*


Tuồng ảo hoá đã bầy ra đấy 

Khi còn là một đứa trẻ, Binjamin Wilkomirski đã chứng kiến những điều độc ác ghê rợn, ở đỉnh cao thời đại của nó. Có thể không [phải như vậy]. Cậu sống sót những trại tử thần Nazi ở Ba Lan: Majdanek, Auschwitz-Birkenau. Có thể không. Cậu nhìn thấy cha mình bị giết. Có thể không. Cậu nhìn thấy những hài nhi đói lả, da dính vào xương; những con chuột phóng ra từ những đống tử thi đàn bà. Có thể không. Cậu là một người Do thái, vào cái lúc, và ở nơi chốn thê thảm nhất của sắc dân này trong lịch sử cận đại. Có thể không. 

Kể từ khi được xuất bản vào năm 1995, hồi ức ấu thời của Wilkomirski đã được ca ngợi, như là bản cáo trạng mãnh liệt nhất mang tính văn chương, về Lò Thiêu. Bây giờ, đám mây nghi ngờ đang bao phủ nó. Liệu tác giả có thực sự sống ở một trại tử thần trong thời gian chiến tranh? Liệu ông ta có phải là một Do Thái? Liệu ông ta bịa đặt ra tất cả? 

Trong một kỳ Tin Văn, Jennifer tôi đã đi vài đường "tản mạn" về giả và thực trong văn chương, nhân chuyến tầu suốt của Konrad Kujau, tác giả những tập nhật ký dởm của Hitler. 

"Tuồng ảo hóa đã bầy ra đấy":  nay xin giới thiệu thêm bài viết của Elena Lappin, "Người đàn ông với hai cái đầu", trên báo văn học Granta (số Mùa Hạ, 1999), đặc biệt về Sự Thực + Những Dối Trá (Truth+Lies). 

Elena Lappin, tác giả bài viết, sinh tại Moscow, lớn lên tại Prague và Hamburg, sống ở Israel, Canada, Mỹ. Bà dời đi London vào năm 1993, làm biên tập cho tờ Jewish Quarterly từ 1994 tới 1997. Tuyển tập truyện ngắn Foreign Brides, được xuất bản ở Anh (nhà xb Picador) và Mỹ (nhà xb Farrar, Strauss & Giroux). Hiện đang viết một tiểu thuyết, The Nose.

Trong khi tìm tài liệu để viết bài nêu trên, bà có nói chuyện với Steven Spielberg, nhà làm phim Schindler’s List, dựa theo cuốn tiểu thuyết Schindler’s Ark. Cả hai (phim và tiểu thuyết), đều sử dụng "hư mưu, ngụy kế" (tạm dịch từ "fictional devices"), cảnh trí bịa đặt (invented scenes) và đối thoại, để bi thảm hóa sự kiện. Cuốn phim thành công đến nỗi có thể nói, hàng triệu triệu con người trên thế giới nhờ đó mà có được những hiểu biết đầu tiên về thảm kịch Lò Thiêu Người. Nhà đạo diễn đã dùng một phần tiền kiếm được để bảo trợ "Shoah Foundation", cũng do ông sáng lập nên, nhằm ghi lại bằng băng từ những hồi ức Lò Thiêu, từ những người đã thực sự sống sót. Nhà đạo diễn cho biết, chúng tôi đã thu thập được trên 50 ngàn những chứng liệu xuyên qua 57 xứ sở, bằng 31 ngôn ngữ."

 Câu hỏi mà tác giả muốn đặt ra cho nhà đạo diễn, là một khúc xương khó nuốt:

 -Liệu cái công trình khổng lồ đó, có thể được sử dụng trong tương lai, như là một nguồn tin đáng tin cậy, của lịch sử?

 Steven trả lời:

 -Chắc như bắp (Absolutely). Qua những chất liệu ròng đó, khi đã khuất núi, những người sống sót có thể nói với những thế hệ tương lai.

 Thật ác độc, khi phá huỷ niềm tin ở những chứng liệu. Tra hỏi tính xác thực, cũng độc ác chẳng kém. Nhìn bức hình (được đăng lại trên tờ Granta), tác giả tự hỏi: không hiểu cậu bé với cái nhìn dễ thương có bao giờ tự hỏi: ta từ đâu tới, ta là ai?

 ******

 1.

 Cách đây trên nửa thế kỷ, khi Cuộc Chiến Lớn II vừa chấm dứt, một cậu bé trở thành con nuôi của Dr Kurt và vợ, Martha Dossekker; một gia đình giầu có, công dân Thụy sĩ nói tiếng Đức, sống tại một villa ở Zurichberg. Hai vợ chồng không có con và chẳng hy vọng gì có. Bà vợ gần năm mươi. Ông chồng hơn vài tuổi. Bao nhiêu hy vọng, họ dành cho cậu con nuôi. Biết đâu, cậu sẽ nối nghiệp y sĩ, và tiếp tục danh tiếng của dòng họ.

 Cậu bé tới, theo như tài liệu có được, với cái tên là Bruno Grosjean. Sinh tại thành phố Biel, Thụy sĩ, sống nhờ trại mồ côi, vì mẹ nghèo, cha vô danh. Bố mẹ nuôi giữ tên thánh của cậu bé tới năm 1947, khi cậu đi học, mới đổi qua Dossekker.

 Một cách nào đó, cậu làm bố mẹ nuôi thất vọng. Ở nhà trường, cậu thích nghệ thuật hơn là khoa học. Vô đại học ở Geneva, cậu chuyển từ y qua sử và nhạc. Cậu kiếm sống nhờ nhạc, qua nghề chơi kèn clarinet, và dậy nhạc. Lạ hơn nữa, cậu kiêm luôn nghề làm kèn clarinet.

 1964, hai mươi bốn tuổi, Bruno lấy vợ, có được ba cháu. Nghề làm kèn không đủ sống, vợ chồng xào xáo, và họ li dị. Năm 1981, anh bịnh nặng, trải qua vài cuộc giải phẫu. Năm sau, gặp một bạn gái chung nghề dậy nhạc. Họ đem nhau về một trang trại, sức khoẻ của Bruno phục hồi dần.

 Chính vào thời gian này, anh bắt đầu viết ra những khung cảnh (scenes) thuở ấu thời. Không phải của đứa trẻ có tên thánh ở Thụy sĩ, mà là của một đứa bé Do Thái. Như chúng ta đã biết, là Do Thái, và là một đứa bé Do Thái, số phận sẽ khủng khiếp như thế nào trong lịch sử hiện đại. Anh nhớ lại một đứa bé Do Thái ở Ba lan, trong thời kỳ Đệ Nhị Chiến, nhớ lại những điều ghê rợn đứa bé đã trải qua, bị tách rời khỏi bố mẹ vào lúc ba tuổi, trong một trại tập trung Đức Quốc Xã.

 Anh nhớ lại từng ly từng tí những kinh nghiệm này, với tất cả xúc động của mình, và được người bạn gái khuyến khích, sau cùng anh hoàn thành được một cuốn sách. Cuốn sách mau lẹ tìm ra được một tay trung gian (agent). Bà này tìm ngay được một nhà xuất bản, rồi nhiều nhà xuất bản. Xuất hiện lần đầu, tại Đức năm 1995, và sau đó, trên chục xứ sở khác. Cuốn sách được khen ngợi hết lời, vớ được vài giải thưởng. Tuy mới ra lò, nhưng giới xuất bản và phê bình đánh giá, cuốn sách đã nhập vào dòng văn chương viết về Lò Thiêu, đúng thứ "lão làng" (classic). Tác giả của nó xuất hiện trong một vài cuốn phim tài liệu, và bắt đầu đi một vòng diễn thuyết, hội thảo về Lò Thiêu. Bản dịch tiếng Anh có tên là Những Đoạn Rời (Fragments), kèm theo tiểu đề, Hồi Ức về một Ấu Thời (Memories of a Childhood, 1939-1948).

 Những Đoạn Rời là một câu chuyện mãnh liệt: tác giả của nó đã bị tước đoạt bố mẹ ra sao, trong cuộc tàn sát người Do Thái tại Riga; làm sao nó có thể trốn thoát bằng tầu qua Ba lan, làm sao nó bị đưa tới trại tập trung Majdanek, rồi sau đó, một trại khác, có thể là Auschwitz; làm sao cuối cuộc chiến nó được đưa tới trại mồ côi Do Thái ở Cracow, và khi nó được 7 tuổi, được đưa tới Thụy sĩ. Và như thế nào, bố mẹ nuôi và xã hội Thụy sĩ đã bóp nghẹt những hồi ức trên, bằng cách không thừa nhận chúng.

 Bố mẹ nuôi của anh chết năm 1986, thành thử những mô tả chẳng có chút cảm tình như trên chẳng ảnh hưởng gì tới họ. Hơn nữa, cái tên Bruno Dossekker cũng đi luôn theo với họ. Vài năm trước đó, vào thập niên 1980, anh đã tự gọi mình bằng cái tên Binjamin Wilkomirski, như là một phần trong tiến trình phục hồi căn cước thiệt của anh. Và đây là cái tên xuất hiện ở trang bìa, ở đầu bài viết. Dossekker biến mất luôn cả ở trong cuốn sách. Vào năm 1998, nếu bạn "truy cập" (search) trên Internet, chắc chắn sẽ gặp cả ngàn "references" về Binjamin Wilkomirski, nhưng đừng mong kiếm thấy Bruno Dossekker.

 2.

 Lần đầu tiên tôi (Elena Lappin) gặp Wilkomirski, khi ông tới London vào năm 1997, để nhận giải thưởng Jewish Quarterly Prize, dành cho tác phẩm mang tính tài liệu (non-fiction). Khi đó, tôi là biên tập viên của tờ báo, và khi gặp ông ta ở buổi lễ trao giải thưởng, tôi tự nhủ: Ở đây, vào lúc này, lần thứ nhất trong đời, mình được nhìn thấy một nhà văn "là" cuốn sách của ông ta (a writer who actually "is" his book). Nhưng ông không có vẻ đủ già, và đủ mạnh để sống sót Lò Thiêu. Verena, người bạn gái, đi cùng ông. Bà có vẻ cao hơn và mạnh hơn; Wilkomirski hầu như muốn xụm nếu không có thân hình mạnh mẽ của bà ở kế bên. Tôi cố gắng chúc mừng ông ta và nói đôi ba câu về Những Đoạn Rời (Fragments, tác phẩm của Wilkomirski), nhưng ông chỉ đáp lại bằng một nụ cười yếu ớt. Khi phát biểu cảm tưởng, ông khóc. Rõ ràng là ông xúc động, về sự đáp ứng của mọi người với những gì ông đã viết ra.

 Sau nhật ký của Anne Frank, đây là cái nhìn của một đứa trẻ về Lò Thiêu làm xúc động độc giả. Cuốn "Những Đoạn Rời" mỏng, chỉ 150 trang, nhưng đúng là một chứng liệu khủng khiếp của một người căn cước tả tơi, ngay cả trước khi có cơ hội là một đứa trẻ. "Tôi không có tiếng của mẹ, cũng chẳng có tiếng của cha." ("I have no mother tongue, nor a father tongue either."), cuốn sách bắt đầu. "Tiếng nói của tôi có gốc rễ Yiddish từ người anh lớn nhất, Mordechai, nhưng trùm lên trên đó, là đủ thứ tiếng nói bập bẹ của đám con nít cùng số phận ở những trại tử thần Nazi. Đâu có nhiều, mớ từ ngữ co rút lại, trần trụi, chỉ đủ để nói và để hiểu một điều: hãy cố mà sống sót. Có lúc, lời nói (speech) cũng rời bỏ tôi và phải rất lâu tôi mới lại kiếm thấy nó".

 Nguyên bản tiếng Đức, nhà xuất bản Suhrkamp Verlag (Frankfurt), liền sau đó được dịch sang tiếng Anh (nhà xb Schocken Books ở Mỹ, Picador ở Anh), Pháp (Calmann-Lévy), Ý (Mondadori), Hoà Lan (Bert Bakker), Hebrew (Yediot Aharonot, ở Israel), và một số bản dịch khác. Giới phê bình nhận định, cuốn sách "quan trọng, về đạo đức" (morally important), "đúng là một nghệ phẩm" (fine art), "can đảm", và "xúc động sâu xa" (profoundly moving). Theo Daniel Goldhagen, tác giả cuốn "Những tên đao phủ tự nguyện của Hitler", "ngay những người dè dặt với dòng văn chương Lò Thiêu sẽ học được nhiều điều ở cuốn sách đầy sức thu hút này. Ai đọc đều xúc động sâu xa". Tiểu thuyết gia Paul Bailey, trên tờ London Daily Telegraph, viết, "Tôi phải đọc cuốn sách chầm chậm, xen giữa những chương sách là những bước chân âm thầm dạo quanh nó: cuốn sách lạ, hiếm, và mãnh liệt, do những tình cảm nó chứa đựng và gây hứng khởi ở nơi người đọc… Sự can đảm của một công trình như vậy [là do tác giả của nó] không hề có ý định cường điệu hóa sự kiện, và ý nghĩa về phẩm cách con người cũng chẳng hề bị lạm dụng." Tại Mỹ, cuốn sách được giải thưởng The National Jewish Book Award dành cho thể loại hồi ức/tự thuật. Trong danh sách chót những ứng viên có Elie Wiesel và Alfred Kazin. Từ giám khảo, nhà xuất bản, nhà phê bình, học giả, hay độc giả, hình như chẳng một ai bị bối rối (troubled), bởi hai trang bạt, của chính tác giả, trong đó, tác giả e thẹn giới thiệu với độc giả, rằng Binjamin Wilkomirski không phải là căn cước độc nhất của anh ta (that Binjamin was not his only identity).

