* 




Món quà tuyệt vời
Roland Barthes

Jakobson biến văn chương thành một món quà tuyệt vời: ông cho nó môn ngôn ngữ học. Lẽ dĩ nhiên, Văn chương chẳng chờ đợi, để biết, nó đã là Ngôn Ngữ; tất cả Tu Từ Học cổ điển, tới Valéry, khẳng định sự kiện này; nhưng một khi, một khoa học ngôn ngữ được truy tìm, (thoạt kỳ thủy dưới dạng ngôn ngữ học - mang tính so sánh, dọc theo lịch sử - về các ngôn ngữ), thật lạ lùng khi những "hiệu quả" của cái nghĩa đã bị bỏ qua. Sự lơ là này, ở thế kỷ của chủ nghĩa tích cực (thế kỷ muời chín), là do rơi vào chuyện coi như là cấm vật (taboo), những lĩnh vực chuyên biệt: một bên là Khoa Học, Lý Lẽ, Sự Kiện; một bên, là Nghệ Thuật, Cảm Tính, Ấn Tượng.
Ngay từ khi còn trẻ, Jakobson đã lưu tâm tới chuyện sửa đổi tình trạng này: bởi vì nhà ngôn ngữ học đã một lòng một dạ với mối tình lớn của ông, dành cho thi ca, hội họa, nghệ thuật thứ bẩy; bởi vì, ở trái tim của sự tìm tòi khoa học của mình, ông không bao giờ kiểm duyệt niềm vui như một người có văn hóa; và ông nhận ra, hiện tượng khoa học chân thực của hiện đại tính không phải "sự kiện", mà là "sự liên hệ".
Thoạt kỳ thủy, với môn ngôn ngữ học đại cương do ông đề ra, là một hành động khai mào quyết định, liên can đến chuyện phân loại, sàng lọc, tu luyện: với ông, những từ ngữ này đã mất đi mầm độc địa, sự ung thối mang mầu sắc phân biệt, hình luật, chủng tộc của chúng; chẳng còn ai làm chủ (Văn chương, Ngôn ngữ học), kẻ bảo vệ bị đuổi về vườn.
Jakobson đã ôm lấy Văn chương bằng ba cách. Trước tiên, ông tạo ra, ngay chính bên trong môn ngôn ngữ học, một bộ phận đặc biệt, "Thi học"; bộ phận này (và đây là điều mới mẻ trong việc làm của ông, phần đóng góp lịch sử của ông), ông không định nghĩa nó, từ Văn chương (như thể Thi học vẫn còn phụ thuộc vào 'thơ tính' hay vào 'thi ca'), nhưng từ nghiên cứu những nhiệm vụ của ngôn ngữ: mọi hành động nói (speech-act), nhấn mạnh tới hình dạng của thông điệp, là thơ; từ đó, ông có thể, "khởi từ vị trí ngôn ngữ học", gia nhập, tiếp nối những dạng thức sinh động nhất (và thường là đầy chất giải phóng), của Văn chương: quyền hàm hồ của nghĩa (meanings), hệ thay thế, system of substitutions, mã hình tượng, code of figures  (ẩn dụ và hoán dụ, metaphor and metonymy).
Tiếp theo đó, mạnh mẽ hơn cả Saussure, ông đề nghị một liên-ký hiệu học (pansemiotics), một khoa học - không chỉ đại cương mà còn được đại cương hóa - về những ký hiệu. Nhưng ở đây, hiển nhiên, vị trí của ông thật là tiền phong: một mặt, ông dành một chỗ riêng biệt, ở trong môn khoa học đó, cho ngôn ngữ phát âm (ông rất quan tâm tới chuyện, ngôn ngữ không giản dị chỉ ở "kế cận", mà là "ở khắp nơi"), mặt khác, ngay lập tức, ông đã hợp nhất hai lĩnh vực Nghệ thuật và Văn chương vào ký hiệu thuyết (semiotics), từ đó mặc nhiên công nhận, ngay từ khởi điểm, ký hiệu học (semiology) là một khoa học về ý nghĩa (signification) - không giản đơn là truyền thông - do đó đã giải phóng ngôn ngữ học ra khỏi bất cứ một rủi ro nào, do dụng tâm kỹ thuật.
Sau cùng, ngôn ngữ học của ông, tự thân nó, một cách thật đáng yêu, là nền tảng của quan niệm hiện thời của chúng ta, về Bản Văn: rằng "nghĩa của ký" (a sign's meaning), chỉ là sự phiên dịch của nó (its translation) vào một ký hiệu khác, nó xác định "nghĩa", không "một lần rồi xong", nhưng là một mức độ "nghĩa" khác (which defines meaning not as a final signified but as "another" signifying level); và còn nữa, rằng ngôn ngữ thông dụng nhất bao hàm một con số quan trọng, những biểu hiện siêu-ngôn ngữ, nó khẳng định sự cần thiết của con người, ngay vừa thốt ra lời, là cảm hiểu, ngôn ngữ của mình: một hành vi quyết định, được Văn chương đẩy tới độ chói chang cao nhất của nó. Cái "rất" văn phong, của tư tưởng con người, một văn phong sáng sủa, rộng lượng, khôi hài, chan hòa, đâu đâu cũng như ở nhà (cosmopolitan), dẻo dai, chúng ta nên gọi là "thông minh một cách quái quỉ", đã dẫn dắt Jakobson tới nhiệm vụ "khai mở" mang tính lịch sử: bãi bỏ sở hữu quyền khắc nghiệt.
Không nghi ngờ chi, còn khả hữu một văn phong khác, dựa trên một văn hóa mang nhiều tính chất lịch sử hơn, một ý niệm mang nhiều tính triết học hơn, về chủ thể nói (the speaking subject): Ở đây, tôi đang nghĩ tới việc làm không thể quên được (vậy mà hình như đã bị quên lãng, theo tôi), của Benveniste, một người mà chúng ta không bao giờ bỏ qua, (và Jakobson chắc chắn đồng ý với tôi ở đây), mỗi khi tỏ lòng tôn kính, về những đóng góp đưa đến vai trò quyết định của Ngôn ngữ học, ở buổi sơ sinh của một "ngành nghề khác" đó, trong thời đại của chúng ta. Nhưng Jakobson, qua tất cả những đề nghị vừa mới mẻ vừa không thể đảo ngược lại được - thành quả năm chục năm trời của ông - là một khuôn mặt lịch sử đối với chúng ta. Một người, bằng một "cú đánh thông minh", vĩnh viễn đẩy "vào quá khứ", một số những điều đáng kính mà chúng ta bị rằng buộc: ông làm cho định kiến trở thành lỗi thời. Tất cả việc làm của ông nhắc nhở chúng ta một điều, "mỗi chúng ta phải nhận ra, một lần cho mọi lần, nhà ngôn ngữ học mà điếc trước nhiệm vụ thi ca, như chuyên viên văn chương mà dửng dưng trước những vấn đề, ngu dốt trước những phương pháp của ngôn ngữ học, trong trường hợp nào thì cũng là một lỗi thời trắng trợn."
Le Monde, 1971
(dịch từ bản tiếng Anh, của Richard Howard, in trong The Rustle of Language, nhà xb Hill and Wang, New York, 1986).
Nguyễn Quốc Trụ