Author_image
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ

Vĩnh Biệt Chính Trường

Vaclav Havel

Lời giới thiệu:

Vaclav Havel sinh ngày 5 tháng Mưòi 1936, tại Prague, Tiệp Khắc. Cha của ông là một thương gia giầu có. Khi cuộc đảo chánh do những phần tử được Moscow hỗ trợ nắm quyền Czechoslovakia vào năm 1948, gia đình ông bị liệt vào danh sách "kẻ thù của giai cấp", và bị tịch thu tài sản. Bản thân ông, bị cấm không được học quá chương trình tiểu học. Ông học xong trung học một cách lén lút, vào ban đêm, trong khi ban ngày làm chuyên viên phòng thí nghiệm. Bị bác đơn xin học ngành nghệ thuật, ông học kinh tế tại Đại học Kỹ thuật Czech. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1957, phục vụ quân đội trong hai năm.

Nhà soạn kịch, chính trị gia, nhà đối kháng, ly khai và tranh đấu cho nhân quyền. Bị bắt 4 lần, trải gần 5 năm trong tù, 1977-89. Được dân bầu làm tổng thống Tiệp (Czechoslovakia), 1989; và bầu làm tổng thống Cộng Hoà Czech Republic (1992).

Thập niên 1960, ông sáng tác những bi hài kịch theo kiểu Kafka, nhằm chỉ trích sự phi lý của chế độ thư lại cộng sản. Trong vở kịch dài "The Garden Party" (1963), những nhân viên nhà nước cộng sản đã không làm sao phá huỷ được chế độ thư lại, chỉ vì không làm sao giải được ngôn ngữ mật mã mà nó sử dụng. Thời kỳ đen tối ngay sau khi xe tăng Liên Xô giập nát "Mùa Xuân Prague 1968", lợi dụng chút tự do ngắn ngủi, ông viết hai vở kịch mang tính hiện sinh, "The Conspirators" và "The Mountain Hotel".

Thời gian dài sau đó, tiếp theo sau cuộc xâm lăng của Liên Xô, ông quay qua viết chui, với những tác phẩm như Phỏng Vấn, "Interview" (1975), Một Cái Nhìn Riêng Tư, "A Private View" (1975), và Phản Đối, "Protest" (1978). Nhân vật là chính ông, có cái tên là Vanek ở trong những vở kịch kể trên, một nhà ly khai, và nhà văn, bị nhà nước bách hại. Những vở kịch trên đều được trình diễn trong bí mật.

Bà vợ của ông mất vì ung thư, tháng Giêng 1966. Bản thân ông cũng đã trải qua những cuộc điều trị ung thư phổi.

Sau đây là bài diễn văn của Tổng Thống Havel, tại Nữu Ước, vào ngày 19 tháng Chín, 2002, tại Graduate Center of the City University, nhân chuyến công du nước Mỹ sau cùng của ông, với cương vị Tổng thống xứ Cộng Hòa Czech Republic.

Trong những số tới Jennifer tôi sẽ giới thiệu thêm về những tác phẩm của Havel.

Vẫn còn ngời ngời trong tôi, là kỷ niệm chuyến đi mười ba năm trước đây, vào tháng Hai 1990, thành phố Nữu Ước chào mừng tôi, như là vị tổng thống mới tinh của xứ Czechoslovakia. Lẽ dĩ nhiên, đây không phải vinh danh cá nhân tôi, mà là một cách vinh danh tất cả những đồng bào của tôi, mà, bằng một hành động không bạo động, đã có thể lật đổ một chính quyền quỉ ma từng ngự trị trên xứ xở này. Và cũng vinh danh tất cả những người, trước tôi, hay cùng với tôi, đã chống cự, cưỡng lại chế độ đó, một lần nữa ở đây, bằng những phương tiện không bạo động. Rất nhiều người yêu tự do trên toàn thế giới, đã nhìn chiến thắng của cuộc Cách Mạng Nhung Czechoslovak Velvet Revolution tại Tiệp khắc như là một loài chim đem tin mừng, về một thế giới nhân bản hơn đang cận kề, một thế giới mà trong đó, tiếng nói của thi sĩ thì cũng đầy quyền uy, chẳng thua gì của ông chủ ngân hàng.

Hôm nay chúng ta vui vầy ở đây, ấm áp, ngời ngời, đầy ấn tượng, chẳng kém chi lần trước, và một không khí như vầy tự nhiên khiến tôi băn khoăn về một điều, rằng, thời gian mười ba năm trôi qua, tôi có gì thay đổi, và khoảng đời làm tổng thống, chắc là chẳng thoải mái, khó mà cảm thông, ảnh hưởng gì tới tôi, và những kinh nghiệm không thể nào đếm được, qua bằng ấy năm tháng chẳng thể nào êm đềm, đã thay đổi con người tôi, bằng những cách như thế nào.