 Ông viết, như nhiều đứa trẻ sống sót Lò Thiêu, ông đã nhận được một căn cước mới, "một cái tên khác, một ngày sinh nơi sinh khác". Nhưng đây chỉ là một mẩu giấy – một tóm tắt theo kiểu làm dấu, không thực sự là một giấy khai sinh – theo đó, ngày ra đời của đứa trẻ là 12 tháng Hai 1941. "Một ngày tháng như thế chẳng mắc mớ gì tới, hoặc câu chuyện (history) của thế kỷ này, hoặc câu chuyện riêng của tôi (my personal history). Tôi đang làm những thủ tục pháp lý để huỷ bỏ cái căn cước do người ta đặt để ra đó". Ông viết tiếp: "Sự thực được gán ghép theo nghĩa pháp lý là một chuyện. Sự thực của đời người, là một chuyện khác".

 Một năm sau lần gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi lại gặp nhau, tại một bữa ăn do nhà xuất bản của Wilkomirski ở London tổ chức trong chuyến đi quảng cáo sách tại Anh. Vẫn có người bạn gái ở kế bên, nhưng ông lúc này không có vẻ buồn bã, tự tin hơn, rõ ràng là do thành công quốc tế của Những Đoạn Rời, lúc này đã có những ấn bản bìa mỏng. Tôi không nhớ chúng tôi đã nói những gì, nhưng buổi gặp gỡ thật dễ chịu, thoải mái.

 Nhìn lại mọi chuyện, thật khó nói, cảm nghĩ của tôi về cuốn sách đã chứa chấp đôi chút "hồ nghi". Bản thân tôi, khi đọc lời bạt, cũng chẳng thấy lấn cấn. Nhưng tôi bị "dội", là do cuốn sách chẳng "đoạn rời, tản mạn": cấu trúc của nó quá vững vàng, mặc dù tác giả khẳng định, ông không hề áp đặt một viễn tượng người lớn, vào trong cái nhìn trẻ thơ. Còn một điều này: tác giả đã sử dụng một hình ảnh không thể có, trong một cuốn sách Do Thái: "Tôi cưỡi ông ta như Vua David, trên con ngựa trắng của ngài", ông viết về một lần ở trong trại, được một người gác để lên vai chạy nhong nhong. "Cái này" ở đâu ra vậy? Người Do Thái không cưỡi ngựa. Đây là một chuyện La Mã (that was a Roman thing). Rồi lại ngựa trắng? Không thể nào là một hình ảnh Do Thái. Nhưng đây vẫn chỉ là những chuyện vặt vãnh.

 Ý nghĩ cuốn sách có thể chỉ là một "confection" (một tác phẩm văn học "mua vui, phù phiếm"), rằng tác giả chẳng bao giờ biết đến Lò Thiêu, ý nghĩ này không đến với tôi, và chắc cũng chẳng có ai nghĩ như vậy, cho tới khi một tuần báo Thụy Sĩ, Weltwoche, đăng hai bài viết vào tháng Tám và tháng Chín 1998. Tác giả là Daniel Ganzfried, một người Thụy Sĩ gốc Do Thái. Như Wilkomirski, ông là tác giả một cuốn sách lấy khung cảnh thời kỳ Lò Thiêu. Ganzfried tố cáo Những Đoạn Rời: đây chỉ là giả tưởng. Ông viết, tiểu sử thực sự của Wilkomirski cho thấy một điều: không thể nào có chuyện, ông ta đã từng ở trong một trại tập trung, "ngoại trừ như là một du khách". Những sự kiện liên quan tới sự ra đời và những năm tháng đầu tiên của Wilkomiski, theo ông, là như sau:

 Sinh ra với tên Bruno Grosjean, ngày 12 tháng Hai năm 1941, tại Biel, Thụy Sĩ. Mẹ Yvonne Berthe Grosjean, không kết hôn. Được nuôi dưỡng bởi sở xã hội Biel (the Biel welfare authority). Được gia đình Dossekker nhận làm con nuôi từ một nhà nuôi trẻ ở Adelboden, vào năm 1945 được đưa đi Zurich; được gia đình bố mẹ nuôi chấp nhận (adopted) vào năm 1957, bắt đầu đi học tiểu học ở Zurich vào năm 1947.

 Ganzfried còn cung cấp thêm những bằng chứng, cho thấy, đây là một tuổi thơ hiền hoà trải qua tại một xứ sở Thuỵ Sĩ trung lập, thật quá xa thế giới tập trung, trại tử thần, từ một hồi ức Ba Lan. Những sự kiện trên cho thấy, Wilkomirski chỉ là một "tay chơi ngông" (fantasist), và cuốn sách của ông, một dối trá. Nhưng những nhà xuất bản của Wilkomirski không cho thu hồi cuốn sách (không rút cuốn sách ra khỏi danh sách); có vẻ như họ không tin. Riêng tác giả, ông từ chối đối chất (respond) với người buộc tội, nhưng có tuyên bố trong cuộc phỏng vấn, ngay sau khi hai bài viết xuất hiện, rằng, chỉ những độc giả của ông mới có đủ thẩm quyền để đánh giá tác phẩm của ông, đây là sự kiện hay là giả tưởng. Sau đó, ông lui vào bóng tối, "theo lời khuyên của y sĩ": thế là hết phỏng vấn, hết diễn thuyết. Đây là thời gian diện bích (a time for seclusion).

 Riêng tôi tự hỏi, liệu ông ta sẽ tiếp tôi? "Chúng ta đã từng gặp gỡ. Làm sao có thể coi tôi như một kẻ thù?" Đúng ra mà nói, tôi có cảm tình với ông ta. Một con người mỏng mảnh (fragile) như thế, nhưng hà cớ chi "bịa đặt" ra một tuổi thơ khủng khiếp như vậy?

 Câu trả lời, qua máy fax của ông, là cả một cơn giận dữ đối với giới ký giả: "Họ vặn vẹo bất cứ một điều tôi nói ra, và những gì họ viết hay nói sau đó, ngược hẳn với những gì tôi muốn nói". Nhưng ông đồng ý, chúng ta có thể nói chuyện.

 3.

 Chuyến xe lửa sáng sớm từ Zurich băng qua một vùng đồi, đồng; tuyết phủ trắng xóa. Một bà già trong toa nhìn tôi với ánh mắt bực rọc, do tôi đã để chân quá sang ghế đối diện. Hầu hết hành khách là lính trẻ, ỳ ạch với mớ súng ống, ánh mắt nghiêm trang, lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ. Đây là đúng điệu Thụy Sĩ, tôi nghĩ thầm: trắng, sạch, lặng lẽ, và "ở trong tư thế" phòng ngự, theo nghĩa đen (cách đây một trăm năm, Kafka đã cho biết sự ngạc nhiên của ông, khi nhìn giới nhà binh Thụy Sĩ).

 Tôi nghĩ về Wilkomirski. Hoặc ông sinh ra tại đây, hoặc không (trong trường hợp này, Những Đoạn Rời là một dối trá), những năm đầu đời của ông thật là riêng biệt (exclusive). Nhưng "dối trá" (lie) là một từ quá nặng, và là thuật ngữ của mấy ông tòa. Viết (writing) có những từ dịu dàng hơn. Có cái gọi là giả tưởng, và không-giả tưởng. Nghe có vẻ thật rạch ròi, nhưng bất cứ một người viết nào cũng hiểu, biên giới giữa giả tưởng và không giả tưởng, thật mờ mờ ảo ảo. Tuồng ảo hóa đã bầy ra ở đấy. Mờ mờ ảo ảo nhất, "như người đi đêm": mảnh đất thường được gọi là hồi ức. Trong khi cố gắng khai quật quá khứ (evoke the past), "hồi ức gia" (memoirist) cần tái tạo (recreate) nó. Và trong khi làm như vậy, anh ta bị [con quỉ] giả tưởng "dụ khị" (he may be tempted to invent it): bịa đặt ra chỗ này một chi tiết, chỗ kia một hoạt cảnh (a scene), [nếu cần], thêm vài dòng đối thoại. Trong trường hợp Những Đoạn Rời: liệu [con quỉ] giả tưởng đã "lấn lướt" thực tại? Lấn lướt đến nỗi "đầy" chất thơ ở trong đó, khiến hàng hàng độc giả xúc động: họ "nghĩ", "cảm" – nếu không muốn nói là "hiểu" – thảm họa Lò Thiêu?

 Không thể nói như vậy được với Những Đoạn Rời; trên toa xe tôi đã suy nghĩ mãi về điều này. Nếu Wilkomirski dàn dựng ra nó, nếu ông ta giả đò mình là một kẻ sống sót, thứ thiệt, những bài diễn văn diễn thuyết của ông, nhân danh những đứa trẻ sống sót Lò Thiêu, vai trò cuốn sách như tài liệu lịch sử (the historical record), ông là chứng nhân: tất cả những điều này cần được tố cáo, làm cho ra ngô ra khoai. Nếu bảo rằng không cần sự thực ở đây, như vậy có nghĩa: chẳng cần sự thực ở bất cứ nơi đâu. Hơn nữa, nếu Wilkomirski khi còn là một đứa trẻ không mất toàn thể gia đình vì Nazi; nếu ông ta không đau nỗi đau không thể nào tưởng tượng được, và sống sót sau đó; nếu bên trong người đàn ông này không hề có một đứa trẻ chất chứa những điều ghê rợn mà nó đã từng quên đi, trước khi có thể lại nhớ lại, như vậy một câu hỏi khác bật ra: chuyện gì đã xẩy ra cho người này, và ông ta là ai?

 Khi bước ra khỏi sân ga, tôi thấy ông đứng nơi bãi đậu, tựa vào chiếc xe, dáng thờ ơ, lạc lõng. Cái đầu với những mớ tóc lượn sóng, thật đặc biệt ở nơi ông, xem ra lớn hẳn so với trước đây; nhưng đúng ra là, ông mảnh mai gầy ốm hơn là tôi đã nghĩ. Tới gần, tôi nhận ra, tôi đã giữ một hình ảnh mờ nhạt về ông. Trước mặt tôi là một con người với khuôn mặt không thể nói mềm mại (soft), mà là bận rộn, gây quyến luyến.

 Ông cố tạo nụ cười, trong khi bắt tay. Tôi cứ tưởng, ông lo lắng bực rọc, nhưng "người tài xế của tôi" thật vững vàng, rất tự tin, chạy xe trên con đường có tuyết đóng băng, với một tốc độ nhanh hơn là mức cần thiết. Ông nói về tình làng xóm nơi ông cư ngụ, về sự may mắn của ông và người bạn gái, khi kiếm được một căn nhà ưng ý. Tiếng Đức của ông còn giữ giọng Yiddish. "Khi nhìn thấy căn nhà, tụi này mê liền", ông nói, và sau cùng, mỉm cười.

 Tôi cứ nghĩ, một căn nhà trơ trọi nơi đồng quê, nhưng nó nằm ngay bên lộ chính ở trong làng; trang trọng, bề thế. Tôi thích nó. Có vẻ mời mọc khách, không gượng gạo cố tình, đầy những sách, giấy tờ, hình ảnh, tranh vẽ. Vượt lên hết, là những kỷ niệm Do Thái, nhưng theo kiểu du lịch. Verena, người bạn gái của ông đón tiếp tôi nồng hậu, nhắc lại lần gặp gỡ một năm trước đây ở London. Lúc này, trông bà gầy ốm hơn. Và tôi nghĩ đến chuyện, bà cứ phải tháp tùng ông ta, hiện diện kế bên ông ở bất cứ nơi nào – du lịch, phỏng vấn, tiệc tùng, những ngày lễ công cộng… Tôi biết, bà có một đứa con trai tàn tật, và cuộc sống của bà cũng chẳng dễ dãi gì, ngay cả trước khi gặp Wilkomirski. Trong một cuốn phim tài liệu có bà ở trong, bà nói về ông chồng: "Tôi gọi anh ấy là Bruno. ‘Binjamin’ có vẻ cụt lủn thế nào ấy, như thể nó dùng để gọi một đứa con trai còn trẻ măng, và tôi không muốn nhìn anh ấy theo kiểu đó. Cho dù tất cả những khổ đau, đời cứ phải tiến tới, ngay cả cuộc đời của anh ấy".

 Lúc đó chừng 10 giờ sáng. Chúng tôi ngồi uống trà, ăn bánh ngọt Thụy Sĩ. Chẳng mấy chốc, căn phòng mù mịt khói, hai vị chủ nhà của tôi đều là dân nghiền thuốc hạng nặng. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện, kéo dài mãi tới sáu giờ tối. Wilkomirski không muốn tôi sử dụng máy ghi âm hay là máy chụp hình. "Anh ấy có quá nhiều hình rồi", Verena nói. "Bài viết nào cũng có một tấm hình Bruno to tổ bố. Thật lố bịch".

 Tôi tự hỏi, liệu tôi có thể coi thư viện Lò Thiêu của ông: những giấy tờ, những cuốn sách lưu trữ riêng cho mình (có chừng hai ngàn cuốn sách về Lò Thiêu), phim, hình ảnh mà Daniel Ganzfried đã nhắc tới trong hai bài viết của ông ta, và đã được đưa vào phim tài liệu. Wilkomirski lắc đầu: "Lúc này tôi không còn lòng dạ nào mà nghĩ tới mấy chuyện đó. Sau này, khi khá hơn, nhưng bây giờ… tôi quá yếu." Giọng nói của ông là giọng cao (soprano) của một chàng trai trẻ, như chưa có đủ sức mạnh, sự rắn rỏi. Và tôi hiểu ra một điều: Thật dễ dàng, khi kể một câu chuyện về một tuổi thơ bất hạnh, bằng một giọng như vậy, hơn là bằng một giọng chín chắn của tuổi trưởng thành. Đây là một giọng nói yêu cầu sự dịu dàng chăm sóc, chữa trị.

