết làm vui mắt, võ học
trở nên
một yếu tố gây xúc động, nghĩa là để nói với tâm hồn. Xu hướng của nó
là ngày
càng tiết kiệm động tác. Như sự kín đáo ấy đã thành ra dấu hiệu của sức
mạnh
thực. Hãy nhìn thế võ ấy chẳng hạn: xem thật là đơn sơ nhưng thủ có,
công có,
và hàm chứa không biết bao nhiêu cách biến hoá, xem nhẹ nhàng nhưng cực
kỳ lợi
hại, xem chậm chạp nhưng uy mãnh vô cùng. Cây cổ thụ ấy ngang nhiên
đứng thẳng.
Nhưng phất ống tay áo là nó đổ. Khi ấy người ta mới biết rằng những thớ
gỗ
trong cây đã nát. Nó đã trúng “Thất Thương Quyền”. Sự ngạc nhiên của
người ta
khi ấy, một võ công ồn ào hơn làm gì có thể gây nên? Cái ngoạn mục bớt
đi,
nhưng chấn động tâm lý lại càng lớn. Quãng cách giữa nguyên nhân và kết
quả,
nghĩa là cái phần biểu diễn ấy, được thu giảm đến cùng cực. Và người ta
như bị
đẩy trước một huyền bí. Ấy là cái cảnh, chẳng hạn, “không biết người
khách ấy xuất
thủ như thế nào mà đối phương hự lên một tiếng rồi ngã lăn ra chết”. Võ
công gì
mà lạ thế? Không ai nhận ra, nhưng như một tia chớp, nó vụt loé lên như
tiêu ký
của bóng tối. Các môn phái thành danh, trong khi ấy, đều có những võ
công đặc
biệt. Và một miếng võ thường là một căn cước. Nhưng trước miếng võ kỳ
bí ấy ai
chẳng rùng mình? Rắc rối hơn nữa là có những cao thủ dùng võ công của
môn phái
này để giết người môn phái kia. Ấy là một dịp cho không biết bao nhiêu
nghi
vấn, như khi trên thân thể dập nát của Dư Đại Nham mang ấn tích của
“Kim Cương
Chỉ” vốn là một tuyệt kỹ bí truyền của Thiếu Lâm, làm mọi người hoang
mang
không biết ai là hung thủ. Chẳng lẽ lại là một thần tăng uy đức trấn
giang hồ?
Nhưng chắc không thể không là một cao thủ tuyệt luân và môn “Kim Cương
Chỉ” trở
nên một ám ảnh nhức nhối để, như một tang vật của tội ác trong những
truyện
trinh thám, ngưng tụ quanh nó cả một không gian chập chùng đe dọa và bí
mật. Ấy
là không kể những khi trên giang hồ xuất hiện những thế võ thất truyền
làm người
ta sực nhớ đến cả một dĩ vãng hoang đường.
Nói tóm lại thì võ
lực trong Kim Dung không phải chỉ có
những cái tên rất đẹp. Nó không chỉ là cơ hội cho những vũ điệu ngoạn
mục mà
còn góp phần vào diễn biến và sức dẫn cảm của truyện. Cho nên tuy những
môn võ
quan trọng trong Kim Dung chẳng có mấy và toàn là võ bịa, nhưng đã đọc
qua thì
người ta không thể dễ dàng quên. Ai chẳng còn nhớ đến Nhất Dương Chỉ,
Lạc Anh
Quyền, Đả Cẩu Bổng, Lăng Ba Vi Bộ… Những võ công ấy cứ trở lại, không
những
trong một truyện, mà từ truyện này sang truyện khác, như những thể tài
của một
nhạc tấu. Và sự thường trở lại ấy cũng đủ cho chúng một cá thể đặc
biệt. Hơn
thế nữa, võ công nào cũng gắn vào một nhân vật, nhắc lại một diễn biến
trọng
yếu, có những đặc điểm và lịch sử riêng, như Giáng Long Thập Bát Chưởng
truyền
từ đời này sang đời khác, cho đến khi thất truyền mà kỷ niệm còn chấn
động
giang hồ. Sự có mặt của chúng chẳng khác nào của nhân vật. Ấy là không
kể có
khi một võ công có thể thực sự trở nên nhân vật chính của truyện như
Cửu Âm
chân công mà trong võ lâm ai cũng muốn luyện cho được để xẩy ra bao
nhiêu vụ
tương tàn. Và truyện Đồ Long Đao chẳng hạn, có kể gì hơn là sự phân tán
và tái
thống nhất của võ lâm qua sự phân tán và tìm thấy lại Cửu Dương thần
công?
Truyện võ hiệp của Kim Dung cũng là truyện võ học nữa.
4. Võ học và cơ cấu
luận.
“Và
cái nên thơ ấy mà
Kim Dung mang lại cho võ học là cái nên thơ của cơ cấu luận, nghĩa là
của những
gì phân tích được.”
Trong truyện võ hiệp
cổ điển thì võ học không đặt ra một
nghi vấn nào. Chính phái và tà môn cùng dùng một thứ võ. Ấy là một kiến
thức
chung cho mọi giới trong giang hồ. Những môn phái có thể đánh nhau,
nhưng từ
môn phái này sang môn phái khác, người ta thấy vẫn những miếng võ ấy
được sử
dụng. Võ học khi ấy cũng vô danh như ngôn ngữ, và như ngôn ngữ, chỉ có
giá trị
của một phương tiện. Phương tiện chung. Hơn nhau duy ở kinh nghiệm, tài
và sức
riêng của mỗi người. Truyện Kim Dung bắt đầu, khi võ học đã mất sự
thống nhất
ấy. Mỗi môn phái giờ có một thứ võ. Lẽ dĩ nhiên, người ta vẫn coi Đạt
Ma sư tổ
là ông tổ của võ học Trung Nguyên. Nhưng cái vốn của ông truyền lại,
những kẻ
đến sau, mỗi người chỉ lãnh hội được có một phần. Và cái phần ấy, mỗi
người lại
hiểu theo một cách, tùy tư chất và kiến thức của mỗi người, để từ đó
tham bác,
chế hóa và sáng tạo thêm ra. Thành ra cũng cùng một gốc mà võ công
trong thiên
hạ lại không cùng lịch sử. Những trang đầu của truyện Đồ Long Đao cho
người ta
thấy, từ những đoạn của Cửu Dương chân kinh nghe lỏm được ở miệng Giác
Viễn lúc
lâm chung, Quách Tường và Trương Quân Bảo, tư chất và kiến thức khác
nhau, đã
lập ra hai môn phái khác nhau thế nào. Sự biến hoá ấy của võ học làm
người ta
nghĩ đến sự biến hóa của ngôn ngữ. Cũng một ngôn ngữ mẹ mà tùy theo địa
phương
biến hóa đến nỗi người của địa phương này không còn hiểu được người của
địa
phương kia. Võ học cũng thế, tuy cùng một gốc mà giờ võ công của mỗi
môn phái
lại tuân theo một qui tắc, đòi hỏi cách luyện tập và có một lối phá
giải
riêng. Muốn phá giải một võ công thì
trước hết phải biết cách biến hóa, nghĩa là cái văn phạm đặc biệt của
nó. Cho
nên không thể lấy võ công này mà thắng võ công khác, cũng như không thể
nói là
có võ công nào hơn võ công nào. Nhưng có những võ công mà văn phạm phức
tạp
hơn, khó phá giải hơn và biến hóa khó lường trước được hơn. Một khi đã
biết cái
văn phạm ấy rồi thì sự phá giải không còn là một nan đề. Lưỡng Nghi
kiếm pháp
triền miên bất tuyệt như thế mà chỉ cần biết rằng sự biến hóa của nó
dựa trên
một cách chuyển bộ theo Bát Quái là Vô Kỵ có thể thoát vòng vây của nó
một cách
dễ dàng. Cái gì Kim Dung muốn người ta thưởng thức trong một võ công,
một lần
nữa, không phải là cái ngoạn mục của sự biểu diễn, mà là văn phạm, cơ
thức,
nguyên lý, nói tóm lại là sự mạch lạc nội tại của nó. Mạch lạc đến nỗi
có khi
một miếng võ có thể sử dụng ngược chiều mà vẫn được như thường. Lẽ dĩ
nhiên thế
chỉ là một chuyện nên thơ. Và cái nên thơ ấy mà Kim Dung mang lại cho
võ học là
cái nên thơ của cơ cấu luận, nghĩa là của những gì phân tích được.
Cái huyền bí mà những
võ công của Kim Dung thoạt cho người
ta thấy chợt tiêu thất. Và sự sáng sủa bắt đầu của những lý do và số
lượng. Cái
văn phạm khúc chiết của mỗi võ công không kể, mỗi võ công lại chia làm
nhiều
chiêu, mỗi chiêu lại gồm nhiều thức, mỗi thức lại chia nhiều thế. Hơn
thế nữa, lại
có thể tính xem mỗi võ công người ta luyện được mấy thành hỏa hầu, và
được sử
dụng với mấy thành công lực. “Thành” là đơn vị để ước lượng mức thành
đạt của
người luyện võ cũng như uy lực của mỗi đòn tung ra. Nói tóm lại thì tất
cả đều
đo được, tích giải được, phân chiết được. Và người ta vào thế giới của
những
phức thể. Ấy là cơ thể con người chằng chịt những huyệt đạo và kinh
mạch như
một cái lưới tinh vi; những độc dược mà thứ nào cũng là một pha trộn
theo những
phân lượng bí truyền, giữa rất nhiều dị thảo; những kiếm pháp chung đúc
cái
tinh hoa của không biết bao nhiêu môn phái khác nhau; sự phối hợp ảo
diệu giữa
hai cao thủ, người này sử dụng võ công vốn tương khắc với võ công của
người
kia, thành một thế liên hoàn không có gì phá nổi; môn Phân thân Tâm
pháp cho
phép người ta mỗi tay dùng một tuyệt kỹ để biến một người duy nhất
thành hai
cao thủ… Phân tích, phối hợp, ấy là những tác động căn bản của cơ cấu
luận.
Nhưng có lẽ không chỗ nào ấn tích của cơ cấu luận lại rõ ràng hơn trên
những
môn võ dựa vào thư pháp, như Đồ Long công chẳng hạn, mà mỗi đòn là một
nét chữ.
Mỗi chữ khi ấy trở nên họa đồ của một chiêu số. Không những đọc được
mà, như
người ta thấy, cái văn phạm nội tại của môn võ lại có thể vẽ ra được
nữa! Ai
làm thế nào để một người không biết võ, không cần giải thích dài lời,
có thể
thấy và thông đạt những cơ thức của một võ công một cách dễ dàng hơn?
Nhưng lại
còn chuyện Cửu Âm chân kinh….
Cửu Âm chân kinh là
một võ học kỳ thư. Và các cao thủ ai
cũng muốn cướp nó cho được để luyện những võ học tuyệt luân mà nó ghi
trữ. Khốn
nỗi tự bản duy nhất của nó đã bị hủy và chỉ có Quách Tĩnh là người đã
học nó
thuộc lòng. Người ta còn nhớ Âu Dương Phong đã tìm cách buộc Quách Tĩnh
phải
chép lại bản kinh ấy cho y như thế nào. Không thể làm khác, Quách Tĩnh
đành y
lời, nhưng khôn ngoan, lại cố ý chữ “tác” đánh ra chữ “tộ”, chép cho
sai. Lẽ dĩ
nhiên Âu Dương Phong đọc không hiểu, nhưng nhũn nhặn nghĩ rằng ấy là
tại văn
của Cửu Âm chân kinh uẩn súc quá và cái óc thô bạo của mình không nhìn
thấy chỗ
tinh tế của nó. Y bắt Hoàng Dung, người yêu cực kỳ thông minh của Quách
Tĩnh,
giảng cho vỡ lẽ. Hoàng Dung cũng nói dựa và giảng bừa, cốt cho xuôi tai
thì
thôi. Âu Dương Phong cứ theo những lời giảng ấy mà luyện, thấy rất khó
nhưng
vẫn tự cưỡng. Là người khác thì đã “tẩu hỏa nhập ma” mà chết. Nhưng nội
lực của
Âu Dương Phong đã tới mức siêu phàm. Y không chết nhưng tất cả kinh
mạch trong
người đều chạy ngược, y phải đi bằng hai tay, chân chổng lên trời và
rốt cuộc
không còn nhớ Âu Dương Phong là ai. Võ công của y, trong khi ấy, lại
trở nên vô
địch. Ấy cũng là võ công của Cửu Âm chân kinh. Những chiêu thức tuy
nhiên đều
đảo ngược, và cách biến hóa của chúng tuân theo một sự mạch lạc mà
người ngoài
không thể hiểu: ấy là sự mạch lạc của người điên. Hóa ra người điên
cũng có lý
của họ và không có gì, dù tạp loạn đến đâu, mà người ta không thể đưa
tới một
thế tương tất. Chỉ cần một luận lý khác! Nhưng mẩu chuyện ấy không đủ
chứng tỏ
tinh thần nhân bản của Kim Dung. Cái gì người ta còn thấy, xô đến tận
chỗ
nghịch lý, là cái nên thơ của cơ cấu luận.
5. Sự tương đối hoá
võ học và thế đa nguyên của võ lâm.
“Toàn thể là bố láo”
Adorno
“Ẩn tàng trong cảnh tương tàn ấy, tuy
nhiên, cái gì người ta
thấy, là sự huy hoàng của một giấc mơ thống nhất”
ĐLV
Một cơ cấu là một cá thể độc đáo. Nhưng nó cũng định một
giới hạn. Cái độc đáo vốn là cái không phổ biến thì những gì, ở chỗ này
là
những ưu điểm, ở chỗ khác lại có thể xuất hiện như những khuyết điểm.
Như những
ngôn ngữ, mỗi võ công chỉ đáp ứng một số nhu cầu nhất định. Không thể
có võ
công toàn năng. Lạc Anh chưởng chẳng hạn, có mau nhưng không mạnh. Hàm
Mô công
mạnh nhưng thân pháp lại khó coi. Nhất Dương chỉ thì chỉ có bọn đồng tử
mới học
được. Thất thương quyền lợi hại bao nhiêu! Nhưng muốn luyện được thì
trước hết
phải tự đả thương tạng phủ đến bẩy lần. Trong khi ấy thì Lăng Ba vi bộ
chỉ là
phép tránh đòn nhưng cũng đủ để Đoàn Dự có thể buộc một hung thần ác
sát lạy
mình làm sư phụ. Nhưng đem bộ pháp ấy đối phó với cảnh loạn đả không
theo qui
tắc nào của những người không biết võ lại bằng thừa. Cái khéo của Kim
Dung là
đã chia những ưu điểm và khuyết điểm như thế nào để vừa giữ cái bản sắc
đặc
biệt của mỗi võ công, vừa duy trì sự diễn tiến của truyện trong một
tình trạng
bất trắc thường xuyên. Thử tưởng tượng một nhân vật có một võ công cứ
giở ra là
ai cũng thua thì truyện sẽ chán biết mấy! Cái thú với Đoàn Dự chẳng
hạn, là
không ai có thể biết trước khi nào Lục Mạch thần kiếm của chàng ta
“chạy” và
khi nào không. Nhưng nó chỉ có trong chừng nào kiến thức võ học của
Đoàn Dự còn
đầy khuyết điểm. Khuyết điểm chính là cái độc đáo và một dịp cho mọi
bất ngờ.
Cho nên trong Kim Dung nhân vật nào cũng có sở trường và sở đoản. Giỏi
võ công
thì không có nội lực. Người có nội lực thượng thừa thì không biết võ
công. Có
người giỏi ám khí. Có người tài khinh công. Có người sành độc dược.
Nhưng được
một đằng thì mất đi một nẻo. Võ công nào trong thiên hạ mà Vương Ngọc
Yến không
biết? Nhưng nàng lại không biết dùng võ công. Mưu trí như Hoàng Dung
nhưng môn
Song thủ Hổ bác đòi hỏi một tâm hồn chất phác thì nàng lại không tài
nào học
được. Tưởng một Tạ Tốn thì cái gì chẳng hơn người! Thế mà lại thua
Trương Thúy
Sơn ở thư pháp, cũng như Vương phu nhân đã thua Đoàn Dự ở kiến thức về
hoa trà.
Ngược lại thì một Trương Quân Bảo chỉ có mấy miếng quyền nhập môn mà
làm cho
Côn Luân tam thánh liểng xiểng ôm hận thề không bao giờ trở lại Trung
Nguyên
nữa. Và để kết luận, người ta bảo nhau rằng thật là ngoài trời lại có
trời. Có
Ỷ Thiên Kiếm thì có Đồ Long Đao; có Cửu Âm chân kinh thì có Cửu Dương
chân
kinh; có độc dược của Vương Nạn Cô thì có giải dược của Hồ Thanh Ngưu;
có kiếm
pháp của Tuyết Sơn thì phái Kim Ô cũng có đao pháp để phá giải. Không
có gì sau
cùng không có khắc tinh của nó. Cao thủ này lại dẫn người ta gặp cao
thủ khác tài
hơn. Người ta càng đi. lại càng thấy kiến thức của mình chật hẹp. Võ
lâm trở
nên một thế giới vô cùng và đã mất trung tâm. Mỗi phương xuất hiện một
anh
hùng. Khi Anh Hùng Xạ Điêu bắt đầu thì Vương Trùng Dương, con người duy
nhất có
thể xứng ngôi minh chủ đã tạ thế, để môn phái của ông ngày càng suy đốn
và các
bạn ông, những người còn sót lại trong Võ Lâm Ngũ Bá, cứ năm năm một
lần, lại
trở về Hoa Sơn tiếp tục những cuộc luận võ không ai được, ai thua. Cũng
như thể
cái chết của Dương Phá Thiên làm cho những anh hùng của Minh Giáo phân
tán,
không ai phục ai, mỗi người theo đuổi một cuộc phiêu lưu riêng ở một
góc trời.
Võ lâm sa vào cảnh chia năm xẻ bẩy. Xưa, các cao thủ đều nhìn về Thiếu
Lâm như
cái nguồn của võ học. Cái nguồn ấy bây giờ ở chỗ nào? Thiếu Lâm chỉ còn
là một
môn phái như các môn phái khác. Và võ học cũng như Thượng đế của
Pascal, là một
tinh cầu trung tâm ở khắp nơi, nhưng không biết đâu là giới hạn. Ngần
ấy võ
công là ngần ấy ngôn ngữ, và võ công nào, trong giới hạn của nó, cũng
có thể
gọi là vô địch. Làm thế nào có thể thu cái thế giới nát vụn ấy vào một
mối? Ai
cũng muốn làm bá chủ võ lâm. Người ta giết nhau như ngóe để độc chiếm
những võ
công kỳ bí có thể cho phép người ta khuất phục chúng anh hùng. Câu
chuyện nghĩa
hiệp đã nhường chỗ cho cuộc tranh cường đẫm máu. Ẩn tàng trong cảnh
tương tàn
ấy tuy nhiên, cái gì người ta thấy, là sự huy hoàng của một giấc mơ
thống nhất.
****
Ghi chú: Đỗ Long Vân,
đã mất ở Sài Gòn, viết bài này trước
1975, khi lý thuyết Lỗ Đen, Big Bang chưa ồn ào như hiện nay, khi cơ
cấu luận
đang hợp thời, khi cuộc chiến đang ác liệt… Bài viết được in lại trong
“Kim
Dung, tác phẩm và dư luận”, do Trần Thức sưu tầm và tuyển chọn, nhà
xuất bản
Văn Học Hà Nội, 2001.
Những câu trích từ bài viết làm đề từ,
là do người giới thiệu
bầy đặt ra, như một cách hiểu, hoàn toàn mang tính cá nhân, tức chủ
quan, bài
viết của Đỗ quân, và những vấn đề mà bài viết đặt ra.
Về đoạn liên quan tới Cửu Âm chân kinh
“giả” mà Quách Tĩnh
viết lại cho Âu Dương Phong, theo như người viết còn nhớ được, và hiểu
được,
tất cả là do Hoàng Dung mà ra.
Hoàng Dung, do quá thông minh, nên trở
thành “lý lắc” - hơi
khùng, nếu có thể nói như vậy, theo nghĩa, cực điểm của thông minh là
khùng
điên, bởi vì, người thông minh là người nhìn ra những nét tương đồng ẩn
giấu
giữa những sự vật, còn người điên thì nhìn mọi vật đều tương đồng với
nhau hết!
Đây là quan niệm của Michel Foucault, trong “Chữ và Vật”, khi ông phân
biệt
giữa “Le Même”, hay là những con người bình thường như chúng ta, và
“L”Autre”,
hay người điên - và “ang ác”, đã từng bị
Hồng Thất Công đe nẹt; chính vì vậy Hoàng Dung đã xúi Quách Tĩnh đảo
ngược văn
bản, lại còn dậy Quách Tĩnh cách ngồi viết văn bản, ngô nghê như thế
nào, vắt
óc nhớ lại bản chính ra sao… để đánh lừa Tây Độc. Nên nhớ, Tây Độc, vốn
rất
độc, và cũng rất thông minh (trong thế gian thật khó có người độc mà
không
thông minh!), không dễ gì đánh lừa; nhưng văn bản đảo ngược lại có mạch
lạc của
riêng nó: đây là cái mà cả Hoàng Dung lẫn Tây Độc đều nhận ra. Nhưng
Hoàng
Dung, do là người bình thường (Le Même), nên đã không dám đẩy sự tương
đồng đến
tận cùng, nhưng lại mơ tưởng một điều: nếu có một người nào tập luyện
bí kíp
Cửu Âm đảo ngược như vậy, không hiểu kết quả sẽ ra sao. Tây Độc vì quá
mê bí
kíp – bản văn gốc, ngôn ngữ mẹ của võ học… - nên đã tập luyện và kết
quả là trở
thành điên, nhưng với một võ công thượng thừa! Đoạn Tây Độc và Bắc Cái
sau cùng
ôm nhau cùng chết trên ngọn núi cao, không có con người nào khác, cho
thấy, có
thể Kim Dung tin tưởng rằng, thiện ác đi tới tận cùng, là một.
Tưởng tượng thêm chút
nữa: hãy giả dụ Cửu Âm đảo ngược là…
chủ nghĩa toàn trị, và không phải chỉ một mình Tây Độc, mà là quá nửa
nhân loại
đã luyện tập môn võ công đảo ngược này, vốn một thời “tự coi” là “đả
biến thiên
hạ vô địch thủ, bách chiến bách thắng”… thì sao?
Michel Foucault suốt
đời băn khoăn về sự khùng điên, và cái
ác của nhân loại, khi đẩy người điên vào trại tù hoặc cưỡng bức lao
động. Sự
thắng thế của chủ nghĩa toàn trị và những trại tập trung cải tạo của nó
cho
thấy một tình trạng đảo ngược: người bình thường (Le Même) phải đi tù,
người
không bình thường (L’Autre), làm… quản giáo!
Tuy được coi là một
trong những trụ cột của trường phái cơ
cấu luận, M. Foucault không cho rằng ông là một người trong nhóm. Trong
bài
tựa, dành cho bản tiếng Anh tác phẩm “Chữ và Vật” (“The Order of
Things”, Luân
đôn, nhà xb Tavistock, 1970; ở đây người viết sử dụng bản dịch tiếng
Pháp bài
tựa này, in trong “Nói và Viết”, tập II, nhà xb Gallimard, 1994, tủ
sách Nhân
Văn), ông xin được gửi tới độc giả tiếng Anh lời “khẩn cầu” (une
prière), rằng,
ở Pháp một số “nhà bình luận” thiển cận đã gán cho ông cái nhãn “cơ
cấu”. Và
ông không làm sao nhét vào cái đầu nhỏ hẹp của họ, một ý nghĩ là … “tôi
(Foucault) không hề sử dụng bất cứ một phương pháp, một quan niệm, cũng
như một
từ ngữ nào, của cơ cấu luận. Tôi rất biết ơn một tầng lớp công chúng
cẩn trọng
hơn, một khi giải phóng cho tôi ra khỏi sự gán ghép, rõ ràng là vinh
danh,
nhưng tôi không xứng đáng được hưởng. Có thể là, có những đồng dạng nào
đó giữa
công việc làm của tôi với của những nhà cơ cấu luận…. Nhưng thật quá dễ
dãi khi
giản lược một công trình làm việc như thế đó, bằng cách dán cho nó một
nhãn
hiệu, nghe thì thật rổn rảng, nhưng không thích đáng.”
Nhận xét của
Foucault, về tác phẩm của chính ông, cũng có
thể đem áp dụng cho trường hợp Đỗ Long Vân, nhưng, nếu hệ tư tưởng của
Foucault
được coi là một cơ cấu luận không có cơ cấu (un structuralisme sans
structures,
chữ của Jean Piaget, khi giới thiệu cơ cấu luận, trong tủ sách phổ
thông “Tôi
biết gì?” (“Que sais-je?”), “… tác phẩm của M. Foucault là thí dụ gây
kinh
ngạc, về một văn phong sáng chói đầy những tư tưởng bất ngờ và trí tuệ,
một sự
uyên bác lạ thường…”, họ Đỗ cũng đã sử dụng thuyết cơ cấu, như một
phương tiện
“tiện tay, đương thời” - hay nói theo Piaget, “cơ cấu luận là một
phương pháp
hơn là một lý thuyết, và trong chừng mực nào, nếu nó trở nên một lý
thuyết, thì
nó sẽ đưa đến nhiều chứ không phải chỉ một lý thuyết…” - để viết ra
những tác
phẩm sáng tạo, với một văn phong đầy chất thơ và cũng thật khác thường,
như
‘Truyện Kiều ABC’, ‘Nguồn nước ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương’…
***
"Và cái nên thơ ấy mà
Kim Dung mang lại cho võ học, là cái
nên thơ của cơ cấu luận, nghĩa là của những gì phân tích được”(Đỗ Long
Vân).
Đây là một khẳng định
rất dễ gây tranh luận, vì nó đối
nghịch với quan niệm “thông thường”, khi cho rằng thơ là để “cảm nhận”:
Cái cõi
nhẹ như tơ, mong manh như sương khói đó, đâu phải là để… phân tích!
Nên nhớ, cơ cấu luận
là từ toán học mà ra. Người ta không
thể nói về nó mà không khởi từ toán học, theo tính cách lịch sử cũng
như lô gíc
của vấn đề. Lévi-Strauss chẳng hạn, đã tạo nên những mẫu mã cơ cấu của
ông từ
môn đại số đại cương (algèbre générale).
Cho nên, từ định lý
“cái nên thơ… của những gì phân tích
được”, chúng ta có thể có được một hệ luận, là:
“Cái gì có thể phân
tích được, là thơ.”
***
“Hiện tượng Kim Dung
như thế nào? Nó có nghĩa gì giữa cảnh
tai biến của chúng ta và tại sao có thể xẩy ra?…
“Ẩn tàng trong cảnh
tương tàn ấy, tuy nhiên, cái gì người ta
thấy, là sự huy hoàng của một giấc mơ thống nhất.”
George Steiner, trong
bài viết “Orpheus với những huyền
thoại của mình: Claude Lévi-Strauss”, vinh danh một trong những trụ cột
của
trường phái cơ cấu, đã cho rằng, một trang viết của Lévi-Strauss là
không thể
bắt chước được; hai câu mở đầu thiên bút ký “Nhiệt Đới Buồn” đã đi vào
huyền
thoại học của ngôn ngữ Pháp.
Hai câu mở đầu đó như
sau: “Je hais les voyages et les explorateurs. Et
voici que je m’apprête
à raconter mes expéditions.” (Tôi ghét du lịch, luôn cả mấy tay thám
hiểm. Vậy
mà sắp sửa bầy đặt kể ra ở đây những chuyến đi của mình).
Bạn hãy thử bắt chước
một câu văn của Đỗ Long Vân. Bạn hãy
thử lập lại câu văn “đã đi vào huyền thoại”: “Tôi quá chán cuộc chiến,
vậy mà
bầy đặt ngồi viết ‘Vô Kỵ giữa chúng ta’, để nói về mấy gã đồ tể đó.”
***
“Toàn thể là bố láo.”
Trong bài “Work in
Progress”, điểm cuốn “Thương Xá” (The
Arcades Project: Dự án về những vòm cung ở thương xá), của Walter
Benjamin,
đăng trên tờ TLS (December 3, 1999), Steiner coi “chưa hoàn tất” là mật
khẩu
tới chủ nghĩa hiện đại (incompletion is the password to modernism).
Trích dẫn
Adorno, “toàn thể là bố láo” (totality is a lie), ông chỉ ra, tất cả
những tác
phẩm lớn sau thời kỳ Ánh Sáng, đều chưa hoàn tất: tác phẩm của Proust,
Cantos
của Pound, Moses und Aron của Schoenberg… Tác phẩm “đại diện” cho thế
kỷ, của
Heidegger, Thời gian và Hữu thể (Time and Being), thiếu phần ba đầy hứa
hẹn. Và
Steiner tự hỏi: đâu là những toàn thể mang tính hình thái (formal
totalities),
trong những tác phẩm của triết gia Wittgenstein?
Ngoài Đạt Ma Tổ Sư,
không ai là người thông thạo đủ thất
thập nhị huyền công, tức 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Kim Dung mượn lời nhà
sư già
chuyên quét dọn trong Gác Chứa Kinh (Tàng Kinh Các) để diễn ý niệm duy
vật biện
chứng của Marx, khi giải thích tại sao Phật pháp (từ bi), lại rong ruổi
với võ
công (cái ác): trên đường rong ruổi, lý thuyết (Phật pháp) và thực hành
(võ
công) đều quyện vào nhau, rồi triệt tiêu lẫn nhau, để có được con người
hoàn
toàn (l’homme total), theo nghĩa: không còn Phật pháp mà cũng chẳng còn
võ
công. Hoặc nói một cách khác: hết nhị nguyên, không còn thiện ác đối
đầu nữa.
Có một vài chi tiết
lầm lẫn trong bài viết. Về Nhất Dương
Chỉ, không phải chỉ những đồng tử mới luyện được, nhưng nếu là đồng tử
thì mức
thu hoạch cao hơn những người không còn là đồng tử. Lão Ngoan Đồng sở
dĩ muốn
chia rẽ cặp Hoàng Dung – Quách Tĩnh, một phần là vì muốn đứa em sẽ trở
nên đệ
nhất anh hùng, tại Hoa Sơn luận kiếm! Về Thất Thương Quyền, không phải
muốn
luyện là phải làm bị thương bẩy bộ phận trong cơ thể, mà là, khi luyện,
là bị
thương bẩy bộ phận trong cơ thể; võ công càng cao bao nhiêu, đau đớn
càng tăng
bấy nhiêu. “Khuyết điểm” của Hàm mô công không phải là “mạnh mà thân
pháp khó
coi”, nhưng mà là, phải thất thủ trước Nhất Dương Chỉ. Chính vì vậy,
Vương
Trùng Dương đã phải giả chết, để nện cho Âu Dương Phong một đòn, cho
Tây Độc
không còn độc trong một thời gian, rồi sau đó chia đôi Cửu Âm Chân
Kinh, giấu ở
hai chỗ khác nhau, và lặn lội xuống miền nam truyền môn võ công Nhất
Dương Chỉ,
khắc tinh của Hàm Mô công, cho dòng họ Đoàn. Vì chuyện này mà nẩy sinh
ra cuộc
tình giữa Châu Bá Thông và Thần Toán Tử Anh Cô, một bà phi của Đoàn Nam
Đế…
***
6. Trở về nguyên lý.
“Huyền hoặc thay, sở
hữu thế gian không bắt đầu từ Sáng Thế
Ký, mà là khi tư hữu bắt đầu, tức là từ Đại Hồng Thủy, khi con người
bắt buộc
phải đặt tên cho từng chủng loại, lo nơi ăn chốn ở cho chúng, tức là
tách chúng
ra khỏi những chủng loại khác.”
(Roland Barthes:
“Không độ của cách viết”).
"Với những nhà thông
thái, rạng đông và hoàng hôn chỉ là một
hiện tượng, và những người Hy Lạp cũng nghĩ như vậy, bởi vì họ dùng một
từ để
xác định….”
“Rạng đông chỉ là khởi đầu một ngày,
đêm xuống mới là lập
lại của nó.”
(Claude Lévi-Strauss: “Nhiệt Đới Buồn”)
Muốn thống nhất võ lâm thì phải là một
cao thủ vô địch.
Nhưng khi chẳng võ công nào vô địch cả thì làm sao? Tưởng chỉ có một
cách duy
nhất là nghiên cứu tất cả những võ công của thiên hạ. Ấy là tham vọng
của họ Mộ
Dung. Nhưng ai có thể thực hiện được khi ngay võ công của môn phái mình
cũng
chẳng mấy người luyện hết? Hơn thế nữa, những võ công phức tạp đòi hỏi
một nội
lực thâm hậu. Nội lực thâm hậu thì không những võ công nào cũng luyện
được mà,
như người ta biết, có thể lấy những miếng võ thật là thô thiển để thắng
những
võ công ảo diệu hơn. Như thế thì điều trọng yếu của võ học không cứ ở
võ công,
mà tới một độ nào, người ta chỉ coi là những cách khoa chân múa tay, mà
thật ra
ở nội lực. Nội lực mới là căn bản của võ học. Nhưng người ta hiểu rằng
có sự
trở về nguồn, ấy là tại võ học không còn thống nhất nữa. Và nếu sau này
Vô Kỵ có
thể thu võ lâm vào một mối thì cũng tại chàng đã tìm lại được nguyên
bản của
Cửu Dương chân kinh, và luyện một cách chu toàn môn thần công chép
trong kinh
ấy. Sự thâm hậu của nội lực tuy nhiên, mới là một điều kiện cần nhưng
chưa đủ.
Cái may thứ hai của Vô Kỵ là đã vớ được Càn khôn đại nã di tâm pháp mà,
nhờ nội
lực siêu phàm, chàng có thể lãnh hội trọn vẹn. Võ công trong thiên hạ
có nhiều
thật, nhưng đều cùng một gốc và chẳng ra khỏi những qui luật của tự
nhiên. Sao
người ta không thể tìm ra những qui luật chung cho những võ công ở đời?
