gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ



Phỏng Vấn Francoise Sagan, tác giả Buồn Ơi Chào Mi

do tờ Điểm Sách Paris thực hiện [1956]
 

Francoise Sagan, tên khai sinh là Francoise Quoirez, sinh ngày 21 tháng Sáu, 1935; mất ngày 24 tháng Chín, 2004.

Mất theo cùng với cái chết của bà, thọ 69 tuổi, là mối nối cuối cùng của trí thức Pháp, với một không gian văn chương có tên là Saint Germain-des-Prés, một thứ Quán Chùa của Tây, nơi đám trí thức của thập niên 1950 thường tụ họp, trong có Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, nữ ca sĩ Juliette Gréco [một thứ Khánh Ly của thời đó, với bản nhạc lừng danh, Mùa Thu Chết, Les Feuilles Mortes, phỏng thơ Prévert], tay chơi nhạc jazz và còn là tiểu thuyết gia, Boris Vian, và một chính trị gia trẻ có tên là Francois Mitterand sau trở thành Tổng Thống Pháp.

 

 Người phỏng vấn:

-Làm sao mà muời tám tuổi cô nẩy ra viết Chào Buồn?

Sagan:

Tôi viết nó, đơn giản là như vậy. Tôi rất ước ao viết nó, và có thời giờ rảnh. Tôi nói với mình, đây là một thứ công chuyện mà rất, rất ít cô gái vào tuổi tôi, ôm lấy; Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể kết thúc nó. Tôi không hề nghĩ đến “văn chương”, và những vấn đề văn chương, nhưng về chính tôi, và liệu tôi có đủ ý chí cần thiết không.

-Cô có lúc nào bỏ ngang, rồi lại tiếp tục?

Không, tôi muốn hoàn tất nó, kết thúc nó, thật là si mê, thật là cuồng nhiệt. Chưa bao giờ tôi si mê một thứ nào tới mức đó. Trong lúc viết, tôi nghĩ, có thể nó có cơ may được in ra. Sau cùng, khi viết xong, tôi cho rằng, thật vô phương. Tôi bị ngạc nhiên, bởi cuốn sách, và bởi chính tôi.

-Cô đã hằng mong nó? Tôi muốn nói, trước đó, cô đã muốn viết nó?

Vâng. Tôi đã đọc rất nhiều chuyện. Có vẻ như đối với tôi, không thể không viết ra một câu chuyện. Thay vì đi Chile với một đám găng tơ, thì người đó ở lại Paris và viết một cuốn tiểu thuyết. Đúng là một cuộc phiêu lưu lớn đối với tôi.

-Chuyện xẩy ra mau lẹ như thế nào? Cô đã nghĩ ra câu chuyện nó phải như thế nào, trước đó?

Tất cả đối với Chào Buồn là như vầy: Tôi khởi sự với một ý tưởng về một nhân vật, một cô gái, nhưng chỉ có vậy, cho tới khi tôi cầm lên cây viết. Tôi phải bắt đầu viết để có ý tưởng. [I have to start to write to have ideas]. Tôi viết Chào Buồn trong hai hay ba tháng, mỗi ngày làm việc hai hay ba tiếng. Với cuốn Un Certain Sourire, Có Một Nụ Cười, thì khác hẳn. Tôi làm một số ghi chú, và nghĩ về cuốn sách đó trong vòng hai năm. Khi đã bắt đầu, cũng lại hai giờ một ngày, thì viết thật là nhanh. Khi bạn quyết định viết, lại có sẵn một cái sườn, và quyết tâm bám dính cứng lấy nó, bạn thấy mình viết nhanh vô cùng. Ít ra là vậy, đối với tôi.

-Cô có mất nhiều thời gian coi lại văn phong của mình?

Ít lắm.

-Như vậy là việc viết hai cuốn sách chỉ mất chừng năm hay sáu tháng?

Vâng, đúng là một cách tốt để kiếm sống.

-Cô nói, vấn đề quan trọng ở lúc khởi đầu, là một nhân vật?

