George Steiner trả lời phỏng vấn của Nhật báo Nam Đức
Ta là bọ chét trong lông sư tử mà thôi
Phạm Thị Hoài dịch và
chú thích
Chủ nhật này, nhà
nghiên cứu văn học George Steiner sẽ nhận giải Ludwig-Börne[1] tại nhà
thờ
Paulskirche, thành phố Frankfurt
(Đức). Bộ
trưởng ngoại giao Đức Joschka Fischer, giám khảo năm nay, chọn Steiner
để trao
giải vì khả năng ngôn ngữ và óc phân tích xuất sắc của ông. George
Steiner sinh
năm 1929 tại Paris, từng dạy ở đại học Genève và Cambridge, thành thạo
bốn ngôn
ngữ, là một công dân toàn cầu của thế giới văn chương, với cội rễ châu
Âu cổ
điển. Có lẽ từ Thomas Carlyle[2] tới nay, chưa ai đóng góp nhiều cho
việc giới
thiệu văn chương và triết học Đức trong khu vực Anh ngữ như George
Steiner.
Nhật
báo Nam
Đức (SZ): Thưa ông Steiner, ông đang viết một cuốn sách về quan hệ giữa
thầy và
trò: thầy gạt trò, trò phản thầy, hoặc thần ái tình quyện đôi bên vào
nhau
trong trường hợp may mắn. Bản thân ông đã trải qua những kinh nghiệm đó?
Steiner:
Vâng, ba khả năng ấy tôi đều biết. Chắc chắn là tôi
có lỗi với một vài sinh viên. Hủy hoại thể chất họ thì có lẽ không,
song về mặt
tinh thần, tôi đã khước từ và làm họ nhụt chí. Nhưng sinh viên của tôi
cũng có
người phản thầy, rút cuộc họ tuyên bố rằng tác phẩm của tôi vô bổ, còn
tư tưởng
của tôi thì phản động. Nhưng phúc thay, cũng còn nhiều sinh viên gắn bó
với tôi
như một gia đình, bây giờ họ cũng là những giáo sư.
SZ:
Có bao giờ ông thấy sợ học trò quá giỏi, có thể đánh bạt
hay thậm chí xoá trắng sự nghiệp của thầy không?
Steiner:
Ôi, có chứ!
SZ:
Đó là phản bội?
Steiner:
Không. Đó là nhảy qua, vượt qua. Trong toàn bộ nửa
thế kỷ vừa rồi, có bốn sinh viên tài năng hơn tôi nhiều, trí lực mạnh
mẽ hơn
hẳn tôi. Tôi coi đó là phần thưởng lớn nhất của người thầy. Nhưng phần
thưởng
ấy có lúc cũng đi kèm với thất vọng. Cô sinh viên xuất sắc nhất xưa nay
của tôi
ở Cambridge
học
xong, đến từ biệt thầy, và hết sức bình thản nói với tôi như sau: Thưa
giáo sư,
tôi căm thù ông, tôi căm thù tất cả những điều ông đã dạy. Tôi chỉ cốt
chứng tỏ
để ông biết là học giỏi nhất chẳng có gì khó cả. Bây giờ tôi sẽ về
Trung Quốc,
đó mới là thế giới của tôi, vĩnh viễn từ nay tôi không muốn nghe nói
đến cái mớ
rác ruởi tư sản mà ông đã mất công truyền đạt.
SZ:
Quan hệ giữa George Steiner với giới hàn lâm, giới
nghiên cứu văn học rất căng thẳng. Tình huống nhẹ nhất là hai bên chẳng
có gì
mà nói với nhau.
Steiner:
Giới đại học sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi, chỉ
vì một điều đã thành nguyên tắc. Từ lúc còn trẻ, ngày nào tôi cũng ba
lần tự
nhủ: tôi thân mến ơi, ngươi chỉ là bưu tá, phận sự của ngươi là đưa
thư, đưa
thư là việc rất quan trọng. Cái may mắn khổng lồ của ngươi là nhận thư,
rồi tìm
cách bỏ đúng vào thùng thư cần bỏ. Nhưng ngươi không tự viết những bức
thư ấy.
