gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ






Trong Căn Phòng Rưỡi

Gửi L. K.
Joseph Brodsky

14

Cha tôi mặc bộ đồ Hải Quân chừng hơn hai năm. Đó là đúng vào lúc mà tuổi thơ của tôi bắt đầu, bằng tất cả sự hồ hởi của nó. Ông là sĩ quan nhiếp ảnh, thuộc bộ nhiếp ảnh Viện Bảo Tàng Hải Quân, tọa lạc tại một tòa building đẹp nhất trong toàn thành phố. Nói rõ hơn, trong toàn đế quốc. Toà building này trước thuộc Viện Hối Đoái, từ thuở xa xưa lắm rồi, và nó cũng thật xa xưa, nghĩa là ở cuối con đảo Basil [Island], ở miệng con sông Neva [River], nơi nó há thật rộng ra.

Vào thật xế chiều, tan học, tôi theo những con phố tới tận con sông, đi qua cây cầu Palace [Bridge], và chạy vô viện bảo tàng để đón cha tôi, và hai cha con cùng đi về nhà. Tuyệt vời nhất, là những lần, ông là sĩ quan trực buổi chiều, khi viện bảo tàng đã đóng cửa. Ông sẽ xuất hiện, đâu đó, từ hành lang dài bằng cẩm thạch, thật là uy nghi, thật là bệ vệ, với tấm băng mầu xanh trắng xanh của vị sĩ quan trực đeo vòng qua cánh tay trái, bao súng phía bên phải, và cùng với nó, là sợi dây lưng; mũ Hải Quân, lưỡi trai bóng loáng và cái “salad” [cái dĩa] mạ vàng ở phía trên che cái đầu hói thường làm ông lúng túng. “Xin chào, Trung Tá,” tôi sẽ nói như vậy, vì đó là cấp bực của ông; ông cười, và, vì còn cả tiếng nữa mới hết giờ trực, ông để mặc tôi thơ thẩn trong viện bảo tàng.

Tôi tin tưởng một cách sâu xa, rằng, ngoài văn học hai thế kỷ vừa qua, và có lẽ, kiến trúc của thủ đô cũ, điều độc nhất còn lại mà người dân Nga tự hào, đó là lịch sử Hải Quân của họ. Không phải bởi vì những chiến công hiển hách, mà cũng chẳng có nhiều, nhưng mà là tinh thần hải quân phong nhã của nó. Coi đây là một phong cách riêng, hay quá nữa, một bệnh tưởng, thì cũng được, nhưng cái đầu óc trẻ con của một tay “viễn mơ” độc nhất, trong số những hoàng đế Nga, Đại Đế Peter đó, có vẻ như với tôi, đúng là của một kẻ vượt qua đường ranh giữa văn chương như đã nói ở trên, và kiến trúc. Mô phỏng Hải Quân Anh, nhưng có tính trình diễn nhiều hơn là để làm việc, trang bị bằng tinh thần khai phá, hơn là tham vọng bành trướng, thú cái thú làm một cử chỉ anh hùng, làm một hành động tự hy sinh, hơn là  sống còn bằng mọi giá, một Hải Quân như thế đó đúng là một viễn ảnh: của một trật tự hoàn hảo, hầu như mang tính trừu tượng, được nẩy sinh từ bên trên những vùng trời nước của những đại dương của thế giới, không thể nào với tới nổi, cho dù đứng ở bất cứ nơi chốn nào, trên mảnh đất Nga.

