Dr. Eyad Sarraj
Tại sao chúng tôi cấy
bom vào người rồi cho nổ?
Bài viết này của Dr. Eyad Sarraj trên tờ Thời Báo
(Time), ra ngày 08.04.2002 giải thích tại sao rất nhiều đồng bào của
ông muốn
là những người tử đạo.
Tác giả là người Palestine, y sĩ khoa tâm thần, và là người sáng
lập Ủy ban độc lập bảo vệ quyền công dân Palestine (Palestinian
Independent Commission for Citizens’ Rights).
Người dịch
Vài tuần trước đây, chị tôi, một chuyên viên và mẹ của bốn đứa con, đã
tỏ ra hết sức xúc động, khi xem truyền hình thấy cảnh xe tăng Israel
cầy nát đường phố, trong khi binh sĩ Israel giày xéo nhà cửa trong một
trại tị nạn. Và bà đã làm cho tất cả chúng tôi chết sững, khi tuyên bố,
rằng
bà cũng muốn trở thành một người tử đạo. Vài giờ sau đó, một phụ nữ
Palestine còn trẻ đã làm cả thế giới sững sờ khi biến mình thành trái
bom và cho nổ tung tại Jerusalem, làm chết một người Israel và150 người
khác bị thương. Trong những tuần sau đó, nhiều phụ nữ theo nhau xếp
hàng, cái danh sách
những trái bom người cứ kéo dài mãi ra, trong khi thế giới mỗi lúc một
thêm
cảnh giác, và vẫn không kém phần hoang mang ngỡ ngàng.
Trả lời câu hỏi tại sao đàn ông, và bây giờ cả đàn bà Palestine cấy bom
vào người rồi tự cho nổ tung lên tại những quán ăn nhà hàng, hay trên
những chiếc xe buýt Do Thái – là trả lời câu hỏi, tại sao có cuộc xung
đột Ả Rập-Do Thái?
Quốc gia của chúng tôi là một quốc gia của giận dữ và ngang ngạnh. Lúc
này, điều phải đấu tranh để giành được là: làm sao để không cấy bom vào
người rồi nổ. Chúng tôi được biết người người nối đuôi nhau trên con
đường đi tới thiên đàng, và tôi tin như vậy.
Điều gì xô đẩy họ làm một hành động như thế, là cả một lịch sử dài của
tủi nhục và ước muốn trả thù mà mọi người Ả Rập đều ấp ủ. Kể từ khi
thành lập Israel vào năm 1948, và hậu quả của nó là nhổ bật rễ những
người Palestine, nỗi tủi hận mọc rễ và ăn sâu vào tâm trí con người Ả
Rập. Tủi nhục là cảm thức đau nhức nhất trong văn hóa Ả Rập, nó đưa đến
cảm nhận: rằng thật chẳng đáng sống làm chi, nếu con người bị tủi nhục.
Con người Ả Rập đáng kính trọng, nể vì, là khi người đó từ chối đau
nhức
vì tủi nhục, và chết trong danh dự.
Chuỗi thời gian ba mươi năm quân đội Israel chiếm đóng khu vực West
Bank và Gaza Trip, là một nhắc nhở thường xuyên, về sự yếu ớt của người
Ả Rập. Nhưng chính sự hủy diệt tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại
Lebanon, bởi Ariel Sharon, đã chuyển cuộc đụng độ giữa Palestine và Do
Thái vào
vùng đất bị chiếm đóng và vào Israel. Cảm thấy chẳng trông mong được
vào
đâu, và cảm thấy tủi nhục, những cảm thức như vậy đã dọn đường đưa tới
giận dữ và sau đó, đổ ào ra mặt đường như một cơn lũ của sự khinh thị,
ngang bướng. Đó là cuộc chiến đấu "sỏi đá cũng biết đau" lần thứ nhất.
Bỗng nhiên người Palestine cảm thấy họ đang giành lại được phẩm giá của
mình, bằng cách chiến đấu với những kẻ xâm lược, bằng cách không còn là
những nạn nhân không ai ngó ngàng. Đối đầu với quân đội Do Thái hơn hẳn
họ, với vũ khí khủng khiếp, họ cảm thấy, như những đứa trẻ đang ném
gạch đá ở nơi đường phố, họ là những người chiến thắng, nếu nói về mặt
đạo đức, tinh thần; họ là những người anh hùng của sự khinh thị, dè
bỉu, coi thường, bất cần, ngang ngược, và đây là vũ khí cuối cùng của
họ.