Một, hay vài nhân vật, và có thể, một ý tưởng, ý nghĩ, về một vài xen khi tới lưng chừng cuốn sách, nhưng trong khi viết, mọi chuyện thay đổi. Với tôi, viết là tìm ra một giọng điệu nào đó. Tôi so sánh nó với những giọng điệu của nhạc jazz. Cuộc đời, trong tất cả những thời gian của nó, giống như sự tiến triển nhịp nhàng của ba nhân vật. Nếu con người tự nhủ, rằng đời là như vậy, nó sẽ cảm thấy cuộc đời đỡ khô khan.

-Cô tạo nhân vật bằng cách dựa vào người này, người nọ?

Tôi đã cực khổ với việc này, và cảm thấy chẳng có gì tương tự, giữa những người ở ngoài đời và nhân vật ở trong những cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi không tìm kiếm sự chính xác, khi miêu tả những con người. Tôi cố đem lại cho những con người tưởng tượng một thứ chân thực [veracity]. Với tôi, hình như có hai thứ mánh khoé: một gọi là  những mặt tiền [“the fronts”] con người “múa may quay cuồng” [assume: đảm nhiệm, xử sự… ] trước mắt người khác, và một, cái mặt tiền [“the front”] mà nhà văn để lên thực tại.

-Như vậy là cô cho rằng đây là một hình thức đánh lừa, thẳng từ thực tại.

Đúng như vậy. Nghệ thuật phải nắm bắt thực tại, theo kiểu bất thình lình tóm lấy nó. Nghệ thuật tóm những khoảnh khắc mà đối với chúng ta, chỉ là… một khoảnh khắc, một khoảnh khắc, rồi một khoảnh khắc nữa, và nó, theo một cách ngẫu hứng nào đó, chuyển hoá những khoảnh khắc trên thành những chuỗi đặc biệt, tất cả những chuỗi như thế quấn quit lấy nhau thành một chuyển động lớn [a major motion]. Theo tôi, nghệ thuật không nên coi “thực tại” như là một lo toan, một mối bận tâm. [Art should not pose reality as a preoccupation]. Chẳng có gì không thực hơn là mấy thứ tiểu thuyết được gọi là “hiện thực”, “realist” – chúng là những cơn ác mộng. Có thể thực hiện một thứ sự thực cảm nhận nào đó, theo kiểu có vẻ đó là sự thực, ở trong tiểu thuyết - cảm nhận thực của một nhân vật - vậy là quá đủ rồi.

Lẽ dĩ nhiên ảo tưởng lớn lao nhất về nghệ thuật, là nó làm cho người ta cảm thấy văn chương lớn  thì ở xém ngay bên cuộc đời [that great literature is very close to life], nhưng, cái ngược lại, thì mới đúng. Đời là vô hình vô dạng, văn chương là… cái áo khoác lên nó, tức là cái có hình dạng, formal.

-Có một số hoạt động ở trong đời sống, chúng là những hình dạng được phát triển cao, high developed activies in life, thí dụ như đua ngựa, horse racing. Không lẽ bởi vì vậy, mà mấy anh nài trở thành ảo ra, nghĩa là bớt thực đi, less real?

-Những đam mê mãnh liệt làm cho con người bị cuốn hút, như mấy anh nài có vẻ như vậy, nhưng đừng nói với tôi rằng như thế con người trở nên thực hơn nhiều. Họ có vẻ giống như những nhân vật ở trong những cuốn tiểu thuyết, mà ‘không có” tiểu thuyết, but “without” novels, như The Flying Dutchman.

-Liệu những nhân vật cứ ở hoài trong đầu cô, mặc dù cuốn tiểu thuyết đã viết xong từ lâu?

Khi xong cuốn sách là tôi không còn quan tâm đến những nhân vật ở trong đó. Và tôi “không bao giờ” đưa ra những phán đoán đạo đức. Tất cả những gì mà tôi có thể nói, là, nhân vật này thì kỳ cục, hay vui nhộn, hay trên tất cả, nhân vật gì mà chán quá. Làm Thượng Đế phán đoán đúng hay sai, đạo đức hay vô đạo, cho những nhân vật của mình, là một điều nản vô cùng, với bất cứ một tác giả nào, theo tôi. Tôi chẳng hề quan tâm tới việc đó. Tính đạo đức độc nhất của một tiểu thuyết gia, là, tính đạo đức về mỹ học của người đó, the morality of his esthétique. Tôi viết những cuốn sách, chúng đi tới những kết cục, vậy là đủ cho tôi.