 Tôi nói, theo tôi hay nhất, cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng cuộc sống hiện tại của ông, rồi trở về trước, kiểu đi ngược kim đồng hồ, như vậy sẽ tránh chuyện lập lại câu chuyện ông đã nói quá nhiều lần trước đây, và biết đâu, lại bật ra được nhiều điều mới lạ. Ông có vẻ thích. Sau vài nhận xét về tật soi mói của báo chí, ông tỏ ra thoải mái và bắt đầu nói về cuộc đời và nghề nhạc sĩ của ông. Ông dậy nhạc ở ba trường trung học, và có một cửa tiệm nơi ông làm kèn clarinets.

 Tuy không chỉ cho tôi thư khố liên quan tới Lò Thiêu, ông nói cách làm việc của ông. Với sự trợ giúp của một chuyên viên computer, ông nghiên cứu tài liệu liên quan tới những đứa trẻ có căn cước mới. "Tôi liên lạc với nhiều người trong hoàn cảnh như vậy, ở một vài xứ sở. Tôi cố giúp họ. Chúng tôi có một máy scanner, nhờ đó, chúng tôi có thể phân tích những khuôn mặt trong những tấm hình cũ, và thẩm định, tài liệu thật hay giả".

 Những tài liệu đó ở đâu ra?

 "Thường là mua, có thứ "ngoài luồng" ("dark": tối), tuy không hoàn toàn là những luồng bất hợp pháp. Ông nhắc tới vụ án Nuremberg, và ba hộp lớn đựng giấy tờ, do một người con gái của một biện lý tòa gửi cho ông.

 "Tôi cũng đọc lời khai của bị cáo, và luôn luôn kiếm những gì liên quan tới trẻ em".

 Ông có sử dụng nguồn tài liệu ở đại học?

 "Tôi không tin đại học Thụy Sĩ".

 Lần chót gặp nhau, thấy ông có vẻ rất hạnh phúc?

 "Hạnh phúc thì không đúng, nhưng tôi hài lòng vì cuốn sách của tôi đã giúp nhiều người, và tôi nhận được rất nhiều trợ giúp tinh thần. Tôi cảm thấy như mình thoát ra khỏi nơi ẩn náu, thực sự là mình. Lần thứ nhất trong đời, tôi cảm thấy mình được giải phóng."

 Còn bây giờ?

 "Ông im lặng một lúc lâu.

 "Bây giờ, tôi như cảm thấy mình lại trở lại trại tù."

 Lò Thiêu Người bám dính cứng hai đứa chúng tôi, mặc dù lúc này ông đang nói tới quãng đời trung niên. Ông sợ xe lửa, bởi vì không thể nào quên nổi "những chuyến xe lửa đó". (Tôi xin lỗi ông vì đã khen ngợi những tiện nghi của xe lửa Thụy Sĩ, khi trên đường tới nhà ông bằng xe hơi, và ông nở một bụ cười độ lượng, như để ban thưởng cho tôi). "Khi còn sống với bà vợ cũ, tôi thường phải đi Geneva, bà bắt tôi phải dùng xe lửa; tôi phải nói dối bà, và luôn luôn dùng xe hơi."

 Ông rất sợ côn trùng. "Một nỗi sợ khủng khiếp", Verena xen vô, và hỏi ông, "liệu em có thể nói về… chân cẳng của anh?", ông gật đầu.

 "Bruno khi ngủ luôn luôn luôn lúc lắc hai chân. Một thói quen khi ở trong trại. Để xua đuổi chuột".

 Khi nói về trại, ông run rẩy, và khóc, như không thể kiềm chế nổi những xúc động của ông. Đôi lúc, ông ngưng, như thể ngạt thở, và phải đợi một lát sau mới có thể nói tiếp. Thê thảm nhất, là thời gian Verena bỏ mặc hai đứa chúng tôi, để đi mua đồ. Tôi phát hoảng, khi nghĩ, có thể đột nhiên ông không thể chịu đựng, và quị luôn, ngay trước mắt tôi. Tôi sẽ phải làm gì, nếu xẩy ra như vậy? Tôi, người đã gây ra chuyện đó?

 Nhưng cuối cùng, ông vượt được, và chúng tôi chuyển qua một đề tài nhẹ nhàng hơn: Thụy Sĩ.

 "Trong xứ sở này, mọi chuyện và mọi người bắt buộc phải ngăn nắp, im ắng, trưởng giả. Mọi chuyện phải đơn giản, không rắc rối, phiền hà; nêu khác đi, là bị nghi ngờ. Tôi đã lớn lên như vậy. Nhưng tới năm 1981, khi hồi phục sau một lần đau ốm suýt chết, tôi nói với mình: "Cứ sống mãi như thế chắc là bịnh mà chết. Quá đủ rồi, lối sống làm ra vẻ Thụy Sĩ." Và tôi quyết định là chính mình, như vậy có nghĩa: trở lại chốn khởi đầu – một khởi đầu của riêng tôi."

 Mười năm khó khăn tiếp theo đó. Ông đau ốm liên tục: tế bào máu bị bịnh. Phải giải phẫu vài lần. Mất liên lạc với mấy đứa con. "Chúng coi tôi như "thằng ngu", một kẻ lười biếng không chịu làm việc, và chẳng sống lâu la gì được nữa."

 Verana là người đầu tiên, đã lắng nghe anh nói, lắng nghe thực sự. Ông bắt đầu nói về những gì ông nhớ lại. Và bà khuyến khích ông viết.

 Verena nói: "Tôi muốn sống một cuộc đời bình thường, và không muốn [phải] đáp ứng (adjust) với những nỗi sợ hãi của anh ấy. Anh ấy luôn luôn có những cơn ác mộng". Bà nhờ tới một người bạn của bà, một chuyên viên tâm thần.

 Wilkomirski nói: "Trị liệu tâm thần là để cho tôi học được điều: làm thế nào nói về quá khứ mà không sợ hãi hay khủng hoảng (panic). Nó còn giúp tôi làm sáng tỏ một vài chi tiết của hồi ức."

 Tôi quay qua Verena: "Bà có luôn luôn tin ông ta không?"

 "Không phải luôn luôn. Tôi có những hồ nghi. Nhưng càng nghe anh ấy nói, tôi càng thêm tin tưởng, bởi vì những câu chuyện anh kể thật liền lạc (consistent). Và chuyến đi Đông Âu, nơi anh nghĩ những hồi ức của mình là từ đó, sau cùng đã xác nhận (confirmed) rất nhiều điều. Tôi không nghi ngờ: đây là anh ấy nói sự thực về chính anh ấy. Tôi cũng kiểm tra những giấy tờ nữa."

 Tôi hỏi bà, cuộc sống ra sao, khi người bạn đời có một quá khứ "chấn thương" (traumatic), luôn luôn cần đến sự hiện diện của mình. Bà có cảm thấy cô đơn?

 "Đúng là một hoàn cảnh hết sức cô đơn. Nhưng anh ấy cũng cho tôi sự trợ giúp mà tôi cần tới vậy."

 Nhớ lại những người lính trên xe lửa. Tôi hỏi ông có bao giờ phải gia nhập quân ngũ. Tôi biết, ở Đức, những đứa trẻ sống sót Lò Thiêu đương nhiên không phải thi hành nghĩa vụ quân sự.

 "Năm hai mươi bẩy tuổi, tôi có bị gọi, nhưng chẳng đi tới đâu."

 Trước khi lấy xe đưa tôi ra ga, ông cho tôi coi phòng nhạc, xưởng làm kèn, và trước sự ngạc nhiên của tôi, ông bằng lòng đứng cho tôi chụp hình.

 Trên xe lửa về Zurich, đầu óc tôi vẫn còn lùng bùng, vì những câu chuyện ông kể, và vì khói thuốc lá. Tôi tin ông. Tất cả những gì ông nói về những trại tử thần, tôi đều tin. Nỗi đau đớn của ông, không ai có thể bịa đặt ra ra được: chúng trung thực quá. Không thể nào có chuyện, một con người bịa đặt ra tất cả những nỗi khổ đau như thế, chỉ để biện minh cho một cuốn sách. Tới khách sạn, mệt bã người, nhưng tôi tin tưởng một điều: mình đã mắt thấy tai nghe một chứng nhân, về những điều ghê rợn nhất, trong câu chuyện của thế kỷ.

 4.

 Vài ngày sau gặp gỡ lần thứ nhì với Wilkomirski, tại một căn phòng của ông tại Zurich, tôi có mặt trong một cuộc tranh luận, cũng tại Zurich. Đây là do PEN Thụy Sĩ tổ chức, giống như một "tòa án" mà Wilkomirski, dù muốn dù không, trở thành bị cáo. Ông vắng mặt, chắc là khó hy vọng một thái độ tranh luận cởi mở. Thính giả hình như cũng chẳng quan tâm gì nhiều tới những đề tài mang tính "trừu tượng" như liên hệ giữa ngôn ngữ văn chương và sự thực, hay vai trò Wilkomirski trong Đệ Nhị Thế Chiến. Họ muốn nước ngọt, và nói về người vắng mặt. Chỉ có một thính giả quan tâm tới chuyện bênh vực tác giả. Liên tiếp, cuốn sách bị coi là "Holocaust kitsch" (tạm dịch: đồ dởm về Lò Thiêu).

 Cái đinh của cuộc tranh luận, là Daniel Ganzfried. Sôi nổi nhất, là lúc ông giận dữ tuyên bố: "Khi một tác giả viết về Auschwitz, người ta không tra hỏi phẩm chất tác phẩm. Ông (Mr.) Wilkomirski đã ăn cắp những hình ảnh Lò Thiêu từ đâu?"

 Thính giả vỗ tay. Tôi bị xâu xé bởi ý nghĩ: sự quan trọng của một câu hỏi như vậy, và thái độ thù hằn của người nói ra câu đó. Tôi cảm thấy ân hận cho Wilkomirski. Và tôi vẫn thấy, thật khó mà tin rằng, tác phẩm của ông là đồ dởm.

 Những chứng cớ Ganzfried đưa ra, được nhà chức trách Thụy Sĩ xác nhận. Quả là không có một giấy khai sinh theo đúng nghĩa của nó, và cái gọi là "makeshift summary" (ghi chú làm dấu), như Wilkomirski nói, mang tiêu đề "Giấy khai sinh giản luợc" (tiếng Anh: "summarized birth certificate). Trong đó có tên mẹ, tên cha mẹ nuôi, ngày sinh nơi sinh đứa trẻ, huy hiệu Kanton Bern, con dấu và chữ ký của nhân viên hộ tịch.

 Rõ ràng là tôi phải gặp Ganzfried. Tôi giàn xếp một cuộc phỏng vấn, nhưng ông hủy bỏ vào giờ chót, nói bận, nhưng sẽ nói chuyện qua điện thoại. Trong lúc đó, tôi đọc cuốn sách của ông viết về Lò Thiêu. Một cuốn tiểu thuyết. Không có được giọng điệu báo chí điều tra, mà có vẻ khinh miệt (contempt). Tôi cũng nghe được ba chuyện bên lề (gossip), Ganzfried đã tấn công Wilkomirski, là do ghen tức. Cả hai cuốn sách cùng xuất bản trong một năm, nhưng thiên hạ (quốc tế) chỉ nhắc tới cuốn của Wilkomirski.

 Daniel Ganzfried sinh năm 1958 tại Israel, cha, người Hung gốc Do thái, sống sót Lò Thiêu Auschwitz; mẹ Thụy Sĩ. Hai người gặp nhau, và kết hôn tại một kibbutz (giống như ấp chiến lược thời ông Diệm ở Việt Nam). Cuộc hôn nhân không thành công, và Daniel sống với ông bà tại Bern. Ông trải qua nhiều nghề để kiếm sống: bán sách, lái tắc xi, xe tải. Ý nghĩ viết một cuốn tiểu thuyết tới với ông, khi hai cha con lần đầu tiên có một thời gian sống riêng rẽ bên nhau, tại New York. "Khi đó, chúng tôi thăm toà nhà Empire State Building, và tôi hỏi cha tôi, ‘Cha có cảm thấy đã phí phạm đời mình?’; tôi thật sự hết sức ngạc nhiên, khi ông nói về đời ông, một cuộc đời đầy ứ. Tôi cứ nghĩ về ông, như là một nạn nhân Lò Thiêu, chỉ có vậy. Và lúc đó, tôi nhận ra, tôi có một người cha thực. Một người đã sống, thực sự sống, chứ không chỉ đau khổ."

 Sau đó, tại Thụy Sĩ, Ganzfried ghi lại những gì người cha đã nói về cuộc đời của ông, trước và sau cuộc chiến. Một chứng liệu thâu băng, dài 70 tiếng đồng hồ. Đó là chất liệu làm nền cuốn tiểu thuyết. "Tôi biết, Daniel nói qua điện thoại, thật dễ dàng khi giả tưởng hóa sự kiện thực; tôi viết về Lò Thiêu như con trai của một kẻ sống sót, nhưng người ta thường nghĩ, tôi thực sự có ở đó. Chính vì vậy, tôi dễ dàng nhìn ra tác phẩm của Wilkomirski. Tôi không thích sự ám ảnh vì những trò độc ác của ông ta. Tôi cũng không thích sự nhập nhằng giữa cái nhìn của một đứa trẻ, và của một người đã trưởng thành. Đụng tới Auschwitz, là phải sự thực. Tôi nghĩ tới cha tôi, và những người sống sót khác. Một cuốn sách như thế, là thế nào, đối với họ?’

 Ganzfried viết về Wilkomirski, không phải cố tình, mà do đề nghị của báo Passages, do cơ quan văn hóa Thụy Sĩ bảo trợ, qua đề tài "sáng tạo", hiểu theo nghĩa: "những con người sáng tạo, ở lãnh vực khác hẳn công việc hàng ngày để kiếm sống của họ". Wilkomirski, một nhà văn-nhạc sĩ-nhà làm kèn clarinet đúng là một đề tài lý tưởng, và Ganzfried, một người phỏng vấn lý tưởng. Sau khi phỏng vấn, ông nói với toà báo: không xong (không tin được).