Với một cảm quan chiến thắng như thế đó, Arafat mở ra một viễn ảnh hòa
bình, và sự nhìn nhận của đối phương của ông, là Do Thái, nhưng hội
nghị Oslo và hòa bình tiếp theo đó đã làm cho người Palestine vỡ mộng,
và ném họ vào một giai đoạn mới của sự đối đầu. Thái độ ngần ngừ, cố
kéo dài thời gian rút quân ra khỏi vùng đất chiếm đóng, của nhà cầm
quyền
Do Thái, và sau đó, thất bại thảm thương của những cuộc toạ đàm tại
Camp
Davis, đã chuẩn bị mảnh đất mầu mỡ cho những mầm hạt của sự dấn mình
chiến
đấu, và tự cấy bom vào người rồi nổ.
Sự tái xuất hiện của Ariel Sharon trên trường chính trị đã làm bật ra
cuộc chiến "sỏi đá cũng biết đau" lần thứ nhì. Con số tử vong, tàn
tật về phía Palestine cứ thế tăng lên cùng với ý định của Sharon, khi
tuyên bố, càng có nhiều thương vong bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Hỡi
ơi,
lần này, những người lính Do Thái không đi, và có thể nói, họ trở thành
vô
hình, bởi vì họ núp ở bên trong chiến xa, bắn ra ngoài. Dân quân
Palestine
bèn chuyển mục tiêu tới thường dân Do Thái tại chợ búa hay quán cà phê.
Với những kẻ cực đoan thì chẳng cần phân biệt lính hay dân sự, Do Thái
là
Do Thái. Là kẻ thù. Như nhau tuốt.
Bao nhiêu trường hợp tuẫn mình là ngần ấy câu chuyện riêng tư của bi
thương và tức tưởi. Có lần một ký giả tò mò đã yêu cầu tôi giới thiệu
anh ta với một người hiện đang có ý định tuẫn mình. Khi người ký giả
hỏi: "Tại sao bạn làm chuyện đó?", thì được đáp rằng: "Bạn có chiến đấu
cho xứ sở của bạn, hay là không? Lẽ dĩ nhiên có. Bạn sẽ được đất nước
của
bạn kính nể, như là một con người can đảm; còn tôi, tôi sẽ được tưởng
nhớ,
như là một kẻ tuẫn mình."
Đây là ảnh hưởng của việc giảng dậy kinh Koran, một cuốn sách quyền lực
nhất trong thế giới Ả Rập từ 14 thế kỷ qua. Trong cuốn thánh kinh này,
Thượng Đế hứa hẹn với những người Hồi Giáo hy sinh thân mình cho Đạo
Hồi, rằng họ sẽ chẳng bao giờ chết. Họ sẽ sống ở Thiên Đàng. Những
người Hồi
Giáo, đàn ông, đàn bà, và ngay cả người thế tục, đã hiểu lời hứa hẹn
trên
theo nghĩa đen của những từ ngữ. Thiên Đàng, như thế, đã trở thành phần
thưởng tối thượng dành cho những người sùng đạo nào can đảm dám chấp
nhận
thử thách tối hậu đối với đức tin của mình.
Điều mà người đàn ông trẻ đang tính cấy bom vào người để tự nổ, không
nói ra với người ký giả, đó là anh ta đang sôi sục lòng ham muốn trả
thù. Khi còn là một đứa bé sáu tuổi, anh ta đã bất lực, và ràn rụa nước
mắt, đứng nhìn cha mình bị những người lính Do Thái đánh đập. Anh ta sẽ
chẳng bao giờ quên được cảnh, cha mình bị những người lính Do Thái kéo
đi trong khi máu chảy ròng ròng từ lỗ mũi.
Khi Sharon giam lỏng, coi Arafat như là một con tin, và sát muối
vào những vết thương đau xót, ông ta đã đẩy cơn điên loạn của chúng tôi
lên một mức độ ghê rợn mới. Một cô gái Palestine khác đã lấy mình làm
bom, nổ tại Jerusalem tuần lễ vừa qua, giết chết hai binh sĩ Do Thái và
làm bị thương nhiều người. Cô không phải là người cuối cùng.
Jennifer Tran
|