-Khi viết xong Chào Buồn, nó có bị bầm dập bởi mấy tay biên tập?

Có một số đề xuất, đối với cuốn đầu. Thí dụ, có một số kết cục, và một trong số đó, là, [nhân vật] Ann không chết. Sau cùng, là quyết định, cuốn sách sẽ mạnh hơn, trong bản văn đầu tiên mà nó được viết.

-Cô có học được tí gì không từ ba lời bình phẩm cuốn sách?

Với những bài viết dễ chịu, thì tôi đọc hết. Tôi chẳng học được gì từ tất cả những bài viết đó, nhưng tôi ngạc nhiên, về sự tưởng tượng và sự dư dả của họ. Họ nhìn thấy những ý hướng, những toan tính mà tôi chẳng hề có.

-Bây giờ, cô cảm thấy thế nào, về Chào Buồn?

Tôi thích Có Một Nụ Cười hơn. Bởi vì nó khó khăn hơn. Nhưng tôi nhận thấy Chào Buồn có vẻ thú vị, amusing, vì nó làm nhớ một đoạn đời của tôi. Và tôi chẳng hề muốn sửa một từ nào ở trong đó. Cái gì xong, là đã xong.

-Tại sao cô cho rằng Có Một Nụ Cuời là một cuốn sách khó khăn hơn?

Tôi không có những lá bài chủ, khi viết cuốn thứ nhì; đâu còn khung cảnh nghỉ hè bãi biển, cái vẻ úp úp mở mở rất ư là ngây thơ, vụng dại theo những con chữ mà trở thành khí trời của câu chuyện, vẻ đểu đểu vui vui của Cécile. Vả chăng, khó khăn, là vì đây là cuốn thứ nhì.

-Cô có cho rằng, khó khăn còn là do chuyển từ ngôi thứ nhất, tôi, người kể chuyện, sang ngôi thứ ba, anh ta/chị ta, trong Có Một Nụ Cười?

Vâng, khó khăn hơn, nhiều giới hạn hơn, và kỷ luật hơn. Nhưng tôi không coi đây là quá quan trọng như những nhà văn vẫn thường làm ra vẻ như vậy.

-Những nhà văn Pháp cô ái mộ và nghĩ là quan trọng đối với cô?

Ô, tôi không biết. Chắc là Stenhdal và Proust. Tôi mê vẻ bậc thầy trong cách kể chuyện của họ, và trong một số đường hướng nào đó, tôi nghĩ, tôi thực sự rất cần họ. Thí dụ,  sau Proust có một số điều không thể nào làm lại. Ông ta chỉ cho bạn thấy, tài năng của bạn sẽ đưa bạn xa nhất tới mức độ nào. Cứ như đặt mốc biên cương cho tài năng, khoanh vùng cho thế giới tưởng tượng của bạn. Ông ta chỉ ra những khả thể nằm ở trong cách xử trí nhân vật.

-Nhân vật của Proust đánh động cô đặc biệt là ở những điểm nào?

Có lẽ về những gì mà người ta không hiểu, cũng nhiều như về những gì mà người ta hiểu. Với tôi, đây là văn chương, theo nghĩa tuyệt nhất của nó: sau bao nghiên cứu này nọ, người ta vẫn khó nghĩ rằng mình đã hiểu tất cả những ý nghĩ, sự kiện, và những khía cạnh của Swann, thí dụ vậy – và chuyện nó phải như vậy. Người ta sẽ chẳng hỏi một câu, rằng, “Ai là Swann?”. Biết Proust là ai là đủ. Tôi không biết, nói như vậy là rõ ràng chưa, nhưng ý tôi là, Swann hoàn toàn thuộc về Proust, và không thể nào tưởng tượng ra một Swann của Balzac, trong khi người ta thật dễ dàng tưởng tượng ra được một Marsay của Proust.

-Liệu có thể, tiểu thuyết được viết ra, là bởi vì, tiểu thuyết gia, tưởng tượng ra mình trong vai trong vai trò một tiểu thuyết gia đang viết một cuốn tiểu thuyết? 

