*






Lucien Goldmann

Giới thiệu những bản viết đầu tay của Georges Lukacs

Lời người dịch: Những bài viết như được dịch sau đây (1), thực sự phải nằm trong một chuyên san, hơn là trên tạp chí văn học. Nhưng nếu thế, là vô tình gạt bỏ những độc giả muốn cố gắng nắm bắt những tư tưởng chủ yếu, quan trọng của thế kỷ chúng ta.

Trong ước muốn "cùng đi lên", chúng tôi cống hiến nó ở đây, như một cách ép buộc cùng đọc, cùng "đau đầu".

Có thể có người cho rằng những tư tưởng gia Mác-xít như L. Goldmann, G. Lukacs... đã bị "vượt" (dépassés), nhưng theo tôi, chỉ có mỗi một cách vượt đối với chúng ta, là "đọc" họ.

Bài giới thiệu của L. Goldmann cho chúng ta những ý niệm cơ bản, thiết yếu về vấn đề: thế nào là một cuốn tiểu thuyết. Ông dẫn chúng ta vào một trong những cuốn sách quan trọng nhất của thế kỷ theo chúng tôi: cuốn Lý thuyết về Tiểu thuyết, của G. Lukacs.

Bản dịch chắc chắn còn nhiều lỗi, mong được những bậc cao minh sửa chữa, bồi đắp cho hoàn chỉnh hơn, khi in thành sách, trong một loạt dịch và viết về một số tác giả, tác phẩm.

Trân trọng,

NQT.

 

Georges Lukacs là một trong những khuôn mặt đáng kể nhất trong cuộc sống trí thức thế kỷ 20 (2).

Tư tưởng và tác phẩm của ông bao gồm quá lớn, những vấn đề, nghiên cứu lại đa dạng, về vị thế trí thức và tầm mức; thành thử thật khó đưa ra nhận định tổng quát mà không kèm  tính chính xác và sự  dè dặt.

Trước hết hãy thử vẽ ra, theo kiểu đồ án, ý niệm cơ cấu ý nghĩa năng động (structure dynamique significative) mà Lukacs chỉ ra vào năm 1923, trong Lịch sử và Ý thức Giai cấp. Ý niệm này, như chúng ta thấy, là điểm tựa quan trọng trong tạo thành khoa học nhân văn theo đúng đòi hỏi mang tính khoa học thực chứng (positives); sau đó vẽ ra, trong phần thứ nhì, một chân dung cũng mang tính đồ án chẳng kém, sự tiến triển trí thức, độc giả nhờ vậy dễ nắm bắt, ý nghĩa và tầm quan trọng của tác phẩm sẽ đọc.

Ý niệm cơ cấu động-nghĩa thực ra không phải là khám phá của Georges Lukacs. Như một tư tưởng tổng quát, trừu tượng và triết học, nó đã có ở ngay tâm biện chứng pháp Hegel (2). Marx sau đó sử dụng, sau khi loại bỏ tính tư biện (spéculatif) trong Hegel và làm thành một dụng cụ trong việc tìm tòi mang tính thực nghiệm, cụ thể. Bất hạnh thay, ông không để lại cho chúng ta, điều gọi là nghiên cứu mang tính phương pháp học theo đúng nghĩa của nó. Chính vì thế - điều này thật quan trọng nếu nói về những suy tưởng rải rác trong những bản văn mang tính Mác học (Marxiens), nhất là trong bài viết  nổi tiếng "Phê bình Kinh tế chính trị, Bài tựa" (Préface à la Critique de l'Économie politique) - phương pháp học đối với khoa học nhân văn thật thiết yếu, và Lukacs là một trong số những người, đã chiếu sáng vấn đề, tạo sự dễ dàng cho những người nghiên cứu tiếp theo, về những nguyên lý phương pháp học cơ bản vốn tác động lên tác phẩm của Marx, trong số đó, là ba ý niệm quan trọng nhất về phương pháp biện chứng trong khoa học nhân văn: Ý niệm cơ cấu động-nghĩa, ý thức khả hữu, và tính khả hữu khách quan (structure dynamique significative, conscience possible - Zugerechnetes Bewusstsein - possibilité objective).

