Les trois
Parques của Linda Lê
Giới thiệu nữ văn sĩ Việt nam viết bằng tiếng Pháp và cuốn
tiểu thuyết nổi tiếng của bà: Les trois Parques (Linda Lê).
Đây
là văn chương. Thứ thiệt. Thứ hảo hạng.
(Voici de la vraie littérature. Et de la meilleure).
Les
trois Parques là một trong 20 cuốn tiểu thuyết hay nhất
trong năm 1998, theo tờ Đọc (Lire) của Pháp. Trong số những nhân vật
gây ấn
tượng nhất của mùa thu văn chương trong năm, là một cô gái có biệt hiệu
là Nữ
Độc Thủ (La Manchote), nhân vật chính trong Les trois Parques. Nàng có
một cánh
tay.
Linda
Lê, tác giả, là một thuyền nhân rời Việt Nam
năm 14 tuổi. Bà sinh ngày 3 tháng Bẩy năm 1963 tại Đà-lạt. Tới 6 tuổi,
bốn chị
em cùng gia đình rời về Sài-gòn. Sau đó mấy chị em theo mẹ về Pháp, khi
bà 14
tuổi. Hiện đang làm cho một nhà xuất bản ở Pháp. Trước đó, bà đã có một
số tác
phẩm xuất bản như Vu khống (Calomnies, 1993), Những lời của tên khùng
(Les dits
d'un idiot, 1995)...
Theo
thần thoại, "les trois Parques" là ba nữ thần
của Địa ngục, có tên là Clotho, Lachesis, Atropos, chuyên lo cuộn,
tháo, và cắt
sợi chỉ, tượng trưng cho những cuộc đời con người; do đó đây còn tượng
trưng
cho số mệnh, số kiếp.
Hay
như số mệnh của một dân tộc, một đất nước: Trong Les
trois Parques của Linda Lê, ba chị em tượng trưng cho ba miền đất, và
là ba cô
gái của một ông bố bị bỏ lại ở Việt-nam. Ông bố được tác giả gọi bằng
tên: vua
Lear, nhân vật trong kịch Shakespeare: "Ông mệt mỏi, rã rượi. Ông đợi
giờ
tàn, ngồi trong căn nhà nhỏ mầu xanh, như vua Lear trong túp lều, trần
trụi, bị
mấy đứa con gái bỏ rơi. Hãy để ông ấy yên thân," Nữ Độc Thủ nói với hai
người chị em bà con của cô.
Cả
ba đã rời Sài-gòn qua Pháp khi thành phố đổi tên. Sự thực
ba cô gái bị bà nội bắt đi. Bà giầu có, và là chủ một cơ sở chuyên lo
chôn
cất."Phải để cho vua Lear yên thân. Il faut laisser le roi Lear
tranquille)", cuốn sách mở ra khi một trong hai chị em bà con của Nữ
Độc
Thủ có ý định mời ông nội qua Pháp.
Les
trois Parques là tác phẩm đầu, trong bộ ba gồm có: Voix
(Tiếng Nói), Lettre Morte (Thư Chết). Cả ba đều cùng một đề tài. Cuốn
đầu, như
trong trả lời phỏng vấn trên báo Đọc, tác giả cho biết: "Khi cha tôi
mất ở
Việt Nam, vào năm 1995, trong hai năm trời tôi sống trong nỗi đau đớn,
và nỗi
đau chỉ bật ra được, khi tôi hoàn thành Les trois Parques. Tôi luôn bị
hoang
tưởng, luôn muốn tự huỷ mình, luôn có những hành động quái gở. Cha tôi
là một
người đọc lý tưởng của tôi. Khi ông chết tôi mất độc giả... Tôi viết
Les trois
Parques trong trạng thái cô đơn tuyệt đối, và tự nguyện.
Trong
Les trois Parques có rất nhiều điển cố văn chương,
Việt Nam,
và
thế giới. Độc giả nước ngoài có thể không nắm hết ý nghĩa của chúng.