Đó là tôi lấy ý của Puschkin, ông ấy bảo: "Cảm ơn các dịch giả, cảm ơn
các
nhà phê bình, nhưng tác giả bức thư là tôi." Tôi biết như vậy, tôi biết
giữa kẻ sáng tạo và kẻ bình phẩm là một khoảng cách phải đo bằng hàng
năm ánh
sáng, nên giới đại học không bao giờ tha thứ cho tôi. Đấy là điều cấm
kỵ lớn.
Đám văn phiệt ấy quá quan trọng hoá bản thân mà quên mất rằng, ta chỉ
là bọ
chét trong lông sư tử mà thôi.
SZ:
Thì ra thế. Tôi lại tưởng, do người ta không thích kiểu
bình giảng văn chương tương đối lỏng tay của ông? Giới nghiên cứu văn
học ở Đức
thì sợ biến thành một thẩm quyền định giá, nên quay sang tranh cãi về
phương
pháp luận.
Steiner:
Vâng, nghiên cứu văn học tiếng Đức ở Đức thời nay
chắc không sướng gì. Cho phép tôi hỏi một câu: Muốn tìm một tư tưởng
lớn ở Đức
bây giờ thì tìm chỗ nào? Tôi kính trọng Habermas[3] lắm, tôi đã từng ái
mộ
Gadamer[4] . Nhưng tình cảnh chung rõ ràng là tẻ nhạt. Những hứa hẹn
lớn của tư
duy đâu rồi? Những tiếng nói tầm vóc, sau Thomas Bernhard[5] và
Canetti[6] ,
đâu rồi? Đông Đức trước kia còn thú vị. Phát biểu thế này, e rằng tôi
có thêm
kẻ thù. Những ngày trước khi đổ tường, tôi có phụ trách mấy lớp ở đại
học
Humboldt[7] . Mật vụ của Stasi[8] ngồi kèm trong lớp. Áp lực thật khủng
khiếp,
nhưng mọi người hiểu rằng, vấn đề ở đây là vấn đề cốt tủy. Vừa nhục nhã
vừa
kích động. Chia sẻ một tác phẩm lớn với những con người như vậy vừa
nguy hiểm
tính mạng, vừa khích lệ niềm yêu đời.
SZ:
Vì tác phẩm bỗng mang một trọng luợng sống còn?
Steiner:
Vì xoay quanh vấn đề cốt tủy của phẩm giá làm
người. Tôi cũng từng giảng về một số tiểu thuyết thời Victorian[9] tại
Warszawa. Photocopy bị cấm, nhiều sinh viên đã chép tay hàng chương
Thackeray[10] và Eliot[11] . Chữ chép tay là chữ còn lại, người ta
thuộc, người
ta có tình với nó. Bây giờ thì sự quan liêu của đồng tiền chế ngự mọi
thành quả
trí tuệ. Trí tuệ Ý còn bao nhiêu, vào tay ngài Berlusconi[12] cả. Ta
còn chưa
kịp nghĩ ra khái niệm chỉ chủ nghĩa phát xít của lợi nhuận. Thị trường
đại
chúng thực thi cơ chế kiểm soát khốc liệt hơn chế độ kiểm duyệt nhiều.
Đó thật
sự là hiện tuợng mới. Dưới thời kiểm duyệt, dù sao cũng còn khả năng
samisdat[13] , còn luồn lách được...
SZ:
Có phải chúng ta đang sống ở thời hạ màn, thời của diễn
văn bế mạc, của màn vĩ thanh, của hoàng hôn đang xuống, mọi thành tựu
văn hoá
vĩ đại đều đã xong từ lâu?
