*


ĐIỂM SÁCH


30 Tháng Tư, Đọc Lại Trần Thị NgH:

Số phận một tác phẩm.

 Did you ever have a sister, did you?

 (Bạn đã từng có một người chị hoặc em gái?)

 Faulkner, The Sound and the Fury.

  I. Sống lùi thời đại.

 Vào thập niên 1960, trong một cuộc họp bàn tròn trên tờ Sáng Tạo, một thành viên trong nhóm đã phát biểu, nếu một độc giả của ngày hôm nay đọc văn chương của ngày hôm qua (đọc Hồn Bướm Mơ Tiên, hay Nửa Chừng Xuân chẳng hạn), như vậy là đã sống lùi thời đại của mình.

 Người viết lẩn quẩn mãi với chuyện "sống lùi thời đại" nhân đọc Lạc Đạn, và 10 truyện ngắn của Trần Thị NgH (nhà xuất bản Thời Mới, Canada, 2000). Tuy đầu tay, nhưng lại là tác phẩm thứ nhì được xuất bản tại hải ngoại, sau tập truyện do nhà Văn Nghệ, Cali, xuất bản 1999).

 Lạc Đạn được viết cách đây 31 năm (1969-1973), nhưng vẫn nằm trong ngăn kéo của nhà văn. Vì nhiều lý do, trong đó có thời cuộc (biến cố 1975). Tên truyện như mang sẵn trong nó một định mệnh, và từ đó, một ẩn dụ. Liệu những độc giả của ngày hôm nay đã sống lùi thời đại, khi đọc Lạc Đạn?

 Chẳng cần tới Lạc Đạn, Trần Thị NgH đã nổi tiếng. Trong bài viết ‘Nhìn lại văn chương hải ngoại năm 1999’, (đã đăng trên tuần báo VHNT trên internet, do Phạm Chi Lan chủ trương), người viết có đưa ra nhận xét, đây là một năm được mùa. Mùa gặt mới trong đó có cả lúa chín muộn: sự góp mặt của một tác giả như Trần Thị NgH, một tác giả trước 1975 tại Miền Nam, vừa xuất hiện đã gây chấn động giới viết lách ở Sài Gòn, với truyện ngắn Nhà Có Cửa Khoá Trái. Theo như tôi còn nhớ, truyện ngắn đầu tay của bà là về một người đàn ông có vợ, nhân bữa chủ nhật đi thăm một người đàn bà không chồng nhưng có con; thằng nhỏ bữa đó bị đau, anh chàng đi mua thuốc cho đứa nhỏ. Chuyện chỉ có vậy, nhưng trong Sài Gòn vẫn còn đọng lại ở trong tôi, có hình ảnh cô đơn của người đàn ông gầy còm ốm yếu, ngơ ngơ ngác ngác trước tiệm thuốc tây, trước cuộc chiến, và trước cuộc tình vụng trộm. Truyện được viết bằng một giọng văn bình dị, không có chất ngổ ngáo, "rất NgH" như "nguời ta" thường nhận định về bà. Lý do nào, tác giả-độc giả bỏ qua truyện này, khi chọn truyện kia (Nhà Có Cửa Khoá Trái), như là truyện đầu tay, và là truyện ngắn tiêu biểu cho giọng văn của bà? Giữa những truyện ngắn ngổ ngáo, gây chấn động một thời như "Nhà có cửa khóa trái", và truyện dài Lạc Đạn, liệu có gì không ăn khớp với nhau, và liệu có phải đây là một trong những duyên do Lạc Đạn cứ thế nằm trong ngăn kéo của nhà văn, theo nghĩa: tác giả của nó đã say men chiến thắng, và cứ tiếp tục cái giọng văn ngổ ngáo, cái con người (một người nữ gốc miền nam) tưng tửng, bất cần đời, khi phải nói về mình, về một lần lạc đạn, giấu biệt đi một cái tôi khác (giấu biệt đi một miền nam khác)? Tại sao bây giờ tác giả quyết định in nó? Liệu chính sự thành công của truyện ngắn đầu tay đã kết án Lạc Đạn phải nằm trong ngăn kéo một thời gian dài 31 năm? Đã biến lạc đạn thành lạc đạn hay lạc đàn, biến tác giả thành một nhà văn khác, "khác" với tác giả Lạc Đạn? Liệu có hai nhà văn ở đây, một tác giả những truyện ngắn ăn khách, và một tác giả một truyện dài để trong ngăn kéo?