Và tôi khám phá ra một điều phải nói là kỳ quái. Bởi vì ai mà chẳng cho rằng, giầu kinh nghiệm như vậy sẽ làm cho tôi tự hào hơn, tự tin hơn, sáng sủa hẳn ra, nhưng ngược hẳn vậy. Tôi trở nên bớt tự tin, và càng khiêm tốn hơn. Các bạn có thể không tin, nhưng mỗi ngày tôi một thêm khớp vì phải lên sân khấu; ngày nào tôi cũng sợ, rằng mình không đóng tới nơi tới chốn vai của mình, và như thế, tôi sẽ làm tệ, làm hỏng công việc đó. Càng ngày càng trở nên khó khăn hơn, cái việc viết diễn văn, và càng sợ hơn, khi ngồi viết: cứ như là rắn cắn phải lưỡi, nghĩa là bổn cũ soạn lại, hàng nhiều lần. Cứ thế, tôi sợ rằng tôi sa sút một cách thê thảm đối với hoài vọng, và tới một ngày nào đó, mình lộ chân tướng: chỉ là một gã bất tài, một tên thất bại, và cho dù đầy thiện ý, tôi sẽ tạo những lỗi lầm ngày càng lớn, cho tới một ngày, tôi không còn được tin cậy, chẳng có chút đáng giá, nghĩa là vô dụng, và do đó mất quyền làm những gì tôi làm.

Và trong khi những vị tổng thống khác, trẻ hơn tôi vào lúc tại chức, tỏ ra rất hân hoan mỗi lần có cơ hội gặp gỡ, giữa họ với nhau, hoặc với những người quan trọng khác, xuất hiện trên truyền hình, hay ban diễn từ, đọc diễn văn, bấy thứ đó chỉ làm tôi thêm sợ. Đòi phen, lẽ ra tôi phải hân hoan đón chào một cơ hội tốt, thì tôi lại cố tình tránh né do nỗi sợ phi lý, là tôi sẽ làm hỏng thời cơ kia bằng cách này cách khác, và còn có thể tổn hại đến chính nghĩa. Nói tóm tắt là, tôi ngày càng thêm ngần ngại, nghi ngờ, ngay cả với chính mình. Và tôi càng có thêm kẻ thù bao nhiêu, tôi càng cùng phe với họ bấy nhiêu, ở trong cái đầu của mình, và như thế, tôi trở thành kẻ thù khốn kiếp nhất, tệ hại nhất của chính tôi.

Làm sao giải thích nỗi đoạn trường, cuộc truân chuyên, là cái nhân cách của tôi, ở đây?

Có lẽ, một khi không còn làm tổng thống nữa, tôi sẽ đào sâu thêm về vấn đề này, nghĩa là kể từ tháng Hai sắp tới, tôi sẽ có thì giờ, và có một quãng cách với chính trường, và, lại có tư cách của một con người hoàn toàn tự do, tôi sẽ khởi sự viết một cái gì đó khác với những bài diễn văn chính trị.

Tuy nhiên, vào lúc này, hãy cho tôi thử đưa ra một trong rất nhiều lời giải thích, về những nguồn cơn cơ sự kể trên. Như bạn biết đấy, càng về già, càng trở nên chín chắn, về kinh nghiệm cũng như là về tâm trí, tôi dần dần nhận ra một cách đầy đủ tầm mức trách nhiệm của mình, và về những đòi hỏi rất đỗi thay đổi, đa dạng, đẻ ra từ cái công việc mà tôi chấp nhận. Hơn thế nữa, thời gian cứ thế tiến gần, trong khi những người chung quanh tôi, thế giới, và - điều tệ nhất – lương tâm của riêng tôi, chẳng còn hỏi tôi những điều đại loại như thế này: đâu là những lý tưởng, mục tiêu của tôi, tôi đã mong hoàn thành những gì, thay đổi thế giới ư, làm sao thay đổi... nhưng thay vì như thế, bây giờ là những câu hỏi như thế này: cuối cùng tôi đã làm được chút nào không, những ý hướng nào đã được đề ra, và hậu quả thế nào, di sản để lại, và cái kiểu thế giới nào, tôi muốn để lại sau lưng mình. Và bất thình lình, tôi cảm thấy nỗi nhức nhối, khó chịu, vừa mang tính tâm linh, vừa mang tính trí thức: vẫn là nỗi nhức nhối, đã có lần tôi cảm thấy, khi đứng lên, chống lại chính quyền toàn trị, và đi vào tù vì dám làm như thế. Chính nỗi nhức nhối này làm cho tôi đắm chìm vào những nghi ngờ, về giá trị việc làm của riêng tôi, về những việc làm của những người mà tôi hỗ trợ, và về ảnh hưởng của những người có được vì tôi.