Steiner:
Đúng như vậy. Chẳng ai trong chúng ta, anh, tôi,
hay bất kỳ ai, vào lúc ba giờ sáng, tức là khi chỉ có mình nói thật với
mình,
lại tin rằng sẽ có thêm một Shakespeare, một Mozart, một Beethoven, một
Michelangelo nữa. Thật là kỳ cục. Hoàn toàn thiếu cơ sở. Biết đâu ngay
ngày
mai, ở đầu đường, xuất hiện một Shakespeare mới thì sao. Nhưng vấn đề
là chúng
ta không tin như vậy. Tôi gọi đó là màn vĩ thanh.
SZ:
Theo ông thì vì sao?
Steiner:
Vì chúng ta mệt mỏi, chúng ta quá mệt mỏi. Năm
1919, Valéry[14] đã nói thế nào nhỉ: Bây giờ ta đã ngộ ra rằng, mọi nền
văn hoá
đến độ rực rỡ đều có thể tàn lụi, đó là câu nổi tiếng của Valéry.
SZ:
Nghệ thuật cổ điển mất dần tầm quan trọng cũng là do các
ngành khoa học tự nhiên thành công quá phải không?
Steiner:
Người giỏi bây giờ đều đi vào khoa học tự nhiên,
thế là phải. Bao nhiêu năm tôi sống chung với giới khoa học tự nhiên ở
Princeton và Cambridge, họ là những ông hoàng hạnh phúc, họ biết rằng
thứ Hai
tuần sau còn thú vị hơn thứ Hai tuần này. Tình cảnh của chúng ta thì
hoàn toàn
ngược lại. Tôi sống là để bình phẩm về quá khứ. BBC thống kê được một
con số
đáng sợ: tám muơi tám phần trăm luợng nhạc cổ điển phát trên đài là tác
phẩm từ
trước năm 1910, tám mươi tám phần trăm! Mahler[15] còn được coi là hiện
đại!
Tất nhiên ngày nay cũng có những nhà soạn nhạc lớn, Boulez chẳng hạn,
tôi đánh
giá cao và yêu Boulez, nhưng chẳng ai còn cố tin vào một thời Phục Hưng
mới
nữa.
SZ:
Cả cuộc đời ông xoay quanh cái chủ đề trung tâm, đó là
lòng tin vào một "hợp đồng" giữa con chữ và sự vật, một thông tín
giữa ngôn ngữ và thế giới. Chỉ là lòng tin, hay còn hơn thế?
Steiner:
Nếu ngài Derrida bảo tôi rằng, ý nghĩa không tồn
tại; nếu ngài Rorty[16] bảo tôi rằng: anything goes, tôi không dùng lí
trí mà
phản bác được, hoàn toàn không thể. Tôi chỉ biết nói rằng, thưa các vị,
các vị
nhầm rồi. Tôi cuộc cả đời, vụ cuộc Pascal[17] , rằng muốn thế nào thì
giữa ngôn
ngữ và thế giới phải tồn tại một quan hệ, một quan hệ tuy phức tạp, rối
rắm,
gián tiếp, muốn gọi thế nào xin tùy- nhưng nếu không thì người ta chỉ
đâm đầu
vào chỗ vô nghĩa. Toàn bộ cái hậu cấu trúc luận và giải cấu trúc luận
xuất phát
từ chủ nghĩa dada, từ Hugo Ball[18] và những bài thơ vô nghĩa của ông
ấy. Đó là
một trò chơi dada. Tôi còn nhớ, giữa buổi nghe giảng, một học trò của
Derrida
lên bảng viết tên "Jesus" rồi tuyên bố: Đây không phải là Jesus, đây
là "je sus", thể quá khứ của "tôi biết". Thế là tôi lặng lẽ
đứng dậy, bỏ đi. Trò chơi chữ ấy là trò loè thiên hạ.
SZ:
Ông quan niệm rằng đọc và diễn giải phải tuân theo phép
lễ độ. Diễn giải văn bản bao hàm một phương diện luân lý hay sao?
Steiner:
Đọc tất nhiên là một hành vi luân lý, một hành vi
lễ độ. Đứng truớc Tolstoi và Dostojevski thì phải đọc ra mọi cái hay,
mỗi nhận
định hay đều là một hành vi cảm ơn. Toàn bộ cuộc đời tôi là như vậy.
