nqt 
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

ĐIỂM SÁCH



Trong Mê Cung

Tập truyện của Nguyễn Trung Hối
nhà xb Văn Học, 1999.

Tập truyện được Trần Hồng Châu (giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch) viết tựa, Nguyễn Mộng Giác (nhà văn, chủ báo Văn Học), lời bạt, Hồng Khắc Kim Mai (nhà thơ), cảm đề. Ở đây, chỉ là tản mạn, về nhan đề của tập truyện.

    Huyền thoại Hy Lạp kể, Minos, vua xứ Crete, hoàng hậu là Pasiphae, có 4 người con; trong số đó có công chúa Ariadne. Minos vì không kiếm ra được một con bò trắng, đẹp, để cúng thần Poseidon, thần bèn khiến cho bà hoàng hậu chỉ mê ngủ với... bò! Ông vua, người chồng bị cắm sừng, điên đầu, phải cho vời ông thợ nổi tiếng là Daedalus tới vấn kế. Ông này tâu: Xin vua ra lệnh thiết kế một công trình - con bò - rồi cho hoàng hậu "vào trong đó ngủ". Nhưng ngủ thì phải đẻ. Quái vật Minotaur xuất hiện. Lại phải thiết kế công trình - mê cung - để nhốt nó... và nhốt luôn ông thợ tài ba. (Daedalus đã từng giết học trò là Talos, vì ghen tài).

    Huyền thoại mê cung sau đó được sử dụng trong văn học, và tuỳ từng trường hợp, con người hiện đại lại có một diễn giải mới mẻ về nó. Lâu rồi, trên tờ báo của UNESCO (bản dịch tiếng Việt, xuất bản tại Việt Nam sau 1975), người viết đã từng đọc một dẫn giải tuyệt vời, liên quan tới viên kiến trúc sư. Đại khái như vầy:

-Trong bất cứ một vấn đề, câu hỏi thiết yếu hơn câu trả lời. Và câu trả lời đến lượt nó, lại trở thành câu hỏi.

-Ngay một câu trả lời mang tính khẳng định, vẫn còn phải tra hỏi.

Khi Daedalus nghĩ ra mê cung để nhốt quái thú, ông đã đặt câu hỏi tiếp theo: làm sao ta thoát khỏi, nếu bị nhốt ở trong đó. Chính nhờ vậy, ông đã dùng sáp gắn những lông thú -những bữa ăn còn lại của quái thú - và tạo thành đôi cánh, để bay lên cao, thoát khỏi mê cung. Ông có lẽ là người đầu tiên mở ra giấc mơ-bay của con người. Người con, Icarus, vì không nghe theo lời cha dặn, cứ bay mãi lên cao, sức nóng mặt trời làm chẩy sáp, đôi cánh rã ra, anh ta rớt xuống biển, và để lại một câu hỏi không (chưa) làm sao trả lời: liệu loài người có thể tiến mãi vào không gian vô tận.

Vấn đề ở đây là: (Trong) Mê Cung của Nguyễn Trung Hối nhốt "quái thú" gì?

Câu trả lời có thể là: chủ nghĩa toàn cầu, sự tha hoá, mất căn cước... và những "con mồi" của nó là những di dân, tị nạn, những lưu vong...

Nhưng "quái thú" có thể là kẻ khác, kẻ lạ, và cũng là "chính ta", như Paz diễn tả trong Mê cung của cô đơn, khi dẫn lời của Antonio Machado: Kẻ khác không hiện hữu, chỉ có "ta" (the one, the same) thôi. Đây là một niềm tin "bất trị" của lẽ phải con người (the incurable belief of human reason). Căn cước của một cá nhân chính là thực tại, như thể sau cùng, mọi chuyện bắt buộc phải là: chỉ có ta thôi. Nhưng kẻ khác cứ rằng co, cù nhầy, không chịu biến mất: một cục xương mà lý lẽ con người đụng vô là bể răng! Số kiếp con người, là đau khổ, là "lạc lối về", trong mê cung giam giữ vừa quái thú vừa nạn nhân...

-Liệu những con người (lưu vong, di dân...) có cơ may thoát khỏi mê cung?

Câu trả lời của Nguyễn Mộng Giác: Những nhân vật Trong Mê Cung của Nguyễn Trung Hối "còn mang tên Việt, nhưng rõ ràng cách hành xử đã hoàn toàn Âu hóa. Chẳng những họ không thua sút những người bản xứ da trắng quanh họ, nhân vật truyện Nguyễn Trung Hối đã ngang bằng (đôi khi còn vượt hơn) người bản xứ, nhập hẳn vào giai tầng thượng lưu. (Trích bài Bạt: Nhân vật truyện Nguyễn Trung Hối: Những người xa lạ.)

