*


ĐIỂM SÁCH


Tản Mạn về

Phê Bình Của Tôi

của Nguyễn Thanh Sơn

  “Why is there something instead of nothing,"

[Tại sao có cái gì đó, thay vì chẳng có gì?]

Martin Heidegger

 "Why couldn't there be nothing instead of Heidegger?"

Ralph Brave: Being Martin Heidegger

[Tại sao lại chẳng thể có cái không, thay vì có Heidegger?]

 Khốn nạn thay, làm sao tin cậy được cái thứ viết trắng?

Roland Barthes: Không độ của cách viết  [Le degré zéro de l’écriture].

  ... Proposant enfin l'accomplissement de ce rêve orphéen: un écrivain sans littérature. L'écriturre blanche, celle de Camus,  celle de Blanchot ou de Cayrol par exemple, ou l'écriture parlée de Queneau, c'est le dernier épisode d'une Passion de l' écriture, qui suit pas à pas le déchirement de la conscience bourgeoise.

 ...Sau cùng đề nghị hoàn tất giấc mộng Orphée: nhà văn không văn chương. Cách viết trắng Camus, cách viết Blanchot hay Cayrol thí dụ vậy, hay cách viết nói của Queneau, đây là hồi chót của một Đam Mê viết theo từng bước với sự rách toang của ý thức trưởng giả.

 R. Barthes: Dẫn vào Không độ của cách viết.

 Tuy chưa được nhìn thấy tác phẩm trên, nhưng người viết đã được đọc hầu hết những bài viết ở trong đó. Đọc, và đọc một số những bài khen chê sách, khen chê tác giả của nó, nhận xét đầu tiên của tôi, không phải về sách, mà về [cái việc] khen chê sách và người: có vẻ như cả hai dư luận khen và chê đều chưa thực sự đọc cuốn sách. Hoặc có đọc, nhưng với một thiên kiến. Hoặc, có một khoảng cách về cách đọc, cách viết, cách hiểu, một tác phẩm phê bình giữa họ. Có một khoảng trống - một sự im lặng không làm sao lấp nổi/ không làm sao hiểu nổi, giữa những “âm thanh và cuồng nộ” đó.

  Khen.

   Lấy ngay bài của Ngô Tự Lập.

 “Sinh năm 1970, được đào tạo rất cơ bản, đầu tiên ở Liên Xô, sau đó ở Hoa Kỳ, hai siêu cường giáo dục không thể chối cãi, Nguyễn Thanh Sơn có rất nhiều thế mạnh của cá nhân cũng như của thời đại. Và anh đã chủ động và khéo léo sử dụng những thế mạnh ấy cùng với những kinh nghiệm thu lượm được trong những cuộc phiêu lưu trong sách vở và đời thực vào từng trang viết. Có lẽ cũng chính vì thế mà đôi lúc văn Nguyễn Thanh Sơn có vẻ điệu đàng. Nhưng có lẽ cũng không nên trách cứ anh về điều đó: một cô gái đẹp thật khó mà không điệu khi có quá nhiều ánh mắt vây quanh!”

 Cái việc dùng tiểu sử đời tư để đọc tác phẩm, tuy không được mấy ông thuộc trường phái phê bình cơ cấu, hậu cơ cấu, giải cơ cấu, thích thú, nhưng không phải là không có ích. Nhưng sự kiện NTL cho biết NTS đã từng du học tại hai siêu cường văn hóa - ấy chết xin lỗi, giáo dục - như trên đã ảnh hưởng tới văn và người nói chung, và với tác phẩm PBCT, nói riêng, ông không chỉ cho chúng ta thấy, ảnh hưởng như thế nào. Tôi lấy thí dụ, NTL phải chỉ cho chúng ta thấy, NTS, chỗ này, chỗ kia…  đã ảnh hưởng trường phái phê bình hình thức [formalism], hoặc ảnh hưởng cách phê bình của Belinski, chất thơ, dù viết phê bình, của NTS, là từ Aimatov (?), từ Paustovski (?) mà ra (vẫn thí dụ vậy). Bởi vì làm sao mà độc giả lại có thể hiểu nổi cái kiểu luận lý: Do ảnh hưởng hai siêu cường giáo dục như trên… [cho nên]… văn của NTS có vẻ điệu đàng!

  Khen kiểu đó làm người được khen cũng thấy ngượng, và mỗi lần đi đứng lại giật mình, không khéo mình lại điệu đàng như văn của mình [Văn tức là người mà!].

  Thêm nữa, hai siêu cường giáo dục chưa chắc đã đào tạo nổi một nhà văn, nói chi một nhà phê bình, bởi vì giáo dục là giáo dục, văn chương là văn chương, phê bình là phê bình, đừng có lộn xộn!