Biện chứng pháp duy vật - một cơ cấu thuyết mang tính di truyền, tổng quát hóa, dựa trên những ý niệm trên - hàm chứa xác quyết, tất cả sự kiện con người (fait humain) tự trình bầy cùng lúc - như là một cơ cấu có nghĩa có thể hiểu được nhờ phân tích những liên hệ cấu tạo giữa những phần tử tạo nên nó (những phần tử này tới lượt, tới mức độ của riêng nó, (lại trở thành) những cơ cấu ý nghĩa cùng loại - và như một phần tử cấu tạo từ một số những cơ cấu khác, rộng lớn hơn, vốn bao gồm và chứa chấp nó.

Trong viễn tượng đó, tất cả sự kiện con người có một đặc tính năng động và chỉ có thể hiểu được qua nghiên cứu sự tiến triển đã qua và những ý hướng nội-tạo hướng tới tương lai. Từ đó suy ra, nghiên cứu được trình bầy như một tiến trình hai mặt bổ túc cho nhau: hủy cơ cấu cũ và dựng cơ cấu mới đang tự tạo (destructuration d'une structure ancienne et structuration d'une structure nouvelle en train de se constituer). Từ đó cần phải thêm vô, trong nghiên cứu thực chứng những cơ cấu ý nghĩa vốn tạo thành lịch sử, không thể tách lìa những phán đoán sự kiện (de fait), với phán đoán giá trị (de valeur), những phạm trù tâm thần cá nhân kẻ truy tìm (le chercheur): như một phần tử tạo thành sự hiện hữu của một nhóm người xã hội ở bên trong những cấu trúc bao gồm, toàn thể.

Vị thế này hàm chứa, một mặt, rằng tất cả mọi tìm kiếm thực chứng trong khoa học nhân văn phải vừa hiểu (compréhensive) vừa giải (explicative) được. Hiểu: miêu tả những liên hệ thiết yếu, nhờ vậy hiểu ra rằng sự tiến triển (le devenir) tạo nên cơ cấu. Giải: trong  cảm nhận những cơ cấu rộng lớn hơn, chúng làm rõ sự tiến triển của những cơ cấu phần (partiel) (3); mặt khác, đối với một tìm tòi theo kiểu này, nghiên cứu những trạng thái thực hay lý thuyết của cơ cấu hòa nhập tạo ra dụng cụ mang tính ý niệm hoàn toàn đặc thù.

Để kết thúc phần giới thiệu, chúng ta hãy xác định một điều, Lukacs không bao giờ sử dụng từ "cơ cấu có nghĩa hòa nhập" (structure significative cohérente) và chỉ nói tới trong hai tác phẩm đầu Những hình thức (Formes), trong Lịch sử và Ý thức Giai cấp về Toàn thể, (Histoire et Conscience de Classe de Totalité).

Ngay từ năm 1910, 13 năm trước khi xác định trong Lịch sử và Ý thức giai cấp ý niệm cơ cấu động-nghĩa, Lukacs, sau khi đã xuất bản bằng tiếng Hung, một tác phẩm - theo sự hiểu biết của chúng tôi, cuốn sách này chưa từng được dịch ra những ngôn ngữ Tây-Âu - vào năm kể trên ông đã được công chúng Đức biết tới qua cuốn Linh hồn và những Hình thức (L' Âme et les Formes). Vì nhiều lý do theo chúng tôi, cuốn này đánh dấu một thời điểm cơ yếu trong lịch sử tư tưởng đương thời. Trước tiên là bởi vì, sau bao nhiêu năm tháng miệt mài với triết học đại học, Lukacs lại tìm thấy ở trong tác phẩm này truyền thống lâu dài của triết học cổ điển, bằng cách chú trọng vào vấn đề: những liên hệ giữa đời người và những giá trị tuyệt đối. Đây là một biến động trí thức quan trọng, vì truyền thống này hình như hoàn toàn bị bỏ quên.

