Don Quichotte đến Tanger
Tahar
Ben Jelloun – Le Monde diplomatique 08-2005 - Lan
Nguyễn dịch
Ngày
xưa có một nhà sử học già dặn chín chắn. Ông tên là
Benengeli. Bạn bè gọi ngắn gọn là Ben. Và cũng để cho tiện khi kể câu
chuyện
này, tôi cũng gọi ông là Ben.
Vào
một buổi sáng đẹp trời, khi mà thời gian chẳng mang một
ý nghĩa nào, Ben đi bộ đến mũi Spartel. Ông nhìn ra đại dương và thấy
gió đang
làm đổi màu mọi sự. Ngọn núi như già đi, nó giống như con lạc đà bướng
bỉnh.
Các căn nhà như sụp xuống. Duy chỉ có thời gian là thản nhiên với gió,
với tính
khí thay đổi của con người. Bầu trời hình như cũng xa lạ, cơn gió mạnh
phía
đông làm cho mây xô dạt tứ phía. Thành phố Tanger sẽ như thế nào nếu
không có
ngọn gió đông đến làm sạch đường xá và làm dịu các ánh nhìn. Gió thanh
lọc
không khí đầy muỗi và ruồi, mấy thứ làm cho con người bị đau đầu và làm
đảo lộn
mọi thứ trật.
Ben
đứng thẳng, đối diện với triền núi Tây Ban Nha. Hôm nay
trời nắng chói nên người ta có thể thấy rõ triền núi này. Ông đứng đó,
ở cực
bắc Phi châu, đúng nơi triền Địa Trung Hải và Đại Tây Dương gặp nhau.
Trước mặt
là Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha vừa thức tỉnh. Tất cả bọn họ đi ra
ngoài để
nhìn Nhà Thông Minh Tài Ba Hidalgo Don Quichotte de la Manche. Ngài
Miguel de
Cervantès vừa trở lại thành phố. Cuộc du hành của ông kéo dài hàng thế
kỷ. Ông
đã đi qua những vùng đất vô định, đã chiến đấu không biết bao nhiêu
trận đấu,
đã cứu không biết bao nhiêu đàn bà con trẻ, bị đi lạc rồi tìm ra được,
ông đã
làm sống lại các câu chuyện hiệp sĩ đời xưa và được những người vô
danh, ẩn
danh viết không biết bao nhiêu là nguyên âm phụ âm, bao nhiêu là chữ
với hàng
ngàn trang viết, hàng ngàn quyển sách, những quyển sách còn sót lại sau
các
trận đốt sách.
Dáng
dấp vẫn còn thanh cảnh, tấm lòng vẫn còn hào hiệp như
cái ngày đầu tiên ông tự cho mình sứ mạng bảo vệ công chính cho loài
người.
Ngày hôm đó, một con muỗi Ấn Độ bay đến chích ông. Người thì nói con
muỗi đó
màu đỏ, người thì nói con muỗi đó màu xanh nhưng dù xanh hay đỏ, con
muỗi đó là
một con muỗi độc. Ông vùng mình đứng dậy, ông mặc áo hiệp sĩ, loại áo
xuất xứ
từ một căn làng mà chẳng còn ai nhớ nó tên gì, ông quyết định mình sẽ
là người
đi sửa sang lại tất cả các bất công.
Tự
tin, bước đi chắc nịch, mắt nhìn thẳng, không một xu
trong túi, ông kê ra một vài tật xấu mà ông thề là phải đi chiến đấu
cho bằng
được. Một công việc tày trời! Cần phải sống rất nhiều đời mới hoàn tất
công
việc cao quý này! Cần phải có một trí tưởng tượng phong phú, một lòng
quảng đại
bao la, một ơn kiên nhẫn vô bờ mới mong đi đến đích. Ông Trời bằng lòng
cho ông
một đời sống vĩnh cửu. Ông xứng đáng được Trời ngó mắt đến để đi sửa
sang lại
những gì ông Trời – nhưng đôi khi là Quỷ – đã làm trên con người.