Trong quá khứ, mỗi lần được trao những bằng cấp danh dự, nghe những bài diễn văn ngợi ca, tôi thường cười với chính tôi, rằng, làm sao mà trong rất nhiều dịp như thế này, tôi lại nhớ tới một chú bé, trong câu chuyện cổ tích, nhân danh cái tốt, đập đầu vào bức tường tòa lâu đài của những ông vua độc ác, ma quỉ, cho tới khi bức tường đổ xuống, chú bé trở thành vì vua, và trị vì vương quốc trong nhiều năm, bằng sự khôn ngoan và tài đức của mình. Đừng trách tôi coi nhẹ những dịp lễ lạc như trên, tôi trân trọng, đánh giá cao những bằng cấp tiến sĩ danh dự mà tôi đã được trao tặng, và tôi luôn luôn cảm động, khi nhận chúng.

Tuy nhiên, như trong câu chuyện thần tiên trên chứng tỏ, tôi chỉ muốn đưa ra một mặt khác - hơi có tính hài hước - của vấn đề. Bởi vì, tôi bắt đầu hiểu ra, tại làm sao, duyên cớ nào, tất cả giống như một cái bẫy quái quỉ mà số mệnh đã bầy đặt cho tôi. Bởi vì, như một viên đạn sỏi ở trong một cái ná của một đứa trẻ, chỉ trong một đêm, tôi thấy mình ở trong một thế giới của những câu chuyện thần tiên, và rồi, trong những năm tiếp theo, phải trở về trái đất, và nhận ra, những câu chuyện thần tiên chỉ là phóng chiếu những mẫu người (human archetypes), và thế giới chẳng hề được cấu trúc như một câu chuyện thần tiên. Và, chẳng bao giờ cố gắng làm một ông vua như trong chuyện thần tiên kể trên, mặc dù "bị" số mệnh đẩy vào một sự biến của lịch sử, thì cứ nói như vậy, nhưng tôi lại không có được sự miễn nhiễm ngoại giao, khi té cái bịch xuống trái đất, từ thế giới hào hứng cách mạng vào thế giới thư lại tẻ nhạt thường ngày.

Làm ơn hiểu dùm, tôi không hề muốn nói rằng tôi đã bỏ cuộc, đầu hàng, hay là mọi chuyện đều vô ích. Ngược lại, thế giới, nhân loại, và nền văn minh của chúng ta, tất cả thấy mình ở ngã tư, ngã năm, có lẽ quan trọng nhất, trong lịch sử của chúng, vào lúc này. Chưa từng có một cơ may nào lớn lao như vậy, trong những thời kỳ mới đây thôi, để hiểu tình thế, hoàn cảnh của chúng ta, và hai ngả đường mà chúng ta phải chọn lựa: gật đầu chấp nhận con đường của lẽ phải (reason), hòa bình, và công lý, thay vì con đường dẫn đến sự hủy diệt chính chúng ta.

Tôi nhấn mạnh, chỉ điều này: gay go lắm, chông gai lắm, là con đường của lẽ phải, hòa bình và công lý. Chấp nhận gian khổ, phải tự xóa mình, phải kiên nhẫn, phải chịu học – phải có tri thức – phải có một cái nhìn khái quát, điềm đạm, và phải dám chịu rủi ro, do hiểu lầm, hiểu sai. Cùng lúc đó, chấp nhận con đường của lẽ phải, hòa bình và công lý còn có nghĩa: mọi người nên tự phán đoán về chính mình, rằng tài cán ấy, sức lực này, có thể làm nên cơm cháo gì, và hành động tùy theo "nội lực" của mình, đừng để xẩy ra tình trạng tẩu hỏa nhập ma, hại không chỉ riêng mình mà còn gây họa cho người khác; chỉ như vậy thì cái nội lực của mỗi con người mới không bị cạn láng; mà ngày một tăng thêm, nhịp nhàng với những nhiệm vụ, mục tiêu mới mà tự mình đề ra cho mình. Nói một cách khác, sẽ chẳng có chuyện dựa vào bí kíp, kỳ thư, hoặc thần dược, hay linh chi ngàn năm; nghĩa là đừng dựa vào những câu chuyện thần tiên và những người anh hùng ở trong đó. Cũng chẳng còn có chuyện dựa vào những sự biến của lịch sử, nhờ đó, những nhà thơ ngồi chễm chệ vào những chiếc ngai của những ông vua bà chúa, những ông tướng, ông tá vừa bị lật nhào. Những tiếng nói cảnh giác của những nhà thơ cần phải được lắng nghe hết sức cẩn trọng, và càng được cẩn trọng nếu đem ra áp dụng, có lẽ còn cẩn trọng hơn cả của những tiếng nói của mấy ông chủ nhà băng hay mấy ông giao dịch chứng khoán. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta đừng hoài vọng, rằng thế giới – ở trong tay những thi sĩ – bất thình lình biến thành một bài thơ.