Càn
khôn đại nã di tâm pháp không phải là một môn võ công ảo diệu hơn những
võ công
khác, nó là nguyên lý của mọi võ công, và người ta có thể coi nó như
một thứ
văn phạm đại cương, tổng hợp và giải thích những văn phạm đặc biệt. Cho
nên, dù
gặp những võ công phức tạp đến mấy thì nhờ Tâm pháp ấy, Vô Kỵ cũng có
thể định
ra cơ thức của nó và phá giải được. Khi thì chàng dùng ngay võ công của
đối thủ
để trả đòn làm cho y ngơ ngác không biết tên này làm thế nào mà biết
được những
tuyệt kỹ bí truyền của môn phái mình. Khi thì, ngộ nghĩnh hơn, chàng
chuyển
những đòn của đối thủ trở về đánh lại y và đồng bọn, gây ra không biết
bao
nhiêu cảnh khôi hài. Ai chẳng còn nhớ trận Huyền Minh nhị lão vây đánh
Vô Kỵ bị
chàng giở Đại nã di tâm pháp làm cho nhị lão, đòn người này trúng phải
người
kia, sau cùng giận quá đâm ra đánh nhau thực sự. Ấy là thuật “lấy gậy
ông đập
lưng ông” và chính nó cho phép Vô Kỵ khuất phục chúng anh hùng và thống
nhất võ
lâm.
7. Giấc mộng bách
khoa.
“Ôi! Vương Ngọc Yến!
Nàng ở đâu? Người con gái ấy chưa bao
giờ động thủ, nhưng võ công nào cũng thấu triệt… Và mỗi lần nàng mở
miệng mách
một thế võ cho một cao thủ thượng thừa thì, nghe cái giọng yêu kiều và
xa xôi
như đến từ một thế giới khác, người ta muốn nghĩ rằng nàng ở giữa cuộc
đời như
nàng tiên của tri thức thuần túy.”
“Tiếc thay võ học
trong đời nàng chỉ là chuyện phụ. Người
con gái ấy, cũng như Đoàn Dự, ngoài tình yêu chẳng coi gì là trọng.”
“Sự tổng hợp ấy, sau
Vô Kỵ, không xẩy ra một lần nữa.”
“Cho nên người anh
hùng đích thực của Kim Dung, như Vô Kỵ,
thường không phải là người của sáng tạo mà của sự trở về và sự tìm thấy
lại.”
ĐLV
Nhưng đâu có phải ai
cũng biết Càn khôn đại nã di tâm pháp.
Cái may của Vô Kỵ chỉ đến một lần. Khi Triệu Minh muốn nghiên cứu võ
học Trung
nguyên thì nàng chẳng biết gì hơn là bắt cóc những cao thủ của chín đại
môn
phái, buộc họ phải thi triển những tuyệt kỹ bản môn cho nàng xem. Những
người
khác cũng có thể tìm cách học từng võ công một. Càng nhiều càng hay. Và
trên
con đường tri thức, võ học từ một phương tiện dần dần trở nên một cứu
cánh tự
tại. Khi ấy sinh ra những nhân vật như Vương Nạn Cô chuyên chế những
độc dược
càng ngày càng độc, để hết bỏ cho người này lại bỏ cho người khác, và
sau cùng
bỏ cho chính nàng nữa, trong mục đích duy nhất là để cho chồng nàng là
thần y
Hồ Thanh Ngưu phải xin chịu thua. Lại có Châu Bá Thông mê học võ hơn mê
gái,
luyện võ công không để áp chế ai cả, chỉ vì võ công và để… chơi. Ấy là
không kể
một Cưu Ma Trí võ công đầy mình cứ hết chạy ngang lại chạy dọc, suốt
đời bôn ba
tìm cách học thêm, tuy chẳng biết để làm gì. Nhưng ai ngờ rằng sự uyên
bác, mỉa
mai thay, trong cái thế giới bạo động và sự công hiệu trực tiếp ấy, lại
trở nên
một giá trị! Nó là tất cả uy danh của họ Mộ Dung, cái nên thơ Vương
Ngọc Yến,
và biến Tàng Kinh Các, nơi tích trữ những võ học kỳ thư trong Thiếu Lâm
Tự
thành một ám ảnh cho những người luyện võ. Ai chẳng còn nhớ cuộc gặp gỡ
mở đầu
truyện Đồ Long Đao giữa Quách Tường và Vô Sắc? Vô Sắc ỷ vào kinh nghiệm
và kiến
thức của mình, cuộc rằng sau mười chiêu võ ông có thể nhận ra môn phái
của
Quách Tường. Nhưng Quách Tường cướp tiên cơ, công một loạt mười thế võ
nguồn
gốc khác nhau mà nàng được những cao thủ danh trấn giang hồ truyền thụ
cho,
trước khi chấm dứt bằng một thế của chính Thiếu Lâm tự, làm cho, nếu
không xẩy
ra một chuyện tình cờ, Vô Sắc suýt nữa đành chịu thua. Hào hứng của câu
chuyện
là cuộc đấu võ đã thành ra cuộc đấu trí. Thắng Quách Tường thì làm gì
Vô Sắc
không thắng nổi. Nhưng ông muốn lấy cái học của mình để khuất phục
người con
gái ngỗ nghịch ấy. Và người ta không biết phục gì hơn, giữa tác phong
của nhà
sư và sự uyên bác của một cô gái mười mấy tuổi đầu. Cuộc đua võ học ấy,
tuy
nhiên, trong cái phong thái tài tử của nó, như ngấm ngầm lên án cái võ
lực thuần
túy. Sự thắng trận nào có ý nghĩa khi tất cả đều bị tương đối hóa? Con
người võ
hiệp Kim Dung trong một thế giới đã mất nguyên lý, trước khi, như Đoàn
Dự,
nguyền rủa võ học để tôn thờ nhan sắc, bắt đầu quên sứ mạng nhập thế
của mình
để lạc vào một giấc mộng bách khoa. Tham vọng bách khoa ấy không chỉ
giới hạn
trong phạm vi võ học. Như để nhuốm cho võ học một sắc thái tinh thần
ngày càng
đậm, người ta thấy các cao thủ tìm mọi cách để thực hiện sự tương kết
giữa võ
học và các môn học khác. Triết học có: ấy là những võ công khi đựa trên
Kinh
Dịch, khi mượn Phật học làm căn bản, khi thì lấy cảm hứng trong Lão
giáo. Y học
có: ấy là cả cái hệ thống huyệt đạo và kinh mạch trên thân thể con
người. Dược
khoa có: ấy là cái nghề chế thuốc độc và linh đơn tinh vi và phức tạp.
Nhạc
thuật có: ấy là tiếng sáo thống thiết của Hoàng Dược Sư, tiếng đàn
tranh gay
gắt của Âu Dương Phong, tiếng đàn cầm não nùng của A Bích. Thi ca có:
ấy là Đồ
Long Công mà Trương Tam Phong đã tạo ra từ tự hoạch của mấy câu ca dao
truyền
tụng cái bí mật của đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên. Ấy là không kể những
võ công
dựa trên một nghệ thuật cắm hoa, pha trà, đánh cờ, viết chữ vv… Một
cảnh thác
đổ, một thế chim bay, một kiểu rắn bò, một cách cọp ngồi, không có gì
trong tạo
vật giờ lại không thể là một nguồn cho võ học. Và con người võ hiệp của
Kim
Dung ngoài võ học, còn có hơn một sở trường. Mấy ai đã quên những trận
đồ của
Hoàng Dược Sư? Vừa là một kỹ sư, con người kỳ quặc ấy vừa là một nghệ
sĩ tài
hoa. Không những được tôn là kiếm khách, Hà Túc Đạo còn là kỳ thánh và
cầm
thánh nữa. Người ta thường gặp chàng, trong những khu rừng vắng, đánh
cờ một
mình và gảy đàn gọi chim ngàn ca múa. Trong khi ấy thì Tạ Tốn vẫn mang
sử ra
minh chứng cho tác phong bạo ngược của mình. Trương Thúy Sơn vẫn đam mê
thư pháp.
Đoàn Dự vẫn diễn thuyết về trà hoa. Anh Cô vẫn bạc đầu nghiên cứu toán
pháp.
Hoàng Dung vẫn thừa sức thi thơ với các danh tài nước Đại Lý. Nhưng có
gì mà
Hoàng Dung không biết? Kể cả khoa nấu bếp làm cho Hồng Thất Công thán
phục phải
truyền thụ võ công cho nàng trước khi để nàng kế nghiệp mình làm bang
chủ Cái
bang. Và còn tài cải trang của A Chu nữa, thoắt cái nàng đã biến thành
một bà
lão, thoắt cái thành một nam tử hán, và sau cùng đưa nàng đến một cái
chết thảm
khốc.
Con người võ học ngày
càng muốn uyên bác. Tượng trưng cho
cái tham vọng bách khoa ấy là Tô Tình Hà. Không môn học nào ông không
nghiên
cứu. Nhưng rốt cuộc trong môn nào sở năng của ông cũng dở dang. Làm thế
nào một
cá nhân có thể tinh thâm được tất cả những môn học ở trên đời, khi một
cái mênh
mông của võ học cũng đủ làm người ta chóng mặt? Sự thất bại của Tô Tinh
Hà như
đã nói lên tâm sự của một thời đại trước cái kiến thức chung càng ngày
càng
tăng trưởng và phức tạp, nhưng cũng càng ngày càng tản mác. Trong Tàng
Kinh
Các, các võ học kỳ thư vẫn xếp thành chồng đầy. Ai là người thực hiện
được sự
tổng hợp của cái di sản ấy? Nhưng ngay biết hết được cái di sản ấy cũng
chưa có
người. Ôi! Vương Ngọc Yến! Nàng ở đâu? Người con gái chưa bao giờ động
thủ,
nhưng võ công nào cũng thấu triệt. Nàng có thể nói lên từ lịch sử đến
cơ thức
và khả năng của một võ công của một môn phái một cách tường tận hơn cả
ngay
những người của môn phái ấy. Cao thủ của môn phái này mới xuất thủ thì
nàng đã
biết là môn võ nào và cao thủ của môn phái kia sẽ dùng môn võ nào để
ứng phó.
Khi những đối thủ còn mò mẫn chưa biết nên giở những đòn gì cho phải
thì nàng
đã tiên liệu được tất cả những diễn biến của cuộc đấu. Và mỗi lần nàng
mở miệng
mách một thế võ cho một cao thủ thượng thừa thì, nghe cái giọng yêu
kiều và xa
xôi như đến từ một thế giới khác ấy, người ta muốn nghĩ rằng nàng ở
giữa cuộc
đời như nàng tiên của tri thức thuần túy. Tiếc thay võ học trong đời
nàng chỉ
là chuyện phụ. Người con gái ấy, cũng như Đoàn Dự, ngoài tình yêu chẳng
coi gì
là trọng. Hai người sinh ra để lấy nhau. Một người gần như biết tất cả
võ công
của thiên hạ và một người, nhờ Chu cáp thần công có sức hút công lực
của người
khác mà súc tích trong người nội lực của không biết bao nhiêu anh hùng.
Sự
tương kết giữa đôi trai gái ấy sẽ đưa tới kết quả nào? Không ai biết.
Nhưng
người ta biết rằng cả hai đều coi võ học như một cái gì phù phiếm, và
trước thế
chia đôi ấy, giữa kiến thức và nội lực, người ta không thể không nghĩ
rằng cái
thời đã hết, một khi Vô Kỵ, vừa có Cửu dương chân công, vừa có Càn khôn
đại nã
di tâm pháp, thâu tóm trong một cá nhân tất cả những có thể của võ học.
Sự tổng
hợp ấy, sau Vô Kỵ, không xảy ra một lần nữa.
Nhưng trong Thiếu Lâm
tự cũng như trong lòng người võ lâm,
Tàng Kinh Các vẫn sừng sững làm chứng cho một chí chinh phục không bao
giờ
nguôi. Vẫn có người giết nhau, và khó hiểu thay, thí mạng để độc chiếm
một võ
công như ông già trong nhóm Trường Bạch tam cầm, đã trúng độc sắp chết
mà cứ
khư khư ôm lấy con đao Đồ Long không chịu mang ra đổi lấy giải dược,
chỉ vì
nghĩ rằng trong con đao ấy có giữ một võ học kỳ thư. Vẫn có những Châu
Bá
Thông, sau khi đã chán tất cả nhưng vẫn chưa biết chán võ học bao giờ.
Vẫn có
những Cưu Ma Trí suốt đời đi tìm những võ công lạ và sẵn sàng làm tất
cả để đổi
lấy tuyệt kỹ mà mình chưa được biết. Nhưng võ học mênh mông. Võ công
này chưa
thông đạt thì đã xuất hiện võ công khác phức tạp hơn. Khi chưa nắm được
cái
nguyên lý của võ học thì có biết bao nhiêu cũng vẫn là một cái biết dở
dang.
Các cao thủ phải học từng võ công một, cũng như trong Tàng Kinh Các,
cuốn võ
học kỳ thư này xếp lên cuốn võ học kỳ thư kia. Trí nhớ khi ấy có một ý
nghĩa
nên thơ. Nhưng kiến thức vẫn chỉ là một tổng số không bao giờ thành
tổng hợp.
Ngay Càn khôn đại nã di tâm pháp cũng chỉ là một tổng hợp rất lớn chứ
chưa có thể
nói là đã đạt tới nguyên lý cuối cùng của võ học. Người ta nhớ rằng Vô
Kỵ đã
luyện thông bẩy lớp của Tâm pháp ấy một cách dễ dàng. Nhưng tới lớp thứ
tám thì
chàng thấy rất khó và gặp những đoạn văn tối nghĩa chứa những mâu thuẫn
không
giải quyết được. Hình như người sáng tạo ra tâm pháp ấy tới một độ nào
cũng đã
vấp phải một bức tường không thể nào vượt qua. Hay tại Kim Dung cũng
muốn dành
một phần cho Thượng đế? Những Cưu Ma Trí, Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn,
sau một
đời khổ luyện, tưởng đã tới giới hạn cuối cùng của võ học thì, ngay khi
ấy, họ
chợt khám phá ra rằng cái tham vọng vượt bực của họ nghịch lại những võ
công
tối cao họ luyện được, mà mục đích là dẫn tới cái ý của võ học trong
một sự
lãng quên, và sự tương nghịch ấy đang ngấm ngầm dẫn họ đến chỗ tẩu hỏa
nhập ma.
Cảnh tượng ấy mới tuyệt vọng làm sao! Nhưng con người của Kim Dung,
trong giấc
mộng bách khoa, trong ý chí sáng tạo, trong tinh thần chinh phục của
nó, ngay
khi đã bị cái tham vọng của nó quật ngã, không phải đã không nói lên
một cái gì
vượt bực trong con người. Sự vượt bực ấy, tuy nhiên, như mang sẵn trong
nó cái
ngòi của thất bại. Con người có một sức sáng tạo không cùng. Nhưng tất
cả xảy
ra như càng sáng tạo người ta càng xa chân lý và càng thất lạc trong
cảnh tạp
loạn của cái kiến thức người ta đã tạo ra. Cho nên người anh hùng đích
thực của
Kim Dung, như Vô Kỵ, thường không phải là người của sáng tạo mà của sự
trở về
và sự tìm thấy lại.
***
Ghi chú:
Sự ra đời của Cửu
Dương thần công.
Cửu Dương thần công
được viết bên lề một cuốn kinh. Bộ Thần
Điêu đại hiệp chấm dứt khi Dương Qua, trước khi tuyệt tích giang hồ
cùng người
yêu mà cũng là thầy, là Tiểu Long Nữ, đã giúp nhà sư Thiếu Lâm bắt hai
tên trộm
kinh sách trong có võ công, nhưng không kiếm thấy tang vật.
Bộ Ỷ Thiên Kiếm và Đồ
Long Đao bắt đầu từ nghi án đó: sự mất
tích của một nguyên lý.
Nguyên lý mất tích,
nhưng dấu vết của nó vẫn còn, qua Giác
Viễn và đệ tử của ông, và “trở thành hiện thực”, qua cuộc tỉ võ giữa
Côn Luân
Tam Thánh với Trương Quân Bảo.
Và qua những lời lẩm
bẩm trước khi chết của Giác Viễn. Ba
người được nghe. Một hiểu hết, là nhà sư Vô Sắc, nhưng ông cũng tuyệt
tích
giang hồ sau đó. Một nghe, nhưng không hiểu hết, là Trương Quân Bảo, do
còn nhỏ
chưa từng học võ công. Một nghe, nhưng cũng không hiểu hết, là Quách
Tường, chỉ
vì sở học trước đó của nàng khác hẳn những gì nàng nghe được, từ miệng
nhà sư.
Đây là tư tưởng cơ
bản của Roland Barthes: vấn đề ý nghĩa
(le problème de la signification), và con người, như là kẻ tạo ra những
ký hiệu
(Homo significans). Quách Tường khăng khăng không tin những gì mình
nghe được –
những ý nghĩa mới về võ học, từ miệng nhà sư, trong cơn hấp hối, đọc tứ
lung
tung, đâu là trang Kinh, đâu là võ công viết bên lề- là do sở học của
nàng
trước đó: muốn thắng địch là phải ra đòn trước, để cướp tiên cơ. Cửu
Dương thần
công nói ngược lại. Vô Kỵ, khi xả thân cho Minh Giáo, chịu đòn của Diệt
Tuyệt,
phải tới chưởng thứ ba, mới nhận ra nguyên lý này: địch mạnh mặc kệ
nó…. Một
cách nào đó, Cửu Dương thần công là một nguyên lý đảo ngược quan niệm
võ công
có trước nó.Người ta đã chẳng coi Marx lật ngược luận lý của Hegel và
sáng tạo
ra duy vật biện chứng pháp? Và từ những mảnh vụn của Cửu Dương thần
công, võ
lâm Trung nguyên đã có thêm một số môn phái, mỗi môn phái lại đem đến
cho võ
học những võ công mới, những quan niệm mới về võ học: nào là một lạng
đấu ngàn
cân, Thái cực quyền, Thái cực kiếm mà nguyên lý của nó là phải quên hết
những
chiêu thức…
Và đó là một trong
những hạnh phúc được làm người: được tự
do ban ý nghĩa cho sự vật.
Cho nên, hãy cùng
than với Đỗ quân: Cảnh tượng mới tuyệt
vọng làm sao! Sự mất tích nguyên lý [Cửu Dương thần công] dẫn tới tham
vọng
vượt bực - ngay cả khi bị quật ngã, cái ngòi của thất bại, dành một
phần cho
Thượng đế?… - và cuối cùng khám phá ra rằng nghi án mất kinh phật nằm
ngay
trong sự lãng quên của con người…
***
Nội lực mới là căn
bản của võ học.
Nhưng nội lực cũng
mang trong nó mầm thiện, hoặc ác. Du Thản
Chi, công lực thượng thừa do luyện thành Dịch Cân Kinh, trong người lại
đầy
chất kịch độc, đòn đánh trúng Bao Bất Đồng, độc như thế, lạnh như thế
(do chất
hàn độc của băng tầm), nhưng kẻ bị đòn vẫn khăng khăng, đây là võ công
của Phật
môn. Càn khôn đại nã di, oai lực là như thế, nhưng khi Vô Kỵ sử dụng để
đấu với
ba nhà sư vai vế chữ Độ, cùng với Chu Chỉ Nhược, nhằm cứu Tạ Tốn, chàng
chẳng
cần bị đánh trúng, nhưng suýt nữa trở nên khùng, nếu không có những lời
tụng
kinh của Tạ Tốn từ dưới hầm sâu vọng lên hoá giải hết ác niệm trong
người Vô
Kỵ. Xem thế, “nguyên lý của mọi võ công”, hay cái thực hành (praxis)
không phải
là “nguyên lý của mọi nội công” (lý thuyết). Chính vì vậy, khi Cưu Ma
Trí tự
khoe thành thạo đủ 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm, chỉ có Hư Trúc biết là nhà sư
Thổ
Phồn này nói láo, và đã sử dụng nội công của Đạo gia ra đòn Niêm hoa vi
tiếu (?)
đánh thủng ngực vị cao tăng Thiếu Lâm. Bị Hư Trúc tố cáo, “đó không
phải là võ
công của Thiếu Lâm”, Cưu Ma Trí, vì không biết Hư Trức là đệ tử của
Thiên Sơn
Đồng Mỗ, tức là cũng biết môn nội công tiểu vô tướng công (?), nên đã
cho rằng,
bởi vì đòn của mình quá “bá đạo” nên mới lộ tẩy: điều này chứng tỏ,
muốn sử
dụng võ công Thiếu Lâm phải có nội công Thiếu Lâm. Nói rõ hơn, phải có
Phật
pháp ở trong lòng: Cao tăng Thiếu Lâm, và chúng anh hùng chẳng đã “lắc
đầu
chiêm ngưỡng”cuộc đấu giữa Hư Trúc và Đinh Xuân Thu, hai đại cao thủ
Đạo gia:
như hai vị thần tiên nhẩy múa, nhưng đòn nào cũng chí mạng. Cũng chính
vì tập
luyện võ công Phật môn (thực hành), mà lại không có Phật tính (lý
thuyết), nên
Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn mới bị trọng thương, sau nhờ nhà sư già
dùng qui
tức công cứu chữa, và sau đó qui y cửa Phật; còn Cưu Ma Trí, do cũng là
người
cửa Phật, cho nên đại họa chỉ xẩy tới khi tham lam học thêm môn Dịch
Cân Kinh…
Vương Ngọc Yến thuộc
lòng võ công trong thiên hạ, chỉ trừ
Lục Mạch Thần Kiếm, Dịch Cân Kinh. Liệu có thể coi hai môn võ công này
là độc
nhất trong thiên hạ? Dịch Cân Kinh đã có người học được, là Du Thản
Chi, nhưng
khi xuất thủ nó lại trở thành tối độc, do chất độc của con băng tầm.
Lục Mạch
Thần Kiếm, xuất thủ khi được, khi không. Điều này chứng tỏ: Cái đẹp
nhất, cái
tuyệt hảo, là cái bất toàn, và chúng ta có thể nói theo George Steiner:
“chưa
hoàn tất” là mật khẩu đi vào thế giới võ học của Kim Dung.
***
“Cho nên người anh
hùng đích thực của Kim Dung, như Vô Kỵ,
thường không phải là người của sáng tạo mà là của sự trở về và sự tìm
thấy
lại”.
Theo Đỗ Long Vân, Vô
Kỵ
đã có được cả hai, Cửu Dương (nội công thượng thừa
của Thiếu Lâm) và Càn
khôn (nguyên lý của mọi võ công), thâu tóm trong một cá nhân tất cả
những có
thể của võ học. Sự tổng hợp ấy, sau Vô Kỵ, không xẩy ra một lần nữa.
Nhưng Vô Kỵ, cho dù
đã được “tổng hợp”, chỉ trở thành thiên
hạ đệ nhất cao thủ, khi trở về Võ Đang học được Thái Cực Kiếm, và được
Trương
Tam Phong dậy bảo thêm về võ học. Nhờ vậy, Vô Kỵ đã đã bại Huyền Minh
nhị lão
tại ngôi chùa, nơi Triệu Minh giam giữ quần hào võ lâm. Chứng kiến trận
đấu,
Minh Giáo hữu sứ Dương Tiêu đã phải thốt lên: Trương Tam Phong là
“người nhà
trời” là vậy.
Tuy võ công của
Trương Tam Phong là từ một mẩu vụn của Cửu
Dương chân kinh mà ra, nhưng Thái Cực Quyền Kiếm, Miên chưởng… là hoàn
toàn do
Trương Tam Phong sáng tạo. Giả sử không có Trương Tam Phong, Cửu Dương
chân
kinh không thể nào đạt được đến mức tuyệt hảo của nó, qua đệ nhất anh
hùng
trong thiên hạ, là Vô Kỵ. Điều này chứng tỏ: không thể chỉ có “sự trở
về, tìm
thấy lại”. Sáng tạo chỉ là lập lại, nhưng một sự lập lại không giống
như trước
nữa.
Và cái cảnh trở về
tìm thấy lại, phải chăng nó giống như một
anh chàng gặp tiên gặp hồ, khi tỉnh giấc, thấy chung quanh không còn
lâu đài, mà
là mồ mả, mở đôi hài của người đẹp ra mân mê, thì đôi hài biến thành
sương
thành khói, hoặc tựa chiếc lá vàng nhẹ nhàng bay lên thinh không…?
***
Giấc mộng bách khoa:
Vai trò của Triết học, Thi ca… trong
truyện võ học.
Roland Barthes nhận
xét “văn chương của chúng ta” đã mất khá
thời gian mới khám phá ra “vai trò phụ”, của những gì ở bên ngoài con
người và
ở bên trong một cuốn tiểu thuyết: Phải đợi tới Balzac tiểu thuyết mới
không còn
chỉ là chuyện giữa người và người, mà cũng còn của đồ dùng, vật liệu.
Chúng
được gọi ra để chơi vai trò của chúng trong tiểu thuyết. Làm sao
Grandet biển
lận, theo nghĩa đen của từ này, nếu thiếu những mẩu nến, những miếng
đường, cái
thập tự bằng vàng?
Cũng thế, vai trò của
những triết, thi, họa… ở trong tiểu
thuyết của Kim Dung. Thiếu tài hóa trang của A Chu, làm sao thảm kịch
Người Đại
Ác đạt tới mức bi thương đến như vậy? Cái chết của A Chu, là do nàng tự
nguyện,
cho nên không thể nói là thảm khốc, nhưng “Tuyệt Bi” bắt đầu, khi A Chu
giả
dạng một vị sư vào Thiếu Lâm ăn trộm Dịch Cân Kinh… Đây là nghi án thứ
nhì, sau
nghi án thứ nhất xoay quanh cuốn kinh “ở trong dầu”, tức Cửu Dương chân
kinh.
Ôi! Thông minh như
Kiều Phong, cẩn trọng như Kiều Phong, tại
sao lại không nhận ra những dáng dấp quen thuộc của A Châu, khi hóa
trang làm
Kẻ Đại Ác?
Hay là tại hận thù
làm mờ lý trí? Nhưng nếu không có sự lầm
lẫn đánh chết người yêu, làm sao nhận ra, là người yêu vì mình mà chịu
chết?
Bi kịch đẻ ra bi
kịch: Chứng kiến Kiều Phong đánh chết chị,
và những giọt nước mắt đổ xuống hoà với máu, A Tỉ nhận ra người yêu
đích thực
của mình là Kiều Phong…Tình Yêu ở trong Kim Dung là “đệ nhất cái đẹp”!
Nhân đây, xin giới
thiệu bài viết của một nữ độc giả, hay là
một hồng nhan tri kỷ của ông:
“Còn mãi Kim Dung.”
Phương Hồng Diễm
(Trung Quốc).
“Nào biết đó là nỗi
bi ai cho tôi hay nỗi bi ai của cuộc
sống đây?”
Khoảng mười năm trước, khi Kim Dung một thân, một kiếm đi
khắp Thần Châu, tôi mới 18 tuổi, đang còn đi học.
Các bạn học sinh nam chuyền tay nhau đọc
như điên, thành hẳn
một phe đối lập với Quỳnh Dao của phe nữ. Chỉ trong một lúc mà thế giới
chia
hẳn thành hai cực nam, bắc; một bên bóng đao ánh kiếm, một bên người
đẹp như
tranh.
Mười năm trước đây, hầu hết học sinh đều rất nghèo, nhưng
đám Kim Dung lại dương dương đắc ý, chỗ nào ống tay áo phất tới là kết
giao bạn
bè. Do túi rỗng không xu, các bạn trai bèn phân công nhau mua, hẹn ngày
chuyền
tay nhau đọc. Cứ đến cuối tuần thì trong lớp học hay trên bãi cỏ thế
nào cũng
có các hiệp sĩ võ lâm họp mặt nhau lại để ấn chứng võ nghệ, vui quên cả
mệt mà
rèn luyện công lực nội thân. Có điều họ giao lưu võ công không cần dùng
đến tay
chân mà chỉ dùng mồm: nào Đông Tà, Tây Độc, nào Nam Đế, Bắc Cái, nào
Tuyết Sơn
Phi Hồ, nào Thần Điêu hiệp lữ… mười tám ban võ nghệ đều khảng khái từ
miệng
phát ra, thỉnh thoảng lại thêm một số ca từ, thơ phú điểm xuyết giữa
chừng để
tăng thêm vị bi tráng sâu xa. Tất nhiên cũng có khi động thủ, ấy là lúc
đôi bên
bất chợt đấu khẩu, đấu đến mức lục tung cả Kim Dung đến cùng cực mà vẫn
không
phân biệt được sắc thu, cũng là đến lúc cưỡi hổ khó xuống, chỉ còn cách
dùng
chưởng, đúng như Kim Dung nói, là đã đến lúc tỉ thí nội lực rồi. Nếu đúng lúc này không may có mấy nàng Quỳnh
Dao đứng cạnh, đưa mắt xinh như mộng thẫn thờ xem trận đấu thì sự việc
lớn bậc
nhất đồn ầm lên trong làng võ lâm ngày hôm sau ắt là tin “một chết một
bị
thương” giữa hai cao thủ nội lực ngày hôm trước.
Bây giờ nghĩ lại tình hình lúc ấy, bất giác không tránh khỏi
mỉm cười, nhưng câu chuyện hồi ấy, nơi kết quả khiến ai nấy đều cảm
động. Các
bạn nam trong lúc văn tài rờ rỡ, để hết tâm trí vào một kiếm cho xong
ân oán,
quyết chí giang hồ và những ánh mắt si ngây nhìn theo quả thực ai cũng
phải
thổn thức.
Trong một buổi hoàng hôn se lạnh, lá vàng lác đác rơi trước
gió thu, tôi gặp một bạn nam để mượn Kim Dung; tôi nhớ lúc ấy dường như
bên sân
bóng, khá lạnh. Trong lúc vui mừng tột độ, bạn nam xúc động đến nỗi hai
mắt
sáng lên. Ánh mắt ấy, xuyên qua cặp kính dầy cộm phản chiếu lại ráng
chiều tĩnh
mịch, thật là sảng khoái lâm ly chẳng khác gì đi giữa chốn giang hồ
hiểm ác,
cuối cùng gặp được tri âm, nhất là tri âm ấy lại là hồng nhan.
Anh bạn trước hết khen Thiên Long Bát Bộ với tôi, đồng thời
say sưa đọc thuộc lòng những tiêu đề mỗi hồi trong sách. Giới thiệu
nhiệt tình
đến thế, tất nhiên tôi không thể không có gì đáp lại, thế là nhận sách
xong,
tôi mỉm nụ cười rồi mới quay gót bước đi. Anh chàng kinh ngạc lần nữa
rồi cất
tiếng thở dài xa xa vọng lại: “Mĩ mục miện hề, xảo tiểu thuyến hề!”
[Chữ trong
sách Luận Ngữ, dẫn lại từ bài Thạc nhân trong Kinh Thi, nghĩa là: Má
lúm cười
xinh sao, mắt long lanh đẹp sao! Chú thích của nhà xuất bản].
Đọc rồi mới thấm thía với cảm giác “túy lúy biết rượu ngon”,
thì ra Kim Dung uyên bác tinh thâm nhường ấy. Đọc vào tình tiết thì
không còn
làm chủ được mình nữa. Anh hùng mĩ nữ,
chí cương chí nhu, bàn về kiếm ở Hoa Sơn, máu chảy tràn trên sa mạc,
dưới bút
bậc đại sư, giang hồ tuy gian hiểm ác độc song lại cũng vô hạn phong
quang. Đọc
đến chương “Hứa hẹn suông chăn bò dê nơi biên tái”, trong đêm mưa gió
não nề,
trên lầu nơi cầu nhỏ, Kiều Phong vung một chưởng ra, A Châu hồn lìa
theo gió.
Chưởng đó chẳng những làm vỡ vụn tuyết bay nơi biên ải, làm lỡ lời thề
cùng
nhau chăn bò dê, mà còn khiến nước mắt tôi bỗng chốc thành trận mưa
rào. Lúc ấy
trái tim thiếu nữ cho rằng đó chính là tình yêu vĩ đại bậc nhất. Nếu
đem so,
Quỳnh Dao nào đáng kể gì? Gương chuốc sầu làm bài thơ mới, không bệnh
mà rên,
có vậy mà thôi, từ ấy bèn giã biệt Quỳnh Dao.
Đọc hết cả bộ truyện xong tỉnh giấc, thấy thế giới vẫn y
nguyên, cái gì đẹp vẫn đẹp, cái gì xấu vẫn xấu, tự mình không thể trừ
lũ bạo
ngược, cũng không thể yên dân lương thiện. Đêm dài dằng dặc, nào đâu
cao thủ
thiếu niên tự trời xuống bảo vệ quanh mình? Tuyết bay tơi tả, nào đâu
hiệp sĩ
áo trắng bầu bạn cùng ta nơi góc biển chân mây? Thôi cho rồi, không xem
cũng
vậy.
Nhưng không bao lâu sau, chẳng cưỡng nổi sức lôi cuốn của
rất nhiều chàng kính cận lêu đêu như sào trong giới võ lâm, cuối cùng
một lần
nữa tôi lại tìm đến người bạn trai hồi nào.
Với thần sắc như dự liệu, chàng thở dài một hơi bảo tôi:
-Người chốn giang hồ, thân không làm chủ mà! Bộ Tiếu Ngạo
Giang Hồ này tôi mới mua xong, bạn xem trước vậy!
Vẻ mặt anh chàng như cứu người khỏi nước sôi lửa bỏng, tôi
nhìn thấy mà thương!
Bây giờ tốt nghiệp rời trường đã mươí năm, tôi không còn đọc
tiểu thuyết võ hiệp nữa, chỉ nghe loáng thoáng trong giới võ lâm đã có
thêm Cổ Long,
Ôn Thụy An cùng nhiều danh gia khác, song tôi đã là vợ, là mẹ, dù ở chỗ
sâu kín
nhất trong lòng, vẫn thủy chung dành một phần hướng về cảnh tượng giang
hồ vô
cùng đẹp thú, thì, theo tầm vóc con trai [của tôi] ngày một cao, phần
hứng thú
đó cũng ngày một giảm cho tới lúc hóa thành số không.