  Với tôi, văn phê bình của Nguyễn Thanh Sơn là một ví dụ điển hình minh họa cho ý kiến của Roland Barthes [1], rằng người ta không thể có cách nào khác, ngoài cách dùng vẻ đẹp văn chương, để viết về vẻ đẹp văn chương. Nhiều đoạn văn trong tập sách mỏng của anh, là một cố gắng hoà trộn thể loại, hay thậm chí một cố gắng thoát ra khỏi cái nhà tù nhàm chán của những lời phẩm bình và răn dạy mà các nhà phê bình vô tình tự nhốt mình vào cùng với sự tự huyễn hoặc về một vai trò dẫn hướng rất đáng ngờ, nếu không nói là nực cười, của họ. Cũng có những đoạn văn thậm chí chúng ta có thể đọc như đọc một trích đoạn truyện ngắn:

 "Khi bản giao hưởng kết thúc, một sự im lặng kỳ diệu tràn ngập gian phòng. Sau đó tất cả đứng cả dậy và vỗ tay vang dội. Tiếng vỗ tay tràn ngập tất cả các góc của phòng hoà nhạc, mọi người vỗ tay, gào thét, làm tất cả những cử chỉ mà họ có thể làm để khiến Itzhak Perlman hiểu họ biết ơn ông thế nào về điều kỳ diệu ông đã làm tối hôm đó.

 Ông mỉm cười, gạt mồ hôi trên trán, sau đó ông nói khe khẽ, trầm ngâm và sùng kính: "Các bạn biết đấy, đôi khi nghĩa vụ của một nghệ sĩ là khám phá ra anh có thể làm gì cho âm nhạc chỉ với những thứ anh có".

 Ngô Tự Lập đọc NTS.

 Qua tiểu chú về R. Barthes, người đọc biết đây là một nhà phê bình văn học người Pháp. Nhưng chẳng biết câu mà NTL trích dẫn, nguyên văn nó ra làm sao, nói trong trường hợp nào, và từ đó, người ta mới hiểu được cái đẹp mà ông phê bình người Pháp này khen, nó như thế nào.

 Câu văn của NTS mà NTL trích dẫn đó, xem ra cũng chưa được “đẹp” cho lắm, và rất đúng như NTL nhận xét, nó có vẻ đẹp của một câu văn của “truyện ngắn” chứ không phải của “phê bình”. Và những vỗ tay, gào thét, làm tất cả những gì có thể làm… tất cả những cái đó thật khó mà được coi là phản ứng của một tầng lớp khán thính giả bị “hớp hồn” bởi một bản giao hưởng.

 Ý tôi là:

 NTL phải cho biết sơ sơ, R. Barthes là nhà phê bình thuộc trường phái nào, vì rất quan trọng, đặc biệt với ông này, người đã muốn đặt lại vấn đề thoạt kỳ thuỷ của văn tự, của cách viết, và đề cao “cái đẹp” trần trụi, trắng hếu, cái đẹp “bạch bản”, của một lối viết “trung tính”, viết từ không độ, của cuốn Kẻ Xa Lạ, của Albert Camus.

 Và một cái đẹp của một cách viết từ không độ không thể nào được “minh hoạ” bằng một câu văn thật là “hoa mỹ” như câu của NTS mà NTL trích dẫn.

 R. Barthes, một cách nào đó, là đệ tử của trường phái phê bình theo chủ nghĩa hình thức của “siêu cường giáo dục” Liên Xô. Liệu chăng, con đường phê bình của NTS là từ Liên Xô, qua Pháp, rồi về Việt Nam? Và "lịch sử" một lần nữa, được lập lại?

 Tôi nghi, Barthes có nói câu mà NTL nói lại, nhưng NTL đã “hiểu sai” ý của Barthes, như tôi lấy trường hợp Barthes đọc Camus, như một minh chứng, rằng cái đẹp mà Barthes nói đó, không phải cái đẹp của một câu văn hoa mỹ, của lạm dụng tu từ. Barthes coi phê bình như là bản văn choàng lên một bản văn, như thế có nghĩa: nhà phê bình trước hết và trên hết phải là một nhà văn, rồi [hãy] là nhà phê bình, và đây là điểm mà NTL, bằng “trực giác” của một người đọc, chứ không phải của một người phê bình, đã nhìn ra ở NTS, nhưng lại phát biểu sai, minh hoạ nhảm bằng một câu của Barthes mà ông chỉ hiểu lơ mơ, đại khái, chắc chắn như vậy, nếu không, ông đã không “minh họa” bằng một câu văn “điệu đạng” như trên!

