gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ


Elfriede Jelinek

Diễn văn Nobel

Bên đường biên giới

Nguyễn Tiến-Văn dịch

 

Có phải viết là cái thiên tư về sự cuộn mình, hay sự quấn quít với thực tại? Người ta mê quấn quít lắm, hẳn thế, nhưng gì xảy đến với tôi vậy kìa? Gì xảy đến với những kẻ thực sự chẳng hề biết thực tại? Nó thực rất bòng bong. Chẳng lược nào, dễ chải cho xuôi. Những nhà văn băng qua nó và vô vọng gỡ tóc họ cho thành một phong cách, vốn mau mắn ám ảnh họ hàng đêm. Có cái gì sái trong cung cách mình phô. Tóc đẹp chất chồng có thể lại xua khỏi ngôi nhà mộng, nhưng chẳng cách gì còn thuần được nữa rồi. Hay buông thõng thêm một lần, cái mạng trước mặt, vừa khi nó rốt cuộc bị khuất phục. Hay dựng đứng vô tâm trong kinh hoàng trước cái thường hằng xảy đến. Nó đơn giản không chịu để cho tươm tất. Nó không muốn chịu. Bất kể bao lần ta chải nó bằng chiếc lược gẫy mấy răng, nó vẫn không chịu. Có điều gì còn kém ổn so với trước. Việc viết, vốn xử lí với cái xảy đến, chạy qua những ngón tay ta giống như thời gian, và không riêng thời gian, suốt khi nó đã được viết, suốt khi đời ngưng. Chẳng ai mất gì nếu đời đã ngưng. Cả cái thời đang sống mà không chết, và kẻ không hề chết đâu. Khi ta còn viết, thời gian đã tìm ra lối vào tác phẩm của những nhà văn khác. Bởi là thời gian, nó có thể làm mọi điều tức thì: tìm ra lối vào tác phẩm của riêng ta và đồng thời vào tác phẩm của những kẻ khác, thổi vào những kiểu tóc bồng tung của những kẻ khác như một làn gió mát dẫu tinh quái, vốn, bốc dậy đột ngột và bất ngờ từ hướng thực tại. Một khi điều gì đã bốc dậy, thì có lẽ nó chẳng vội nằm êm. Cơn gió giận thổi và quét sạch mọi thứ. Và nó thổi mọi thứ cuốn đi, bất kể là đâu, nhưng chẳng bao giờ về lại thực tại này, là cái vốn giả thiết được tái hiện. Mọi nơi, trừ ở đó. Thực tại là cái lẩn dưới lông tóc, dưới váy và chính thế: thổi chúng đi và thành cái gì khác. Làm sao nhà văn có thể biết thực tại, nếu nó là cái nhập vào y và thổi y đi, mãi mãi sang bên lề. Từ đó, một mặt, y có thể nhìn rõ hơn, mặt khác chính y không thể ở lại trên con đường thực tại. Không có chỗ cho y ở đó. Chỗ của y luôn ở ngoài. Chỉ những gì y nói từ bên ngoài mới có thể nắm bắt ở bên trong, và đó là bởi y nói nước hai. Và rồi đã có sẵn hai kẻ thích ngi, hai kẻ mặt mũi trúng cách, họ cảnh báo rằng chẳng có gì xảy ra hết, hai kẻ phân giải thực tại theo những chiều hướng khác nhau, xới không đủ tới đất nền, vốn đã lở từ lâu như răng lược sún. Bên ni hoặc bên nớ. Ðúng hoặc sai. Sớm hay muộn nó cũng đã phải xảy đến thôi bởi đất nền làm nền xây cất hoàn toàn không đủ. Và làm sao ta có thể xây trên một cái hố không đáy cho được? Nhưng sự bất toàn nhập vào tầm nhìn của nhà văn vẫn đủ đầy cho một cái gì đó, mà họ có thể bắt hoặc buông. Họ có thể bắt hoặc buông nó, và họ ắt buông nó. Họ không giết nó. Họ chỉ đăm đăm ngó nó bằng đôi mắt rướm lệ, nhưng nó không trở nên độc đoán vì cái nhìn lệ nhoà này. Cái nhìn nhắm đúng. Bất kể sự gì cái nhìn này chạm tới đều cất tiếng, ngay cả khi nó chìm lỉm, dẫu nó cơ hồ chẳng được ngó ngàng, dẫu nó còn chưa hề được phơi ra trước cái nhìn sắc sảo của công chúng, bất kể sự gì đã được chạm tới đều chẳng hề cất tiếng, rằng nó rất có thể là một cái gì khác, trước khi nó đã ngã gục làm nạn nhân cho chính cái mô tả này. Nó nói lên đúng cái điều tốt hơn bỏ mặc đừng nói ra (bởi lẽ nó đã có thể đã được nói ra hay hơn?), cái điều vẫn đã phải còn là không minh bạch và không nền tảng. Quá nhiều thứ đã chìm lỉm trong nó đến họ đầy cả dạ. Nó là cát lầy, nhưng nó không giục giã cái chi. Nó không nền, nhưng chẳng phải vô căn cứ. Nó là tuỳ bạn thích, nhưng nó chẳng được ai ưa.