Cuộc sống cứ thế trôi qua từng ngày, tẻ nhạt và mệt mỏi,
cảnh tượng xiêu lòng xa trông giang hồ giữa lúc chiều tà nhuộm máu,
trăng sáng
gió thu, đăm đăm nhìn thế giới, đã như ở một nơi nào xa lắc, còn bầu
bạn bên tôi
chỉ có đứa con trai chưa hiểu biết gì về thế giới này mà lại muốn nhảy
ra thử
sức, không hề biết sợ là gì. Mặc dù cháu còn quá nhỏ, quá nhỏ nhưng đôi
mắt
trong xanh của cháu ít nhiều cũng khiến tôi nhớ lại khoảng trời sáng
sủa, thuần
nhất, chân chất ngày nào.
Trong những đêm ẩm ướt và quạnh quẽ, tôi cũng có đọc sách.
Nào “Dương Xuân bạch tuyết”, nào “Hạ Lí ba nhân” [“Dương Xuân bạch
tuyết” là
một khúc hát cao nhã của nước Sở thời Chiến quốc, đối lập với “Hạ lí ba
nhân”,
tên một khúc hát dân gian. Sau này dùng để chỉ tác phẩm cao nhã và tác
phẩm đại
chúng. CTNXB], song thực lòng mà nói, đọc thì có đọc đấy nhưng không
sao cảm
động nổi. Sách vừa rời tay, ngày hôm sau đã không còn mảy may vương lại.
Một hôm tôi về nhà mẹ, ngẫu nhiên bắt gặp hai tập “Ỷ Thiên
đồ long kí” dầy cộm trên đầu giường em trai, hai chữ “Kim Dung” đập
ngay vào
mắt. Sau một thoáng ngẩn người, tôi đưa tay cầm lên. Cái văn quen thuộc
của đại
sư phả vào mặt mũi khiến người đọc cảm động mãi không thôi. Cầm lòng
không đậu,
khoé mắt tôi dường như cũng hơi ươn ướt.
Mười năm nay, chưa từng có cuốn tiểu thuyết nào khiến lòng
tôi thổn thức nhường ấy. Nào biết đó là nỗi bi ai cho tôi hay nỗi bi ai
của
cuộc sống đây?
Phạm Tú Châu dịch (Theo báo Tânhoa văn, số 7 năm 1995).
***
Tiểu thuyết như là
tổng số những tri thức của mọi thời đại,
giấc mộng bách khoa này cũng là của Kim Dung, và chúng ta có thể áp
dụng câu
sau đây cho chính ông: Sau Kim Dung, không còn xẩy ra nữa. Nói rõ hơn,
tiểu
thuyết võ hiệp của ông vẫn thuộc dòng chính thống, với một nhân vật như
là hiện
thân của cuộc xung đột giữa chính và tà. Sau Kim Dung, muốn viết, là
phải đổi
khác, Tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long là một thí dụ.
Tô Tinh Hà sự thực không có tham vọng bách khoa, mà chỉ mê
có tới… ba bốn cái đẹp: Cầm Kỳ Họa và Võ. Một cách nào đó, ông đã đạt
được cả
ba. Họa: Bức vẽ Vương Ngọc Yến. Đàn: Qua nhân vật A Kiếm. (Độc giả còn
nhớ cuộc
thi đấu nội lực giữa nhà sư Thổ Phồn và A Kiếm qua tiếng đàn của A
Kiếm, và
Đoàn Dự xuất thủ Lục Mạch Thần Kiếm đánh bị thương nhà sư Cưu Má Trí)…
Kỳ: ván
cờ Hư Trúc… Toàn những đệ nhất kỳ quan trong thiên hạ!
***
8. Tiến tới một sự
phân loại.
“Dear Reader: Behind
every story you read, there’s another
story waiting to be told”
(Bạn đọc thân mến:
Đằng sau mỗi câu chuyện bạn đọc, có một
câu chuyện đang chờ tới lượt mình).
The Guardian Weekly.
“Người ta thường
xuyên gặp trong Kim Dung thái độ nước đôi
ấy trước trí năng, vừa cảm phục vừa nghi kỵ.”
“Không phải ngẫu
nhiên mà họ là những đạo sĩ và tăng nhân đã
thoát tục. Nhưng không lẽ…”
ĐLV
“Qui est Ky?”
De Gaulle
Cái biển võ học chập
trùng chẳng biết đâu là giới hạn. Không
võ công nào giống võ công nào. Nhưng nếu chưa thể thu ngần ấy cái độc
đáo vào
một mối, thì trong khi chờ đợi, sao người ta không thử xếp loại chúng?
Hình như
Kim Dung đã chia tất cả võ công trên đời ra làm hai khối lớn: Âm công
và Dương
công. Võ công thuộc Âm thì mau, mềm mại và ác độc; thuộc Dương thì chậm
nhưng
dũng mãnh và cương trực. Người ta coi thứ võ này là chính giáo còn thứ
võ kia
là tà môn. Võ công tuy nhiên chỉ là phương tiện. Khác nhau duy ở mục
đích cuối
cùng của người dụng võ. Âm hay Dương thì võ công nào chẳng giết người.
Xem Kim
Dung nhấn mạnh trên mọi sự phân biệt giữa Âm và Dương thì người thấy
rằng tất
cả những cố gắng của ông là để đem những tiêu chuẩn tự nhiên ấy thay
thế cho
những tiêu chuẩn nhân văn và đạo lý. Tà và Chính đổi thành Âm và Dương,
nghĩa
là hai mãnh lực của tự nhiên. Trong tự nhiên không có Tà và Chính. Và
Âu Dương
Phong và Hồng Thất Công, một người tượng trưng cho ác tâm và một người
đại diện
cho thiện chí, sau mười mấy ngày đấu liên tiếp, lại có thể ôm nhau để
cùng chết
giữa lúc tiếng cười của họ còn chấn động cái hoang vu của những đỉnh
núi tuyết
nghìn năm. Mẹ Tự Nhiên đã giải hóa hai đứa con xung khắc của mình. Xã
hội người
đặt chúng vào cái thế tương nghịch. Ác của đứa này cũng như Thiện của
đứa kia
đều có gốc ở năng tính. Và năng tính như một mãnh lực của tự nhiên,
trong Kim
Dung, người ta biết là bao giờ cũng tốt. Khả nghi nhất là con người của
trí
năng. Ấy là những Hoàng Dược Sư chẳng hạn. Người đời thường hỏi họ
thiện hay
ác. Nhưng họ khinh dư luận, coi rẻ đạo lý của người đời và tự đặt những
qui
luật riêng để hành động. Tham vọng của họ là đem tài mình ra cướp quyền
tạo hóa.
Không những giỏi võ công mà trong những lãnh vực khác, kiến thức của họ
cũng
thâm viễn vô cùng. Ngoài cái tài hoa của một nghệ sĩ, Hoàng Dược Sư còn
thông
thạo trận đồ, kiến trúc, và những kỹ thuật làm máy móc. Xa lục địa,
trên đảo
Đào Hoa, ông xây dựng cả một giang sơn biệt lập cho mình. Cái trí, cái
xảo, cái
tài hoa ấy tuy nhiên có một cái gì điêu bạc. Những con người ấy quá
nhạy cảm và
giàu tưởng tượng. Óc của họ không ngừng làm việc, bày mưu tính kế. Làm
sao
trong sự giao động thường xuyên họ có thể có cái tĩnh cần thiết để tới
cái chân
nguyên của võ học vốn chỉ thông đạt những tâm hồn chất phác và đơn
thuần, nghĩa
là gần tự nhiên hơn? Cho nên có những võ công mà chính cái tài hoa của
họ làm
họ không tài nào luyện được. Và võ công của họ thường cũng mang ấn tích
của cái
tài hoa mà họ vốn có thừa, nghĩa là ít phức tạp, khi thực khi hư, mau
lẹ và
uyển chuyển, nhưng, như Lạc Anh quyền, đôi khi không khỏi thiếu phần
cương
trực. Người ta thường xuyên gặp trong Kim Dung thái độ nước đôi ấy
trước trí
năng, vừa cảm phục lại vừa nghi kỵ. Ấy là cái ngòi bảo thủ trong văn
ông.
Năng tính là giải
thuyết của sự đối lập giữa thiện và ác.
Nhưng giữa năng tính và trí năng thì sao? Hình như Kim Dung lại muốn
vượt sự
đối lập ấy trong con người của Đạo. Sau khi nghe giảng Thái Cực quyền
một lần
nữa thì xét lại, chỉ còn nhớ có hai ba chiêu trong đầu. Người ta không
khỏi
ngạc nhiên. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là khi cái lối càng học càng
quên ấy
lại được coi là một tiến bộ. Cũng như thế, trong một truyện khác, người
ta thấy
một anh hùng giang hồ than thở là kiếm pháp trên đời tuy ông đã thuộc
cả, nhưng
vẫn chưa đến chỗ tối cao là quên được những kiếm pháp đã học ấy! Thì ra
cái
biết thực của võ học không ở những cách khoa chân múa tay của những
chiêu lẻ mà
ở nguyên lý của chúng. Khi thấy cái nguyên lý ấy rồi, nghĩa là đã thu
những tạp
chiêu ấy vào một mối, thì người ta không cần nhớ đến chúng nữa. Một
chiêu còn
nhớ là một chiêu chưa thấu triệt, sự thống nhất chưa trọn vẹn, và cái
biết còn
dở dang. Cái biết thực của võ học cũng như trong đạo là một sự lãng
quên những
ảo ảnh của ngoại thể để tới cái chân nguyên của tất cả. Người và tự
nhiên khi
ấy mới thật tương đồng, trí năng và tính năng là một. Và cá nhân thực
hiện được
sự thống nhất của mình. Những xôn xao của ngoại giới không thể làm hắn
phân tâm
nữa và cái tĩnh thuần nhất của lòng hắn không có gì có thể dao động
nổi. Ngay
võ công đã luyện được hắn cũng quên đi. Ấy là khi võ công đã thấm vào
người hắn
đến chỗ có thể tùy nghi tự ý phát động mà không cần sự can thiệp của ý
chí.
Vương Trùng Dương trong Anh Hùng Xạ Điêu, Trương Tam Phong và bộ ba Độ
Ách, Độ
Nạn, Độ Kiếp trong truyện Đồ Long Đao, nhà sư già coi Tàng Kinh Các
trong Thiên
Long Bát Bộ [Lục Mạch Thần Kiếm] là những người gần như đã tới độ tối
cao của
võ học. Không phải ngẫu nhiên mà họ là những đạo sĩ và tăng nhân đã
thoát tục.
Nhưng chẳng lẽ Kim Dung lại kể chuyện võ hiệp để ca ngợi cái đức của sự
tu
hành? Nhưng có lẽ một cái nhìn kỹ lưỡng vào thế giới và nghệ thuật của
Kim Dung
sẽ cho người ta một đáp thuyết vững vàng hơn.
Ghi chú:
Ở trên, trong phần
ghi chú, người giới thiệu đã cho rằng, Đỗ
Long Vân đã sử dụng cơ cấu luận như một phương pháp “tiện tay, đương
thời” để
đọc Kim Dung.
Gérard Genette, trong
bài “Cơ cấu luận và phê bình văn học”,
in trong Hình Tượng I (Figures I, nhà xb Seuil, tủ sách Essais, 1966),
đã nhắc
tới một chương trong cuốn Tư Tưởng Hoang Sơ (La Pensée Sauvage) theo
đó,
Lévi-Strauss đã coi tư tưởng huyền thoại như là “một kiểu loay hoay về
tinh
thần” (une sorte de bricolage intellectuel). Chúng ta có thể mượn quan
niệm
trên đây của Lévi-Strauss, để giải thích tại sao Đỗ Long Vân lại dựa
vào cơ cấu
luận, khi viết “Vô Kỵ giữa chúng ta”. Từ đó, chúng ta có thể đi đến kết
luận:
Vô Kỵ là ai? (Qui est Ky?, mượn lại câu hỏi của de Gaulle, khi hoà đàm
về Việt
Nam đang diễn ra tại Paris; Ky ở đây là Nguyễn Cao Kỳ). Biết đâu, nhân
đó,
chúng ta có thể xác định vai trò của một người viết, như Đỗ Long Vân, ở
giữa
chúng ta.
Thế nào là một tay
loay hoay, hí hoáy (le bricoleur)?
Khác với viên kỹ sư,
đồ nào vào việc đó, nồi nào vung đó,
nguyên tắc của “hí hoáy gia” là: xoay sở từ những phương tiện, vật dụng
sẵn có.
Những phương tiện, vật dụng, được sử dụng theo kiểu “cốt sao cho được
việc” như
thế, ở trong một hệ thống lý luận như thế, chúng không còn “y chang”
như thuở
ban đầu của chúng nữa.
Cơ cấu luận đã có
những thành tựu lớn lao qua một số tác giả
như Lévi-Strauss, Roland Barthes, Gérard Genette… và nhất là Michel
Foucault,
cho dù ông đây đẩy từ chối nhãn hiệu cơ cấu (làm sao nhét vào đầu óc
của những
kẻ thiển cận…tôi không hề sử dụng bất cứ thứ gì của cơ cấu luận). Trong
số
những tư tưởng cận đại và hiện đại như hiện sinh, cơ cấu, giải cơ cấu,
hậu hiện
đại… đóng góp của cơ cấu luận là đáng kể nhất, theo chủ quan của người
viết.
***
“Nhưng nếu chưa thể
thu ngần ấy cái độc đáo vào một mối, thì
trong khi chờ đợi, sao người ta không thử xếp loại chúng?”
Trong khi chờ đợi
(Godot?): Thời gian chờ đợi - nếu chúng ta
cùng gật gù với Barthes - “Huyền hoặc thay, sở hữu thế gian không bắt
đầu từ
Sáng Thế Ký, mà là khi tư hữu bắt đầu, tức là từ Đại Hồng Thủy, khi con
người
bắt buộc phải đặt tên cho từng chủng loại, lo nơi ăn chốn ở cho chúng,
tức là
tách chúng ra khỏi những chủng loại khác.” - phải tính từ Đại Hồng
Thủy, và cái
công việc “thử xếp loại”, cũng đã bắt đầu từ đó. Và đây là lịch sử nhân
loại
trước khi, và chắc là chẳng bao giờ được thu về một mối.
Và đó cũng làø một
trong những “chủ đề” của cuốn “Chữ và
Vật”.
“Les Mots et les
Choses”, nhan đề bản tiếng Anh có lẽ sáng
sủa và thích hợp với chúng ta: “The Order of Things (Trật tự của những
sự
vật).” Trong Lời Mở Đầu, ông cho biết, cuốn sách được gợi hứng từ một
bài viết
của Borges. Và cùng với bài viết, là tiếng cười làm rung rinh cõi tư
duy của
chúng ta (Tây phương). Borges nhắc tới một cuốn bách khoa nào đó, ở xứ
sở của
Kim Dung, theo đó, loài vật được chia ra như sau:
a/ thuộc về Hoàng Đế,
b/ được tẩm nước thơm, c/ được thuần
hóa, d/ heo sữa, e/ nhân ngư, f/ huyền hoặc, g/ chó thả rông, h/ ở
trong bảng
sắp xếp này, i/ cử động như người điên, j/ không thể đếm được, k/ được
vẽ bằng
một ngọn bút lông lạc đà thật mịn, l/v…v… và v… v, m/vừa đánh bể một
cái bình,
n/ ở xa trông như ruồi.
Theo Foucault một
bảng phân loại như thế đúng là thách thức
lối tư duy của Tây phương. Làm sao có thể hiểu nổi những con vật không
có gì
giống nhau, lại ở cùng trong một bảng sắp xếp, ngoài cái trật tự abcd
như trên?
Trong khi tìm hiểu một trật tự như vậy, ông nhìn ra một điều: lịch sử
của sự
khùng điên sẽ là lịch sử của Kẻ Khác, lịch sử trật tự của những sự vật
sẽ là
lịch sử của Người Bình Thường (Le Même). Và đối với văn minh Tây
phương, lịch
sử của Kẻ Khác – không phải lịch sử trật tự của những sự vật – bị coi
là thứ
yếu, xa lạ, và bị đẩy bật ra khỏi lịch sử của những con người bình
thường. Đây là
lý do người điên bị tống vào tù, hoặc bị cưỡng bức lao động.
****
Thu về một mối, ôi
cái giấc mơ “thống nhất, đại đồng, hết
còn vong thân, hết còn giai cấp… “, sau cùng hoá ra là một cơn ác mộng.
Và chúng ta có lẽ nên
bằng lòng cứ thế chờ đợi, như anh chàng
nhà quê của Kafka, trước cánh cửa mở ra cái thế giới thu về một mối…
Và con người tự do
trong cái hữu hạn đó: trong khi chờ đợi,
chẳng biết làm gì, bèn bịa đặt ra những ký hiệu, những ý nghĩa, đặt tên
sự vật,
sắp xếp, suy nghĩ về chúng, và về chính mình, như là một kẻ ở giữa hai
cực
điểm: nhà thơ và tên khùng, theo một định nghĩa của Foucault: Thi sĩ
đẩy sự
tương đồng về những ký hiệu nói lên sự tương đồng đó, người điên coi
tất cả
những ký hiệu đều chỉ ra, chỉ một sự tương đồng [mọi vật đều giống nhau
hết],
cuối cùng xóa nhoà mọi ký hiệu.
***
“Remember me,”
whispers the dust.
(“Hãy nhớ đến tôi,”
Hạt bụi thì thầm.)
Peter Huchel
Joseph Brodsky trích
dẫn nhà thơ người Đức, trong “Ca ngợi
buồn phiền”, “In Praise of Boredom”
***
Đỗ Long Vân mất tại
quê nhà tháng Tám năm 1997. Người viết
chỉ được biết, nhân đọc mục thư tín trao đổi với bạn đọc của một tạp
chí văn
học ở hải ngoại.
Và sau đó có viết vài
dòng về ông, như một tưởng niệm muộn,
và mượn ngay tên bài viết của ông làm của mình. Cả bài viết của ông,
sau bao
tai biến, chỉ còn lại một cái tên trong trí nhớ người viết. Gửi theo
ông rồi,
mới quên điều tính hỏi: Vô Kỵ là ai, mà ở giữa chúng ta?
***
“Mỗi một bài viết bạn
đang đọc…”, bạn đọc hãy coi những dòng
sau đây, như là một bài viết bên lề, vẫn như một lời tưởng niệm muộn,
gửi theo
người đã khuất.
***
Chết là hết, như
người Việt thường nói. Nhưng Volkov, trong
bài viết tưởng niệm thi sĩ Joseph Brodsky, “Con
sói cô đơn của thơ ca”, đã trích dẫn câu thơ của nữ
sĩ Akhmatova, “Khi
một người đàn ông chết, những bức chân dung của người đó thay đổi”, và
đưa ra
nhận xét, “có chút chi lạnh lẽo ở hai dòng thơ này”. Theo ông, thường
ra, khi
được tin một người bạn mất, và được trao công việc lọc lựa những bức
chân dung,
ông nhận thấy có những thay đổi thật tế vi, đôi khi gây kinh ngạc, từ
nét mặt
người quá vãng. Như thể thần chết vạch giùm cho chúng ta thấy một ý
nghĩa, một
viễn tượng nào đó, ở nơi người chết, chỉ sau khi đã phán bảo: người này
chết
rồi. Những giai thoại-sau cái chết (the posthumous legend) càng mạnh,
hậu quả
của chúng càng xáo trộn, ở nơi những bức chân dung đó. Và theo Volkov,
chuyện
như vậy đã không xẩy ra, trong trường hợp của Joseph Brodsky. Sau khi
ông mất
vì bịnh tim vào ngày 28 tháng Giêng năm 1996 ở New York City, giai
thoại về ông
khi còn sống nhập hẳn vào những bức hình của ông, qua đó, là thời niên
thiếu
nổi loạn trong một thành phố bị vây hãm, cuộc vây hãm 900 ngày, dài
nhất trong
lịch sử cận đại, chưa kịp hồi phục bị giáng thêm đòn thanh trừng thời
kỳ Stalin,
rồi tới bản án theo kiểu Kafka của nhà nước Xô viết…
Người viết đã có lần
giới thiệu bài viết tưởng niệm Joseph
Brodsky, của T. Tolstaya, rồi nhân đó, tưởng niệm một nhà thơ Việt. Một
người
quen đã bực mình, tại sao lại để hai nhà thơ kế nhau như thế? Brodsky
thì ai
cũng biết, nhà thơ bạn anh, đâu có ai biết đến mà chơi cái trò ăn theo!
Tôi thật sự ngạc
nhiên, khi bị hỏi như vậy, lần đó.
Trong bài viết của
Tolstaya có nhắc tới một người thợ mộc ở
Moscow, nhân được phỏng vấn, đã trả lời: Tôi chỉ mong có một cuộc sống
riêng
tư. Như Joseph Brodsky!
Anh bạn nhà thơ của
người viết sau 1975 đã làm nghề thợ mộc.
Trước đó anh làm nghề dạy học. Anh khoe, tìm thấy những vân gỗ y hệt
những vần
thơ!
Cái ông thợ mộc chẳng
ai biết đến đó lại mong có một cuộc
đời rất riêng tư của một nhà thơ được giải Nobel văn chương!
Cái ông thợ mộc bạn tôi, giả sử như
gặp nhà thơ Nga ở cái
thế giới nào đó, có thể sẽ là hai người bạn thân. Tôi thực sự mong mỏi
như vậy.
Và tôi còn tin rằng Joseph Brodsky sẽ thèm thuồng cái số phận của anh
bạn thơ
của tôi, ở trong cái thế giới cả hai đã cùng từ bỏ.
Nhà thơ Nga bị nhà nước Nga tống xuất,
xin xỏ mãi để được ở
lại, mà không được. Bạn tôi cứ tà tà ở lại, chẳng ai đuổi, và cũng
chẳng thèm
đi! Bạn tôi làm thợ mộc, nhà thơ Nga phải làm nghề mổ tử thi. Ông tự
hào về
nghề đó, và xấu hổ khi phải bỏ nghề. Anh bạn nhà thơ của tôi tự hào là
một anh
thợ mộc, và anh tìm thấy thơ ở đó, khi không còn có thể làm thơ được
nữa.
Thử hỏi Brodsky có tìm thấy thơ từ
những xác chết hay không?
Anh bạn nhà thơ của tôi, là bạn thân
của Đỗ Long Vân.
Tôi viết bài tưởng niệm Đỗ quân cũng
trong ước vọng đó: được
có một cuộc đời riêng tư như Đỗ quân.
Bởi vì cái cuộc đời
riêng tư đó thật là hiển hách vô cùng,
đối với đám tụi tôi. Đám chúng tôi, khi đi trình diện nhập ngũ, trưng
đủ thứ
bằng cấp, để được đi học sĩ quan (bằng tú tài), để được biệt phái về
một đơn vị
không tác chiến (bằng chuyên môn)…
Đỗ quân, tuy bằng cấp
đầy mình, đã từng du học Paris, giáo
sư đại học, đi trình diện như một cái bang chẳng có một túi nào!
Sĩ quan, binh lính
miền nam trước 1975 thường mặc quân phục
bó sát người. Kỷ niệm
của tôi về Đỗ quân, trong lần tình cờ đi cùng anh bạn thi sĩ Joseph
Huỳnh Văn
ghé thăm ông tại Đài Truyền Tin Phú Lâm, là một anh lính trong bộ quần
áo nhà
binh rộng thùng thình, tươi cười, thoải mái. Tôi có cảm tưởng ông thoải
mái hơn
cả lần đầu gặp tại quán Cái Chùa, đường Tự
Do.
****
III. Truyện võ hiệp
cổ điển.
“Sự khác nhau trong
bản chất giữa họ, tuy nhiên, là của đêm
và ngày.”
ĐLV
“Rạng đông chỉ là
khởi đầu một ngày; đêm xuống mới là lập
lại.”
Claude Lévi-Strauss
“Nhân loại tầm thường
làm sao tham dự được vào cuộc xung đột
ấy giữa những lý tưởng? Họ chỉ có thể chiêm ngưỡng”.
ĐLV
Như trên đã nói thì
võ công, trong truyện võ học cổ điển, có
cái vô danh của một phương tiện. Không ai phân biệt tà và chính giữa
những võ
công. Nhưng giữa các môn phái thì sự phân biệt ấy lại rất minh bạch.
Các môn
phái đều dùng một thứ võ. Sự khác nhau trong bản chất giữa họ, tuy
nhiên, là
của đêm và ngày: Tà môn tượng trưng cho tội ác cũng như Chính phái
tượng trưng
cho công lý. Và cái thế chia đôi ấy của võ lâm không thể thừa chỗ cho
một nghi
vấn nào.
Người anh hùng là
người của công lý. Ấy thường là một thanh
niên cha mẹ sớm bị hại và may được một dị khách lượm về nuôi và truyền
thụ võ
công. Truyện bắt đầu khi đã thành tài, chàng từ biệt ân sư xuống núi để
tính
chuyện phục thù. Nhưng trước khi công thành thì đã bao lần chàng sa vào
ổ giặc,
đã bao lần chàng phải đương đầu với cường quyền và bạo lực, đã bao lần
chàng
can thiệp vào những chuyện vong luân. Thù nhân của chàng lẽ dĩ nhiên
cũng là
một nhân vật trọng yếu của cái xã hội phức tạp ấy của tội ác. Và người
ta hiểu
rằng trong công việc của chàng, công lý và tư thù chỉ là một. Con đường
tầm cừu
cũng là con đường nghĩa hiệp, và khi thù nhân đã đền tội dưới tay chàng
thì
người anh hùng cũng biết rằng tất cả chỉ mới bắt đầu, và mối thâm thù
của chàng
chẳng qua là một cớ để mở màn và chấm dứt một cách dễ coi một giai đoạn
trong
cuộc xung đột muôn đời giữa Tà đạo và Chính nghĩa.
Chính nghĩa không thể
nào thua. Cho nên khi người anh hùng
xuống núi là người đầy những võ công cái thế. Không ai địch nổi, từ hắc
điếm
đến ác tù, đả lôi đài xong lại phá sơn trang, cướp pháp trường, giết
tham quan,
diệt thảo khấu, chàng theo đuổi một hành trình vạn thắng và không bao
giờ trong
đầu chàng một nghi ngờ có thể thoáng qua về cái sứ mạng thiêng liêng
của chàng.
Truyện cũng diễn ra theo một đường thẳng như cuộc hành trình ấy. Lẽ dĩ
nhiên
cũng có lúc người anh hùng lâm nguy và tính mạng bị đe dọa. Ngay khi ấy
người
ta vẫn yên tâm, vì người ta biết rằng dù chàng có chết thì ấy cũng là
một cái
chết vinh quang cho sự thực hiện công lý ở trên đời, và người thắng
trận rốt
cuộc vẫn là chàng. Sự hồi hộp không thể có trong truyện võ hiệp cổ
điển. Người
ta theo người anh hùng từ chiến công này đến chiến công khác. Đó là
ngần ấy
giai đoạn của một con đường chỉ có một chiều và chúng tiếp theo nhau
thành
tràng hạt, nghĩa là giữa chúng không có sự tương quan nào ngoài sự tiếp
theo
nhau. Từ chiến công này đến chiến công khác, ý nghĩa của truyện cũng
như tâm lý
nhân vật không hề thay đổi. Chiến công nào thì cũng chỉ ca tụng một lần
nữa cái
anh hùng của người anh hùng và sự thắng trận muôn đời của chính nghĩa
trên tà
đạo.
Nhân loại tầm thường
làm sao tham dự được vào cuộc xung đột
ấy giữa những ý tưởng? Họ chỉ có thể chiêm ngưỡng. Tương quan duy nhất
giữa họ
và thế giới của truyện là một tương quan ngoại tại. Những nhân vật vốn
là những
Ý tưởng nhập thế không thể có tâm sự nào dể họ chia sẻ. Kẻ được người
thua lại
định sẵn từ trước. Cho nên diễn biến của truyện không dành cho người ta
một bất
ngờ nào và người ta cũng không có dịp để tự hỏi và trông chờ những gì
sẽ xẩy
ra. Tất cả đều sẵn có một ý nghĩa cố định và trong một thế giới minh
bạch ấy,
người ta thừa đoán là không có một chỗ nào cho bóng tối, cho nghi vấn,
cho sự
tò mò. Người đọc đã biến thành khán giả để xem, nhìn, ngắm sự tái diễn
của một
vở tuồng mà người ta thuộc kỹ từng giai đoạn.
Vẫn những vai trò và
một trò ấy, khác duy ở những diễn viên
và cảnh trí, nghĩa là ở những thay đổi ngoại tại. Nghệ thuật kể chuyện
trở thành
một nghệ thuật dàn cảnh. Và cái ngoạn mục trong nghệ thuật ấy là giá
trị đầu
tiên. Sự mô tả trong truyện võ hiệp cổ điển chiếm một phần quan trọng.
Có gì mô
tả được mà không được mô tả tỉ mỷ? Ấy là cái dị hình của những khí
giới, cái
hiểm hóc của những cơ quan, cái hùng vĩ của những sơn trại, cái uy nghi
của
những thao trường, cái náo nhiệt của những chốn phồn hoa, cái sặc sỡ
của áo gấm
và quần mầu, cái nhịp nhàng của những võ công như vũ điệu… Tất cả đều
đập vào
mắt người ta, tất cả đều phô trương sự tinh xảo của những kỹ thuật nhân
văn,
tất cả đều biểu diễn một trật tự minh bạch và không thể nghi ngờ. Ý
nghĩa của
tất cả đều có thể đọc ngay lập tức, nghĩa là đều xuất hiện ra ngoài
mặt. Ngay
những tình cảm cũng được diễn tả một cách trực tiếp. Khi tức giận thì
thét lác
ầm ĩ, khi thích chí thì cười um lên như phá, khi đau khổ thì rống như
dã thú bị
thương; và đáng tiếc thay, khi e lệ, những trang nữ hiệp cũng “mân mê
tà áo”
như một cô gái tầm thường. Nhưng người ta hiểu rằng trong cái thế giới
để chiêm
ngưỡng ấy, cũng như trên sân khấu, thực tính của những cử chỉ không
quan trọng
bằng ý nghĩa của chúng; và trước khi làm người ta cảm động thì công
việc là làm
cho người ta thấy đã. Càng ước lệ thì sự diễn tả lại càng công hiệu.
Tâm lý nhân vật được
giản lược đến mức tối đa. Lẽ dĩ nhiên
nhân vật nào cũng được gắn cho một cá tính. Nhưng cá tính ấy không có
gì giống
cái phức tạp của một tâm hồn mà, nếu có thể nói như thế, chỉ có thể có
tính
cách ngoại tại của một con số để phân biệt nhân vật này với nhân vật
khác, như
có kẻ trung thì có người gian, có người nóng nảy thì có kẻ ôn hòa, có
kẻ mưu cơ
thì có người chất phác. Cho nên không những tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ
của
nhân vật đều diễn tả một cách rõ ràng cái cá tính mà người ta đã gán
cho y, mà
cá tính ấy còn có thể trông thấy trên y phục, võ khí, và diện mạo của y
nữa.
Nhất là trong các nhân vật phụ thì người ta thấy rằng các dị điểm, từ
cái răng
vẩu đến con mắt lồi đều được tô đậm và thổi phồng lên, như những nghịch
họa, để
ai cũng có thể nhận ra một cách dễ dàng. Người anh hùng tuy nhiên được
miễn cái
nạn tả chân thô thiển ấy. Ấy là tại con người chàng vốn là kết tinh của
Chân,
Thiện, Mỹ, trong sự tuyệt hảo của nó, chỉ có thể ở ngoài tầm những tĩnh
từ. Uy
vũ, khôi ngô, tuấn tú… chữ nào có thể xứng với cái bản chất siêu tục
của người
anh hùng? Cái mặt nạ người ta thấy chàng thường đeo khi hành hiệp lẽ dĩ
nhiên
không thể làm tăng trưởng một bí mật vốn đã trong suốt như ban ngày,
nhưng [mà
là] để xóa bỏ cái phần nhân loại cuối cùng trong người chàng và đưa
chàng tới
cái vô danh của ý niệm. Con người sau cái mặt nạ ấy không còn là một cá
nhân
với những dị điểm và một đời sống tư nữa. Hắn là Thần Công Lý. Khi thì
như ma
quỷ, khi thì như thiên thần, nhân vật võ hiệp cổ điển là những nhân vật
quá độ.
Không có gì giống nhau giữa họ và anh và tôi. Nhưng tất cả cố gắng của
người kể
chuyện là để tách họ ra khỏi cái nhân loại thường ngày, để thấy họ là
người ta
biết ngay rằng câu chuyện đang xẩy ra không phải là một chuyện giữa
người và
người và những nhân vật ấy chỉ là những diễn viên của một vở tuồng kể
lại cuộc
xung đột muôn đời giữa Tà đạo và Chính nghĩa. Tất cả đều xẩy ra trên
bình diện
của những ý tưởng.
Ghi chú:
Tất cả đều xẩy ra
trên bình diện ý tưởng…
“Với
những nhà bác
học, sáng và chiều, là chỉ một hiện tượng, và người Hy Lạp cũng nghĩ
như vậy,
khi dùng cùng một từ để chỉ…”, C. Lévi-Strauss trong thiên bút ký Nhiệt
Đới
Buồn, cho rằng, sự nhập nhằng trên, là do nỗi âu lo “trên bình diện lý
tưởng”,
nói rõ hơn, coi trọng cái ý tưởng mà vờ đi cái cụ thể. Thực tế cho
thấy, vẫn
theo Lévi-Strauss, qua những trang “hành ký” (feuilles de route) viết
trên tầu
(écrit en bateau) của ông, chiều và sáng rất đỗi khác biệt. Mặt trời
mọc là một
dạo đầu (un prélude), mặt trời lặn, một mở ra (une ouverture) đưa đến
kết thúc,
thay vì một bắt đầu (commencement) như trong những opéras cổ. Rạng đông
chỉ báo
hiệu những giờ giấc đầu tiên của một ngày, bộ mặt của “ông mặt trời” âm
u và
tái nhợt hứa hẹn buổi sáng mưa, hồng hồng, nhẹ nhõm, một ngày sáng sủa,
vậy
thôi, ngày sau đó tiếp tục và rạng đông chẳng cho biết gì hết. Mặt trời
lặn là
một chuyện khác hẳn: đây là một trình diễn đầy đủ, với một khởi đầu
(début),
một khúc giữa (milieu), và một đoạn chót (une fin)…. Rạng đông là một
khởi đầu
của một ngày; hoàng hôn mới là lập lại của nó. (L’aube n’est que le
début du
jour; le crépuscule en est une répétition).
