coetzee
Coetzee

CHUYỂN NGỮ


Thông báo Nobel 2003, của Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển.

 Giải thưởng Nobel văn chương năm 2003 được trao cho nhà văn Nam Phi John Maxwell Coetzee, “người mà, qua thiên hình vạn trạng những cung cách, những trò hóa trang, làm bật ra tính liên can, sự tòng phạm của một kẻ ở bên ngoài”.

 Những cuốn tiểu thuyết của Coetzee, tuyệt ở những điểm này: kỹ lưỡng về bố cục, cô đọng trong đối thoại, và tài tình trong phân tích. Nhưng tác giả của chúng còn là một con người chẳng đặng không bi quan, chẳng thể không hồ nghi, và chẳng chút xót thương khi thẳng tay chỉ trích tính duy lý độc địa và cái vẻ bề ngoài làm ra vẻ đạo đức của văn minh Tây Phương. Sự liêm khiết trí thức của ông phá huỷ tất cả những gì là nền tảng của sự vỗ về an ủi, và ông tự tách mình ra khỏi màn tuồng dễ dãi của trò ăn năn, thú tội. Ngay cả khi niềm tin của ông lồ lộ, như khi lên tiếng bảo vệ loài vật, ông làm rõ những cơ sở của niềm tin, hơn là nhân danh nó, để mà đòi hỏi.

 Quan tâm của ông chủ yếu ở những hoàn cảnh, khi mà sự phân biệt giữa đâu là đúng, đâu là sai, mặc dù hiển nhiên, nhưng hoàn toàn vô dụng. Như con người trong bức họa nổi tiếng của Magritte, anh ta ngắm nghía gáy của mình ở trong gương: vào giây phút quyết định, những nhân vật của Coetzee lùi lại sau chính họ, bất động, không thể tham dự vào chính những hành động của họ. Nhưng sự ù lì, bất động không phải là một khung trời đen ngòm sẽ nuốt chửng  con người, đây là phương tiện tối hậu mà con người tóm lấy, sử dụng nó, để ngạo mạn, thách thức cái trật tự áp bức, bách hại, bằng cách làm sao cho cho chính họ không còn bị vướng bận, mắc míu với nó. Trong khi thám hiểm, khai phóng sự yếu đuối, và thất bại, Coetzee làm bật ra cái chất nhân chi sơ chí huyền chí thánh, của con người.

 Cuốn tiểu thuyết sớm sủa nhất của ông, Đất Tối, là thí dụ đầu tiên cho độc giả thấy, bằng cách nào, Coetzee tóm bắt tại trận, kẻ xa lạ và sự đê tiện. Ông tiếp tục sử dụng phương cách này trong rất nhiều trường hợp. Một người đàn ông làm việc cho chính quyền Hoa Kỳ trong thời kỳ xẩy ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người này đã mơ tưởng sáng chế ra được một hệ thống bất khả bại trong cuộc chiến tranh tâm lý, cùng lúc, cuộc đời riêng tư của anh cứ thế rã ra. Những suy tưởng của anh ta được xen vào với một bản báo cáo về một chuyến thám hiểm một vùng đất thuộc những người dân bản xứ Phi Châu; gốc gác bản báo cáo này vốn được coi như là của một tay thám hiểm người Boer [người Phi gốc Hoà Lan], thế kỷ 18. Hai  kiểu thù hận cái giống người, một trí tuệ, kiêu căng; một sống động, man rợ, cái nọ chiếu sáng cái kia.

 Tác phẩm tiếp theo, Trái Tim Của Xứ Này, là câu chuyện kể của một bịnh nhân tâm thần. Một cô gái buồn phiền sống cùng cha mẹ, ghê tởm quan sát cuộc tình vụng trộm của người cha với một người đàn bà da mầu. Cô tạo cho mình những cơn hoang tưởng, sẽ sát hại cả hai, nhưng mọi chuyện xẩy ra cho thấy, cô sẽ tự giam mình bằng một thoả ước đồi bại với người giúp việc trong nhà. Thật vô phương lần mò những lớp lang sự kiện, bởi người đọc chỉ trông cậy vào cuốn sổ ghi của cô gái, trong đó, những lời dối trá, những sự thực, cái độc ác, cái thanh tao cứ thế xen vào nhau một cách thật là thất thường, theo dòng chữ. Độc thoại của cô gái được viết bằng một thứ văn phong thật là xa xỉ đỏm đáng của thời kỳ Edward, lạ lùng sao, thật là xứng hợp với phong cảnh miền đất Phi Châu vây quanh.