Thí dụ như
hình tượng bi đát, vừa mang tính lịch sử vừa văn chương: Cao Bá Quát,
và câu
thơ nổi tiếng lúc đưa đầu vào thớt chém: Ba hồi trống giục, mồ cha kiếp
Một
nhát gươm đưa, đ.m. đời (Trois roulements de tambour et voilà la garce
de
destinée remplie, Un coup d'épée et la putain de vie s'en est allée.)
Hay cách
để nguyên những từ tiếng Việt như yêu, yếu, yểu. Nhưng không vì thế mà
quyền năng
đầy chất phù thuỷ của Linda Lê bị sút giảm.
Huyền
thuật không chỉ do xáo trộn giữa hai ngôn ngữ khác
biệt, mà ngay trong tiếng Pháp, thứ tiếng nói chấp nhận bà. Như trong
bài phê
bình của Jean-Pierre Tison trên tờ Đọc, tác giả cho rằng sự chấp nhận
nhiều ý
nghĩa của cùng một từ "mortier" đã cho thấy tài năng lạ lùng của
Linda Lê. Mortier, tiếng Pháp có nghĩa l/ vữa; 2/ cối (tán thuốc); 3/
súng cối;
4/mũ cối (của một số quan toà). Như trong một cái cái cối giã thuốc,
những cuốn
tiểu thuyết của Linda Lê là nơi chốn bà luyện những trò phù thuỷ chữ
nghĩa, và
từ đó toát ra chất thơ. Nhưng, như nhà phê bình người Pháp chỉ ra, bà
còn biết
nã súng cối vào một đất nước, vào những kẻ cơ hội, những tên cộng sản,
hay tư
bản. Bà bắn rất hiệu quả!
Vẫn
trong bài phỏng vấn, bà cho biết, Les trois Parques
thuộc hệ huyền thoại, trong đó, đề tài cái chết của ông vua Lear được
nhìn từ
xa, dựa vào những điển cố văn hóa, văn chương, lịch sử... Voix, Tiếng
Nói, vẫn
cùng một đề tài, nhưng ở dạng thô, một thứ nguyên liệu chưa được chế
biến, vẫn
còn ở trong trạng thái rời, dễ bắn miểng.. Thư Chết, là một kinh cầu
hồn, một
tiếng hát tang dành cho người bố, một ông vua Lear bất hạnh, tên thi sĩ
ích kỷ,
hay một ông tướng về hưu ngu ngơ dại khờ chứng kiến những tội ác của
chính
mình...
Độc
giả Miền Nam đọc Les trois Parques có thể còn liên tưởng
tới kịch Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền. Đây là một kịch truyền thanh,
với ba
nhân vật nữ, lần lượt xuất hiện trên sân khấu, độc thoại về mình, và
nhất là về
người mẹ của họ. Kịch chấm dứt khi cả ba cùng xuất hiện một lúc, và căn
nhà
được nổi lửa: hoặc yêu thương hoặc thù ghét, hoặc muốn như mẹ hoặc muốn
làm
khác mẹ, cả ba đã cùng chết cháy với căn nhà, với bà mẹ đã chết. Kịch
được viết
ngay sau những ngày 1954...
Amer,
amer, mais elle aimait cela, parce que c'était amer et
parce que c'était son coeur.
(Cay
dắng, cay đắng, nhưng nàng yêu nó, bởi vì đó là cay
đắng, và bởi vì đó là trái tim của nàng).
Trente
ans. C'était écrit dans la feuille de chou... Le
sommeil l'avait quittée à petits pas l'année où la terre en S avait été
sectionnnée juste sous la veine jugulaire...
(Ba
mươi năm. Tờ lá cải đã viết... Giấc ngủ đã rời bỏ nàng
đúng vào năm mảnh đất hình chữ S bị cắt ngay tĩnh mạch cảnh...).
-Bà
quan niệm ra sao, về xứ sở, đất đai của bà, tiếng nói của
bà...?
Linda
Lê: Tất cả đã bị cắt đứt. Và nhà văn Conrad, tên phản
phúc đã phản bội tiếng nói của nó, gia đình của nó, xứ sở của nó, đã là
một
khuôn mẫu đối với tôi... Tôi cảm thấy tôi là một kiều dân (metèque)
viết văn
bằng tiếng Pháp. Tôi nói kiều dân với rất nhiều kiêu ngạo...
Nguyễn Quốc Trụ