gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ

Thi sĩ và Thế giới
bản tiếng Anh



Thi Sĩ và Thế Giới 

Diễn văn Nobel 1996

Wislawa Szymborska
 

Người ta nói, câu mở đầu bất cứ một bài diễn văn luôn là câu khó nhất. Như vậy là, tôi đã bỏ được cái khó đó ở phía sau mình rồi. Nhưng tôi có cảm giác, những câu sắp sửa -  câu thứ ba, thứ sáu, thứ mười, và cứ thế, cho tới dòng cuối - cũng khó chẳng thua, bởi vì, ở đây, tôi muốn nói tới thi ca. Tôi có nói một tí, cứ kể như là chưa nói gì, về nó. Và cứ mỗi lần tính nói, tôi lại nghi, rằng, mình biết gì mà thưa thốt. Vì vậy mà bài nói chuyện của tôi sẽ ngăn ngắn. Ngắn chừng nào dễ giấu được cái dở của mình chừng đó. 

Những nhà thơ đương thời thường tỏ ra bi quan - và ngay cả, hồ nghi, và có lẽ, đặc biệt - về chính họ. Họ rất ngần ngại, khi công khái thú nhận, rằng mình là thi sĩ, như thể họ có chút xấu hổ, nhục nhã, vì là nhà thơ. Nhưng vào những lúc ồn ào bát nháo như lúc này, thật dễ nhận cái dở của bạn, nếu chúng được gói ghém thật quyến rũ, hơn là nhìn ra cái hay của chính mình, khi nó lặn sâu đến nỗi chính bạn cũng chẳng còn tin vào nó nữa. Khi phải kê khai lý lịch, điền đơn từ, hoặc khi trò chuyện với người lạ - nghĩa là khi chẳng thể nào tránh nổi chuyện nói về nghề nghiệp của mình - những nhà thơ thường ưa dùng từ chung chung là "người viết", "writer", hoặc, thay thế từ "thi sĩ" bằng tên của bất kỳ công việc 'làm thêm’ của người đó. Những nhân viên bàn giấy, và những hành khách xe buýt thường đáp ứng bằng một cái nhướng mày hồ nghi, hay hoảng hốt, khi họ khám phá ra họ đang đối diện với một nhà thơ. Tôi nghĩ, những triết gia cũng gặp phản ứng tương tự. Tuy nhiên, triết gia dù sao cũng ở trong một hoàn cảnh khá hơn, bởi vì, họ có thể xưng danh, thay vì triết gia, thì là, “giáo sư triết”. Giáo sư triết, nghe có vẻ đáng kính đấy chứ! 

Nhưng làm gì có “giáo sư thơ”. Sự việc nó như thế này, theo tôi: Thi ca là một công việc đòi hỏi một nghiên cứu đặc biệt, những thường xuyên kiểm tra, những bài viết có tính lý thuyết kèm tiểu sử và chú dẫn, và sau hết, những văn bằng với những lễ nghi của chúng. Và điều này, tới lượt nó, lại đẻ ra một sự kiện, là, không phải bạn cứ bôi thơ, cho dù là thơ hay, đầy, hết trang giấy này tới trang khác, là thành nhà thơ! Điều mà bạn cần, là một cái mộc của nhà nước chứng nhận bạn là thi sĩ. Bạn chắc còn nhớ, niềm kiêu hãnh của thi ca Nga, nhà thơ sau này được Nobel, Joseph Brodsky, đã từng bị lưu đầy nội xứ, là dựa trên nền tảng nói trên. Nhà nước gọi ông là “một tên ăn hại”, bởi vì ông thiếu giấy chứng nhận của nhà nước cho phép ông là thi sĩ. 

Cách đây vài năm, tôi có vinh dự được gặp nhà thơ Brodsky, bằng xương bằng thịt, trước mắt tôi. Và tôi  nhận ra là, trong số tất cả những nhà thơ mà tôi được biết, ông là người độc nhất rất khoái “tớ tự coi tớ là một thi sĩ”. Ông nói lên từ này một cách rất ư là vô tư, thoải mái, không tỏ ra bị ức chế, mà đúng ra, ngược hẳn lại: Ông nói tớ là thi sĩ theo cái kiểu tự do mà thách đố. Như thể, sự thể nó phải như vậy, bởi vì ông nhớ lại những đối xử tàn nhẫn mà ông đã từng trải qua khi còn trẻ.