Ông
ngấu nghiến không biết bao nhiêu sách vở đến mức ông bị
bội thực. Ông nhồi nhét vào đầu không biết bao nhiêu là câu thơ bài
văn, những
câu thơ bài văn toát ra hương thơm của một chuyến phiêu lưu, của những
chuyện
hoang đường. Phải chạy theo ông mới mong bắt kịp lối nói, mới thấu hiểu
những
gì ông nói. Ông dùng các bìa sách cứng để làm một cái gươm. Một vũ khí
tượng
trưng. Một loại vũ khí giả bộ.
Ben
ngồi chờ. Ông biết rồi thì Ngài de Cervantès sẽ đến
Tanger vào cuối mùa hè này. Tại sao ông ta lại đến thành phố ủ dột lỗi
thời
này, thành phố với những huyền thoại và những câu chuyện hoang đường
dởm, một
thành phố mà du khách lưỡng lự khi đến? Bởi vì Tanger là thành phố từng
một
thời được tất cả các quốc gia đến cắm dùi, người thì trồng một cây,
người thì
mở sứ quán cho các điệp viên hạng tồi hay các văn sĩ nát rượu. Bởi vì
Tanger đã
sống một thời kỳ thịnh vượng hào nhoáng, từng có những buổi trình diễn
kịch
nghệ ở kịch viện nằm giữa bức tường Lười Biếng và chợ cá, một kịch viện
huy
hoàng với mặt tiền tráng lệ, một kịch viện biến thành phòng chiếu phim
chiếu
các loại áo hở ngực của các phụ nữ hy lạp đời xưa và những phim kinh
hoàng trên
những màn ảnh vàng ố không còn màu trắng trinh nguyên, một phòng chiếu
tối
thui, nơi các tình nhân có thể vừa liếc mắt xem phim vừa tự do làm
tình... Kịch
Viện Cervantès!
Dưới
áp lực của một vài người dân Tanger đau khổ nhìn tình
trạng xuống cấp của kịch viện, Ben bằng lòng viết một bức thư cho Nhà
Quý Tộc
de Cervantès xin ông thân hành đến Tanger để xác nhận tình trạng xuống
cấp của
kịch viện mang tên ông. Hy vọng cuộc viếng thăm này sẽ thúc đẩy những
người có
trách nhiệm sửa sang lại. Lần du hành này không phải để minh oan cho
một bà,
cứu mạng sống một đứa trẻ nhưng là cứu một căn nhà, một kịch viện từng
được xây
một cách nghệ thuật nhưng bây giờ bị bỏ quên, bị coi thường, bị chê bai.
Ben
rất xấu hổ khi phải làm phiền nài xin vị hiệp sĩ để mắt
đến một kịch viện điêu tàn... Dân bụi đời đến đây phóng uế. Mùi hôi
thối xông
đến tận con đường Pasteur ngang qua khách sạn El Minzah, khách sạn này
lại cũng
là một nơi huyền bí nhưng giờ cũng xuống cấp kể từ ngày chủ cũ của nó
bán cho
một triệu phú người Irak, ông này làm giàu dưới chế độ Saddam Hussein!
Thật
nhục nhã. Bởi vì mấy con chuột đã chọn kịch viện làm nơi thường trú.
Tối nào
chúng cũng diễn kịch ở đây, nhân vật của chúng là những con người bông
đùa cợt
nhả, bẩn thỉu, bất xứng. Mấy con chuột ký hợp đồng với mấy con chó
hoang, mấy
con chó có lẽ đã kiệt sức vì bệnh dại. Chuột cho chó ăn, bù lại mấy con
chó này
không được lảng vảng ở chốn văn hóa cao cấp này, sợ truyền bệnh dại.
Nhưng
Ngài de Cervantès không nhất thiết phải biết tất cả
chi tiết này. Ông phải đến Tanger, có ông bạn Sancho Panca tháp tùng,
ông này
thỉnh thoảng kiếm được việc làm trong đoàn hát xiệc Sao Xanh, ông giữ
nhiệm vụ
“sửa sai những sai lầm”, các sai lầm của thú vật thuộc một loài trung
gian giữa
khỉ và người. Sancho có rất nhiều việc để làm vì càng ngày càng có
nhiều sai
lầm không ngừng tác hại đến xứ sở.
