jen

Dịch Thuật



Tản Văn Không Cần Thứ Sáu

Bồn Chồn


[Viết về] thơ của Czeslaw Milosz mà dám nói là cái đọc không yêu cầu? Đây là cái cần đọc, đối với bất cứ một ai có thói quen suy nghĩ, lúc này, lúc nọ, hay ít ra, sống ở trên đời, là phải như thế.

Bởi vậy, tôi sẽ không nói về thơ ở đây. Tôi nói về một cái khác tồi tệ hơn nhiều: tôi nói về tôi.

Hay đúng ra thì là, tôi nói về cái sự bồn chồn của tôi, nó ra làm sao, khi tôi có dịp đụng đầu với cả hai, thơ, và nhà thơ.

Chuyện xẩy ra cũng lâu rồi, vào Tháng Hai, 1945. Tôi tới Rạp [the] Stary Theater ở Krakow, nơi mà lần thứ nhất kể từ chiến tranh, một cuộc đọc thơ đã được tổ chức. Tên những người tham dự chẳng có nghĩa gì đối với tôi, nghĩa là, tôi chẳng biết một ai. Tôi vốn dốt về thơ, nói rõ hơn, sự hiểu biết của tôi về thơ là một con số zéro, và riêng về cái mà tôi viết ra, thì dễ đọc, như là văn xuôi, prose, chứ không phải như là thơ.

Tuy nhiên, tôi vưỡn cứ cố nghe, cố nhìn. Chẳng phải bất cứ ai cũng đọc ngon, thơ. Có ông đọc như là bỏ bom vào tai người nghe. Ông khác, giọng vỡ ra thành miểng sành, miểng chai, còn ông khác, tờ giấy ở trong tay run lên từng chập, giống như người cầm nó đang lên cơn sốt ba, bốn chục độ!

Tới một lúc, có người thông báo, một ông có tên là Milosz. Ông đọc một cách êm ả, không làm điệu làm bộ. Như thể ông đang đọc ra những suy nghĩ của ông và mời chúng ta cùng tham dự. “Rồi, trúng mánh rồi,” tôi tự nhủ thầm, “đây mới là thơ ca thực, đây mới là thi sĩ thực”.

Thực tình mà nói, tôi hơi có tí bất công. Cũng còn một hai ông đáng để ý tới. Nhưng cái gọi là trúng mánh, nó phải là như vậy, nghĩa là nó tới chỉ! Nó gãi đúng chỗ ngứa của bạn, đúng rồi, đúng chỗ đó đó, gãi mạnh thêm tí nữa, mới đã, đại khái sự tình nó là như vậy.

Thế là tôi bám dính lấy ông Milosz, theo đúng bản năng của tôi ra lệnh.

Sau đó chẳng lâu la gì, sự ngưỡng mộ nhà thơ của tôi gặp cú thử thách thật là nặng nề. Đó là lần thứ nhất trong đời, trong một dịp thật là đặc biệt, tôi thấy mình ở trong một nhà hàng ăn thứ thiệt, thuộc loại một ngày làm hoàng hậu, [để nhại lại nhất dạ đế vương của mấy ông]. Tôi nhìn quanh, và thấy ông Milosz ngồi gần kế bên, với một lố bạn bè của ông ta, và đang đợp thật là ngon lành cái món sườn nướng với rưa bắp cải. Đúng là một cú thất đảm! Tôi như bị ai tạt cho cả một xô nước lạnh! Thì đúng rồi, theo nguyên tắc mà nói, nhà thơ thì cũng phải ăn, nhưng không lẽ nhà thơ mà lại ăn những món ăn tồi tệ, tầm thường như thế ư? Thi sĩ gì mà ăn uống thô tục như vậy sao?

Một cách nào đó, tôi đụng với cái gọi là nỗi khủng khiếp, tạm gọi là "vấn nạn thơ"!

Sau đó, còn thêm nhiều cú va chạm “đổ máu” [chữ của Szymboska: những kinh nghiệm quan trọng] khác nữa, và tôi trở thành một độc giả nghiêm túc, serious, của thơ.

Tập thơ Rescue của Milosz ra mắt độc giả, và tôi còn kiếm thấy những bài thơ mới khác của ông, trên báo chí. Sự bồn chồn của tôi tăng thêm, và càng ngày càng bám rễ chặt vào từng bài thơ mà tôi đọc. Lần tới mà tôi được gặp Milosz là vào cuối thập niên 1950, tại Paris. Ông đã len lỏi giữa những bàn ghế tại một quán cà phê, tìm cách tới gần một người bạn, chắc vậy. Tôi có dịp may đứng dậy để nói với ông một điều mà chắc chắn ông cũng thích nghe, đó là những cuốn sách bị cấm đoán của ông vẫn được đọc tại Ba Lan, chúng được xé lẻ ra và nhập lậu vô. Và một người nào, nếu thực tình muốn đọc, vẫn có thể kiếm được, mặc dù khó khăn tới cỡ nào. Nhưng tôi đã không đứng dậy để nói với ông điều đó. Tôi như bị sự bồn chồn đóng cứng vào ghế ngồi. Milosz chỉ có thể trở về lại Ba Lan rất nhiều năm sau đó. Trên đường phố Krupnicza, tại Krakow, màn khói dầy đặc thuốc lá, của đám ký giả, những ánh đèn sáng lòa của đám nhiếp ảnh viên đã che kín ông, với đám đông, trong có tôi, đứng chờ. Khi ông mệt nhoài thoát ra khỏi đám thợ chụp, đến lượt đám người xin chữ ký vây quanh ông. Tôi không có đủ can đảm để nhập vô đám người sau này, để mà tự giới thiệu, và có thể, để xin chữ ký, như mọi người. Tôi có được niềm vui, khi đích thân gặp ông, lần thứ nhì ông viếng thăm Ba Lan.

Bao nhiêu đổi thay đã diễn ra kể từ đó, nhưng theo một nghĩa, chẳng có gì thay đổi cả. Phải nói ngay ra rằng thì là, tôi có rất nhiều cơ hội để nói chuyện với ông, gặp gỡ ông giữa đám bè bạn của cả hai, ngay cả chuyện, cùng đọc diễn văn, thơ thẩn trong những dịp này nọ, hay là cùng chịu đựng những buổi hội hè đình đám. Nhưng cho đến ngày này, tôi vẫn không biết làm sao xoay sở với sự gặp gỡ một Đại Thi Sĩ như thế. Tôi vẫn bồn chồn khi gặp ông, như từ thở nào tới giờ. Cho dù là, đã đôi ba lần, cả hai chúng tôi đã từng nói chuyện tào lao, hoặc cụng ly volka. Cho dù, một lần, tại một tiệm ăn, chúng tôi cùng dùng món sườn nướng với rưa cải bắp.

[Bài này xuất hiện trên cột báo thường lệ, cái đọc không yêu cầu, nonrequired reading, của Szymborska trên nhật báo Gazeta Wyborza, Thứ Bẩy-Chủ Nhật June 30 – July 1, 2001, trang 9, nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 90 của nhà thơ Czeslaw Milosz]

NQT dịch [trong W. Szymborska: Cái đọc không yêu cầu, nonrequired reading, những mẩu tản văn, prose pieces.Bản tiếng Anh, từ nguyên bản tiếng Ba Lan, của Clare Cavanagh, nhà xb Harcourt Inc. 2002]