gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ

Tạo Dựng Nước Mỹ
Lucy Carlyle
đọc
lê thi diem thúy


 

 Making America
Tạo Dựng Nước Mỹ

Lucy Carlyle
đọc
lê thi diem thúy
The Gangster We Are All Looking For.
Tên Găng Tơ Mà Tất Cả Chúng Ta Tìm.
Nhà xb Picador, 160 trang, 12.99 Anh kim.
Nhà xb Knopf [Mỹ], 18 Mỹ kim. 

Lời giới thiệu: Sự xuất hiện của những nhà văn Việt Nam, viết văn bằng tiếng của quê hương thứ hai của họ, và nổi tiếng trên toàn thế giới, thí dụ như Linda Lê, ở Pháp, viết văn bằng tiếng Pháp, với những nhân vật không thể nào quên được quê hương thứ nhất của tác giả, tức Việt Nam, và ở đây, là lê thi diem thuý, với cuốn tiểu thuyết đầu tay viết bằng tiếng Anh, vừa xuất hiện đã được tờ báo văn học uy tín hàng đầu trên thế giới, là tờ Phụ Trang Văn Học Thời Báo Luân Đôn, TLS, trang trọng giới thiệu, dưới nhan đề, đây là những con người tạo dựng nên nước Mỹ.

Trân trọng giới thiệu [bản tiếng Việt] bài điểm sách nói trên.
NQT 

Trước khi The Gangster We Are All Looking For được xb tại Mỹ vào năm 2001, lê thi diem thúy là một nghệ sĩ trình diễn có tiếng trong giới kịch nghệ, với những tác phẩm mang tính tư tưởng, tự thuật. Qua những tác phẩm như Red Fiery Summer [Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972, cũng là năm sinh của bà], và the bodies between us [những xác thân ngăn cách chúng ta, hiện đương được chuyển thành tiểu thuyết), bà đào sâu, khai phá những đề tài như chiến tranh, tính thực dân đô hộ về văn hóa, hồi ức, và căn cước từng cá nhân [identity], dựa vào kinh nghiệm trẻ thơ của bà, như là một cô gái, bị bứng ra khỏi Việt Nam và trồng lại ở Mỹ. Với The Gangster, bà chuyển những mầy mò khám phá riêng tư, thầm kín, về những liên hệ giữa Á Châu và Tây Phương, thành thể văn hư cấu. [The Gangster đã từng xuất hiện trong “Những tiểu luận hay nhất của Mỹ trong năm 1997”. CTND] 

Như tác giả, nhân vật kể chuyện ở trong The Gangster là một bé gái rời Việt Nam trên một con thuyền cùng với bố, định cư tại miền nam tiểu bang California ở Mỹ, bà mẹ sau cũng tới sống với họ. Cuốn sách dựa trên kinh nghiệm riêng của thúy, kể những gì xẩy ra sau cuộc dời đổi – tái định cư, từ một nơi ăn chốn ở không đuợc thoải mái, tới một nơi ăn chốn ở khác, sự chưng hửng nơi đất lạ, và nỗi lo sợ tai ương có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, vì những cấu xé, trì chiết ở trong gia đình.

Bằng con mắt của một bé gái, của một bản ngã đang phát triển, một bé gái tị nạn, thuý chuyển những chi tiết vụn vặt của cuộc sống tại tiểu bang California ở Mỹ, thành niềm bí ẩn, và sự ngỡ ngàng.

    Chúng tôi ngồi trước mớ giầy chưng diện, đẹp đẽ, bóng loáng của Ken, đôi nào đôi nấy mỗi đôi mỗi kiểu, mỗi đôi mỗi góc,     như thể người mang giầy thì đã tuột ra khỏi, trong khi giầy, do nặng nề không thể theo, nên bị bỏ lại. 