 Cuộc phỏng vấn biến thành một cuộc điều tra của thám tử. Toà báo từ chối: Chúng tôi muốn chân dung, theo kiểu nhiều khúc mắc, đa dạng, nếu nói về mặt sáng tạo, của nhà văn Wilkomirski. Thay vì vậy, lại là một vụ ám sát nhân vật (character assassination).

 Báo Passages từ chối, nhưng tờ Weltwochwe mừng rơn: Chúng tôi không khoái cái trò nài nỉ nước mắt, khi đụng tới Lò Thiêu. Đụng tới Lò Thiêu, cho dù bằng buồn rầu, hay bằng tưởng niệm, đều chẳng đi tới đâu. Phải nghiên cứu nó, lý giải nó… Chúng tôi ghê tởm chuyện khai thác nó, đúng như là Wilkomirski đã làm".

 Thật sự, Ganzfried không vui vẻ gì khi tình huống lại diễn ra như vậy. "Tôi nghĩ, cứ cho in tất cả những sự kiện. Và chỉ như vậy. Nhưng bài viết của tôi lại gây ra một cuộc tranh luận triết học kỳ cục. Và tôi học được một điều từ Wilkomirski: hãy câm lặng, càng nhiều càng tốt…. Như một nhà văn, tôi đã học được rất nhiều, từ kinh nghiệm chết người này."

 5.

 Cuộc truy tìm và huỷ diệt Wilkomirski của Ganzfried không chỉ dựa trên thư khố. Ông còn khám phá ra, người anh/em của Yvonne Grosjean, tức chú/bác của Bruno, vẫn còn sống; rằng người cha ruột của Bruno đã lo lắng phí tổn nuôi nấng con trai của mình, cho tới khi đứa bé được bố mẹ nuôi chấp nhận, vào năm 1957; bà mẹ của Bruno sau đó tái giá, nhưng không có thêm người con nào với chồng sau. Ganzfried còn lần mò dò hỏi Anne Singer, một bạn gái cũ của Wilkomirski, và bà vợ cũ của ông ta, Annette, xem "có thực như vậy" không. Cả hai đều trả lời, không.

 Tất cả những chuyện đó chẳng làm thay đổi vị trí của Wilkomirski, theo đó, ông ta đã, và đang là Wilkomirski, cho dù Bruno Grosjean là thằng chả nào đi chăng nữa. Ông ta (Wilkomirski) cho rằng gia đình Dossekkers chắc chắn đã sử dụng giấy tờ của Bruno Grosjean thay vì của chính ông ta, mà giấy tờ của ông: làm sao có được? Ông ta nghĩ, những trường hợp như vậy – những căn cước giả – là thông thường ở Thụy Sĩ sau thời kỳ chiến tranh, cũng như ở những xứ sở khác. Ông nói về một "âm mưu" (conspiracy) giữa ‘nhà chức trách Thụy Sĩ và những thành phần tư nhân (private individuals). Ông không có chứng cớ để trưng ra, "ngoại trừ hồi ức của tôi". Chỉ có mỗi một mắc míu, là: Binjamin Wilkomirski/Bruno Dossekker đã thừa hưởng một chút xíu gia sản của Yvonne Grosjean, mà theo như giấy tờ để lại, là mẹ ruột của ông, sau khi bà mất, vào năm 1981.

 "Cái người được gọi là mẹ ruột của tôi", ông đã gọi như vậy, khi tôi (Lappin) hỏi. "Tôi lúc đó quá bịnh. Cần tiền giải phẫu. Tôi gần như chẳng làm sao mà lo cho gia đình. Đúng lúc khốn quẫn, tôi nhận được điện thoại từ một luật sư, báo cho biết tôi được thừa hưởng một chút gia sản từ một người được gọi là mẹ tôi. Lẽ dĩ nhiên, tôi nói với vị luật sư, tôi không nhận người đó là mẹ, nhưng ông ta nói, đừng lo lắng về chuyện đó. Vì vậy, tôi bằng lòng nhận tiền, sau khi nhấn mạnh sẽ chia với hai người khác. Chẳng nhiều nhõi gì, nhưng nó đã giúp tôi qua khỏi hoàn cảnh ngặt nghèo."

 Ông không chìa ra cho tôi thấy, giấy tờ tài liệu liên quan tới gia tài nho nhỏ này. "Chuyện xẩy ra đã lâu". Sau đó ít lâu, tiếp tục điều tra [cho bài viết này], tôi được đọc một phỏng vấn Wilkomirski, trên nhật báo Yediot Aharonot, ở Israel vào tháng Muời 1998, qua đó, ông tuyên bố, sẽ chuyển một số tiền tới người anh/em của Yvonne, tên là Max Grosjean (trước khi xuất hiện bài viết của Gazfried đâu chừng một tháng, ông không hề biết đến sự hiện hữu của ông chú/hoặc bác đó.)

 Tiếp tục theo dõi, tôi gửi email tới Wilkomirski, hỏi coi đã thực sự có ý định "trả lại" (repay) ông chú/bác Max một tí tiền còm của người chị/em ông ta hay là không, và nhận được email giận dữ của ông, bằng chữ cái: TÔI KHÔNG NHẬN ĐƯỢC BẤT CỨ MỘT MÓN TIỀN BẤT HỢP PHÁP NÀO. NÓI THEO PHÁP LÝ, TÔI KHÔNG "TRẢ LẠI" BẤT CỨ CÁI GÌ!!!… Ông còn viện dẫn lý do này nọ, nói chung, là để khỏi phải đưa tiền cho "ông chú/bác", tuy nhiên, có một câu trong email cho thấy, trong đầu ông, Bruno Grosjean và Bruno Dossekker/Binjamin Wilkomirski có thể chỉ là một người. Những lời giải thích, và những chối bỏ của ông làm tôi nhớ đến lý thuyết thường được gán cho nhà ngôn ngữ học Paul Postal, và thường được sử dụng để diễn tả một giả thuyết thật tùy tiện, và thật khó kiểm chứng: rằng mỗi con người trên thế gian có hai cái đầu, trong hai cái đó, có một cái thường trực vô hình.

 Như vậy, trong thế giới hai đầu đó, điều gì đã xẩy ra cho Bruno Grosjean "thực"? Wilkomirski nói với tôi, gia đình Dossekker đã nhận nuôi một đứa trẻ khác, trước ông. Ông nhớ, đã khám phá ra một cái kho chứa đầy đồ chơi con nít ở trong nhà của họ, nhưng liền sau đó, trống trơn, sau khi ông nói với bà mẹ nuôi về chuyện này. Ông tin rằng, những đồ chơi đó, có thể thuộc về Bruno thực, và sau đó, gia đình này đã dùng giấy tờ của cậu bé đó, cho đứa bé sau, là ông. Vậy thì Bruno thực đã đi đâu? Wikomirski nhớ, khi còn là một thiếu niên, ở Zurich, đã có lần ông gặp một chàng trai trạc tuổi ông ("Tên là Rolf hay từa tựa như vậy"), chàng trai nói với ông, rất mừng đã trốn thoát, không "bị" nuôi nấng dậy dỗ bởi gia đình Dossekker, và sau đó, chàng trai này theo gia đình di cư qua Mỹ.

 Ông bà Dossekker chắc chắn biết điều này, lẽ dĩ nhiên. Nhưng họ chết rồi. Qua Những Đoạn Rời cho thấy, Wilkomirski thù hận họ.

 Còn điều này nữa, Bruno Dosskker đã thừa hưởng gia tài của bố mẹ nuôi, khi họ mất vào năm 1986, 5 năm sau khi ông hưởng gia sản nho nhỏ của "cái bà được gọi là mẹ ruột của tôi". Nhờ tài sản của bố mẹ nuôi, ông đã có tiền thực hiện công cuộc nghiên cứu về Lò Thiêu, và về "cái phần đóng góp" mà ông tin rằng của ông, ở trong đó.

 6.

 Wilkomirski đã tỏ ra quá khiêm nhường, khi mở ra Những Đoạn Rời: "Tôi không phải thi sĩ, cũng không phải nhà văn". Bởi vì hồi ức của ông cho thấy, ông quả có tài (skills). Ông viết: "Tôi chỉ cố dựa vào từ ngữ, để vẽ ra, càng xác thực chừng nào tốt chừng đó, chuyện gì đã xẩy ra, chuyện gì tôi đã nhìn thấy, đúng theo hồi ức một đứa trẻ còn giữ lại được, không chờ mong một viễn tượng, và cũng không biết tới khi nào thì nó tan biến". Với một lời dẫn như vậy, ông tạo dựng nhân vật chính của cuốn sách: chính ông ta, như là một đứa trẻ. Giọng kể của đứa bé vừa là một cái khiên, vừa là một thứ khí giới: tác giả có thể ẩn náu ở đằng sau giọng nói đó, cùng lúc, hóa giải sự nghi ngờ của độc giả, bằng cái giọng thơ ngây thơ, đầy xúc động.

 Những Đoạn Rời của Wilkomirski thật sự không giống một cuốn tiểu sử, hoặc hồi ký theo kiểu cổ điển, có khởi đầu có chấm dứt, mà gồm những cú nhẩy, tới hoặc lui, về thời gian và nơi chốn: Ba Lan tới Thụy Sĩ, Thụy Sĩ trở lại Ba Lan. Rất ít địa danh và ngày tháng. Con số 1939-48 như ghi ở ngoài bìa, không có trong bản văn; 1939 có thể là năm sinh, và từ đó khởi đầu hồi ức của tác giả. Bức hình độc nhất, tác giả "áng chừng 10 tuổi" không đề ngày tháng. Về thành phố, nơi cuốn sách bắt đầu: "Chắc là Riga". Về hướng tới của đoàn tầu: "Chắc là Lemberg (Lvov)."

 Ở Thụy Sĩ, Lò Thiêu là một đề tài cấm kỵ. Cha mẹ nuôi nói, phải quên, coi như một giấc mộng xấu. Những người khác nghĩ, chỉ là bịa đặt. Chỉ tới khi vô trung học, ông tin rằng hồi ức của mình đã được xác nhận, qua những tài liệu lịch sử. Đọc một tài liệu về quân đội Mỹ giải phóng một trại tập trung, ông viết:

 -Chẳng ai nói với tôi rằng cuộc chiến đã chấm dứt.

 -Chưa từng có ai nói với tôi, rằng trại tù chấm dứt, vĩnh viễn chấm dứt.

 7.

 Wilkomirski liên tiếp nhấn mạnh, ông không hề có ý định đem câu chuyện của mình ra cho bàn dân thiên hạ cùng đọc. Rằng ông viết cho chính ông, một vài người bạn thân, gia đình, nhất là con cái. Tuy nhiên, ông không cưỡng lại được sự dụ khị (he was persuaded), và đã đưa bản thảo cho Eva Koralnik, một nữ nhân viên (agent) thuộc cơ sở xuất bản Liepman AG, ở Zurich, chuyên lo về văn chương Lò Thiêu.

 Bà nhận được bản thảo tháng Giêng 1994, và biết ngay, nó có thể in được. Bà cho biết, chưa từng có ý nghĩ, hỏi tra căn cước tác giả. "Tôi chưa bao giờ làm điều này. Vả chăng, chính tôi cũng đã tới Thụy Sĩ từ Hungary vào năm 1944, khi mới 6 tuổi, cùng với người vú. Chúng tôi được trao một vài thứ giấy tờ, nhằm che chở bảo vệ, nhưng tôi không có giấy khai sinh, cho tới ngày này."

 Bà đã mất 6 năm mới bán được những câu chuyện "của một bậc thầy", của Ida Fink, viết về Lò Thiêu. Với Những Đoạn Rời, chỉ 6 tháng sau (tháng Bẩy), nhà xuất bản Suhrkamp Verlag ở Frankfurt đã gật đầu.

 Suhrkamp dự định tung sách ra vào mùa xuân 1995. Nhưng tháng Hai, 1995, họ nhận được thư của một ký giả Thụy Sĩ, Hanno Helbling, hỏi, có biết tác giả của cuốn sách, Wilkomirski, đã từng được biết đến trong nhiều năm tại Thụy Sĩ, với cái tên Bruno Dossekker, một nhạc sĩ, chứ không phải là một người sống sót Lò Thiêu?

 Nhà xuất bản ngưng liền việc in ấn, liên lạc với tác giả, và Koralnik. Bà nói, như vậy là chúng tôi đã biết những gì Ganzfried biết. "Ông ta chẳng có gì mới"; chính vì vậy mà có thêm lời bạt ở cuối cuốn sách.

 Theo Thomas Sparr, biên tập viên nhà xuất bản, sau khi nhận được thư của Mr. Helbling, chúng tôi đã yêu cầu Mr. Wilkomirski cung cấp một tài liệu pháp lý xác nhận lý lịch. Ông đã mướn một luật sư lo việc này, và trao cho chúng tôi một giấy khai sinh, với tên Bruno Dossekker, sinh ngày 12 tháng Hai, 1941. Qua lời lời giải thích của ông, đây không phải là một khai sinh đầy đủ (an incomplete version of a typical Swiss birth certificate), bởi vì ông là một đứa trẻ được người ta nhận nuôi. Sự khác biệt về năm sinh, Wilkomirski đã làm sáng tỏ, trong lời bạt.

 Nhưng Koralnik cho biết, khi được hỏi, Wilkomirski đã nói, "ôi chao, mọi chuyện rắc rối về giấy tờ lại làm phiền tôi". Như vậy, nó đã làm phiền ông, trước đó? Vào thời điểm nào, ông nhận ra, một đoạn đời trước đó, khác với ở trong đầu ông? Rằng ông ta "đã từng là" Bruno Grosjean?

 Theo Wilkomirski, ông chỉ biết điều này kể từ năm 1964, một ngày trước lễ cưới, một viên chức đã nói với ông, giấy khai sinh của ông không phải loại chuẩn (standard), và ông khám phá ra, lần đầu tiên trong đời, một bà "a Frau Grosjean" đã được ghi là mẹ của ông.