 

Những đường biên là phục vụ cho cái đời sống, vốn chính thị không xảy ra ở đó, bằng không chúng ta tất cả hẳn đã chẳng vướng sâu trong nó, trong cái sung mãn, cái đầy ắp của kiếp người, và nó là phục vụ cho sự quan sát về cái đời sống, vốn luôn xảy ra ở một chốn nào khác. Nơi ta không ở. Cớ sao nhục mạ một kẻ nào đó, vì y không tìm ra lối về đường hành trình, của đời sống, của đường đời, nếu y đã gánh vác nó – và sự gánh vác này chẳng phải là gánh vác ai kia, mà cũng chẳng phải là bất cứ cam chịu nào – đơn giản đã tình cờ mang phải nó, như cát bụi trên đôi giầy, mà người nội trợ săn đuổi không thương tình, có chăng chỉ ít nhẫn tâm hơn so với một người ngoài bị dân địa phương săn đuổi. Ðó là loại bụi nào? Phải chăng là bụi phóng xạ hoặc tự hoạt, tôi chỉ đang hỏi, bởi nó lưu lại vệt sáng dị kì này trên đường đi? Phải chăng cái đang chạy song hàng và chẳng hề bắt gặp lại nhà văn, là con đường, hay nhà văn mới là kẻ đang chạy song hàng, sang bên lề. Y chưa qua đời, nhưng hẳn đã băng đường rồi. Từ đó y thấy những kẻ đã chia tay với y, mà cả với nhau nữa, đủ kiểu, để miêu tả họ, trong hoàn toàn cả tin, để tạo hình thức về họ, vì hình thức là điều quan trọng nhất, dù sao, y cũng nhìn thấy họ rõ hơn từ đó. Nhưng rồi, điều ấy cũng bị vạch phấn chống y nữa, vậy phải chăng đó là những vạch phấn chứ không phải là những hạt quang chất vạch dấu con đường viết? Dù gì đi nữa đó là một sự vạch rõ, nó đồng thời trưng và ám rồi sau cẩn trọng che lấp tung tích để lại. Ta chưa hề ở đó. Tuy thế, ta biết sự tình ra sao. Lời lẽ đã từ tấm màn đi xuống, từ những khuôn mặt bết máu quặn đau, từ những khuôn mặt hoá trang, cười ha hả, với những chiếc môi vều bơm sẵn để hoá trang hoặc từ những kẻ khác, họ giải đáp đúng câu hỏi trong một trò đánh đố, hay những cái miệng xạo bẩm sinh, những người đàn bà không có gì để bênh và không có gì để chống, họ đứng dựng và cởi áo khoác để hướng về phía máy hình những bộ ngực mới được làm săn cứng, một thuở đã trui thành thép và thuộc về đàn ông. Thêm nữa bao nhiêu cổ họng tuôn ra những hát ca như thể hơi thở nặng mùi, chỉ ồn ào hơn. Ðó là những gì có thể thấy trên đường, nếu ta còn ở đó. Ta tránh lối con đường. Có lẽ ta thấy nó từ xa, nơi đành lẻ loi, và vui sao, bởi ta muốn thấy con đường, nhưng không muốn bước nó. Phải chăng lối này vừa gây tiếng huyên náo? Phải chăng bây giờ nó muốn thu hút sự chú ý bằng những inh ỏi chứ không phải chỉ bằng những ánh đèn, người ồn ào, đèn ồn ào. Phải chăng con đường, mà ta không thể bước, lại sợ chẳng hề được bước, khi biết bao tội lỗi rốt cuộc đang thường xuyên bị dấn vào, tra tấn, xúc phạm, trộm cắp, hành vi đe doạ, sự đe doạ cần thiết trong sự chế tạo những số phận thế giới có ý ngĩa? Con đường chẳng hề hấn gì. Nó cưu mang mọi thứ, cách vững chãi, dẫu vô căn cứ. Chẳng có nền. Trên nền mất. Tóc tôi, như đã nêu, đang dựng đứng, mà chẳng hề có dầu giữ thẳng đâu, thứ có thể ép nó vững chắc. Bản thân tôi cũng không có vững chắc nào. Chẳng có trên tôi, chẳng có trong tôi. Khi ta ở trên đường biên, ta luôn phải sẵn sàng nhảy một chút, và rồi một chút nữa sang bên lề, vào chỗ hư không, vốn sát cạnh những đường biên. Và những đường biên mang theo hầm sụp suốt bên mình, sẵn sàng bất cứ lúc nào há ngoác dụ ta ra xa thêm. Dụ ra là dụ vào. Xin làm ơn, tôi không muốn bây giờ chẳng trông thấy con đường, trên đó còn chưa có tôi. Tôi mong mỏi sao là mô tả nó một cách lương thiện, và trên hết một cách chân thật và chính xác. Nếu tôi hiện đang đăm đăm ngắm nó, nó cũng nên làm một chút gì cho tôi. Nhưng còn đường này, không miễn gì cho tôi. Nó không dành gì cho tôi. Còn có gì khác sót lại cho tôi? Tôi bị ngăn không hiện hữu trên đường của mình. Tôi khó thể nào mảy may tạo con đường của mình. Tôi ở ngoài, trong khi không đi ra ngoài. Và ở đó, nữa, tôi nhất định muốn có sự bảo vệ chống sự bất định của chính mình, nhưng còn chống cả sự bất định của cái nền, trên đó tôi đang đứng. Nó ruổi rong để làm cho xác định, không chỉ để bảo vệ tôi, cái ngôn ngữ ngay bên cạnh tôi, và kiểm điểm, xem tôi có đang làm nó đúng đắn không, có mô tả thực tại đúng đắn cách sai trái không, bởi nó luôn luôn phải được mô tả cách sai trái, không có lối nào khác, nhưng phải là cách sai trái đến độ bất cứ ai đọc hoặc nge nó cũng lập tức nhận ra cái giả ngay. Những thứ đó là đồ nói láo! Và con chó này, ngôn ngữ, trong giả thiết là để bảo vệ tôi, và đó là lí do tôi có nó, sau cùng, nay đang táp gót tôi. Kẻ bảo vệ tôi muốn cắn tôi. Kẻ bảo vệ duy nhất của tôi chống sự bị mô tả, ngôn ngữ, vốn, ngược lại, hiện hữu để mô tả một cái gì khác, tức cái không phải là tôi – đó là lí do tôi phủ kín ngần ấy giấy – kẻ bảo vệ duy nhất của tôi quay ngược lại tôi. Có lẽ trong mảy may nào tôi giữ nó, cũng chỉ là để trong khi giả bộ bảo vệ tôi, nó lại chồm lên tôi. Bởi tôi đã kiếm tìm sự bảo vệ trong cái viết, cái hữu thể trên đường mình, ngôn ngữ, nó khi vận động, khi nói năng, đã hiện hình như một nơi trú ẩn an toàn, nay quay ngược lại tôi. Chẳng lạ gì, tôi lập tức ngờ vực nó, sau cùng. Cái ấy là lối nguỵ trang nào, nó hiện hữu, không để làm ta vô hình, mà để ngày càng thêm riêng biệt?