Nhưng những điều trên
liên can gì tới đen và trắng, tà và
chính, tới “Thần Công Lý”, như là một nhân vật “quá độ”, trong tiểu
thuyết võ
hiệp cổ điển?
Quá độ, một từ nghe
quen quen… Liệu “Thần Công Lý” có họ
hàng gì với một “Thép Đã Tôi Thế Đấy”? Và khi Đỗ Long Vân viết, “Không
có gì
giống nhau giữa họ và anh và tôi”, ông đã không chấp nhận một sự tương
đồng
giữa “họ và anh và tôi”, hoặc đã nhận ra bộ mặt thực của Thần Công Lý,
hoặc của
một chủ nghĩa “bị kết án phải quá độ”, như là số phần của nó?
***
Sức nặng của Bóng Đen.
“Trong cơn tận, mọi
ánh sáng cùng một lúc được thu gom để
tắt ngấm. Như trong một viên ngọc của một mầu đen, huyền, tuyệt, tuyệt.”
George Steiner (Tuyệt
Bi).
“When relationships
with divinity fail, human relationships
must save”
Ruth Padel (Đọc G.
Steiner)
(Tạm dịch: Khi mất
tương giao với thần, phải cứu tương giao
với người).
Hình ảnh của bi kịch
là bóng đen, theo G. Steiner. Khi Titus
và Bérrénice nói lời thiên thu giã biệt, “mọi ánh sáng được thâu gom để
rồi tắt
ngấm…” (“all light is momentarily gathered and put out. As in a pearl,
flawlessly black”). Đen tuyền, tuyệt, tuyệt, hay là “đen trên đen”
(black on
black), là hình ảnh của tuyệt bi (bi kịch tuyệt đối).
Nếu văn học Tây
phương bắt đầu bằng “Iliade hay là Bài thơ
của Sức mạnh” (Simone Weil: L’Iliade ou le poème de la force), nó còn
bắt đầu
bằng Bóng Đen. Ánh sáng tượng trưng cho hy vọng, đời sống, và ý nghĩa
(meaning). Bóng Đen là triệt tiêu mọi thứ đó.
Gần mực thì đen, gần
đèn thì sáng: Mực đen, đèn sáng, chúng
ta như nhìn thấy hình ảnh một người đọc sách dưới ánh đèn ở đây. Đọc là
hành
động tối hậu của sự cô đơn. Một cuốn sách là một “bùa chú” chống lại
cái chết;
hay bóng đen, như một hình ảnh cổ xưa của người Hy Lạp về cái chết. (G.
Steiner).
Loạn đọc thư (Khổng
Tử): Chúng ta như hình dung ra hình ảnh Đỗ Long Vân ngồi đọc Kim Dung,
dưới ánh
đèn, và chung quanh ông là bóng đen của một nỗi chết không rời…
Và hình ảnh một Vô Kỵ
ở giữa chúng ta, cũng bắt đầu xuất
hiện, theo nghĩa: viết là sống bên trong một tác phẩm, và bên ngoài một
nỗi
chết không rời.
Nếu đọc là bùa chú
chống lại cái chết, thì viết là một toan
tính vượt lên trên cái chết.
***
Những người lính
chuyên nghiệp kể cho người viết một kinh
nghiệm như thế này: sau khi ăn một
quả pháo mà không chết, nói rõ hơn, ngay sau khi một quả pháo nổ kế cận
bên họ,
là nhẩy vào cái hố vừa mở ra, biết chắc chắn một điều, quả pháo kế tiếp
không
thể nào nhè chỗ đó mà nổ.
Những cư dân của một
thành phố Sài Gòn thời kỳ chiến tranh
chắc còn nhớ kinh nghiệm này: khi nghe tiếng hoả tiễn réo xèo xèo ngang
đầu, là
biết rõ một điều, trái hoả tiễn đó không dành cho mình.
Một cư dân của Sài
Gòn lúc đó (một nhà thơ), khi phải so
sánh AK47 với M16, sức tác hại, hiệu năng… đã trả lời: AK47 khủng khiếp
hơn
nhiều! Cái tiếng ùng ục đó, bạn không thể phỏng đoán, nó ở hướng nào.
Kỹ thuật
âm thanh “surrounded” chắc là được “gợi hứng” từ tiếng súng AK47 ?
… Một thành phố tôi
đã chết ở trong, nay sống lại, chỉ để kể
về nó.
***
IV. Nghi vấn đạo lý
trong Kim Dung.
“Sự minh định giữa Tà
và Chính vẫn còn được duy trì. Nhưng
người ta thấy rằng nó đã bị nghi vấn hoá và không còn dĩ nhiên như xưa
nữa… có
lẽ không còn ai trong võ lâm có đủ ngây thơ để tự giải quyết nghi vấn
ấy một
cách đơn sơ như thế.”
“Và cái vinh quang
cho những giá trị mà chàng đại diện là
cái đuơng nhiên rực rỡ của Chính nghĩa. Nhưng Chính nghĩa nào còn khi,
từ trận
này sang trận khác, người ta chỉ kéo dài một cuộc tương tàn không có ai
được và
ai thua. Ngay những đối thủ hầu như cũng đã quên mất những lý do đã làm
cho họ
xâu xé lẫn nhau.”
“Người chưởng môn của
phái Nga My đã sáng tạo được hai bộ
kiếm pháp, một tên là Diệt, và một là Tuyệt. Những độc âm cộc lốc ấy…”
“Cái thời của những
anh hùng nghĩa hiệp thật đã xa và, trong
cuộc tương tàn miên trường vô độ của võ lâm, người ta chỉ còn thấy như
sự xung
đột của những mãnh lực tự nhiên. Trước khi biết ai phải và ai trái thì
những
đối thủ biết rằng họ phải thắng trước đã, và cái ý chí thống trị làm
suy tàn
tinh thần võ hiệp cổ truyền.”
Tới Kim Dung thì cái
trời ý tưởng ấy sụp đổ.
Lẽ dĩ nhiên vẫn có
những nhân vật tự xưng là đại diện cho
Chính nghĩa và những kẻ mang tiếng là của Tà đạo. Nhưng truyện Kim Dung
sẽ cho
người ta thấy sự phân biệt ấy là vô thực. Những con người của Tà đạo,
ông cho
tất cả những cám dỗ của nhan sắc, của sự thông minh, của tính anh hùng.
Ấy là
không kể người nào võ công cũng cao cường, cuộc đời cũng sôi nổi, tâm
hồn cũng
khoáng đạt. Cái tội duy nhất của họ là không coi đạo lý của thiên hạ
vào đâu.
Nhưng so với họ thì những người có trách nhiệm duy trì truyền thống đạo
lý của
võ lâm mới ương ngạnh, mới ngoan cố, mới câu nệ làm sao! Tiêu biểu cho
thứ
người ấy là Diệt Tuyệt Sư thái thà chết chứ không để cho Vô Kỵ động tới
vạt áo
bà, khi tên “tiểu dâm tặc” này định vận nội lực giúp, bà nhảy xuống từ
trên một
tháp cao đang phát hỏa. Diệt Tuyệt Sư thái tuy nhiên chỉ là một cô gái
già gàn
dở. Cái gàn dở ấy có khi tàn nhẫn, nhưng vẫn còn có thể tha thứ được,
tại dù
sao Sư thái vẫn còn tin và thi hành cái đạo lý của bà. Nhưng sự sa đọa
xuống
tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử phái Toàn
Chân thì
còn ai tin gì ở Chính nghĩa? Trên đường lưu vong của chàng, mỗi lần gặp
một
trong những người của Chính nghĩa ấy là Vô Kỵ lại gặp sự vong ân, sự
ích kỷ, sự
ác độc và người ta hiểu tại sao sau cùng chàng lại chọn những người của
Tà đạo
làm bạn đồng hành. Sự thật thì trong Kim Dung có một cố gắng đánh tụt
giá những
người tự nhận là của Chính nghĩa, và qua họ, những giá trị mà họ tượng
trưng.
Cái đức đáng yêu nhất mà đôi khi ông cho người ta thấy trong họ là sự
thật thà,
sự chất phác, sự ngây ngô. Tuy nhiên đó không phải là một cái đức riêng
của
những người của Chính nghĩa mà chung cho tất cả những đứa con của Đất,
dù như
Âu Dương Phong, đứa con ấy chỉ là một đứa con hư. Sự đề cao những giá
trị của
Đất ấy cho người ta thấy rằng các phân loại nhân vật trong Kim Dung
không trùng
hợp hẳn với những nhãn hiệu đạo lý của họ.
Theo những nhãn hiệu
đạo lý thì có kẻ Tà và người Chính.
Nhưng sự khác nhau giữa Tà và Chính ở chỗ nào? Khi chúng anh hùng đến
vây bắt
Cừu Thiên Nhận để sửa tội cái tên đại-ma-đầu thì y thản nhiên hỏi mọi
người:
“Ta giết người. Các ngươi cũng giết người. Nhân danh cái gì các người
có thể
lên án ta?” Câu hỏi bất ngờ ấy không ai biết trả lời thế nào cho phải.
Là người
trong võ lâm thì tay ai chẳng đầy máu. Nhưng giữa lúc mọi người còn ngơ
ngác
thì may sao có Hồng Thất Công đứng ra dõng dạc trả lời rằng những kẻ
ông giết
là những kẻ như Cừu Thiên Nhận chuyên làm hại dân lành vô tội, và giết
những
người như thế thì giết bao nhiêu cũng được và càng nhiều càng hay. Sự
minh định
giữa Tà và Chính vẫn còn được duy trì. Nhưng người ta thấy rằng nó đã
bị nghi
vấn hóa và không còn dĩ nhiên như xưa nữa. Và ngoài một người ngay
thẳng như
Hồng Thất Công thì có lẽ không còn ai trong võ lâm có đủ ngây thơ để tự
giải
quyết nghi vấn ấy một cách đơn sơ như thế. Hồng thất Công vả lại cũng
là kẻ thù
tri kỷ của một đại-ma-đầu khác là Âu Dương Phong và người bạn nữa của
ông là
Hoàng Dược Sư thì đã nổi tiếng là một nhân vật đứng ra ngoài những thứ
loại của
đạo lý thông thường. Người trên giang hồ gọi ông là con người Tà ở
phương Đông.
Nhưng cái tà của Âu Dương Phong là của năng tính. Trong Hoàng Dược Sư,
nó là
một quyết định của lý trí. Hình như ông cho rằng Tà và Chính chỉ là
những nhãn
hiệu vô thực. Ai muốn xếp ông vào loại nào thì ông cũng mặc và coi như
không.
Con người kiêu ngạo ấy chỉ biết một qui luật duy nhất là cái tự do của
mình.
Trong lịch sử võ lâm, nhân vật như ông tượng trưng cho sự nổi loạn của
cá nhân
chống lại những giới hạn giả tạo của một truyền thống sa đọa.
Sự sa đọa ấy bắt đầu
khi, như người ta thấy, những người của
Chính nghĩa không còn xứng với vai trò của họ và, dưới tay họ, những
giá trị
thiêng liêng chỉ còn là những giáo điều nghiệt ngã. Nhưng trong thực tế
thì lý
do chính để không còn ai tin ở những giá trị ấy nữa là giữa Tà và
Chính, võ
công giờ ai cũng như ai và chẳng có mèo nào cắn mỉu nào. Xưa người anh
hùng là
người bách thắng. Và cái vinh quang cho những giá trị mà chàng đại diện
là cái
đương nhiên rực rỡ của Chính nghĩa. Nhưng Chính nghĩa nào còn khi, từ
trận này
sang trận khác, người ta chỉ kéo dài một cuộc tương tàn không có ai
được và ai
thua. Ngay những đối thủ hầu như cũng đã quên mất những lý do đã làm họ
xâu xé
lẫn nhau. Xưa người ta giết một người để trừng phạt một tội ác; giờ thì
người
ta không cần biết người ấy đã làm một tội ác nào chưa, nhưng đã thuộc
vào một
môn phái đối nghịch thì đương nhiên y là một kẻ thù để người ta thủ
tiêu. Ai
trách Tạ Tốn ác độc thì ông sẽ lấy sử ra để minh chứng rằng từ xưa
những kẻ ác
độc bao giờ cũng thành công và những người được tiếng là nhân tài thì,
xét cho
cùng, sự nhân đức của họ cũng chỉ là một cái tiếng. Ông thì lẽ dĩ nhiên
có thừa
nghĩa khí để không bao giờ có thể coi sự giết người là một trò lý thú,
nhưng
những nhu cầu của an ninh buộc ông thủ tiêu nhân vật vô tội đang cùng
ông ôn
tồn đàm thoại, và ông rất tiếc phải thất lễ với một người mà ông có cảm
tình.
Án mạng khi ấy chỉ là những phương thức cực đoan của vệ sinh. Nhưng Tạ
Tốn là
một trong những anh hùng của Tà đạo, và người ta không thể chờ ở ông
một sự từ
bi quá đáng. Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn là khi thấy Diệt Tuyệt Sư thái
cầm Ỷ
Thiên kiếm giết một chốc mấy trăm mạng người trong Minh Giáo mà không
chớp mắt.
Một Tà một Chính, khi ấy, ai tàn nhẫn hơn ai? Tà và Chính đều giết
người. Họ là
người của võ lâm, và trong cuộc giao tranh, công việc đầu tiên của họ
là cướp
phần thắng và tận diệt kẻ thù… Người chưởng môn của phái Nga My đã sáng
tạo
được hai bộ kiếm pháp, một tên là Diệt và một là Tuyệt. Những độc âm
cộc lốc
ấy, trong sự thô bạo của chúng, đã tóm tắt cái đạo lý đầy máu và đích
thực của
võ lâm. Cái thời của những anh hùng nghĩa hiệp thật đã xa và, trong
cuộc tương
tàn miên trường vô độ của võ lâm, người ta chỉ còn thấy như sự xung đột
của
những mãnh lực tự nhiên. Trước khi biết ai phải và ai trái thì những
đối thủ
biết rằng họ phải thắng trước đã, và ý chí thống trị làm suy tàn tinh
thần võ
hiệp cổ truyền.
Nghi vấn đạo lý tuy
nhiên, chưa mất hẳn. Nó đổi chỗ. Sự phân
biệt giữa Tà và Chính xưa ở cứu cánh. Nhưng khi trong một cuộc xung đột
không
thể nào chấm dứt, mọi cứu cánh đều sa đọa và môn phái cũng chỉ biết một
tham
vọng duy nhất là thiết lập bá nghiệp của mình trên giang hồ thì người
ta dựa
vào cách đánh nhau của họ để phân biệt họ lẫn nhau. Võ học đương nhiên
mang một
sắc thái đạo lý. Trong truyện võ hiệp cổ điển, võ công là một phương
tiện và Tà
cũng như Chính đều sử dụng một thứ võ. Hơn thế nữa, người ta thấy người
của
Chính giáo, như tin tưởng tuyệt đối vào lẽ phải của họ, không ngần ngại
trước
một phương tiện nào để thắng kẻ thù. Họ cũng nghe trộm, cũng đánh lén,
cũng lừa
bịp. Thôi thì không có thủ đọan nào mà họ từ. Nhưng tất cả xảy ra như
thiện
chất trong người họ đã truyền cho những thủ đoạn ấy một ý nghĩa chính
đáng và
không bao giờ có ai tự hỏi về sự có nên chăng của chúng.
Sự thật thà có khi
đến chỗ ngây ngô mà Kim Dung coi là đức
tính quí hóa thì truyện võ hiệp cổ điển lại dành cho những người của Tà
đạo.
Ngược lại thì một trong những ấn tích của Tà đạo trong Kim Dung lại là
sự thông
minh, không phải sự thông minh theo trực giác của những tâm hồn đơn
giản, mà sự
thông minh làm ra kế hoạch và mưu chước, nghĩa là cái tài sáng tạo. Và
người ta
hiểu tại sao những võ công được coi của Tà đạo bao giờ cũng phức tạp,
biến ảo,
nửa thực nửa hư không biết đâu mà lường. Trong khi ấy thì người của
Chính giáo
sẽ tự hào là có những võ công ngay thẳng, minh bạch, và đường hoàng
hơn. Một
chưởng của họ là một chưởng, và họ sẽ ít khi dùng tới ám khí độc dược
và mưu
chước. Một bên thì nặng như núi, cứng như thép, rõ như ban ngày và một
bên thì
phức tạp, uyển chuyển, mơ hồ… Tuy nhiên đó chỉ là những cách giết người
khác
nhau, và trong sự đối lập ấy, giữa Tà và Chính, người ta nhận ra sự đối
lập
giữa Âm và Dương, nghĩa là giữa hai mặt của tự nhiên. Không còn ai
ngoài mấy kẻ
ngây ngô còn thì giờ nghĩ đến những chuyện nghĩa hiệp nữa. Và giờ nếu
người ta
có giết nhau chẳng qua là để cướp lấy những võ lâm kỳ thư giúp người ta
thành
bá chủ võ lâm. Khi những cao thủ tìm đủ mọi cách để độc chiếm cái bí
mật giấu
trong con đao Đồ Long thì người ta nghĩ đến những tay gián điệp quốc tế
đang
tranh nhau một tài liệu quân sự hay những đảng cướp trong những truyện
Série
Noire xâu xé lẫn nhau để giành một món hàng. Ý nghĩa của truyện võ hiệp
đã đổi
khác. Và tổ chức của truyện cũng đổi theo.
***
Ghi chú:
Vấn đề dịch thuật.
Đỗ Long Vân đã từng
học chữ Nho, chỉ để đọc Kim Dung. Chắc
chắn, ông đã từng bực mình vì những bản tiếng Việt, vốn chỉ là phóng
tác. “Ai
tuy nhiên đã gây nên phong trào ấy và với mục đích nào? Nghi vấn ấy
người đời
sau sẽ giải quyết” (Đỗ Long Vân, đoạn mở “Vô Kỵ giữa chúng ta”), ông
biết, với
cơn sốt vì hiện tượng Kim Dung, thật khó mà có một bản dịch trung thành
với
nguyên tác. Ông cũng đã từng dịch. Thời gian sau 1975, ông sống gần như
xa cách
tất cả mọi người, tại một con hẻm (Hồ Biểu Chánh ở đường Trương Tấn
Bửu, hình
như vậy), ở Phú Nhuận; đọc, đa số là tiểu thuyết khoa học giả tưởng, và
dịch
“Những hệ thống mỹ nghệ” của Alain. Chắc chắn, ông phải biết tới Simone
Weil,
người học trò xuất sắc nhất của Alain. Weil cũng đã từng học chữ Nho để
đọc Lão
Tử. Trong bài viết về Iliade, bà đã đưa ra một số câu thơ, do chính bà
dịch, và
ghi chú: “Những đoạn trích dẫn là mới dịch. Mỗi dòng là một câu thơ Hy
Lạp, y
chang nguyên tác. Trật tự từ Hy Lạp bên trong từng câu thơ cũng được
tôn trọng
tới mức tối đa” (nguyên văn ghi chú của Weil: “La traduction des
passages cités
est nouvelle. Chaque ligne traduit un vers grec, les rejets et
enjambements
sont scrupuleusement reproduits; l’ordre des mots grecs à l’intérieur
de chaque
vers est respecté autant que possible”. Simone Weil, Tác phẩm, nhà xb
Gallimard, tủ sách Quarto, trang 529).
***
Bây giờ, chúng ta hãy
thử so sánh hai bản dịch Kim Dung,
đoạn mở đầu Cô gái Đồ Long, một của Từ Khánh Phụng và một của Nguyễn
Duy Chính,
mới xuất hiện trên lưới Internet.
Bản Từ Khánh Phụng:
“Quách Tường, con gái thứ của Đại Hiệp
Quách Tĩnh và nữ Hiệp
Hoàng Dung, biệt hiệu Tiểu Đông Tà. Hôm nay nàng đi chơi một mình là
muốn nguôi
sầu giải muộn. Một mình một lừa cứ thấy đường là đi. Hết núi này sang
núi nọ.
Cũng không biết đi bao xa và đi tới đâu.”
Ngoài những độc giả đã quá mê Kim
Dung, không nói, một độc
giả lần đầu làm quen ông, đọc đoạn mở như vậy, chắc chắn là vất tác
phẩm vào
thùng rác, bĩu môi, đưa ra một lời khinh khỉnh: Thế này mà bao nhiêu
người ca
tụng!
Tôi chắc chắn, Đỗ quân cũng bực mình,
với một đoạn mở như
vậy.
Bây giờ, chúng ta hãy
so sánh với bản dịch của Nguyễn Duy Chính:
Ỷ Thiên Đồ Long ký
Chương I
Thiên nhai tư quân
bất khả vong.
Xuân du hạo đãng, thị
niên niên hàn thực, lê hoa thời tiết.
Bạch cẩm vô văn hương
lạn mạn, ngọc thụ quỳnh hoa đôi tuyết.
Bài từ “Vô Tục Niệm”
này vốn là của một vị võ học danh gia,
cũng là một đạo sĩ ở vào cuối đời Nam Tống họ Khưu tên Xứ Cơ, đạo hiệu
TRường
Xuân Tử. Ông là một trong Toàn Chân Thất Tử, và là nhân vật xuất sắc
nhất của
phái Toàn Chân. Trong “Từ Phẩm” đã bàn về bài từ như sau: “Trường Xuân,
người
đời vẫn coi là một vị tiên, nên lời từ mới hay và xuất sắc đến thế.”
Đọc đoạn mở như trên,
mới thấy thật lạ, thật kỳ! Tiếc rằng,
Nguyễn Duy Chính đã không dịch nghĩa cho chúng ta, những gì “Thiên nhai
tư
quân”, những gì “Xuân du hạo đãng…”. May thay, ngay sau đó, Kim Dung
giải
thích:
“Bài từ tuy nói về
hoa lê, nhưng thật ra là để ca tụng một
thiếu nữ xinh đẹp, mặc áo trắng… Khưu Xứ Cơ tặng nàng ba chữ ‘Vô Tục
Niệm’ thật
mười phần xác đáng.”
Mở ra bằng một bài
từ, để ca tụng nhan sắc một thiếu nữ, tức
Tiểu Long Nữ. Từ Tiểu Long Nữ mới bắt qua Quách Tường, có như vậy người
đọc mới
hiểu được tâm trạng của nàng:
“Trên sơn đạo núi
Thiếu Thất, tỉnh Hà Nam, có một thiếu nữ,
đang cúi đầu lẩm nhẩm bài từ này. Cô gái ước chừng mười tám, mười chín
tuổi,
mặc áo mầu vàng nhạt, cưỡi một con lừa đen, đi chầm chậm lên núi, vừa
đi vừa
nghĩ thầm:
-Chỉ có người như
Long tỉ tỉ mới xứng đáng lấy được chàng mà
thôi.
Chữ ‘chàng’ hiển
nhiên là nói đến Thần Điêu dại hiệp…”
Bạn thấy không: nghệ
thuật của Kim Dung, hay là “cái nên thơ
của cơ cấu luận”. Tình nọ cuốn lấy tình kia, buồn này đuổi theo buồn
nọ, sóng
sau đè sóng trước, rắn luồn trong cỏ, ý thức đuổi theo cái chết của ý
thức
(mượn một câu của Hegel mà Simone de Beauvoir rất mê: Chaque conscience
poursuit la mort de l’autre)…
Ngay đoạn tả sau đó,
về cuộc gặp gỡ giữa Côn Luân Tam Thánh
với Quách Tường, như đã tiên đoán, cơn điên loạn của hai đệ tử của ông
sau này,
trước nhan sắc của Hân Tố Tố.
Đây là tiếng đàn khi
chưa tương kiến:
“… mỗi lần tiếng đàn
lên cao, thì đàn chim lại ngưng tiếng,
chỉ nghe tiếng vỗ cánh… tiếng đàn tuy bình hòa trung chính nhưng bên
trong có
ẩn một phong vị vương giả…. Phải chăng bản đàn này là ‘Bách Điểu Triều
Phượng”?
Và đây là tiếng đàn
khi đã “triều kiến”:
“Quách Tường chỉ mới
nghe vài nốt, bất giác vừa mừng vừa sợ.
Hoá ra bản đàn này một phần là từ ‘Khảo Bàn’, là khúc mà nàng đã tấu
qua [lần
tương kiến trước đó], nhưng một phần khác lại từ trong thơ ‘Kiêm Gia’,
hai bản
không cùng một điệu, nhưng y đã hòa lại với nhau, một ứng một đáp, nghe
thật là
kỳ diệu”… “trong tiếng đàn của y có nói đến y nhân, chẳng nhẽ nhắc tới
ta ư.
Sao điệu đàn có vẻ ý tứ triền miên đến thế, nghe đầy những nhớ thương
cảm mến?”
***
“Vỗ trường kiếm,
giương mi lên, nước trong đá trắng sao xa
cách? Thế gian này nếu không có kẻ tri âm, dù sống đến nghìn tuổi,
phỏng có ích
gì?”
Côn Luân Tam Thánh,
sau khi chim chóc bay đi hết, bèn than
như trên, rồi vạch kiếm thành bàn cờ, một mình thủ cả hai vai ta và
địch.
“Quách Tường xem cờ xuất thần, từ từ nhích lại gần, nhưng vì quân trắng
lúc bố
cục bị thua một nước, trước sau vẫn rơi vào hạ phong… nhìn thấy thế
cục… buột
miệng nói:
-Sao không bỏ Trung
Nguyên đi để lấy Tây Vực?”
Nội câu nói đó đã
tiên đoán, thiên hạ sẽ xuất hiện một môn
phái mới: Côn Luân Tam Thánh, thua trên núi Thiếu Lâm, thề không trở
lại Trung
Nguyên, trở về Tây Vực, lập thành môn phái Côn Luân.
Bao nhiêu người được
biết đến mối tình của Quách Tường, đều
cùng xuất hiện, ở ngay đoạn mở đầu – chỉ thiếu hai nhân vật trung tâm,
là cặp
vợ chồng Dương Quá, Tiểu Long Nữ: Vô Sắc, người tặng quà mừng sinh
nhật. Giác
Viễn và Trương Quân Bảo, hai người này đã gặp Quách Tường, Dương Quá và
Tiểu
Long Nữ, khi đuổi theo kẻ trộm kinh sách. Một mối tình câm, và chỉ
những người
xứng đáng được biết tới, mới xuất hiện, để rồi đi vào quên lãng: Quách
Tường
tới già, ngộ ra, cắt tóc, đi tu, mở ra môn phái Nga Mi, mà những người
trưởng
môn sau đó, đều cũng lao đao với tình, như Diệt Tuyệt Sư thái, Chu Chỉ
Nhược.
Trương Quân Bảo sau thành Trương Tam Phong, suốt đời không gần nữ sắc,
“người
nhà trời”, trưởng môn phái Võ Đang. Giác Viễn viên tịch, sau khi đọc
Cửu Dương
chân kinh lần chót. Vô Sắc biệt tích giang hồ…
Bây giờ chúng ta
hiểu, tại sao (tên gọi) Vô Kỵ; tại sao Kỷ
Hiểu Phù, nữ đệ tử Nga My, thà để cho sư phụ đánh bể đầu, nát thây, chứ
không
chịu chỉ chỗ ở của Quang Minh Hữu Sứ Dương Tiêu, và tại sao nàng đặt
tên con là
Bất Hối.
Con trai là phải vô
kỵ: Chẳng uý kỵ gì hết!
Còn gái là phải bất
hối!
Đừng hối tiếc gì hết!
Như trong ca dao:
Cho nhau chẳng tiếc
gì nhau,
Về nhà mẹ hỏi:
Qua cầu gió bay!
**
Vô Kỵ giữa chúng ta: Tang Loạn Thiếp?
Với cơn sốt chưởng Kim Dung tại Sài
Gòn hồi đó, thật khó mà có một bản dịch
cho ra hồn. Ấy là
chưa kể những Kim Dung giả như Hậu Cô Gái Đồ Long… Ngay cái tên “Cô Gái
Đồ
Long”thay vì “Ỷ Thiên Đồ Long ký”, là cũng để qua mặt Bộ Thông Tin, với
qui
định, mỗi nhật báo chỉ được đăng tối đa hai truyện chưởng. Thành thử
một bản
dịch chính xác, như của Nguyễn Duy Chính là hết sức cần thiết. Theo như
trang Web
có đăng truyện dịch của ông, Nguyễn Duy Chính tốt nghiệp Quốc Gia Hành
Chánh
Sài Gòn, hiện đang sống tại California với phu nhân và ba người con.
Ông là
người thích đọc sách, ham nghiên cứu văn học Trung Hoa. Riêng về truyện
võ
hiệp, ông đã dịch xong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Việt Nữ Kiếm, Bạch Mã Khiếu
Tây
Phong, Uyên Ương Đao, và hiện đang dịch Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung.
Nếu không có bản dịch của Nguyễn Duy
Chính, chúng ta không
thể hiểu được “tiền thân” của môn võ công có tên là “Đồ Long Công” mà
Đỗ Long
Vân đã nhắc tới; nhờ nó mà Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố được Tạ Tốn tha
chết,
tại đại hội Giương Đao Lập Oai, và sau đó là cuộc hành trình thần tiên
xa lánh
võ lâm giang hồ, và loài người, tới Băng Hoả Đảo…
Sau đây là đoạn văn do Nguyễn Duy
Chính dịch thuật liên quan
tới Đồ Long Công:
“… Chỉ thấy Trương Tam Phong đi lại
một hồi, ngửng đầu ngẫm
nghĩ, bỗng nhiên đưa tay phải, tại không trung làm bút viết lên thành
chữ.
Trương Tam Phong cả văn lẫn võ đều thông, ngâm thơ viết chữ, học trò
đều biết
nên cũng không lấy làm lạ. Chàng [Trương Thúy Sơn] theo dõi nét bút ở
tay, hóa
ra ông viết đi viết lại mấy lần hai chữ ‘tang loạn’[tai nạn lớn,
catastrophe,
chú thích của Nguyễn Duy Chính], rồi lại viết hai chữ ‘đồ độc’ [làm
thương tổn,
phục độc, to injure, to poison. NDC]. Trương Thúy Sơn trong lòng rung
động,
nghĩ thầm: ‘Sư phụ trong lòng nghĩ đến “Tang Loạn Thiếp’…. Khi đó chàng
thấy sư
phụ dùng ngón tay làm bút, đạt đến tình trạng ‘không nét nào duỗi ra mà
không
thu vào, không nét nào đi rồi mà không quay lại’, chính là bút ý của
Vương Hi
Chi trong ‘Tang Loạn Thiếp’…. Lúc này, chàng thấy sư phụ đưa tay viết
liên
tiếp: ‘Hi Chi đốn thủ, tang loạn chi cực, tiên mộ tái ly đồ độc, truy
duy kháo
thậm’ mười tám chữõ, mỗi chữ đều tràn đầy uất hận bi phẫn, nên bỗng cảm
thông
được tâm tình Vương Hi Chi khi viết ‘Tang Loạn Thiếp’.
Vương Hi Chi là người Đông Tấn, lúc đó
trung nguyên đang rối
ren, rơi vào tay dị tộc. Họ Vương, họ Tạ là những gia đình có thế lực
nay phải
di cư xuống miền Nam tránh giặc, trong cái tai biến đó, phần mộ của ông
cha bị
dày xéo, khiến những đau khổ trong lòng không sao phát tiết ra cho hết,
nên tất
cả những uất ức đều thể hiện trong bài Tang Loạn Thiếp. Trương Thúy Sơn
đang
tuổi thanh niên, không lo không sầu, trước đây làm sao lãnh hội được
những thâm
ý trong bài thiếp? Lúc này gặp phải cảnh đại họa, không biết sống chết
ra sao
của sư huynh mới hiểu được hai chữ ‘tang loạn’, hai chữ ‘đồ độc’, hay
bốn chữ
‘truy duy kháo thậm’ (đau khổ cùng cực. NDC).
Trương Tam Phong viết
đi viết lại mấy lần, bỗng thở dài một
tiếng, bước tới giữa sân, đứng trầm ngâm mọt hồi rồi đưa ngón tay, lại
bắt đầu
viết chữ. Lần này cách viết chữ hoàn toàn khác hẳn. Trương Thúy Sơn
theo nét
bút thì thấy chữ đầu tiên là chữ ‘võ’, rồi đến chữ ‘lâm’, tiếp tục hai
mươi bốn
chữ chính là câu người đời thường truyền tụng’Võ lâm chí tôn, bảo đao
Đồ Long,
Hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng. Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh
phong.’Dường như Trương Tam Phong đang tìm cách suy nghĩ cho ra thâm ý
của hai
mươi bốn chữ này để biết vì cớ gì Du Đại Đại Nham bị thương? Việc này
có liên
hệ gì đến hai món thần binh lợi khí là đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên?’
Như đã nói, có rất
nhiều cách đọc Cô gái Đồ Long. Chúng ta
có thể coi đây là truyền thuyết về hai món võ khí tuyệt hảo trong võ
lâm. Ngay
ở đầu truyện, Kim Dung đã hé mở cho thấy một chút bí mật của nó, qua
câu hỏi Dư
Đại Nham của viên cướp bể: ‘Thần điêu đại hiệp Dương Quá đã giết vua
Mông Cổ
bằng võ khí gì?’