Những tân tín đồ của Kant, Hegel hay tân-Mác xít xã hội-dân chủ thực sự đã lại mở ra, tác phẩm của những triết gia cổ điển: Kant, Hegel và Marx, rũ nó ra khỏi bức màn bụi bặm uyên bác, qua đó họ chỉ là những lý thuyết gia nhiều ít có chiều sâu, nhưng do tác phẩm quá đa dạng nên có vẻ như đã mất mọi giao tiếp thực sự và tức thời với cuộc sống hàng ngày, và với những vấn đề mà nó gợi lên.

Vả chăng, suy tưởng triết học hình như giản lược dần phạm vi của nó vào tri thức luận, vào triết học của những khoa học và vào lịch sử triết học. Thực sự là môn học sau chót này đang đạt tới độ uyên bác chưa từng có được, trong những công trình của những đại học lớn.

Sự uyên bác, Lukacs không thiếu, và một cách đọc ông, cho dù lơ đãng, chứng tỏ, ông chẳng ham làm một bực thầy đại học. Nhưng theo Pascal, nếu dấu hiệu cho thấy một con người lương thiện, đó là biết tới cùng con số lớn nhất những phạm vi, những môi trường, nhưng luôn luôn tỏ ra không phải là một chuyên viên, Lukacs đã đạt đến độ cao nhất của đòi hỏi nghiêm ngặt này. Bởi vì chính là sự uyên bác khác thường đã cho phép ông không bao giờ phải tỏ ra điều này. Cũng vậy, tư tưởng của Kant vốn đã bị những tân-tín đồ đại học của ông làm méo mó, cuốn sách của Lukacs, như sau đây chúng ta  thấy, đem lại ý nghĩa đích thực của tư tưởng đó, mà chẳng tham chiếu quá nhiều Kant. Cũng vậy, người ta chỉ nhận ra một vài tham chiếu Hegel, thật hiếm hoi ở trong một cuốn sách rất ư là Hegel, đó là Lý thuyết Tiểu thuyết. (còn tiếp)

Chú thích của người dịch:

(1) Bài viết được in trong cuốn Lý thuyết Tiểu thuyết, bản tiếng Pháp, nhà xb Gonthier, tủ sách Méditations. Lý thuyết về Tiểu thuyết được viết năm 1916, bằng tiếng Đức. Bản tiếng Pháp: 1963.

Chú thích của tác giả:

(2) Trích từ Thời Mới, Temps Modernes, số 195, tháng Tám, 1962.

(3) Điều này giải thích một con số rất lớn những nghiên cứu mang tính nội hàm, cụ thể, cực kỳ sắc bén mà người đọc gặp, trong những bản viết của Hegel.

(4) Hiểu một cơ cấu, là nắm bắt bản chất và ý nghĩa những phần tử khác nhau, và tiến trình tạo nên nó, tuỳ thuộc vào những liên hệ của chúng với tất cả những phần tử khác, và tiến trình tạo nên toàn thể (ensemble). Những miêu tả của Lukcacs: a/ về Những Hình Thức của Tiểu Luận, của Chủ Nghĩa Lãng Mạn, và của Bi Kịch, trong Linh Hồn và Những Hình Thức;  b/ Tiểu Thuyết, trong Lý Thuyết  Tiểu thuyết; c/ Triết học cổ điển Đức hay là về Cuộc Cách mạng Vô sản trong Lịch sử và Ý thức Giai cấp - đều là những miêu tả mang tính nội hàm (descriptions compréhensives).