 Nên nhớ, Barthes khen Camus, là người viết văn theo kiểu “dùi đục chấm mắm cáy”, như nhận xét của Frédéric Beigbeder, tác giả cuốn Bản Phong Thần Cuối Cùng Trước Khi Cúng Bà Hỏa, Dernier Inventaire Avant Liquidation, tức danh sách 50 cuốn hay nhất thế kỷ, mà Kẻ Xa Lạ đứng số một, do sáu ngàn độc giả Pháp lựa chọn, khi trả lời cuộc phỏng vấn do FNAC (?), và báo Le Monde thực hiện vào năm 1999: “Chỉ có một điều độc nhất không mang tính phi lý [ở nơi nhà văn của thứ văn chương phi lý này], là ông đã phát minh ra những câu văn ngắn, (“chủ từ, động từ, túc từ, chấm”, như trong một ghi chú của Malraux gửi nhà xb, khi đọc Camus), một thứ viết (une sorte d’écriture) khô, trung tính, [sử dụng thì] quá khứ kép (passé composé). [Văn sĩ Tây thường sử dụng quá khứ đơn, passé simple, trong loại truyện kể, récit]. Lối viết này ảnh hưởng đậm lên tất cả những tác giả của nửa thế kỷ sau, trong đó có cả nhóm Tiểu Thuyết Mới. Nhưng viết như thế không phải là không thể diễn tả “cái đẹp” của những hình ảnh mạnh. Thí dụ như, để tả những giọt nước mắt và mồ hôi trên mặt Perez: ‘Elles s’étalaient, se rejoignaient et formaient un vernis d’eau sur ce visage détruit’. [Nước mắt, mồ hôi dàn dụa trên khuôn mặt vỡ vàng, như một lớp véc ni].” [Trích bài viết của Beigbeder về cuốn số 1 trong bảng phong thần cuối cùng]. Sartre, trong bài Cắt Nghĩa Kẻ  Xa Lạ [Explication de L'Étranger], coi  lối viết của Camus gần với  Hemingway; những câu ngắn, mỗi câu từ chối đà viết của câu trước nó.  Mỗi câu là một lại bắt đầu. Mỗi câu như vọt ra từ hư vô...  Hãy so sánh thứ văn đó, với câu của NTS mà NTL trích dẫn, là thấy ngay có một sự hiểu lầm về cái đẹp ở đây.

 Vào một dịp khác, người viết sẽ nói tiếp, về cái đẹp của văn phê [bình], nó khác với cái đẹp của văn truyện, như thế nào, và nhân đó, bàn về vấn nạn mà Barthes nêu ra: nhà văn, như là một tác giả, phải chết đi, cho người đọc xuất hiện. Và người đọc, ở đây, là người sản xuất ra bản văn: “Because the goal of literary work (of literature as work), is to make the reader no longer a consumer, but a producer of the text” [Bởi vì mục tiêu của tác phẩm văn chương (của văn chương như là tác phẩm), là làm cho người đọc không còn là người tiêu thụ mà là người sản xuất bản văn] [Trích S/Z, tiểu luận của R. Barthes, bản tiếng Anh, nhà xb Hill and Wang, New York].

 Sức tưởng tượng của nhà phê bình

 Người ta thường đòi hỏi ở một phê bình gia những đức tính, thí dụ, khách quan, tổng hợp, tinh tế, dự đoán… Ít ai đòi hỏi sức tưởng tượng, vì nghĩ rằng, món này, nhà văn cần hơn, và với nhà phê bình, tưởng tượng còn làm người đó ham rong chơi ở những miền xa lạ, sa đà, lan man, tản mạn… Hãy trở về với những con cừu của mi đi!

 NTS thường bắt đầu bài viết của anh bằng sự tưởng tượng. Đây có lẽ là điều mà NTL nhận ra, và phân biệt được NTS giữa những nhà phê bình khác, khi ông nhè một câu văn, thay vì một nhận định, phê bình của NTS, để mà khen.

 Một số bài viết trong  Phê Bình Của Tôi có cái ngược đời của nó, là thường mở ra bằng tưởng tượng qua hình ảnh, và hình ảnh đó, bề ngoài có vẻ như không ăn nhằm gì tới cái hiện tại, cái đương thời, và lẽ dĩ nhiên, rất ư xa lạ với cái vấn đề mà bài viết nêu ra sau đó, theo kiểu, tại sao cái ô lại nằm lù lù ở trên bàn máy may, ở trong một bức họa, thí dụ vậy… khiến độc giả bị tò mò và cứ thế đọc tiếp. Một hình ảnh mở  đầu như thế, nó giống như một thai đố, và có khi, với tài năng của một tác giả, nó còn đưa tới niềm bí ẩn cứ muôn đời bí ẩn, của cái gọi là phép lạ văn học. Sartre đã từng tự hỏi tại làm sao cửa sổ mở ra cõi âm thanh và cuồng nộ [mở sang khu vườn Thuý] lại là ý thức của một tên khùng, [lại đóng chặt lại mãi bởi một tên xưng xuất là thằng bán tơ], và từ đó suy ra kỹ thuật hỗn độn [technique du désordre], của cách viết Faulkner, và hơn thế nữa, tìm ra một trong những chìa khoá mở ra cuốn bi kíp dậy viết văn: Kỹ thuật luôn qui chiếu về siêu hình học của tiểu thuyết gia, và với Faulkner, là siêu hình học về thời  gian.