 Ở những xứ sở may mắn hơn, một khi phẩm giá con người không bị hiếp đáp, làm nhục những nhà thơ bèn mong được in thơ, đọc thơ, và hiểu thơ, lẽ tự nhiên là như vậy, phải không bạn? Nhưng họ làm ít, và có lẽ phải nói, chẳng làm gì, ấy là nói về cái việc, coi mình hơn hẳn đồng bọn, hoặc vượt lên khỏi sự nghiệt ngã thường ngày. Tuy nhiên, cũng chẳng lâu la gì, vào thập niên đầu thiên kỷ, mấy ông thi sĩ đã gây sốc cho chúng ta, bằng cách ăn mặc lố lăng, bằng cách cư xử hợm hĩnh. Nhưng tất cả những trò đó, là chỉ mong được công chúng để ý đến đám tụi mình một tí mà thôi. Luôn sẽ xẩy ra, là, vào một thời điểm nào đó, nhà thơ sẽ đóng sập cửa phòng của mình lại, tụt áo choàng, cân đai, mũ mãng, luôn cả ba trang bị thơ ca khác, và đối diện – lặng lẽ, kiên nhẫn đợi chờ con người thực của mình - với trang giấy trắng, và chỉ cái điều sau cùng này mới đáng kể.

 Cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên, tiểu sử bằng phim ảnh của những khoa học gia và nghệ sĩ được sản xuất theo kiểu qui mô. Những nhà giám đốc nhiều tham vọng tìm cách tái tạo, một cách thật là thuyết phục, tiến trình sáng tạo đưa đến những khám phá khoa học quan trọng, hay sự xuất hiện của một kiệt tác nghệ thuật. Và người ta có thể nhận ra rằng có sự thành công ở trong một số hình thức lao động khoa học. Những phòng thí nghiệm, những dụng cụ, máy móc này nọ, chúng “làm ra” đời sống: những cảnh tượng như thế đó, trong một lúc, có thể gây được sự quan tâm ở nơi khán thính giả. Nhưng còn những lúc khác, thì sao? Liệu một thí nghiệm, được làm đi làm lại hàng ngàn lần, sẽ đưa đến kết quả như mong đợi? - Một câu hỏi như thế có khi thật là đáng sợ. Phim về họa sĩ có thể thật ngoạn mục, chúng tái tạo gần như mọi tình huống, mọi công đoạn của một họa phẩm nổi tiếng, từ nét chì đầu tiên cho tới cú cọ chót. Âm nhạc, như những ngọn trào, ở trong những cuốn phim, về những nhà soạn nhạc. Từ nhịp đầu một giai điệu, ở nơi tai người nhạc sĩ, sau cùng bật ra một tác phẩm chín mùi, dưới dạng đại hòa tấu. Lẽ dĩ nhiên, điều này quá đỗi ngây thơ, và chẳng giải thích được, phút linh cầu, trạng thái tâm linh thường gọi là “hứng khởi”, nhưng ít ra có một điều gì đó, cần nhìn, và cần nghe, ở đây.

 Nhưng với thi sĩ, là những gì tệ hại nhất. Hãy coi kìa, thảm làm sao! Chàng ngồi nơi bàn, hay nằm nơi trường kỷ, mắt lim dim, bất động, như không nhìn đâu đâu, hoặc ngó vách tường, trần nhà. Lâu lâu, chàng vạch một hai dòng, vài con chữ, chỉ để xoá đi, chừng mươi lăm phút sau đó, và thế là, một giờ trôi đi, chẳng để lại một chút gì, chẳng có gì xẩy ra… Ai có thể ngồi coi một thứ khùng điên như thế?

 Trên tôi có nói tới hứng khởi. Những nhà thơ đương thời thường trả lời theo kiểu tránh né, khi được hỏi, nó là cái chi vậy, hoặc thực sự có cái gọi là hứng khởi. Không phải là chúng ta không hề biết tới cú huých, từ xó xỉnh nào ở bên trong con người chúng ta, đột nhiên bật ra, và phước lành mà nó mang lại. Nhưng đâu có dễ dàng gì, khi phải giải thích một điều gì cho một người nào đó, rằng, chính  tôi đây, cũng không hiểu.