 Liệu có thực là lạc đạn, hay là trong khi truy tìm một quê cha, thay thế một ông già say xỉn, đã… trao duyên lầm tướng cướp?

 Lạc Đạn liệu mang bóng dáng định mệnh văn chương Việt Nam: trật trìa, loạng quạng, chưa bao giờ tìm thấy chính nó, và sau cùng là… lưu vong, hay phản kháng?

 Khi nhìn lại văn học Miền Nam trước 1975, chúng ta không thể không đặt nó trong bối cảnh lịch sử 1954. Văn chương Miền Nam trước 1975 tưởng như hiền hòa, nhưng ở bên dưới nó, là những đợt sóng ngầm của những tranh chấp, khác biệt. Không phải tự nhiên mà nhóm Sáng Tạo hô hào đổi mới khi nhắm thẳng vào nhóm Tự Lực Văn Đoàn: họ muốn từ biệt một quá khứ văn chương cũng như quá khứ của một miền đất, trước khi bắt đầu một cuộc hành trình đầy bất trắc, và cũng đầy cao ngạo: khởi từ ca dao qua tự do, đối diện với lịch sử, với một cuộc chiến mà họ tự nhủ: không thể trốn chạy. Sống lùi thời đại ở đây, theo tôi, chỉ có nghĩa: không đối diện với lịch sử, ở thời điểm thật nóng bỏng của nó.

 Không phải tự nhiên khi Võ Phiến có những nhận định "tối tăm, rắm rối, õng ẹo" - hay mượn chữ của ông, "khó bảo là tuyệt đẹp", khi nhận xét về thái độ của nhóm Sáng Tạo đối với Tự Lực Văn Đoàn - khi nhận định về nhóm Sáng Tạo mà đa số là từ miền bắc di cư vào Sài Gòn Ngay cả cuộc tranh luận đôi khi vượt quá phạm vi văn học hiện đang xẩy ra ở hải ngoại, giữa một số cây viết, liên quan tới địa vị của Võ Phiến, giá trị bộ sách viết về văn học Miền Nam trước 1975 của ông, cũng không phải tự nhiên phát sinh, mà có ngấm ngầm từ trước.

 Khi nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ được hết nhà văn này tới nhà văn khác cho đội mồ sống dậy…

 Khi Nguyễn Huy Thiệp có những dòng ưu ái dành cho ông vua (Gia Long) bị nhà nước Cộng sản coi là "cõng rắn cắn gà nhà": giấc mơ Nguyễn Huệ ra Bắc, đại thắng quân Thanh, giấc mơ một người miền Nam (Nguyễn Ánh) thống nhất đất nước là một giấc mơ nhằm đảo ngược định mệnh lịch sử, căn cước quốc gia: "bắt buộc, bị kết án phải Nam tiến".

 Khởi từ những ý tưởng trên, chúng ta có thể đọc những tác giả miền nam như Thụy Vũ, Trần Thị NgH, bằng cách đặt kế bên những tác phẩm của họ, với của một Võ Phiến, khi so sánh những nhân vật dám sống hết mình, dám ngỗ ngáo… với những nhân vật sống quay vào nội tâm, sống với những ý nghĩ cố định, và thường chịu thua hoàn cảnh… hay một Thanh Tâm Tuyền: giọng văn trong Lạc Đạn mang hơi hướng một Cát Lầy. Cô gái trong đó như một em gái miền nam của nhân vật tên Trí (?) trong Cát Lầy.

 Chúng ta cũng có thể so sánh với Miền Nam Sâu Thẳm của Faulkner, nếu đặt tất cả trong bối cảnh lịch sử dẫn tới Cuộc Bỏ Chạy Tán Loạn.

 II. Lạc Đạn

 [The] politicians, economic managers, and party officials need a fatherland to carry on their enterprises. There is no motherland in sight, no more than before.

 Christia Wolf

 (Tạm dịch: Chính trị gia, giám đốc kinh tế, viên chức đảng cần một quê cha để thực thi những công trình của họ. Chẳng thấy quê mẹ đâu hết, so với trước đây, bây giờ lại càng chẳng thấy).

 Lạc Đạn mang hình thức nhật ký, của một cô gái. Cha cô là một địa chủ, thời còn người Pháp, và gia đình sau đó suy sụp do chiến tranh, và có thể còn do luật Người Cầy Có Ruộng của ông Diệm. "Quê cha" bắt đầu cùng với thời mới lớn của cô gái qua hình ảnh một ông bố suốt ngày say xỉn. "Quê mẹ" còn thê thảm hơn, vì cùng với nó, là ám ảnh… ‘lạc đạn’.