Ben
cũng làm nhiều việc. Ông chuẩn bị cuộc du hành và nhất
là chuẩn bị cuộc đón tiếp cái người mà lúc thì ông gọi là Miguel de
Cervantès,
lúc thì ông gọi là Don Quichotte. Ben mất rất nhiều năm để dịch quyển
Nhà Thông
Minh Tài Ba Hidalgo Don Quichotte de la Manche. Ông có ấn bản in năm
1605, ấn
bản mà ông thấy hoàn chỉnh nhất. Nhưng vấn đề ông không phải là tiểu
thuyết gia
hay nhà thơ, ông là nhà sử học. Ông thích thú với bản văn đến nổi gia
đình phải
lo ngại. Khi ông đóng phòng lại và sống bên cạnh các quyển bách khoa tự
điển,
người ta thường nghe tiếng ông bật cười. Vợ ông là bà Mouzah vội vàng
chạy đến
đập cửa phòng, hỏi xem có gì lạ không, bà đem đến cho ông ly nước hay
tách trà
cúc để ông thư giản. Ông không nói chuyện với bà mà chỉ nén cơn cười.
Ben
đọc lui đọc tới từng câu, ngừng lại thưởng thức từng
chữ. Ông cười ra nước mắt, vì cười ra nước mắt mà công việc dịch thuật
bị chậm mất
vài phút. Đôi lúc ông thả hồn mơ mộng, ông quên ăn. Ấy thế mà ông không
có cảm
tưởng mình đói, cũng không nghĩ là mình bỏ ăn. Khi vợ lo lắng, ông nói:
“Em
biết không, anh như vị khách tương lai của chúng ta, anh thích được
nuôi dưỡng
bằng những kỷ niệm dịu ngọt!”
Mouzah
nghĩ rằng nàng là một trong những kỷ niệm dịu ngọt
của ông. Giống như các nhà sử học, Ben thích vặn óc ra suy nghĩ để xem
đâu là
sự thật của câu chuyện, ông sáng tạo ra những sự kiện, những kỷ niệm mà
sự việc
đáng lý phải xảy ra như thế. Ông gọi vợ vào và đọc cho bà nghe vài câu
Cervantès viết: “Người đàn bà đức hạnh giống như tấm gương thủy tinh
trong vắt
và sáng chói mà một chút hơi phà vào sẽ làm cho nó mờ đi. Phải đối xử
với bà vợ
đức hạnh như đối xử với vật thánh: tôn thờ nhưng không được chạm đến.
Phải gìn
giữ, phải thán phục như mình gìn giữ và
thán phục một căn vườn đầy hoa hồng, đầy kỳ hoa dị thảo.”
Mouzah
vừa cười vừa nói: “Em thích em là căn vườn thơm ngát,
nhưng căn vườn được bàn chân ý chí và đam mê của anh dẫm lên dù cho vì
thế mà
các cánh hoa trong vườn rụng tả tơi!”
Không
những Ben để thì giờ dịch từ tiếng tây ban nha qua
tiếng ả rập, mà ông còn bỏ chút thì giờ để viết một câu chuyện song
song câu
chuyện đó, ông định sẽ tặng cho bạn câu chuyện này bằng cách dịch từ
tiếng ả
rập qua tiếng tây ban nha. Nhờ thế mà sau này Cervantès sẽ biết chính
Sidi
Ahmed Benengeli gợi hứng cho ông tựa đề quyển sách của ông.
Gió
bỗng nhiên thổi mạnh khác thường. Các cánh cửa đập vào
nhau. Các con chim hải âu bay lảo đảo, mây bay là đà xuống thấp. Ngư
ông cắm
thuyền, người gác hải đăng thổi còi báo động.
Ben
tiếp tục ngồi viết. Cervantès bình thản chờ giờ lên tàu
để ra đi. Ông đứng trên cảng Tarifa. Tấm bảng quảng cáo huênh hoang ca
ngợi tốc
độ chớp nhoáng của chuyến đi: “Âu châu-Phi châu: cách nhau ba mươi
phút.”
Trong
lúc chờ đợi, bà vợ của Ben đến gặp wali, vị siêu cầm
quyền khu vực để thuyết phục ông ta tổ chức một cuộc đón tiếp long
trọng Ngài
Cervantès.
