gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ



Tưởng niệm Susan Sontag

 Joan Acocella

Lời Bạt

Susan Sontag viết cho báo này [Người Nữu Ước], tuy không liên tục, nhưng ròng rã trên ba chục năm. Bà mất bữa Thứ Ba vừa rồi, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, mặc dù, ai cũng biết bà bị ung thư, và thuốc thang chữa trị từ hồi thập niên 1970, nhưng chẳng bao giờ bà để tâm đến chuyện này, cũng như không để cho ai để tâm đến nó, rằng, bịnh này có thể giết bà. Một ý nghĩ như thế đó, là một vi phạm, violation, đối với sự cần thiết sâu xa nhất của bà, the deepest need, the need to live, cần sống và có được kinh nghiệm mà thế giới đem tới cho bà.

Một lần, viết về tuổi thơ, và những bữa ăn thịt nướng trong gia đình, bà cho biết, "Tôi ăn, ăn, và ăn... Tôi luôn luôn đói."

Luôn luôn đói, bà giữ cho mình suốt đời là như vậy đó. Bà đọc mọi thứ, và viết đủ thứ: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tiểu luận văn học, phim ảnh, chính trị. Bà làm phim. Bà đọc diễn văn. Bà đi Bắc Việt, Cuba, và Bosnia, và từ đó, gửi về những bài tường thuật. Gần như chẳng có điều gì bà nghĩ, bà không thể làm được, và chẳng có điều gì bà không tính làm, và làm thật lẹ, liền tức thì.

Khi tôi bắt đầu phỏng vấn bà, vào năm 1999, cho một bài báo thuộc loại chân dung nhìn nghiêng [profile] của báo này [The New Yorker], bà vừa trải qua một chuỗi những chữa chạy mới, rất, rất ư hung bạo [agressive], căn bịnh ung thư, và chúng gây tổn thương về thần kinh ở nơi bà. Bà phải sử dụng thuốc giảm đau, đúng ra, tôi muốn nói, lúc đó bà sống bằng những thuốc giảm đau, the painkillers; bà phải nhìn xuống chân, mỗi khi bước. Nhưng, nhằm nhò gì ba thứ lẻ tẻ đó, bà cười, khi tiếp tôi. Bà dang rộng hai tay, ôm lấy trọn một cuộc đời mới của bà. Trước đó, bà là một nhà viết tiểu luận. Bây giờ, bà là một tiểu thuyết gia. Thực ra, bà đã từng viết tiểu thuyết, hai cuốn, ngay lúc khởi nghiệp, vào thập niên 1960. Bà không thích chúng lắm, vì vậy mà bà trở thành một nhà phê bình, đúng ra phải nói, nhà phê bình nổi tiếng nhất, và nhà phê bình trẻ có ảnh hưởng nhất, của thập niên 60 và 70, khuôn mặt trung tâm nổi cộm của một đảo nghịch mỹ học, "the aesthetic bouleversement", của thời kỳ đó: sự hấp thụ, absorption, văn hóa đại chúng vào văn hóa cao, huỷ bỏ thể loại cổ điển, để đổi lấy sự đứt đoạn, nét gẫy, vết rạn hiện đại, làm lễ tấn phong cho ý thức tan hoang, rã rời, đêm tóc rối, thay cho chủ nghĩa hiện thực, những nền tảng đạo đức, những lớp lang mở đầu, thân bài, và kết luận. Nhưng vào năm 1999, tất cả mọi chuyện đó chấm hết, nếu kể như chúng đã là những quan tâm của bà trước đó. Bà đã cho xuất bản một cuốn sách như thế vào năm 1992, "Người Tình Hoả Diệm Sơn", "The Volcano Lover", viết về cuộc tình đã trở thành truyền thuyết giữa Lord Byron với người đàn bà có chồng, là Emma Hamliton. Cuốn sách là một best-seller. Bây giờ, bà vừa mới kết thúc một tác phẩm mang nhiều tham vọng hơn, so với cuốn trước, một cuốn tiểu thuyết lịch sử, "Ở Mỹ", "In America", và bà đang khởi sự một cuốn tiểu thuyết khác, về nước Nhật hiện đại.

