Ngôi mộ đẹp nhất thế giới

 

Ở Nga-xô, tôi chưa từng thấy một cảnh trí nào hùng vĩ, gây ấn tượng như là ngôi mộ của Tolstoi. Nơi hành hương nổi tiếng của bao thế hệ tương lai nằm riêng lẻ, cô đơn, dưới bóng một cánh rừng. Một con đường nhỏ, hẹp đưa tới gò đất, chỉ một khoảnh vuông chẳng ai trông sóc ngoài bóng râm của những cây cao. Từ thuở nào, do chính tay Tolstoi trồng, giờ này, cao thật cao, chúng đong đưa cành lá theo tiết thu đầu mùa. Chi tiết về người trồng cây, cô cháu gái của Tolstoi kể cho tôi. Ông và Nicolai, hai anh em khi còn nhỏ, đã nghe từ miệng một người vú nuôi, hay một bà trong làng, một câu chuyện cổ tích, theo đó, nơi chúc phúc chính là chỗ con người ném xuống những mầm cây. Như một trò chơi, cả hai đã làm theo, loay hoay trồng hạt, tại một khoảnh đất thuộc cơ ngơi dòng họ; rồi quên bẵng đi, như bao trò chơi con nít khác. Năm tháng qua, bỗng một ngày ông nhớ lại khúc đời xưa, và giấc mơ về một chốn chúc lành đã mở ra bao giầu sang, bao ý nghĩa cho con người quá mệt mỏi vì cuộc đời. Thế là ông dặn dò: hãy chôn ông dưới những tàng cây do chính tay ông trồng.

    Ước mong của Tolstoi đã được thực hiện, và kết quả là một ngôi mộ đầy ấn tượng, tràn trề mê hoặc, đẹp nhất thế giới. Một gò đất vuông vuông giữa cánh rừng, xanh tươi hoa lá - nulla crux, nulla corona - không thập giá, không bia mộ, không ghi chú, một cái tên Tolstoi cũng không luôn. Hơn bất kỳ một người nào, con người vĩ đại này đã từng đau khổ vì cái tên của mình, vì danh vọng của mình; con người đó đã được chôn cất trong vô danh, như một tên ma-cà-bông (vagabond) mà người ta ngẫu nhiên chạm mặt, hay như một người lính chẳng ai từng biết. Người ta chẳng hề ngăn cấm bất cứ một người nào muốn tới gần nơi yên nghỉ cuối cùng của ông. Cái hàng rào mỏng manh gói tròn ngôi mộ cũng chẳng hề đóng. Cái điều làm rộn ông, lại vẫn là sự kính trọng của con người với tính tò mò về những vĩ nhân. Ở đây, sự giản dị khiến họ từ bỏ ý định: muốn ứng xử như là một khán thính giả, hay là cất cao giọng. Gió thầm thì cành lá bên trên ngôi mộ, của một kẻ không tên, chút nắng ấm vui đùa cùng mẩu đất, mùa đông, tuyết nhẹ nhàng phủ trắng; đông hay hè thì cũng thế thôi, người ta có thể dừng chân ở chốn này, mà chẳng hề nghi ngờ một điều: bên dưới đây là nơi an nghỉ của một trong những con người quan trọng nhất thời đại chúng ta. Nhưng chính sự vô danh này mới cảm động, hơn là những đá hoa, những cẩm thạch, những huy hoàng tráng lệ (mà con người có thể) tưởng tượng (ra được): trong con số, chừng trăm người tới nơi yên nghỉ cuối cùng của Tolstoi nhân dịp đặc biệt này (1), không ai có ý nghĩ, ngắt hái một bông hoa làm kỷ niệm, từ gò đất u buồn. Chưa một nơi nào trên thế giới lại cho thấy một điều như là nơi đây: rằng cực kỳ giản đơn gây ấn tượng thật là lớn lao. Không thể có, ở ngôi mộ Nã Phá Luân dưới vòng cung cẩm thạch đài tưởng niệm Thương Phế Binh, chiếc quan tài của Goethe trong căn hầm của những ông hoàng Weimar, cái quách của Shakespeare tại tu viện Westminster: những nơi chốn như vậy làm sao có thể gây chấn động, về một điều chi thật rất đỗi con người, bằng con người mà tấm mồ lặng lẽ đến thế này, cảm động khôn nguôi, chỉ với cái vô danh, đâu đó giữa nẻo rừng, bên dưới tiếng thì thầm của gió, không thông điệp, không một từ, một lời.

  

Stefan Zweig (2)

 

Nguyễn Quốc Trụ chuyển ngữ

______________

Chú thích:

(1) Lễ kỷ niệm lần thứ một trăm, năm sinh Tolstoi. (Chú thích của Hélène Denis-Jeanroy, người dịch bản tiếng Pháp, từ nguyên tác tiếng Đức, trong Xứ sở, Thành phố, Phong cảnh (Pays, Villes, Paysages, Écrits de voyage, nhà xb Belfond, Paris, 1996).

(2) Stefan Zweig: nhà văn Đức, sinh năm 1881, tại Vienne, tác giả những tác phẩm như Thế giới hôm qua, Montaigne (tiểu sử).... Một số đã được dịch ra Việt ngữ như: Hai mươi bốn giờ trong đời một người đàn bà, Thư của người đàn bà không quen biết, Người khùng Amok, Người chơi cờ.... Khi Hitler lên nắm quyền, ông cùng vợ chạy qua Brésil vào tháng Tám 1941. Hai vợ chồng cùng tự tử tại đây, vào ngày 23 tháng Hai, 1942. (Chú thích của người chuyển ngữ, bản tiếng Việt).