 

Ðôi khi ngôn từ tìm thấy chính tự thân trên đường do sơ ý, nhưng nó không ra khỏi đường. Nói bằng ngôn ngữ, đó không phải là tiến trình độc đoán gì, chính ta mới là kẻ vô tình hoá ra độc đoán, dù ta có ưng hoặc không. Ngôn ngữ biết cái nó muốn. Tốt cho nó, bởi tôi không biết, không chẳng chút nào. Nói chuyện, nói năng đại khái tiếp tục nói năng kia kìa bây giờ, bởi luôn có nói năng, nói năng, vô thuỷ vô chung, nhưng chẳng hề có nói lên. Vậy là có nói năng ở kia kìa, bất cứ nơi đâu những kẻ khác đang lưu lại, bởi họ không muốn nấn ná, họ rất bận rộn. Chỉ có họ kia kìa. Không phải tôi. Chỉ riêng ngôn ngữ, đôi lúc dời xa khỏi tôi, đến với nhân dân, không phải lớp nhân dân khác, mà là dời xa đến cái thật, chân chất, trên con đường có lộ tiêu đàng hoàng (ai mà đi lạc được ở đây?), dõi theo từng vận động của họ như một máy chụp hình, để ít nhất ra nó, ngôn ngữ, tìm ra được đời sống ra sao và là gì, bởi khi ấy nó đích xác không phải là thế kia, và về sau, toàn bộ đời sống phải được mô tả, dù trong cái đích xác không phải là nó, chúng ta hãy nói về sự kiện giả thiết, rằng chúng ta phải đi kiểm tra y khoa lại một lần nữa. Nhưng đồng loạt chúng ta thình lình cất lên tiếng nói, với niềm bất khuất thích đáng, như một đấng nào có quyền chọn lựa, hoặc bằng nói lên hoặc bằng không. Dù gì xảy ra, chỉ có ngôn ngữ đi xa lìa tôi, còn bản thân tôi, tôi ở lại xa ngái. Ngôn ngữ đi xa, tôi ở lại, nhưng xa ngái. Không ở trên đường. Và tôi thì không lời.

 