Thật không rõ, trong tương lai, chuyện gì sẽ xẩy ra, đối với một Susan Sontag với một nghiệp viết nhiều mặt như thế. Có thể việc viết tiểu thuyết sẽ chỉ được coi là thứ yếu. "Người Tình Hoả Diệm Sơn" là một đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực hiện đại mang tính tâm lý, nhưng rõ ràng là, so với những tiểu thuyết khác của bà, nó tách biệt hẳn ra, theo nghĩa, không mặn mà, xứng hợp với những cuốn còn lại. Nếu có một cái gì khác, ngoài cuốn tiểu thuyết đó ra, ở trong những thành tựu đỉnh cao của bà, như người ta thật dễ dàng nhận ra, và sẽ nhớ mãi, thì đó là những tiểu luận mang tính phê bình, hầu hết viết về những nhà văn, những nhà làm phim, mà bà thu gom và cho in trong "Chống Dẫn Giải", "Against Interpretation" (1966), cuốn  sách đã làm bà nổi tiếng; "Những Phong Cách Về Ý Chí Cấp Tiến", "Styles of Radical Will" (1969), "Sinh dưới một vì sao xấu xố", "Under the Sign of Saturne" (1980). Cuốn sách sẽ còn sống dai khác nữa, là "Về Phim Ảnh", "On Photography" (1977). Cuốn này, như "Người Tình Hoả Diệm Sơn", là một best-seller, nhưng, đây là một chuyên khảo về quyền lực xa [the distancing power] của hình ảnh, nó thực sự không trông mong có được một thứ vinh quang mang tính bình dân, hay đại chúng. Trong những bài viết ở trong đó, Susan Sontag kết hợp một đam mê cho nhiều cách mới mẻ trong cái nhìn (Godard, Artaud, "ngẫu hứng", "happenings") với sự trung thành với những giá trị mang tính cổ điển (chân lý, cái đẹp, sự thanh lịch), và từ đó, xây dựng một cây cầu cho chúng ta, chỉ cho chúng ta bằng cách nào, làm sao xâm nhập được Cái Hiện Đại, The Modern.

Sau đó, khi mà hiện đại sau cùng đã hất cẳng [supplanted] cổ điển, bà đổ dồn đóng góp của mình cho sự phát triển này. Cũng như thế, là với những phát triển mang tính chính trị. Vốn là một người tả phái dấn thân, bà đã từng ca ngợi những chế độ ở Cuba, ở Bắc Việt Nam, vào thập niên 1960, và đã diễn tả "giống trắng", "the white race", như là "ung thư của lịch sử nhân loại". Điều này làm bà bị mất cảm tình rất nhiều, từ hữu phái. Rồi thì, vào năm 1982, bà công khai tuyên bố "Chủ nghĩa Cộng sản là chủ nghĩa Phát xít", ngược hẳn những gì bà ca ngợi và tin tưởng trước đó, điều này càng làm cho phái hữu có lý do để mất cảm tình thêm với bà (Thế đấy, bây giờ  đã mở mắt ra chưa!), trong khi cùng lúc, làm tả phái nghỉ chơi, bỏ chạy bà!

Nhưng, như cách bà nhìn, bà được sinh ra, là để nói ra những quan điểm mạnh bạo như thế đó. Và để thay đổi chúng, như là thế giới thay đổi. Bà trải qua những năm đầu đời ở Paris, thành thử ở trong bà có điều chi gần gụi với Pháp hơn so với Hoa Kỳ: một trí thức của đám đông, một con người với quyền của người đó, có thể nói, với bổn phận của người đó, là đưa ra, trình tới cho bàn dân thiên hạ, những tư tưởng, những ý nghĩ, như là sự đóng góp của mình cho công cuộc bàn luận của xã hội, về cuộc sống của nó. Bà thì cũng thật là hăm hở, thật là tình cảm, dễ xúc động. Mắt bà đẫm lệ, khi nói về những chuyện như là chính quyền Miến Điện, hay Hilton Kramer, hay "Anh em nhà Karamazov", (tác phẩm của Dostoevsky). Với bà, đọc và kinh nghiệm không chỉ là những sự kiện mang tính tâm thần, tâm linh; bà đón nhận chúng như là đón nhận những ngọn phi tiêu lửa. Không có bà, thành phố Nữu Ước như trở nên lạnh lẽo hơn.

 Joan Acocella.

[Người Nữu Ước, số đề ngày 10 Tháng Giêng, 2005)


NQT dịch