gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ


Trong những người nước ngoài gắn bó với Việt Nam, học giả Pháp Georges Boudarel (1926-2003) có một vị trí và số phận thật khác thường, tới mức không thể nói về ông mà tránh lời phán xét. Song lịch sử có quyền phán xét một cá nhân bị cuốn vào và trở thành chứng nhân của nó hay không, một cá nhân giữa những say mê và thất vọng bởi lí tưởng, những mù quáng, tỉnh táo và ân hận suốt một đời? Hết khôn đến dại, hết dại đến khôn. Dù muốn hay không, thời điểm lịch sử nào cũng có những Boudarel của nó.

 

Bi kịch cá nhân của Boudarel vừa cùng ông ra đi, nhưng bi kịch lịch sử của cuộc đời và sự nghiệp ông còn lại, với nước Pháp và với Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu một bài viết đăng trên nhật báo lớn Le Monde của Pháp khi ông qua đời.

 talawas

 Jean-Claude Pomonti 

Georges Boudarel: "Tôi chỉ là một thằng ngu" [1] 

 Nguyễn Quốc Trụ dịch 

 Sau một thời gian dài lâm bệnh, ông Georges Boudarel, sử gia sáng suốt về Việt nam cộng sản, cựu chính uỷ theo chủ thuyết Stalin [2] , đã mất ngày thứ Sáu, 26 tháng Chạp, tại vùng Paris, thọ 77 tuổi. Cuộc đời ông là câu chuyện của một vị giáo sư trẻ, say mê chính trị, theo dòng đời xô đẩy mà trở thành trung tâm của một cuộc tranh luận xuất phát từ việc ông từng làm việc trong trại giam tù binh Pháp của Việt Minh với tư cách chính uỷ, tức là ở về phía những người cai tù, trong thời gian chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. 

 Sinh tháng Chạp năm 1926 tại tỉnh Loire, xuất thân từ một gia đình công giáo, cử nhân triết, Georges Boudarel gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp năm 1947 và cũng năm đó xuống tầu sang Đông Dương. Sau hai năm dạy trường trung học Marie Curie tại Sài gòn, năm 1950 ông vào bưng theo Việt Minh, khi đó ông 24 tuổi. 

 Cuộc sống trong hàng ngũ du kích rất gian khổ, như chuyến ông băng rừng vượt núi ra tới miền bắc Việt nam. Ông kể lại hành trình này trong cuốn Tự thuật (Jacques Bertoin, 1991). Được Việt Minh biệt phái tới trại tù 113, ông phụ trách lớp chỉnh huấn mà học viên là những tù binh Pháp. Sự bổ nhiệm này là nguồn gốc của những cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài gần ba thập niên sau đó. Sau những thái quá của Cải cách ruộng đất và những cuộc thanh trừng thời gian 1955-56 tại miền Bắc, thất vọng về chế độ cộng sản, ông cho xuất bản cuốn Trăm hoa nở trong đêm Việt nam (Jacques Bertoin, 1991), mà trong đó ông là một chứng nhân chủ chốt. Sau đó, ông tị nạn tại Prague. 

 Bị nước Pháp kết án tử hình vì tội bất phục tùng và đào ngũ, Georges Boudarel trở về Pháp khi sắc luật ân xá được ban hành vào ngày 18 tháng Sáu năm 1966. Rất rành tiếng Việt và Việt nam, triết gia Georges Boudarel trở thành sử gia về Việt nam. Cùng lúc, ông chọn vị thế chống chế độ Hà nội. Ông đả kích nó, coi đây là một hệ thống tín điều, nhồi sọ. "Vào năm 1975, trước cả lớp triết gia mới, Boudarel là một trong số hiếm hoi đã cảnh báo chúng ta về thực tại đẫm máu của chủ nghĩa toàn trị", một trong số những tân triết gia ấy phát biểu như vậy với nhà báo Dominique Guilledoux (Le Monde số ra ngày 20 tháng Ba 1991). Ông cũng cho xuất bản một tác phẩm phê phán chế độ Hà nội "Chế độ thư lại Việt nam" (L'Harmattan, 1983). Nhưng quá khứ của những ngày ở trại tù 113 tóm lấy ông ít lâu sau đó, đúng lúc ông đang là phó giáo sư tại Đại học Jussieu-Paris-VII. Ngày 13 tháng Hai năm 1991, trong một cuộc hội thảo về Việt nam tại Thượng nghị viện có Boudarel tham dự, Jean-Jacques Beucler, đại diện của cựu tù nhân, đã buông ra những lời bất nhã nhắm vào Boudarel, và bầy tỏ "sự khinh bỉ sâu sa nhất" đối với vị sử gia. Cựu bộ trưởng quốc phòng, và sau đó cả chủ tịch hội cựu tù nhân từ năm 1977 đến năm 1978, nói thêm: "Bàn tay ông dính máu. Sự hiện diện của ông ở diễn đàn này là một điều xúc phạm." Cuộc tranh luận tiếp tục với lời chứng của Claude Baylé, tác giả cuốn "Tù nhân trại tù 113" (Perrin, 1991). Ông này kể lại tình trạng tù bị giam, những binh sĩ kiệt sức, đói lả, ngoài ra còn phải liên tục tham dự những buổi tự kiểm điểm mà mục đích chỉ là để tố cáo chính những bạn tù và để ban quản giáo hài lòng. Ông giơ tay chỉ thẳng vào Boudarel. 