            Giải một sự kiện xã hội, là lồng nó vào trong miêu tả nội hàm một tiến trình cơ cấu hóa năng động bao trùm lên nó. Lấy một thí dụ, ngay trong những nghiên cứu (recherches) của chúng ta: ý niệm của Lukacs về viễn ảnh bí đát là dụng cụ chính trong việc hiểu, cảm những bản viết của Racine, sự cảm hiểu chuyển động "Janséniste" - như là cơ cấu năng động - ngược lại, có một giá trị giải thích được so với những bản viết này; cũng vậy miêu tả nội hàm lịch sử quí tộc pháp đình (l'histoire de la noblesse de robe) có một giá trị giải thích được đối với sự hình thành chủ thuyết Jansénisme, miêu tả nội hàm sự phát triển cơ cấu những tương quan giai cấp trong toàn xã hội Pháp từ thế kỷ 16 tới 18, có một giá trị giải thích được so với tiến trình năng động tạo nên sự tiến triển (le devenir) của Quí Tộc Pháp Đình vv...



Lucien Golmann

Dẫn vào những bản viết đầu tay của G. Kukacs

(tiếp theo, II).

 

Thật rõ ràng, Linh hồn và Những Hình Thức chỉ bàn về sự liên hệ giữa hồn người và tuyệt đối, và những "hình thức" biểu hiện những hình thái khác biệt đặc thù của liên hệ này.

Trong những điều kiện nào, đời người có thể thực (authentique)?  Đâu là những hoàn cảnh, những nhân tình thế thái (attitudes) làm nó mất cái thực? Liệu có những giá trị trung gian, giữa thực và không thực, thật và giả? Lầm lẫn có thể đẻ ra những "hình thức" có giá trị, chỉ nói về mặt thẩm mỹ, hay triết học? Cuốn sách của Lukacs chỉ nêu lên những vấn đề này, và hơn nữa, không phải trên bình diện suy tưởng lý thuyết đại cương mà như luận đề, "nhân" ("à l'occasion") một số những thành tựu lớn lao về văn học và triết học: Montaigne, Platon, Kierkegaard, Stefan George, Charles-Louis Philippe, và hơn hết (tuy rằng không được nêu tên một cách rõ ràng) Kant, Pascal và Racine.

Theo nghĩa đó, có thể cùng với Linh hồn và Những Hình Thức, bắt đầu tại Âu-châu sự tái sinh triết học theo sau đệ nhất thế chiến, mà sau này được đặt dưới cái tên chủ nghĩa hiện sinh. Không nghi ngờ chi, Lukacs vẫn luôn luôn nằm trong dòng triết học cổ điển, và không bao giờ chấp nhận những vị thế tương tự như những tư tưởng gia Jaspers hay Heidegger đã chấp nhận sau đó. Nhưng ông là người đầu tiên của thế kỷ 20  nêu lên những vấn đề trấn ngự tư tưởng triết học và, kể từ sau cái chết của Hegel, chúng, nhiều hoặc ít, đã biến mất khỏi ý thức âu-châu (đừng quên là, Kierkegaard, chỉ được dịch ở đầu thế kỷ, vẫn gần như vô danh).

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh một điều, cuốn sách của Lukacs không phải là một sáng tạo bất ngờ, không có những tiền thân: tác giả của nó có được sự xứng đáng - hay là cơ may - ở vào đúng chỗ gặp gỡ của ba dòng thác lớn của tư tưởng đại học Đức vào thời đại của ông: tân-chủ nghĩa Kant (néo-Kantisme), những ý niệm về ý nghĩa và hiểu cảm (compréhension) của Dilthey và của hiện tượng luận Husserlienne, được đưa ra ánh sáng; một phần nào, hoàn cảnh này đã cho phép ông tìm lại truyền thống của chủ nghĩa lý tưởng cổ điển, khi định nghĩa ý nghĩa, signification, bằng liên hệ giữa linh hồn và tuyệt đối, entre l'âme et l'absolu, trong khi đó, do từ bỏ liên hệ này, ba dòng thác lớn vừa nói ở trên đã cắt lìa với truyền thống triết học.