Không, nó vẫn còn đó. Không chừng thuỷ chung nó đã có đó, nó có cân nhắc, nó có thể đè nặng những ai? Bây giờ nó đã nhận ra tôi và lập tức sủa quát tôi, cái ngôn ngữ này. Nó dám lấy cái giọng ra lệnh này với tôi, nó giơ tay đe tôi, nó không ưa tôi. Nó ắt hồ hởi ưa lớp nhân dân quy củ trên đường mà nó chạy kề song song, như vốn là con chó, giả vờ phục tùng. Trong thực tế nó không những chỉ bất phục tùng tôi, mà mọi người khác nữa. Nó chẳng vì ai ngoài chính nó. Nó kêu la suốt đêm, vì chẳng ai đã nhớ, bật lên những ngọn đèn bên đường này, những ngọn đèn chẳng được tiếp liệu gì ngoài mặt trời và không còn cần dòng điện tí nào từ ổ điện, hoặc đã nhớ tìm ra một cái tên lộ tuyến thích ngi cho lộ tuyến. Nhưng nó có quá nhiều tên, đến mức không thể theo sát nổi với toàn bộ việc đặt tên, dù ta có rán sức. Tôi hét xéo qua, trong nỗi cô đơn của mình, giẫm xéo qua những nấm mồ này của những người đã lìa khuất, bởi vì lẽ đang chạy dọc bên rồi, tôi không thể cùng chú tâm tới cái gì tôi đang chà lên, những ai đang đạp xuống, tôi chỉ muốn bề nào cũng tới được nơi mà ngôn ngữ tôi đang ở rồi, và ở đó nó cười mỉm diễu cợt xéo qua tôi. Bởi nó biết rằng, nếu có bao giờ tôi rán sống, nó ắt sẽ ngoéo ngay chân tôi, rồi xát muối vào những vết thương của tôi. Tốt thôi. Vậy tôi sẽ rắc muối trên đường của những kẻ khác, tôi ném nó xuống, để cho băng của họ chảy tan, muối thô, để cho ngôn ngữ của họ mất cái nền vững chắc. Ấy vậy mà nó cũng đã thiếu nền từ lâu. Thật là thứ ngôn ngữ trâng tráo không đáy! Nếu tôi không có nền chắc dưới hai bàn chân, ắt là ngôn ngữ của tôi cũng không thể có được. Cho đáng đời nó! Cớ sao nó đã không chịu ở lại cùng tôi? Nó đã muốn thấy nhiều hơn tôi ư? Trên xa lộ kia kìa, nơi có nhiều người hơn, nhất là nhiều những kẻ dễ ưa hơn, tán gẫu với nhau một cách đãi bôi ư? Nó đã muốn biết nhiều hơn tôi ư? Nó vốn bao giờ chẳng biết nhiều hơn tôi, đúng thế, nhưng nó vẫn còn phải biết nhiều hơn thế. Nó rốt cuộc sẽ giết chính mình vì ăn lấn vào chính mình, ngôn ngữ của tôi. Nó sẽ quá lạm về thực tại. Cho đáng đời nó! Tôi đã nhổ nó ra, nhưng nó chẳng nhổ gì ra cả, nó giỏi việc dằn ép mình. Ngôn ngữ tôi réo gọi tôi vói qua những đường biên, nó thích nhất là réo gọi tới những đường biên, nó không cần phải nhắm cẩn thận như thế, nhưng nó không cần phải, bởi nó luôn trúng đích, không phải bằng việc nói điều này hoặc điều khác, mà là bằng việc cất tiếng nói với “sự khổ hạnh của vô vi”? – như Heidegger [1] nói về Trakl [2] . Nó gọi tôi, ngôn ngữ đấy, ngày nay bất cứ ai cũng có thể làm điều ấy, bởi mọi người luôn mang theo ngôn ngữ của mình quanh họ trong một chiếc máy con để họ có thể nói, họ còn học nó làm gì? Vậy là nó gọi tôi nơi tôi đang mắc bẫy và kêu gào, và vùng vẫy, nhưng không, không đúng, ngôn ngữ tôi không phải đang gọi đâu, cả nó cũng đi rồi, ngôn ngữ tôi đã đi khỏi tôi, đó là lí do nó phải gọi, nó hét trong tai tôi, bất kể là từ máy con nào ra, một máy điện toán, một điện thoại di động hay một trạm điện thoại công cộng, từ đó nó rống vào trong tai tôi, rằng chẳng tích sự gì khi nói lớn một điều nào, bề gì nó cũng đang làm việc đó rồi, tôi chỉ nên đơn giản nói điều gì nó bảo tôi, bởi còn vô tích sự hơn khi ít nhất một lần nói lên những gì trong tâm mình với một người thân, kẻ đã gục ngã đương trường và là người ta có thể tin cậy, vì y đã ngã và sẽ không đứng dậy mau lẹ lắm đâu, để rượt theo ta và, vâng, để tán gẫu sơ sơ. Vô tích sự. Những lời lẽ của ngôn ngữ tôi kia kìa trên đường vui (tôi biết nó vui hơn của tôi, vốn thực sự chẳng đường lối mảy may, nhưng tôi không thể thấy nó rành rành, nhưng tôi biết, rằng tôi nữa ắt cũng muốn ở đó), những lời lẽ của ngôn ngữ tôi đã, vì vậy, trong khi chia lìa khỏi tôi, lập tức trở thành một sự nói thẳng. Không, phải nói chuyện cho ra lẽ với ai. Một sự nói thẳng. Nó lắng nge tự thân khi nói thẳng, ngôn ngữ tôi, nó tự tu sửa, bởi sự nói lên vẫn còn có thể cải thiện bất cứ lúc nào; vâng, nó luôn luôn có thể được cải thiện và rồi tạo một quy củ ngữ học mới, nhưng rồi chỉ để có thể lập tức lại lật nhào các quy luật. Vậy đó sẽ là đường lối mới cho giải thoát, tất nhiên tôi ý nói giải pháp. Một giải quyết chóng vánh. Xin làm ơn, ngôn ngữ thân thương ơi, mi không muốn một lần mà thôi trước hết lắng nge sao? Ðể cho mi học một điều gì, để cho mi rốt cuộc học quy luật của nói rằng... Mi đang la lối và càu nhàu về chuyện chi kia kìa? Phải mi đang làm thế, ngôn ngữ ơi, để cho ta lại ân cần thâu nhận mi? Ta đã ngĩ, mi đã không hề muốn trở về cùng ta! Chẳng có dấu hiệu nào, rằng mi đã muốn trở về cùng ta, đằng nào ắt cũng là vô tích sự, ta ắt đã chẳng hiểu ra cái dấu hiệu. Mi chỉ đã thành ngôn ngữ là để lìa xa ta và để bảo đảm rằng ta tiếp tục ư? Nhưng chẳng có gì được bảo đảm. Và không hề vì mi như ta biết rành mi. Ta còn không nhận ra mi nữa. Mi muốn trở lại cùng ta do chính người tự đồng tình ư? Ta sẽ không thâu nhận mi nữa, mi nói sao về chuyện đó? Lìa xa là lìa xa. Lìa xa là hết đường. Vậy nên nếu nói cô đơn của tôi, nếu sự vắng mặt thường hằng của tôi, sự hiện hữu không gián đoạn của tôi trên những đường biên đích thân kiếm tìm lại ngôn ngữ, để cho nó, được tôi chăm sóc cẩn thận, sau chót đã về nhà, với một thanh âm đẹp, mà nó có thể