Mọi cuốn
sách của tôi đều là cách cảm ơn: cảm ơn các bậc thầy, cảm ơn các nghệ
sĩ lớn đã
tạo nên phép mầu của ước mơ cho tất cả chúng ta. Nhưng tôi lỗi thời mất
rồi.
Nhà phê bình lừng danh nhất nuớc Đức, ông Marcel Reich-Ranicki, với
cuốn tự
truyện mà tôi vô cùng khâm phục, dàn dựng cả một chế độ giáo hoàng
trong phê
bình văn học. Đồng nghiệp của tôi, ông Harold Bloom cũng vậy. Câu cửa
miệng của
ông ấy là: Tôi và Shakespeare, còn cả đời tôi là để nói: Shakespeare và
tôi.
SZ:
Ngày 25 tháng Năm sắp tới, bộ truởng ngoại giao Đức
Joschka Fischer sẽ trao giải thuởng Ludwig-Börne cho ông. Từ tháng
Giêng đến
nay, từ khi Donald Rumsfeld gọi châu Âu là "châu Âu già nua", dường
như châu Âu đang chao đảo giữa bất lực và tự mê mẩn bản thân...
Steiner:
...cái châu Âu ấy, từ khi có vụ Kosovo, là giẻ
rách.
SZ:
Nghĩa là châu Âu thất bại ở Balcan?
Steiner:
Thất bại tuyệt đối. Ở đây chắc không ai, kể cả ngài
bộ trưởng, hình dung nổi sự khinh bỉ của Mỹ. Khinh vì châu Âu không đủ
sức dọn
cái bãi c...nhỏ của nó, xin lỗi, ở Balcan mà phải nhờ đến Mỹ. Ở đây
không ai
hiểu sự khinh miệt ấy, sự khinh miệt hoàn toàn chính đáng, dành cho
châu lục
giàu có này. Sự coi thường ấy sẽ còn kéo dài, thật khó mà chữa lành.
Pháp hiện
nay đang hoảng vì sợ Mỹ trù, sợ phát điên, không biết Mỹ sẽ làm gì
mình. Vừa tự
mê mẩn, vừa tự hành hạ, đến là khổ.
SZ:
Hiện nay Đông Âu đang huớng về Mỹ hơn là huớng về Tây
Âu, ông thấy có hợp lý không?
Steiner:
Hợp lý. Mà ngược lại, Mỹ cũng rất quan tâm tới Đông
Âu. Báo hôm nay đưa tin Ba Lan đưa quân sang Iraq,
duới sự bảo trợ của Mỹ. Đến
thế thì cả Kafka lẫn Calvino[19] cũng chịu không nghĩ ra được. Ta đang
sống
trong một thế giới tưởng tuợng, bình trị dưới gót Mỹ[20] , xin mời. Làm
sao mà
vĩnh viễn như vậy được. Bình trị duới gót Ăng Lê[21] một thời rồi cũng
hết kia
mà.
SZ:
Cái bình trị dưới gót Mỹ ấy có gì nguy hiểm?
Steiner:
Cực kỳ nguy hiểm. Nó kéo theo sự triệt tiêu các văn
hoá và ngôn ngữ. Giờ đây McDonald hiện diện cạnh Vạn Lý Trường Thành.
Người
bình thường tất nhiên có quyền nói rằng: thưa ông Steiner, chúng tôi
cóc cần
biết những cuốn sách hay ho, những ý tưởng rắc rối mà có khi lại sai
lầm của
ông. Chúng tôi có quyền được hạnh phúc. Mà quyền được hạnh phúc là cái
quyền
rất Mỹ. Và hạnh phúc của đám đông là bóng đá. Hai tên tuổi vang dội
nhất hành
tinh này một thời là cặp Madonna và Maradonna. Lúc Maradonna bay về
phía khung
thành đối phương, dùng tay ném bóng vào lưới, rồi hét lên: đó là tay
Thuợng Đế,
thì đó chính là phát ngôn siêu hình của thế kỷ: Es la mano de Dio, bàn
tay vô
hình của Thượng Đế.