Bằng những kiểu giải thích lầm lạc mang tính tưởng tượng như thế, nước Mỹ trở thành một cái gì khác chính nó: không phải Mỹ, không phải Việt Nam, nhưng mà là một nơi chốn của sự lạng quạng, trật chìa, trục trặc [a place of dislocation], của xa lạ thái quá, và của bí ẩn. Nhưng thuý đẩy sự không thể làm sao giải thích này về phía gia đình của mình. Cô tưởng tượng, những người qua đường đã nhìn như thế nào về gia đình của cô, nhân một lần đi siêu thị quá khuya: “Gia đình này chẳng mua sắm gì hết và rời siêu thị ít phút sau, trước 1 giờ sáng, sau khi đứa bé, có lẽ là con gái của họ, nằm giữa lối đi ở khu bán gia vị, trong khi người đàn ông thì mê mẩn với đủ thứ chai lọ, bao bì đựng các loại muối ăn.”

Nếu gia đình này làm cho nước Mỹ trở thành xa lạ, thì cũng có thể nói ngược lại, y như thế, nghĩa là, nước Mỹ biến những người trong gia đình này thành những kẻ lạ, trong tiến trình “mày làm tao sao, thì tao làm mày y hệt như vậy” [a process of mutual alienation]. 

Trong khi suy nghĩ về bản chất của sự xa lạ - của cả hai, một bên là xứ sở thâu nhận họ, và một bên là những người mới tới - người kể chuyện chuyên chở, không chỉ sự giải thích cuộc sống Tây Phương, của một người ở bên ngoài cuộc sống đó, mà còn thêm một hiểu biết thật ngỡ ngàng của cô, về cha mẹ của mình. Cô để ý, với con mắt gần như không muốn can thiệp vô, hay xâm phạm tới, sự kiện, mẹ cô cạo trọc đầu, sau một lần cãi lộn với cha cô, và sau đó đội một cái nón đánh banh; hay sự kiện này, trong khi coi phim chưởng, mẹ cô thích thú ngồi rung đùi, và điều này làm cho cha cô “như phát khùng”, và sau đó, ngồi cứng ngắc, bất động suốt cả đêm. Cô con gái tin rằng, mẹ mình ngày xưa là một người con chiên ngoan đạo, còn cha cô, là một tên găng tơ, nhưng  thực hư ra sao, chẳng làm sao biết.

 Một phần, như chúng ta thấy, sự thất bại trong việc hiểu biết lẫn nhau này, là do sự chẳng hứng thú gì, trong tình yêu [giữa ông bố và bà mẹ], và một phần, là do tính bí ẩn của tuổi thơ ấu [the myteriousness of childhood]. Nhưng có thể còn do sự mất mát hồi ức vì gia đình bị bứng ra khỏi mảnh đất này, đem tới mảnh đất khác. Sự nhắc nhở không giải thích tới một người anh, hay em trai đã mất, khiến chúng ta có thể nghĩ rằng, có một sự đứt đoạn về lịch sử câu chuyện, trong khi đó, những phản ứng lớ ngớ của cha mẹ cô gái về những hoàn cảnh thực tế của cuộc sống Mỹ, điều này như muốn nói lên sự bất bình, không muốn nhập vào thời điểm hiện tại, cuộc sống hiện thời. 

Do chẳng thể sở hữu cái đã mất, đã qua, cũng như cái đang có, đang cầm trong tay, điểm xoáy của câu chuyện kể vì vậy cứ đong đưa giữa quá khứ và hiện tại, và cũng thế, là nhân vật chính, cứ đong đưa giữa thế giới trong nhà, và thế giới bên ngoài. Cùng lúc, cái cảm giác khó chịu về một trách cứ không được thoải mái, không nơi bám trụ cứ thế lững lờ ở bên trong gia đình, nhất là ở nơi ông bố, như muốn thúc đẩy một điều rằng, một ngày nào, cô con gái sẽ trở thành “tên găng tơ mà tất cả chúng ta đang tìm”, cô sẽ nuốt trọn trách cứ, tủi nhục và ổn định lại gia đình tại mảnh đất khô cằn cảm xúc này. 