 Khi bị hỏi, tôi cũng nói quanh nói quẩn. Nhưng tôi trả lời như thế này: hứng khởi không phải là một thứ đặc quyền, chỉ dành cho nhà thơ, hay nghệ sĩ. Và có, và sẽ luôn luôn có, một số người mà hứng khởi mò tới thăm viếng. Số người này, đủ thứ trong bàn dân thiên hạ, những con người dám chọn điều mà họ dám chọn, và sau đó, làm công việc của mình, với tình yêu và sự tưởng tưọng. Họ có thể là bác sĩ, thầy giáo, người giữ vườn – và tôi có thể kể hàng trăm thứ nghề nghiệp khác. Việc làm của họ trở nên một cuộc phiêu lưu liên luỷ, chừng nào mà họ còn loay hoay tìm cho ra, khám phá cho bằng được, những thách đố mới mẻ ở trong công việc làm của họ. Khó khăn, trở ngại chẳng hề làm họ hết tò mò. Cả chục, cả trăm câu hỏi mới mẻ bật ra từ bất cứ một vấn đề mà họ vướng vào và cố giải đáp. Bất cứ hứng khởi chi chi, là đều đẻ ra từ một thường xuyên, liên luỷ: “Tôi không biết”.

 Những người như thế, thật cũng không có nhiều. Hầu hết cư dân trên trái đất này, đều làm việc theo kiểu cho hết, cho qua thời giờ, cho đời mình cứ thế trôi đi. Họ làm việc bởi vì họ phải làm. Họ không bập vào nó, do đam mê; những hoàn cảnh, những tình huống trong đời họ, đã chọn việc làm đó cho họ. Việc làm không yêu thương, thích thú; việc làm chỉ làm buồn, làm chán; việc làm được đánh giá qua ánh mắt thèm thuồng của những người khác, của những người không làm sao có được, cho dù chán nản, cho dù buồn phiền tới cỡ nào: đây đúng là một trong những nỗi khốn khổ, khốn nạn nhất nhất, của con người. Và ngó ngược ngó xuôi, ngó những thế kỷ sắp mò tới, cũng chẳng lộ ra một tín hiệu cho thấy, sẽ có sự thay đổi, rằng sự tình sẽ khấm khá hơn.

 Và , mặc dù có thể không ban những nhà thơ độc quyền hứng khởi, tôi vẫn xếp họ vào loại người được tuyển chọn, và có tên là mhững con người đáng yêu của Vận Hội [Fortune].

 Tới đây, chắc là có người tỏ ra nghi ngờ. Bởi vì đủ thứ nhà tra tấn, nhà độc tài, nhà cuồng tín, và những tên mị dân tranh thủ, chiếm đoạt quyền lực bằng đủ thứ hô hào, đủ thứ khẩu hiệu, họ cũng thưởng thức việc làm của họ, và họ cũng hoàn tất nhiệm vụ của họ, với hân hoan, với nhiệt tình. Vâng, đúng như vậy, nhưng đám này, họ đều “biết”. Họ biết, và bất cứ là biết thứ chi chi, như vậy là đủ, cho họ, một lần và tất cả. Họ đâu cần tìm hiểu về bất cứ chuyện chi khác, bởi vì, một khi làm như vậy, là giảm đi sức mạnh của những luận cứ của họ. Và bất cứ một tri thức nào mà không dẫn tới những câu hỏi mới, đều là đồ vứt đi, đều khó thọ, vừa ló ra là ngỏm liền: nó thất bại, trong cái việc làm, là gìn giữ, cưu mang, ấp ủ, ngọn lửa đời, hơi nóng đời. Trong những trường hợp thái quá - cũng đầy rẫy trong lịch sử nhân loại, từ cổ cho tới kim – nó đúng là một lưỡi dao, kề ngay cổ họng  xã hội.