thốt lên, rồi chuyện chỉ xảy ra, để cho với thanh âm này, tiếng hú rền tẩm nhập, xuyên thấu của một long nữ, cuốn bay theo gió, nó có thể đẩy tôi xa hơn, mãi xa nữa khỏi những đường biên. Bởi vì sự phản hồi của ngôn ngữ này, mà chính tôi sản sinh ra và nó đã chạy lìa xa tôi (hay tôi đã sản sinh nó vì mục đích ấy? Ðể cho nó lập tức chạy lìa tôi, bởi tôi đã không xoay xở được để chạy lìa chính tôi kịp thời chăng?), tôi bị săn đuổi ngày càng sâu hơn vào cõi vượt những đường biên. Ngôn ngữ tôi đang đầm mình cực lạc trong ao bùn của nó, nấm mồ nhỏ tạm trên đường, và nó ngó lên ngắm nấm mồ trên không, nó nằm ngửa đầm mình, một sinh vật bằng hữu, nó ắt là ưa làm con người hoan lạc như bất cứ ngôn ngữ khả kính nào, nó đầm mình, giang rộng đôi cẳng, chắc hẳn để được vỗ về, còn cớ nào khác đâu. Nó tham lam mơn trớn, nói cho cùng. Ðiều đó ngăn nó đăm đăm dõi ngắm kẻ chết, vậy nên tôi phải dõi ngắm họ thay vào đó, và dĩ nhiên rốt cuộc xuống đến tôi. Nên tôi đã chẳng có thời gian nào mà kiềm chế ngôn ngữ mình, nó hiện vô liêm sỉ lăn mình dưới những bàn tay của những kẻ mơn trớn. Ðơn giản là có quá nhiều người chết, những kẻ tôi phải chăm nom, đó là một từ kĩ thuật tiếng Áo cho: những kẻ tôi phải săn sóc, những kẻ tôi phải đối xử tử tế, nhưng vả lại chúng tôi nổi danh về việc ấy, về việc luôn đối xử mọi người tử tế. Thế giới đang trông vào chúng tôi, không cần gì phải lo. Chúng tôi không phải để tâm gì đến điều ấy. Tuy nhiên iêu cầu này, việc ngó ngàng đến kẻ chết, càng vang rõ trong tôi, thì tôi càng ít có thể chú tâm tới lời lẽ của mình hơn, trong khi đồng thời những kẻ đi dạo đang ve vuốt cái ngôn ngữ thân thương thuở nào và nựng cằm nó, điều chẳng làm cho người chết bớt nhăn răng. Không ai đáng bị trách. Ngay cả tôi, rối bời cả người lẫn mái tóc, cũng không đáng trách về việc kẻ chết vẫn chết. Tôi muốn ngôn ngữ kia kìa rốt cuộc chấm dứt việc tự thân làm nô lệ của những bàn tay các kẻ xa lạ, cho dù nó cảm thấy thoải mái đến đâu, tôi muốn rằng, nó khởi sự bằng việc chấm dứt nêu những đòi hỏi, mà chính nó trở thành một đòi hỏi, rằng rốt cuộc nó ngước mặt, không phải để đón những vuốt ve, mà đón một đòi hỏi trở lại cùng tôi, bởi ngôn ngữ luôn luôn phải ngước mặt, chỉ là không phải luôn luôn biết điều đó, và không lắng nge tôi. Nó phải ngước mặt, bởi người ta muốn thu nạp nó thay vì thu nạp một đứa trẻ, nó thật đáng iêu, nếu ta iêu nó. Vì thế người ta chẳng bao giờ ngước mặt, họ quyết định, họ không đáp lại những lời kêu gọi, nhiều kẻ còn tức khắc huỷ diệt, xé tan, thiêu đốt cả lệnh triệu tập vào xã hội tính, luôn cả ngọn cờ kèm theo: vậy là càng thêm người tiếp đón lời mời của ngôn ngữ tôi để gãi bụng nó, để vỗ xoa đâu đó, để iêu dấu thu nhận sự thân hữu, thì tôi càng trượt xa, rốt cuộc tôi mất ngôn ngữ mình cho những kẻ đối xử với nó tốt hơn, tôi hầu như bay, trên trái đất đâu là lối này, mà tôi cần để vội đáp xuống? Cách nào tôi tới đâu để làm gì? Cách nào tôi tới được chỗ, nơi tôi có thể tháo gỡ đồ ngề của mình, nhưng trong thực tế có thể thu dọn đồ ngề trở lại? Kia kìa có cái gì sáng lấp lánh dưới cành cây, phải chăng đó là chỗ, nơi ngôn ngữ tôi thoạt tiên tâng bốc những kẻ khác, ru họ vào một cảm giác an toàn, chỉ để cho chính nó được thân thương ru trở lại rốt cuộc ít ra một lần? Hoặc phải chăng nó muốn táp nữa? Nó luôn luôn chẳng muốn làm gì ngoài việc cắn, chỉ là những kẻ khác chưa biết nó đâu, nhưng tôi biết nó rất rành, nó đã ở cùng tôi một thời gian dài. Trước tiên là những âu iếm và những thầm thì êm ái vớ vẩn với con vật dường như thuần hoá này, mà ai ai dẫu sao cũng có tại nhà, vì sao họ chịu đem một con thú lạ lẫm vào nhà? Vậy ngôn ngữ này lại có khác chút gì so với cái họ đã biết rồi? Và nếu nó khác, thì có lẽ đem nó vào có thể nguy hiểm. Có lẽ nó sẽ không thuận hảo với cái thứ họ đã có sẵn. Những kẻ lạ thân thiện càng nhiều – những kẻ biết cách sống, tuy nhiên còn xa xôi lắm với việc biết đời sống của họ, bởi họ theo đuổi những ý hướng ve vuốt, vì họ luôn phải theo đuổi một cái gì – thì cái nhìn của tôi càng không nhìn thấy rõ đường qua ngôn ngữ nữa. Muôn dặm chứa chan [3] . Ai khác có thể nhìn thấy qua sự vật, nếu không là cái nhìn. Cái nói muốn chiếm cứ luôn cả cái nhìn chăng? Nó muốn nói, ngay cả trước khi nó đã nhìn chăng? Nó đầm mình đằng kia, được những bàn tay mò mẫm, được những ngọn gió lô xô, được những bão táp ve vuốt, và bị rủa sả khi lắng nge cho tới khi nó ngưng hết cả lắng nge. Hầu hết ai ai cũng chẳng được lắng nge, mặc dù họ nói. Tôi được lắng nge, mặc dù ngôn ngữ tôi không thuộc về tôi, mặc dù tôi khó có thể nhìn thấy nó nữa. Nhiều điều đã được nói chống nó. Vậy nên nó không có nhiều để nói cho chính mình, cũng tốt thôi: nó được lắng nge, khi nó chậm rãi nhắc lại, trong lúc đâu đó có một nút đỏ được nhấn, nút này phát động một vụ nổ khủng khiếp. Chẳng còn gì để nói ngoài: lạy Cha chúng tôi, ngài ở. Nó không thể hàm ngĩa tôi, mặc dù rốt ráo tôi là cha, tức là: mẹ, của ngôn ngữ tôi, tôi là người cha của tiếng mẹ đẻ. Tiếng mẹ có đó từ thuở ban sơ, nó đã ở trong tôi, nhưng không có cha nào ở đó, kẻ có thể đã thuộc về nó. Ngôn ngữ tôi đã thường khi không hợp thức, điều đó thường khi được vạch khá rõ cho tôi, nhưng tôi đã không muốn tiếp