Có lẽ phải như thế thôi. Có một điều tôi biết thật rõ, là, cho dù tôi đã đóng vai trò của mình như thế nào, cho dù tôi rất muốn, hoặc xứng đáng được trao cho, cho dù tôi, nhiều hoặc ít, hài lòng với những cố gắng của mình, tôi hiểu ra rằng, cái việc làm tổng thống đó đúng là một món quà tặng tuyệt vời mà số mệnh đã ưu ái trao cho tôi. Tôi đã có cơ hội, có cái phần của mình, ở trong những biến động lịch sử, chúng thực sự đã thay đổi bộ mặt của thế giới. Và còn điều này nữa, như là một kinh nghiệm của cuộc đời, và một cơ hội có tính sáng tạo, nó thật đáng, với tất cả những cạm bẫy ẩn giấu ở trong nó.

Và bây giờ, nếu các bạn cho phép, sau chót, tôi cố gắng tạo một khoảng cách với chính mình, và thử đưa ra ba, trong số những "đoan chắc", đúng ra là những nhận xét (observations) ngày nào của tôi, mà cái quãng đời làm tổng thống ở trong giới chính trị cao cấp, đã chứng nghiệm:

(1). Nếu nhân loại sống còn, và tránh được những thảm họa mới, thì, cái trật tự chính trị toàn cầu phải được đi kèm bởi một sự kính trọng lẫn nhau một cách thành thực, giữa những lục địa, quốc gia, văn hóa, văn minh trên những vùng địa cầu khác nhau; và bởi những cố gắng thực thà, lương thiện của mỗi thành phần như thế đó, trong việc tìm kiếm những giá trị hay là những thế giá đạo đức cơ bản mà họ cảm thấy có thể là của chung, và coi chúng là những viên gạch xây dựng những nền tảng của cuộc sống chung của họ, ở trong một thế giới được nối kết vào với nhau, trên mặt toàn cầu.

(2). Cái độc, cái ác phải được đối mặt, và hủy diệt ngay từ khi còn trong trứng nước; và nếu không có cách chi để mà diệt cái ác ngay từ mầm mống của nó, thì đành phải sử dụng tới vũ lực. Nếu cái kho tàng vũ khí hiện đại, tinh vi hữu hiệu là như thế, tốn tiền tốn bạc là như thế, phải được lôi ra sử dụng, thì hãy sử dụng nó cách nào mà không làm khổ, làm hại tới dân lành. Nếu không thể được như vậy, nghĩa là người dân lành cứ thế mà chết theo, thì cái kho võ khí khốn kiếp kia là một sỉ nhục cho toàn nhân loại, và bao nhiêu thời giờ, bạc tỉ, sức lực, trí tuệ đổ vào đó, thật đáng gọi là một sự tốn hao vô ích.

(3). Nếu chúng ta xem xét những vấn đề mà thế giới hiện nay đang phải đối đầu, nào là kinh tế, xã hội, sinh thái hay là những vấn đề mang tính tổng quát về văn minh, cho dù muốn hoặc không, chúng ta đều đụng với câu hỏi: tiến trình hành động như thế đó, có thích đáng hay là không, và theo một cái nhìn dài hạn, mang tính toàn cầu, trách nhiệm của nó ra sao. Trật tự đạo đức và những nguồn gốc của nó; nhân quyền và những nguồn gốc về quyền của dân chúng, từ đó chúng ta có được những điều được gọi là nhân quyền như hiện nay; trách nhiệm làm người và những nguồn gốc của nó; lương tâm con người và một cái nhìn thấu đáo, mà qua đó, không có gì có thể che giấu, bằng bức màn tre hay màn sắt, hay bất cứ thứ màn gì, của sự dối trá, hay của những lời nói cao thượng, phong nhã, quân tử: Trong niềm xác tín sâu xa nhất của tôi, và trong kinh nghiệm của tôi, đó là những chủ đề chính trị quan trọng nhất của thời đại chúng ta.

Các bạn thân mến, khi nhìn quanh tôi, và thấy rất nhiều người nổi tiếng có vẻ như từ trên trời sa xuống trái đất, tôi không thể không có cảm giác, rằng, sau cùng, sau cú té dài từ thiên thai xuống trái đất cứng rắn này, bất thình lình tôi lại thấy mình, một lần nữa, ở trong một câu chuyện thần tiên. Có lẽ chỉ có chút khác biệt: bây giờ, tôi có thể thưởng thức cảm giác này, nhiều hơn là lần cách đây mười ba năm.

Jennifer Tran chuyển ngữ

(từ bản tiếng Anh của Paul Wilson, dịch từ nguyên bản tiếng Czech, đăng trên tờ Điểm Báo Nữu Ước, NYRB, số đề ngày 24 tháng Mười, 2002).