 Sau khi nhận được "gia tài của mẹ", ông muốn tìm hiểu thêm về bà. Và đã tới Biel, "cái nơi chốn được gọi là nơi mẹ tôi sinh ra", và đã cay đắng khi một viên chức từ chối trả lời mọi câu hỏi, "[đừng vấy bùn], nó sẽ làm đau, làm nhiều người liên can".

 Lẽ dĩ nhiên, viên chức đó làm đúng. Luật lệ liên quan tới việc nhận nuôi trẻ không cho phép trả lời. Bây giờ, đứa trẻ có quyền được biết về căn cước gốc của nó. Tuy nhiên, Wilkomirski đã chọn một lối giải thích khác: trong lời bạt, ông viết, ông ta là một trong ‘hàng trăm trẻ em sống sót Lò Thiêu… thiếu mọi thông tin về nguồn gốc của chúng, mọi lối về đều bị tẩy xoá một cách thật chi li, được ban cho những cái tên dởm, những giấy tờ dởm (false). Chúng lớn lên với căn cước giả (pseudo-identity), nếu ở Đông Âu, thì đây là một cách bảo vệ chúng không bị đối xử phân biệt; nếu ở Tây Âu, để tránh cho chúng bị trả về phía đông, như là những kẻ không quốc gia (stateless persons). Khi là một đứa trẻ, tôi cũng nhận được một căn cước mới, một ngày sinh tháng đẻ, nơi sinh khác".

 Điều này có thể xẩy ra. Một số trẻ em Do Thái sống sót Đệ Nhị Chiến ở Đông Âu, ẩn trốn trong những gia đình theo Cơ đốc giáo, hay trong những tu viện. Sau chiến tranh, một số không thể, hoặc không muốn tìm con đường về nguồn, một số khác mầy mò, thất vọng có, thành công có. Qua cuộc điều tra, tôi (Lappin) được biết, ở Thụy Sĩ, chuyện trẻ con bị thay đổi căn cước không liên can tới Đệ Nhị Chiến, hay vấn đề Do Thái. Từ thập niên 1920 tới 1970, một cơ quan xã hội có tên là Pro Juventute đã thực hiện chiến dịch, theo đó, những đứa trẻ bô-hê-miêng (Swiss Roma, hay Gypsies) bị bốc ra khỏi đường phố, điều này có nghĩa, những đứa trẻ được gọi là "Kinder der Landstrasse" hay trẻ bụi đời (highway children) bị ép buộc phải rời khỏi cha mẹ, và có những tên khác.

 Trong lời bạt, Wilkomirski không nhắc tới số phận những đứa trẻ như trên, nhưng ông lại nhắc tới với tôi (sự thực là qua luật sư của ông, Rolf Sandberg), để chứng minh, nhà chức trách Thụy Sĩ có thể làm, và dám làm tất cả mọi chuyện nhằm xóa bỏ căn cước gốc của một đứa trẻ. Thomas Sparr, biên tập Những Đoạn Rời tại nhà xuất bản Suhrkamp, đã quan tâm đến chuyện này, khi được tôi kể lại. Ông nói, "Có thể ông ta [Wilkomirski] đã gặp những trẻ sống sót Do Thái tại một trại mồ côi ở Thụy Sĩ, và bằng một cách nào đó, đã bị thu hút, hoặc ảnh hưởng bởi những câu chuyện do họ kể."

 Ông nói điều này vào cuối năm 1998. Tuy nhiên, năm 1994, ông đã tin lời giải thích của Wilkomirski ("Cuốn sách của ông ta phải là sự thực; [nếu không], chúng tôi đã không xuất ản nó dưới dạng không-giả tưởng, non-fiction"). Nhà xuất bản cho thêm lời bạt, và cứ thế tiến hành. Tôi hỏi Sparr, bây giờ, ông có nghĩ, nên kiểm tra thêm, về bản văn hơn là về sự tín nhiệm tác giả (ông là một học giả về văn chương và lịch sử Do Thái), ông cho biết, ông và đồng nghiệp đã nhờ một người có thẩm quyền về chuyện này: Lea Balint, giám đốc cơ quan có tên là The Bureau of Children Without Identity (Phòng lo về những đứa trẻ không có căn cước), trụ sở tại Israel. Bà giám đốc này cho biết, không thể nghi ngờ: Wilkomirski đã từng là một đứa trẻ ở trại mồ côi Cracow, bởi vì ông ta nhớ những người, những chi tiết, mà nếu không ở đó, không thể biết được. Ngoài ra, Julius Lowinger, một người sống sót ở cùng trại mồ côi trên, khi là một đứa trẻ 11 tuổi, hiện đang sống tại Israel, xác nhận, mô tả của Wilkomirski về sân chơi kế bên trại mồ côi, là đúng. Chỉ có một người nào ở đó mới có thể viết được, bởi vì sân chơi không còn nữa.

 
8.

 Lea Balint, nữ giám đốc "Văn phòng lo về những đứa trẻ không có lý lịch", là người đã mạnh mẽ lên tiếng chống đỡ cho Wilkomirski. Bà đã giúp ông có được căn cước, lý lịch, cội nguồn mà ông tin rằng đã bị mất.

 Đối diện với villa rộng lớn của bà tại Jerusalem, là một ngọn đồi, trên đỉnh ngọn đồi, là toà nhà tưởng niệm Yad Vashem. "Những đứa trẻ của tôi", bà gọi những người đã mất căn cước như vậy. Bản thân bà cũng trải qua thời gian chiến tranh dưới một cái tên khác trong một tu viện tại Ba Lan; ngoài kinh nghiệm, phẩm chất của một học giả, lòng đam mê, sự cuốn hút, nỗi cảm thông của bà đối với "những đứa trẻ của tôi", chẳng có chi nghi ngờ. Bà có riêng những hồ sơ tài liệu – những bảng danh sách dài, những đứa trẻ, hầu hết là mồ côi, được tìm thấy ở Ba Lan sau chiến tranh. Căn nhà hầm (basement) của bà biến thành kho dữ kiện, trong công cuộc truy tìm và trả lại bố mẹ anh em họ hàng cho những đứa trẻ mất căn cước, và "chỉ những người hội đủ điều kiện" mới được phép vô.

 Balint chỉ cho tôi (Lappin), cách làm việc của bà với database. Bà kết hợp (matches), tên của một đứa trẻ trong một danh sách, với một cái tên khác, nhưng có một số thông tin tương tự (ngày tháng, nơi sinh, tên cha mẹ…), trong những danh sách khác. Căn cước một đứa trẻ dần dần lộ ra. Phương pháp này rõ ràng là có hạn chế, và rất ít cơ may thành công, nhưng mỗi lần thành công, là Balint mừng rỡ như thể bà đã cứu được một mạng người.

 Bà gặp Wilkomirski vào tháng Mười 1993, bốn tháng trước khi ông gửi bản thảo đi. Ông được giới thiệu là "Bruno", và bà vẫn gọi ông bằng cái tên này, tại một cuộc hội thảo của những đứa trẻ sống sót ở Israel. Tất cả đều ở chung với nhau tại trại mồ côi ở Lodz sau chiến tranh. Balint nói: Tôi tới đó để tìm kiếm những đứa trẻ không có căn cước của tôi. Một người đàn ông để râu bước lên diễn đàn cùng với một người đàn ông khác, trong giống như một đứa trẻ, tóc quăn, dáng điệu hoàn toàn lạc lõng, chẳng nói được một tiếng Hebrew nào. Người đàn ông có râu nói: "Đây là bạn tôi, Bruno Wilkomirski, có ai nhận ra (identify) bạn tôi không, có ai biết anh ta là ai không?" Và sau đó ông nhắc tới [trại mồ côi] Cracow.

 "Tôi tới gần họ, và nói, họ tới lầm chỗ, bởi vì đây là những trẻ mồ côi ở Lodz. Nhưng tôi có thể giúp họ."

 Lần gặp gỡ đầu tiên, Wilkomirski kể cho Balint những gì ông còn nhớ: những tên đường phố ở Cracow, một trại mồ côi, một số chi tiết khác. "Ông ta cũng nói với tôi, tên một người đàn bà mà ông ta còn nhớ, ở trại mồ côi."

 "Một người đàn bà?"

 "Một cô gái, lớn tuổi hơn, đã săn sóc ông ta một thời gian. Sau này, chúng tôi kiếm thấy tên cô gái trong những danh sách."

 "Bà ta bây giờ ở đâu?"

 "Tôi không thể nói, bởi vì bà không thể nói về quá khứ, và đây là quyền của bà."

 "Bà có còn nhớ ông ta?"

 "Không, bà không nhớ gì về ông ta".

 Lea Balint rất tin tưởng hồi ức của Wilkomirski về Cracow; bà đã mời ông gia nhập một đoàn quay phim TV Israel đang tìm kiếm tài liệu nhằm thực hiện một phim về những đứa trẻ bị mất căn cước. Bản thân bà cũng làm việc chặt chẽ họ và tới Ba Lan để lo việc quay phim. Vered Berman, giám đốc đoàn phim Israel, đã quan tâm tới câu chuyện của Wilkomirski, và mọi người đều thỏa thuận, ông sẽ cùng tham dự việc quay phim, gặp gỡ những người sống sót khác, biết đâu sẽ giúp ông khám phá ra cội nguồn của mình. "Ông không hề nói với chúng tôi, ông đã viết một cuốn sách, hay bất cứ một chuyện gì về nó", Vered Berman nói.

 Wilkomirski không phải là "ngôi sao", trong cuốn phim tài liệu của Berman (vai này thuộc về một người đàn bà Do Thái, Erela Golschmidt, và đây là câu chuyện đoàn tụ của bà với một gia đình Cơ đốc giáo vốn đã che chở bà, khi còn là một đứa trẻ trong thời kỳ chiến tranh). Nhưng sự xuất hiện của ông trong phim, hình ảnh một người đàn ông bị ray rứt, quằn quại (tormented), cố tìm cho ra căn cước của mình giữa những con đường của một Cracow hiện đại, đã gây được sự chú ý ở khán thính giả, khi cuốn phim, có tên là "Wanda’s List", được trình chiếu tại TV Israel vào tháng Một 1994.

 Balint nói với tôi (Lappin), sau khi cuốn phim được chiếu, Wilkomirski có thể tìm ra bà "Grosz", thứ thiệt (the real "Frau Grosz"); bà này đã đưa ông từ Cracow tới Thụy Sĩ. "Một người đàn bà ở New York đã liên lạc với chúng tôi, cho biết bà đã từng ở trại mồ côi đó. Và mẹ của bà, đã mất rồi, cũng đã ở đó. Tên của bà mẹ (her mother’s last name), là Grosz.

 Wilkomirski, Lea Balint và nhà xuất bản đều viện dẫn câu chuyện trên, nhằm bảo vệ sự trung thực của tác phẩm. Nhưng khi tôi điện thoại cho người đàn bà ở New York, câu chuyện không đơn giản như trên. Bà Sara Geneslaw là một đứa trẻ 9 tuổi khi ở trại mồ côi Cracow. Bà nói, đúng (yes), mô tả của Wilkomirski, về "Frau Grosz", ở trong cuốn sách, làm bà nhớ đến mẹ của bà, "Bà thường nói chuyện dịu dàng với một đứa trẻ, giải thích chuyện này chuyện nọ cho nó. Nhưng tôi có nói với ông, hoàn toàn không thể có chuyện, bà rời Ba Lan tới Thụy Sĩ thời gian đó. Tuy nhiên, ông có hỏi xin tôi một bức hình của bà, và tôi đã gửi một bức hình mẹ tôi chụp hồi thập niên 1940. Khi nhận được, ông điện thoại cho tôi, giọng hết sức xúc động, nói ông nhận ra mẹ tôi liền. Và ông cũng xin phép được giữ tấm hình, và sẽ để ở ngay bên giường ngủ của ông."

 Nhưng đâu chỉ có vậy. Cuốn phim gây một hậu quả "bi thảm" (dramatic) hơn nhiều. Một người đàn bà coi phim, đã "hết hồn" khi nhận ra sự tương tự của Wilkomirski, với những người anh em bà con trong gia đình của chồng bà. Bà báo động (alert) cho một người bà con bên chồng, Yaako Maroco, một người Ba Lan gốc Do Thái. Ông này đã mất vợ và một đứa con trai hai tuổi tại trại tù Majdanek. Đứa trẻ bị lấy đi mạng sống tại đây, cũng có tên là Binjamin.

 Thoạt đầu, Yaako Maroco thận trọng, nhưng sau cùng rất mừng rỡ và sẵn sàng đón nhận Wilkomirski như một đứa con đã bao lâu thất lạc. Họ viết những lá thư đầm ấm cho nhau. Sau đó, trước khi gặp, họ thoả thuận làm thử nghiệm mẫu máu (DNA), như một bằng chứng vượt lên khỏi mọi nghi ngờ. Kết quả: negative. Thật rõ ràng: họ không thể là cha con ruột thịt "của nhau".

 Maroco thất vọng, nhưng vẫn không chịu thua. Là một Do Thái chính thống (orthodox), ông gặp vị tu sĩ, được khuyên bảo, mặc dù kết quả DNA, ông vẫn có thể coi, đó là con trai của ông. Vì vậy, khi Wilkomirski xuống phi trường Ben-Gurion vào ngày 18 tháng Tư 1995, ông đã được đón tiếp bởi đoàn quay phim, những ký giả, những khán giả nồng nhiệt, tất cả tới để chứng kiến sự đoàn tụ giữa cha và con. Cảnh hai người ôm hôn nhau thật là cảm động – được phổ biến trên toàn thế giới qua báo chí, như thể tình yêu, niềm cảm thông giữa con người với con người, là một diều thiêng liêng khoa học phải cúi mình trước nó.