lấy ngụ ý. Lỗi tại tôi. Cha tôi rời cái gia đình hạt nhân này cùng tiếng mẹ kèm theo. Cha đã đúng. Vào địa vị ông tôi ắt cũng không nán lại. Bây giờ tiếng mẹ tôi đã đi theo cha tôi, nó kết liễu rồi. Như đã nêu, nó hiện kia kìa. Nó đang lắng nge người ta trên đường. Trên đường của cha, người đã đi quá sớm. Hiện ngôn ngữ ấy biết được một điều gì đó, mà bạn không biết, mà cha đã không biết. Nhưng nó càng biết bao nhiêu, nó càng nói ít bấy nhiêu. Hiển nhiên, nó thường hằng nói một điều gì đó, nhưng nó chẳng đang nói gì cả. Và nỗi niềm cô đơn đang từ biệt. Nó không còn cần thiết nữa. Chẳng ai nhìn thấy, rằng tôi còn ở bên trong, trong sự cô đơn. Tôi không được đoái hoài. Có thể tôi được vinh danh, nhưng tôi không được đoái hoài. Cách nào tôi có thể đảm bảo rằng tất cả những lời lẽ này của tôi nói một điều gì đó, có thể nói một điều gì đó cho chúng ta? Tôi không thể làm việc ấy bằng cách cất tiếng nói. Thực tình ngay cả cất tiếng tôi cũng không thể, bởi ngay bây giờ bất hạnh thay ngôn ngữ tôi không ở tại nhà. Kia kìa nó nói một điều gì khác, mà vốn tôi đã chẳng iêu cầu nó nữa, nhưng nó đã quên phứt mệnh lệnh của tôi từ lúc khởi đầu. Nó không bảo tôi hay, dù nó thuộc về tôi, rốt ráo ra. Ngôn ngữ tôi không bảo tôi gì hết, vậy làm sao nó bảo những ai khác điều gì được? Nhưng chẳng phải nó không nói gì, bạn phải thừa nhận điều ấy! Nó càng nói nhiều hơn, khi nó càng lìa xa khỏi tôi, đúng thực, chỉ khi ấy nó mới dám nói điều gì, mà tự thân nó muốn nói, khi ấy nó dám bất phục tùng tôi, đề kháng tôi. Khi ta nhìn, ta càng dời xa khỏi đối tượng, khi ta càng nhìn nó cho lâu. Khi ta nói, ta chụp bắt nó trở lại, nhưng ta không thể giữ chặt nó. Nó giằng mình tách ra và hối hả theo sự gọi tên của chính nó, bao nhiêu là lời lẽ tôi đã tạo và đã mất. Lời lẽ đã được trao đổi quá thường khi, tỉ suất hối đoái thì tệ không thể ngờ nổi, và rồi chẳng khác hơn: không thể ngờ nổi. Tôi nói một điều gì, và rồi nó đã bị lãng quên ngay từ lúc khởi đầu. Ðó là cái nó đã tranh thủ, nó đã muốn lìa xa khỏi tôi. Ðiều không thể nói lên được nói lên hàng ngày, nhưng điều tôi nói, đó là điều không được phép. Ðó là ti tiện so với điều đã được nói lên. Ðó là ti tiện không thể ngờ được. Ðiều được nói lên còn ngay cả không muốn thuộc về tôi. Nó muốn kết liễu để cho ta có thể nói: đã nói và kết liễu. Tôi ắt còn phải hài lòng, nếu nó phủ nhận sự thuộc về tôi, ngôn ngữ tôi, tuy nhiên nó phải nên thuộc về tôi. Làm sao tôi có thể đảm bảo, rằng ít ra nó có chút gắn bó với tôi? Rốt cuộc chẳng gì đeo đẳng với những kẻ khác, vậy nên tôi hiến mình cho nó. Trở lại! Làm ơn trở lại! Nhưng không. Kia kìa trên đường nó, ngôn ngữ tôi, đang lắng nge những bí mật, mà tôi giả thiết không được biết, và nó truyền những bí mật này cho những kẻ khác họ vốn không muốn nge. Tôi lại muốn lắm, nó ắt là cái quyền của tôi, thực tình như thế, nó ắt sẽ êm xuôi, nếu bạn muốn, nhưng nó không đứng im, và nói với tôi, nó cũng không làm điều ấy nữa. Chính trong chỗ chân không vượt trổi và tự biện biệt với tôi, nơi đó có rất nhiều thực hữu. Chân không là đạo. Tôi còn ở trên những đường biên của chân không. Tôi đã lìa đường. Tôi đã chỉ nói những điều theo một kẻ khác. Nhiều điều đã được nói về tôi, những chẳng mảy may là đúng. Bản thân tôi cũng chỉ đã nói những điều kẻ khác đã nói, và tôi nói: bây giờ mới là cái thực sự được nói. Như tôi nói: đơn giản là không thể ngờ nổi! Ðã lâu lắm từ khi nhiều điều đến thế đã được nói. Sự lắng nge của ta không thể nào giữ vững thêm nữa, mặc dù ta phải lắng nge, để cho có thể làm được điều gì. Trong chiều hướng này vốn thực tế là một sự nhìn ra, ngay cả một sự nhìn ra xa lìa khỏi tôi, chẳng có gì để nói về tôi, chẳng có gì để nói, chẳng có gì để nói nữa. Tôi luôn chỉ ngắm nhìn cuộc đời, ngôn ngữ tôi quay lưng lại với tôi, để cho nó có thể phơi bụng cho những kẻ lạ ve vuốt, vô liêm sỉ đối với tôi nó chỉ phô trương, nếu có mảy may nào. Quá thường khi nó không cho tôi một dấu hiệu nào và cũng chẳng nói gì. Ðôi khi tôi còn không thấy nó kia kìa nữa, và bây giờ tôi còn không thể nói “như đã từng nói” nữa, bởi trong khi tôi đã nói nó khá thường rồi, bây giờ tôi không thể nói nó nữa, tôi lạc mất lời rồi. Ðôi khi tôi nhìn thấy lưng hoặc lòng của những bàn chân, trên đó chúng không thể thực sự biết đi, những lời lẽ, nhưng còn mau lẹ hơn khả năng tôi có thể trong một thời gian dài và ngay cả bây giờ. Tôi đang làm gì ở đó? Phải chăng đó là lí do ngôn ngữ thân thương của tôi đã nằm xuống phần nào xa cách tôi? Dĩ nhiên, cách đó nó sẽ luôn luôn mau lẹ hơn tôi, nhảy bổng và chạy tuốt, khi tôi đi băng ngang đến nó từ chỗ làm việc của mình, để kiếm nó. Tôi không biết, tại sao tôi phải kiếm nó. Ðể cho nó khỏi kiếm tôi? Có lẽ nó, kẻ đã chạy xa khỏi tôi, biết? Kẻ nào không theo tôi? Kẻ bây giờ theo những người khác. Chẳng vì lí do gì khác, ngoại trừ họ là những người khác. Ðiều đó tạm đủ cho sự nói lên của tôi. Ðiều chính iếu là, tôi không làm điều đó: nói lên. Những kẻ khác, luôn luôn là những kẻ khác, vậy là đó không phải là tôi, người thuộc về nó, ngôn ngữ ngọt ngào. Tôi hẳn rất thích vỗ về nó, giống như những kẻ khác kia kìa, nếu tôi có thể chụp bắt được nó. Nhưng mà nó ở kia kìa, vậy nên tôi không thể chụp bắt được nó.