***
Hãy tưởng tượng Đỗ
Long Vân đã/chưa từng học chữ Nho,
đã/chưa từng đọc đoạn nguyên tác trên đây, và viết ‘Vô Kỵ giữa chúng
ta’, mới
hiểu được hai chữ ‘tang loạn’, hai chữ
‘đồ độc’, bốn chữ ‘truy duy kháo thậm’ đã ám ảnh Đỗ quân như thế nào.
Bởi vì trong cụm từ
‘tai biến của chúng ta’đã gói trọn tất
cả, nào là tang loạn, nào là đồ độc… Theo cách đó, có thể coi bản văn
“Vô Kỵ
giữa chúng ta”là một cuộc tìm kiếm nguồn cơn của mọi tai biến của chúng
ta,
vậy.
Hãy tưởng tượng một
chàng thanh niên Hà Nội, con nhà giầu,
được cha mẹ cho qua Tây, học dược để nối nghiệp nhà làm chủ một cửa
tiệm thuốc
lớn ngay bên Bờ Hồ, nhưng thay vì học để thành dược sĩ, học văn chương
(chắc là
gặp tác phẩm Weil ở Paris), thay vì ở lại nước ngoài để trốn cuộc
chiến, trở
về, dạy đại học Huế, rồi bỏ dạy học, không phải để lên rừng mà đành để
bị bắt
đi lính
***
V. Nghệ thuật kể
chuyện trong Kim Dung.
“Người ta sẽ không
quên tiếng chân nặng nề của Tạ Tốn, giọng
ho khan của Kim Hoa bà bà, cái nhìn trầm mặc của Phạm Dao và tiếng cười
sảng
khoái của Dương Tiêu trên Côn Luân sơn, giữa những cánh rừng thu lá đổ
vàng…”
“Ai sẽ thắng? Câu hỏi
ấy giờ được đặt ra. Và truyện võ hiệp
thêm một yếu tố mới là sự bất trắc. Tiểu thuyết bắt đầu.”
“Ai sẽ thắng? Nhưng
không ai biết những gì sẽ xẩy ra.”
“Và con đường bách
thắng đã trở thành một cuộc thất lạc
trong mê cung.”
“Nhưng tất cả họ cùng
có một cảnh ngộ là bị ném vào một thế
giới mà họ không hiểu và trong ấy họ phải tự chọn. Mà chọn gì khi Tà
không ra
Tà, Chính không ra Chính…”
“Chúng tượng trưng
cho cái nên thơ của sự mạch lạc mà tôi
muốn người ta coi truyện Kim Dung như một cố gắng để đề cao.”
DLV
Nhân loại chỉ đặt để
ra những vấn đề nó có thể giải quyết.
Bí mật của vô sản là
cái chết của tư bản.
Marx
Sự tương đối hóa
những võ công, người ta thấy, đã xô những
môn phái vào trong cảnh bất phân thắng phụ. Và tình trạng ấy cũng làm
mờ dần ý
nghĩa nguyên thủy của sự xung đột giữa họ. Còn lại một thế giới của bạo
động
thuần túy. Truyện võ hiệp cổ điển không kể gì hơn những cuộc thắng trận
kế tiếp
nhau của Chính nghĩa trên Tà đạo. Nhưng khi giữa Tà và Chính sự phân
biệt đã
trở nên mơ hồ thì diễn tiến của truyện cũng mất sự tất yếu ấy đi. Không
có lý
do tiên quyết nào để môn phái này thắng môn phái khác và, như một hậu
quả dĩ
nhiên, cũng không thể có môn phái nào có một võ công vô địch. Sự tương
đối hóa
của võ công đã dẫn tới sự tương đối hóa những giá trị đạo lý thì, ngược
lại, sự
tương đối hóa những giá trị đạo lý lại đưa tới sự tương đối hóa những
võ công.
Ai sẽ thắng? Câu hỏi ấy giờ được đặt ra. Và truyện võ hiệp thêm một yếu
tố mới
là sự bất trắc. Tiểu thuyết bắt đầu. Nghĩa là truyện không còn là một
cơ hội để
chiêm ngưỡng, như một nghi lễ đề cao những giá trị đạo lý, những chiến
công của
người anh hùng mà để tìm, một cách sơ đẳng hơn, cái hồi hộp của sự
trông chờ.
Ai sẽ thắng? Nhưng không ai biết những gì sẽ xẩy ra.
Tại cái đang xẩy ra
người ta cũng chưa biết là cái gì. Mọi
vật trong một thế giới của vật lực đã mất hết ý nghĩa cố định của
chúng. Và tất
cả đều trở thành nghi vấn. Cái bí mật của con đao Đồ Long như thế nào
mà làm
người ta giết nhau? Ai đã xuống tay giết một lúc mấy mươi mạng người
của Long
Môn tiêu cục? Không lẽ kẻ đã dùng Kim Cương chỉ lực để tra khảo Dư Đại
Nham lại
là người của Thiếu Lâm? Nhân vật tài hoa, uyên bác, phóng khoáng ấy sao
có thể
giết người như không để cho cả võ lâm nguyền rủa? Nhưng có gì trong lúc
này
không là một câu hỏi! Chúng theo nhau đến dồn dập và nhức nhối. Người
ta nóng
ruột chờ đáp thuyết ở những sự đến sau. Cái tài của Kim Dung tuy nhiên
sẽ dẫn
người ta từ thắc mắc này đến thắc mắc khác. Nghi vấn này chưa được giải
quyết
thì nghi vấn khác đã được tung ra. Gay cấn hơn nữa là ngay người anh
hùng cũng
không biết mình phải làm gì và sẽ trở nên một cái gì. Người anh hùng võ
hiệp cổ
điển vào đời với một ý chí cố định. Và những giai đoạn trên con đường
thẳng dẫn
chàng đến sự thực hiện của ý chí ấy. Những biến cố trong Kim Dung trái
lại là
ngần ấy chỗ quẹo tách chàng xa cái hướng đi thứ nhất của chàng. Và đôi
khi như
Đoàn Dự, chàng cũng không có ý định nào khác hơn là đi chơi, nhưng tình
cờ hết
bị lôi vào chuyện lôi thôi này lại bị kéo sang chuyện rắc rối khác, để
sau cùng
sửng sốt thấy mình trở thành một cái gì mà mình không bao giờ nghĩ tới.
Người
ta theo chàng vào một Bát quái trận đồ, và con đường bách thắng đã trở
thành
một cuộc thất lạc trong mê cung. Ở chỗ nào cũng xuất hiện những biến cố
lạ và
những sự kiện khả nghi. Xưa tất cả đều có ý nghĩa cố định. Thế giới
sáng sủa.
Không phải không có nguy hiểm nào đe dọa người anh hùng, nhưng nguy
hiểm nào
thì cũng có thể gọi tên, nghĩa là có giới định và chỉ có ở ngoài. Một
sự kiện
giờ trái lại là một cửa ngõ dẫn người ta vào một bí mật không thể nào
lường. Ấy
là một thế giới đầy ban đêm, đầy bất trắc và những ngõ quanh co như mắc
cửi.
Sau cái mặt nạ hàm hồ của mọi vật, tất cả đều có thể xẩy ra. Không biết
chỗ
quẹo này sẽ dẫn người ta tới đâu và cái gì chờ đợi người ta ở cuối con
đường
kia. Sự nguy hiểm, trong cảnh nhá nhem ấy, như rình rập khắp nơi. Cái
nguy hiểm
đích thực tuy nhiên vẫn không phải là cái nguy hiểm sờ thấy được mà
chính là sự
ngờ vực ấy, như bóng tối, không những trùng điệp ở trước mặt mà càng
ngày càng
lớn trong lòng người anh hùng.
Thế giới ngoại tại đã
khả nghi, nhưng có khi ngay thân phận
chàng ra sao người anh hùng cũng không chắc chắn. Không phải ngẫu nhiên
mà
truyện võ hiệp mới thường là truyện của người anh hùng đi tìm mình. Khi
thì nôm
na như một thiếu niên một hôm nào được biết rằng nó chỉ là một đứa trẻ
mồ côi
và những người nuôi nó không phải là cha mẹ thực của nó. Khi thì thống
thiết
như Kiều Phong chợt có người tố cáo rằng chàng không phải là người Hán
mà lại
mang dòng máu Khiết Đan, nghĩa là của một dân tộc chàng coi như tử thù,
và cả
sự nghiệp chàng như thế đã dựng trên một điêu trác. Khi thì khôi hài
như Thạch
Phá Thiên từ nhỏ mang cái tên là Chó Lộn Giống, để lớn lên ra đời ai
cũng nhận
là người của mình, trong khi ngay chàng cũng không biết chàng là ai. Lẽ
dĩ
nhiên người ta cũng không quên Âu Dương Phong luyện võ bị tẩu hỏa nhập
ma đến
nỗi vừa nghe nói có một tên Âu Dương Phong còn giỏi hơn mình vội đâm bổ
đi tìm,
gặp ai cũng hỏi, “Ai là Âu Dương Phong?”, và, “Ta là ai?” Câu hỏi của
ông già
lộn đầu ấy tuy nhiên người anh hùng nào trong Kim Dung đã không có lần
đặt ra?
Không phải họ đều là những người không cha không mẹ. Nhưng tất cả họ
cùng có
một cảnh ngộ là bị ném vào một thế giới mà họ không hiểu và trong ấy họ
phải tự
chọn. Mà chọn gì khi Tà không ra Tà, Chính không ra Chính và cả thế
giới sa đọa
trong một tình trạng báo động thường trực, không để lại gì hơn là những
nghi
vấn chập chùng? Đi tìm mình, người anh hùng cũng đi tìm một ý nghĩa cho
thế
giới. Thế giới Kim Dung là một thế giới đang chờ được định nghĩa và
truyện Kim
Dung chỉ là truyện của cái nghĩa đang thành. Ấy là truyện tầm-đạo trong
phương
thức của một truyện trinh thám.
Như trong truyện
trinh thám, thoạt tiên người ta chỉ thấy
những sự kiện lẻ, bất ngờ và khó hiểu. Tất cả thoạt tiên chỉ có giá trị
như
những manh mối của một bí mật cần phải truy tầm, như những di tích của
một quá
khứ phải xây dựng lại, như những mảnh vụn của một toàn thể phải khám
phá dần
dần. Người ta ngạc nhiên trước những gì đang xẩy ra đến từ cái đã xẩy
ra, và
công việc giờ, như trong truyện trinh thám, là đi ngược từ hiện tại đến
quá
khứ, từ kết quả đến nguyên nhân, từ xúc động đến giải thích. Nhưng
trước hết
phải có xúc động. Những biến cố phải làm người ta ngạc nhiên và gây sự
tò mò.
Của Ưng Vương chẳng hạn, thoạt tiên người ta chỉ biết một tiếng hú kinh
dị giữa
trời chiều và những xác chết ông để lại sau một cuộc giết người thần
tốc. Nhưng
thế cũng đủ để tiếng dội tâm lý trong độc giả còn vọng mãi. Và người ta
phải
chịu rằng Kim Dung, mỗi lần giới thiệu một nhân vật quan trọng là ông
biết sửa
soạn những điều kiện để sự xuất hiện của nhân vật ấy đạt tới mức công
hiệu tối
đa. Người ta sẽ không quên tiếng chân nặng nề của Tạ Tốn, giọng ho khan
của Kim
Hoa bà bà, cái nhìn trầm mặc của Phạm Dao và tiếng cười sảng khoái của
Dương
Tiêu trên Côn Luân sơn, giữa những cánh rừng thu lá đổ vàng. Có những
nhân vật
không có gì để cho người ta nhớ hơn là cách xuất hiện đột ngột lần đầu
tiên của
họ. Tại một khi đã định nghĩa thì, như một sự kiện đã được giải thích,
nhân vật
như đã chết và không còn tác dụng tiểu thuyết nào nữa. Nhưng còn là một
nghi
vấn, còn làm người ta thắc mắc và trông chờ thì nhân vật vẫn còn sống
và người
ta hiểu tại sao người anh hùng trong Kim Dung chỉ có thể là người anh
hùng tập
sự, người anh hùng đi tìm mình, người anh hùng chưa thành anh hùng. Các
nhân
vật khác cũng thế, thoạt tiên người ta chỉ biết có một nửa: khi thì như
một
người dị thường, tính khí ngang nhiên, võ công trác tuyệt, nhưng thân
phận như
chìm trong một dĩ vãng xa xôi và thần bí; khi thì như một cái tên
truyền tụng
trong giang hồ, người ta chỉ nhắc đến trong sự tôn kính và sợ hãi,
nhưng chưa ai
được thấy mặt bao giờ. Cũng có khi người ta có thể khám phá rằng con
người dị
thường mà cứ mỗi lần xuất hiện là gây cho người ta một nghi vấn ấy, là
cái nhân
vật danh chấn võ lâm mà người ta náo nức trông chờ, chỉ là một, cũng
như Kim
Hoa bà bà, nào ai ngờ, chính là một nhân vật của Minh Giáo đã từ lâu
biệt tăm
chỉ để lưu trong trí nhớ mọi người cái tên rực rỡ là Tỷ Sam Long Vương.
Nhưng
tất cả nghệ thuật kể truyện trong lúc này là trì hoãn đến mức tối đa
cái giờ
xác định căn cước của nhân vật. Mộ Dung Phục có mặt nhất khi người ta
chỉ biết
chàng như một tiếng đồn trong võ lâm. Sự có mặt trong sự vắng mặt ấy là
tất cả
sức mạnh của truyện. Nó là nơi của nghi vấn, của trông chờ và mọi sự có
thể.
Nghĩa là của mọi sự bất ngờ.
Ai ngờ rằng Mộ Dung Phục, vẫn trong
một phong độ phong nhã,
thoáng chốc có thể trở thành một kẻ giết người không gớm tay, rằng sự
thùy mị
của Chu Chỉ Nhược lại sửa soạn cho những tham vọng, những tuyệt vọng và
những
ác độc khôn lường, rằng tất cả những ân cần của Trương Linh chỉ là một
kế hoạch
trong một âm mưu dài hạn để cướp con đao Đồ Long. Các nhân vật, người
ta chỉ
biết cái vai trò của họ, và đùng một cái, họ xuất hiện dưới bộ mặt mà
người ta
không chờ đợi. Ấy có thể là một mặt nạ khác và cũng có thể là một con
người
thực chôn vùi trong tâm khảm chợt được một biến cố nào làm tỉnh giấc
như Tạ Tốn
nghe tiếng khóc của một đứa trẻ thơ mà tìm thấy sự sáng sủa của lương
tri.
Nhưng cũng có khi, như trong cơn túy sát của Mộ Dung, người ta chứng
kiến một
đột biến tâm lý.
Cái bất ngờ, theo định nghĩa tầm
thường nhất là cái không ai
chờ đợi. Khi thì thê thảm như cái chết của A Chu dưới tay người nàng
yêu. Khi
thì khôi hài như cảnh một đại ma đầu như Nam Hải Ngạc Thần phải lạy
Đoàn Dự,
một thư sinh trói gà không chặt, làm thầy. Cũng có khi nó chỉ là một
bất ngờ
thuần túy, không có giá trị nào khác hơn là sự nên thơ như khi người ta
khám
phá ra rằng Côn Luân Tam Thánh không phải là ba người mà chỉ có một,
rằng đứa
ăn mày nhem nhuốc làm bạn cùng Quách Tĩnh là một người con gái đẹp giả
trai;
rằng Âu Dương Phong, vì học một võ công chép lộn mà trở thành đệ nhất
cao thủ
trong võ lâm. Lẽ dĩ nhiên cũng có những bất ngờ giả tạo để thỏa mãn nhu
cầu xúc
động của người đọc, để thêm số dòng và số trang, để thêm đà cho một câu
chuyện
đã đến chỗ sa lầy. Và cũng có những bất ngờ được sửa soạn hơn để giải
quyết một
tình thế đã tới chỗ bế tắc.
Cái bế tắc ấy, người ta thừa đoán,
cũng là một bế tắc được
sửa soạn. Tác giả cố tình đưa câu chuyện đến một chỗ nghẽn để, khi ấy,
mới tung
ra một nhân vật mới, một phát giác mới làm tình thế đảo ngược, và câu
chuyện
lại tiếp tục theo một hướng mới. Khi người ta không chờ gì nữa, khi
những nguy
hiểm tưởng đã qua khỏi, khi mối hy vọng đã tàn lụi thì tất cả xẩy ra
đúng như
người ta đã chờ, đúng như người ta đã sợ, đúng như người ta đã mong. Ấy
là một
thứ bất ngờ bậc hai. Khi Vô Kỵ yên trí rằng mưu kế của vợ chồng Hồ
Thanh Ngưu
đã thành công và họ đã thoát khỏi tay Kim Hoa bà bà để chỉ còn có việc
cùng
nhau xây hạnh phúc đến mãn kiếp thì chàng khám phá ra xác chết của họ
treo trên
một cành cây; khi sau không biết bao nhiêu ngày theo đuổi, Đoàn Dự lấy
được
tình yêu của Vương Ngọc Yến, người ta đã thở dài nhẹ nhõm thì tin đâu
sét đánh,
điều mà người ta nghi ngại được chứng thực: Vương Ngọc Yến là con của
Đoàn
Chính Thuần và là em khác mẹ của Đoàn Dự, và thế là hai người không thể
lấy
nhau. Sự bất ngờ khi ấy đến như một sự thiếu: cái mà người ta tưởng thế
nào
cũng xẩy ra lại không xẩy ra. Nhưng giữa lúc người ta đang tuyệt vọng
không
biết câu chuyện sẽ ra sao thì, đùng một cái, lại có tin rằng Đoàn Dự
không phải
là con của Đoàn Chính Thuần mà là của Đoàn Diên Khánh, người đáng lẽ
trị vì
nước Đại Lý và vẫn lưu vong chờ cơ hội cướp lại ngai vàng. Cái tin ấy
lại đảo
ngược một lần nữa. Nó trả lại Vương Ngọc Yến cho Đoàn Dự. Hơn thế nữa,
cái ngai
vàng nước Đại Lý, chàng trở nên người thừa kế xứng đáng nhất. Tất cả
sau cùng
đều xẩy ra theo thông lệ: người anh hùng sẽ lấy vợ và làm vua. Người ta
có thể
nghĩ rằng để đi đến kết luận cổ điển ấy có lẽ Kim Dung không cần phải
bày ra
nhiều chuyện như thế. Nhưng nếu không như thế, nếu không phải trải qua
một cơn
tuyệt vọng thì cái kết luận ấy còn giả tạo tới đâu? Tới sau một sự bế
tắc cố ý
thì sự giả tạo ấy lại xuất hiện như một chứng cớ của cái tài biến hóa
của tác
giả. Giả tạo một ít thì hỏng. Nhưng giả tạo hơn một ít nữa thì Kim Dung
lại trả
cho sự bất ngờ cái nên thơ của nó.
Sự thật thì ông có thể để yên cho Đoàn
Dự lấy Vương Ngọc Yến
và kế vị Đoàn Chính Thuần làm vua mà không ai thấy gì là trái cựa, và
những
tình thế kế tiếp đảo ngược ở phút chót, thoạt tiên, vừa có vẻ thừa và
quá lôi
thôi. Nhưng truyện không phải chỉ là truyện của Đoàn Dự. Không có những
sự đảo
ngược tình thế ấy thì nhân vật Đoàn Diên Khánh người ta biết xếp vào
đâu? Hình
như nhân vật mà người ta vẫn chỉ biết như ác tinh của nhà họ Đoàn tới
đó mới
tìm ra lý do cho vai trò của nó là để trả cho Đoàn Dự cùng một lúc, cả
tình yêu
và ngai vàng. Và cái kết luận mà người ta tưởng là dàn xếp ở phút chót
ấy, giờ,
người ta mới biết rằng với nhân vật Đoàn Diên Khánh nó đã được định từ
những trang
đầu. Cảm tưởng sau cùng của người ta là một tổ chức cực kỳ chặt chẽ
không để gì
xảy ra một cách tình cờ, và trong ấy cái bất ngờ chỉ là đáp thuyết
thích hợp
nhất cho một tình thế tưởng không thể nào gỡ nổi. Người ta cho rằng đáp
thuyết
ấy là bất ngờ. Nhưng bất ngờ nhất phải chăng là khi người ta thấy rằng
cái bất
ngờ ấy đã được sửa soạn từ lâu? Khi trông thấy Tiểu Siêu lần đầu thì
Phạm Dao
chợt giật mình. Nhưng cái giật mình nhỏ nhoi ấy gần như không ai buồn
chú ý,
báo hiệu kết cục của truyện kể khi Tiểu Siêu được nhận ra là con của
Kim Hoa bà
bà, và khi ấy người ta mới hiểu tại sao trước những sứ giả của Minh
Giáo, nàng
phải méo mặt giả làm một đứa con gái xấu xí. Ấy chỉ là một trong những
thí dụ
của cách bố cục kỹ lưỡng của truyện Kim Dung. Như tất cả các truyện
viết đăng
từng số một, trong Kim Dung không ngớt xẩy ra những biến cố khả nghi và
bất
ngờ. Nhưng điều làm truyện của ông vượt xa những truyện cùng loại là
trong khi
những tác giả khác như thất lạc giữa những sự kiện mà họ thả sức tung
ra cho đầy
trang giấy để sau cùng không ai biết kết luận ra sao thì trong Kim
Dung, tất cả
những chi tiết rải rác mà thoạt tiên người ta tưởng là vẽ ra theo sự
tình cờ
của cảm hứng, sau cùng đều giải thích lẫn nhau trong một kiến trúc nhịp
nhàng.
Nhưng trong sự mạch lạc ấy, ẩn sau
những nghi vấn rối như tơ
vò, người ta có gặp gì hơn là một đặc tính của truyện trinh thám? Như
trong
truyện trinh thám, công việc là tìm cho một số sự kiện khó hiểu mối
tương quan
thống nhất và giải thích chúng. Ấy là công việc Hoàng Dung đã làm, khi
từ những
tang chứng để lại trên Đào Hoa Đảo mà tang chứng nào cũng kết án cha
nàng, nàng
phải xây dựng lại diễn biến vụ thảm sát đã xẩy ra và truy định thủ phạm
đích
thực. Trên một quy mô lớn hơn thì truyện Đồ Long sẽ không dẫn người ta
đi đâu
xa hơn là sự tái lập cái tổ chức của Minh Giáo đã từ lâu lý tán. Người
ta thấy
suốt cuốn truyện xuất hiện thường xuyên những nhân vật mới và cảm tưởng
của
người ta là đứng trước một trí tưởng tượng không có gì kiềm chế. Ngần
ấy nhân
vật tuy nhiên sau đều được phát giác là những nhân vật thất lạc của
Minh Giáo
và người ta sẽ không ngạc nhiên nếu, khi chức vụ của ai cũng được trả
cho nấy
rồi, thì truyện coi như đã gần xong. Tổ chức của Minh Giáo sẽ cho
truyện sự
mạch lạc của nó. Tất cả xẩy ra như trong hoá học. Mỗi lần khám phá ra
một chất
mới thì người ta cũng khám phá ra rằng cái chất ấy đã có một ô dành sẵn
cho nó
trong cái bảng Mendéléev. Ngược lại thì mỗi ô để trống lại đòi sự khám
phá ra
một chất mới để bù vào. Những nhân vật trong truyện Đồ Long cũng thế,
như đều
được sáng tạo để bù vào những chức vụ bỏ không của Minh Giáo và diễn
tiến của
truyện, tuần tự theo sự xuất hiện của họ sẽ trả lại cho Minh Giáo bộ
mặt nguyên
thủy của nó, nghĩa là, dẫn người ta đến một tình trạng có trước của thế
giới.
Nói tóm lại thì, như trong truyện trinh thám, cái gì mà theo người anh
hùng,
người ta khám phá ra là một dĩ vãng. Tổ chức Minh Giáo vừa là khởi
điểm, vừa là
tận điểm của truyện. Nếu những biến cố của truyện võ hiệp cổ điển nối
tiếp nhau
theo một đường thẳng thì truyện Đồ Long được viết theo một vòng tròn.
Ấy là một
thứ Bát Quái trận đồ: người ta đi bao nhiêu sau cùng trở về chỗ cũ, và
sự phức
tạp của nó ẩn một sự mạch lạc căn bản. Không phải ngẫu nhiên mà giữa
truyện Kim
Dung đã bày những trận đồ của Hoàng Dược Sư như một thách đố ám ảnh.
Chúng
tượng trưng cho cái nên thơ của sự mạch lạc mà tôi muốn người ta coi
truyện Kim
Dung như một cố gắng để đề cao.
Cái nên thơ ấy, người ta sẽ gặp lại
trong cách Kim Dung xếp
những nhân vật thành từng bộ. Có những bộ ba như A Chu, A Bích, A Tỷ,
mỗi người
mang một mầu áo; có những bộ tứ như Long Vương, Ưng Vương, Sư Vương,
Bức Vương,
mỗi người lấy một linh vật làm danh hiệu có những bộ năm như Đông tà,
Tây Độc,
Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, mỗi người xưng bá một phương, và lẽ
dĩ nhiên
cũng có những bộ bẩy hoặc tám nữa. Sau cùng phải kể đến Quang Minh
Lưỡng Sứ,
người tên Tiêu, người tên Dao, như sinh ra để cùng đồng hành và được võ
lâm
xưng tụng là Tiêu Dao nhị tiên. Một điều đặc biệt trong những bộ nhân
vật ấy là
Bộ có trước nhân vật. Mỗi Bộ thoạt tiên là lược đồ của một guồng máy mà
những
cơ quan là những nhân vật chờ được sáng tạo. Nhưng một khi những cơ
quan đã
lập, nghĩa là những nhân vật đã có những chức vụ đang chờ đợi họ thì
Bộ, tùy
theo những chuyển động riêng của mỗi người, sẽ như một guồng máy có một
nhịp
chuyển động riêng của nó. Ngược lại thì sự chuyển động của Bộ cũng làm
nhân vật
chuyển động theo. Nhân vật làm ra Bộ, Nhưng trong Bộ nhân vật mới tìm
thấy định
nghĩa của nó. Ấy là một chức vụ, một địa vị, một mầu sắc. Tâm lý nhân
vật mất
quan trọng, và có lẽ Kim Dung, sau khi đã xác định nhân vật như một
chiều sâu,
sẽ tiến đến một quan niệm về nhân vật giống truyện võ hiệp cổ điển,
nhưng được
khai thác một cách ý thức và có hệ thống hơn. Sự khác nhau giữa những
nhân vật
khi ấy chỉ còn là sự khác nhau giữa những vị trí của họ trong một Bộ.
Có những
nhân vật tâm lý không có gì đặc sắc nhưng thuộc một Bộ lại có một sự có
mặt
khác thường Ngược lại thì đôi khi có thể nói rằng Bộ đã ăn mất con
người của
nhân vật chỉ để lại một số hiệu. Quả Kim Dung đã không uổng là nhà văn
của thời
đại tổ chức! Và trong truyện ông, Cái Bang, Minh Giáo, Thiếu Lâm, nghĩa
là
những môn phái có tổ chức to lớn, chặt chẽ, và phức tạp thường giữ một
vai trò
đôi khi còn quan trọng hơn người anh hùng. Sự phức tạp ấy tuy nhiên Kim
Dung
không giới hạn vào một môn phái mà đã cho nó kích thước của một thế
giới. Ấy là
tất cả cái mênh mông của võ lâm trong cảnh ly tán, đa sắc và phồn tạp
của nó mà
theo người anh hùng người ta sẽ khám phá ra. Người anh hùng không chỉ
khám phá
ra một thế giới. Cái gì chàng sẽ làm sống lại là cả một giai đoạn của
lịch sử
võ lâm, và chính trong lịch sử ấy mà chàng sẽ tìm ra lý do đã làm cho
võ lâm ly
tán, nghĩa là sự mạch lạc trong cảnh ly tán ấy của võ lâm, để sau cùng
trả lại cho
võ lâm sự thống nhất của nó.
***
Ghi chú:
“Chiến thắng” của Kim Dung ở Việt Nam,
theo tôi, không có
nghĩa là nhà nước Cộng Sản, và nhất là những nhà văn của họ đã nhận ra
giá trị
của ông, và nói theo Đỗ Long Vân: nghi vấn này – việc in lại những tác
phẩm đã
một thời bị coi là đồi trụy, trong đó có chưởng Kim Dung - người đời
sau sẽ
giải quyết.
Nhưng ít ra, có một nhận xét thật
tuyệt vời về chưởng Kim
Dung, của một tác giả ở trong nước, qua bài viết của Vương Trí Nhàn. Đó
là đạo
diễn Nguyễn Đình Nghi, “một nhà hoạt động sân khấu nhưng lại rất mê văn
học, và
cũng mê chưởng, mới đây kể với tôi rằng ông đã phải suy nghĩ nhiều, khi
có lần
nghe một người lái xe nhận xét: Đọc chưởng của Kim Dung, thấy cái gì
cũng bịa,
song cuối cùng lại thực, trong khi xem vở kịch của anh A. đọc truyện
của anh B.
viết bây giờ, biết thêm nhiều chi tiết thực mà toàn bộ cứ như giả
khượt.”
(Vương Trí Nhàn: “Ngoài trời lại có trời”, in trong “Kim Dung, tác phẩm
và dư
luận”, nhà xb Văn Học, Hà Nội).
Một “chân lý văn chương” mà lại do một
anh lái xe đưa ra thì
thật tuyệt vời!
Trên tờ Điểm Sách Paris (The Paris
Review interviews,
Writers at Work, 6th Series), khi được hỏi bắt đầu viết như thế nào,
Gabriel
Garcia Marquez cho biết, khi học đại học Bogota, những bạn bè mới quen
biết ở
đây đã giới thiệu ông một số nhà văn đương thời. “Một đêm, một người
bạn cho
tôi mượn tập truyện ngắn của Franz Kafka. Khi về nơi trọ, tôi mở ra,
bắt đầu
đọc ‘Hóa Thân’, và dòng đầu tiên gần như đánh văng tôi ra khỏi giường.
(The
first line almost knocked me off the bed). Tôi
quá đỗi ngạc nhiên. Dòng đầu như sau: ‘Buổi sáng đó,
Gregor Samsa thức
giấc và thấy mình biến thành một con bọ ở trên giường.’ Khi tôi đọc
dòng đó,
tôi nói với tôi, mình chưa từng gặp một con người nào được phép viết
một điều
như vậy. Nếu biết, tôi đã khởi sự viết từ đời nảo đời nào rồi.”
Nhận xét của anh chàng lái xe và của
nhà văn Nobel văn
chương, theo tôi, có một chút gì “tâm đầu ý hợp”.
Vẫn Gracia Marquez, khi được hỏi, về
sự khác biệt giữa văn
báo và văn chương (Ông có cho rằng tiểu thuyết có thể làm một số điều
mà thể
văn báo chí không làm được? Liệu nhà báo và tiểu thuyết gia có những
trách
nhiệm khác nhau, trong việc làm thăng bằng sự thực giả tưởng?)
Nếu độc giả nào đã từng đọc “Cội Rễ
Nhà Trời” (Les Racines
du ciel) của nhà văn người Pháp Romain Gary, chắc nhận ra một điều:
chuyện
phịa. Làm gì có một thằng khùng chui rúc mãi tít nơi rừng sâu nước độc,
ở tận
trái tim của bóng đen, là xứ Phi Châu, để bảo vệ loài voi, sợ nó bị
diệt chủng,
là hết cột chống trời, là trời sập! Nhưng càng đọc, càng chỉ thấy “sự
thực, và
sự thực mà thôi”, bởi vì cái nhân vật chính ở trong đó còn “người hơn
tất cả
mọi người”, và cuộc chiến đấu tuy bịa đặt, tuy vô vọng đó, bất cứ một
con người
nào cũng mong được dự phần. Đây cũng là “thiên chức” của nhà văn, nếu
anh ta có
được một thiên chức, theo Beckett, khi ông định nghĩa, nhà văn là một
kẻ bị kết
án phải thất bại, “Hãy thua, thua nữa, thua cho bảnh” (Fail, fail
again, fail
better).
“Sự kiện” Đoàn Dự uống rượu rồi vận
Lục Mạch Thần Kiếm cho
rượu theo mấy đầu ngón tay chảy ra ngoài thì bố ai mà tin được, nhưng
bất cứ
một người nữ nào cũng có thể hy sinh cho người tình của mình như A Chu,
và hình
như đây chính là “thiên chức” của nàng, một khi Thượng Đế đã ban cho
nàng một
“cơ may” gặp được chàng!
“Cội Rễ Nhà Trời” được coi là cuốn
“tiểu thuyết sinh thái”
đầu tiên, khi cái từ “sinh thái” chưa được biết tới, khi thảm họa môi
sinh còn
là chuyện “bịa khướt”. Thú thật, bản thân người viết cũng không làm sao
chịu
nổi hình thức văn chương có tên là “tiểu thuyết tài liệu” (roman
documentaire).
Và càng sợ hơn nữa, thứ tiểu thuyết tư tưởng! Còn nhớ có lần được nghe
một nhà
văn hải ngoại “tâm sự”, cứ mỗi lần ông muốn để cho nhân vật của mình
nói lên
một tư tưởng gì đó, là thấy như ngường ngượng! Có vẻ như nhân vật tiểu
thuyết
mũi tẹt không chịu nổi món này!
Mũi tẹt hay không tẹt, thì cũng rứa.
Không phải là không có
tiểu thuyết tư tưởng, nhưng thứ này hiếm. Đâu có phải ai cũng có thể
viết được
những tác phẩm như của Musil hoặc Thomas Mann, hay một “Bóng Đêm Giữa
Ban Ngày”
(Koestler), với những nhân vật từ đời thực bước thẳng sang tiểu thuyết,
như những
nhận định của G. Steiner: “Nhưng vâng, đó có thể là ý thức hệ. Tôi may
được
quen Arthur Koestler, biết được cái điều: ai mà chẳng dám đánh đổi tất
cả, nếu
viết được một tác phẩm như là Bóng Đêm Giữa Ban Ngày: một trong những
hành động
tối thượng của tư tưởng. Đối với tôi, đây là một trường hợp biên cương
[giữa
văn học và ý hệ]. Nó sẽ vẫn còn được đọc, không chỉ vì Gletkin và
Rubashov là
những nhân vật giả tưởng, mà còn vì những tranh luận về chủ nghĩa
Stalin, chủ
nghĩa Marx, về sự tra tấn, và khủng bố: đâu là bản chất của sự dấn thân
tới
chết, với ý hệ? Đâu là bản chất của dối trá, nhằm bảo vệ chính nghĩa?
