Viết nhỏ
Tháng 10 15,
2013
Phạm Thị
Hoài
Có hai nhà
văn nữ mà tôi đọc dồn dập trong một đoạn đời đọc và đời sống của mình.
Người thứ
nhất là Patricia Highsmith. Người thứ hai là Alice Munro.
Gần chục tác
phẩm của Patricia Highsmith tôi đọc trong hai năm, từ sáu giờ rưỡi đến
bảy giờ
rưỡi sáng. Hàng ngày con trai tôi tập võ buổi sáng từ sáu giờ đến bảy
giờ ở sân
vận động gần nhà. Tôi đánh thức con, đưa đi, về chuẩn bị bữa sáng và
trong khi
chờ chàng võ sĩ hoàn thành nghi thức mở đầu một ngày rồi tắm rửa, ăn
sáng và nhảy
chân sáo đến trường, tôi có thời gian cho vài chục trang tiểu thuyết.
Tôi thường
kể lại những tình tiết vừa đọc và nêu thắc mắc. Chàng thường bình luận,
mẹ đừng
lo, sáng mai vào giờ này chúng ta sẽ khôn hơn. Cuối tuần và những ngày
dưới 5 độ
âm, thầy trò nhà Thiếu Lâm nghỉ, sách của Patricia Highsmith dừng theo.
Rồi dừng
hẳn, khi chàng trai vẫn quá bé bỏng của tôi nhất định thấy mình đủ lớn
để không
cần mẹ tháp tùng.
Khi bước ngoặt
trong cuộc sống riêng của tôi bắt đầu hiện rõ, tôi khuân về tất cả
Alice Munro
tìm thấy trong thư viện, đặt lên chiếc gối ở phần giường bỏ trống bên
trái cho
nó đỡ phồng. Mỗi đêm một câu chuyện, toàn chuyện về đàn bà, rồi không
có ai xoa
lưng giấc ngủ cũng đến. Truyện cuối cùng của bà, tôi đọc gần sáu năm
trước, tên
trong nguyên bản là Runaway. Chiếc gối bên trái đã có chủ.
Cả hai là những
người kể chuyện. Một người kể về những hành vi đàn ông khác thường, một
người kể
về những mảnh đời đàn bà bình thường nhất. Một người tường thuật sự
thản nhiên
của tội phạm, một người diễn tả sự ám ảnh của lỗi lầm. Một người nhìn
sâu vào
những đường nứt trong nhân cách, một người chú mục vào những ngả rẽ
chập chờn của
số phận. Một người thăng hoa thể loại truyện hình sự, một người đội lại
cho
truyện ngắn chiếc vương miện đã nhiều lần rơi.
Nếu có thể
đơn giản chia các nhà văn thành hai trường phái, một bên dùng ngôn ngữ
để miêu
tả thế giới, một bên dùng ngôn ngữ để dựng nên thế giới, thì Alice
Munro, chủ
nhân giải Nobel năm nay, thuộc trường phái thứ nhất. Tôi nghiêng về
trường phái
thứ hai. Bà không biết phải làm gì với William Faulkner, một trong
những tác giả
tôi ngưỡng mộ. Tôi không biết phải làm gì với Carson McCullers, một
trong những
tác giả bà cảm phục. Tôi sẽ không chọn Alice Munro nếu bị lưu đày ra
một hòn đảo
vắng mà chỉ được đem theo một cuốn sách. Nhưng tôi mừng và biết ơn là
đã đọc
bà. Thế giới văn chương mênh mông, gặp được một người như bà là may mắn.
Bà là bậc thầy
của một phong cách: phong cách phi phong cách, phong cách tác giả giấu
mặt.
Không có gì tiết lộ người kể chuyện, người vừa biết hết vừa không can
dự và tự
phi tang. Mô hình đối lập hoàn hảo với bà là William Gass, cũng một nhà
văn Bắc
Mỹ, năm nay 89, hơn bà 7 tuổi, người chủ trương sự hiện diện triệt để
của tác
giả như yếu tố thiêng liêng nhất của văn bản văn học. Ông coi sự giải
thể tác
giả như tín hiệu suy tàn của một uy quyền, một thế lực thần học, chẳng
khác gì
Thần Zeus bỗng bị lột sạch vũ khí sấm chớp, tuy còn ngự trên đỉnh
Olympus nhưng
ngủ trong xe thùng và đun nấu bằng bếp ga.
Tôi phải thú
nhận, tác phẩm để đời, viết ròng rã 30 năm của William Gass, tiểu
thuyết ngàn
trang Đường hầm (The Tunnel), hai năm nay tôi đọc dở và hứng thú đọc
tiếp ngày
càng ít đi, mặc dù có một số điều ở đó – nói ra thì thật không công
bằng – có
thể khiến tôi đánh đổi rất nhiều trang Alice Munro cộng lại. Bà không
có một
magnum opus nào hết. Mọi truyện của bà đều không quá 40-50 trang, viết
khi con
ngủ, nghĩ khi gọt khoai tây. Bà viết nhỏ.
Văn chương,
theo Paul Valéry, là nghệ thuật đùa với tâm hồn người khác. Có người
đùa bằng sức
mạnh của ngôn ngữ. Có người đùa bằng trí tuệ siêu phàm. Bằng kiến văn
bao la. Bằng
trí tưởng tượng rực rỡ. Bằng năng lực đi trước hoặc năng khiếu đi cùng
thời đại.
Bằng cảm xúc và cảm hứng. Bằng thủ pháp hay thủ đoạn. Bằng thử nghiệm
hay những
mớ thần kinh cách điệu… Tất cả những thứ ấy không có chỗ trên những
trang viết
nhỏ của Alice Munro. Chúng lùi hẳn ra xa, rất xa, để toàn bộ tâm trí
chúng ta,
người đọc, được tập trung vào phần cốt lõi không trang sức, được cuốn
vào những
câu chuyện mà bà kể bằng một giọng văn truyền thống và một ngôn ngữ hết
sức giản
dị. Nhiều lần đọc xong một truyện của bà, tôi thầm ghen tị. Phải bền
bỉ, tinh tế
quan sát cuộc đời và tôn trọng mọi khả năng hiện hữu của nó tới mức
nào, phải từng
trải và biết kiểm soát mình tới mức nào, phải tôi luyện tay nghề tới
mức nào mới
có thể kể được một câu chuyện như thế.
Hầu hết là
chuyện của những người đàn bà trong những khoảnh khắc quyết định bước
đi này
hay bước đi kia của số phận. Hạnh phúc thì ngắn ngủi và vô định. Bất
hạnh dài gấp
đôi. Song với tất cả sự không khoan nhượng, người kể chuyện lão luyện
Alice
Munro không bỏ mặc người đọc cho bi quan. Tôi vốn rất dè chừng với cái
gọi là
chức năng nâng đỡ tâm hồn của văn chương. Nhưng thuở ấy, sau mỗi đêm
đọc Alice
Munro, sáng dậy hình như tôi đã nhìn cuộc đời đang khá vô định của mình
điềm
tĩnh hơn một chút.
PTH