Một đứa trẻ thì luôn luôn, trong tất cả mọi chuyện, là một tay thẩm mỹ, mê cái đẹp. Nó đáp ứng liền tù tì với những vẻ ngoài, những bề mặt, những hình dáng, những thể loại. Đứa trẻ là tôi hồi đó, mê nhất trên đời, là mấy ông đô đốc, râu ria cạo nhẵn thín, nhìn thẳng, hay nhìn nghiêng, trong những khung mạ vàng, mờ mờ hiện ra giữa một rừng những cột buồm, trên những kiểu mẫu tầu, chúng như đang cố làm sao để trở thành những con tầu thực. Trong đồng phục thế kỷ 18 và 19, với những viền ren, những khăn cổ cao, những đai, gù, tóc giả, băng xanh quàng chéo ngực, chúng giống như những dụng cụ [nhằm phục vụ] cho một lý tưởng tuyệt hảo, trừu tượng, cũng chẳng kém chính xác, nếu so với những astrobales mép viền đồng, dùng để đo độ cao mặt trời, các vì sao, những chiếc la bàn, những hộp phi từ tính, những kính lục phân xác định vị trí tầu. Long lanh,  Lấp lánh, chúng có thể tính ra vị trí của một con người, dưới những vì sao, với một sai sót nhỏ hơn, nếu so với chính những sư phụ của chúng! Và người ta chỉ còn mong, có một điều, chúng có thể đã từng cai trị những đợt sóng người, cũng bảnh như vậy, theo nghĩa: những làn sóng nhân sinh này được bầy ra, trước những nghiêm ngặt của môn luợng giác chứ không phải trước cái mặt dầy của những nhà ý thức hệ. Là một tưởng tượng của một viễn tưởng, tức một cái nhìn xa trông rộng, có lẽ, một ảo ảnh, thay vì là một phần của thực tại. Cho tới ngày này, tôi vẫn nghĩ, đất nước sẽ khấm khá hơn nhiều, hoặc sẽ không khốn khổ khốn nạn như vậy, nếu nó không lấy cái mảnh vải khốn kiếp đó làm quốc kỳ: một con gà hoàng gia hai đầu khùng, hay cái búa cái liềm của một hội kín, của đám mafia, và, thay vì lá quốc kỳ khốn kiếp đó, thì là ngọn cờ của Hải Quân Nga: ngọn cờ hiển hách, đẹp không thể có cờ nào đẹp hơn, lá cờ St. Andrew: một chữ thập chéo mầu xanh trên một nền trắng trinh nguyên.

15

Trên đường về nhà, cha con tôi sẽ ghé tiệm, mua đồ ăn, hay vật liệu dùng trong phim ảnh, như phim, thuốc hoá học, giấy in, hay dán mắt vào những khung cửa kính. Vì con đường về nhà đi qua trung tâm thành phố, cha tôi sẽ kể cho tôi nghe lai lịch những cơ ngơi, cửa hàng, cái nào có trước chiến tranh, hoặc trước năm 1917. Ai là nguời kiến trúc, ai là chủ, ai ở đó, và chuyện gì đã xẩy ra cho họ, và theo quan điểm của cha tôi, tại sao lại xẩy ra như vậy. Ông Trung Tá Hải Quân cao mười feet biết khá nhiều về cuộc sống dân sự, và dần dần, thằng con nhìn bộ quân phục của ông bố giống như là một thứ giả trang, hay rõ hơn, ý thức phân biệt giữa, thế nào là hình thức, thế nào là nội dung, bắt đầu bén rễ ở trong tôi. Bộ đồng phục của ông phải đối phó với hậu quả này, thì cũng không khác gì cái cơ ngơi mà ông đang giơ tay chỉ, phải ứng phó. Trong cái đầu của một đứa học sinh, chính cái hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” này, lẽ tất nhiên, là một mời gọi, hãy nói láo, nói dối. Nói như vậy không có nghĩa là, tôi cần một lời nói dối. Như tự trong thâm tâm, tôi hiểu ra một điều, hãy cố mà giữ cho được một bề ngoài, cho dù trong lòng mi sôi sục ra sao.

Tại nước Nga, lính tráng khó thành dân sự, ngay cả ở nhà của họ. Điều này, một phần, là do cái tủ quần áo, vốn chẳng bao giờ rộng; nhưng chủ yếu, đây là vấn đề liên quan tới quan niệm về quyền thế gắn liền với bộ đồng phục và từ đó, tới vị thế của bạn trong xã hội. Đặc biệt hơn, nếu bạn là sĩ quan. Ngay cả mấy ông giải ngũ, hay về hưu cũng suốt ngày đóng bộ quần áo bộ đội, ở nhà, ở giữa chốn bàn dân thiên hạ: coi kìa, cái ông kia như vậy là trước ở “R”, ở “B” đấy nhé! Cái áo đại cán kia, bộ ghệt cao đó, lại còn ngôi sao vàng nữa chứ, đâu phải anh bộ đội Cụ Hồ nào cũng có được, phải là dân ra vô Bắc Bộ Phủ… Bởi vì đã có một thời ta làm quan, có nghĩa là suốt đời ta làm quan, đúng không nào? Hơn nhau ở bộ quần áo, mà bộ đồng phục Hải Quân, là số dách, bởi vì cái khăn quàng mầu trắng của nó, mới ấn tượng làm sao!