Đúng là
một cuốn sách giầu có. Koestler đưa vô, khá đủ độ đậm của cuộc sống,
khiến nó
không nghèo nàn như là một kịch bản về ý hệ.” (Trả lời phỏng vấn của tờ
Điểm
sách Paris).
Và đây có lẽ cũng là lý do, Kundera
coi “1984” của Orwell
không phải là tiểu thuyết, mà chỉ là chính trị giả danh văn chương. Ông
cho
rằng lỗi ở tác giả, đã quá “nghiêm trọng” khi viết văn. Ông khuyên,
“đừng
nghiêm trọng, cho dù đang viết về những chuyện chết người.”
Nhìn rộng ra một chút nữa, nhà văn,
một khi muốn “nhân
danh”, (hoặc muốn nhét vào miệng nhân vật mình một tư tưởng nào đó), là
hỏng!
Hỏng ở đây, một phần nào đó, không mắc mớ gì đến tài năng của người
viết, đề
tài người đó chọn… mà chính là do người viết đã tự trói, hoặc đã thui
chột trí
tưởng tượng của mình, rồi mới bắt đầu loay hoay tìm cách viết văn!
Có một câu chuyện ngụ ngôn, về một con
hổ muốn biết trí khôn
của con người ra sao, đã chịu cho người cày ruộng trói lại, khi nghe
người này
nói, “trí khôn tao để ở nhà”. Một khi bạn muốn “chụp một cái mũ cho văn
chương”, như vậy là đã “cố tình” bỏ quên trí khôn ở nhà! Trong trường
hợp đó,
tốt nhất là để cho hổ ăn thịt, cả trâu lẫn người!
Mô phỏng Kim Dung, chúng ta có thể
nói, có hai bí kíp Cửu Âm
chân kinh: một, từ ảo qua thực (tiểu thuyết) và một, từ thực qua ảo
(tiểu
thuyết dởm). Có điều, với Kim Dung, tập luyện thứ nào thì cũng đưa đến
kết quả.
Nói rõ hơn, có tư tưởng, và là thứ
xịn, ở trong chưởng Kim
Dung,
***
Cũng cùng một trường hợp như vậy, nếu
chúng ta để ý tới
những lời phẩm bình Lê Minh Hà, của Y Ban, một nữ tác giả ở trong nước,
trong
một dịp ngao du hải ngoại. Nếu bỏ qua cụm từ “nhà văn gì gì đó”, những
nhận xét
còn lại của Y Ban, theo tôi, có điều gì hết sức chân thực, và là do
cách đọc,
cách hiểu văn chương của bà; nói rộng ra, của đa số nhà văn ở trong
nước.
Y Ban coi những truyện của Lê Minh Hà
giống như của những
học sinh tập viết văn. Và những truyện như thế “chẳng tải gì cả”.
Đúng như vậy! Những truyện ngắn của Lê
Minh Hà chẳng tải gì
cả, và đây là một điều thật là tuyệt vời! Bởi vì bà đã phải đợi cuộc
chiến qua
đi, rồi lại đợi, đợi mòn đợi mỏi, cho đến khi không thể đợi được nữa,
đành
thoát ra ngoài, chỉ để viết những câu chuyện vặt vãnh, “chẳng tải gì
cả”, về
một miền đất. Bạn có bao giờ để ý đến những cánh hoa, sau một trận mưa,
đã cố
sửa soạn lại nhan sắc, cố giấu những vết thương trên mình, và lại mỉm
cười như
chẳng có chuyện gì xẩy ra?
“Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ
nhoi”: tôi cứ tưởng
tượng ra một người đàn bà, sau khi làm hết bổn phận với chồng với con,
với cuộc
đời nặng nề này, trong đêm khuya, đợi cho người thân yên giấc, lặng lẽ
thả từng
cánh hoa xuống lòng giếng sâu là hồn mình, rồi hồi hộp, âu lo, đợi chờ
tiếng
vọng của một thời nào đã xưa, đã cũ… Liệu những cánh hoa như vậy có
“tải” được
không, và những tiếng vọng, có “nghe” được không?
Thành thử những “gì gì đó”, nào là,
sau một thời văn chương
vết thương, tới một thời văn chương vết rạn, sau phản kháng tới ly
khai, sau
chống cộng tới hợp lưu… là toàn những chuyện giả danh văn chương ráo
trọi!
Vẫn trong “Kim Dung tác phẩm và dư
luận”, Vũ Hạnh khi được
hỏi, về những nhận định trước đây, khi còn nằm vùng, và bây giờ, đối
với chưởng
Kim Dung, ông cho rằng đây chỉ là một thứ “para-littérature”, trước đây
ông
chống, vì nó làm ru ngủ thanh niên trong lòng địch, bây giờ, ta cho in
nhưng
phải kiểm soát.
***
“Lẫm liệt một thời mà bây giờ thì… tội
nghiệp quá.”
Câu văn trên, trích từ “Một Thời Gió
Bụi”, tập truyện ngắn
của Nguyễn Khải (nhà xuất bản Lao Động Hà Nội 1993). Tác giả không định
nói về
một miền đất, mà là một khí hậu văn chương, khi so sánh anh nhà văn
hiện nay
với người dân làm cói ở xã N.
“Một Thời Gió Bụi” mở ra bằng câu
chuyện một làng làm cói.
Thuở lẫm liệt, “vào thập niên 1970 có năm họ thu được 9 triệu tiền
hàng. Tiền
thu đã nhiều mà làm cói lại dễ hơn trồng lúa. Một lần cấy mống cói thu
hoạch từ
bẩy đến mười năm… Mọi người tin rằng sự ổn định ấy là bất di bất dịch…
Vậy mà
cái yên tĩnh bây giờ [không còn lo chiến tranh], cái mở ra của bây giờ…
đang
dồn xã anh hùng vào ngõ cụt…”. Thế rồi tác giả bèn quay qua chuyện viết
văn,
“cũng như những người làm cói, tôi tin tưởng cái nghề viết của bọn tôi
sẽ không
có gì thay đổi, sẽ mãi mãi vẫn như thế. Nền văn học trong tương lai là
nền văn
học xã hội chủ nghĩa, làm sao nghi ngờ được… Vậy mà bỗng chốc… bỗng
chốc bản
thảo đưa tới nhà xuất bản từ nửa năm bị trả lại. Tại sao vậy? -Anh viết
chính
trị quá, cao siêu quá, bạn đọc sẽ khó mua. –Bạn đọc nào? Bạn đọc của
tôi vẫn trung
thành với tôi mà! –Bạn đọc quen thuộc của anh đã tới tuổi về hưu rồi,
đã về hưu
tiền ăn còn chả đủ lấy tiền đâu mua sách.”
“Nhưng người có tiền là những người
đang làm việc, họ còn
trẻ, rất trẻ. Hãy viết cho tuổi trẻ đi! Khốn nỗi cái tuổi trẻ hôm nay
với tuổi
trẻ của bọn tôi lại khác nhau quá nhiều vì thời thế đã thay đổi… Chân
lý vĩnh
cửu không còn nữa… Tiêu chuẩn bây giờ là tiền. Nó là bản vị của mọi giá
trị.
Chẳng hạn một nhà văn mà không kiếm ra tiền là nhà văn tồi… Nên ví thân
phận
anh nhà văn với ai nhỉ? Chắc là phải xếp dưới thầy cúng với thầy bói.
Nghề này
đang hái ra tiền, vì còn rất cần thiết cho những cái mộng tỉ phú. Chỉ
có thể so
sánh anh nhà văn hiện nay với người dân làm cói ở xã N mà thôi. Lẫm
liệt một
thời mà bây giờ thì… tội nghiệp quá!”
Ấy chỉ vì “chân lý vĩnh cửu không còn
nữa!”
***
Bất cứ một so sánh nào cũng khập
khễnh. Đôi khi khập khễnh
“cần thiết” hơn cân đối, hoàn chỉnh, ít ra là trong trường hợp ở đây.
Người viết đã từng nghe “hơn một nhà
văn” ở trong nước chê
Nguyễn Tuân. “Những tùy bút sau này của ông dở quá! Thua xa Võ Phiến!”,
một nhà
văn ở trong nước đã nói với tôi như vậy. Anh kể, kỷ niệm lần đầu đụng
đầu với
văn chương miền nam trước 1975, “Tôi đọc câu thơ của Nguyên Sa, hình
như là thế
này, ‘Sáng hôm nay Nga buồn như một con mèo ốm…’, và sướng điên lên.
Làm sao ở
miền bắc lại có một câu thơ ngu ngơ dại khờ tuyệt vời đến như vậy! Làm
thơ như
thế thì còn quá phản động!”
Ấy là tôi diễn ý của tôi, khi nhìn anh
bồi hồi với “nụ hôn
đầu ôm mái tóc lang thang” (thơ Thanh Tâm Tuyền): thì cứ coi như anh
lần đầu
tương tư Nga, và tiện thể, tương tư câu thơ đi, có chết ai!
Tôi lạc đề như vậy, là để nói ra điều
này: không thể có một
thứ văn chương lẫm liệt, và nếu có một thứ văn chương lẫm liệt, thì cái
hậu quả
tội nghiệp bây giờ là tất nhiên!
Và nếu Nguyễn Tuân sau này dở quá,
cũng là lẽ tất nhiên,
theo nghĩa, có thể ông thừa sức để viết hay hơn, thừa sức kiếm ra những
đề tài
xứng với ông hơn, nhưng ông biết rất rõ: viết hay là bỏ mẹ!
Bởi vì hãy nhớ lại câu cảnh cáo của
Adorno: Sau Lò Thiêu mà
còn làm thơ thì thật là … “tội nghiệp”! (ông dùng chữ “dã man”).
Hay là mượn ngay một câu chuyện ngụ
ngôn của Đông phương, về
một con chó chuyên săn hùm beo, bị đánh què chân, chỉ để dùng vào việc
săn
chuột! Ở đây, Nguyễn Tuân đánh què chính mình, tự tay ném tác phẩm của
mình vào
thùng rác, vì sợ rằng sau này thiên hạ sẽ hỏi, tại sao một thời đại
khốn kiếp
như thế mà lại có một thằng viết văn hay như vậy?
Liệu có thể coi nhà văn đó hèn nhát?
Và cái thái độ chê bai
Nguyễn Tuân, có phải do quá ghen với tài năng của ông, hay là vì họ
Nguyễn phải
đợi ba trăm năm sau mới tìm được kẻ khóc mình?
Liệu chúng ta có thể đi đến một kết
luận vội vã: lẫm liệt
cho lắm vào, bây giờ tội nghiệp cho đáng kiếp!
***
Cũng một trường hợp như vậy, nếu chúng
ta đọc truyện ngắn
“Huyền thoại phố phường” của Nguyễn Huy Thiệp.
Đây là một câu chuyện mô phỏng “Con
đầm bích” của Pushkin.
Nghe nói ở trong nước có người “quá ghen” hoặc “quá ngu” đến độ chê họ
Nguyễn
là đạo văn! Bản thân tôi, lần đầu đọc truyện này, cũng ngạc nhiên, tự
hỏi tại
sao Nguyễn Huy Thiệp “viết lại” Pushkin, bằng cách đẩy cái không khí
huyền hoặc
của “Con đầm bích”ù - bạn đọc chắc còn nhớ cảnh tượng “nụ cười” của bà
đầm già
“bước ra khỏi lá bài” khiến tay sĩ quan phát điên… - vào trong “thực
tại” phố
phường?
Một cách nào đó, Nguyễn Huy Thiệp đã
nhận ra nhu cầu phải
viết khác đi, nếu không muốn làm nhục văn chương, nghệ thuật. Nên nhớ,
một khi
văn chương phải hạ mình xuống để làm những công chuyện như “phản kháng,
ly
khai, chống cộng, hợp lưu, giao lưu hoà giải…” một cách nào đó, nó đã
bị tổn
thương, hoặc đã tự đánh què chính nó, và nếu văn chương có một lương
tâm, chắc
là nó cũng cảm thấy hổ thẹn! Theo nghĩa đó, Cao Hành Kiện đã cho rằng,
đây chỉ
là chuyện tri âm tri kỷ mà thôi. Cũng vẫn theo nghĩa đó, những người
chê thơ
Nguyễn Chí Thiện (không phải là thơ!), đáng lẽ họ phải đặt ngược vấn đề
và tự
hỏi, nếu Nguyễn Chí Thiện ở trong tù mà còn làm thơ thì…
tội nghiệp thực!
Đây chính là lý do tại sao, khi thiên
hạ khen “Bác sĩ
Zhivago” của Pasternak, Nabokov đã “bực mình”, qua một số câu trả lời
phỏng vấn
mà Jennifer tôi trích dịch sau đây.
Khi được hỏi, ông tiên đoán ra sao, về
sức khoẻ của văn
chương Nga, Nabokov trả lời:
Thật khó mà có một câu trả lời giản dị
cho một câu hỏi như
thế. Vấn đề là, không có một chính quyền nào, cho dù thông minh tới
đâu, nhân
bản tới đâu, có thể đẻ ra những nghệ sĩ lớn; ngược lại, một chính quyền
tồi tệ
nào cũng dư sức để mà hành hạ, làm tình làm tội, và hơn thế nữa, bách
hại, làm
thịt nghệ sĩ. Nên nhớ điều này, vì nó thật là quan trọng: chỉ đám thiếu
thẩm mỹ
(philistins), mắt mù tai điếc trước nghệ thuật, mới ăn nên làm ra trong
mọi chế
độ. Bởi vậy tôi chẳng có thể nào tiên đoán gì hết, nhưng hy vọng, lẽ dĩ
nhiên,
rồi chế độ công an trị ở Liên xô sụp dần rồi biến mất. Trong khi chờ
đợi, tôi
lấy làm thương hại cho mấy tên ngu đần đã lầm lẫn Staline với McCarthy,
Lò
Thiêu Auschwitz với bom nguyên tử…
Khi được hỏi, ông viết cho ai, Nabokov
trả lời:
Tôi không tin một nghệ sĩ lại phải lo
lắng đến độc giả của
mình. Độc giả số một của ông ta, là cái kẻ mà mọi buổi sáng ông ta nhìn
thấy
trong gương, khi cạo râu. Tôi cho rằng, khán thính giả độc giả của một
nghệ sĩ,
mà ông ta tưởng tượng ra được, là những người làm đầy một căn phòng, và
tất cả
đều mang mặt nạ của ông ta.
Về cuốn Dr Zhivago, khi Robert
Bingham, của tạp chí
Reporter, New York, muốn biết ý kiến của ông, Nabokov đã từ chối đưa ra
một lời
phê bình, sợ có hại cho tác giả. Theo ông, đây là một cuốn sách ủng hộ
(pro)
bôn sê vích, và sai lầm về lịch sử (historiquement faux), bởi vì đã vờ
đi cuộc
cách mạng tự do (révolution libérale) mùa xuân 1917; hơn nữa vị bác sĩ
đã mừng
đến phát điên, khi cú đảo chánh của bôn sê vích xẩy ra bẩy tháng sau
đó. Tuy
nhiên, ông đánh giá cao Pasternak như là một thi sĩ trữ tình (poète
lyrique).
Ông chào mừng Pasternak được giải Nobel, chỉ vì những câu thơ của ông
ta. Trong
Dr Zhivago, văn đã không tới được tầm cao của thơ ông. Ông nói thêm,
tầng lớp
trí thức Nga không ăn ý với Đảng đã không mặn mà với cuốn sách như là
độc giả
Mỹ. Khi cuốn sách xuất hiện ở Hoa Kỳ, đám lý tưởng tả phái đã mừng
quýnh lên:
đây là một bằng chứng cho thấy “một đại tác phẩm” đã được đẻ ra, từ chế
độ Xô
viết.
(Về những trích dẫn trên đây, là từ
“Strong Opinions” (tạm
dịch Bạo Mồm), Jennifer tôi sử dụng bản dịch tiếng Pháp, “Partis Pris”,
tủ sách
10/18, nhà xb Julliard, ấn bản 2001).
Với riêng người viết, chính cái tình
trạng tội nghiệp kia,
là một dấu hiệu hết sức đáng mừng của văn chương ở trong nước, nếu
chúng ta
nhận ra cái thông điệp của nhà văn Nam Phi Coetzee, khi viết về trường
hợp cuốn
Thương Xá (The Arcades Project) của nhà văn người Đức gốc Do Thái,
Walter
Benjamin. Khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Benjamin bỏ chạy qua Paris.
Và khi
Pháp sắp sửa lọt vào tay Quốc Xã, ông tìm đường tới Hoa Kỳ bằng ngả
biên giới
giữa Pháp và Tây Ban Nha, ôm theo bản thảo cuốn sách. “Nó còn quan
trọng hơn cả
tôi, và phải được gìn giữ”, ông nói về đứa con tinh thần của mình.
Theo Coetzee, cuốn “Thương Xá”, cho dù
chúng ta đánh giá nó
như thế nào – điêu tàn, thất bại, một dự án bất khả, impossible project
– đề
nghị một đường lối mới, để viết về một nền văn minh: sử dụng những rác
rưởi làm
chất liệu, thay vì những nghệ phẩm của cái nền văn minh đóù; lịch sử từ
đáy
thay vì lịch sử từ đỉnh. Và lời kêu gọi của Benjamin (trong “Những luận
đề” -
“Theses”), cho một lịch sử xoáy vào đau khổ của những người thua, thay
vì thành
tựu của những kẻ thắng: lời kêu gọi này mang đầy tính tiên tri, về cung
cách mà
việc viết sử bắt đầu nghĩ về chính nó, trong quãng đời [còn lại ngắn
ngủi của
chúng] ta.
***
Qui est Ky?
Ky là ai? Đây là câu hỏi của tướng de
Gaulle, thời gian hoà
đàm về chiến tranh Việt Nam diễn ra ở Paris. Câu hỏi này được báo Tây
đăng tải,
vì tính ngộ nghĩnh của nó (một trò chơi chữ), nhưng còn vì những hành
vi “ngộ
nghĩnh” của Nguyễn Cao Kỳ, khi, thay vì họp, ông kéo bà vợ “Duyên Kỳ
Mai” đi
trượt tuyết, hoặc chứng kiến ông biểu diễn lái phi cơ phản lực, hoặc vì
tính
“ngộ nghĩnh” của hòa đàm, hai, ba hay bốn bên; bàn tròn, bầu dục, hay
vuông;
rút quân trong danh dự hay cuộc tháo chạy tán loạn….
Nhắc tới Nguyễn Cao Kỳ, vì có một
thời, “Cô Gái Đồ Long” là
tác phẩm ruột của ông, và từ đó, của binh chủng không quân. Ông cũng
từng được
một nhà thơ miền nam, nhân chuyện ông và Nguyễn Văn Thiệu hục hặc, coi
là Vô
Kỵ, qua câu thơ:
“Ông về ông kẻ lông mày tí chăng?”
***
Có ít nhiều tương đồng giữa Weil và Đỗ
Long Vân.
Weil là học trò đắc ý nhất của Alain.
Simone Pétrément,
người viết tiểu sử của Weil cho biết, ngay từ hồi đi học, Weil đã chịu
ảnh
hưởng của ông thầy, từ nỗi quan hoài trước bất công, tới chống lại trật
tự xã
hội.
Đỗ Long Vân rất mê Alain, và đã từng
dịch những tác phẩm của
ông thầy người Pháp này.
Có thể, cả hai cùng bị ám ảnh bởi sức
mạnh, theo nghĩa Weil
viết trong “Iliade hay là bài thơ của sức mạnh”: “Sức mạnh biến kẻ bị
nó chi
phối thành đồ vật”. Hoặc lời nhắn nhủ này: “Chúng ta đừng bao giờ tái
diễn cuộc
chiến thành Troie” (tên một bài viết của Weil, viết năm 1937). Có thể,
“Vô Kỵ
giữa chúng ta” được viết dưới ánh sáng của những bài viết, những kinh
nghiệm
của Weil về Nazi, chủ nghĩa toàn trị... Ngay cả sự kiện Đỗ Long Vân
đành để bị
đưa đi Trung Tâm Ba tuyển mộ nhập ngũ như là một bình nhì, và từ chối
ra bưng,
như một hai “bằng hữu” hay mối quen biết (?) của ông, thời kỳ Mậu Thân,
có thể
cũng do ảnh hưởng của Weil.
Bà là một trong những người đầu tiên,
thuộc giới trí thức tả
phái, lên tiếng tố cáo Liên bang Xô viết, nhưng lại bị coi là “ngây
thơ”
(naive), khi cho rằng nước Pháp chỉ có mỗi một cách để chứng tỏ tính
“ưu việt”
(superiority) của nó, là trả lại độc lập cho những xứ thuộc địa. Tiểu
thuyết
gia người Pháp Georges Bataille có lẽ là người diễn tả tuyệt vời nhất
về Weil:
một “Don Quixote”, trong trường hợp của Weil, những kẻ thù của bà không
phải là
những cối xay gió, mà có thực, nhưng cây thương của bà là đồ dởm
(imaginary).
Với Đỗ Long Vân, ông không biết đâu là
kẻ thù, đâu là bạn,
nhưng có thể ông cũng nghĩ như một nhân vật trong “Bếp Lửa” của Thanh
Tâm
Tuyền: Ra ngoài ấy thì cũng là một cách đánh đĩ tinh thần!
Theo tôi, Đỗ quân còn bị ảnh hưởng
Weil, ngay ở trong văn
phong của bà: một văn phong đầy hồn thơ, và cũng thật là dữ dằn
(ferocious).
Ngay cả thái độ từ chối mọi tiện nghi,
mọi đặc quyền của
cuộc đời, như Weil: “Tôi sinh ra là để có phần của mình, ở tình yêu,
không phải
ở hận thù.”(Antigone. Sophocle).
***
“…. Trong Kim Dung, tất cả những chi
tiết rải rác mà thoạt
tiên người ta tưởng là vẽ ra theo sự tình cờ của cảm hứng, sau cùng đều
giải
thích lẫn nhau trong một kiến trúc nhịp nhàng”.
ĐLV
Trước Newton, những hiện tượng vật lý
như trái táo rớt xuống
đất, thủy triều lên xuống theo con trăng… đều là “những chi tiết rải
rác”, những
hiện tượng “tình cờ”của vũ trụ. Đến khi Newton xuất hiện, với luật vạn
vật hấp
dẫn, tất cả những hiện tượng riêng rẽ, rời rạc, tình cờ kia đều thu về
một mối.
Koestler đã coi Newton là người nhạc trưởng, tay cầm cây đũa thần, giơ
lên cao,
và bản hòa tấu bắt đầu.
Nhưng cái kiến trúc nhịp nhàng kia đâu
phải là chấm dứt mà
chỉ là mở đầu, nó là buổi đêm chứ không phải rạng sáng, nói theo
Lévi-Strauss.
Bởi vậy, sau Newton có Einstein, sau Einstein có lý thuyết Big Bang, Lỗ
Đen…
***
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, trong bài
phỏng vấn in trong “Kim
Dung, tác phẩm và dư luận”, cho biết: “Tôi biết rằng ở Trung Quốc đang
cho in
lại Kim Dung, bằng bản do chính tác giả chỉnh lý: loại bỏ 30% những gì
đã cho
in và nâng cao lên, bằng cách văn học hóa những gì đã viết. Trong bản
cũ, từng
có những nhân vật bị tác giả bỏ quên: nếu tôi nhớ không lầm thì trong
‘Cô gái
đồ long’, Khúc Phi Yến, một nhân vật khá hấp dẫn bỗng dưng không thấy
mặt mũi
đâu nữa, chẳng chết, cũng chẳng sống, biến mất tăm không một lời giải
thích…”
Khúc Phi Yến là nhân vật trong ‘Tiếu
Ngạo Giang Hồ’. Theo
tôi, không phải người đẹp bị Kim Dung bỏ quên. Khúc Phi Yến xuất hiện
chỉ để
nói một câu rồi biến mất, giống như người đẹp bay lên trời ở trong
“Trăm Năm Cô
Đơn” của Garcia Marquez.
Bạn đọc chắc còn nhớ đoạn hai đồng tác
giả bản đàn Tiếu Ngạo
Giang Hồ bị cao thủ Phí Bân phái Tung Sơn truy đuổi tận diệt, rồi Lệnh
Hồ Xung
và Nghi Lâm xuất hiện, Phí Bân muốn giết luôn cả hai để diệt khẩu, Lệnh
Hồ Xung
kêu Nghi Lâm hãy bỏ chạy, nhưng vị ni cô quyết định ở lại, và Khúc Phi
Yến đã
cười nói: “Chàng ngố ơi, ni cô muốn cùng chết với chàng ngố đó…”
Lời tỏ tình, Lệnh Hồ Xung không thể
nói, (vì là chàng ngố),
Nghi Lâm lại càng không thể nói, (vì đã gửi thân nơi cửa Phật). Kim
Dung đã
mượn người đẹp, cô cháu gái (?) của Khúc trưởng lão của Ma giáo nói
giùm, là
vậy.
Trong đời “thực”, chắc còn nhiều chàng
ngố, chỉ mong được
nhìn thấy người đẹp một lần trong đời…
***
“Tổ chức của Minh Giáo sẽ cho truyện
sự mạch lạc của nó. Tất
cả xẩy ra như trong hóa học…”.
ĐLV
Có ba cách đọc “Cô Gái Đồ Long”, ít ra
là vậy, theo tôi.
Cách thứ nhất: lấy Cửu Dương chân kinh
làm nền, và đây là
câu chuyện về một nguyên lý võ công mất đi, rồi tìm thấy lại.
Cách thứ nhì: lấy Vô Kỵ làm nền và đây
là câu chuyện một đứa
trẻ bất hạnh, như những nhân vật của Dickens chẳng hạn. Và những trang
sách
tuyệt vời trong “Cô Gái Đồ Long”, là để tả cuộc hành trình của hai đứa
trẻ bất
hạnh, Vô Kỵ và Bất Hối, từ Điệp Cốc tới đỉnh Côn Luân.
Cách thứ ba, như trên, là lấy Minh
Giáo làm nền, như Đỗ quân
đã trình bày: “Trên một qui mô lớn hơn thì truyện Đồ Long cũng sẽ không
dẫn
người ta đi đâu xa hơn là sự tái lập cái tổ chức của Minh Giáo đã từ
lâu ly
tán…” “những nhân vật trong truyện Đồ
Long [những chất hóa học trong bảng tuần hoàn Mendéléev] như đều được
sáng tạo
để bù vào những chức vụ bỏ không của Minh Giáo…. Tổ chức Minh Giáo vừa
là khởi
điểm, vừa là tận điểm của truyện.”
Những ý niệm về “nhân vật xếp thành
từng bộ” như Đỗ Long Vân
diễn tả, là mượn từ tân toán học, theo tôi, nhưng đã bị ám ảnh bởi thời
cuộc,
thí dụ như những câu sau đây:
“Nhân vật làm ra Bộ. Nhưng trong Bộ
nhân vật mới tìm thấy
định nghĩa.”
“Tâm lý nhân vật mất quan trọng… sự
khác nhau giữa những
nhân vật khi ấy chỉ còn là sự khác nhau giữa những vị trí của họ trong
một Bộ.”
“Ngược lại thì đôi khi có thể nói rằng
Bộ đã ăn mất con
người của nhân vật. Quả Kim Dung đã không uổng là nhà văn của thời đại
tổ
chức!”
Từ “tổ chức” thật là đầy ấn tượng!
***
VI. Thế giới Kim Dung.
“There is therefore a poetics of
blood. It is a poetics of
tragedy and pain, for blood is never happy”
Gaston Bachelard. (Tưởng tượng Thi ca
và Mơ mộng, On Poetic
Imagination and Reverie; Colette Gaudin biên tập, nhà xb Indianapolis:
Bobbs-Merrill, 1971.)
[“Từ đó, có một thi học về máu. Đó là
một thi học về bi thảm
và đau đớn, bởi máu là chẳng thể nào hạnh phúc.” J.M. Coetzee trích
dẫn, trong
“White Writing: On the Culture of Letters in South Africa”, nhà xuất
bản Yale
University Press].
“Truyện ông như muốn quật ngã cái ý
chí anh hùng và cái đạo
lý của ông không giống cái đạo lý của người thống trị. Hay đúng hơn ấy
chính là
sự thống trị. Khi uy quyền đã vững và tới bậc cuối cùng của tham vọng
người ta
có thể bước sang giai đoạn của ăn năn. Còn những kẻ muốn tiếp tục
truyền thống
nghĩa hiệp?…”
“Và có lẽ cũng như tác giả ‘Don
Quichotte’, ở cái thời mà
vàng của Mỹ châu tràn ngập những thị trường Địa Trung Hải làm sống lại
sự giao
thương, tao loạn và những thuyết nhân bản, xóa nhòa trong trí nhớ mọi
người sự
nghiệp oai hùng của những chàng nghĩa sĩ của Charlemagne, Kim Dung đã
viết
những truyện võ hiệp để vừa tiếc chúng vừa mua một cuộc ‘Tiếu Ngạo
Giang Hồ’.
Những anh hùng của ông sẽ biết sự thất bại. Nhưng còn đâu nữa những anh
hùng?
Chỉ có những cá nhân.”
“Và lẽ dĩ nhiên cái chết nào, dù là
cái chết xứng đáng của
một Dương Khang, cũng đủ thảm khốc để có vẻ oan uổng. Cái gì tác giả
muốn là
gây cho người đọc một cảm động mạnh. Cảm động trên hết, cảm động trước
đã và
cảm động sẽ thắng.”
“Ông sẽ cho người ta thấy trong mỗi
tên đại ma đầu có một
người cha muôn thuở đang ngủ.”
“Nhưng dưới tác phong tàn bạo của họ,
nhân vật nào trong Kim
Dung mà không đa sầu, đa cảm, đa tình?”
“Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt
cho đứa con hoang của
mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ
Dung Phục
sẽ bị trừng phạt đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá
lớn mà tại
vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là
tình yêu.”
“Nhưng không bao giờ, không bao giờ
Kiều Phong sẽ được trở
về Nhạn Môn Quan cùng A Châu chăn cừu.”
ĐLV
“A fiction, a dream of passion”
Shakespeare (Hamlet)
(Giả tưởng, một giấc mơ của đam mê)
Nhưng trước khi chắp xong những mảnh
vụn ấy, thu tất cả
những đầu dây vào một mối và tìm ra cái chốt của mọi sự kiện thì chàng
đã trải
qua những rừng nghi vấn. Hơn một lần những bất ngờ đã vồ lấy chàng. Và
cuộc
phiêu lưu của chàng đã là một thất lạc giữa những đe dọa chập trùng.
Không có
ai trong truyện cổ điển để nghi ngờ cái ý nghĩa sẵn có của mọi vật.
Nhưng người
anh hùng của Kim Dung trái lại vào đời để ngạc nhiên và khám phá rằng
thế giới
to, rộng và phức tạp hơn người ta đã dạy chàng. Ấy thường là một thiếu
niên
thật thà, võ công chẳng có mấy cũng như chẳng có mấy kinh nghiệm giang
hồ. Khác
hẳn những anh hùng cổ điển khi xuống núi là đã sẵn có những võ công
trác tuyệt
và chỉ có việc mang cái đạo sẵn có ra thi hành để tiếp tục một truyền
thống đã
gần trở thành tự nhiên, thì chàng, chàng phải học tất cả từ đầu. Những
tình cờ
của cuộc đời sẽ dạy chàng võ công cũng như đạo lý. Theo chàng, người ta
tham dự
vào sự khám phá một thế giới mới lạ và bí mật. Và đồng thời chuyện của
sự khám
phá ấy cũng là chuyện trở thành của người anh hùng. Không thuộc một môn
phái
nào cố định, nhưng học ở khắp nơi, người anh hùng Kim Dung là con của
kinh
nghiệm và tình cờ. Ấy là con người của những thuở giao thời khi truyền
thống
sụp đổ mà những giá trị mới vẫn chưa xuất hiện một cách rõ ràng. Con
người ấy
do cuộc đời làm ra, và có khi cuộc đời biến chàng thành một cái gì khác
hẳn
những tham vọng nguyên thủy của chàng. Truyện võ hiệp cổ điển trình bày
những
giai đoạn của sự thực hiện theo một đường thẳng của một dự định từ đầu
tới cuối
vẫn là một. Khi cuộc phiêu lưu của Vô Kỵ chấm dứt thì còn gì ý chí phục
thù của
chàng? Hình như chàng đã quên nó từ bao giờ không biết.
Con người bị thế giới thay đổi. Ấy là
tại thế giới lớn hơn
con người. Người anh hùng Kim Dung thường xuyên bị vây giữa cái chưa
biết.
Tương lai thì mịt mù, hiện tại khó hiểu, sau lưng chàng còn cả một dĩ
vãng mà
chàng không hề tham dự, nhưng đôi khi một võ công thất truyền như nhắc
lại
tiếng vọng của một cái gì thần bí và hoang đường. Chàng phải khám phá
ra thế
giới từng bước một. Nhưng thế giới như không có giới hạn. Hết sự lạ này
lại đến
sự lạ khác, hết võ công này lại có võ công khác cao hơn, và như người
ta nói,
ngoài trời lại có trời. Kinh nghiệm của người anh hùng là kinh nghiệm
của cái
vô cùng, cái bên kia, cái khác. Từ cái phồn hoa của những đô thị đến
những cơ
quan ác hiểm, tất cả, trong truyện võ hiệp cổ điển, đều làm chứng cho
sự nhân
loại hóa của thế giới. Cảnh trí trong truyện võ hiệp mới khác hẳn. Hang
sâu,
vực thẳm, rừng hoang, đảo vắng, sa mạc mênh mông, một thiên nhiên dữ
tợn vây
con người ở khắp nơi. Khắp nơi xao xác tiếng gọi của Huyền bí và Vô
cùng.