 Tôi vẫn nghĩ, số phận một bài viết - phê bình hay không phê bình - hay hoặc dở, là do cái hình ảnh mở ra đó.

 Thật ra, cũng có nhiều người viết tiểu luận, phê bình, sử dụng hình ảnh dẫn dụ, thay vì những từ khen chê, những phán đoán hay dở. Nhà văn nữ người Anh, Virginia Woolf rất ưa dùng kiểu này.

 Hay như nhà phê bình V.S. Pritchett, mở ra bài Chuyện Vặt:

 Tôi lại đọc Dos. Lũ Quỉ. Bạn biết cảm giác rồi đấy. Ngồi bên lửa, nghĩ về điều, nhờ nó mà bạn làm hòa với cuộc đời khốn kiếp, ngay cả khi khốn kiếp nhất, thì cũng vẫn cái đều-đều-một-giọng-chuyện-thường-ngày-ở-huyện của nó, [điều mà Blanchot gọi là thảm kịch của cái vô ích, của sự tầm phào, nhàm chán, hay là nỗi nhớ bùn của nhà văn Anh, D.H. Lawrence trong Người Tình Của Nữ Bá tước]. Bất thình lình có tiếng gõ cửa, có tiếng kêu la. Một người đàn ông bị sát hại nơi căn nhà dưới phố. Lại Dostoievsky. Dostoievsky, "kẻ tội lỗi tày trời", tên sát nhân lớn lao vĩ đại nhất của một cõi văn chương.....

 Ian Frazier (nhà văn Mỹ, thường viết văn “u mặc”, humor, và “không-giả tưởng”, non-fiction), trong một bài viết về một nhà văn Nga bị Stalin sát hại, Daniil Kharms, mà ông coi là một nhà văn tức cười nhất của thế kỷ, đã nhắc tới một hình ảnh mở đầu của ông nhà văn Nga, như vầy: “Puskhin mê ném đá”.

 Ian Frazier viết: “Những mở đầu như vậy làm cho tôi nghẹt thở: làm sao đoán ra nổi cái gì sẽ tới liền sau đó”.

  Một bài  điểm sách của Oates đã bắt đầu như thế này: Thượng Đế, khi muốn thịt kẻ nào, bèn cho kẻ đó nổi tiếng!

 Tôi cũng muốn bắt đầu bài viết của tôi về NTS bằng một “hình ảnh” của Oates. [Hãy tưởng tượng những giờ phút vinh quang nhất mực của nhà văn, và hãy quên đi cảnh tượng Thượng Đế làm thịt người đó!].

  Có thể những âm thanh và cuồng nộ chung quanh tác phẩm của anh, và có thể, câu mà NTL viết về anh, như một “apology”, “xin lỗi giùm bạn mình”, [‘Nhưng có lẽ cũng không nên trách cứ anh về điều đó: một cô gái đẹp thật khó mà không điệu khi có quá nhiều ánh mắt vây quanh!”], nhưng thật sự là cho “cả hai”, làm tôi nhớ tới hình ảnh của Oates, cũng nên.

  Còn đây là “lời khuyên” của tôi, với những ai hiện đang ngập ngừng tại ngưỡng cửa “phê bình”:

 Hãy bắt đầu một bài viết (điểm sách, phê bình, tiểu luận, tạp ghi, tản mạn….) với một hình ảnh, nếu không thể, đành với ý tưởng, hay ý nghĩ, chớ bắt đầu bằng một lời khen, hoặc chê.

 Cái kiểu của NTL: Tôi hơi thất vọng về tập sách của Nguyễn Thanh Sơn.

 Kỳ sau, sẽ bàn tiếp về sự “hơi” [bị?] thất vọng của “bạn ta”.

  NQT

 

 Oates, Joyce Carol

 

Sinh ngày 16 tháng Sáu 1938. Tiểu thuyết gia, truyện ngắn gia, tiểu luận gia, đa dạng về thể loại và văn phong, sắc bén khi đụng tới những đề tài như bạo động và cái ác trong xã hội hiện đại.

 

[Theo Bách Khoa Britannica]

 

Victor Sawdon Pritchett: nhà văn, nhà phê bình Anh (b. Dec. 16, 1900, Ipswich, Suffolk, Eng.--d. March 20, 1997, London, Eng.), được phong Sir (1975), và Companion of Honor (1993), vì những đóng góp văn học.