Trong nhà của chúng tôi, có cả đống, ở trong ngăn kéo trên của cái tủ lớn. Những năm sau đó, khi tôi đã lên lớp bẩy, đồng phục được đưa vô trường học, mẹ tôi bèn cầm mớ quần áo của bố, ướm lên thằng con, rồi cắt xén thành bộ đồng phục học sinh. Bởi vì bộ đồng phục đó thì cũng một nửa là lính: áo tunic, dây lưng có khoá, quần áo đi đôi với nhau, một cái mũ có luỡi che mặt bóng loáng. Mấy anh tưởng bở, nghèo mà ham, đã nghĩ về mình như là một “chiến sĩ”, tốt hơn nữa, là một anh bộ đội Cụ Hồ! Thì cũng tốt thôi, ngay cả đối với tôi, nhưng có điều, tôi không khoái, cái mầu của bộ đồ, nó giống như của đám bộ binh, hay tệ hơn, của một anh công an, tức một chú bò vàng! Chẳng làm sao bì được với cái áo khoác ngoài của cha tôi, với hai hàng nút vàng, cứ như là một đại lộ về đêm! Và khi ông bố của tôi cởi từng cái nút áo, để lộ ra bộ đồng phục tunic xanh đậm, với cũng hai hàng nút áo y chang: một đại lộ tù mù trong đèn đêm, một thứ ngoại ô đèn vàng đây chăng?
[Cả đoạn trên, là phóng tác, không phải dịch. NQT]

“Một con phố ở trong một đại lộ”, “A street within an avenue”, đó là ý nghĩ của tôi, về ông bố của mình, khi lé mắt nhìn ông, trên đường từ bảo tàng viện về nhà.

16

Có hai con quạ ở sân sau nhà tôi, ở đây, tại South Hadley. Hai con quạ lớn, loại kên kên, và chúng là những gì đầu tiên mà tôi nhìn thấy, mỗi lần đi, hoặc về nhà. Chúng xuất hiện từng con một: con đầu, cách đây hai năm, khi mẹ tôi mất; con thứ nhì, năm ngoái, ngay sau khi cha tôi mất. Có thể, đây chỉ là cách mà tôi nhận ra sự hiện diện của hai con quạ ở sân sau nhà mình. Bây giờ, thì chúng cùng tới, và cùng vỗ cánh bay đi, và cả hai đều quá lặng lẽ, so với những con quạ khác. Tôi cố không nhìn chúng; ít ra, tôi cố không theo dõi chúng. Tuy nhiên, tôi nhận ra một điều là hai con quạ này thường đậu ở đám rừng thông bắt đầu từ cuối sân nhà tôi và chạy dài chừng một phần tư dặm đường, tới bãi cỏ ở ven thung lũng nhỏ có mấy tảng đá thật lớn ở mãi cuối thung lũng. Tôi không bao giờ đi bộ tới cuối thung lũng nữa, vì sợ rằng là, sẽ nhìn thấy hai con quạ nằm ngủ trên đỉnh hai tảng đá, duới ánh sáng mặt trời. Tôi cũng chẳng bao giờ kiếm cách nhìn thấy chúng, ở trong tổ. Hai con quạ đen, nhưng tôi để ý thấy ở phía bên trong cánh của chúng có chút mầu tro ướt. Thời gian độc nhất mà tôi để ý không thấy chúng, đó là lúc trời mưa.