 Chính vì lý do đó mà tôi đánh giá thật cao, câu nói ngắn, “Tôi không biết”. Tuy cụt thun lủn như vậy, nhưng nó bay bằng đôi cánh đại bàng. Nó mở rộng những cuộc đời của chúng ta, và ôm trọn những không gian ở bên trong chúng ta cũng như bên ngoài, những không gian mà Trái Đất nhỏ bé của chúng ta treo tòng teng trong đó. Nếu Isaac Newton không nói với chính mình, “Tôi không biết,” thì những trái táo trong khu vườn nho nhỏ của ông cứ thế rớt đánh bịch xuống mặt đất như những cục mưa đá, và may lắm, sẽ xẩy ra trường hợp như vầy: ông ta cúi xuống, nhặt chúng lên, và đợp chúng một cách thật là ngon lành! Nếu người đồng hương của tôi, là Marie Sklodowska-Curie, chẳng bao giờ nói với chính bà, “Tôi không biết”, có thể bà sẽ học hành xong xuôi, và làm một bà giáo dậy môn hóa học, tại một ngôi trường tư dành riêng cho mấy cô con gái nhà lành, hoặc đi hết đời mình bằng một nghề hoàn toàn đáng kính trọng khác. Nhưng bà cứ tiếp tục nói với bà, “Tôi không biết”, và những tiếng nói đó dẫn bà, không chỉ một, mà hai lần, tới Stockholm, nơi những đầu óc không chịu nghỉ, không chịu ngưng tìm tòi, đôi khi được thưởng công bằng Giải Nobel.

 Những nhà thơ, nếu là thứ thiệt, cũng phải lập đi lập lại hoài, bùa chú trên, “Tôi không biết”. Mỗi bài thơ là một cố gắng nhằm trả lời câu hỏi đó, nhưng ngay khi giai đoạn chót vừa chạm mặt giấy,nhà thơ tính reo lên hài lòng, là  anh ta bắt đầu băn khoăn, ngần ngại, bắt đầu nhận ra rằng, câu trả lời đặc thù của anh ta đó, chỉ là đồ vá víu, tạm thời, không thể nào làm được cái việc cất cánh kia. Thế là nhà thơ lại tiếp tục thử nghiệm, tìm tòi, và chẳng chóng thì chầy, những kết quả của một chuỗi những tự hài lòng với chính mình như thế đó, chúng được nhà thơ kẹp vào với nhau, cùng với cái kẹp giấy khổng lồ, của nhà sử văn, và được gọi là "tác phẩm" của anh ta.

 Đôi khi, tôi mơ những tình huống không làm sao biến thành  hiện thực. Tôi đã  dám tưởng tượng, giả như mình có dịp trò chuyện, tán gẫu với Người Truyền Đạo, tác giả lời than van rất ư là mùi mẫn về sự vô thường của mọi cố gắng của con người. Tôi sẽ cúi thật thấp mình, trước ông ta, bởi vì, nói cho cùng, đây là một trong những thi sĩ lớn lao nhất, ít ra là đối với tôi. Cúi mình rạp xuống đất, chào thiên tài thi ca, xong xuôi rồi, tôi sẽ nắm tay ông ta mà bảo rằng, “‘Chẳng có gì mới, dưới mặt trời’, đó là điều ông viết, thưa Người Truyền Đạo. Nhưng chính ông, sinh ra, mới, dưới mặt trời. Và bài thơ ông  sáng tạo ra đó, nó cũng mới, dưới mặt trời, bởi vì chưa từng có ai trước ông, viết nó ra. Và tất cả những độc giả của ông, cũng mới, dưới mặt trời, bởi vì những người sống trước ông, làm sao đọc thơ ông? Và, kể từ thưở bình minh của thời gian, cây tùng mà ông đang ngồi dưới nó, nó không hề tăng trưởng. Nó ra đời, là nhờ một cây tùng tương tự dưới nó ông đã ngồi, nhưng không y hệt là một. [Nhờ bài thơ của ông, cây tùng ông đã từng có lần ngồi dưới nó, trở thành bất tử. CTND]. Và Người Truyền Đạo, tôi muốn hỏi ông, điều mới nào, dưới mặt trời, ông đang tính làm, vào lúc này? Bàn thêm một tí, về những gì ông đã diễn tả? Hay là, có thể, ông đang tính phản biện, một vài điều, ở trong đó? Trong tác phẩm của ông, ở giai đoạn đầu, ông có nói tới niềm vui - vậy thì đã sao, nếu nó chỉ là thoáng chốc? Nếu như vậy, có thể, một bài thơ-mới-dưới-mặt-trời, của ông, sẽ là về niềm vui? Ông đã làm những ghi chú? Đã viết bản nháp? Tôi sợ rằng, ông sẽ nói, ‘Ta còn có gì để thêm vô, hay là bớt đi nữa đâu?  Ta đã viết ra mọi điều’. Chẳng có một nhà thơ nào trên thế gian có thể nói như vậy, một nhà thơ lớn lao như ông lại càng không thể nói như vậy.”