Người
thực hiện: Ijoma Mangold
Süddeutsche
Zeitung, 18.05.2003
Bản
tiếng Đức:
ww.sueddeutsche.de/sz/feuilleton/red-artikel6074/
--------------------------------------------------------------------------------
[1]
Giải thuởng hàng năm dành cho những thành tựu xuất sắc
trong các thể loại phê bình, phóng sự và tiểu luận, mang tên nhà văn
Đức Ludwig
Börne (1786-1837). Từ 1993, trong những người được trao giải có Marcel
Reich-Ranicki, Hans Magnus Enzensberger, Rudof Augstein, Georges-Arthur
Goldschmidt...
[2]
Thomas Carlyle (1795-1881), nhà văn Scotland, đặc
biệt ngưỡng mộ Goethe. Chưa có tác phẩm dịch sang tiếng Việt.
[3]
Jürgen Habermas (1929), triết gia Đức, trường phái Frankfurt.
Xem thêm cuộc trao đổi giữa Habermas và một số
trí thức, văn nghệ sĩ Trung Quốc, www.talawas.org/habermas-v.html và
diễn văn
nhận giải thuởng Hoà Bình, www.talawas.org/habermas2-v.html
[4]
Hans-Georg Gadamer (1900-2002), triết gia Đức, đại diện
chính của Suy luận học (Hermeneutik). Chưa có tác phẩm dịch sang tiếng
Việt
[5]
Thomas Bernhard (1931-1989), nhà văn và nhà soạn kịch
Áo, ảnh hưởng mạnh và gây tranh cãi không dứt, để lại di chúc cấm in ấn
và
trình diễn mọi tác phẩm của mình tại Áo. Chưa có tác phẩm dịch sang
tiếng Việt.
[6]
Elias Canetti (1905-1994), nhà văn viết tiếng Đức, sống
tại Wien, London và Zürich, được trao giải Nobel năm 1981. Chưa có tác
phẩm
dịch sang tiếng Việt
[7]
Humboldt-Universität zu Berlin, đại học nổi tiếng thuộc
Đông Berlin truớc đây
[8]
Stasi: viết tắt của chữ Staatssicherheit, cơ quan an
ninh quốc gia của Đông Đức trước đây
[9]
Thời nữ hoàng Victoria (1819-1901) trị vì vuơng quốc Anh
[10]
William M. Thackerey (1811-1863), tiểu thuyết gia Anh.
Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt: Hội chợ phù hoa
[11]
George Eliot (1819-1880), tức Mary Ann Evans, nữ nhà
văn Anh, chưa có tác phẩm dịch sang tiếng Việt
[12]
Berlusconi, trùm kinh doanh truyền thông đại chúng,
hiện là thủ tuớng Ý
[13]
Samisdat: hình thức nhân bản truyền tay phổ biến tại
Liên Xô và các nuớc Đông Âu cũ
[14]
Paul Valéry (1871-1945), nhà thơ Pháp, một số bài thơ
đã dịch sang tiếng Việt
[15]
Gustav Mahler (1860-1911 ), nhà soạn nhạc Áo
[16]
Richard McKay Rorty (1931), triết gia Mỹ
[17]
Vụ cuộc Pascal gắn liền với Thuyết xác suất của triết
gia và nhà toán học Pháp Blaise Pascal (1623-1662). Pascal cho rằng
cuối cùng,
ai có khả năng tư duy cũng đều đi đến chỗ tin vào lời Chúa, dù lời Chúa
có thể
sai, có thể đúng, xác suất là 50:50.
[18]
Hugo Ball (1886-1927), nhà thơ Đức, một trong những
người sáng lập trư ờng phái dada
[19]
Italo Calvino (1923-1985), nhà văn Ý, có một số tác
phẩm đuợm tính huyền hoặc, tưởng tượng, hầu như chưa dịch sang tiếng
Việt
[20]
Nguyên văn: Pax americana
[21] Nguyên văn: Pax britannica