17

Vào năm 1950, theo tôi, cha tôi được giải ngũ, cùng với nghị quyết của Trung Ương Đảng, theo đó, nhân dân nào gốc Do Thái thì không nên giữ cấp bậc cao trong quân đội. Nghị quyết này, nếu tôi không lầm, do Andrei Zhdanov phát động, khi phụ trách kiểm tra ý thức hệ trong toàn cõi nhà binh. Vào thời gian đó, cha tôi đã bốn muơi bẩy tuổi, và như vậy là, ông lại phải bắt đầu cuộc đời của ông, làm lại nó như mới, nói như vậy cho thật đẹp. Cha tôi bèn quyết định trở lại với cái nghề ký giả, với cái nghề phóng sự bằng hình ảnh. Tuy nhiên, muốn làm vậy, ông cũng phải được tuyển dụng bởi một tạp chí, hay một nhật báo. Việc này hóa ra khó vô cùng: thập niên 1950 quá bết bát cho những người Do Thái. Chiến dịch chống “đám vô tổ quốc không có gốc rễ” [rootless mosmopolites] đang vào lúc cao điểm nhất của nó; rồi thì, vào năm 1953 lại xẩy ra “Trường hợp mấy ông Bác sĩ”, và, nếu vụ này không kết thúc bằng một biển máu như thường lệ phải như thế, ấy là do chính Đồng chí Stalin, người khởi xướng, không hiểu sao, bất thình lình bỗng suy sụp, bèn tung hê tất cả. Nhưng thời gian dài trước đó, và một thời gian sau đó, đã đầy những lời đồn, những rỉ tai, là Bộ Chính Trị đang lên kế hoạch càn quét đám Do Thái, tái định cư đám loài vật thuộc “phần năm” [paragraph five] này vào khu Siberia phía Đông, một vùng có tên là Birobidzhan, gần biên giới Trung Hoa. Còn có cả một lá thư được lưu hành, thư này được ký tên bởi những cá nhân nổi tiếng nhất trong “phần năm” - những kỳ thủ, những nhà soạn nhạc, và những nhà văn – nội dung của nó là một lời thú nhận tội lỗi gửi tới Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, và cá nhân Đồng Chí Stalin, xin cho phép chúng tôi, những người Do Thái, được cứu chuộc, bằng lao động khổ sai tại những vùng thật là xa xôi, về những tội ác lớn lao mà chúng tôi đã gây ra đối với nhân dân Nga. Lá thư này sẽ xuất hiện trên nhật báo Sự Thật, trong bất cứ một ngày đẹp trời nào đó, như là cái cớ, the pretext, cho việc tống xuất đám Do Thái chúng tôi.

Ô hô, ai tai, thượng hưởng: Tuy nhiên, điều xuất hiện trên tờ Sự Thật, sau cùng lại là thông báo về cái chết của Stalin, mặc dù vào thời gian đó, chúng tôi đang sửa soạn đi du lịch và đã bán cái piano kiểu đứng của chúng tôi, vì chẳng ai trong gia đình có thể đàn [mặc dù má tôi mời một người bà con xa tới tập cho tôi: Tôi chẳng có một tí tài đàn, ấy là chưa kể, chẳng có một tí kiên nhẫn]. Tuy nhiên, trong tình trạng vào lúc đó, đừng trông mong một tạp chí hay một nhật báo tuyển dụng một tên Do Thái, lại không phải là Đảng viên, thế là, a lê hấp, cha tôi lên đường.

Trong vài năm, ông làm nhiếp ảnh viên tự do trên toàn xứ sở, qua khế ước với cơ quan Triển Lãm Canh Nông Toàn Liên Bang tại Moscow. Nhờ vậy, thỉnh thoảng trên bàn ăn cũng có món trân quí - cà tô mát hộp, loại bốn pound, hay hộp trái cây, táo và đào; nhưng tiền công ngày càng giảm, và cả ba chúng tôi vưỡn còn sống được, chủ yếu là nhờ tiền lương của má tôi, nhân viên hội đồng phát triển khu vực. Đó là những năm mất mùa của chúng tôi, và rồi thì cả hai người bắt đầu bịnh. Nhưng gì thì gì, cha tôi vẫn tỏ ra thích giao du, và thường dẫn tôi xuống phố, gặp bạn bè Hải Quân của ông, lúc đó trông coi một câu lạc bộ thuyền buồm, chăm sóc mấy bến tàu cũ, huấn luyện mấy người trẻ. Ông có khá nhiều bạn, và những người đó luôn luôn tỏ ra rất mừng vì gặp ông (nói chung, tôi chưa hề gặp một ai, đàn ông hay đàn bà, tỏ ra bực bội đối với ông). Một trong số những người đó, trưởng biên tập một nhật báo ngành, thuộc Hải Thương, Merchant Marine, một người Do Thái nhưng có một cái tên đọc lên như người Nga, sau cùng đã muớn cha tôi, và cho tới khi về hưu, ông làm cho cơ sở xuất bản này, tại cảng Leningrad.