 Thế giới là ngạc nhiên. Cho dù chúng ta có thể nghĩ như thế nào về nó, vào những lúc quá khiếp sợ trước sự lớn rộng của nó, và sự bất lực của chúng ta. Hay vào những lúc cay đắng bởi sự lạnh lùng dửng dưng của nó, đối với những con người, những loài vật, và có thể, ngay cả với những cây cối, bởi vì, làm sao chúng ta dám chắc chắn, cây cối không đau? Cho dù chúng ta nghĩ gì, về sự triển nở của thế giới, xuyên qua những tia sáng từ những vì sao, và xung quanh những vì sao này, là những hành tinh mà chúng ta vừa mới khám phá ra, những hành tinh này đã chết rồi? Vẫn đang chết? Chúng ta đâu biết. Cho dù chúng ta nghĩ gì về cái nhà hát lớn lao không làm sao đo lường nổi đó, nơi mà chúng ta đã mua vé  trước rồi, bằng những tấm vé mà cuộc đời của chúng mới ngắn ngủi tức cuời làm sao, như co rúm lại giữa hai ngày tháng bất kỳ. Cho dù chúng ta nghĩ gì, thì gì, thế giới là ngạc nhiên.

 Nhưng “ngạc nhiên” là một từ giấu trong nó một cái bẫy luận lý. Nói cho cùng, chúng ta ngạc nhiên, bởi những điều đi lệch ra khỏi mẫu mực được nhiều người biết, mang tính phổ cập; lệch ra khỏi, điều mà chúng ta coi là hiển nhiên, do đã quá quen thuộc với nó trong cuộc sống. Và bây giờ, vấn đề là như thế này: Chẳng làm gì có một thế giới hiển nhiên như thế.  Sự ngạc nhiên của chúng ta, tự nó [per se] hiện hữu, không dựa vào sự so sánh, với bất cứ một điều nào khác.

 Phải như vậy thôi. Vì nó là như vậy. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đâu có uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói ra một điều gì. Chúng ta quen miệng nói, thí dụ, “thế thường” [ordinary world], đời thường [ordinary life], “chuyện thường”… Nhưng trong ngôn ngữ thơ, nơi mỗi từ là mỗi cân đo đong đếm, đắn đo chọn lựa, làm gì có chuyện thường thuờng bậc trung ở trong đó. Làm gì có, chỉ một cụm mây, chỉ một hòn đá, ở trên nó. Làm gì có, chỉ một ngày, chỉ một đêm, sau nó. Và trên hết, chẳng hề có,chỉ một hiện hữu, chỉ một hiện diện của bất cứ con người nào, trong thế giới này.

 Có vẻ như, những nhà thơ sẽ luôn luôn có việc để làm, cắt ra từ đó.

 [Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh dịch từ tiếng Ba Lan qua tiếng Anh]

 NQT dịch

 *

LOVE AT FIRST SIGHT

They're both convinced
that a sudden passion joined them.
Such certainty is beautiful,
but uncertainty is more beautiful still.

Since they'd never met before, they're sure
that there'd been nothing between them.
But what's the word from the streets, staircases, hallways -
perhaps they've passed by each other a million times?

I want to ask them if they don't remember –
a moment face to face
in some revolving door?
perhaps a "sorry" muttered in a crowd?
a curt "wrong number" caught in the receiver? –
but I know the answer.
No, they don't remember.

They'd be amazed to hear
that Chance has been toying with them
now for years.

Not quite ready yet
to become their Destiny,
it pushed them close, drove them apart,
it barred their path,
stifling a laugh,
and then leaped aside.

There were signs and signals,
even if they couldn't read them yet.
Perhaps three years ago
or just last Tuesday
a certain leaf fluttered
from one shoulder to another?
Something was dropped and then picked up.
Who knows, maybe the ball that vanished
into childhood's thicket?

There were doorknobs and doorbells
where one touch had covered another
beforehand.
Suitcases checked and standing side by side.
One night, perhaps, the same dream,
grown hazy by morning.

Every beginning
is only a sequel, after all,
and the book of events
is always open halfway through.
*