 Người cha biết rõ, đây không phải con mình thực sự. Ngay cả Wilkomirsi cũng xác nhận điều này. Ông cảm thấy dễ chịu, thoải mái, khi được đón nhận như là một thành viên trong một đại gia đình, những ngày đó.

 Tuy nhiên, một số chứng liệu khác cho thấy, ông đã mong muốn biết bao, đây là sự thực, phải chi đây là cha ruột của mình. Trong cuốn tự thuật trước khi mất, Maroco đã cho đăng một bức thư Wilkomirski gửi cho ông, đề ngày 12 tháng Hai, 1995, trước khi họ gặp nhau. Wilkomirski nói về nỗi vui mừng khi nhận được điện thoại của Maroco, và nói: "Con (I: tôi, trong nguyên bản tiếng Anh) đã sống gần như cả nửa thế kỷ không bố mẹ, và bây giờ – con đã gặp cha của con, phải chăng đây là sự thực? Phải chăng "Người" (He) đã ban cho chúng ta một phép lạ? Đúng là một phép lạ: hôm nay là 12 tháng Hai, kỷ niệm này con tới Thụy Sĩ, và ngày này được coi như là sinh nhật chính thức của con. Một món quà tặng tuyệt vời, phải không cha?"

 Ông tiếp tục: "Con thực sự chẳng để ý đến những kết quả khoa học về thử nghiệm máu – có rất nhiều mối nối… Cha cũng đã từng ở Majdanek. Con có danh sách hàng ngàn đứa trẻ ở Ba Lan đã sống sót trại tù, hay đã từng phải ẩn trốn, và cái tên Binjamin chẳng hề có một, ở trong đó. Có thể, đây không phải là một cái tên thông thường ở Ba Lan vào thời kỳ đó. Như vậy thật khó mà có tới hai "Binjamin" cùng ở trại tù Majdanek vào năm 1943…"

 Chúng ta có thể nhận ra một số sự kiện, qua lá thư. Thứ nhất, Wilkomirski nói, ngày sinh "chính thức" của mình là cái ngày ông tới Thụy Sĩ. Thực ra, đây là ngày sinh của Bruno Grosjean, ở Biel. Thứ nhì, nỗi háo hức, mong có Maroco là cha ruột của mình có vẻ như là nỗi mong uớc chối bỏ hồi ức của ông như được ghi lại trong cuốn sách. Maroco sống tại Ba Lan; Wilkomirski nghĩ rằng mình lớn lên ở Latvia. Wilkomirski nghĩ rằng cha của mình đã bị giết chết, trong khi Maroco, lẽ dĩ nhiên, còn sống.

 Trong một lần nói chuyện, tôi bực bội nói với ông: Ông đã đầu tư quá nhiều thời giờ vào chuyện cố gắng truy tìm dấu vết của một đứa trẻ có tên là Binjamin Wilkomirski, nhưng ông có bao giờ để ý tới một điều, cái tên này, cũng chỉ do ông tạo dựng ra?

 Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông gật đầu, và đưa ra một vài cái tên khác, có thể là tên của ông. Trong số đó, có Andrzej.

 9.

 Làm sao Dossekker lại biến thành Binjamin? Tiến trình biến hoá như thế nào?

 Dr Elitsur Bernstein có lẽ là người chứng quan trọng nhất – có vài người còn nói, ông là tác nhân quan trọng - của tiến trình biến hóa. Đây là người đàn ông có râu "bí mật" đã lên diễn đàn cùng với Wilkomirski, trong cuộc họp mặt của những trẻ mồ côi sống sót Lò Thiêu tại Lodz, như Lea Balint đã nói tới ở trên. Trong nhiều năm, Bernstein đã sát cánh bên Wolkomirski, trong cuộc truy tìm cội nguồn Do Thái của ông ta. Ông tin câu chuyện do Wilkomirski kể, là thực; ông đã hỗ trợ Wilkomirski, một cách âm thầm, khi ông ta bị sa sút tinh thần trầm trọng, tiếp theo những bài báo của Ganzfried (tốt, nhưng thâm hiểm, theo đánh giá của Bernstein); nhưng không như Lea Balint, ông đã không trườn mặt ra trước công chúng, để chống đỡ cho ông ta. Một nhà tâm lý học. Nhiều người còn cho rằng ông chính là "éminence grise" (mưu sĩ, quân sư) của Wilkomirski.

 Tôi tò mò muốn ‘mặt nhìn mặt, tay cầm tay’ với ông. Chúng tôi gặp nhau tại một quán cà phê ở Tel Aviv (do ông ta chọn). Mỗi bàn có một cái chuông nhỏ, để khách có thể gọi người phục vụ.

 Một con người to con, bề thế; tưởng tượng ông đứng bên Wilkomirski giống như một cầu thủ baseball đứng kế một tay hockey. Lịch sự, nhưng kiểu cách. Ông nhớ cả những ngày tháng. Ông có vẻ như là một tay thầy tu xuất, và chưa hoàn toàn "hội nhập" trở lại với đời thường. Ông cho biết, ông là một "con cừu đen" ở trong một gia đình chính thống. Cha ông học tại một trường "yeshiva" (trường tôn giáo Do Thái), ở một nơi tên là Wilkomir, thuộc Lithuania. Vào tháng Tám và tháng Chín năm 1941, gần 6 ngàn người Do Thái đã bị tàn sát tại Wilkomir (bây giờ là Ukmerge), coi như toàn bộ dân Do Thái ở trong thành phố.

 "Chính điều này đem chúng tôi tới với Bruno", ông nói, và thoáng cười. "Tôi luôn luôn gọi ông ta bằng cái tên đó. Ông ta muốn phát khùng khi ‘bị’ gọi như vậy, nhưng tôi không thể thay đổi. Lần đầu tôi gặp ông ta dưới cái tên Bruno, và tôi không thể nào, bất thình thình, gọi ông bằng Binjamin. Tôi nói chuyện với bà, như là một người bạn của Bruno, không phải của Binjamin."

 "Tôi sống – nghiên cứu, làm việc – tại Thụy Sĩ từ đầu thập niên 1960, nhưng mãi tới tháng Mười 1979 tôi mới gặp Bruno, khi ông ta được giới thiệu với tôi, như là một giáo sư dậy kèn clarinet. Ông ta dạy nhạc tại "studio" của ông ta ở Zurich. Như tôi hiểu được, vào lúc đó, ông ta là một người đàn ông Thụy Sĩ, chẳng một chút dây mơ rễ má với Do Thái, về bất cứ vấn đề gì đi chăng nữa. Sau bài học thứ ba, tôi hỏi ông ta về một bức tranh dầu, chân dung một người Do Thái với bộ râu ở trên tường căn studio của ông. Ông nói, "Tại sao ông lại hỏi tôi như vậy?"

 "Bởi vì", tôi nói, "có thể tôi biết người đó là ai".

 Ông ta có vẻ tò mò, lẽ dĩ nhiên, do đó, tôi nói với ông ta, đây là chân dung một tu sĩ cuối cùng ở Wilkomir, trước Lò Thiêu.

 Theo như Bernstein, khi nghe vậy, Bruno trả lời: "Tên tôi có thể là Wilkomirski."

 Đúng là một cuộc trò chuyện khác thường. Nhưng theo Bernstein, đó là lần cuối cùng họ bàn về tên gọi, cho tới khi ông ta đọc những trang đầu bản thảo, Những Đoạn Rời.

 Những buổi học đàn tiếp tục, có gián đoạn, những lần ông thầy bịnh, phải vô nhà thương. Bernstein trở lại Israel. Năm 1984, Bruno và người bạn gái mới (his new partner), Verena có tới thăm ông tại đó. ‘Bà ta hỏi tôi, bất thình lình, liệu có tin câu chuyện của Wilkomirski. Tôi nói, "Câu chuyện nào?" Có vẻ như, ngay từ khi mới quen ông ta, Verena đã được một người nào đó thuộc gia đình Bruno, cảnh giác, ông ta giả đò (pretend) rằng ông ta là Do Thái.’

 "Ông trả lời ra sao?"

 "Tôi nói, ông ta luôn luôn cư xử như là một Do Thái, khi nói về những chuyện liên quan tới những người Do Thái, đặc biệt là thái độ bài Do Thái ở Thụy Sĩ. Đó là tất cả những gì tôi biết lúc đó."

 "Khi Bruno nói với tôi, vào năm 1984 hay 85, ông ta bị những cơn ác mộng về trại tập trung, tôi đề nghị ông ta đi gặp chuyên viên tâm thần - không phải tôi, xin nhớ rõ như vậy - tôi đang nói với bà, như là một người bạn của ông ta, chứ không phải như một chuyên viên tâm thần."

 "Bruno cưỡng lại ý định này. Nhưng bất thình lình, ông quan tâm tới cuộc xung đột giữa Do Thái và Ả Rập, và khởi sự viết về nó. Thực sự là, ông viết một cuốn sách nhỏ về đề tài này, và đem ra dậy cho sinh viên, cũng tại trường ông ta dậy nhạc."

 (Sau đó, tôi, Lappin, có được một copy, từ một cựu sinh viên của Wilkomirski. Sản xuất (Produced) năm 1989, bởi (Thư Khố) BDW Archives (Bruno Dossekker Wilkomiriski), nhan đề "Topics about the History of Palestine and the Middle East Conflict" (Những đề tài về Lịch sử Palestine và cuộc xung đột Trung Đông), gồm có những trích đoạn mang tính bài Do Thái từ kinh Koran, những hình biếm họa từ báo chí Ả Rập, một chương về "Sự hợp tác giữa Đạo Hồi và Chủ nghĩa Phát xít sau Đệ Nhị Thế Chiến" và một chương nhan đề "Caution: The Media" (Coi chừng: Truyền thông đại chúng). Chương này chấm dứt bằng một trích dẫn, mà ông ta cho là, từ Himmler – tuy nhiên thường được coi là của Goebbels: ‘Sự dối trá càng lớn lao, càng ghê tởm bao nhiêu, cơ may được người ta tin tưởng càng lớn bấy nhiêu, bởi vì người ta không thể nghĩ rằng, tại sao lại có người dám bịa đặt ra một một sự dối trá lớn lao, khủng khiếp tới mức đó".

 Trong thời gian này, những cơn ác mộng của ông vẫn tiếp tục "Nó trở thành quá trầm trọng", Bernstein nói. "Ông ta không thể ngủ, không thể để cho bất cứ một vật gì chạm vào người, nhất là vào lưng." Rồi một đêm, vào khoảng đầu thập niên 1990, ông ta trải qua một cơn ác mộng đặc biệt. Ông mơ đang ngủ, bỗng nghe thấy một tiếng động khủng khiếp, chạy ra cửa sổ, thấy người ta đang bị thiêu sống. Tới mức này, tôi nói ông ta phải đi gặp chuyên viên tâm thần, bởi vì hiển nhiên ông đã mơ thấy một điều gì đó, và điều này là một phần ở trong ông ta. Cuối cùng, ông ta đồng ý."

 Trong câu chuyện của Wilkomirski, giải pháp trị liệu tâm thần cũng không rõ ràng. Có người cho rằng đây là một trị liệu nhằm "hồi phục trí nhớ" (recovered memory), người khác, "thôi miên". Wilkomirski và Bernstein phủ nhận cả hai. Wilkomirski luôn luôn nhấn mạnh, trí nhớ, hồi tưởng của ông không phục hồi (his memories are not recovered), rằng ông có chúng ngay từ khi còn nhỏ. Sự khác biệt ở đây là: nhờ trị liệu tâm thần, ông bắt đầu viết. Chuyên viên tâm thần cũng đã dậy ông một vài cách tập trung (some concentration exercises), giúp ông nhớ nhiều chi tiết.

 "Riêng về phần tôi, Bernstein nói, tôi chống lại việc xuất bản. Đây là một chuyện riêng, a private matter. Nhưng ông ta muốn chúng được in ra thành chữ, ‘để đem sự trợ giúp tới cho những đứa trẻ sống sót khác’. Verena cũng khuyến khích ông ta."

 Vào năm 1993, một năm trước khi Wilkomirski gửi bản thảo, ông ta và Bernstein đi tới Majdanek, Auschwitz, Cracow và Riga. Bernstein nói: "Trước khi tới trại Majdanek, Wilkomirski đã sửa soạn những tấm bản đồ chi tiết về trại tù, như trong hồi ức của ông còn nhớ được. Chúng khác hẳn với những tấm bản đồ trong sách lịch sử. Tới nơi, hoá ra là những tấm bản đồ "hồi ức" của ông ta lại đúng phóc, tất cả chi tiết cũng như góc độ. Tới Riga, chúng tôi đi qua một căn nhà, ông ta nhận ra, đây chính là căn nhà mọi chuyện đã xẩy ra. Sau đó, người ta nói cho chúng tôi biết, căn nhà đó đã là một phần của ghetto, chỉ có hai tháng. Một người ở Riga xác nhận hồi ức về chuyến vượt thoát bằng thuyền của Bruno. Một người khác, ở Cracow, khi nhìn những tấm bản đồ ông ta vẽ, nói với chúng tôi: ông ta chắc chắn phải ở Auschwitz và Majdanek, không thể nghi ngờ gì chuyện này."

 Raul Hilberg, tác giả một cuốn sách nghiên cứu cặn kẽ về Lò Thiêu, The Destruction of the European Jews (Sự hủy diệt những người Do Thái ở Âu châu), đã tỏ ra nghiêm khắc, khi tôi (Lappin) gặp ông ở Frankfurt. Ông gặp Wilkomirski tại một cuộc hội nghị ở đại học Notre Dame University, Indiana, và hỏi, liệu có thể coi cuốn sách của ông là một "giả tưởng". Hilberg nhớ lại, "Ông ta đã khinh miệt chỉ vào bìa sách, và hỏi lại tôi: Ông không nhìn thấy chữ ‘hồi ký’ (memoir), hở?"