- Ông
nào?
- Ngài
de
Cervantès, tác giả quyển Don Quichotte de la Manche.
- Bà
nhạo tôi
đó chăng? Don Quichotte không phải là người thiệt, đó là nhân vật ảo,
là ẩn dụ
để ám chỉ cuộc chiến chống mấy cái cối xoay gió.
- Không
phải
Don Quichotte đến nhưng là người Kỵ Sĩ Giang Hồ viết truyện này.
- Rồi
Ngài sẽ
đi lang thang trong mấy đường phố bẩn thỉu đầy những người buôn bán lén
lút
trốn thuế, mấy đường phố dơ dáy vì các nghị sĩ chi lo việc tư, không lo
việc
công này à?
- Không,
Ngài
de Cervantès đến để xem tình trạng ngôi kịch viện mang tên ngài. Ngài
không có
thì giờ đi thăm và xem xét các vấn đề của thành phố. Đến cảng, Ngài sẽ
lên ngựa
đến Đại Hội Cành Hồng, ở đây họ đã chuẩn bị đón tiếp Ngài. Sau đó Ngài
sẽ đến
thẳng thềm kịch viện. Tại đây xin ông đọc một trang sách Don Quichotte
bằng
tiếng ả rập cho Ngài de Cervantès nghe. Sau đó thì xin ông kín đáo rút
lui.
- Sao?
Có một
kịch viện ở Tanger, tôi chưa bao giờ nghe chuyện này?
- Ngày
xưa có
một kịch viện, khi người Tây Ban Nha đến chiếm đóng vùng bắc Maroc, họ
xây một
kịch viện huy hoàng tráng lệ, đó cũng là công trình văn hóa duy nhất họ
để lại
cho thành phố này; dĩ nhiên cũng có bệnh viện, viện kỹ thuật kinh doanh
bê bò
nhưng không so sánh được.
- Đọc
bằng
tiếng ả-rập? Tôi thích đọc tiếng pháp. Tôi không thích làm trò cười.
Ngoài việc
này tôi còn làm gì để giúp bà nữa?
- Tổ
chức một
buổi tiếp tân lịch sự cho nhà văn đáng kính Miguel de Cervantès trong
dinh thự
của vị toàn quyền ở Núi Cổ.
- Bà
lại nhạo
tôi nữa đó à? Khi còn ở trung học, tôi có học vài trang trong quyển Don
Quichotte, tôi còn nhớ nhưng bà muốn tôi tin là cái ông sống cách đây
ba, bốn
thế kỷ bây giờ đến thăm mình sao? Bà mời được ông này sao bà không mời
luôn
Picasso, Dali, Garcia Lorca và biết bao nhiêu người chết khác nữa?
- Ngài
de
Cervantès sẽ đến khi gió phía đông ngừng thổi.
- Tôi
tưởng
tượng ông sẽ đến trên chiếc thảm bay.
- Ông
hình
dung xem, chúng tôi đã nghĩ đến điều đó, tác phẩm của Ngài cũng từa tựa
như Ngàn
Lẽ Một Đêm nhưng các nhà khí tượng khuyên không nên để Ngài đi trên
chiếc thảm
bay. Quá nguy hiểm cho một người mảnh mai như Ngài de Cervantès. Vì thế
Ngài
phải dùng tàu thủy điện siêu tốc, ông biết đó: chỉ cần ba mươi phút là
vượt qua
eo Gilbraltar.
- Tôi
phải ăn
mặc như thế nào?
- Áo
choàng
djellaba trắng, khăn quàng đỏ, thắt lưng vàng.
- Tôi
đại
diện cho bộ trưởng văn hóa?
- Không,
không, Ngài de Cervantès rất ghét chức vị và các bài diễn văn cứng ngắt.
Ông wali lên xe và ra lệnh cho tài xế lái đến đường Pasteur,
đậu trước quán càphê Paris.
Ông đi bộ một mình từ đường Anoual đến trước Kịch Viện Cervantès. Mùi
nước tiểu
xông lên mũi. Đứng trước mặt tiền, mặt tiền này hẳn ngày xưa rất đẹp,
ông bịt
mũi và cúi xuống xem một đống đồ tấp ở đây. Có đủ mọi sự. Xác một con
mèo, xác
hai con chuột bị moi ruột, hàng chục bao rác, một cái ghế sắt cũ, một
bộ áo hát
tuồng bị mối ăn...