Dường như suốt đời ông, là đi bộ, [“Phóng viên, thì cũng như chó sói, sống bằng chân cẳng của chúng”, ông thường nói vậy], giữa những con tầu, những thuỷ thủ, những ông đại uý thuyền trưởng, những cần cẩu, những kiện hàng. Trong cái nền sau, hay nói một cách bóng bẩy, ở nơi hậu trường của đời ông, là một dải nước xám bạc, lăn tăn gợn sóng, những cột buồm, cái đuôi tầu, một khối kim loại kếch xù, với vài con chữ, đầu, hoặc cuối, của một cái tên bến cảng quê nhà của nó. Ngoại trừ mùa đông, cha tôi luôn đội cái nón đen Hải Quân có cái lưỡi trai bóng như sơn mài. Ông thích cận kề nước, ông mê biển. Đó là nơi cận kề nhất với tự do. Chỉ nội nhìn biển không thôi, là đôi khi cũng đủ lãng quên tù đầy rồi. Và thế là ông cứ nhìn biển, chụp hình biển, hầu như suốt cuộc đời của ông.

18

Tới tuổi, tuỳ theo đứa, đứa trẻ nào cũng muốn làm người lớn, đòi ra khỏi nhà, ra khỏi cái tổ giam cầm áp bức nó. Đi ra ngoài! Nhập vô cuộc đời thực! Nhập vào thế giới rộng lớn. Nhập vào đời, với những qui luật của chính mình.
Thì cũng tới một lúc nào đó, thằng bé thỏa được ước muốn. Trong một thời gian, nó loay hoay với những viễn ảnh mới, bận bịu xây tổ riêng, xây thực tại của riêng nó.
Rồi thì một ngày, khi thực tại mới đã vào lề thói, khi những qui luật của riêng nó được ban hành, được thực thi, nó bất thình lình nhận ra, tổ cũ đã mất tiêu, những người đem cho nó cuộc sống, đã chết.
Vào cái ngày đó, nó bất thình lình nhận ra, mình giống như có hậu quả mà không có nguyên nhân. Sự mất mát này lớn lao quá khiến nó không làm sao hiểu được. Cái đầu của nó, do mất mát trở nên rỗng tuếch, và bắt đầu chao đảo, và càng khiến cho sự mất mát tăng thêm mãi.
Nó nhận ra rằng, do đòi hỏi của thời mới lớn, làm sao có “đời thực”, nên bỏ nhà ra đi, và sự kiện rời khỏi tổ của nó, khiến cho cái tổ trở nên yếu ớt, không còn khả năng phòng thủ.
Thế cũng đã quá tệ rồi, nhưng ít ra, nó còn có thể đổ vạ cho thiên nhiên, cho bản chất.
Điều nó không thể ăn vạ thiên nhiên, bản chất, đó là, sự thành tựu của nó, thực tại nó làm ra thì chẳng có giá trị gì, nếu so với thực tại tổ ấm của bị bỏ rơi kia. Và nếu có một điều chi là thực, ở trong đời của nó, thì chính là cái tổ kia, cái tổ áp chế, làm nghẹt thở, mà nó chỉ lăm le bỏ chạy. Bởi vì cái tổ đó được xây nên bởi “những người khác”, những người đã cho nó đời sống, chúng  không phải do nó xây, nó,  kẻ biết rất rõ giá trị thực sự của việc làm của mình, kẻ, sau cùng mới hiểu ra được rằng, hoá ra là mình “sử dụng” cuộc đời được những kẻ khác ban cho.
Nó biết, những thành quả của nó đó, chúng đã được ước mong, tính toán như thế nào. Và sau cùng, tất cả đều chỉ là tạm bợ. Và ngay cả, không tạm bợ mà là  lâu bền, cách tốt nhất mà nó có thể  đưa chúng ra sử dụng, thì cũng hiển nhiên như là tài năng của mình mà nó vẫn thường huênh hoang.
Tuy nhiên, nếu nói về tài năng, làm sao nó có thể tái xây dựng cái tổ hoang sơ, khoẻ khoắn, nơi đã từng nghe tiếng khóc đầu tiên của nó khi vào đời. Nó cũng chẳng thể nào tái xây dựng những người để nó vào đó. Như là một hậu quả, làm sao nó có thể tái xây dựng nguyên nhân của nó?

[còn tiếp]

NQT dịch

tanvien.net