 Ông không đọc tiểu thuyết, chống, điều gọi là ‘chất liệu phản sự kiện, ở trong giả tưởng" (against counterfactual material in fiction); hoài nghi những "lời chứng" (oral witness accounts).

 Ông là di dân, từ Vienna tới Mỹ vào năm 1938. Trong quân đội Mỹ, ông làm công việc hỏi tra tù binh Đức. "Người ta bịa ra đủ thứ chuyện, về chính họ, tôi thấy cả lố."

 Khi được tuần báo Đức, Die Zeit, hỏi, ông đánh giá ra sao về Những Đoạn Rời, Hilberg cho biết, ông đọc cả hai, nguyên bản bằng tiếng Đức và bản dịch tiếng Anh, và đi tới kết luận, có nhiều điểm bất khả (impossible). "Có những đoạn miêu tả sự kiện xẩy ra, theo tôi, thật khó tin và hoàn toàn bất khả. Đoạn tả những đoàn dân binh và xe tăng Đức ở Ba Lan, là hoàn toàn bịa đặt. Người đàn bà Đức kiếm thấy đứa bé trai ở trong một trang trại, bà này mặc bộ đồng phục dành riêng cho cai tù (female guards) ở bên trong trại tù. Đám này không bao giờ rời khỏi phạm vi trại. Trong cuốn sách của ông ta, người đàn bà gọi trại tù bằng cái tên Majdanek, trong khi đám Đức thường gọi là Lublin. Theo như trong cuốn sách, ông ta được chuyển tới Auschwitz, trong khi, như tôi được biết, không có một ghi nhận nào, về chuyện trẻ con Do Thái được chuyển tới đó, từ Majdanek.

 Vấn đề theo ông là, làm sao một cuốn sách như thế, lại được coi là hồi ký, bởi một số nhà xuất bản? Làm sao một cuốn sách như thế mang tới những lời mời thăm viếng, của Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm [những người đã chết ở] Lò Thiêu, tại Hoa Kỳ, hay của những đại học có tiếng tăm? Làm sao lại để xẩy ra chuyện, chẳng thèm đánh giá, trước khi cho in? Nếu những nhà xuất bản "ới" tôi một tiếng, tôi đã tránh cho họ được biết bao nhiêu tẽn tò. Nếu bỏ đi những gì không xác thực, cuốn sách còn lại gì?

 Đây là những câu hỏi tốt. Không một nhà xuất bản nào "ới" một tiếng, với một sử gia. Daniel Goldhagen đọc nó, nhưng "hình như" chưa xét nghiệm sự thực của nó (test its truth). Có thể những nhà xuất bản chỉ mong đợi một điều là, cuốn sách sẽ được đánh giá cao, về mặt văn chương, về mặt đạo đức! Gary Mokotoff, một thành viên trong hội đồng "the Jewish Book Council" ở Hoa Kỳ, đã nói với tôi, mặc dù Những Đoạn Rời được giải thưởng như là một "hồi ký", nó sẽ chẳng bao giờ được xếp vào "phạm trù Lò Thiêu" (Holocaust category). Tại sao? Bởi vì những sự kiện không ăn khớp với nhau. Là một nhà phổ hệ học Do Thái, và một sinh viên [chuyên nghiên cứu về] Lò Thiêu, ông biết rõ, cuốn sách chỉ là một giả tưởng mang tính lịch sử (historical fiction). Đây là trường hợp đã xẩy ra với cuốn của Martin Gray, "For Those I Loved" (Gửi những người mà tôi yêu thương). Nó cũng được giới thiệu như là một hồi ký, nhưng sau đó, người ta khám phá ra rằng, đây chỉ là giả tưởng. Điều này làm tôi lo ngại, bởi vì bây giờ, người ta chỉ tìm thấy những tham chiếu, references, về cuốn sách, trên những websites xét lại (revisionist). Những thứ giả-hồi ký (pseudo-memoirs) như vậy có thể gây tai hại cho những người sống sót, bởi vì, người ta sẽ tỏ ra nghi ngờ, những hồi ức về Lò Thiêu.

 Theo lời Arthur Samuelson, thuộc nhà xuất bản Schocken Books [chuyên in những tác phẩm nổi tiếng, thuộc cơ sở xuất bản Alfred Knopf/Random House], nơi đã xuất bản cuốn sách của Wilkomirski: Những Đoạn Rời "đạt lắm" (Fragments ‘is a pretty cool book’). Ông so sánh với tác phẩm của Primo Levi. Ông nói với tôi: "Tôi mê cuốn sách, vì nó giản dị, nhân bản, không xài thủ thuật… Ngày nào mà tôi chẳng quăng mấy thứ đó (những hồi ức về Lò Thiêu) vào thùng rác, nhưng cuốn này khác." Khi phải giải thích Những Đoạn Rời, theo kiểu vắn tắt, nhưng hiệu quả, cho nhân viên bán sách, ông chỉ ra một cảnh trong phim Schindler’s List, một đứa trẻ trốn một mình trong nhà vệ sinh: Này đây nè.

 Những chuyện gì xẩy ra, nếu cảnh đó không thực [mà chỉ là hư mưu, ngụy kế, fictional devices, của nhà làm phim]?

 "Nó chỉ dởm, khi bà xếp nó vào thể loại không-giả tưởng. Tôi sẽ xếp nó vào thể loại giả tưởng. Có lẽ, nó không thực – nhưng như vậy, ông ta quả thực là một nhà văn có tài!"

 Samuelson nói, ông muốn sự thực, "Cho tới nay, chỉ là những lời tố cáo này nọ, chưa thấy bằng chứng, proof. Nếu bà có thể chỉ cho tôi, một người nói, đã từng chơi đá banh với Bruno Dosskker/Binjamin, trong một sân chơi nhà trẻ Thụy Sĩ, tôi sẽ tin. Nói chung, chúng tôi dựa vào sự tìm tòi, research, của nhà xuất bản Đức."

 Cuốn sách được dịch từ nguyên bản tiếng Đức qua tiếng Anh, bởi Carol Brown Janeway, một biên tập viên ở New York, và là giám đốc chuyên về bản quyền tác giả ngoại của nhà xb Knopf. Bà được coi bản thảo tiếng Đức, từ Eva Koralnik, và, ngay lập tức, bị choáng váng bởi "tính trực tiếp, sự giản dị, giọng trầm lắng, và cái nhìn trẻ thơ, về điều không thể chịu đựng được, của cuốn sách." Thay mặt nhà xb, bà đã mua bản quyền dịch sang thế giới nói tiếng Anh, và đích thân dịch nó. Đây là một vinh dự cho tác giả, do danh tiếng của bà. Janeway đã từng là dịch giả một cuốn sách rất thành công, Người Đọc Chuyện, The Reader, của nhà văn người Đức Bernhard Schlink [cuốn này cũng nói về Lò Thiêu, và là câu chuyện về một học sinh trung học, do bịnh bất thình lình trong khi đang trên đường tới trường, được người nữ tài xế xe buýt săn sóc. Họ sau đó trở thành người yêu: "em trai" đọc sách cho "chị" nghe, những khi không làm tình. Họ tái ngộ, "ba mươi năm sau", không phải vào "một đêm vừa gió vừa mưa" như Phan Khôi mô tả, mà là ở… tòa án: em trai lúc đó là luật sư, còn người tình già ngồi ở hàng ghế bị cáo: bà là một nữ quản giáo tại trại tù Nazi].

 Tôi hỏi, liệu những câu hỏi về tính xác thực của cuốn sách làm bà "bực mình". Bà nói, đối với nhà xuất bản, thật khó khăn vô cùng (đối đế mà nói: đây là chuyện bất khả), khi bảo đảm tính thực (the truthfulness) của tác giả, chính vì vậy, đối với một số tác phẩm thuộc loại không-giả tưởng, trong hợp đồng có điều khoản, đòi hỏi tác giả phải bảo đảm những sự kiện được nêu ra ở trong đó, là thực. Janeway nói tiếp, liên hệ giữa nhà xuất bản và tác giả dựa trên sự tin cậy, chứ không phải một liên hệ mang tính thù nghịch. Nhưng theo tôi, vấn đề ở đây không phải như vậy. Nếu những lời buộc tội nhắm vào Wilkomirski, là đúng, giải pháp đề ra sau đó là: người ta sẽ không thể kiểm tra những sự kiện thực nghiệm (empirical facts), nhưng phải chú trọng tới những sự kiện tinh thần. Người ta đòi hỏi một kiểm tra-tâm hồn (soul-checking). Và điều này là bất khả."

 Tôi không hiểu bà tính nói gì, về "kiểm tra tâm hồn"; theo tôi, điều bà muốn nói có lẽ là: cốt lõi vấn đề ở đây liên quan tới những sự kiện không-huyền hoặc (non-mystical facts); rằng, nếu Wilkomirski đã phá huỷ một hợp đồng khác – hợp đồng về sự tin cậy giữa tác giả và độc giả – như vậy, cuốn sách của ông sẽ được coi là giả tưởng, hay phải được thu hồi. Nhưng [khổ một nỗi], Janeway là một dịch giả qua Anh ngữ có tài, dịch tới đâu là ra thơ tới đó. (Janeway has a poetic touch with English). Bản dịch của bà vượt lên nguyên tác. Bản tiếng Anh đọc rất lưu loát, so với bản tiếng Đức. Bà cho biết, tác giả có tham dự vào chuyện dịch. Ông đề nghị thay đổi tên một người, vì còn sống; tôi nói với ông, những đề chương (chapter headings) trong bản tiếng Đức không được mặn mà cho lắm, và nên bỏ đi, ông không phản đối.

 Bản tiếng Anh đã làm cho cuốn sách trở nên dễ được tin tưởng hơn, bằng cách giản dị ngôn ngữ của Wilkomirski, khiến cho những ý nghĩ, những tư tưởng ở trong đó mang tính trẻ thơ. Thí dụ, khi Binjamin thấy mình đang ở một ga xe lửa – có lẽ quanh cậu bé là những người Ba Lan – cậu bé ngạc nhiên, trước vẻ đẹp của những "tà áo xanh" (những chiếc áo phụ nữ, women’s dresses), và vẻ thành bình, êm ả quanh cậu. Cậu nghĩ (bản tiếng Anh): "Thanh bình thế này là không thực. Có cái gì trật ở đây – chỉ là thanh bình của chúng nó!" (This isn’t real peace. There’s something wrong – it’s only their peace!) Bản tiếng Đức: "Dies ist nicht ein echter Friede, ihm ist nicht zu trauen – es ist nur der Frieden der Sieger!" (Đây không phải là thanh bình thực, nó không thể tin cậy được – nó chỉ là sự thanh bình của những kẻ thắng trận!" (This isn’t real peace, it cannot be trusted – it is only the peace of the conquerors!).

 Ý nghĩ của một đứa con nít ba tuổi mà "già cằn" (A sophisticated thought for a boy who could have been no more than three at the time), đã được dịch giả biến hoá thành một câu văn mượt như nhung, ở trong bản tiếng Anh.

 
10.

 Tôi, Lappin, tự hỏi, về sự hỗ trợ dành cho câu chuyện của Wilkomirski. Phiá Tây phương, có người nào, ngoài Lea Balint và bạn của tác giả, Elitsur Bernstein, vẫn còn tin ông? Phía Đông Âu, xem ra đỡ hơn. Những người ở đây, theo Bernstein, đã kiểm tra những chi tiết trong chuyện. Tôi gọi điện thoại cho Margers Vestermanis ở Riga, người đàn ông mà Wikomirski cho biết, đã xác nhận một số đoạn trong câu chuyện. Vestermanis là một sử gia Do Thái nổi tiếng tại địa phương, và là một người sống sót Lò Thiêu. Ông nói, ông chỉ nhớ mài mại, đã nói chuyện "với một nhà tâm lý học [Berstein], cùng với một người nữa, rất điềm đạm." "Tôi lúc đó rất bận rộn, rất nhiều người chờ đợi, muốn nói chuyện với tôi. Họ hỏi tôi những câu kỳ cục, liệu một đứa bé ba tuổi có thể kinh nghiệm những điều như thế. Khó mà kiên nhẫn nổi với họ".

 Vestermanis chắc chắn một điều, ông không thể xác nhận, về sự xác thực của chuyến trốn thoát bằng thuyền, trong hồi ký của Wilkomirski. "Chuyện này không thể. Bến cảng là khu vực quân sự, hoàn toàn được kiểm soát. Ngay cả những ngư phủ cũng khó vô đó." Tôi kể lại cho Wilkomirski, ông hết sức giận dữ. "Ông ta đã viết ra điều đó, ngay ở trong cuốn sách của ông ta! Ông ta viết, 60 người đã trốn khỏi Riga bằng thuyền!" Hỏi lại Vestermanis: "Ông ấy đã lộn. Tôi viết, trong một cuốn sách nhỏ, về những nơi chốn có liên quan tới người Do Thái ở Riga. Trong đó, có câu chuyện về Janis Lipke, một người Latvia, đã đưa 56 người Do Thái tất cả, thoát khỏi Riga bằng thuyền, 51 người sống sót. Nhưng chuyện xẩy ra trong một thời gian dài, khởi từ 1942 – một năm sau, so với thời kỳ mà Wilkomirski mô tả."

 Ông cũng xác nhận một điểm, do Raul Hilberg đưa ra: đứa trẻ không thể nghe tiếng la: "Hãy nhìn kìa: Dân quân Latvia!" (Watcht it: Latvian Militia!), bởi vì, chỉ khi Hồng quân Xô viết tới, họ mới được gọi là "Militia". "Những trẻ em Latvia gốc Do Thái thường nói tiếng Yiddish, và chúng gọi dân quân bằng từ "bendeldike", những người đeo băng tay mầu xanh."

 Nhưng ông nói thêm: "Một cuốn sách rất mãnh liệt. Wilkomirski nắm đúng gân ‘nhân loại’: người ta chẳng bao giờ rời khỏi trại tù, cho dù nhiều, nhiều năm, sau cuộc chiến."