 "Một kẻ lí tưởng chủ nghĩa ư? Không, một thằng ngu".

 Cũng như ở những trại tù khác (xem Tuyên ngôn của trại số 1 của tác giả Jean Pouget, Fayard 1969), số người chết tại trại tù 113 rất cao, và những người sống sót, được thả sau hiệp định Genève năm 1954, ở trong một tình trạng thật là thê thảm. Còn những người cai tù, họ cũng chịu cảnh thiếu thốn (thực phẩm, thuốc men) chẳng thua gì tù binh, vì vùng này bị quân viễn chinh Pháp phong toả. Vì không công khai tuyên chiến, nước Pháp chẳng có một phương tiện nào để bảo đảm cho quân của mình đang lâm cảnh tù nhân, thí dụ như buộc đối phương tôn trọng công ước Genève về tù binh chiến tranh, hay kêu gọi sự trợ giúp của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế. Dù thế nào, cánh cực hữu nhảy vào cuộc, chụp lấy "vụ Boudarel", trong khi cánh tả bênh vực vị giáo sư nhưng cũng không miễn thứ cho ông. Pierre-Vidal Naquet (Le Monde số ra ngày 23 Tháng Ba, 1991), từ chối, "bảo đảm cuộc săn người, dù chỉ bằng một sự im lặng." Thỉnh nguyện thư theo thủ tục khẩn cấp, yêu cầu tòa án ra lệnh rút bỏ một số đoạn trong bài tựa do Jean-Jacques Beucler ký tên cho cuốn Tù nhân trại 113 và cái tiểu tựa của nó ("Trại tù Boudarel") bị toà bác bỏ. Một tựa đề như vậy biến Boudarel thành kẻ cầm đầu, trong khi ông chỉ là một bánh xe trong guồng máy. 

 "Tôi là một kẻ theo chủ thuyết Stalin, và tôi ân hận về chuyện này, ân hận một trăm phần trăm", vị cựu chính uỷ tuyên bố với tờ Le Monde vào năm 1991. Cùng thời kỳ này, lúc kết thúc cuộc phỏng vấn trên đài Châu Âu số 1, khi Jean-Pierre Elkabbach hỏi: "Rốt cuộc, ông là người theo đuổi một lý tưởng...hay chỉ là một tên khốn kiếp?", Boudarel trả lời: "Không, tôi chỉ là một thằng ngu." Những tự phê của Boudarel, dù thế nào đi nữa cũng không thể làm lu mờ các lời chứng sống động, cốt tuỷ của ông, không chỉ về tinh thần đối kháng, mà còn về sự đàn áp khủng khiếp xẩy ra vào thời kỳ 1955-56, bởi khi đó những nhân vật quan trọng trong Đảng thường thuộc phe cổ hủ, mà nạn nhân của họ là những chiến hữu bị coi là đã đi sai đường lối chính trị do Đảng đề ra, đứng đầu là những tiểu địa chủ, tiểu tư sản thành phố, trí thức, hay những người bị kẹt trong những cuộc thanh trừng cục bộ. 

 LE MONDE | 29.12.03 | 13h14

 http://www.lemonde.fr/web/article/0,1-0@2-3382,36-347428,0.html 

© 2004 talawas 

[1]Đầu đề của talawas

 [2]Chữ của tác giả bài báo trong nguyên bản. Theo talawas, Georges Boudarel không thể giữ chức "chính ủy", là chức cán bộ chính trị cao trong quân đội, chỉ có từ cấp trung đoàn trở lên. 

Chú thích: Bản dịch trên là bản đã được hiệu đính.
Chân thành cảm ơn sự chỉ bảo của các văn hữu và độc giả.
Nguyễn Quốc Trụ