 

Khi nào nó sẽ âm thầm chuồn đi? Khi nào cái gì đó sẽ chuồn đi, để có im lặng? Ngôn ngữ kia kìa cùng chuồn đi, nó càng có thể nge ra lớn tiếng hơn. Nó ở trên mỗi mọi người. Tâm trí tôi mờ mịt. Tôi chưa ngất đi, nhưng tâm trí tôi mù mịt. Tôi bị mòn mỏi vì việc ngắm nhìn ngôn ngữ như một ngọn hải đăng bên biển, nó được giả thiết soi sáng cho ai đó đường về nhà và vì vậy đã tự nó thắp lên, và khi nó xoay nó luôn luôn phơi mở một điều gì khác khỏi bóng tối, nhưng bề gì nó cũng ở đó, dù có thắp sáng hay không, nó là một ngọn hải đăng, nó không giúp bất kì ai, dù người đó tha thiết muốn đến đâu rằng nó giúp để khỏi bị chết trong nước. Tôi càng cố mường tượng ra nó bao nhiêu, thì nó càng bướng bỉnh không chịu lụi tắt, ngôn ngữ, bây giờ tôi máy móc tắt đi ngọn đèn ngôn ngữ này, tôi chuyển sang ngọn đèn hoa tiêu, nhưng tôi càng chính mình chụp lên nó, một cái lụi đèn ở chóp một cây cần dài, mà trong thời thơ ấu của tôi những ngọn nến trong nhà thờ được dập tắt, tôi càng cố dập ngọn lửa này, thì nó dường như càng có khí trời. Và nó càng la to, cuộn mình dưới hàng ngàn bàn tay, điều làm nó khoan khoái, điều bất hạnh thay tôi chưa hề làm, tôi không biết, điều gì sẽ làm tôi khoan khoái, vậy nên nó đang la to bây giờ, để nó có thể vuột khỏi tôi. Nó la với những kẻ khác, để cho họ cũng tham dự nữa và la to như nó, để cho tiếng ồn trở thành lớn hơn. Nó thét, rằng tôi không được tới gần quá. Không ai nên tới gần quá bất cứ kẻ nào khác. Và những gì đã được nói cũng không nên tới quá gần điều ta muốn nói. Ta không nên tới quá gần ngôn ngữ của chính mình, đó là một sự lăng nhục, nó hoàn toàn có thể lập lại điều gì sau tự thân, ồn tới chói tai, để cho không ai nge ra, rằng điều nó nói, trước đây đã được tụng đọc cho nó, nó còn hứa với tôi những điều, để cho tôi sẽ lánh xa nó. Nó hứa với tôi mọi điều, nếu tôi chỉ cần đừng tới quá gần nó. Hàng bao triệu người đọc cho phép tới gần nó, trừ tôi! Nhưng nó là của tôi! Bạn ngĩ sao về điều đó. Tôi chỉ không thể bảo với bạn, những gì tôi ngĩ về điều đó. Ngôn ngữ này ắt đã phải lãng quên thuở ban sơ của nó, tôi không cón giải thích nào khác. Với tôi nó đã khởi đầu bé bỏng. Không, giờ nó lớn bao nhiêu, tôi không thể bảo cho bạn đâu! Như vầy tôi không còn không nhận ra nó được. Tôi đã biết nó, khi nó chỉ cao chừng này. Khi nó còn lặng lẽ chừng ấy. Khi ngôn ngữ còn là con của tôi. Giờ thình lình nó đã hoá ra khổng lồ. Ðó không phải còn là con tôi nữa. Ðứa trẻ chưa trưởng thành, chỉ mới lớn ra, nó không biết rằng nó còn chưa lớn hơn tôi, nhưng nó đã tỉnh thức. Nó tỉnh thức đến nỗi, rằng nó nhận chìm chính nó bằng tiếng khóc, và bất cứ ai khác to hơn nó. Rồi nó xoáy lên thành một cao độ, không thể ngờ. Hãy tin tôi đi, bạn thực sự không muốn nge nó! Cũng vậy, xin đừng tin rằng tôi hãnh diện về đứa con này! Thoạt khởi đầu của nó tôi đã muốn nó vẫn im lìm như khi nó còn chưa có tiếng nói. Ngay cả bây giờ, tôi không muốn nó cuốn qua một vật gì như thể một cơn dông, làm cho những kẻ khác còn rống to hơn nữa và giơ những cánh tay của họ lên và ném những vật cứng, là những thứ ngôn ngữ tôi không còn có thể nắm bắt nổi, lỗi tại tôi nữa là tôi đã luôn luôn thiếu tính thể thao. Nó không thể chụp bắt. Nó có thể ném nhưng không thể chụp bắt. Tôi vẫn còn bị cầm tù trong nó, ngay cả khi nó ở xa. Tôi là người tù của ngôn ngữ tôi, nó là kẻ canh ngục. Nực cười – vì nó còn không thèm để mắt ngó ngàng tới tôi! Phải chăng vì nó quá đinh ninh về tôi? Phải chăng nó quá đinh ninh, rằng tôi không chạy mất là cái lí do nó tin tưởng, nó có thể bỏ mặc tôi? Có kẻ nào đang tới đây, người đã chết rồi, và y trò chuyện với tôi, mặc dù điều đó không dự trù cho y. Y được phép, nhiều người chết bây giờ đang cất lên những tiếng nói ngẹn ngào, bây giờ họ dám, bởi vì ngôn ngữ của riêng tôi không còn để mắt canh chừng tôi. Bởi nó biết, điều đó không cần thiết. Dù cho nó chạy xa tôi, tôi cũng sẽ không vuột khỏi đôi bàn tay của nó. Tôi ở ngay trong tầm tay nó, nhưng nó đã vuột khỏi đôi tay tôi. Nhưng tôi ở lại. Nhưng cái ở lại, những nhà văn không tạo nên. Cái ở lại đã đi mất rồi. Ðường bay của tưởng tượng bị cắt. Không gì và không ai đã tới. Vì nếu tuy, ngược mọi lí lẽ, không mảy may gì đã tới, thì một chút hẳn còn mong ở lại, và rồi cái ở lại, ngôn ngữ, là cái phù du nhất trong tất cả, đã biến đi. Nó đã đáp lời cho một quảng cáo trống không của tình thế mới. Cái đáng ở lại, luôn đi mất. Dù sao đi nữa nó cũng không có đó. Vậy cái còn lại cho ta là