Tà đạo trong Kim Dung cũng có lưỡng
tính ấy. Vừa đe dọa vừa
cám dỗ. Như người của Chính phái, khi lâm sự, người của Tà đạo cũng
mười phần
ác độc, và đôi khi những đòn của họ còn thâm hiểm gấp bội. Chỉ có người
Tà đạo,
chẳng hạn, mới nuôi rắn trong túi để phòng khi họ bị thua, kẻ thù có
lục xác sẽ
bị rắn cắn chết. Nhưng họ không bao giờ tìm cách cho sự ác độc ấy một
minh
chứng. Hơn thế nữa, họ còn cười đạo lý của những môn phái khác là ngây
thơ, giả
dối và hủ lậu. Cám dỗ đầu tiên họ mang lại là sự tự do không biên giới.
Người
lương thiện trước họ sửng sốt tự hỏi tại sao trên đời lại có những
người như
thế? Làm sao có thể vô tình trước sự thông minh của Hoàng Dung, nhan
sắc của
Hân Tố Tố, sự uyên bác của Tạ Tốn, tính ngạo mạn của Hoàng Dược Sư?
Những đức
tính ấy tuy nhiên chỉ là những cám dỗ bề ngoài. Xa hơn nữa, Kim Dung sẽ
làm cho
người ta thấy rằng Tội Ác tự nó có một sức thu hút lạ thường. Ai có thể
đoan trang
hơn Mục Niệm Từ? Nhưng người con gái suốt đời giữ thủy chung với Dương
Khang,
một con người ung thối, gian sảo và ngoài danh vọng ra thì chẳng thiết
gì. Cũng
như thế, Kỷ Hiểu Phù thà chịu chết chứ không chịu phản bội Dương Tiêu,
người mà
sư phụ nàng gọi là tên dâm tặc và cũng là người tình phụ bạc của chính
nàng.
Trong những mối tình ấy có một cái gì người ta không thể hiểu hết và
người ta
tự hỏi khi tả chúng thì Kim Dung muốn nói lên cái gì? Sự thôi miên của
tội ác,
sự phi lý của tình yêu, hay là cái thiêng liêng mà người ta muốn xác
định trong
những con người sa đọa nhất? Tất cả những ý tưởng ấy có lẽ cùng một lúc
đã
thoáng qua trong đầu người ta, khi, cái xác của Dương Khang phơi ở
ngoài tòa
miếu vắng, đàn quạ no nê chỉ để lại một mớ xương hoang. Con người gian
xảo ấy
đã đền tội một cách xứng đáng. Nhưng trong một ngôi chùa xa, ít người
lai vãng,
Mục Niệm Từ vẫn giữ nguyên dưới đáy lòng ảnh tượng của một người yêu.
Cái chí của Dương Khang không cao.
Tham vọng duy nhất của
chàng là thừa kế cái địa vị của người cha nuôi của chàng để có thể tận
hưởng
phú quí. Nhưng để thực hiện tham vọng ấy chàng đã phản bội tất cả: quê
hương,
cha mẹ, anh em, bằng hữu, và sau cùng trở thành một kẻ sát nhân. Cái
họa ấy là
tâm hồn chàng vẫn còn có chỗ bị cái đạo lý truyền thống uy hiếp, và cứ
gặp cái
nhìn của Mục Niệm Từ là chàng lại như thấy sự oán trách của lương tri.
Tội ác
chàng làm tự chàng lại coi là tội ác, và đứa con sa đọa ấy của một dòng
nghĩa
hiệp sẽ không bao giờ biết gót chân nhẹ nhàng của những người đi chinh
phục
những vùng đất cấm. Xã hội lên án những con người ấy là Tà đạo. Nhưng
họ có làm
gì hơn là muốn vượt khỏi giới hạn của cuộc sống tầm thường? Giới hạn
của đạo lý
lẽ dĩ nhiên, nhưng cả giới hạn tự nhiên của con người, họ cũng muốn
vượt qua,
và không vượt qua được thì đến Trời họ cũng chửi. Nhưng trong sự nổi
loạn ấy,
người ta đã nhận ra người anh hùng của văn học lãng mạn. Cơn thịnh nộ
của Tạ
Tốn, trong cơn bão đánh bạt thuyền ông lên Băng Hỏa Đảo, chống lại cái
mà ông
nguyền rủa là Lão Tạo Thiên làm người ta nghĩ đến thuyền trưởng Achab
của
Melville và không phải ngẫu nhiên mà đã hai lần Kim Dung lấy cái tên
Phá Thiên
để đặt cho nhân vật của mình. Tà đạo trong ông không phải chỉ gồm những
quân
đầu trộm đuôi cướp mà những người mang cái chí muốn đoạt quyền tạo hóa.
Họ đã
ly khai khỏi cái đạo lý của tất cả mọi người. Lẽ dĩ nhiên họ bị mọi
người
nguyền rủa. Tham vọng điên cuồng của họ trong khi ấy chỉ có thể đưa họ
đến thất
bại và sự thất bại ấy lại xuất hiện như một nguyền rủa lớn hơn nữa, là
của định
mệnh. Họ là những người đã thách đố Thần linh. Và như trong truyện cổ
Hy Lạp,
Thần linh đã trừng phạt sự kiêu ngạo của họ và làm cho họ hóa điên. Hơn
là tham
vọng của họ, hơn là cái tài của họ, sự thất bại của họ làm cho người ta
sợ hãi,
tại trong sự thất bại ấy người ta đã không gặp gì hơn là cái bất nhân.
Ấy là ấn
tượng của người ta trước định mệnh của một Hoàng Dược Sư, một Tạ Tốn,
một Kiều
Phong. Lại có những nhân vật như Dương Khang, Chu Chỉ Nhược, Du Thản
Chi chẳng
có gì vượt bực. Nhưng thảm kịch của đời họ đặt cho người ta những nghi
vấn. Sao
lại có thể có một Du Thản Chi, từ thể xác tới tinh thần, như tụ hội tất
cả
những tật nguyền? Những nhân vật như thế tuy nhiên, trong Kim Dung,
không phải
chỉ giữ một vai bàn đạp để tuyên dương cái tích cực rực rỡ chuyên chở
trong
những nhân vật chính. Tai họa mà họ phải gánh chịu ông còn cho người ta
biết
như một điều oan uổng. Người ta chạm trán trong họ với cái phi lí của
định
mệnh.
Định mệnh, Thần linh, Thiên nhiên, Thế
giới, tất cả đều lớn
hơn con người như sa mạc lớn hơn ý chí của Thiết Mộc Chân. Và cái gì
ông hoàng
Mông Cổ, sau khi đã khuất phục cái mênh mông của sa mạc, sẽ gặp lại
trước giờ
nhắm mắt là một cô độc không thể vãn hồi. Sự thất bại sau cùng ấy Kim
Dung cũng
sẽ dành cho những Vô Kỵ, Mộ Dung, Kiều Phong, Tạ Tốn. Truyện ông như
muốn quật
ngã cái ý chí anh hùng và cái đạo lý của ông không giống cái đạo lý của
người
thống trị. Hay đúng hơn ấy chính là sự thống trị. Khi uy quyền đã vững
và tới
bậc cuối cùng của tham vọng người ta có thể bước sang giai đoạn của ăn
năn. Còn
những kẻ muốn tiếp tục truyền thống nghĩa hiệp? Người ta sẵn sàng dành
cho họ
cái dễ thương của sự nhẹ dạ và ngu đần! Và có lẽ như tác giả “Don
Quichotte”, ở
cái thời mà vàng của Mỹ châu tràn ngập những thị trường Địa Trung hải,
làm sống
lại sự giao thương, tao loạn, và những thuyết nhân bản, xóa nhòa trong
trí nhớ
mọi người sự nghiệp oai hùng của những chàng nghĩa sĩ của Charlemagne,
Kim Dung
đã viết những truyện võ hiệp để vừa tiếc chúng vừa mua một cuộc “Tiếu
Ngạo
Giang Hồ”. Những anh hùng của ông sẽ biết sự thất bại. Nhưng còn đâu
nữa những
anh hùng? Chỉ có những cá nhân.
Cái gì người ta chiêm ngưỡng trong
những nhân vật cổ điển
không phải cá nhân họ mà là những giá trị họ tượng trưng. Nhưng sự sụp
đổ của
những giá trị trước một thế giới của vật lực cũng làm rơi những mặt nạ,
và con
người trong Kim Dung xuất hiện như một mớ đam mê. Khi Trương Thúy Sơn
ôm cái
xác của Dư Đại Nham về Võ Đương thì cái gì sư huynh đệ chàng chợt giác
ngộ là
sự thật đơn giản, rằng họ không phải là những thiên thần. Họ có một
thân thể để
mang bệnh, trúng thương và chết, không phải cái chết vinh quang mà
người ta
thường đợi ở những người anh hùng mà là cái chết tăm tối, ô nhục, và
khả nghi
không biết tại sao chết và chết dưới tay ai, có thể xảy ra cho bất cứ
kẻ vô
danh nào lạc bước trên giang hồ. Sinh ra ở đời ai mà không chết! Tiếng
thở dài
của Trương Tam Phong trước cảnh hấp hối của đứa học trò yêu của mình như cáo chung cho một giai đoạn trong lịch sử võ
hiệp. Những người anh hùng giờ sẽ biết sự đau khổ. Hỉ, nộ, ai, cụ, ái,
ố, dục,
tâm hồn họ sẽ là nơi dao động của thất tình. Và những biến cố tâm lý
cũng có
một trọng lực không kém gì những biến cố ngoại tại. Tương quan giữa
người đọc
và truyện cũng đổi hẳn. Từ địa vị khán giả của một buổi trình diễn,
người ta phải
chia sẻ tâm sự của nhân vật: vui buồn, thắc mắc cùng nhân vật, nói tóm
lại,
tham dự trực tiếp vào cuộc phiêu lưu.
Xa cái vui mắt của những đô thị, người
ta theo người anh
hùng tiếp xúc với cái trữ tình của những mặt hồ man mác, những chuyến
đi thuyền
đêm dưới trăng, những cảnh rừng hoang xào xạc lá rụng. Ấy là những cảnh
để nói
với lòng người, và trong truyện, chúng là một yếu tố dẫn cảm. Cũng như
thế,
quan trọng của biến cố không còn ở ý nghĩa đạo lý chúng có thể trình
diễn mà ở
tiếng dội tâm lý của chúng. Khi thì chúng làm người sửng sốt và trông
chờ, lại
có khi chúng gây ra những tình cảm nhân loại hơn: lãng mạn như cuộc
tương ngộ
đầu tiên giữa một đôi tri kỷ, nhưng thương tâm cũng có – như cái chết
của một
nhân vật mà người ta đã theo như một người bạn đường. Ai có thể nghĩ
rằng những
Hân Tố Tố, Trương Thúy Sơn, Kỷ Hiểu Phù, A Châu, Kiều Phong, A Tỷ… lại
có thể
bị hy sinh? Nhưng Kim Dung sẽ đi rất xa. Ông sẵn sàng cho chết ngang
xương
những nhân vật được cảm tình của người đọc nhất. Và lẽ dĩ nhiên cái
chết nào,
dù là cái chết xứng đáng của một Dương Khang, cũng đủ thảm khốc để có
vẻ oan
uổng. Cái gì tác giả muốn là gây cho người đọc một cảm động mạnh. Cảm
động trên
hết, cảm động trước đã, và cảm động sẽ thắng. Những giá trị của truyện
võ hiệp
mới là những giá trị của tâm hồn. Ai có thể chờ gì hơn ở một truyện kể
khi ngay
những nhân vật của truyện cũng không còn thiết đến ý nghĩa đạo lý của
nó? Tất
cả là làm thế nào cho người ta động lòng. Xưa thế giới chia đôi: một
Tà, một
Chính. Giờ thì những tiêu chuẩn tình cảm sẽ thay thế những tiêu chuẩn
đạo lý:
sẽ có những nhân vật để người ta có cảm tình với, và những nhân vật để
nhận tất
cả ác cảm của người ta. Cho nên, để gợi sự thương tâm trong độc giả,
anh hùng
giờ sẽ là người anh hùng lâm nạn, và truyện sẽ không kể lại những chiến
công mà
là những tai họa kế tiếp nhau trong đời chàng. Ấy là Dương Quá trong
tay những
ông thầy bất công và nghiệt ngã; ấy là Thạch Phá Thiên ở với một người
mẹ nuôi
thù hằn; ấy là Vô Kỵ suốt thiếu thời mang một thứ bệnh nan y. Nhỏ thì
chịu tất
cả những tủi nhục của một đứa trẻ vô thừa nhận, lớn lên họ lại bị xã
hội nghi
ngờ, xua đuổi, nguyền rủa, uy hiếp. Ngoài ra còn đủ thứ cảnh ngộ éo le
mà cái
tình cờ của phiêu lưu thường xô họ vào để họ phải chọn giữa những tình
cảm đối
nghịch. Không có gì trong thế giới là minh định như xưa. Họ thường
xuyên phải
ngạc nhiên, tự tra vấn, xét lại những thành kiến và những ước định của
mình.
Cho nên người nào cũng có một cuộc sống bên trong cực kỳ sôi động. Hơn
thế nữa,
chẳng mấy người lại chẳng từng trải qua những cay đắng của giang hồ và
đeo
trong mình một quá khứ nặng nề. Kinh nghiệm ấy cho họ một tâm hồn đầy
uẩn khúc,
và mỗi nhân vật giờ xuất hiện như một sự sâu xa thần bí. Ấy là nguồn
của cái
tâm lý phức tạp mà người ta thường ca tụng Kim Dung là đã mang vào
truyện võ
hiệp. Tâm lý trong truyện Kim Dung có lẽ cũng không phức tạp như người
ta
tưởng. Nhưng ít nhất thì những nhân vật của ông cũng không phải là
những vai
trò mang những nhãn hiệu cố định. Sau những nhãn hiệu như thế là một
thế giới
riêng tư, sau những vai trò còn có con người, và con người đích thực,
theo Kim
Dung, là con người của năng tính. Ông sẽ cho người ta thấy trong mỗi
tên đại ma
đầu có một người cha muôn thuở đang ngủ. Tiếng khóc của một đứa trẻ thơ
thức
tỉnh Tạ Tốn khỏi cơn mê sảng đẫm máu từ bao lâu đã vùi ông trong một
cuộc tàn
sát tưởng không bao giờ thôi. Và cái sướng nhất đời của Âu Dương Phong,
có ai
ngờ, là được một thằng bé con gọi là cha. Mất con, Diệp Nhị Nương bắt
trẻ của
người để ăn tim uống máu. Nhưng chỉ cần nhìn thấy đứa con mụ mong thầm
nhớ trộm
là mụ chợt giác ngộ và tự lên án cả quá khứ của mình. Cũng như thế, một
Lý Mạc
Thu có thể nhảy vào lửa để cứu một đứa trẻ thơ. Nhưng dưới tác phong
tàn bạo
của họ, nhân vật nào trong Kim Dung lại không đa sầu, đa cảm, đa tình?
Người ta
chỉ cần nhớ đến sự thủy chung của Hoàng Dược Sư với người vợ sớm qua
đời, và
tiếng sáo của ông trên nước biếc, khi, một mình một chiếc thuyền, ông
đi khắp
bốn bể tìm con.
Cái tình là tiếng nói của cái phần sâu
xa nhất trong mỗi con
người. Không có tình giữa những vai trò xã hội. Nhưng khi hai nhân vật
khám phá
ra nhau như những con người, nghĩa là khi Trương Thúy Sơn thấy rằng Hân
Tố Tố
không giống hẳn cái ảnh tượng mà ba tiếng nữ ma đầu gợi ra trong đầu
chàng thì
cái tình giữa hai người đã bắt đầu. Nhân vật của truyện võ hiệp cổ điển
cũng
biết yêu nhau. Nhưng trong thế giới của họ chữ Tình chỉ định một tương
quan
ngoại tại, ước lệ và trừu tượng, qui định bởi thứ bậc xã hội và những
tiêu
chuẩn đạo lý. Không thể tưởng tượng được chẳng hạn một cuộc yêu đương
giữa
người của Tà môn và của Chính giáo. Nhưng trong Kim Dung, cái tình là
cái tinh
hoa của năng tính. Nó sẽ thắng những giới hạn giả tạo ấy và làm cho
Dương Quá
chẳng hạn suốt đời thương nhớ một người cha sa đọa. Tình cha mẹ con
cái, tình thầy
trò, tình đồng môn, tình bằng hữu, không tình nào mà Kim Dung không mô
tả qua.
Và lẽ dĩ nhiên phải kể đến tất cả những sắc thái của tình yêu: tri kỷ
như giữa
Hoàng Dung và Quách Tĩnh, thần tiên như giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ,
ác độc
như giữa Du Thản Chi và A Tỷ. Có những mối tình trưởng thành trong sự
chia sẻ
những nguy hiểm và gian khổ chung và những mối tình, như của Hân Ly với
Vô Kỵ
kết tinh từ một kỷ niệm nhỏ thuở thiếu thời. Lại có những mối tình sét
đánh,
như Đoàn Dự vừa trông thấy Vương Ngọc Yến là tưởng như những nhan sắc
khác đều
bị xóa nhòa. Những người yêu thì có kẻ đào hoa như Đoàn Chính Thuần,
thờ phụng
như Đoàn Dự, ngây thơ như Hân Ly, đau khổ như Chu Chỉ Nhược, dịu dàng
như A
Châu, nhưng người nào cũng yêu đắm đuối như đã gặp trong người mình yêu
một cái
gì không thể gặp được lần thứ hai ở trên đời. Cho nên A Châu có chết đi
nhưng
ảnh tượng nàng vẫn còn thao thức mãi trong lòng Kiều Phong. Hai tâm hồn
gặp
nhau, tương đắc, giao hội và không có gì có thể chia rẽ họ. Trương Thúy
Sơn, Kỷ
Hiểu Phù, A Chu nhận cái chết để khỏi phải lên án người yêu của họ, và
Mục Niệm
Từ giữ thủy chung với Dương Khang cho tới cùng. Tình yêu không kể tới
đạo lý.
Nó không thể giải thích được. Ai biết đâu sự sa đọa của Dương Khang là
cái đã
cám dỗ Mục Niệm Từ, cái ngây thơ của Quách Tĩnh là cái cám dỗ Hoàng
Dung, sự lơ
đãng của Mộ Dung Phục là cái cám dỗ Vương Ngọc Yến? Tham vọng có thể
dẫn đến
tuyệt vọng. Nhưng tình yêu là cái đam mê duy nhất trong Kim Dung không
bao giờ
biết đến sự ăn năn. Cái tên Bất Hối mà Kỷ Hiểu Phù đã đặt cho đứa con
hoang của
mình có lẽ đã đánh dấu trang sử diễm lệ nhất của võ lâm và có lẽ Mộ
Dung Phục
sẽ bị trừng phạt đến hóa điên, không phải vì tham vọng của chàng quá
lớn mà tại
vì chàng là nhân vật rất hiếm của Kim Dung đã không biết thế nào là
tình yêu.
Sự giá trị hóa cái Tình trong Kim
Dung, tuy nhiên, chỉ là tỉ
dụ điển hình nhất của sự giá trị hóa đời sống tâm hồn. Tâm hồn của nhân
vật võ
hiệp cổ điển có thể đọc trên mặt họ. Ấy không phải là một tâm hồn mà là
một vai
trò, một nhãn hiệu, nhiều lắm là một cá tính. Tất cả những cử chỉ của
nhân vật
đều mang sắc thái của cá tính ấy mà mục đích của chúng là trình diễn
cho ai
cũng có thể thấy rõ. Nhưng Kim Dung biết rằng sự thật cuối cùng của một
con
người không bao giờ có thể đạt tới. Nhân vật của ông thường là những
nhân vật
đa diện, và trong họ lúc nào cũng có thể xuất hiện một con người khác
hẳn con
người vẫn thường biết. Hơn thế nữa, trong Kim Dung, người ta vào đời là
để tự
khám phá, tự đào luyện, tự xây dựng. Cho nên cái vô
định tính thường là đặc tính đầu tiên của
nhân vật – và nhân vật nào cũng chỉ dần dần người ta mới có thể nhận
rõ. Thoạt
tiên ở họ người ta chỉ biết có những cử chỉ. Nhưng cử chỉ, diện mạo,
ngôn ngữ
nào có thể diễn tả hết được sự thực của người ta? Cái vỏ ngoài ấy trái
lại
thường ẩn những nội dung khác hẳn. Sự chất phác ở sau cái cục mịch, sự
tàn nhẫn
ở sau cái dịu dàng, sự thủy chung ở sau cái ương ngạnh. Tác phong của
nhân vật
Kim Dung không diễn tả cái tâm hồn của họ. Nó giấu cái tâm hồn ấy đi và
tâm hồn
ấy lại xuất hiện như một cái gì rất sâu xa. Giông tố nào sau cái mặt nạ
lạnh
như tiền của Hoàng Dược Sư? Tham vọng nào trong con mắt lơ đãng của Mộ
Dung
Phục? Tuyệt vọng nào trong cơn say phá trời của Hoàng Dung? Nhân vật võ
hiệp cổ
điển ngược lại, cảm ra sao thì tình cảm ấy xuất hiện ra ngoài, nghĩa là
được
diễn tả một cách trực tiếp và minh bạch qua những cử chỉ ước lệ và cố
định.
Không ai có thể hiểu lầm một tiếng cười, một điệu khóc, một cơn giận dữ
của họ.
Nhưng cũng vì thế mà càng cố làm ra như thực, những tình cảm của họ lại
càng có
vẻ ngoại tại và giả tạo. Chợt bùng lên, chúng lại chợt tắt đi, và những
nhân
vật sau một lúc ồn ào, lại tiếp tục như không có gì xảy ra. Nhưng trong
Kim
Dung, những tình cảm đích thực thường ít nói. Khi biết rằng không còn
cách nào để
chữa cho Dư Đại Nham thì Trương Tam Phong chỉ yên lặng thở dài quay lại
nhìn
các môn đệ của mình và nói một câu chạm chạp: làm người ai chẳng chết
một lần.
Để rồi suốt đêm ngồi một mình suy nghĩ trên mấy câu thơ đang tàng trữ
cái bí
mật về tai nạn đã xảy ra cho đứa học trò yêu của mình và sáng tạo ra bộ
Đồ Long
Công. Nỗi buồn không được nói ra, nhưng nó đè nặng trên mỗi cử chỉ. Ấy
là một
nỗi buồn đã ngấm vào thân thể, một nỗi buồn để người ta nghiền ngẫm,
một nỗi
buồn đã hóa ra chất liệu của cuộc đời. Sự kín đáo của nhân vật cho nó
một sự
sâu xa mà không ngôn ngữ nào đạt tới. Hay là ngôn ngữ, trong một thế
giới mà
đối thoại duy nhất có thể có là của vũ lực, chỉ còn là một thứ xa hoa?
Cho nên
mới có một Hoàng Dược Sư mặc cho người đời nguyền rủa và nghi ngờ, vẫn
thản
nhiên tiếp tục con đường của mình mà không bao giờ tìm cách tự minh
chứng. Hình
như ông cho rằng ai cũng có lý do riêng để làm cái việc mình làm, và
tất cả
những cố gắng để thuyết phục cũng như giải thích đều thừa. Khi thật tức
giận
ông cũng chỉ “hừ” một tiếng ngắn ngủi. Nhưng càng ít nói thì những tình
cảm
càng nói nhiều. Và ở sau cái mặt nạ của Hoàng Dược Sư là một tâm hồn
đầy bão
tố. Người ta bước vào từ chương của những yên lặng đầy ý nghĩa, và cái
gì Kim
Dung mang vào truyện võ hiệp là một ngôn ngữ cho tâm hồn, khi tâm hồn
của mỗi
người là một tâm sự không thể nào chia sẻ. Và có lẽ cũng tại thế mà
trong Kim
Dung, người ta thích trá hình – theo nghĩa bóng và theo cả nghĩa đen
của chữ ấy
– như người ta chỉ thấy trong cái hàm hồ của những cử chỉ, một cơ hội
cho sự
lường đảo và cái nguồn của ngộ nhận.
Mình Trương Thuý Sơn biết rằng chàng
không có tội. Nhưng làm
thế nào chàng có thể tự minh oan khi tất cả những sự kiện kiểm soát
được đều
lên án chàng là một kẻ sát nhân? Quả Hân Tố Tố có đả thương Dư Đại
Nham. Theo
qui củ trong giang hồ thế chẳng có gì là trái đạo. Huống chi nàng đã
tìm mọi
cách để cứu chữa thương thế cho chàng. Nhưng ngờ đâu sự ân cần ấy lại
gây thêm
tai vạ, và con người đã bị nàng biến thành một phế nhân ấy sẽ là bạn
của chồng
nàng. Chủ quan mà xét thì nàng không có tội. Nhưng sự thật của những
chứng nhân
đâu có giống sự thật của những tác nhân. Hơn ai hết, Kim Dung đã dùng
cái mâu
thuẫn ấy để xây dựng một tâm sự, sửa soạn một thảm kịch, dẫn đường cho
một bất
ngờ và không đợi những lý thuyết gia mới của tiểu thuyết khai thác
trong truyện
ông sự tương đối của những quan điểm. Khi nghe Hân Ly kể lại mối tình
của nàng
với Vô Kỵ thì có ai, kể cả Vô Kỵ, có thể nhận ra những gì đã xảy ra?
Trong thực
tế thì chỉ có một cuộc cãi lộn giữa hai đứa trẻ trong một chốc tình cờ
gặp
nhau. Nhưng trong trí nhớ của Hân Ly câu chuyện ấy biến thành một thiên
tình sử
đẫm nước mắt. Cũng một sự kiện ấy nhưng tùy nhân vật, người ta có thể
có nhiều
chuyện khác nhau, và ngược lại những chuyện tưởng là khác nhau sau cùng
chỉ là
những mặt khác nhau của một chuyện duy nhất. Cái khéo của Kim Dung là
bao giờ
cũng trình bày những biến cố từ quan điểm đặc biệt của một nhân vật.
Người đọc
nhìn bằng cái nhìn của nhân vật, không biết gì hơn nhân vật và lẽ dĩ
nhiên sẽ
tham dự vào cuộc phiêu lưu của nhân vật như nhân vật. Sự tham dự ấy cho
truyện
một sức hấp dẫn cảm gia tăng. Nhưng nếu có sự tham dự ấy thì không
những tại
chủ quan đã được trả lại cho nhân vật để người đọc có thể cùng nhân vật
đồng
hóa, nghĩa là có cùng một ý nghĩ, một tình cảm, một xúc động, mà ngược
lại thì
những xúc động, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật cũng là những xúc động,
tình
cảm, suy nghĩ mà người đọc, nghĩa là bất cứ một người tầm thường nào
cũng có
thể có. Nhân vật võ hiệp của Kim Dung là những nhân vật đã được nhân
loại hóa.
Không những có một thân thể, họ còn có
một tâm hồn. Hơn một
tâm hồn, họ có một tâm sự. Những ý tưởng đại cương sụp đổ. Và giá trị
của nhân
vật giờ là ở cái phần độc đáo nhất của nó. Những khác biệt thi nhau đua
nở và
người ta ngạc nhiên trước cảnh đa sắc ấy của nhân loại. Sức sáng tạo
tâm lý của
Kim Dung, người ta sẽ công nhận là phi thường và có thể gọi ông là một
thứ
Shakespeare của truyện võ hiệp. Suốt mấy cuốn truyện, số nhân vật của
ông không
sao kể hết. Không nhân vật nào giống nhân vật nào. Ấy là những tổ hợp
phức tạp,
theo những tỷ lệ biến đổi giữa sự thông minh, sự ác độc, sự thùy mị, sự
thanh
cao, sự quật cường, sự kiêu ngạo, sự ngây ngô. Một cố gắng để phân loại
những
nhân vật của Kim Dung theo cá tính và những đam mê của họ có lẽ sẽ có
ích trong
việc tìm hiểu tư tưởng Kim Dung hơn là những lý luận dài dòng. Nhưng
điều quan
trọng giờ không phải là nội dung của sự khác biệt giữa những nhân vật,
mà là
chính sự khác biệt ấy, nghĩa là sự giá trị hóa những nhân vật như những
cá
nhân. Nhân vật Kim Dung có một trọng lực khác thường. Có nhân vật như
Hà Túc
Đạo chỉ xuất hiện một lần mà ấn tượng để lại tưởng không thể nào phai.
Mà đặc
biệt là đã xuất hiện thì mỗi nhân vật Kim Dung, dù nhỏ tới đâu, khi
truyện kết
thúc, người ta cũng biết là nó đã trở nên cái gì. Không những đã cho nó
một tâm
hồn, Kim Dung còn cho nó một tiểu sử. Và đôi khi tiểu sử ấy sẽ giải
thích tâm
hồn của nhân vật như những tai biến trong đời Tạ Tốn sẽ giúp người ta
hiểu sự
tàn bạo của ông. Sự khác biệt mà thoạt tiên Kim Dung xác định trong
nhân vật
của ông như một điều huyền bí sau cùng ông cho người ta thấy rằng nó
không phải
là không có nguyên do. Và đào sự khác biệt ấy sâu hơn một tí, cái gì
người ta
gặp cũng chỉ là một người như tất cả mọi người; không giống ai, nhưng,
như bất
cứ ai, một nửa do mình tạo ra, một nửa do cuộc đời làm thành, nói tóm
lại, một
cá nhân. Nhân vật cổ điển cũng có những đặc tính để người ta phân biệt
họ lẫn
nhau. Hơn thế nữa, những đặc tính ấy được phóng đại một cách quá đáng.
Làm thế
nào thì nó cũng chỉ có một tính cách ngoại tại. Trong căn bản, nhân vật
vẫn chỉ
là tương thân cho những ý tưởng. Nhưng nốt ruồi đỏ trên mép A Châu,
khuôn mặt
chữ điền của Vọ Kỵ, dáng đi cục mịch của Quách Tĩnh, những chi tiết kín
đáo ấy,
trái lại, không để tách nhân vật ra khỏi cái nhân loại thường ngày mà
để mang
họ lại gần người ta hơn. Ý nghĩa của chúng là câu chuyện giờ không xảy
ra giữa
những thiên thần và ác quỉ mà giữa người và người, không phải những
nhân vật
nhưng là những cá nhân – nghĩa là những người, giống bất cứ người nào
người ta
có thể gặp ngoài đường, chỉ có một trên đời và không ai có thể thay
thế.
Nhưng nhân vật Kim Dung như chỉ xác
định sự khác biệt của họ
để trở về cái vô danh của tất cả mọi người. Sự kín đáo ấy, trên bộ mặt,
ngôn
ngữ, cử chỉ, người ta lại thấy trong tên họ. Truyện võ hiệp cổ điển
thường cho
nhân vật những cái tên thật kêu, thoạt nghe tưởng họ đều là thần tiên,
ma quái.
Nhưng Quách Tĩnh, Dương Quá, Vô Kỵ, những tên ấy có gợi gì cho người ta
hơn là
nhân loại tầm thường? Có khi Kim Dung lại cố ý tìm cho nhân vật những
cái tên
thật xấu như Vô Phúc, Vô Lộc, Vô Thọ. Xét trên phương diện ấy thì
truyện ông
thực là những phản anh hùng và chúng mở đường cho sự đột nhập của cái
nôm na
vào cái trời tưởng [?] của truyện võ hiệp cổ điển. Cái tên sang trọng
nhất trong
Kim Dung là Vương Ngọc Yến. Nhưng người ta nhớ rằng Đoàn Dự đã coi nó
như
khuyết điểm duy nhất trong con người thần tiên ấy, và chàng chỉ tiếc
sao người
ta không gọi nàng một cách mộc mạc là A Bích, A Tỷ, A Châu… Nói tóm
lại, sau
khi đã xác định sự khác biệt của cá nhân chống cái trừu tượng của những
nhãn
hiệu xã hội, Kim Dung, để chống cái lãng mạn của sự khác biệt, lại xác
định sự
khác biệt ấy như một sự tầm thường và tìm cách giá trị hóa cái tầm
thường, cái
nôm na, cái vô danh. Ấy là giai đoạn thứ hai trong cái biến trình quen
thuộc
của mọi thứ văn học trưởng giả.
Nhân vật được nhân loại hóa, và, như
người ta đã thấy, người
đọc có thể tham dự vào truyện một cách dễ dàng hơn. Xưa mục đích của
truyện là
trình diễn một ý nghĩa đạo lý. Người ta kể truyện theo quan điểm của
Chính
nghĩa. Hay đúng hơn thì trong những truyện ấy chỉ có Chính nghĩa là có
thực,
chứ Tà đạo chỉ có như một đồ phụ thuộc, một thứ ký sinh, một bóng tối
cốt làm
nổi sự rực rỡ của Chính nghĩa. Nhưng khi Tà và Chính không còn minh
định thì lẽ
dĩ nhiên không có quan điểm nào được coi là ưu tiên. Quan điểm tốt nhất
là quan
điểm người đọc có thể đồng hóa với một cách dễ dàng nhất. Mà người đọc,
nhất là
người đọc truyện võ hiệp thường không có máu anh hùng. Cho nên người
anh hùng
Kim Dung cũng không còn gì của những thiên thần giáng thế để ra oai và
tác phúc
nữa mà là một người, như thường thấy, đầy thiện chí, lương thiện, và
ngu đốt bị
lôi vào những xung đột mà chàng không thể hiểu lý do. Làm thế nào một
Dư Đại
Nham có thể hiểu tại sao người ta có thể giết nhau vì một võ công kỳ
thư? Người
anh hùng của Kim Dung trước hết là một người xa lạ với võ lâm và những
qui luật
của nó. Xét những cách mở đầu của truyện ông thì người ta thấy ngay
rằng phiêu
lưu thường đến cho họ bất ngờ. Giữa một ngày đẹp trời, khi người ta
nghĩ rằng
cuộc đời đáng sống hơn bao giờ hết và người ta chỉ có việc tiếp tục cuộc sống đã thành nếp từ trước đến giờ, thì
tất cả xảy ra. Tất cả xảy ra khi, dưới bầu trời mưa tuyết êm đềm, Dương
và
Quách hai nhà đang ngồi uống rượu, tính chuyện vợ đẻ và ước định tương
lai của
con; khi Quách Tường thơ thẩn ngao du bên bờ núi Thiếu Thất; khi trên
núi Võ
Đương người ta tưng bừng sửa soạn như thường lệ sinh nhật của Trương
Tam Phong.