Đợi Bọn Rợ là một thứ trinh thám chính trị, trong truyền thống Joseph Conrad, trong đó, cái ngốc nghếch của những người theo chủ nghĩa lý tưởng, chính nó, đã mở toang ra những cánh cửa của sự ghê rợn. Tác phẩm Foe [Kẻ Thù], một thứ tuồng dưới dạng siêu tiểu thuyết, trình bầy một câu chuyện đùa dai, qua đó cho thấy, không thể nào giao lưu hòa giải, và cùng lúc, không thể nào tách rời, văn chương và đời sống, qua câu chuyện của một người đàn bà muốn có phần của mình ở trong một câu chuyện kể lớn, trong khi thực tế, bà chỉ có trong tay một nhúm bột, làm sao gột nên hồ?

Với cuốn Đời và Thời của Michael K. gốc rễ của nó là từ Defoe, cũng như từ Kafka và Beckett, ấn tượng về Coetzee, một nhà văn của sự cô đơn, trở nên minh bạch hẳn ra. Đây là câu chuyện của một công dân vô nghĩa, một thứ phó thường dân, và cuộc chiến đấu của người đó, chống lại sự vô trật tự cứ nở rộ mãi ra, và chống lại một cuộc chiến sắp xẩy ra tới nơi, để tới được một trạng thái dửng dưng với tất cả mọi yêu cầu, mọi cần thiết, và tới được sự câm nín, sự câm nín này sẽ huỷ diệt tính lô gíc của quyền lực.

Chủ nhân Petersburg là một cách chú giải cuộc đời và thế giới giả tưởng của Dostoevsky. Cơn cám rỗ mà những nhân vật được tưởng tượng ra của Coetzee phải đối mặt: làm sao chết trong tim, trong hồn, tách biệt hẳn với cõi vô thường này, một cám rỗ như thế hóa ra là nguyên lý dành cho thứ tự do vô liêm sỉ, của chủ nghĩa khủng bố. Cuộc chiến đấu của nhà văn với vấn đề cái ác ở đây mang một nét ma quái, quỉ mị, và nó lại trở lại, trong tác phẩm vừa mới xuất bản của ông, Elizabeth Costello.

Ô Nhục là câu chuyện xẩy ra tại Nam Phi, ngay sau khi quyền lực của những người da trắng cáo chung. Coetzee đẩy chúng ta vào trong cuộc chiến đấu của một vị giáo sư đại học bị làm nhục. Ông chiến đấu để bảo vệ danh dự của mình, và của người con gái. Cuốn tiểu thuyết làm bật ra câu hỏi trung tâm của tác phẩm Coetzee: Liệu người ta có thể trốn thoát lịch sử?

Boyhood, Tuổi Vừa Mới Lớn, chủ yếu xoay quanh sự nhục nhã của người cha, và một cõi lòng tan hoang mà nó gây ra ở nơi người con, nhưng cuốn sách còn tạo ra ở nơi người đọc một ấn tượng huyền ảo về cuộc sống miền quê Nam Phi cổ lỗ, với mâu thuẫn muôn đời của nó, giữa sắc dân Boers và những người Anh, giữa da trắng và da đen. Trong phần tiếp theo, Tuổi Lớn [Youth: Tuổi Trẻ], là một tách bạch hẳn ra, cái con người, là chính ông, một người đàn ông trẻ. Ông làm điều này với một sự độc ác dị thường khiến không một ai có thể tìm thấy  niềm an ủi, nếu tự đặt để mình vào vị thế của ông.

Thế giới giả tưởng của Coetzee muôn mầu muôn vẻ. Không bao giờ xẩy ra trường hợp hai cuốn sách có cùng một cách pha chế. Một độc giả có tầm mức hiểu biết sâu rộng sẽ nhận ra một trận đồ ở đây, những mẫu mã xuất hiện theo kiểu truy chứng, những cuộc hành trình xoắn mãi về phía duới, như một cần thiết, và chỉ chấm dứt, khi người đọc cảm thấy, như vậy là đủ rồi.

Đủ cho một sự cứu rỗi của những nhân vật ở trong thế giới giả tưởng đó. Những nhân vật của Coetzee tắm đẫm nỗi ước ao, trong cơn đòi hỏi: được sa lầy, được trầm luân, nhưng lạ đời thay, chỉ một khi rũ hết mọi chất dơ, là cái phẩm giá bên ngoài đó, những nhân vật này mới có lại sức mạnh của chúng.

Jennifer Tran chuyển ngữ
[Theo bản tiếng Anh và tiếng Pháp, trên Nobel_website]