 Sau Riga, tới Majdanek. Không một sử gia nào mà tôi được nói chuyện, tỏ ra chắc chắn, có những khu dành cho trẻ con Do thái ở Majdanek; tuy nhiên, trong một phim tài liệu của Đức (Der Prozess – Vụ án), xử lính gác SS tại Majdanek (xẩy ra tại Dusseldorf từ 1975 tới 1981), có nhắc tới hai trại (barracks) với chừng 200 trẻ Do thái ở Majdanek, trong một khu vực (sector) được mô tả bởi Wilkomirski (Feld 5). Những đứa trẻ này bị giết chết trong một chiến dịch (operation) đặc biệt, trong mùa xuân và mùa hè 1943. Nếu có trẻ em vẫn còn ở đó tới cận ngày 3 tháng Một 1943, chúng không thoát khỏi Chiến Dịch Hội Ngày Mùa, bắt đầu từ ngày nêu trên. Chừng 45 ngàn trẻ em Do thái đã bị tàn sát trong vòng 36 tiếng đồng hồ trong toàn khu (complex) Majdanek-Lublin, gồm vài trại tù (camps). Riêng tại Majdanek, chừng 17 ngàn Do thái đã bị bắn chết trong vòng 11 giờ đồng hồ.

 Có thể có những trại (barracks) trẻ em không phải Do thái – phần lớn là trẻ Ba lan và Belorussia – lẫn một ít trẻ Do thái, có thể. Điều này rõ ràng đã hợp (match) với hồi ức của Wilkomirski, bất thình lình thấy chung quanh là "những đứa trẻ nói những thứ tiếng mà nó không hiểu" (suddenly being with "other children who spoke languages he did not understand").

 Majdanek được giải phóng ngày 23 tháng Bẩy 1944. Nhưng Binjamin ở một chỗ nào đó, giữa thời gian này và thời kỳ ở trại mồ côi Cracrow sau chiến tranh. Ông thấy mình ở trong một trại tù khác, có thể là Auschwitz-Birkenau. Bản thân ông cũng không rõ ràng về điều này: trước khi có những nghi ngờ do Raul Hilberg nêu ra, ông nói với nhiều người, đó là Auschwitz. Thí dụ như trong phỏng vấn của Anne Karf trên tờ báo Anh, Guardian (11 tháng Hai 1998), ông nói với bà, "bây giờ tôi ăn mừng ngày sinh của tôi, là ngày 22 tháng Giêng, bởi vì đó là ngày tôi ra khỏi Birkenau." Trong một phim tài liệu của Thụy Sĩ, kế bên ông là một người đàn bà trạc tuổi ông, một người sống sót ở Auschwitz. Bà ta nói, trong phim: "Thật lạ lùng, khi biết rằng chúng ta ở cùng một chỗ, ông ta sống sót ngay sau lưng tôi." Wilkomirski nghiêm nghị gật đầu.

 Vẫn người đàn bà này, bà không muốn nêu tên ở đây, là người sống sót độc nhất đã hỗ trợ Binjamin Wilkomirski: "Tôi chắc chắn, ông đúng là người mà ông ta nói (claim), và đã ở Birkenau khi còn là một đứa trẻ. Cả hai chúng tôi đều nhớ, cùng những điều như nhau, theo cùng một cách, gồm cả lố những điều mà chỉ người nào ở vào thời gian đó mới có thể biết, và rất nhiều điều chỉ một đứa bé mới nhớ được." Tuy nhiên, bà vẫn không nhớ được ông ta.

 Trong cuốn sách, thời kỳ ở Cracow, phần tài liệu rất giầu có, mặc dù sự hỗn độn ở Ba lan ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt. Wilkomirski đưa ra những chi tiết có thể kiểm tra được, về trại mồ côi, và những đứa trẻ ở đó. Tôi cố tìm những dấu vết, và nói chuyện với một vài người đã sống trong trại mồ côi, vào thời kỳ được mô tả ở trong cuốn sách. Hiện nay, họ sống ở Israel, Đức, Hoa Kỳ, Pháp và Brazil. Không một ai trong số họ, qua nói chuyện bằng điện thoại, có thể nhớ một đứa trẻ, là Binjamin như được mô tả. Pani Misia, một trong những người săn sóc trẻ em, Wilkomirski có nhắc tới trong cuốn sách, vẫn còn sống. Vậy mà khi ông ta gặp bà vào năm 1994, bà cũng chẳng nhận ra, chẳng nhớ gì về ông.

 Trại mồ côi nằm trong một toà building lớn (thập niên 1930), nay vẫn còn, ở ngay phía ngoài con phố Augustianska Street, trong khu Do thái ở Cracow, có tên là Kazimierz. Được xây cất trước chiến tranh, như là nhà dưỡng lão cho những người Do thái về hưu, và biến thành nhà điếm, bởi người Đức. Trại mồ côi trước ở phố Dluga Street, thuộc một khu khác của Cracow, được dời tới toà building trên vào năm 1946. Trẻ em lẩn trốn trong thời kỳ chiến tranh, đổ xô về đây. Trại được điều hành rất chu đáo, từng em được ghi chú nguồn gốc, ngày, nơi sinh, tên cha mẹ. Ăn uống đầy đủ, được cấp quần áo, được đi học, và lâu lâu được đi chơi bên ngoài, đi coi hát. Đi trại hè ở vùng quê. Họ đều nhớ nó, với sự yêu thương, và biết ơn; sau những kinh nghiệm đau đớn thời chiến tranh, đây đúng là thiên đường đối với họ. Không như Binjamin, trong tất cả những người tôi được nói chuyện, chẳng ai nhớ, đã có lần phải cầu xin, năn nỉ, hay có ý định trốn khỏi trại.

 Ám ảnh Lò Thiêu của Bruno Dosskker đã có từ lâu, trước khi ông gặp Elitsur Bernstein. Trong Những Đoạn Rời, ông nhắc tới hai ông thầy đã "gây hứng" cho ông – một thầy toán, người Do thái; một thầy sử, luôn mong muốn miêu tả sự thực về Nazi. Theo Lukas Sarasin, một sinh viên học cùng trường, Bruno khi đó tỏ ra rất thoải mái, đẹp trai, được gái mê (popular with girls)… bố mẹ nuôi cho anh muốn làm gì thì làm, trượt tuyết, nhạc jazz, khiêu vũ. Nhung đây có lẽ chỉ là bề ngoài, một Bruno của đám đông. Họa và tranh của ông thời kỳ này cho thấy một thời mới lớn đầy xáo trộn (ông có đưa tôi coi: bức tranh ruột, vẽ một phòng giam u ám, ông treo ngay đầu giường.

 Tại Zurich, tôi gặp một vài người biết ông hồi thập niên 1960 và 70. Hai nhạc sĩ Daniel Bosshard và Gertrud Voegeli. Họ nói, thường ngồi uống cà phê với ông, hầu như mỗi ngày, tại cùng một quán. Theo Voegeli, ông là một con người "kết hôn với những đứa trẻ, một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, khác thường, [nhưng] thú vị." Và luôn luôn có những câu chuyện để kể. "Ông ta nói với chúng tôi rằng đã từng ở Warsaw Ghetto, và đã được cứu thoát khỏi Lò Thiêu nhờ một người vú Thụy Sĩ, người này đã đưa ông ta tới đây. Đó là một câu chuyện rất buồn thảm, nhiều chi tiết cảm động. Ông cũng nói về một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Ba lan, Wanda Wilkomirski, mà ông nói, là bà con với ông. Rồi ông bỏ câu chuyện này. Thỉnh thoảng, ông nói, ông là mật vụ Mossad [Do Thái]. Tất cả những chuyện đó vẫn còn được nói tới (still in the air) vào năm 1977 và 78, khi chúng tôi không còn là bạn thân, nghĩa là ít còn gặp nhau.

 Bosshard, vẫn còn thân thiết với Wilkomirski, nhớ lại, ông luôn luôn nói, ông tới từ Ba lan. Ông cũng đã trở lại đó ba hoặc bốn lần, để tìm kiếm cội nguồn và bà con, những mối liên hệ. "Ông thường nói, bố mẹ nuôi muốn ông trở thành một y sĩ. Ông cũng đi Biel vào thập niên 1970, để tìm những giấy tờ liên quan tới ông. Khi trở lại, ông có nhắc tới tên Grosjean, và nói, ông nghĩ bà có thể là người đã đưa ông từ Ba lan tới Thụy sĩ."

 Birgit Littman, sử gia về nghệ thuật, quen biết Verena và Bruno vào đầu thập niên 1980, cho biết: một chương trong Những Đoạn Rời - giai đoạn Binjamin gặp mẹ ở Majdanek – đã có một cuộc đời trước đó: như là một cuốn phim. Vào năm 1983, bà được giao cho phim truyện (script) để đọc. "Ông ta muốn tôi thủ vai người mẹ ở trong đó". Nhưng Littman khó tin câu chuyện, nên từ chối. Tình bạn của họ chấm dứt. Cuốn phim không hề được thực hiện. Tuy nhiên, chừng hơn mười năm sau, bà nhận được một ấn bản Những Đoạn Rời gửi theo đường bưu điện, cùng với một lá thư thật hằn học (hostile) của Venera: cuốn sách được xuất bản như thế này chứng tỏ sự thực của câu chuyện do Wilkomirski kể. Rằng nếu bà tiếp tục ‘tung ra những lời dối trá" về tác giả cuốn sách, luật sư của ông sẽ hành động. Nói một cách khác, Wilkomirski, sau cùng, đã "chứng tỏ" căn cước, lý lịch của ông, trước "thế gian" (trước những con mắt của thế giới), bằng hành động: cuốn sách được chấp nhận và được xuất bản. Rằng ông là cuốn sách của mình (that he was his book).

 Wilkomirski không thừa nhận câu chuyện do Littman kể, về cuốn phim. "Ý định làm phim không phải của tôi, mà của hai sinh viên, anh em sinh đôi. Họ muốn làm một cuốn phim về một người tự làm những cây kèn clarinets, cho chính mình. Những hồi ức của tôi được sử dụng làm nền cho cuốn phim, phim truyện không phải do tôi viết." Tuy nhiên, một trong hai sinh viên, Rolando Colla, đã xác nhận câu chuyện trên, và phim có tên là "Binjamin", trong đó có cảnh người mẹ ở trại tù, và cảnh ẩn trốn cùng những anh em ở một trang trại.

 Những hồi tưởng (recollections) ở trên đây đề nghị: hình ảnh một người đàn ông; người này nghĩ rằng ông ta có thể là người Ba lan, không phải người Latvia; người này có thể có họ hàng với một nhà vĩ cầm Ba lan; người này đã từng thực hiện vài chuyến đi, vào năm 1980, tới Đông Âu. Ông ta có một câu chuyện để kể – câu chuyện của chính ông, những đoạn đời, những mảnh vụn ấu thời – nhưng lại chưa làm sao cho câu chuyện trở thành đầy đủ, theo nghĩa: làm cho người khác, hoặc cho chính mình, có thể tin được. Ông cần khám phá thêm chi tiết, lục lạo thêm tài liệu, moi thêm khả thể.

 Nghĩ về ông, như ông ta phải là (phải trở thành một con người) như trên, tôi chợt nhớ tới một chi tiết thú vị. Một chi tiết "dư ra", theo nghĩa, ông chưa hề nhắc tới, trong những lần phỏng vấn trước đó. Trong cuộc ghi âm chứng liệu (testimonies) về những kinh nghiệm của ông, cho Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm Lò Thiêu ở Washington vào ngày 26 tháng Chín 1997, ông đã nói về trại tập trung Majdanek, với sự chính xác và hiểu biết. Ông biết cả tên họ (full names), của một số cai tù nữ – những người tù thường chỉ biết họ, qua biệt hiệu (nicknames). Khi tôi hỏi ông về chuyện này, ông nói: "Trẻ con chúng tôi đã biết những tên thực của họ".

 Tôi ghi nằm lòng, châm ngôn của Israel Gutman: "Trong thời kỳ Lò Thiêu, những điều khác thường đã xẩy ra; chúng không tuân theo những luật lệ tổng quát". Nhưng tại sao trẻ con, mà không phải là người lớn, biết được tên thực của một cai tù? Có vẻ như là Wilkomirski – người lớn, đã nghiên cứu tất cả những gì ông vớ được, về Majdanek: tài liệu, sách vở, phim ảnh. Đúng ra, tôi ngờ rằng (khó mà chứng tỏ), sự hiểu biết của ông về nó, ít nhất là đã dựa vào phim tài liệu của Đức, Der Prozess, trong đó có những mô tả chi tiết về trại tù, những "accounts" mãnh liệt của người chứng, từ cả hai phía, cai tù và tù nhân, và thật lạ chi đâu, có cả một đoạn về những trẻ em ở đó.

 Wilkomirski thường mô tả, hồi nhớ của ông là theo kiểu "quay phim" (his memories as being film-like). Tôi nghĩ, còn hơn thế nữa: chúng được lấy ra từ phim ảnh. Trong phim tài liệu Thụy sĩ về ông, Fremd Geboren, có đoạn ông ông ngồi nhìn những cảnh tượng xẩy ra tại một trại tập trung, trên màn ảnh TV của ông. Nét mặt ông đầy sự đau đớn: y hệt nét mặt khi nói về những ngày ông ở trại tù.

 Từ đầu câu chuyện, từ đầu cuộc điều tra, cho tới đây, với tất cả những lý do đã được đưa ra, tôi đi đến kết luận: Tôi không thể tin Những Đoạn Rời, là bất cứ một cái gì khác, ngoài cái này: nó là một giả tưởng.

 Elena Lappin: The Man With Two Heads (Granta 66, Summer 1999)

 (Jennifer Tran chuyển ngữ, có lược bỏ một số đoạn)