 Riêng về biến cố ‘lạc đạn’, có rất nhiều ấn bản (versions) khác nhau. Từ "trật khớp" được dùng theo nghĩa: có sự chuyển dịch ý nghĩa. Trật trìa, lạng quạng, không ăn khớp… khi dùng từ này, trong trí tưởng của tôi hiện lên từ "décalage" của tiếng Pháp: Võ Phiến có lẽ là người đầu tiên khám phá ra "một" Trần Thị NgH, của Nhà Có Cửa Khoá Trái, khi ca ngợi hết lời đoạn đối thoại giữa hai người nam và nữ ở trong truyện. (Chàng khen: ‘Em can đảm lắm’. Tự nhiên tôi nói lớn, giọng hờn mát: ‘Rồi sao nữa, trời đất!’ ‘Nằm yên!’), và xen giã từ, chàng xin nàng món đồ lót của nàng làm kỷ niệm. Ở "Lạc Đạn", cảnh đó diễn ra chân thực hơn, cho thấy một NgH khác: ‘Tôi nằm ngửa ngó ngược lên trần căn phòng. Đêm ngoài tầm hiểu biết. Dự nhỏ nhẹ, anh dậy cho em làm vợ chồng. Má ngủ chưa má. Má biết con đang ở đâu với ai không. Đêm ở xa má lo lắng không ai kéo chăn lên ngực con, má xót xa nghe con ho rúm ró vặn vẹo. Má mặc áo túi vải cười nhăn, tóc má búi xổ bạc trắng. Má đi lại dọn dẹp trong nhà… Con nằm đây làm gì với ai, con trinh bạch không tội lỗi, con nguyên vẹn của má, con đau xé nổ tung đầm đìa, con đỏ lòm oan uổng."

 Lời khen của Võ Phiến, là một trong những lý do đưa đến sự nổi đình nổi đám của Trần thị NgH.

 (Muốn biết tại sao VP lại chỉ chịu được những thái độ ngổ ngáo, ‘dám sống’ những nhân vật nữ của các nhà văn nữ VN trước 1975, là phải đọc ngay VP, nhất là những truyện đầu tay của ông.)

 Kundera có nói, những nhận định đầu tiên bám chặt lấy tác phẩm, đừng mong chi rũ khỏi. Những nhận định đầu tiên của Max Brod, bạn của Kafka, đã mở ra cả một trường phái "Kafkology", ai muốn hiểu Kafka là phải kinh qua trường phái này.

 Proust cay đắng hơn: Dante sống sót là do có ít người đọc quá!

 Giả sử người đọc có cùng một lúc hai ấn bản NgH, liệu họ sẽ chọn ấn bản nào?

 Trong Văn Học Tổng Quan, Võ Phiến cho rằng sự xuất hiện và nổi tiếng của các nhà văn nữ miền nam trước 1975, là do chiến tranh, bởi vì nam nhi bị cuốn hút vào cuộc chiến nên không có thì giờ dành cho văn chương (theo kiểu chàng lo việc chiến chinh, thiếp ở nhà lo việc bếp văn). Ông dùng hình tượng âm thanh: văn chương miền nam, lúc đầu nghe "ồm ồm", sau "eo éo".

 Theo tôi, mọi chuyện không đơn giản, và phải hiểu ngược lại: phái nữ, do mẫn cảm hơn, đã ngửi thấy thảm họa nhanh hơn phái nam; họ đau nỗi đau mất mát, khi mất mát chưa xẩy ra. Thi sĩ Nga Joseph Brodsky, khi được hỏi - hơn một trăm năm cứ thế qua đi, phái nữ chỉ góp một tiếng nói thi ca ‘khiêm tốn’ bên lề thi ca Nga, thế rồi đột nhiên xuất hiện hai tài năng lẫy lừng, là Tsvetaeva và Akhmatova, đứng kế bên những nhà thơ khổng lồ của thế giới - đã giải thích, ‘có thể chuyện đó chẳng ăn nhậu gì tới thời gian. Vấn đề là thế này: đàn bà luôn mẫn cảm hơn đàn ông, trước điều tởm lợm, vi phạm luân lý, đạo đức; trước sự vô đạo đức về mặt tâm lý và trí thức. Và thế kỷ 20 của chúng ta chắc là quán quân về mặt vô đạo đức."

 (Chuyện trò với J. Brodsky, tác giả Solomon Volkov, trang 43, ấn bản bìa cứng, nhà xb Free Press).

 (còn tiếp)

 NQT