Truyện võ hiệp cổ điển thường bắt đầu, khi trong cái lâm ly của đêm
khuya, cảnh
vắng, gió khóc từng cơn; khi giữa cái ồn ào của những đô thị là chỗ
những anh
hùng tứ chiếng đến tìm nhau kiếm chuyện, nhưng bao giờ cũng là trong
không khí
và môi trường của phiêu lưu. Phiêu lưu trong Kim Dung xuất hiện như một
điểm
bất tường giữa cái trưởng giả của cuộc sống thanh bình và có ngăn nắp.
Võ Đương
Thất Hiệp là những người cuối cùng còn muốn tiếp tục truyền thống của
người anh
hùng thế thiên hành đạo. Nhưng ở một thời Thiên đạo đã suy, can thiệp
vào những
xung đột của giang hồ chỉ mang lại cho họ phiền lụy, tai họa và những
thù oán
không đâu. Có khi họ không tìm đến người ta mà người ta cũng đến họ gây
sự. Mới
đặt chân đến Trung Nguyên thì vợ chồng Trương Thúy Sơn đã bị võ lâm
đuổi theo
chận đường, tróc nã. Vô Kỵ có làm gì ai đâu mà ai cũng muốn hại? Nếu ở
lại Băng
Hỏa Đảo thì đâu xảy ra chuyện gia đình tan nát, để kẻ bị bức tử và
người thì
lưu vong! Cho nên người anh hùng Kim Dung sẽ đầy nghi kỵ với những
chuyện của
võ lâm mà đôi khi còn coi võ học như độc vật. Một Đoàn Dự bỏ nhà đi để
khỏi
phải học võ. Nhưng sự mai mỉa là chính con người ngoài cuộc ấy giờ
người ta
muốn lôi vào cuộc; chính con người phản anh hùng ấy người ta muốn bắt
làm anh
hùng; chính con người vô tội ấy người ta bắt phải trình những minh
chứng về sự vô
tội của mình. Ôi! Cuộc đời sao mà đẹp trên Băng Hỏa Đảo với một con
vượn lông
đỏ! Nhưng không bao giờ, không bao giờ Kiều Phong sẽ được trở về Nhạn
Môn Quan
cùng A Châu chăn cừu.
Ghi chú:
Kiều Phong: Hình mẫu nhân vật tiểu
thuyết dựa trên ý niệm về
máu huyết, không phải trên ý niệm giai cấp.
(A typology of characters on an ethnic
rather than on a
class basis).
VII.
“Giấc mộng thanh bình ấy làm người ta
ngạc nhiên… Ông sửa
soạn đưa nó đến nơi an nghỉ cuối cùng...”
“Thoạt tiên có một sự suy đốn đã xẩy
ra. Cái đạo lý truyền
thống không còn gì hơn là những giáo điều.”
“Những tiêu chuẩn đạo lý đều bị thủ
tiêu. Tà và Chính sau
cùng đều như nhau.”
“Ấy là thế giới của Tự nhiên mà Vật
lực làm chủ, và cũng là
thế giới của ảo tưởng: người ta giết nhau vì những danh từ.”
“Cho nên thực hiện được sự giải hòa ấy
không phải là những
lý thuyết xuông của Đoàn Dự, mà là Vô Kỵ…”
“Nhưng sự đoàn kết ấy cũng chỉ bắt đầu
từ sau khi người ta
xô sự xung đột tới cái độ cao nhất của nó. Và sự ngược đời, là nó đã
được thực
hiện từ những nhân vật mà cả võ lâm nguyền rủa”.
“Người ta hiểu tại sao Kim Dung đã lấy
Minh Giáo làm dụng cụ
cho sự tương kết ấy”
“Cái người ta gọi là tội ác khi ấy lại
xuất hiện như một
cách độ thế, sự lưu vong như con đường về tổ quốc, sự ly khai như một
cơ hội
cho thống nhất”.
“Truyện Thiên Long Bát Bộ có lẽ là
truyện võ hiệp hay nhất
được viết từ xưa tới giờ”.
“Người anh hùng Kim Dung (và ấy là
điểm làm chàng vượt lên
trên những thứ cảnh sát không lương của truyện võ hiệp cổ điển) thường
có những
hoài bão lớn, và đôi khi định mệnh của chàng có kích thước của một đế
quốc”.
“Nhưng người ta không thể hiểu lầm.
Như tất cả những nhà văn
vượt bực, cái gì ông lên án thì ông mô tả lại càng tài tình. Có lẽ tại
nó là
cái phần xấu xa nhất trong con người ông?”
[Nhưng không bao giờ, không bao giờ
Kiều Phong sẽ được trở
về Nhạn Môn Quan cùng A Chu chăn cừu]. Giấc mộng thanh bình ấy làm
người ta
ngạc nhiên trong một chuyện võ hiệp. Nhưng có lẽ Kim Dung đã không sáng
tạo ra
một thứ võ hiệp mới như người ta tưởng. Ông sửa soạn đưa nó đến nơi an
nghỉ
cuối cùng trong những cuộc sống tầm thường thi vị hóa. Ấy là sự kết
thúc của
một biến trình mà đã có lúc người ta có thể tóm tắt lại trong một cái
nhìn tổng
quát.
Thoạt tiên có một sự suy đốn đã xẩy
ra. Cái đạo lý truyền
thống không còn gì hơn là những giáo điều. Sự nghiệt ngã của chúng làm
người ta
ghét bỏ, sự hẹp hòi của chúng làm người ta chê cười, sự giả tạo của
chúng làm
người ta ghê tởm. Những cá nhân lớn nổi lên để vượt qua những giới hạn
giả tạo
của chúng. Ấy là thời của sự ly khai, anh hùng xuất hiện ở khắp nơi,
mỗi người
xưng bá một phương, lập ra môn phái riêng, sáng tạo ra một võ công
riêng, theo
đuổi một lý tưởng riêng và xâu xé lẫn nhau. Sự thống nhất không còn nữa
và cũng
không ai có đủ sức khuất phục cả võ lâm dưới uy quyền của mình. Kết quả
là một
cảnh phân hóa cùng cực. Những tiêu chuẩn đạo lý đều bị thủ tiêu. Tà và
Chính
đều như nhau, và những xung đột của võ lâm chẳng có nghĩa gì hơn là
những cuộc
tương tàn của thú dữ. Ấy là thế giới của Tự nhiên mà Vật lực làm chủ,
và cũng
là thế giới của ảo tưởng: người ta giết nhau vì những danh từ. Không ai
thắng
được ai. Nhưng trong cuộc xung đột không thể kết thúc ấy, mọi ý nghĩa
đều sa
đọa. Lý tưởng cũng viển vông như tham vọng. Người anh hùng sẽ tự phế võ
công để
đi tu. Không phải ngẫu nhiên mà ở chỗ cao nhất võ lâm, Kim Dung lại để
những
đạo sĩ và những thiền sư và ông thường mô tả như một cảnh thần tiên
những ngày
thất lạc vào một vùng đất vắng người ta may mắn thoát được những chuyện
thị phi
trong giang hồ. Người anh hùng của Kim Dung sẽ là người chống bạo động.
Gặp
đánh nhau ở đâu là họ nhảy vào can gián. Ấy là cái đam mê của họ. Súng
sính
trong bộ áo thư sinh, một Đoàn Dự, tuy chẳng biết tí võ công nào, cũng
mang đạo
lý thánh hiền ra khuyên mọi người buông khí giới. Xa hơn nữa thì Không
Kiến
thiền sư đem mình ra để cứu Thành Khôn khỏi cơn giận của Tạ Tốn. Và A
Chu, để khỏi
phải thấy những người thân yêu của mình giết lẫn nhau, đành chịu chết
dưới
chưởng của Kiều Phong. Lẽ dĩ nhiên người ta cũng phải kể đến Vô Kỵ. Như
tất cả
những anh hùng võ hiệp, từ nhỏ Vô Kỵ đã mang ý chí trả thù cho cha mẹ
mà chàng
đã thấy ngay dưới mắt những người tự xưng là của Chính giáo bức tử.
Khác là cái
thù ấy chàng lại quên ngay đi. Có lẽ bị trọng thương ngay từ lúc đầu
tiên mới
bước vào võ lâm, chàng đã sống thường trực trong sự trông chờ cái chết
và chẳng
có mấy thì giờ để nghĩ đến việc trả thù. Hơn thế nữa, trên đường lưu
vong chàng
đã thấy và đã chịu quá nhiều lường đảo, bất công, oan uổng nên cái chết
của cha
mẹ chàng còn có một ý nghĩa nặng nề giữa cái ác nhiệp mênh mông như
biển của
giang hồ. Người đời lên án mẹ chàng như một nữ ma đầu, nhưng cha chàng
là người
của truyền thống nghĩa hiệp, và đứa con của mối tình trái đạo ấy như
mang sẵn
trong người những xung đột đang xâu xé võ lâm. Trong tâm hồn chàng vừa
là người
của Tà môn, vừa là người của Chính giáo. Cái lưỡng tính ấy tuy nhiên,
như cái
tên mà Tạ Tốn đã tặng chàng khi mới ra đời, cái lưỡng tính cho phép
chàng nhìn
tất cả với con mắt không thành kiến, không sợ hãi và vô tư của trẻ thơ.
Tất cả
các môn phái chàng đều coi như nhau và một khi đã nhận bạo động như một
định đề
của đời sống võ lâm, ai chàng cũng thấy đáng yêu, đáng trọng và đầy
nghĩa khí.
Những xung đột giữa họ chàng thấy là một điều khó hiểu, vô lý và đau
lòng.
Nhưng cũng vì đã sống trong sự xung đột ấy như một xung đột giữa mình
với chính
mình mà chàng có thể vượt nó để giải hòa võ lâm. Cho nên thực hiện được
sự giải
hòa ấy không phải là những lý thuyết xuông của Đoàn Dự mà là Vô Kỵ, khi
trên
Quang Minh Đỉnh, chàng đứng ra lấy mạng mình đổi lấy mạng những người
của Minh
Giáo đang bị chúng anh hùng uy hiếp. Vô Kỵ đã thành công. Không những
chàng đã
giải hòa các môn phái mà sau cùng lại đoàn kết họ trong công trình giải
phóng
võ lâm. Nhưng sự đoàn kết ấy cũng đã chỉ bắt đầu từ sau khi người ta xô
sự xung
đột tới cái độ cao nhất của nó. Và sự ngược đời, là nó đã được thực
hiện từ
những nhân vật mà cả võ lâm đều nguyền rủa. Ấy là tại khác hẳn những
truyện võ
hiệp cổ điển trong ấy Tà đạo chỉ có một ý nghĩa tiêu cực của một cái gì
trái
với Chính nghĩa thì, trong Kim Dung, Tà và Chính chỉ là hai mặt của một
thực
tại duy nhất, như sai lầm là mặt trái của chân lý.
Truyện Kim Dung dẫn người ta từ một sự
sụp đổ đến một trật
tự mới. Ấy là truyện của một cuộc giao thời: thời của phiêu lưu, của
sáng tạo,
của khám phá, nhưng cũng là thời của nghi vấn, của bất trắc, của lưu
vong; thời
của mâu thuẫn, của xung đột và của sự bùng nổ của tất cả những năng lực
cá
nhân. Kỳ vọng của Kim Dung là cái trật tự mới sẽ duy trì trong nó tất
cả những
chinh phục của giai đoạn tổng ly khai và thực hiện sự thống nhất võ lâm
trong
sự tương kết của mọi khác biệt. Người ta hiểu tại sao Kim Dung đã lấy
Minh Giáo
làm dụng cụ cho sự tương kết ấy. Tại Minh Giáo – cũng gọi là Ma Ni giáo
– chính
là một chi nhánh của cái truyền thống lưỡng nguyên, gốc ở Ba Tư, chủ
trương Tà
và Chính là những nguyên lý căn bản muôn đời cùng có và cùng xung đột
nhau của
thế giới. Một chủ trương như thế không thể nào dẫn đến một chính sách
độc tôn.
Nhưng sang Trung Hoa, trở thành một thiểu số và là môn phái bị truy
bức, đương
nhiên là Minh Giáo, trong sự đảo lộn ấy của những vai trò, khi nó tập
trung tất
cả những môn phái chống lại mình, sẽ là cơ hội để biến sự xung đột giữa
Tà và
Chính ra một thế đồng minh và tương đối hóa những tiêu chuẩn cổ truyền
của đạo
lý võ lâm. Cái người ta gọi là tội ác khi ấy lại xuất hiện như một cách
độ thế,
sự lưu vong như con đường về tổ quốc, sự ly khai như một cơ hội cho
thống nhất.
Không còn Tà và Chính nữa mà [là] những vai trò khác nhau trong cái
trật tự của
thế giới, những mãnh lực của tự nhiên mà sự trường tồn của Toàn thể đòi
hỏi sự
tương kết.
Cái nên thơ của trật tự mới là cái nên
thơ của một cơ cấu.
Và người ta có thể coi truyện Kim Dung, khi nó tập trung trong một
truyện kể vô
cùng phức tạp không biết bao nhiêu định mệnh cá nhân mà chẳng định mệnh
nào
giống định mệnh nào là cái mẫu tương xứng nhất của cái nên thơ ấy mà
Kim Dung
đề cao trong truyện ông: trong quan niệm bách khoa về võ học, trong tổ
chức
phức tạp của những môn phái lớn, trong mối tình của những nhân vật
thuộc những
truyền thống đối lập, giữa Dương Tiêu và Kỷ Hiểu Phù, giữa Vô Kỵ và
Triệu Minh,
giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung – đứa con của sa mạc và đứa con của biển
xanh. Và
lẽ dĩ nhiên phải kể đến Vương Nạn Cô chuyên chế độc dược bỏ cho những
nhân vật
giang hồ để chồng nàng là Hồ Thanh Ngưu mang cái y học uyên thâm của
mình ra
cứu chữa. Nhưng thực hiện được sự tương kết giữa những đối cực ấy để
trở thành
nơi giao hội của tất cả những xu hướng của võ lâm, người ta hiểu tại
sao không
thể làm một nhân vật của một truyền thống nào sẵn có mà là một người
như bất cứ
ai. Mình là ai không biết, nhưng cái vô định tính giống như sự có thể
và sự
ngây thơ tựa hồ một trí thức uyên thâm.
Sự tương kết ấy tuy nhiên, Kim Dung
biết là rất mong manh.
Những môn phái vừa mới thống nhất xong thì ngay trong Minh Giáo sự
khủng hoảng
nội bộ bắt đầu: Vô Kỵ bị Chu Nguyên Chương loại và người ta thừa đoán
rằng
những cuộc thanh toán khác sẽ tiếp theo. Xung đột giữa người và người
cũng phi
lý như là không thể tránh được. Cho nên Tạ Tốn mới tự phế võ công để
vào chùa
đi tu, Vô Kỵ từ giã giang hồ để tô son cho người yêu, và Đoàn Dự mới
nhất quyết
không chịu học võ công mà chọn cái đẹp làm tôn giáo duy nhất. Truyện
“Thiên
Long Bát Bo”ä có lẽ là truyện võ hiệp hay nhất được viết từ xưa đến
giờ. Nhưng
trong truyện ấy cám dỗ của võ công là của một kiến thức thuần túy, và
bắt đầu trong
cảnh tưng bừng của thần thoại, nó kết thúc giữa một cảnh sụp đổ lâm ly:
Kiều
Phong chết, Mộ Dung điên và Cưu Ma Trí, sau một đời khổ luyện, đành
chịu mất
hết võ công để tiếp tục cuộc đời của một tu sĩ tầm thường. Tình yêu trở
nên một
cuộc chạy đuổi: Đoàn Dự yêu Vương Ngọc Yến; Vương Ngọc Yến lại yêu Mộ
Dung
Phục, và Mộ Dung lại đắm mình trong giấc mơ phục quốc. Cũng như thế,
trong khi
Du Thản Chi yêu A Tỷ thì A Tỷ lại yêu Kiều Phong và Kiều Phong lại chỉ
biết có
kỷ niệm của A Chu. Ấy là không kể Đoàn Chính Thuần, sau khi đã yêu và
được
không biết bao nhiêu người yêu lại, rốt cuộc lại để ngần ấy mối tình
dang dở và
trước khi chết mới khám phá rằng đứa con duy nhất của ông cũng không
thực là
của ông và đành bó tay nhìn người ta lần lượt hạ sát tất cả những người
yêu của
mình. Người yêu giết người yêu, đồng bạn giết đồng bạn, tham vọng và ân
ái, tất
cả đều tan thành mây khói. Người anh hùng Kim Dung (và ấy là điểm làm
chàng
vượt lên trên những thứ cảnh sát không lương của truyện võ hiệp cổ
điển) thường
có những hoài bão lớn, và đôi khi định mệnh của chàng có kích thước của
một đế
quốc. Nhưng còn gì tham vọng của Thiết Mộc Chân trong cơn mê sảng của
Mộ Dung
Phục? Sự tan vỡ của những ảo tưởng rực rỡ là đề tài của “Thiên Long Bát
Bộ”: từ
nhan sắc thần tiên của Vương Ngọc Yến đến uy danh lừng lẫy của Mộ Dung
Phục,
tất cả đều dẫn đến tiếng cười gằn của một thực tại nham nhở và tầm
thường. Pho
tượng ngọc dưới đáy hồ sau núi Vô Lượng mà người ta trông chờ như cái
chìa khóa
của tất cả những nghi vấn của truyện sau cùng vẫn giữ nguyên cái bí mật
của nó
và từ khuyết điểm ấy, cơ cấu ly tâm của truyện lại xuất hiện rõ ràng.
Trong sự xung đột giữa con người và
thế giới, sự thắng trận
sau cùng trong Kim Dung bao giờ cũng thuộc về thế giới. Thế giới sẽ
thường
xuyên vượt khỏi vòng tay ôm của con người. Con người Kim Dung đã biết
tất cả
những cám dỗ: của đạo lý nghiêm khắc, của ý chí thống trị, của tinh
thần cứu
rỗi. Tiếng gọi lớn nhất tuy nhiên sẽ là tiếng gọi của cuộc đời xuất
thế, nghĩa
là của sự trở về. Khi xét đến võ học trong Kim Dung, người ta thấy rằng
ông rất
ngờ vực trí năng và sức sáng tạo của con người. Ấy theo ông là mầm của
mọi ly
tán. Cho nên không có gì lạ nếu sau cùng, mặc dầu tính chất lãng mạn,
một Vô Kỵ
sẽ kết thúc những phiêu lưu của mình như Candide của Voltaire. Sự thất
bại ấy
của người anh hùng thật quá êm đềm để không có vẻ khả nghi. Nhưng người
ta hiểu
rằng trong Kim Dung cái lãng mạn ấy chỉ có giá trị giai đoạn: ông đã
lấy cái
mênh mông của thế giới để thoái chí anh hùng, lấy một nhân loại đa sắc
ra làm
đảo lộn những ý nghĩa đạo lý, lấy cảm động làm ý thức suy vong, lấy
ngây ngô
chống lại tài mưu trí, nói tóm lại lấy tự nhiên chống lại cái nhân văn,
và kết
quả là sự thất bại của người anh hùng trước cuộc đời như thế. Hơn ai
hết, Kim
Dung đã biết làm sống lại trong tiểu thuyết, ở cái thời mà tiểu thuyết
đã mất
hết tiểu thuyết tính để chỉ còn những cơ hội cho những luận án triết
lý, một
không khí lãng mạn dễ làm người ta say mê. Nhưng người ta không thể
hiểu lầm.
Như tất cả những nhà văn vượt bực, cái gì ông lên án thì ông mô tả lại
càng tài
tình. Có lẽ tại nó là cái phần xấu xa nhất trong người ông?
VIII.
“Kỹ thuật không vô tội. Ấy là điều
những kỹ thuật gia chưa
chịu thừa nhận. Người làm văn tuy nhiên đã biết thế từ lâu.”
“Trở lại Kim Dung, và để tóm tắt câu
chuyện trong một câu,
người ta có thể mượn ý của G. Lukacs để nói rằng ông đã mang truyện võ
hiệp từ
thể anh hùng ca sang thể tiểu thuyết.”
“Khi truyện Kim Dung bắt đầu thì cái
thời sáng tạo đã hết và
những cá nhân lớn như Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Tạ Tốn vv… chỉ còn
là
những tiền bối đã về già, để lại sân khấu võ lâm cho những thiếu niên
ngu ngốc,
giằng co giữa Tà và Chính, cố vá víu lại một di sản tan hoang.”
“Do những mâu thuẫn cam go ấy mà sự
can thiệp võ trang của
người ngoại quốc lại gia tăng gấp bội; chúng ta thường tự hỏi là chúng
sẽ dẫn
chúng ta tới đâu. Nhưng có những xã hội sống bằng sự nhất trí thì cũng
có những
xã hội dựa trên sự mâu thuẫn của nó để trường tồn.”
“Xu hướng tư tưởng Kim Dung là một cố
gắng để trả cho tự
nhiên những xung đột giữa người và người. Ấy là một điểm tiến bộ.”
“Người ta cũng nhớ rằng Marx muốn thủ
tiêu những mâu thuẫn
xã hội ngay trong nguyên nhân của chúng là những tương quan sản xuất
bằng một
cuộc cách mạng bởi và cho quần chúng vô sản. Nhưng thời đại này là của
quần
chúng bị đóng khuôn và của những mâu thuẫn có tổ chức.”
“Người làm văn vào đời như xướng ca.”
ĐLV
“Errors grow more unbearable as they
become irreparable.”
G. Steiner (Errata)
(Lỗi lầm thật khó kham, khi vô phương
sửa chữa)
“… Paul Celan’s attempt at reinventing
a language ‘north of
the future’.”
G. Steiner (Errata)
(… toan tính của P. Celan, tái phát
minh một ngôn ngữ ‘phía
bắc của tương lai’).
Truyện Kim Dung lưu ý người ta trên
hơn một quan điểm. Như
một tài liệu văn học, nó làm chứng cho một thứ văn cổ truyền là văn võ
hiệp.
Một thế giới của những ý nghĩa rõ ràng chuyển mình sang một thế giới
của nghi
vấn. Tất cả cũng chuyển mình theo cách kể truyện, cách dàn cảnh, cách
cấu tạo
nhân vật. Ngay quan niệm võ học, như người ta thấy, cũng đã chịu ảnh
hưởng sâu
xa. Tham vọng duy nhất trong bài này là trình bày sự mạch lạc của sự
chuyển
mình ấy, theo một giả thuyết mà giờ ai cũng thừa nhận, rằng một văn thể
không
phải là một cái bình rỗng có thể chứa bất cứ một thứ nội dung nào mà tự
nó đã
có một cách tổ chức thế giới để cho thế giới nghĩa, cũng như dụng cụ
của người
sưu tầm đã bao hàm những kết quả có thể của sự sưu tầm của ông; như
ngôn ngữ mà
người ta dùng đã qui định trước những tư tưởng người ta có thể có. Kỹ
thuật
không vô tội. Ấy là điều những kỹ thuật gia chưa chịu thừa nhận. Người
làm văn
tuy nhiên đã biết thế từ lâu. Một văn thể là một hệ thống diễn tả mà
tất cả
những yếu tố gắn liền nhau trong một thế tương biến, nghĩa là người ta
không
thể biến đổi một yếu tố mà không làm những yếu tố khác cùng biến đổi
theo một
chiều. Trở lại Kim Dung, và để tóm tắt câu chuyện trong một câu, người
ta có
thể mượn ý của G. Lukacs để nói rằng ông đã mang truyện võ hiệp từ thể
anh hùng
ca sang thể tiểu thuyết.
Trong anh hùng ca, truyện võ hiệp cổ
điển, ngoài cái nhân
loại anh hùng, có những ý nghĩa cố định, cái cơ cấu đường thẳng, cái
trình bày
ngoại tại, nói tóm lại, một thế giới rõ ràng trong ấy không có gì xảy
ra mà
người ta không thể đoán trước là sẽ kết thúc ra sao. Nhưng sự bất trắc,
sự bất
ngờ, sự trông chờ là cái thú của tiểu thuyết. Lẽ dĩ nhiên tiểu thuyết
không
phải chỉ có thế, và người ta có thể cho rằng Kim Dung không phải là
tiểu thuyết
gia mà là một người kể chuyện tài tình. Nhận xét ấy không phải là không
có lý:
càng ngày ông càng làm chủ nghệ thuật của mình thì người ta thấy nhân
vật của
ông càng trở nên sơ sài như không có trọng lực nào hơn là những con tốt
trong
một thế cờ cực kỳ biến hóa mà sự giải quyết chỉ còn là một thú trí thức
thanh
cao. Nhưng làm sao phủ nhận được rằng, ngoài những cám dỗ thông thường
của
phiêu lưu, Kim Dung, ở khắp nơi trong truyện ông, đã mang lại một sức
sáng tạo
tâm lý mà văn võ hiệp chưa từng có. Cái tâm lý phức tạp ấy, sự bất trắc
ấy,
những xung đột ở bên kia đạo lý ấy là tiểu thuyết. Người ta đã đón tiếp
những
đặc tính ấy ở truyện Kim Dung như là một cái gì thật mới. Nhưng cái mới
của Kim
Dung là đã làm mới lại tiểu thuyết tính bằng cách đưa nó vào văn võ
hiệp. Vì tiểu
thuyết – nếu người ta có thể định nghĩa thứ văn không biên giới ấy – đã
bắt đầu
khi những ý nghĩa cố định sụp đổ, thế giới trở nên một huyền bí; con
người
không còn là một vai trò mà phải tự làm ra mình, giác ngộ mình như một
cá nhân
mà định mệnh thường xuyên bị nghi vấn hóa.
Người ta biết rằng tiểu thuyết bắt đầu
khi, tiếp theo sự
phát triển của thương mại và của kỹ nghệ, nghĩa là của văn minh thành
phố, cuộc
đời hết bị qui định bởi những giáo điều và những nghi lễ truyền thống
của một
xã hội nông nghiệp, xô cá nhân vào một thế giới của nghi vấn, của phiêu
lưu và
của sự tranh sống. Sự bùng nổ của tiểu thuyết tính trong Kim Dung có lẽ
cũng
phản ánh một xu hướng tương tự trong xã hội đương thời của chúng ta.
Nhưng sự
mở mang của những thành phố của chúng ta đã không phải là một sự kiện
phát
triển từ trong ra mà đã diễn tiến theo những kế hoạch với tài nguyên
của tư bản
quốc tế để phụng sự cho quyền lợi của họ. Nhất là cái tư bản ấy lại là
thứ tư
bản độc quyền mà ưu tư tiên quyết là tập trung, tổ chức, và kế hoạch.
Ấy là cái
lý do người ta có thể tạm lấy để giải thích tại sao trong Kim Dung giai
đoạn
anh hùng lại quá ngắn và sự nổi loạn lãng mạn trong truyện sao sớm bị
thâu hồi
trong trật tự. Cách tổ chức theo kiểu truyện trinh thám của truyện ông
cũng đủ
cho người ta thấy rằng xã hội tiêu thụ những truyện ấy không phải là
một xã hội
sống trong sự lo sợ ngày mai. Nếu tôi không lầm thì truyện trinh thám
đã ra đời
dưới thời nữ hoàng Victoria, ở giai đoạn phát triển tối đa của đế quốc
Anh. Khi
truyện Kim Dung bắt đầu thì thời của sáng tạo đã hết và những cá nhân
lớn như
Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Tạ Tốn vv… chỉ còn là những tiền bối đã
về già,
để lại sân khấu võ lâm cho những thiếu niên ngu ngốc, giằng co giữa Tà
và
Chính, cố vá víu lại môt di sản tan hoang.
Xung đột giữa Tà và Chính ấy có lẽ đã
diễn tả một mâu thuẫn
chính yếu trong những xã hội còn ở trong tình trạng bán thuộc địa như
xã hội
chúng ta. Một đằng thì những xã hội ấy, mà những điều kiện lịch sử
không cho
phép sự hình thành một giai cấp tư sản đủ sức tự lập, trong chừng nào
nền kinh
tế của họ còn thiết yếu dựa trên sự tự do doanh thương thì dường như
khó tránh
được một sự phụ thuộc chặt chẽ vào cái tổ chức liên lục địa của Tư bản
chế, và
đằng khác cũng không thể để sự phụ thuộc ấy trở nên một sự lệ thuộc
mới, người
ta thường thấy họ thường xuyên phải duy trì áp lực của một ý thức hệ
quốc gia
cực đoan. Ấy là điều dễ hiểu. Nhưng tai họa bắt đầu khi ý thức hệ ấy
lại trở
nên một dụng cụ để đàn áp những thành phần khác của xã hội, và dưới
những nhãn
hiệu khác nhau người ta gọi là phi dân tộc để biến những thành phần
khác thành
những dụng cụ để bảo vệ chính cái phi dân tộc của chế độ tư bản. Do
những mâu
thuẫn cam go ấy mà sự can thiệp võ trang của người ngoại quốc lại gia
tăng gấp
bội; chúng ta thường tự hỏi là chúng sẽ dẫn chúng ta tới đâu. Nhưng có
những xã
hội sống bằng sự nhất trí thì cũng có những xã hội dựa trên sự mâu
thuẫn của nó
để trường tồn. Sự mai mỉa là tất cả xảy ra như trên sự đổ vỡ của quê
hương
những mâu thuẫn của chúng ta càng ngày càng làm chúng ta trở nên phì
nộn. Cho
nên không có gì lạ nếu sau cùng Tà và Chính, Thiện và Ác, Phúc và Họa,
Kim Dung
coi như Âm và Dương, nghĩa là những sức mạnh của tự nhiên, có khi thuận
và có
khi nghịch nhưng không thể tách rời nhau, điều cần thiết cho sự tiến
hóa như
chiến tranh thuộc địa cần thiết cho sự phồn thịnh của thương mại.
Xu hướng tư tưởng Kim Dung là một cố
gắng để trả lại cho tự
nhiên những xung đột giữa người và người. Ấy là một điểm tiến bộ. Tại
chỉ trong
chừng nào thế giới hết bị chế ngự bởi những cái thiêng liêng thì con
người mới
tìm thấy tự do và sức sáng tạo của mình. Nhưng cũng không phải ngẫu
nhiên mà
những xu hướng tư tưởng như thế, từ “Thái Hòa Luận” của Leibnitz đến
gần chúng
ta hơn, “Cơ Cấu Luận” của Lévi-Strauss thường xuất hiện ở những thời mà
sự bành
trướng của Tây phương đã mang lại cho nhân loại không biết bao nhiêu
đau khổ.
Hai trăm năm trước, Voltaire, ở thời
đang lên của tư bản, đã
từ chối những lý thuyết cho rằng ác nghiệp ở trên đời là một phần thiết
yếu cho
sự quân bình của cái Toàn thể, và ông trở nên một chiến sĩ tiền phong
trong
cuộc tranh đấu chống lại những giáo điều mà, trong quan niệm của người
thời ấy,
ông cho là một cản trở của tiến bộ và sự thực đã gây ra không biết bao
nhiêu
xung đột đẫm máu. Người ta cũng nhớ rằng Marx muốn thủ tiêu những mâu
thuẫn xã
hội ngay trong nguyên nhân của chúng là những tương quan sản xuất bằng
một cuộc
cách mạng bởi và cho quần chúng vô sản. Nhưng thời đại này là của quần
chúng bị
đóng khuôn và của những mâu thuẫn có tổ chức. Cho nên người ta không
ngạc nhiên
nếu Kim Dung không nhìn thấy một tổng hợp mới, và chủ trương một đạo lý
xuất
thế và của sự từ bi. Hình như ông cho rằng ác nghiệp ở trên đời là một
phần đã
được dự trù sẵn trong trật tự của tự nhiên. Nhưng trên phương diện cá
nhân thì
ông nghĩ rằng ác nghiệp ấy không hẳn là không chữa được như Vô Kỵ đã
chữa cho
Vi Nhất Tiếu khỏi cái bệnh hút máu người đã từng làm cho con người
nghĩa hiệp
ấy mang tiếng là một đại ma đầu của võ lâm. Y học trong Kim Dung giữ
một phần
quan trọng và Vô Kỵ cũng là một thầy thuốc. Cũng như thế, người ta thấy
rằng
tác phong cổ quái của nhân vật trong truyện ông không bao giờ có tính
cách, mà
trái lại ông thường cho nó có một nguyên nhân trong tiểu sử của họ.
Cái đạo lý Thụy Sĩ ấy không phải là
không cao quí. Người ta
có thể chê nó là đạo lý của một người ngoài cuộc. Ấy tuy nhiên là một
điều dễ
hiểu nếu người ta nhớ rằng Kim Dung là một nhà văn ăn khách nhất của
cái vùng
mà một đồng bào danh tiếng của ông đã gọi là vùng bão tố. Nhưng ở thời
đại của
“những nhà cách mạng có giấy phép”, khi những “anh hùng” có thể sản
xuất hàng
loạt như xe Ford, khi để cứu những trẻ con nghèo đang chết đói ở những
vùng
chậm tiến, người ta thấy rằng cái việc đầu tiên là phải tiêu hủy đồng
ruộng của
họ, thì ai biết đâu nó đã chẳng là sự trung thực cuối cùng của người
làm văn?
Người làm văn vào đời như xướng ca. Nhưng thế giới từ nghìn xưa vẫn
thuộc những
người có khí giới và những người có của. Ngôn ngữ cũng của họ, thì làm
văn có
nghĩa gì hơn là phải xin vâng lời? “Xin vâng lời, nhưng mà”. Cái “nhưng
mà”,
theo Roland Barthes, có thể tóm tắt thái độ của Kafka trước cuộc đời.
Cũng
chính vì nó mà vẫn có người đang chết.
(Nhà xuất bản Trình
Bày, Sài Gòn, 1967.)
|