 
Dịch từ bản tiếng Anh (do Martin Chalmer dịch từ bản gốc tiếng Ðức)

 

-------------------------------------------------------------------------------

[1]] Martin Heidegger (1889 - 1976) triết gia Ðức – cùng với Wittgenstein (1889 -1951) và Derrida (1930 - 2004) được coi là ba triết gia lớn nhất thế kỉ 20.

[2]Georg Trakl (1887 - 1914) thi sĩ Áo, thường được coi là một trong những nhà thơ viết bằng tiếng Ðức đẹp nhất trong thế kỉ 20. Khuynh hướng đi từ Ấn tượng qua Biểu hiện. Viết chuyên về mùa thu, hoàng hôn, điêu tàn. Ông và em gái là Margarete quan hệ cực mật thiết đến có con với nhau. Cả hai đều ngiện ma tuý. Ông đem vào thơ cảm nhận sâu sắc về tội lỗi và cứu chuộc. Tiếng nói tối hậu của ông là kêu cầu em gái giải thoát cho mình. Những bài thơ cuối cùng của ông viết về chiến tranh như thứ hình phạt cho loài người bị nguyền rủa. Kinh hoàng trước cảnh tượng tàn sát trong Thế Chiến, ông toan tự sát và đã kết liễu bằng việc dùng ma tuý quá liều lượng. Người em gái dùng súng tự sát năm 1917.

[3]Trong nguyên bản ba từ này dùng tiếng Mĩ “Miles and more” là lời quảng cáo của hàng trăm hãng hàng không du lịch toàn cầu.

 

Nguồn: http://nobelprize.org/literature/laureates/2004/jelinek-lecture-e.html