Ông lợm giọng và chán nản. Phải dọn dẹp gấp. Ông wali thuê
thợ chui người Phi Châu đến kịch viện ban đêm để làm vệ sinh. Mấy người
thợ này
đi chui qua vịnh Gilbratar để đến đây làm việc. Ngồi trong xe, ông vừa
đọc Don
Quichotte vừa coi sóc đám thợ người Phi. Sáng hôm sau, tất cả đều sạch
sẽ.
Ba
ngày hôm sau. Gió lặng. Biển yên. Cây cối xem lại cành
cây của mình. Chim muông xây dựng lại tổ. Trời trong xanh; biển lóng
lánh như
tấm gương phản chiếu bầu trời xanh kia. Ben và Mouzah sẵn sàng. Ông
wali cũng
vậy, ông đến nhà vị sử học với cặp ống nhòm nhà binh trên tay. Họ lên
sân
thượng để nhìn xa cho rõ. Ngài de Cervantès đang trên đường đi tới.
Ngài không đi một mình, có Sancho, có nàng Zorha và cha của
nàng là ông Hadji Mourad, ông này có vẽ không hài lòng vì cô con gái
vừa theo
đạo kitô, có de Lalla Marien, người giúp cô gái theo đạo và hai anh em
sinh đôi
giống nhau y hệt.
Bảy
phát súng cà-nông báo hiệu Ngài de Cervantès đến. Mọi
lưu thông đều ngừng lại. Một đoàn kèn trống đi dẫn đầu. Cervantès đi
bộ, Ngài
ngửng đầu lên nhìn các bà đang đứng trên bao lơn. Ben và Mouzah đứng
chờ trước
cửa kịch viện để đón tiếp. Trước cử tọa nồng nhiệt, ông wali mở tập II
trang
450 sách Don Quichotte ra đọc:
“Thành
phố chúng tôi xin chào mừng người mà tôi hân hạnh tôn
vinh: Ngài là tấm gương, là đèn pha, là
ngôi sao, là hướng đạo của câu chuyện hiệp sĩ giang hồ! Chào mừng hiệp
sĩ Don
Quichotte de la Manche; đây không phải nhân vật giả tưởng mà chúng ta
mô tả
trong câu chuyện giả nhưng là nhân vật có thật, duy nhất, hợp lệ: nhân
vật mà
nhà sử học danh tiếng Sidi Ahmed Benengeli đang có mặt ở đây mô tả!”
Sau
một lúc im lặng và ngạc nhiên, nhà văn sĩ lớn lao đọc
một bài diễn văn như một thuở xa xưa hoành tráng nào đó:
“Ai chọn cho mình một cái cây sum suê, người đó sẽ được bóng
mát che chở. Tôi may mắn có được một cái cây sum suê, đó là cây của say
sưa và
của dị thường, hoa trái của nó là lòng can đảm và dũng cảm, cây đã nuôi
dưỡng
trong đầu tôi những giấc mơ và những chuyện cao đẹp. Theo luật của lãng
quên,
tôi đã bỏ lịch sử. Tôi chỉ là một quyển sách, một tác phẩm bao la mà
thời gian
đã hình thành, mà cuộc sống đã viết nên. Tôi biết sách vở là cái tự do
của
chúng ta dù cho có người cho rằng sách vở là chuyện không thật. Sách vở
cho
chúng ta khả năng mở cánh cửa của một lâu đài kiên cố hay một dinh thự
huy
hoàng mà tường vách là vàng khối nguyên chất, hóc hẻm là kim cương,
cánh cửa là
kỳ hoa dị thảo... Và không phải như thế là hết. Cuối cùng dù tôi có
chết đi,
cái chết cũng không chiến thắng được. Xin chào từ giã các bạn!”
Và
ông ra đi như khi ông đến. Ông biến mất trong đại dương
đúng khi ngọn gió đông vừa thổi để chào mừng ông.
Tahar
Ben Jelloun
|