Nguyễn Mộng Giác - sau khi kể về một người bạn thơ "từ Việt Nam sang Mỹ đến thăm tôi. Tôi dẫn anh đi thăm một số bạn cũ cũng 'thường thường bậc trung' như tôi. Tôi cũng cho anh đọc một số tác phẩm văn thơ tiêu biểu ở hải ngoại. Đọc xong, anh cười bảo: Các cậu đạo đức giả bỏ mẹ! Nhà như thế, xe như thế, con cái đỗ đạt như thế, muốn nói gì thì nói, muốn in gì thì in, nay còn ngồi đây mai muốn qua Paris chơi thì nhấc cái điện thoại giữ vé.... Thế mà văn chương lúc nào cũng 'thân phận lưu vong' với "tạm dung đất khách". Cậu đổi cái 'thân phận lưu vong' cho tôi đi!" - ông đã tin bạn có lý: Quả thật trong những lời rên rỉ trong văn chương hải ngoại cũng có những kiểu làm dáng theo thời, kiểu nhà giàu đứt tay. Cũng có thể là sự khôn ngoan chọn cái dễ: vì viết về hạnh phúc khó hơn viết về đau khổ bất hạnh. Viết về thành công còn khó hơn. Hiểu như thế, trong cách dựng nhân vật, Nguyễn Trung Hối đã tìm con đường khó. (Bạt). Ở đây, cũng nên phân biệt giữa những nhân vật thành công, và tác giả của chúng (nhà văn lưu vong).

Câu trả lời của J. Brodsky: Lưu vong chỉ dậy cho chúng ta một bài học: sự tủi nhục.

Trong bài viết Phận lưu vong (The Condition We Call Exile), ông khẳng định: Một con người tự do, khi thất bại, đừng đổ vạ cho ai (A freeman, when he fails, blames nobody). Đây là một bài đọc trong một hội nghị tại Vienna vào năm 1987, khi làn sóng người Việt bỏ nước ra đi đang làn nhức nhối lương tâm nhân loại: Hôm nay chúng ta tụ họp tại đây, trong căn phòng quyến rũ, ánh đèn sáng chưng, vào một buổi tối tháng Chạp lành lạnh như thế này để nói về số phận nhà văn lưu vong. Xin hãy trầm tư đôi phút để nghĩ tới vài người trong số họ... Hay là tưởng tượng tới những thuyền nhân Việt Nam đang cố vượt lên đầu những đợt sóng dữ nơi biển cao, hoặc là đã tạm yên ổng, về nơi ăn chốn ở trong những trại tiếp nhận...

Cho dù bạn có thể đặt cho hiện tượng (lưu vong) bất cứ một cái tên riêng nào, cho dù duyên do, quê cũ, quê mới... chỉ có một điều thật hiển nhiên: Thật khó khăn vô cùng cho họ khi nói về số phận nhà văn lưu vong mà phải nhìn thẳng vào người đối diện.

Theo ông nếu phải cho nó, văn chương lưu vong một thể loại, thì đây là bi-hài. Bởi vì, vốn đã có những hiểu biết (do sự nhập thân trước đó), nhà văn lưu vong có thể đánh giá cao những tiện nghi xã hội và vật chất của chế độ dân chủ "hơn" những người bản xứ. Nhưng cũng vì lý do đó, anh ta hoàn toàn không thể đóng một vai trò có nghĩa trong xã hội mới. Chế độ dân chủ nơi xã hội mới cho anh một sự an toàn vật chất, nhưng lại làm cho anh hoàn toàn vô nghĩa về phương hiện xã hội. Và sự thiếu, mất ý nghĩa (lack of signifiance) là một điều nhà văn, lưu vong hay không lưu vong, không thể chịu nổi.

Tuy đã từng đoạt giải Nobel văn chương, đã viết văn làm thơ bằng tiếng Anh, nhưng ông không hề coi đó là những dấu hiệu của sự thành công nơi xứ người. Vẫn trong bài đã dẫn, ông dùng một ẩn dụ: Là một nhà văn lưu vong giống như một con chó, hay một con người bị văng ra không gian, trong một con tầu vũ trụ (lẽ dĩ nhiên, con chó chứ không phải con người, bởi vì họ sẽ chẳng bao giờ 'tha' (retreive, như chó tha mồi) bạn về. Và cái con tầu vũ trụ, đó chính là ngôn ngữ của bạn. Để kết thúc ẩn dụ, phải nên thêm vô là: mãi sau đó, người hành khách trên con tầu vũ trụ mới nhận ra con tầu không hướng về trái đất, mà văng ra ngoài không gian.

Câu trả lời của Rusdhie: Chỉ khi nào sáng tạo ra tiếng Anh, tái phát minh nó (réinventer) để cho chính mình sử dụng, cho những nhu cầu của mình, khi đó mới hoàn tất tiến trình giải phóng của chúng ta.

Câu trả lời của Linda Lê: Tôi coi tôi như một kẻ dị giáo trước thần tượng (tiếng Pháp), và phải tái tạo, tái phát minh nó, là một pygmalion của nó (pygmalion: nhân vật thần thoại, si mê phi tượng rồi lấy làm vợ, khi pho tượng biến thành người).

Nhưng người thợ và con trai không là những người độc nhất thoát ra khỏi mê cung. Còn dũng sĩ Theseus. Nhờ sợi dây của người yêu là Ariadne, anh đã thoát khỏi mê cung sau khi giết quái thú.

Câu hỏi: Liệu trong những di dân sẽ có một dũng sĩ. Sợi dây Ariadne: Truyền thống văn hóa cũ, từ quê mẹ? Người đẹp từ quê hương mới? Tình yêu (hôn nhân dị chủng...) sẽ là giải đáp cho vấn nạn mê cung?...

Những câu hỏi đó, hình như "bàng bạc" Trong Mê Cung...

 Nguyễn Quốc Trụ