Không, như thể, một người coi mình là nhân vật chính, rồi kiếm tiểu thuyết gia có thể viết câu chuyện.

-Như vậy người ta luôn luôn khám phá ra, vẫn một tiểu thuyết gia đó?

Cơ bản là như vậy. Nói một cách thật rộng, tôi nghĩ, người ta viết đi viết lại, vẫn cùng một cuốn sách. Tôi dẫn một nhân vật, từ cuốn này qua cuốn tới, tôi tiếp tục, cứ thế, những tư tưởng, ý nghĩ. Có thay đổi, là góc nhìn, phương pháp, độ sáng. Nói một cách rất đại khái, đối với tôi có vẻ như có hai loại tiểu thuyết, tuỳ mình chọn loại nào. Một là những cuốn tiểu thuyết giản dị kể một câu chuyện và hy sinh rất nhiều thứ khác, chỉ nhắm vào việc kể chuyện – thí dụ như những cuốn của Benjamin Constant, mà Chào Buồn và Có Một Nụ Cười là cùng một kiểu cấu trúc. Và một loại nhắm đưa tới những bàn bạc, cân nhắc về nhân vật cùng sự kiện ở trong đó - một cuốn tiểu thuyết mà người ta bàn cãi, un roman où l’on discute. Loại nào thì cũng có hiểm nguy của loại đó, trong loại kể chuyện, có vẻ những câu hỏi quan trọng bị bỏ qua; trong loại tiểu thuyết cổ điển dài hơn so với loại trên, sự tản mạn, lan man có thể gây hại lên hiệu quả chuyện.

-Cô có tính viết một cuốn tiểu thuyết mà người ta bàn cải, un roman où l’on discute?

Vâng, tôi thích viết – đúng ra là tôi đang dàn dựng - một cuốn tiểu thuyết với khá nhiều nhân vật - sẽ có tới ba nữ nhân vật – với những cá tính tình được dàn trải rộng ra hơn, so với Dominique và Cécile, và những nhân vật khác trong hai cuốn đầu. Cuốn tiểu thuyết mà tôi thích viết đó, nhân vật chính sẽ được giải phóng ra khỏi những đòi hỏi của cốt truyện [plot], ra khỏi chính cuốn tiểu thuyết, và ra khỏi luôn cả tác giả của nó.

-Cô tính với cao tới đâu, và làm sao kiềm chế tham vọng của mình?

[To what extent do you recognize your limits and maintain a check on your ambitions”: Tới mức độ nào cô nhìn nhận những giới hạn của cô, và kiềm chế những tham vọng của mình?]

Đúng là một câu hỏi khó chịu, phải không nào? Tôi nhìn ra những giới hạn của mình, theo nghĩa tôi đã đọc Tolstoy, và Dostoevsky, và Shakespeare. Đó là câu trả lời hay nhất, theo tôi. Ngoài cái đó ra, tôi không nghĩ mình phải hạn chế mình gì nữa.

-Cô kiếm ra thật nhanh cả một lố tiền bạc. Liệu điều đó sẽ thay đổi cuộc sống của cô? Có bao giờ cô phân biệt, giữa viết tiểu thuyết để kiếm tiền, và viết một cách nghiêm túc, như là một số nhà văn Mỹ và Pháp đã từng đặt ra?

Lẽ dĩ nhiên, sự thành công của những cuốn sách thay đổi cuộc đời của tôi, một cách nào đó, bởi vì tôi có tiền bạc để mua sắm những gì mà tôi thích, và tiêu xài nó như là mình muốn, nhưng như tôi vẫn thường quan tâm về cuộc đời, thì một chuyện như vậy chẳng thay đổi gì nhiều đối với tôi. Bây giờ, tôi có một cái xe, nhưng vẫn luôn luôn ăn món steaks. Bạn cũng biết đấy, trong túi có nhiều tiền thì thú thật, nhưng vậy là vậy, that’s all. Cái việc kiếm nhiều, hay ít tiền không ảnh hưởng tới cái việc viết của tôi. Tôi viết những cuốn sách, và những cuốn sách làm ra tiền, vậy tốt thôi, tant mieux.

NQT

tanvien.net