Thuý khai triển những mất mát do đổi dời bằng một ngôn ngữ duyên dáng như những cánh bướm. Một cảm quan ngược ngạo về cái đẹp là một dấu báo tuyệt vời về cách kể chuyện của bà; bằng một cách nhìn ngược ngạo về cái đẹp như thế, bà đã ban ân sủng cho những hành động hung bạo, và niềm đam mê, gợi ra cách cảm nhận khả ái đáng yêu, của một người đang mơ mộng. Bà đem tới cho người đọc một số ẩn dụ tuyệt vời. Đôi mắt “trống vắng mọi  biểu tỏ, như hai cục đá núi lửa, trầm xuống dòng sông để nguội dần”; sỏi rớt xuống lưng mẹ như “những nụ hôn ấm áp trên làn da cong của bà”; vết bầm giập nở ra như một “bông hoa”.

 Qua sự mẫn cảm tinh tế nhắm tới thăng hoa, viên mãn, lê thị diem thuý sáng tạo được một điều, rằng, con người có thể hiểu được cái bất thường, cái vượt lên khỏi sự thông thường, rằng, cái bất thường này thì vừa nguy hiểm, vừa thật là tuyệt vời. Bà gợi ý, rằng, cái cảm quan “đôi bờ” đó, về niềm xa lạ, không chỉ là một thành tố không thể tránh được, của sự dời đổi từ nơi chốn này tới nơi chốn khác, nhưng mà còn của một trong những liên hệ thầm kín, riêng tư nhất, của con người. Và trong khi mổ xẻ những đứt đoạn đau thương tạo thành vết sẹo trong câu chuyện về gia đình mình, bà sáng tạo điều khả thể, về một sự trở về với quá khứ đã mất, thông qua sự tưởng nhớ một cách thật là thận trọng, nghiêm túc. 

dịch từ Phụ Trang Văn Học Thời Báo Luân Đôn, TLS, số đề ngày Jan 9 2004

Ghi chú:
Như tiểu sử được ghi trong tuyển tập “Những tiểu luận Mỹ hay nhất trong năm 1997”, lê thi diem thuý là nhà văn và nghệ sĩ độc diễn [solo performance artist]. Sinh tại Việt
Nam, được gia đình nuôi dưỡng tại nam California, bà hiện [1997] cư ngụ tại miền tây tiểu bang Massachusetts. Bà đã từng nhận học bổng 1997 Bridge Residency at the Headlands Center for the Arts. Văn và thơ của bà xuất hiện trên The Massachusetts Review, Harper’s Magazine và Muae. Những tác phẩm như Red Fiery Summer và the bodies between us đã được trình diễn ỡ nhiều nơi, trong đó có Museum of American Art at Philip Morris, International Women Playwrights’ Festival an Galway, Ireland, và tại New World Theater at the University of Massachusetts. Bà đang viết một cuốn sách cho nhà xb Knopf, Tên Gangster Tất Cả Chúng Ta Tìm.
Tiểu luận/truyện ngắn The Gangster lần đầu xuất hiện trên The Massachusetts Review.
Trên tờ Diễn Đàn, tháng Bẩy, 2003, Trần Hữu Dũng, điểm cuốn sách trên của lê thi diem thúy, cho biết thêm một số chi tiết: lê thi diem thúy [không viết hoa] sinh năm 1972 tại Phan Thiết. 

Trên báo Văn Học, Cali, của Nguyễn Mông Giác, người phụ trách mục Tạp Ghi đã giới thiệu lê thi diem thuý, khi Tên Găng Tơ Tất Cả Chúng Ta Tìm xuất hiện trong tuyển tập “Những Tiểu Luận Hay Nhất Của Mỹ trong năm 1997”. Sau đó, tác giả đã chuyển bài tiểu luận thành tiểu thuyết.

NQT